4.9.20

Thomas Piketty từ chối kiểm duyệt cuốn sách mới nhất để được phát hành + Bắc Kinh thích lời chỉ trích của Thomas Piketty về chủ nghĩa tư bản - cho đến khi ông chuyển sang phê phán Trung Quốc

THOMAS PIKETTY TỪ CHỐI KIỂM DUYỆT CUỐN SÁCH MỚI NHẤT ĐỂ ĐƯỢC PHÁT HÀNH TẠI TRUNG QUỐC

Helen Davidson
Kinh tế gia người Pháp mà Tập Cận Bình ngưỡng mộ nói rằng ông sẽ không cắt xén những nội dung viết về bất bình đẳng ở Trung Quốc
Thomas Piketty: “Tôi khước từ các điều kiện này và bảo họ rằng tôi chỉ chấp nhận một bản dịch không cắt xén.” Hình: Sander Koning/ANP/AFP trên Getty Images
Cuốn sách mới nhất của kinh tế gia người Pháp Thomas Piketty có nhiều khả năng sẽ không được phát hành tại Trung Quốc đại lục sau khi ông ta từ chối yêu cầu kiểm duyệt.
Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, đã bày tỏ sự ngưỡng mộ dành cho các công trình nghiên cứu của Piketty, nhưng cuốn sách Capital and Ideology (Tư bản và hệ tư tưởng), được xuất bản năm ngoái, không thể thâm nhập thị trường Trung Quốc đại lục bởi vì những nội dung viết về tình trạng bất bình đẳng ở quốc gia này.

Piketty cho Guardian hay rằng vào tháng 6 nhà xuất bản Citic Press của Trung Quốc đã gửi cho nhà xuất bản của ông ở Pháp một danh sách gồm 10 trang cần cắt bỏ trong phiên bản tiếng Pháp của cuốn sách, và vào tháng 8 lại gửi thêm một danh sách dài hơn dành cho phiên bản tiếng Anh.
Ông nói rằng: “Tôi khước từ các điều kiện này và bảo họ rằng tôi chỉ chấp nhận một bản dịch không cắt xén. Về cơ bản, họ muốn cắt bỏ hầu như toàn bộ những phần viết về tình hình Trung Quốc đương thời, và đặc biệt là tình trạng bất bình đẳng và thiếu minh bạch ở Trung Quốc.”
“Những nhà xuất bản khác của Trung Quốc mà có liên hệ với nhà xuất bản Le Seuil của tôi ở Pháp cũng cho biết họ sẽ cắt xén, vì vậy hiện tại cuốn sách có nhiều khả năng không được phát hành tại Trung Quốc đại lục.”
Nhà xuất bản Citic Press công bố với South China Morning Post rằng họ vẫn đang thương thảo về bản quyền tác giả.
Kiểm duyệt ở Trung Quốc là hiện tượng phổ biến và áp đặt cho sách, trang tin trực tuyến (bao gồm cả Guardian), văn hóa nghệ thuật quần chúng, và hàng loạt các nền tảng trực tuyến và internet.

Tập đã từng trích dẫn các công trình nghiên cứu của Piketty, bao gồm cuốn sách Capital in the Twenty-First Century (Tư bản trong thế kỷ XXI). Trong tháng này, Tập đã viết rằng nghiên cứu của Piketty về tình trạng bất bình đẳng ở Hoa Kỳ là “đáng để chúng ta nghiền ngẫm”.
Dali L. Yang, giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học Chicago, chuyên nghiên cứu về chính trị Trung Quốc hiện đại đã phát biểu rằng: “Việc đích thân ông Tập từng trích dẫn cuốn sách của Piketty không có nghĩa là sách của Piketty không bị soi.”
“Thậm chí còn nhiều điều kiện hơn mà ông ta phải tuân thủ [về quan điểm chính trị].”
Tập đã hứa hẹn xóa nghèo ở nông thôn vào cuối năm 2020 - một mục tiêu tham vọng ngay cả trước khi đại dịch virus Corona gây ra tổn thất kinh tế nặng nề - nhưng cũng cố chứng tỏ cho bằng được Trung Quốc là một xã hội thịnh vượng.
Dali L. Yang
Theo Yang: “Một trong những thách thức đối với Trung Quốc ngày nay là quá nhiều người sống trong ảo tưởng - sống ở Thượng Hải thì khó mà hình dung ra cuộc sống ở những vùng nghèo khổ hơn. Một mặt thông điệp chính thức của Tập là không ai bị bỏ lại phía sau phải sống trong nghèo khổ, nhưng ông cũng đồng thời quảng bá hình ảnh Trung Quốc tiến bộ và toàn dân được hưởng lợi.”
Những đoạn văn mà các nhà xuất bản Trung Quốc tuýt còi có một đoạn viết về xã hội hậu cộng sản của các vùng lãnh thổ bao gồm Trung Quốc đang trở thành “những đồng minh trung thành nhất của chủ nghĩa siêu tư bản”, vốn là hệ quả trực tiếp từ “những thảm họa của chủ nghĩa Stalin và chủ nghĩa Mao.”
Piketty viết trong cuốn sách: “Thảm họa cộng sản ghê gớm đến mức đã làm lu mờ những thiệt hại do các hệ tư tưởng về sở hữu nô lệ, thực dân, và phân biệt chủng tộc gây ra và xóa nhòa các mối liên hệ chặt chẽ giữa các hệ tư tưởng đó và các hệ tự tưởng về quyền sở hữu và chủ nghĩa siêu tư bản - một thành quả hết sức to lớn.”
Những nội dung [bị tuýt còi] khác dẫn chứng tình trạng thiếu minh bạch về số liệu thu nhập và sự thịnh vượng của Trung Quốc, tình trạng tẩu tán tài sản ra nước ngoài và tham nhũng. Piketty viết rằng phân phối của cải giữa nhóm 10% dẫn đầu về thu nhập và nhóm 50% đứng cuối bảng “chỉ ít bất công hơn Hoa Kỳ chút đỉnh và trầm trọng hơn Châu Âu rất nhiều”.
Yang cho rằng sự nổi tiếng của Piketty khiến ông càng bị soi nhiều hơn bởi lực lượng kiểm duyệt.
Theo Yang: “Các nhà xuất bản Trung Quốc khá quen với việc các tác giả đồng ý cắt bỏ một số nội dung hay hiệu chỉnh tác phẩm của họ khi phát hành phiên bản tiếng Trung, nhưng trong trường hợp này [Piketty] đã từ chối.”
Về tác giả:
Helen Davidson là phóng viên của trang Guardian Australia, công tác tại Hong Kong.
Trần Thị Minh Ngọc dịch
* * *

BẮC KINH THÍCH LỜI CHỈ TRÍCH CỦA THOMAS PIKETTY VỀ CHỦ NGHĨA TƯ BẢN - CHO ĐẾN KHI ÔNG CHUYỂN SANG PHÊ PHÁN TRUNG QUỐC

Reuters / Christian Hartmann
Phóng viên
Tác phẩm dày 700 trang Capital in the Twenty-First Century [Tư bản trong thế kỷ XXI] của Thomas Piketty đã gây được tiếng vang lớn ở Trung Quốc, với chủ đề về lý thuyết kinh tế. Một vài năm sau khi xuất bản, cuốn sách năm 2013 của nhà kinh tế người Pháp đã nhận được lời khen (đường liên kết bằng tiếng Trung) từ Chủ tịch Tập Cận Bình, ca ngợi việc Piketty sử dụng các số liệu thống kê làm bằng chứng để chỉ ra mức độ bất bình đẳng trong lịch sử của các nước phương Tây. 
Tác phẩm táo bạo tiếp theo của Piketty, Capital and Ideology [Tư bản và hệ tư tưởng], đang đón nhận một sự lạnh nhạt nhiều hơn. Được xuất bản vào năm ngoái, cuốn sách mới này mở rộng phạm vi tập trung vào tình trạng bất bình đẳng ở những nơi như Ấn Độ, Brazil, Nga và Trung Quốc. Bắc Kinh không đánh giá cao sự soi xét quá kỹ này. Theo báo South China Morning Post, nhà xuất bản Trung Quốc của Piketty, Citic Press Group, đã yêu cầu cắt bỏ tất cả các phần liên quan đến sự bất bình đẳng ở Trung Quốc. “Tôi đã từ chối các điều kiện này, vì thế nên ở giai đoạn này, có vẻ như cuốn Capital and Ideology sẽ không được xuất bản ở Trung Quốc”, Piketty nói với tờ SCMP. 
Chủ đề bất bình đẳng có thể trở nên nhạy cảm hơn trong những ngày này, khi Trung Quốc đang trong thời kỳ phục hồi sau đại dịch, vốn đã ảnh hưởng nặng nề hơn nhiều đến người lao động nhập cư nghèo và có nhiều khả năng làm tăng khoảng cách thu nhập giữa dân cư thành thị và nông thôn.
Trong một đoạn tweet, Piketty nói “thật đáng buồn khi chủ nghĩa xã hội với các đặc điểm Trung Quốc của [nhà lãnh đạo Trung Quốc] Tập Cận Bình lại né tranh cuộc thảo luận mở.”
Trong cuốn sách, Piketty dựa vào nghiên cứu mà ông là đồng tác giả và xuất bản hồi năm ngoái, sử dụng các dữ liệu thuế, khảo sát và số liệu thống kê tài khoản quốc gia của Trung Quốc để ước tính mức tăng bất bình đẳng của Trung Quốc từ năm 1978 đến năm 2015. Ông thấy tỷ lệ thu nhập của Trung Quốc thuộc sở hữu của 10% dân số giàu nhất Trung Quốc đã tăng từ 27% vào cuối những năm 1970 lên 41% vào năm 2015, tương đương với mức độ bất bình đẳng ở Hoa Kỳ.
Cuốn sách cũng chỉ trích việc thiếu các dữ liệu chi tiết về thuế thu nhập của Trung Quốc, khiến không thể có được một bức tranh chính xác, đầy đủ, về cách phân phối của cải của Trung Quốc trong những năm qua. Trong khi lệnh của chính phủ vào năm 2006 yêu cầu những người có thu nhập cao phải khai báo các tờ khai đặc biệt, nhưng dữ liệu còn thô sơ và việc công bố [các thu nhập cao] cũng đã dừng vào năm 2011. Piketty đã tập hợp được dữ liệu từ các địa phương trong những năm tiếp theo, nhưng chúng “không thường xuyên”, “không nhất quán” và “rời rạc.”
Lời chỉ trích không dừng lại ở đó. Piketty viết rằng, nếu khó tìm được các dữ liệu thu nhập đáng tin, thì các dữ liệu về của cải thậm chí còn tệ hơn. Ở Trung Quốc không có thuế thừa kế, và do đó không có dữ liệu về tài sản thừa kế, khiến việc nghiên cứu mức độ tập trung của cải trở nên cực kỳ khó khăn. Piketty viết: “Thật là nghịch lý khi một quốc gia do một đảng cộng sản lãnh đạo, tuyên bố trung thành với chủ nghĩa xã hội với các đặc điểm Trung Quốc, lại có thể có một lựa chọn như vậy.”


Điều đó cũng có nghĩa là Trung Quốc, về mặt nào đó, là nơi tốt nhất thế giới để trở thành tỷ phú. Như Piketty giải thích: “Như thế, vào đầu thế kỷ XXI, chúng ta thấy mình ở trong một tình huống vô cùng nghịch lý: tỷ phú người châu Á nào muốn truyền lại tài sản của mình mà không phải trả bất kỳ khoản thuế thừa kế nào, thì nên đến Trung Cộng định cư.”
Những cuốn sách nào mà Trung Quốc quyết định kiểm duyệt, và những cuốn sách nào được phép xuất bản, đầy mâu thuẫn với nhau và tự thân sự kiểm duyệt cũng liên tục thay đổi. Các tác phẩm 1984 Animal Farm [Trang trại động vật] của George Orwell đã tồn tại trong nhiều thập kỷ, mặc dù có ít nhất một trường đã loại các cuốn tiểu thuyết này, như một phần của chiến dịch thanh lọc sách trên toàn quốc trong thời gian gần đây. Năm ngoái, Trung Quốc đã kiểm duyệt các phần trong cuốn tự truyện của Edward Snowden, nhưng người cựu nhân viên tình báo Mỹ đã tìm được cách lách kiểm duyệt: đăng những đoạn bị kiểm duyệt lên Twitter và các bản dịch từ các nguồn của cộng đồng Internet.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF