28.9.20

Việc không làm gì đối với khí hậu cũng sẽ tốn kém như đại dịch trong một năm

VIỆC KHÔNG LÀM GÌ ĐỐI VỚI KHÍ HