27.9.20

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nói: Chi tiêu cho COVID-19 phải “Thông minh với khí hậu”

TỔNG THƯ KÝ LIÊN HỢP QUỐC NÓI: CHI TIÊU CHO COVID-19 PHẢI “THÔNG MINH VỚI KHÍ HẬU”

Phỏng vấn

Ngày 8 tháng 9 năm 2020

Các hãng truyền thông đối tác của Covering Climate Now như NBC News, Noticias Telemundo và Agence France Presse đã thực hiện phỏng vấn với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres. Ông António Guterres cho biết các chính phủ nên sử dụng gói phục hồi kinh tế COVID-19 để “đầu tư lớn” vào các công ăn việc làm xanh và công nghệ xanh.

Ông nói: “Chúng ta có thể xây dựng lại như cũ, nhưng đó là một sai lầm lớn vì sự yếu kém của thế giới, hoặc chúng ta có thể xây dựng lại một nền kinh tế và xã hội bền vững hơn và cho mọi người hơn.”

Guterres đã nói chuyện với các hãng truyền thông đối tác của Covering Climate Now vào thời điểm trước khi bản báo cáo Trạng thái khí hậu mới của Hiệp hội Khí tượng Thế giới và Liên Hợp Quốc sẽ được công bố vào thứ Tư, ngày 9 tháng 9. Mời độc giả xem video clip và đọc các cuộc phỏng vấn dưới đây.

Biến đổi khí hậu và Vi-rút corona: Phóng viên Al Roker của NBC trò chuyện với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc


Ghi chép lại buổi phỏng vấn

Al Roker: Thông qua sự hợp tác của chúng tôi với Covering Climate Now, chúng tôi đã nói chuyện với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, António Guterres, trước phiên họp thứ 75 vào tuần tới của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Khi thế giới rơi vào trạng thái phong tỏa vào mùa xuân vừa qua, một sự biến đổi ngắn ngủi và đẹp đẽ đã diễn ra. Động vật xuất hiện ở những địa điểm mà chúng đã không từng xuất hiện trong nhiều năm qua. Những ngọn núi và đường chân trời lộ ra sau nhiều thập kỷ bị ô nhiễm che khuất. Và lượng phát thải khí nhà kính, yếu tố góp phần lớn nhất vào biến đổi khí hậu, đã giảm đáng kể, đầy hy vọng.

Tuy nhiên, lớp bạc óng ánh này nhanh chóng phai nhạt khi các nước bắt đầu mở cửa. Nhưng có một điều đã trở nên rõ ràng. Đó là xã hội có khả năng tạo ra sự thay đổi và một cách nhanh chóng. Trong một năm không giống bất kỳ năm nào, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đưa ra định hướng cho thế giới về việc khôi phục, tái thiết và đưa ra lời cảnh báo nghiêm trọng nếu ta không hành động ngay bây giờ.

Thưa Tổng thư ký, ông đã rất thẳng thắn trong thông điệp của mình, trò chuyện với các nước bằng cách nói rằng họ không chỉ phải xem xét đưa ra các quy định xanh hơn khi sự việc liên quan đặc biệt đến kích thích nền kinh tế COVID-19, ông đã liên kết rất chặt chẽ COVID-19 với kinh tế. Tại sao điều đó lại trở thành một sứ mệnh như vậy?

António Guterres: Tôi tin rằng chúng ta đang phải đối mặt với một thách thức lớn với COVID-19. Nhưng thách thức khủng khiếp đã gây ra quá nhiều đau khổ và tác động tàn phá đến các nền kinh tế và xã hội này lại là một cơ hội. Chúng ta cần phải xây dựng lại. Chúng ta cần đầu tư xây dựng lại một cách ồ ạt. Vì vậy, hoặc chúng ta có thể xây dựng lại như ban đầu, đó là một sai lầm lớn vì sự yếu kém của thế giới, hoặc chúng ta có thể xây dựng lại một nền kinh tế và xã hội bền vững hơn và cho mọi người hơn. Và vì vậy, đó là lý do tại sao tôi đã khuyến nghị đầu tư lớn vào công nghệ xanh, vào các ngành công nghiệp xanh, vào năng lượng xanh.

Al Roker: Khi ông nói về việc đầu tư vào các công việc xanh, đó là ông đang nói về điều gì?

António Guterres: Chúng ta cần có sự công bằng về khí hậu, nghĩa là đầu tư vào năng lượng xanh, tạo ra nhiều việc làm gấp ba lần so với đầu tư vào năng lượng nhiên liệu hóa thạch. Nhưng đồng thời, chúng ta hãy có các biện pháp kinh tế và xã hội để giải quyết các nhu cầu của người dân bị tác động bởi các biến đổi trong xã hội, cụ thể là hành động khí hậu, gây ra khi những công việc hiện có sẽ không còn tồn tại nữa.

Al Roker: COVID và khí hậu đã thực sự loại bỏ những khác biệt trong các xã hội. Đang vào lúc này, ông thấy chúng ta là một xã hội ở những điểm nào?

António Guterres: Chà, điều gây ấn tượng là một trong những yếu tố dễ bị tổn thương được COVID-19 nhấn mạnh rất rõ ràng là yếu tố mong manh xuất phát từ sự bất bình đẳng. Bất bình đẳng về thu nhập và của cải, nhưng cũng có bất bình đẳng liên quan đến giới. Bất bình đẳng liên quan đến sắc tộc, bất bình đẳng chủng tộc dưới mọi hình thức. Chúng ta cần loại bỏ các bất bình đẳng này trong chừng mực có thể, hoặc ít nhất là phải có sự công bằng và công lý trong cách đầu tư nguồn lực khi xây dựng lại nền kinh tế của chúng ta.

Al Roker: Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Vào ngày 4 tháng 11 sắp tới, Hoa Kỳ dự kiến sẽ ​​rút lui, không tham gia nữa. Điều đó có tác động gì đối với nỗ lực toàn cầu nhằm giảm lượng khí thải?

António Guterres: Chà, chúng ta cần sự đóng góp của Hoa Kỳ trong hành động vì khí hậu. Và chúng ta nghĩ rằng điều quan trọng cần nói là ngay cả khi chính phủ Hoa Kỳ quyết định rời bỏ hiệp định Paris, chúng ta thấy ở Hoa Kỳ có một phong trào rất lớn ủng hộ hành động khí hậu. Và tôi rất lạc quan rằng sự bày tỏ năng động này của xã hội Mỹ và cộng đồng doanh nghiệp Mỹ sẽ bù đắp cho sự thiếu cam kết chính trị đang tồn tại hiện nay.

Al Roker: Chúng ta luôn hướng tới giới trẻ. Ông có lạc quan hơn không vì thế hệ đang phát triển này?

António Guterres: Vâng. Tôi nghĩ rằng đó là hy vọng tốt nhất của chúng ta, là thế hệ sắp tới, và điều đó đã được hiểu, và chúng ta thấy điều đó theo nhiều cách trên khắp thế giới, đã hiểu rằng hoặc chúng ta đoàn kết hoặc chúng ta sẽ bị diệt vong.

Al Roker: Thưa ông António Guterres, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, cũng trong ngày mai, Hiệp hội Khí tượng Thế giới và Liên Hợp Quốc sẽ công bố bản báo cáo Tình trạng Khí hậu vào ngày mai. Những phát hiện trong bản báo cáo này được dự đoán là khá nghiệt ngã, với năm 2020 đang được theo dõi sẽ là năm nóng nhất trên hành tinh của chúng ta từ trước đến nay.

Tình trạng khẩn cấp về khí hậu là câu hỏi trọng tâm mà thế giới đang phải đối mặt: Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nói với phóng viên Vanessa Hauc của Telemundo


Xem toàn bộ cuộc phỏng vấn của Vanessa Hauc với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres.

Những điểm nổi bật của cuộc phỏng vấn

  • “Bài học chính của năm nay là ‘Các xã hội của chúng ta rất mong manh. Chúng ta đã không chuẩn bị cho một đại dịch, và chúng ta không chuẩn bị cho cuộc khủng hoảng khí hậu. Và sự mong manh này là một lời nhắc nhở rằng những gì chúng ta thực sự cần là sự khiêm tốn và đoàn kết.’”
  • “Tôi có thể nói rằng tình trạng khẩn cấp về khí hậu là câu hỏi trọng tâm mà thế giới đang phải đối mặt. Điều rõ ràng là chúng ta vẫn chưa thực hiện các bước mà khoa học cho là cần thiết. Hiện tại, chúng ta đang trên đường gia tăng nhiệt độ thêm 3 độ C vào cuối thế kỷ này, đây sẽ là một thảm họa hoàn toàn.”
  • “Chúng ta cần phải hiếu hòa với thiên nhiên. Hiện tại, chúng ta đang có chiến tranh với thiên nhiên, và thiên nhiên cũng đang có chiến tranh với chúng ta để đáp lại, một cuộc chiến khủng khiếp... Chúng ta không thể tồn tại nếu chúng ta hy sinh thiên nhiên, vì thiên nhiên sẽ đánh trả chúng ta.”

Theo AFP: Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nói rằng: Hợp tác về Khí hậu hoặc ‘Chúng ta sẽ phải bị diệt vong’

Đọc câu chuyện này của AFP bằng tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Tây Ban Nhatiếng Pháp.

Lưu ý: Tất cả các phiên bản của câu chuyện này đều có sẵn để tái bản bởi các đối tác của CCNow.

Ông António Guterres, người đứng đầu Liên Hợp Quốc đã cảnh báo rằng các cường quốc trên thế giới phải tập hợp lại và trang bị lại nền kinh tế của họ vì một tương lai xanh nếu không nhân loại sẽ bị “diệt vong”. Ông nói với AFP rằng việc không kiểm soát được đại dịch vi-rút corona cho thấy nguy cơ mất đoàn kết.

Trước khi vi-rút tấn công, năm 2020 được coi là năm bản lề cho kế hoạch né tránh làn đạn của sự nóng lên toàn cầu thảm khốc, với các hội nghị cấp cao được lập kế hoạch để gióng lên một tiếng chuông báo động công khai về tương lai của hành tinh.

Cuộc khủng hoảng vi-rút corona có thể đã gạt vấn đề khí hậu qua một bên khi các quốc gia tiến hành các đợt phong tỏa chưa từng có để cố gắng làm chậm sự lây lan của vi-rút, nhưng Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông Guterres cho rằng nhu cầu hành động vì khí hậu là cấp bách hơn bao giờ hết.

Trong một đánh giá phê phán nghiêm khắc về phản ứng quốc tế, ông Guterres nói rằng đại dịch này cần nhấn mạnh trọng tâm của các chính phủ trong việc cắt giảm khí thải, thúc giục họ sử dụng cuộc khủng hoảng như một bàn đạp để khởi động các chính sách “chuyển đổi” nhằm vào các xã hội đang được “cai nghiện” nhiên liệu hóa thạch.

“Tôi nghĩ rằng thất bại đã được thể hiện trong khả năng ngăn chặn sự lây lan của vi rút - thực tế là không có đủ sự phối hợp quốc tế trong cách chống lại vi rút - thất bại đó phải khiến các quốc gia hiểu rằng họ cần phải thay đổi,” ông nói với AFP.

Người đứng đầu Liên Hợp Quốc cho biết “ô nhiễm” chính là cái nên bị đánh thuế chứ không phải là “con người” và kêu gọi các quốc gia hãy chấm dứt trợ cấp nhiên liệu hóa thạch, hãy khởi động các khoản đầu tư lớn vào năng lượng tái tạo và cam kết “trung lập về carbon” - không phát thải khí - vào năm 2050.

Ông nói: “Chúng ta cần có một số biện pháp chuyển đổi liên quan đến năng lượng, liên quan đến giao thông vận tải, liên quan đến nông nghiệp, liên quan đến công nghiệp, liên quan đến cách sống của chúng ta, nếu không có các biện pháp này thì chúng ta sẽ đành phải chịu đựng.

Bình luận của ông được đưa ra lúc bản hiệp định Paris về biến đổi khí hậu- mang dấu ấn lịch sử- có hiệu lực trong năm nay nhằm hạn chế sự gia tăng nhiệt độ ở mức “thấp hơn” hai độ C (3,6 độ Fahrenheit) so với mức tiền công nghiệp.

Bản hiệp định đã ở vị trí ngàn cân treo sợi tóc trước đại dịch, với những nghi ngờ về cam kết từ các quốc gia gây ô nhiễm chủ yếu và với những mối quan ngại rằng còn lâu mới đạt được những gì khoa học nói là cần thiết để ngăn chặn biến đổi khí hậu thảm khốc.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã gây chấn động thế giới vào năm 2017 khi ông cho biết Hoa Kỳ - nước phát thải lớn nhất trong lịch sử - đang rút khỏi hiệp định Paris. Thời hạn rút lui sẽ vào ngày 4 tháng 11, ngay sau cuộc bầu cử tổng thống của Hoa Kỳ.

Đại dịch đã làm giảm thêm hy vọng rằng áp lực ngoại giao có thể thúc đẩy các quốc gia chần chừ trong việc công bố các kế hoạch hành động táo bạo về khí hậu, khi các hội nghị thượng đỉnh lớn bị hoãn lại và các quốc gia tập trung vào công việc nội bộ.

Ông Guterres cho biết hiện tại không có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy chính sách khôi phục của chính phủ Hoa Kỳ sẽ phù hợp với các mục tiêu của hiệp định Paris, nhưng ông bày tỏ hy vọng rằng các bang, doanh nghiệp và cá nhân “sẽ bù đắp cho việc thiếu cam kết chính trị tồn tại ở thời điểm hiện nay”.

Ông cho biết hiện nay phần lớn phụ thuộc vào hành động của các nước phát thải lớn, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Châu Âu, Nga, Ấn Độ và Nhật Bản, trong các cuộc phỏng vấn với AFP và các thành viên khác của Covering Climate Now, một tổ chức hợp tác toàn cầu của các hãng truyền thông đã có cam kết tăng cường đưa tin về khí hậu.

Ông nói: “Chúng ta chưa bao giờ mong manh như hiện tại, chưa bao giờ chúng ta cần sự khiêm tốn, hợp nhất và đoàn kết như lúc này”, đồng thời chúng ta đã thổi bùng “những cuộc biểu tình phi lý của chủ nghĩa bài ngoại” và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc.

“Hoặc là chúng ta đoàn kết, hoặc là chúng ta sẽ bị diệt vong”, ông nói thêm, trước thềm Đại hội đồng Liên Hợp Quốc phần lớn là trên mạng internet vào tháng này.

‘Hãy thức tỉnh’

Cảnh báo về biến đổi khí hậu không còn là dự báo của một tương lai xa.

Nhiệt độ bề mặt trung bình của Trái đất đã tăng thêm một độ C kể từ thế kỷ 19, đủ để làm tăng cường độ hạn hán, sóng nhiệt và bão nhiệt đới.

Cho đến nay, việc đốt nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân chính làm tăng nhiệt độ, với nồng độ CO2 trong khí quyển hiện nay ở mức cao nhất trong khoảng ba triệu năm nay.

Năm năm qua là năm năm nóng nhất được ghi nhận, trong khi các chỏm băng đang tan chảy với tốc độ theo các kịch bản về trường hợp xấu nhất do các nhà khoa học đề ra, báo trước một sự gia tăng nghiêm trọng của mực nước biển.

“Những dự kiến của chúng ta liên quan đến 5 năm tới về giông bão, về hạn hán và về những tác động mạnh mẽ khác đến điều kiện sống của nhiều người trên thế giới là hoàn toàn khủng khiếp”, Guterres nói, trước khi một bản báo cáo khí hậu đa cơ quan sẽ được công bố vào ngày Thứ tư 09/09/2020.

Liên Hợp Quốc cho biết vẫn có thể đạt được một mục tiêu an toàn hơn, đó là mục tiêu đặt giới hạn cho việc tăng nhiệt độ chỉ ở mức cao nhất là 1,5 độ C, nhưng để đạt được điều đó, thì lượng khí thải toàn cầu phải giảm 7,6% hàng năm trong thập kỷ này.

Trong khi việc phong tỏa được thực hiện trong thời gian đại dịch có thể làm giảm lượng khí thải toàn cầu lên tới 8% vào năm 2020, các nhà khoa học đã cảnh báo rằng nếu không có sự thay đổi mang tính hệ thống về cách thức để con người trên thế giới tự cung cấp năng lượng và tự nuôi sống, thì mức giảm này về cơ bản sẽ vô nghĩa.

‘Một thế giới khác’

Cũng có những lo ngại rằng các gói kích thích Covid-19 khổng lồ đang được các chính phủ dự toán có thể tạo ra đòn bẩy cho các ngành công nghiệp gây ô nhiễm.

Guterres đã thúc giục Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc từ bỏ việc tiếp tục phụ thuộc vào than đá.

Trung Quốc - nước gây ô nhiễm lớn nhất thế giới - đã đầu tư rất nhiều vào năng lượng tái tạo, nhưng nước này cũng được cho là đã tăng cường sản xuất than đá.

Người đứng đầu Liên Hợp Quốc cho biết ông hy vọng EU sẽ thực hiện tốt các cam kết xanh của mình, sau khi khối này công bố kế hoạch kích thích trị giá 750 tỷ euro (885 tỷ USD) nhằm một phần đạt được mục tiêu trung lập carbon.

Ông nói rằng đại dịch đã chứng tỏ năng lực của xã hội trong việc thích ứng với sự biến đổi.

“Tôi không muốn quay trở lại một thế giới nơi đa dạng sinh học đang bị đặt dấu hỏi, đến một thế giới mà nhiên liệu hóa thạch được trợ cấp nhiều hơn năng lượng tái tạo, hay một thế giới mà chúng ta thấy sự bất bình đẳng khiến các xã hội ngày càng ít gắn kết và tạo ra bất ổn, tạo ra tức giận, tạo ra thất vọng,” ông nói thêm.

“Tôi nghĩ chúng ta cần có một thế giới khác, một sự bình thường khác và chúng ta có cơ hội để làm như vậy.”

Lưu ý với các đối tác của chúng tôi: Nếu bạn muốn sử dụng video thô, âm thanh và / hoặc bản ghi từ bất kỳ cuộc phỏng vấn nào trong số những phỏng vấn này cho bản báo cáo của riêng bạn, xin vui lòng liên lạc với editors@coveredclimatenow.com.

Người dịch: Lê Thị Hạnh

Nguồn: UN Secretary General Says COVID-19 Spending Must Be “Climate-Smart””, Climate Now, Sep 8, 2020

Print Friendly and PDF