10.9.20

Thomas Philippon, nhà kinh tế học Pháp, người muốn đánh thức nước Mĩ + Nước Mĩ không còn là đất nước của sự cạnh tranh tự do

THOMAS PHILIPPON, NHÀ KINH TẾ HỌC PHÁP, NGƯỜI MUỐN ĐÁNH THỨC NƯỚC MỸ

Ở tuổi 44, giáo sư tài chính tại Đại học New York đã chứng minh bằng số liệu, quá trình các-ten hóa nền kinh tế ở Hoa Kỳ.
Arnaud Leparmentier • Đăng ngày 15 tháng 4 năm 2019
Khi đến Boston để làm luận án tiến sĩ tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) vào năm 1999, Thomas Philippon, người cựu sinh viên trẻ tuổi trường Bách khoa, cảm thấy mình như đang ở trên thiên đường. Dù sao thì cũng là thiên đường của người tiêu dùng: trong những năm kinh tế hưng thịnh dưới thời chính quyền Clinton, máy tính xách tay rẻ hơn khá nhiều so với ở châu Âu, phí kết nối Internet thời sơ khai rất rẻ, và khi cần đi dự một cuộc hội thảo, Thomas Philippon đi bằng máy bay, giống như tất cả các sinh viên khác. Sau đó, từ từ, mọi thứ đã thay đổi: hai mươi năm sau, phí thuê bao điện thoại di động và Internet đắt hơn khá nhiều so với ở châu Âu, giá vé máy bay thì quá cao, và không ai mang thiết bị máy tính từ Hoa Kỳ về nước mình nữa. Sự trôi dạt này diễn ra một cách tuần tự, đến mức người Mỹ không thực sự nhận ra.
Thomas Philippon tiếp chúng tôi trong văn phòng của ông tại Đại học New York, ở trung tâm thành phố Manhattan, đã so sánh số phận của người tiêu dùng Mỹ với số phận của con ếch: truyền thuyết (sai lầm) cho rằng, khi bỏ con ếch vào nước sôi, thì nó nhảy ra và trốn đi, nhưng khi bỏ con ếch đó vào một chậu nước lạnh và đun trên bếp, thì nó thiếp đi và để tự bị đun chín mà không phản ứng gì - giống như người tiêu dùng Mỹ, trong hai mươi năm qua, đã không nhận ra rằng giá cả đã tăng. Nhà kinh tế học người Pháp giải thích, trong một cuốn sách sẽ được xuất bản vào tháng 9 tại Hoa Kỳ, The Great Reversal (“Sự đảo chiều vĩ đại”), “Nước Mỹ đã từ bỏ thị trường tự do như thế nào” và đã các-ten hóa nền kinh tế Mỹ như thế nào. Một phân tích tài tình, đưa Hoa Kỳ vào chính chiếc bẫy của cương lĩnh tư bản chủ nghĩa của họ: Thomas Philippon đã dạy cho họ những phẩm chất của chủ nghĩa tự do.

Cách đây vài năm, Philippon là một trong số những “nhà kinh tế học trẻ tuổi” được Câu lạc bộ các nhà kinh tế và báo Le Monde (2009) chọn, ông cũng là một trong số 25 nhà kinh tế học trẻ tuổi được IMF (2014) vinh danh. Giờ đây, ông đã 44 tuổi và là một giáo sư về tài chính. “Tôi là chủ nhiệm bộ môn từ năm 2018. Tôi là một lão già thần thế, vì vậy tôi có thể lải nhải”, theo lời nói đùa của gã khoẻ mạnh, cao lớn và thể thao này, người coi quy chế không thể thuyên chuyển của một giáo sư là “cổ xưa” một chút - một quy chế bảo vệ quyền tự do nghiên cứu nhưng cũng có thể khiến đương sự “tự đánh mất sự năng động”. Để viết cuốn sách của mình, nhà kinh tế học đã không dựa vào trực giác: trong lời giới thiệu, ông bày tỏ lòng kính trọng đối với một vị giáo sư thời cuối những năm 1970, người đã đổi nghĩa khẩu hiệu Mỹ (“In God we trust [Chúng tôi tin vào Chúa]”) trong một phiên điều trần trước Quốc hội: “Chúng tôi tin vào Chúa, người khác phải cung cấp dữ liệu”.
Kinh tế học thực lợi
Thomas Philippon ủng hộ cách tiếp cận dựa trên bằng chứng nói trên. “Về cơ bản, tôi không phải là nhà tư tưởng. Trong kinh tế học, phải nhìn vào dữ liệu.” Và việc nghiên cứu dữ liệu đã đưa đến những khám phá bất ngờ. “Cuốn sách của tôi giải thích việc người Mỹ đã để cho thị trường của họ bị các-ten hóa và họ cần quay trở lại thị trường tự do và cạnh tranh. Đó không phải là điều tôi định viết khi bắt đầu nghiên cứu: Tôi đã cố tìm hiểu lý do tại sao nguồn đầu tư đã giảm kể từ năm 2000, trong khi giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán và lợi nhuận lại tăng lên.” Trả lời: Các khoản lợi nhuận đó là kết quả của quá trình các-ten hóa, chứ không phải là của năng suất - ở Hoa Kỳ, giờ chỉ còn lại bốn hãng hàng không và ba nhà khai thác điện thoại. Được bảo hộ khỏi sự cạnh tranh, các doanh nghiệp tăng giá mà không cần đầu tư.
“Châu Âu đã tạo ra một hệ thống độc lập, trong đó có chính sách chống tham nhũng đủ mạnh bởi vì họ có một mục tiêu rõ ràng: bảo vệ người tiêu dùng châu Âu” - Thomas Philippon, nhà kinh tế học.
Sứ giả của nền kinh tế của nhà thực lợi này không ai khác chính là Warren Bufett, nhà đầu tư thiên tài này đã đầu tư vào những doanh nghiệp gần như độc quyền với lợi nhuận được đảm bảo, chẳng hạn như Coca-Cola. Người Mỹ đã thông qua Đạo luật chống độc quyền vào cuối thế kỷ 19, giải thể đế chế dầu mỏ của Rockefeller vào năm 1914, tự do hóa [nền kinh tế] dưới thời của Đảng Dân chủ (Jimmy Carter trong lĩnh vực hàng không) và Đảng Cộng hòa (Ronald Reagan trong lĩnh vực viễn thông, với sự giải thể ATT), nhưng họ đã ngủ thiếp vào đầu thế kỷ 21, khi những ý tưởng tự do của họ đang chiến thắng trên khắp hành tinh. Thomas Philippon nhận xét: “Duy trì thị trường tự do là một nhiệm vụ thường nhật, là công việc của Sisyphus. Các chủ doanh nghiệp thì cố tạo ra các tình huống độc quyền”.
Robert Bork (1927-2012)

Sự chuyển hướng lịch sử được Philippon phát hiện có một phần mang tính ý thức hệ: trong nhiều thập kỷ, các thẩm phán đã tiếp thu ý tưởng của Robert Bork, cựu bộ trưởng tư pháp thuộc Đảng Cộng hòa và là người theo trường phái Chicago. Trong tác phẩm The Antitrust Paradox [Nghịch lý chống độc quyền] (New York Free Press, 1978, chưa có bản dịch), Bork cho rằng người tiêu dùng hưởng lợi từ việc các doanh nghiệp tập trung quyền lực và rẳng chủ nghĩa tư bản tự điều tiết một mình. Sự chuyển hướng cũng mang tính chính trị: sự vận động hành lang cực đoan của các doanh nghiệp với các dân biểu đã dẫn đến việc dựng lên những rào cản, hạn chế sự gia nhập thị trường của nhiều tác nhân mới khác.
Bài học của Châu Âu
Thomas Philippon nghĩ rằng châu Âu, như thường lệ, sẽ đi theo vận mệnh của Mỹ, và đó là điều ngạc nhiên thứ hai của ông: hoàn toàn không có chuyện đó, ngược lại thì có. “Châu Âu đã tạo ra một hệ thống độc lập, mà sự đề kháng chống tham nhũng đủ mạnh bởi vì họ có một mục tiêu rõ ràng: bảo vệ người tiêu dùng châu Âu.” Nhà kinh tế, người đã liên tiếp ủng hộ Ségolène Royal, François Hollande và Emmanuel Macron trong các cuộc bầu cử tổng thống, luôn dập tắt những ý tưởng thường được truyền bá ở Pháp. “Chính sách cạnh tranh là thứ hoạt động tốt nhất ở châu Âu, người đã phục vụ một năm trong văn phòng của bộ trưởng bộ kinh tế Pierre Moscovici vào năm 2012-2013, dứt khoát khẳng định, trước khi trở lại New York. Khi nhìn thấy cách vận động của nền kinh tế Pháp, thật khó để không trở thành một nhà kinh tế tự do hơn một chút. Nhà nước tập quyền đã can thiệp vào quá nhiều lĩnh vực. Biết điều này một cách trừu tượng là một chuyện, nhận thấy nó hàng ngày, là một chuyện khác.”
Giờ đây, Thomas Philippon đang nghĩ về nước Mỹ. Ông hy vọng rằng vào mùa thu này, cuốn sách của ông, được Nhà xuất bản Harvard University Press ưu tiên quảng bá, sẽ thành công. Và rằng nó sẽ nuôi dưỡng cuộc tranh luận chính trị, một năm trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020. Bởi vì ông tin rằng “có một điều gì đó sắp xảy ra”. Ở Hoa Kỳ, Donald Trump đã muốn thổi một luồng gió tươi trẻ mới cho chính sách cạnh tranh bằng việc cấm thương vụ sáp nhập AT&T-Time Warner, nhưng các thẩm phán đã làm ông ta mất mặt. “Donald Trump đã sai khi chính trị hóa cuộc tranh luận: ông ấy đã sử dụng đạo luật chống độc quyền vì những mục đích chính trị để trả thù CNN [một kênh truyền hình, thuộc sở hữu của Time Warner, tuyên chiến công khai với tổng thống], trong khi cạnh tranh nên là một chính sách liên đảng phái.”
Elizabeth Warren (1949-)
Cho đến nay, các tổng thống Mỹ đều bảo vệ đồng minh của họ rất nhiều: đảng Cộng hòa bảo vệ bộ quốc phòng và bộ năng lượng, đảng Dân chủ bảo vệ Thung lũng Silicon. Thomas Philippon nhấn mạnh: “Không phải Obama là người giải thể Google.” Ông không mấy tin vào các giải pháp triệt để, chẳng hạn như việc giải thể Amazon, Google và Facebook được Elizabeth Warren, nữ thượng nghị sĩ bang Massachusetts, ứng cử viên cho sự đề cử [tranh chức tổng thống] của đảng Dân chủ chủ trương. Philippon cho rằng sẽ rất khó để đảo ngược sự tập trung quyền lực trong ngành hàng không và viễn thông, nhưng ông tin rằng có thể làm được nhiều điều khác. “Hãy thử bắt đầu với việc bảo vệ dữ liệu.” Sau khi chế nhạo châu Âu, người Mỹ từ nay đã thay đổi, đặc biệt ở California. “Tôi không còn thấy một bài báo nào chế nhạo châu Âu nữa. Việc đầu tiên cần làm bây giờ là xem những gì người châu Âu đang làm và lấy đó làm cảm hứng.”
Arnaud Leparmentier (phóng viên tại New York)
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
* * *
NƯỚC MỸ KHÔNG CÒN LÀ ĐẤT NƯỚC CỦA SỰ CẠNH TRANH TỰ DO
Đăng ngày 8 tháng 11 năm 2019
Trong một tiểu luận mới, nhà kinh tế học người Pháp Thomas Philippon đã trình bày chi tiết về mức độ tập trung chưa từng có của một số ngành nghề ở Hoa Kỳ. Và giải thích hệ quả của sự suy giảm cạnh tranh đó sẽ đè nặng lên người tiêu dùng và tầng lớp trung lưu như thế nào.
Tác phẩm “The Great Reversal [Sự đảo chiều vĩ đại]”, của Thomas Philippon, do Harvard University Press xuất bản. (DR)
Hoa Kỳ không còn là miền đất hứa [El Dorado] của sự cạnh tranh tự do. Và, trong lĩnh vực này, châu Âu hiện đang làm tốt hơn họ. Đó là luận đề, thoạt nhìn rất ngạc nhiên, trong một tiểu luận mới của nhà kinh tế học người Pháp Thomas Philippon, được Harvard University Press xuất bản vào tuần trước.
Hẳn vậy, theo lời thừa nhận của vị giáo sư tại trường Stern School of Business thuộc Đại học New York, “Hoa Kỳ đã sáng tạo ra luật chống độc quyền vào cuối thế kỷ 19. Họ đã bãi bỏ quy định đối với nhiều ngành nghề Mỹ vào đầu những năm 1980, và sau đó đã trở thành nhà vô địch của thị trường tự do, vì lợi ích của người tiêu dùng Mỹ”. Thomas Philippon khẳng định, vấn đề là kể từ đầu những năm 2000, động thái nói trên đã bị đảo ngược. Tác phẩm có nội dung rất thú vị, rất dễ đọc và dựa trên một khối lượng dữ liệu và các bài báo học thuật ấn rất tượng, nghiên cứu những lý do của “sự đảo chiều vĩ đại” này.
Định cư ở bên kia bờ Đại Tây Dương trong gần hai thập kỷ, Thomas Philippon (cũng là người viết thời luận cho báo “Les Echos”) đã khởi đầu từ một nhận định cá nhân: vào năm 1999, khi lần đầu tiên ông đến Mỹ với tư cách là một nghiên cứu sinh tiến sĩ tại viện MIT ở Boston, “Hoa Kỳ là một nơi rất tốt cho sinh viên hay, theo quan điểm của tôi, là một nơi rất tốt cho tầng lớp tiêu dùng trung lưu”. Đặc biệt, máy tính, phí thuê bao Internet và vé máy bay rẻ hơn rất nhiều so với ở Pháp. Ngày nay, điều này không còn nữa: vào năm 2019, giá các sản phẩm điện tử tương đương nhau [so với Châu Âu], và phí thuê bao các dịch vụ viễn thông (điện thoại cố định hoặc điện thoại di động) và vé máy bay ở Hoa Kỳ đắt hơn rất nhiều so với ở châu Âu.
“Tất cả điều này đã không diễn ra một cách ngẫu nhiên”, theo khẳng định của Thomas Philippon. Với đối tượng đọc sách trên hết là đc giả Mỹ, tác phẩm, về cơ bản, nghiên cứu những gì đã xảy ra ở Mỹ: dưới ảnh hưởng của các cuộc vận động hành lang và các doanh nghiệp lớn, những tổ chức đóng góp rất lớn cho việc tài trợ các chiến dịch tranh cử, đã có rất nhiều quyết định được liên tiếp đưa ra, làm suy yếu các định chế và pháp luật chống độc quyền, tạo điều kiện cho sự xuất hiện của một sự tập trung chưa từng có. Với hậu quả là sự gia tăng quyền lực thị trường của các doanh nghiệp lớn - tự do tăng giá [sản phẩm] và hạn chế tiền lương của nhân viên. 
Tập trung tốt và xấu
Thomas Philippon (1974-)
Phần đầu của cuốn sách là phần giới thiệu tuyệt vời các lý thuyết kinh tế về cạnh tranh - Thomas Philippon trình bày chi tiết và rõ ràng cách thức có thể đo lường sự cạnh tranh, và ước tính tác động của nó lên các khoản đầu tư, việc ấn định giá cả [sản phẩm] hoặc lợi nhuận của các doanh nghiệp. Ông cũng khẳng định rằng, nói chung, tập trung không nhất thiết là một điều xấu đối với người tiêu dùng và đối với nền kinh tế - “tập trung cũng giống như cholesterol: nó có mặt xấu và mặt tốt”, ông tóm lại.
Ví dụ, trong trường hợp của nhà phân phối WalMart, sự mở rộng hoạt động kinh doanh ngoạn mục từ những năm 1980 đã khiến cho nhiều đối thủ cạnh tranh phải phá sản, “điều đó có lợi cho người tiêu dùng Mỹ.” Nhưng trong nhiều ngành nghề khác, sự tập trung ồ ạt, vào đầu những năm 2000, đã để lại những hiệu ứng tiêu cực. “Sự thiếu cạnh tranh đã ảnh hưởng nặng đến người tiêu dùng và người lao động Mỹ: nó dẫn đến tình trạng giá cả tăng lên, đầu tư giảm, và làm chậm lại đà tăng trưởng của năng suất.”
Các công ty độc quyền mới
Cùng lúc đó, châu Âu đã làm cho các định chế của họ hoạt động ngày càng độc lập hơn, đặc biệt để ngăn chặn một số nước hưởng lợi nhiều hơn so với các nước khác - tác phẩm đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của Ủy viên phụ trách vấn đề Cạnh tranh, người có khả năng áp đặt các quyết định của mình lên các nước thành viên, như đã thấy trong vụ sáp nhập Alstom-Siemens. Kết quả: ngay cả khi có các cuộc vận động hành lang ở Brussels cũng như ở Washington, thì “các định chế của EU cũng hoạt động độc lập hơn một cách có hệ thống và thuận lợi hơn cho thị trường tự do so với các định chế của nước thành viên”.
Pierre Moscovici (1957-)
Và giờ đây thì sao? Việc tác phẩm được xuất bản một năm trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ biện hộ cho việc tăng cường các quy định chống độc quyền và hạn chế các nguồn tài trợ tư nhân vào đời sống chính trị - hai chủ đề thường được đề cập trong các cuộc tranh luận của đảng Dân chủ ở vòng [tranh cử] sơ bộ. Thomas Philippon, người đã làm việc một năm cùng với Pierre Moscovici ở Bercy, ngay từ đầu đã tự cho mình là “người tự do theo chủ nghĩa thị trường tự do”: đối với ông, sự điều tiết phải phục vụ cho việc đảm bảo sự vận hành hiệu quả của thị trường, không có sự can thiệp tùy tiện của chính trị hoặc rào cản gia nhập thị trường đối với các tác nhân mới. 
Điều này áp dụng không chỉ đối với những tác nhân truyền thống trong lĩnh vực tài chính, viễn thông hoặc y tế, mà còn đối với các tác nhân mà ông gọi là những “ngôi sao mới”: Google, Amazon, Facebook, Apple hoặc Microsoft. Họ đã hưởng lợi rất nhiều từ động thái các doanh nghiệp Mỹ tập trung lại trong hai mươi năm qua, đặc biệt là việc được tự do mua lại các đối thủ tiềm năng với giá cao. Và, đối mặt với sức nặng của các công ty độc quyền mới này, “thật không vui khi thấy Hoa Kỳ vắng mặt, một cách rõ rệt, trong cuộc tranh luận quan trọng nhất về sự điều tiết của thế kỷ XXI: cuộc tranh luận về việc bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư.”   
“Cuộc đảo ngược vĩ đại - Người Mỹ từ bỏ thị trường tự do như thế nào”, của Thomas Philippon, Nhà xuất bản Harvard University Press, 368 trang, $ 29,95.
Benoit Georges
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: L'Amérique n'est plus le pays de la libre concurrence, Les Echos, ngày 8 tháng 11 năm 2019.
Print Friendly and PDF