1.9.20

Vận may của nhà kinh tế học người Pháp Gabriel Zucman + “The Triumph of Injustice [Chiến thắng của sự bất công]”: một cuốn sách có tính cương lĩnh

VẬN MAY CỦA NHÀ KINH TẾ HỌC NGƯỜI PHÁP GABRIEL ZUCMAN
Corine Lesnes
Theo bước Thomas Piketty, nhà nghiên cứu, trong độ tuổi ba mươi, tại Đại học Berkeley, là đồng tác giả, cùng với người đồng hương Emmanuel Saez, một cuốn sách về chiến thắng của sự bất bình đẳng ở Hoa Kỳ. Và nổi lên như là một trong những người có ảnh hưởng đến cánh tả Mỹ.
Gabriel Zucman tại Đại học Berkeley, Vịnh San Francisco, California vào ngày 6 tháng Ba. CAYCE CLIFFORD
Trong nhóm của Piketty, anh là người trẻ tuổi nhất. Nhưng không phải là người dở nhất. Ở tuổi 32, Gabriel Zucman đã là giáo sư kinh tế tại Đại học Berkeley. Nếu Thomas Piketty, 48 tuổi, là người hướng dẫn luận án của anh tại Paris, thì chính Emmanuel Saez, 46 tuổi, là người đã tiếp tay đưa anh đến Hoa Kỳ. Với bộ ba này, họ đang cùng nhau làm thay đổi bức tranh chính trị Mỹ thông qua các tác phẩm của họ về bất bình đẳng.
Thomas Piketty (1971-)

Với cuốn sách Le Capital au XXIe siècle [Tư bản vào thế kỷ XXI] (Seuil, 2013) của mình, một cuốn sách chưa chắc bán chạy nhất năm 2014 ở xứ sở thị trường là vua, Piketty là người tiên phong. Gabriel Zucman mô tả: “Chính Piketty là người có cách tiếp cận đầy tham vọng nhất. Ông ấy muốn tạo ra một hệ tư tưởng mới về chủ nghĩa xã hội tham gia”. Emmanuel Saez, đồng tác giả nhiều tác phẩm với Piketty, là người siêu phàm: tốt nghiệp trường Normale-Sup và MIT, Emmanuel Saez là người được trao Huy chương John Bates Clark, giải thưởng cao quý nhất của Mỹ về kinh tế học. “Ông ấy là một người cầu toàn, cực kỳ chặt chẽ”, theo lời của người đồng nghiệp trẻ tuổi của ông. Đến mức mà, một số người nghĩ s thấy ông, một ngày nào đó đậu xe vào một trong những chỗ dành cho những người đoạt giải Nobel trong bãi đậu xe của khoa.
“Người sửa ống nước” của công bằng xã hội

Emmanuel Saez (1972-)
Về phần Gabriel Zucman, anh ấy tự cho mình thuộc dạng người khiêm tốn hơn. Dạng “người sửa ống nước” của công bằng xã hội. Dạng người điều chỉnh các chính sách công để “góp phần vào sự tiến bộ”. “Nếu có một ý chí chính trị để tạo ra một thuế suất đánh trên tài sản, nếu muốn đánh thuế các công ty đa quốc gia, thì làm thế nào để điều đó hoạt động trong thực tế?” Và để “làm tốt công việc sửa ống nước”, anh nhấn mạnh cần phải “bắt đầu bằng việc có được những con số chính xác”. Đó là chuyên môn của anh ấy. Emmanuel Saez thích các số liệu thống kê hơn là các cuộc phỏng vấn, chính Gabriel Zucman là người được giao nhiệm vụ quảng bá cho cuốn sách mới của họ, The Triumph of Injustice [Chiến thắng của sự bất công] (W. W. Norton & Company), sẽ được phát hành vào ngày 15 tháng 10 và sẽ ra mắt ở Pháp vào tháng Hai.
Vị giáo sư, trong trang phục quần jean và áo thun, có một văn phòng, có tầm nhìn toàn cảnh, trên tầng sáu của Khoa Kinh tế. Trên bàn làm việc bằng gỗ tự nhiên của anh, không hề có một mảnh giấy, dù là nhỏ nhất. Gabriel thuộc về thế hệ kỹ thuật số hoàn toàn. Nhà nghiên cứu “đặc biệt tự hào” về trang web TaxJusticeNow.org, trang đồng hành cùng anh trong sự ra đời của cuốn sách, đặc biệt khi chính anh là người viết mã cho nó. Mọi người đều có thể phát triển mô phỏng riêng của mình ở đó.
Zucman trình bày mô phỏng của mình, trước máy tính. “Đường cong màu xanh là cải cách được đề xuất trong cuốn sách. Bạn có thể thay đổi nó. Ví dụ: bạn muốn đánh thuế các tỷ phú nhiều hơn.” Vị giáo sư di chuyển con trỏ. “Boom! Điều đó cho chúng ta biết biện pháp này mang về bao nhiêu: 692 tỷ US$.” Bạn cũng muốn tăng thuế thu nhập? “Và boum!” Anh nói đùa. Hình ảnh động cho thấy sự biến dạng của việc đánh thuế lũy tiến, qua thời gian ở Hoa Kỳ.
Dòng họ hành nghề bác sĩ ở Paris
Tuy không rõ rệt nhưng chúng ta dễ thấy rằng mức độ tái phân phối là lớn hơn trong hệ thống thuế vào những năm 1950. Cuốn sách tiết lộ là, lần đầu tiên, vào năm 2018, 400 người Mỹ giàu nhất, theo cách xếp hạng của Forbes, đã trả tiền thuế ít hơn rất nhiều so với đồng hương của họ (23% so với 28% tiền thuế trung bình đối với toàn thể người Mỹ). Điều này xảy ra là nhờ cuộc cải cách thuế của Donald Trump, người đã giảm một phần ba khoản thuế doanh nghiệp.
Lớn lên trong một gia đình hành nghề bác sĩ ở Paris, chàng trai tốt nghiệp trường Normal-Sup này đã chứng kiến sự nghiệp của mình thay đổi vào ngày 15 tháng 9 năm 2008. Đó là một buổi sáng thứ Hai, khi ngân hàng Lehman Brothers tuyên bố phá sản, vào lúc mà anh bắt đầu thực tập tại công ty môi giới Exane ở Paris. “Chúng tôi chịu trách nhiệm giải thích cho khách hàng biết chuyện gì đã xảy ra. Nhưng không ai hiểu chuyện gì đã xảy ra cả.”

Cũng chính tại công ty môi giới này mà anh bắt đầu quan tâm đến thống kê kinh tế vĩ mô quốc tế, trong đó người ta có thể thấy (nếu tìm kỹ hơn) “hàng trăm triệu đô-la đã chảy qua ngả Quần đảo Cayman, hoặc chảy vào và đi ra khỏi Singapore”. Anh đã lấy đề tài đó làm luận án tiến sĩ của mình, rồi một cuốn sách thuộc loại bán chạy nhất được dịch sang mười tám ngôn ngữ: The Hidden Wealth of Nations [Của cải ngầm của các quốc gia] (Seuil, 2017), trong đó ông giải thích có 8% của cải toàn cầu được cất giữ ở hải ngoại.
“Đội ngũ tranh cử của các ứng cử viên [tổng thống Mỹ] liên hệ với chúng tôi. Chúng tôi giúp họ số hóa các đề xuất của họ và sau đó tư vấn cho họ về các vấn đề kỹ thuật.” Gabriel Zucman
Elizabeth Warren (1949-)
Kể từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, Zucman và Saez là nhà tư vấn cho cánh tả cấp tiến của Mỹ. Một công việc không có gì chính thức: họ không được trả lương, và Gabriel Zucman chỉ nói chuyện có một lần với Bernie Sanders và chưa bao giờ với Elizabeth Warren. Nhưng, các công trình của họ là một nguồn cảm hứng. “Đội ngũ tranh cử của các ứng cử viên [tổng thống Mỹ] liên hệ với chúng tôi. Chúng tôi giúp họ số hóa các đề xuất của họ và sau đó tư vấn cho họ về các vấn đề kỹ thuật: áp dụng mức [thuế] nào, cơ chế nào để chống lại sự tối ưu hóa thuế...”
Năm 2015, Bernie Sanders, thượng nghị sĩ bang Vermont và là ứng cử viên [tổng thống] cho vòng sơ bộ của đảng Dân chủ, đã sử dụng các mô phỏng của Emmanuel Saez và Gabriel Zucman, để khởi động chiến dịch tranh cử của ông ấy, chiến dịch đã trở thành biểu tượng, chống lại cái “1%”: tỷ lệ những người Mỹ giàu nhất. “Chúng ta vào trang web của ông ấy, BernieSanders.com, và thấy ngay biểu đồ của chúng tôi ở trang chính,” Zucman nói đùa. Đó là biểu đồ chữ U nổi tiếng, được trích dẫn từ một bài báo đồng tác giả với Saez vào tháng 10 năm 2014: “Wealth inequality in the US since 1913” [“Sự bất bình đẳng về của cải ở Hoa Kỳ kể từ năm 1913”]. Chúng ta có thể thấy phần của cải thuộc sở hữu của 1% những người giàu nhất đã trở lại mức của những năm 1920. “Nhưng điều nổi bật nhất, không phải là con số 1%, mà là 0,1%. Vào đầu những năm 1980, họ sở hữu khoảng 7% di sản quốc gia. Ngày nay, họ sở hữu khoảng 20%. Tức gần bằng với 90% của cải của dân số còn lại.
Đảng viên Đảng Dân chủ Bernie Sanders, tại Houston, Texas, vào ngày 12 tháng 9. HEIDI GUTMAN/ZUMA PRESS/REA
Vào tháng 1, Elizabeth Warren đã gây bất ngờ cho toàn thể cánh tả, khi đề xuất áp dụng một thuế suất lên những khối tài sản lớn, nếu bà được bầu vào Nhà Trắng vào năm 2020. “Chúng tôi đã làm việc rất căng với nhóm tranh cử của bà ấy ngay trước khi đưa ra kế hoạch”, Gabriel Zucman nói. Bà thượng nghị sĩ bang Massachusetts có kế hoạch đánh thuế 2%, trên từng đồng đô-la, những khối tài sản lớn hơn 50 triệu US$ (liên quan đến 75.000 hộ gia đình chịu thuế) và 3%, trên từng đồng đô-la, những khối tài sản lớn hơn 1 tỉ US$. Một thuế suất 40% và buộc từ bỏ quốc tịch Mỹ đối với những người đóng thuế nào muốn [đầu tư] ra nước ngoài. Zucman phân tích: “Kế hoạch thiên tài của Warren là khởi đầu ở mức cao như vậy. Điều này giúp loại bỏ hàng loạt tranh luận sai lệch, thứ đã làm suy yếu thuế ISF [thuế tài sản] ở Pháp.” Pháp đánh thuế những khối tài sản trị giá 1 triệu euro. “Đây mới thực sự là đánh thuế những người siêu giàu.”
“Hoa Kỳ là quốc gia từng có hệ thống thuế lũy tiến cao nhất trên thế giới.” Gabriel Zucman
Bernie Sanders, đối thủ của các ứng cử viên vòng sơ bộ thuộc đảng Dân chủ, đã nâng mức mục tiêu cao hơn khi trình bày, vào cuối tháng chín, dự án thuế ISF riêng của ông ấy. “Nhóm tranh cử của ông ấy đã gọi điện cho chúng tôi và nói rằng họ muốn tiến xa hơn. Chúng tôi đã soạn ra một kế hoạch đầy tham vọng hơn cho họ”, Zucman kể lại. “Bernie” đề xuất đánh thuế lên những tài sản từ 32 triệu US$. Và mức thuế 8% lên những tài sản lớn hơn 10 tỷ US$.
Corine Lesnes
Đối với những người hô hoáng lên rằng đây là điều báng bổ, các tác giả Pháp giải thích rằng thuế lũy tiến, trong cuốn sách của họ, là một ý tưởng rất Mỹ. “Hoa Kỳ là quốc gia từng có hệ thống thuế lũy tiến cao nhất trên thế giới,” Zucman nói. Dưới thời Franklin Roosevelt, thuế suất cận biên là 90%. Gabriel Zucman cảm thấy tuyệt vời khi đến Hoa Kỳ vào một thời điểm có nhiều thay đổi. “Cuối cùng có một yêu cầu về những chính sách mang tính tái phân phối nhiều hơn, chống lại nạn bất bình đẳng đang gia tăng.” Mức lương của Gabriel Zucman tại Đại học Berkeley là bao nhiêu? Anh ấy nói một cách thoải mái. “215,000 US$.” Bị đánh thuế bao nhiêu? “Không nhiều lắm!”
Corine Lesnes (phóng viên tại San Francisco)
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
* * *
“THE TRIUMPH OF INJUSTICE [CHIẾN THẮNG CỦA SỰ BẤT CÔNG]”: MỘT CUỐN SÁCH CÓ TÍNH CƯƠNG LĨNH
Emmanuel Saez và Gabriel Zucman xem xét tình trạng bất bình đẳng thuế ở Hoa Kỳ, trong cuốn sách của họ sẽ được xuất bản vào tháng 2 năm 2020 tại Le Seuil.
