29.9.20

Một nhà kinh tế học kéo còi báo động

MỘT NHÀ KINH TẾ HỌC KÉO CÒI BÁO ĐỘNG

Về cuốn sách “Il faut dire que les temps ont changé... Chronique (fiévreuse) d’une mutation qui inquiète (Phải nhận thấy thời thế đã thay đổi …”, Bản thời luận bồn chồn về một sự đột biến gây lo lắng) của Daniel Cohen[1], NXB Albin Michel.
Christian Baudelot[2]

Daniel Cohen (1953-)
Daniel Cohen đề cập những thay đổi trong thế giới toàn cầu hóa của chúng ta với một mối quan tâm hiếm khi nhận thấy nơi các nhà kinh tế học. Sự ra đời của homo digitalis/con người số hóa, mạng xã hội và sự robot hóa các nền kinh tế đòi hỏi tìm kiếm các cách thức làm chủ tập thể những biến động đang diễn ra.
Rất hiếm khi một nhà kinh tế bày tỏ cảm xúc của mình. Tuy nhiên, đây là điều mà Daniel Cohen thể hiện ngay từ tựa đề cuốn sách của mình. Có những sự chuyển dịch kỳ lạ diễn ra đã đưa chúng ta từ thế giới này sang thế giới khác, hoàn toàn xa lạ với cái thế giới đã sinh ra nó”. Thật vậy, biến đổi là chủ đề chính của cuốn sách này. Và đó là một sự biến đổi có cường độ to lớn vì nó liên quan đến sự chuyển dịch “từ thế giới này sang thế giới khác”. Đó là cái tối thiểu. Lấy cảm hứng từ sự phân kỳ được Fourastié xác lập năm 1948 (Le grand espoir du XXe siècle/Hy vọng to lớn của thế kỷ XX), Cohen cho rằng sau thời đại nông nghiệp, rồi đến thời đại công nghiệp, xã hội của chúng ta đã bước sang thời đại thứ ba, thời đại của kỹ thuật số và con người số hóa. Ông không phải là người đầu tiên phân tích những biến đổi sâu sắc mà các công nghệ mới đang ghi lại trong lối sống, tâm trí và cách sử dụng không gian và thời gian của chúng ta. Nhận thức được rằng mọi thứ đang chuyển động, nhà kinh tế học cũng là người đọc thông tin sành sỏi về một loạt các nghiên cứu tất cả những biến động này trong các lĩnh vực đa dạng nhất, bắt đầu từ các cơ sở kinh tế của xã hội chúng ta. Mục đích của cuốn sách này là cung cấp cho người đọc phương tiện để đạt đến một cái nhìn tổng thể về những gì đang xảy ra với chúng ta. Đây là lý do tại sao, nhân rộng các góc độ của cách tiếp cận, ông kết nối không những cái nhìn của các nhà kinh tế học, xã hội học, nhân khẩu học, tâm lý học trước đây và hiện nay, mà còn của các nhà triết học, phân tâm học, và các chuyên gia về trí tuệ nhân tạo, các nhà vật lý, sinh học và không bỏ qua sự đóng góp rất quan trọng của các nhà văn, nhà làm phim và ca sĩ, đặc biệt là Bob Dylan. Sự tập hợp các yếu tố tạp nham này rất bổ ích và độc đáo. Ông tạo nên một bức tranh làm cho các động lực phức tạp của tất cả các đột biến này trở nên dễ hiểu và đáng lo ngại. Chúng đang đảo lộn thế giới của chúng ta đến mức làm cho cả một số thành phần dân chúng... và chính nhà kinh tế học bị mất phương hướng. Tình hình thực sự nghiêm trọng! Sự đánh mất ý nghĩa nằm ở trung tâm của cuốn sách.
Sự đánh mất ý nghĩa
Bob Dylan (1941-)
Chúng ta đến từ đâu? Chúng ta đang đi đâu? Nhìn lại quá khứ giúp xác định rõ hơn về tương lai đang được phác họa, một xã hội không có sự phát triển và không tạo ra việc làm vì không có tính kinh tế theo quy mô. Trong quá khứ, một xã hội công nghiệp nơi phần lớn của cải được sản xuất bởi và trong các nhà máy, chủ yếu là do công nhân. Nhu cầu rất lớn vì cần phải cung cấp cho số dân ngày càng tăng các thiết bị và đồ tiêu dùng đặc thù của nền văn minh hiện đại: nhà ở, xe hơi, máy bay, thiết bị gia dụng, v.v., do đó có thể đạt một tốc độ tăng trưởng cao trong một thời gian dài. Sự căng thẳng thường xuyên, đặc thù của chủ nghĩa tư bản, giữa sự khắc nghiệt của lĩnh vực sản xuất, với hệ thống phân cấp theo chiều dọc và sự bóc lột công nhân phải chịu điều kiện làm việc thường là tàn nhẫn, và lĩnh vực tiêu dùng được tôn vinh như một nơi hưởng thụ và phát triển cá nhân đã trở nên có thể chịu được: sức mua thường xuyên tăng lên, cuộc sống tốt hơn cho những đứa con sẽ được hưởng tiền lương cao hơn, điều kiện sống vật chất tốt hơn và vị trí xã hội cao hơn bù đắp cho những nỗ lực trong công việc (của người công nhân). Bằng cách cung cấp cho số đông sự xa xỉ trước đây dành cho giới tinh hoa, chủ nghĩa tư bản đã lôi kéo được sự ủng hộ của đại chúng. Sức mạnh của sự tăng trưởng mang lại ý nghĩa cho cuộc sống: mỗi thế hệ sống tốt hơn thế hệ trước. Mọi người đều có cảm giác sống trong một xã hội được thúc đẩy bởi sự tiến bộ. Các công đoàn rất mạnh và sự thỏa hiệp xã hội tổng thể đạt được với giới chủ nhân là chấp nhận được. Thỏa thuận Grenelle năm 1968 là bằng chứng về điều này. Chắc hẳn đây là một bức tranh hơi quá lý tưởng, nhưng phần lớn được khẳng định bởi sự tàn bạo của sự tương phản với thế giới được phác họa ngày hôm nay.
Max Weber (1864-1920)

Trong những năm 1970, tăng trưởng chùn bước và sau đó bị đình trệ. Xã hội công nghiệp sụp đổ và cùng với nó là cơ sở hạ tầng xã hội chống đỡ nó. Tạm biệt giai cấp vô sản, công đoàn, ý tưởng tiến bộ, thăng tiến xã hội của thế hệ sau. Thất nghiệp không ngừng gia tăng. Để chống lại sự thâm hụt tăng trưởng này phần lớn là do tính kinh tế thấp của việc sản xuất theo quy mô các sản phẩm, các cổ đông đã giành lại quyền kiểm soát từ những năm 1980. Cuộc cách mạng tài chính buộc các công ty phải giảm “bằng mọi giá” chi phí sản xuất. Lý tưởng là một doanh nghiệp không có nhân viên. Những người còn lại sẽ phải sống trong một thế giới không có thời gian chết. Gia tăng cường độ lao động là cách duy nhất để kích động việc tăng năng suất. Nhịp độ lao động ngày càng bị áp đặt bởi nhu cầu của khách hàng. Chi phí truyền thông thấp hơn giúp cho việc không thận trọng giao thầu cho bên ngoài biên giới của các công ty và quốc gia. Đạo đức Tin lành, mà Max Weber coi trọng, không còn là động lực thúc đẩy tâm trí của các nhà tư bản, mà là một lòng tham vô tận. Tỷ lệ thu nhập quốc dân bị 1% người giàu nhất chiếm tăng lên từ 10% đến 20%. Thomas Piketty đã chỉ ra rõ ràng rằng tỷ lệ tiền lương trong sự giàu có giảm mạnh theo hướng có lợi cho thu nhập từ Tư bản. Công ty sử dụng càng ít nhân sự càng kiếm được nhiều lợi nhuận. Netflix hoặc Google đã có thể tăng gấp đôi doanh thu của mình mà không cần tăng gấp đôi nhân viên của mình. Có một vài người thắng cuộc và rất nhiều người thua cuộc. Những người có công việc được thực hiện với tính kinh tế theo quy mô cao đã lợi dụng tốt cơ hội này. Các công việc khác bị vô sản hóa. Sự hồi sinh của chủ nghĩa tư bản chi phí thấp này đang gây ra một sự bần cùng hóa mới của các lớp bình dân. Nhưng nhất là nó phá hủy sự đoàn kết ngầm mà thế giới công nghiệp cũ, phân cấp nhưng thống nhất, đã xây dựng. Công nhân trong ngành đại công nghiệp đã mất hơn một phần ba lực lượng của họ, có lợi cho các loại lao động khác, công nhân loại thủ công, nhân viên hậu cần, lái xe và xử lý hàng hóa. Những người này, làm việc trong các môi trường không chính thức, gần gũi với khách hàng và với nhu cầu cuối cùng, trở thành những người cung cấp dịch vụ đơn giản.
Mối quan hệ bị đánh mất
Robert Castel (1933-2013)
Serge Paugam (1960-)
Sự không an toàn kinh tế và xã hội làm xói mòn và phá vỡ mối quan hệ xã hội. Các nhà xã hội học đã chỉ rõ điều đó, đặc biệt là Robert Castel và Serge Paugam: cảm giác bị cô lập và bị bỏ rơi được cảm nhận bởi những thành phần bình dân ngày càng tăng, ý nghĩa và điểm tham chiếu bị đánh mất, chủ nghĩa cá nhân khi không còn gì khác. Do đó sự gia tăng của chủ nghĩa dân túy tìm thấy một lối thoát trong việc bỏ phiếu cho đảng Mặt Trận Quốc Gia (Front National). Phân tích tinh tế được Trung tâm nghiên cứu Trường Sciences PO (Cevipof) thực hiện về các yếu tố quyết định lá phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2017 làm sáng tỏ sự phân cực chính trị mới này.
Bức tranh đã được biết đến, nhưng cần phải nhắc lại để làm cho sự tương phản với tương lai đang được phác họa được rõ nét hơn nữa. Sự bùng nổ của việc số hóa trong hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống, sự thay thế dần lao động của con người bằng những robot ngày càng đa năng và hiệu quả, những tiến bộ ngoạn mục được thực hiện trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, sự phổ biến việc sử dụng các thuật toán để quản lý hoạt động của một số lượng lớn các tổ chức và hoạt động, đó là bấy nhiêu cuộc cách mạng công nghệ làm đảo lộn hoàn toàn cả hành vi cá nhân và hoạt động của xã hội của chúng ta.
Alfred Sauvy (1898-1990)
Ngày nay chúng ta có thể biết chính xác những gì về các hệ quả lâu dài của chúng? Chắc chắn không phải biết tất cả! Daniel Cohen đã đúng khi nhắc lại rằng nhiều phát minh công nghệ đã vượt quá và vượt ra ngoài mục tiêu mà các nhà phát minh của chúng đặt ra: động cơ hơi nước lúc đầu được sử dụng để bơm nước trong các mỏ than, chứ không phải là làm cho tàu hỏa chạy. Edison không thể tưởng tượng được quy mô và sự đa dạng của các ứng dụng được tạo ra bởi điện. Alfred Sauvy cũng cho thấy rõ rằng các phát minh công nghệ luôn phá hủy việc làm nhưng cũng tạo ra nhiều công việc mới, v.v.. Thực tế là quy mô của các biến đổi công nghệ, kinh tế và xã hội đang diễn ra có nguy cơ làm thay đổi sâu sắc mối quan hệ truyền thống giữa con người và máy móc. Trước hết bằng sự phân cực mạnh mẽ của các việc làm: “các người thao tác biểu tượng”, các nhà thiết kế, đã trở nên rất giàu có. Nhưng các việc làm dựa trên quan hệ gần gũi, do bản chất không có khả năng tạo ra tính kinh tế theo quy mô và tăng năng suất, bởi vì đây là mối quan hệ trực diện, được trả lương rất thấp và có khả năng vẫn tiếp tục như vậy. Tăng mạnh, lực lượng lao động này phát xuất từ dòng chảy của những người bị loại trừ khỏi thế giới công nghiệp và cả từ việc một số lượng lớn nhiệm vụ được giao thầu cho chính người tiêu dùng, với sự hỗ trợ của phần mềm (các loại công việc đăng kí giữ chỗ, các thủ tục hành chính, v.v.). Chúng ta đều biết rằng khi cần phải hành động bên ngoài một nghi thức, con người, đa nhiệm do bản năng, tốt hơn robot và tương lai của lao động của con người sẽ phụ thuộc vào cách xã hội sẽ có thể tưởng tượng những bổ sung mới giữa con người và máy móc, nhưng chúng ta cũng biết đặc trưng của tương lai là sự thâm hụt mạnh mẽ của sự tăng trưởng và việc làm.