Stéphane Lauer
Hoa Kỳ lâm vào tình thế trên như thế nào? Làm thế nào mà một trong những nền dân chủ lớn nhất thế giới có thể lâm vào tình trạng chán ghét thuế khoá như thế, đến mức một tổng thống tương lai, trong trường hợp này là Donald Trump, vài ngày trước cuộc bầu cử, lại lấy chủ đề không nộp thuế làm một lý do để tự hào về tài xoay sở của mình? Câu hỏi này là điểm xuất phát của tác phẩm của Emmanuel Saez và Gabriel Zucman The Triumph of Injustice [Chiến thắng của sự bất công]. Các tác giả, hai nhà nghiên cứu người Pháp tại Đại học Berkeley (California), đồng nhất hành trình đòi đánh thuế ngày càng thấp này với “sự phủ nhận nền dân chủ”. Họ viết: “Không có thuế, không có hợp tác, không có thịnh vượng, không có vận mệnh chung - thậm chí quốc gia cũng không cần đến một tổng thống nữa”.
Ronald Reagan (1911-2004)
Tiêu đề phụ của cuốn sách - “Người giàu tránh thuế như thế nào và làm thế nào để bắt họ phải trả tiền thuế” - gây được tiếng vang như một chương trình tranh cử, mà cánh tả của Đảng Dân chủ đã bắt đầu lấy cảm hứng từ đó. Do, kể từ thời mà Ronald Reagan, vào đầu những năm 1980, gọi thuế là “sự gây hấn thường nhật”, tình thế đã xoay chiều ở đất nước của chủ nghĩa tự do chiến thắng. Các lựa chọn chính trị trong những thập kỷ qua đã dẫn đến việc giảm thuế cho những người giàu nhất một cách có hệ thống, trong khi mức thuế của những người khác thì dậm chân tại chỗ, làm gia tăng cảm giác bất công về thuế. Cuốn sách tóm tắt sự bất công về thuế bằng một thực tế: lần đầu tiên trong lịch sử, vào năm 2018, 400 người Mỹ giàu nhất được hưởng một mức thuế thấp hơn mức thuế áp dụng cho các đối tượng nộp thuế khác.
Một khối lượng dữ liệu khổng lồ
Các tác giả đã chứng minh điều đó trên một cơ sở dữ liệu rất phong phú. Saez và Zucman đã thực hiện một công việc cực lớn khi xem xét từng chi tiết các số liệu thống kê về thuế trong hơn một thế kỷ. Nét độc đáo chính nằm ở việc xem xét toàn bộ các khoản thuế mà người nộp thuế Mỹ đã phải trả, khi mà hầu hết các nghiên cứu đều tập trung vào thuế thu nhập. Việc xem xét trong tổng quan khối lượng dữ liệu khổng lồ này có tác dụng như là một chỉ báo các lựa chọn chính trị của nước Mỹ kể từ năm 1913, thời điểm áp dụng thuế thu nhập liên bang. Vào giữa thế kỷ 20, mức thuế mà những người giàu nhất phải trả tăng lên tới 91%, trước khi đảo chiều theo hướng ngược lại vào năm 1980 để dẫn đến tình hình hiện tại, chính sách cải cách thuế của Trump, vào năm 2018 coi như hoàn tất tiến trình cắt giảm này.

Saez và Zucman nhiệt liệt ủng hộ một sự tái cân bằng triệt để bằng cách tăng gấp đôi mức thuế áp dụng cho 1% người giàu nhất, chiếm tới 60% thu nhập của họ. Một cuộc cải cách như vậy sẽ mang về 750 tỷ US$, số tiền này có thể được đầu tư một cách hữu ích vào các lãnh vực giáo dục, y tế hoặc chuyển đổi năng lượng. Họ nhắc lại rằng, mỗi xã hội được tự do lựa chọn mức thuế lũy tiến mà nó muốn áp dụng; tuy còn cần phải có những công cụ để giúp đưa ra quyết định đó. Từ quan điểm này, cuốn sách đóng góp một phần thiết yếu cho cuộc tranh luận mà người Mỹ sẽ phải quyết định trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
The Triumph of Injustice [Chiến thắng của sự bất công], của Emmanuel Saez và Gabriel Zucman, WW Norton & Co, sẽ được phát hành vào ngày 15 tháng 10. Ở Pháp, cuốn sách sẽ ra mắt người đọc vào tháng 2 năm 2020 tại Seuil.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
----
Print Friendly and PDF