Dưới sự chi phối của các mạng
Felix Guattari (1930-1992)
Gilles Deleuze (1925-1995)
Nghịch lý của lịch sử, sự ra đời của Internet đã đánh dấu theo cách riêng của nó sự chiến thắng của nền phản-văn hóa của những năm 1960 vốn, đoạn tuyệt với xã hội phân cấp áp đặt lối sống giống nhau lên mọi người, đã tôn vinh tính ưu việt của cá nhân, tự do, sự miễn phí và mối quan hệ bình đẳng và theo chiều ngang giữa con người. Đối với nhiều bộ óc tiến bộ, Internet sẽ “san bằng các tổ chức, toàn cầu hóa xã hội, phân cấp quyền lực và thúc đẩy sự hòa hợp giữa con người” (Nicholas Negroponte). Gilles Deleuze và Felix Guattari đã ước vọng đến một xã hội theo mô hình thân rễ (rhizome). Thân rễ nằm ngang và ngay lập tức được nhân lên mà không có sự bắt đầu hoặc sự kết thúc, nhưng luôn luôn có một trung tâm. Cái gốc, trái lại, tạo ra phả hệ, thứ bậc và có cơ sở trên một quan niệm theo chiều dọc và tôn giáo của xã hội công nghiệp. Internet, Facebook, các mạng xã hội với các mối quan hệ tự chọn của chúng, không có hệ thống phân cấp rõ ràng, rõ ràng tạo thành một chiến thắng của thân rễ trên gốc. Ý tưởng về một môi trường kỹ thuật mới sẽ thúc đẩy sự phát triển cá nhân và cuộc giải phóng tập thể.
Tuy nhiên, nhiều cuộc điều tra được thực hiện ở Hoa Kỳ về hoạt động của các mạng xã hội (chưa có hoặc rất ít ở Pháp!) đã phân tích những thay đổi sâu sắc mà chúng gây ra đối với cấu trúc của trí tuệ, hành vi, tinh thần và mối quan hệ với người khác của các thế hệ trẻ. Thật vậy tiến trình xã hội số hóa dành rất ít chỗ cho ý chí tự do của cá nhân. Căn tính (identite) là căn tính của mạng, chứ không phải của cá nhân và cá nhân có thể ẩn trong đó. Thế giới kỹ thuật số thúc đẩy sự nghiện ngập. Với các phim nhiều tập, iPhone và tốc độ của truyền thông, nó duy trì các cá nhân trong trạng thái thường xuyên chờ đợi email, tin nhắn, tin tức. Mọi thứ trở thành ma túy. Dành 6 giờ mỗi ngày cho cái máy của họ, những người trẻ tuổi của thế hệ iPhone đã bớt nổi loạn, khoan dung hơn, kém hạnh phúc hơn và được chuẩn bị rất kém để trở thành người lớn. Có những thí nghiệm đã chỉ ra rằng Facebook giảm hạnh phúc: chúng ta càng mãi mê nó, chúng ta càng cảm thấy không hạnh phúc. Mạng xã hội đóng góp vào việc phi xã hội hóa mọi người và khiến họ mất cảm giác về tương lai bằng cách giam hãm họ trong vùng đầm lầy của một hiện tại vĩnh viễn. Thế giới kỹ thuật xóa bỏ tương lai bởi vì nó chính là sự vượt lên chính nó. Hai thập kỷ của internet đã thay đổi quan hệ với thói quen đọc hơn hàng thiên niên kỷ văn bản viết, v.v.. Dấu ấn của tất cả các công nghệ mới này trên tâm trí và hành vi mạnh mẽ đến mức có nguy cơ rất lớn là lần này con người sẽ thích nghi với máy móc hơn là ngược lại. Luôn luôn bị tràn ngập trong mỗi trang bởi thành tích của các ứng dụng xuất phát từ trí tuệ nhân tạo, bởi các lãnh thổ mới được các thuật toán cách mạng chinh phục, tương lai đang chờ chúng ta thật là kinh khủng. Liệu rằng nhà kinh tế học duy lý Daniel Cohen đã sẳn sàng chấp nhận một kịch bản thảm họa?
Chưa chắc lắm! Đặc biệt là vì mọi thứ không nhất thiết theo mô hình thân rễ và theo chiều ngang trong xã hội của chúng ta. Các công ty khủng mới và toàn cầu hóa, chẳng hạn như Gafa (Google, Amazon, Facebook và Apple), chi phối mạnh mẽ đời sống kinh tế, tài chính, xã hội và ý thức hệ trong khi thực hiện sự kiểm soát thường xuyên trên cuộc sống của chúng ta mà rốt cuộc họ biết hết mọi thứ.
Chắc hẳn, sự tương phản giữa hôm qua và hôm nay được đưa đến mức cực đoan do yêu cầu của sự chứng minh. Tất cả không phải là màu hồng trong xã hội công nghiệp, và không phải tất cả đều là màu đen trong xã hội kỹ thuật số. Và Daniel Cohen cũng đã nói về tất cả những tiến bộ tích cực của tiến trình số hóa, đặc biệt trong lĩnh vực y tế và giáo dục. Ưu điểm chính của cuốn sách này là thu hút sự chú ý đến việc mất ý nghĩa bị gây ra bởi tất cả những biến động lớn vẫn còn bị kiểm soát rất kém. Là tối đa trong số các thành phần xã hội ở xa nhất đối với ​​trung tâm của cơn lốc lớn này, sự mất ý nghĩa cũng được chia sẻ bởi hàng loạt công dân ngày càng đông gặp khó khăn để hình dung về tương lai đang chờ đợi họ, và đặc biệt là con cháu của họ.
Làm gì?
Trong những trang cuối của cuốn sách, Daniel Cohen đã chỉ ra một số hành động và biện pháp nên được thực hiện để chống lại các tác động gây hại nhất của tình hình mới. Chúng chủ yếu liên quan đến việc Nhà nước thực hiện các điều tiết xã hội mới: giám sát và điều chỉnh tốt hơn các hoạt động của Gafa, tạo cơ sở dữ liệu công cộng về các chủ đề chính, trả lại quyền quyết định cho các tổ chức công cộng, bệnh viện, trường học, đảm bảo ngăn chặn sự biến mất của tính riêng tư trên các mạng xã hội, chống lại việc bán dữ liệu, đòi hỏi sự minh bạch tốt hơn của các thuật toán. Tổ chức những “ngày không có …” (máy tính, iPhone, internet) để làm cho các mối quan hệ liên cá nhân trở thành “văn minh lại”. Huấn luyện tốt hơn những người trẻ tuổi để giúp họ tìm lại con đường đọc sách... Để đảm bảo các bảo vệ mới chống lại sự bất trắc của cuộc sống và sự suy giảm hàng triệu việc làm có khả năng xảy ra, nên thiết lập một thu nhập phổ quát, v.v..
André Gorz (1923-2007)
Tất cả các biện pháp này là cần thiết, nhưng bên cạnh việc chúng sẽ khó được triển khai, chúng cũng có thể là không đủ. Tăng trưởng không phải là yếu tố duy nhất bị khựng lại. Đối mặt với tình hình mới, trí tưởng tượng để tạo ra các giải pháp mới và các dự án kinh tế, chính trị và dân chủ tương xứng với các biến động lớn mà chúng ta đang trải qua cũng phần lớn đang bế tắc. Sự biến mất của cánh tả trong trường chính trị chỉ là một triệu chứng. Do đó, có sự khuyến khích khẩn cấp khi kết thúc cuốn sách về sự thức tỉnh công dân sẽ bao gồm các cuộc thảo luận tập thể với những người khác về “các phương tiện tốt nhất để thỏa mãn những nhu cầu thực sự”, theo phương châm của André Gorz mà Daniel Cohen đã có lý khi nhắc lại rằng ông ấy là một trong những người đầu tiên ở Pháp đã nhận ra những thách thức mới đang chờ đợi xã hội chúng ta.
Cho đến nay, giải pháp tốt nhất mà chủ nghĩa tư bản đã mang lại để giải quyết các cuộc khủng hoảng kinh tế tầm cỡ như vậy là dùng đến chiến tranh. Chúng ta phá hủy mọi thứ và bắt đầu lại. Khả năng này là không thể bị loại trừ ngày hôm nay. Kho vũ khí của nhiều quốc gia được trang bị đầy đủ các vũ khí tinh vi sẵn sàng được sử dụng. Nhưng một chiều hướng mới lần này có thể thay đổi cuộc chơi, đó là tốc độ toàn cầu nóng lên không lường trước được. Tốc độ xuống cấp của khí hậu không lường trước được sẽ buộc phải giảm bớt quy mô và các sản xuất gây ô nhiễm (ô tô, máy bay, v.v.). Chi phí vận chuyển ngày càng tăng có nguy cơ đẩy mỗi quốc gia hồi hương trong biên giới của mình ít nhất là một phần của sản xuất công nghiệp và nông nghiệp cần thiết cho cuộc sống. Do đó, cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu đòi hỏi phải tạo ra các phương tiện mới nhằm “thỏa mãn những nhu cầu thực sự.” Đã có nhiều sáng kiến ​​và các đoàn thể địa phương ở cấp địa phương, trong lĩnh vực nông nghiệp và thủ công. Chúng có thể được liên hợp lại không? Chúng có phải là sự khởi đầu của một xã hội mới không? Làm cách nào để sử dụng tất cả các tài nguyên của kỹ thuật số, thuật toán và Trí tuệ nhân tạo trong các khung xã hội nằm ngoài tầm với của GAFA và các quốc gia cảnh sát? Chính đó là những câu hỏi cơ bản hiện nay mà cuốn sách của Daniel Cohen khuyến khích chúng ta trả lời.
Phạm Như Hồ dịch
Nguồn: Un économiste tire la sonnette d’alarme, La vie des idées, 29.10.2018.




Chú thích:

[1] Daniel Cohen là giáo sư kinh tế học ở Trường Sư Phạm Cao Cấp phố Ulm (ban toán), phó chủ tịch của Trường Kinh Tế Học Paris mà ông là một trong những nhà sáng lập và giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Kinh Tế Học và các ứng dụng. Các công trình của ông phân tích các sự biến đổi của chủ nghĩa tư bản đương đại dưới nhiều khía cạnh khác nhau, kết hợp phân tích kinh tế học và phân tích sử học. Tất cả các công trình của ông đều đã được dịch ra tiếng Anh (theo Wikipedia - ND).

[2] Christian Baudelot là giáo sư danh dự về xã hội học ở Trường Sư Phạm Cao Cấp (Paris) chuyên về giáo dục và xã hội học lao động, và là nhà nghiên cứu ở Trung Tâm Maurice-Halbwachs (kết hợp Trung Tâm Quốc Gia Nghiên Cứu Khoa Học/CNRS, Trường Sư Phạm Cao Cấp/ENS, Trường Nghiên Cứu Cao Cấp về Khoa Học Xã Hội/EHESS).

Print Friendly and PDF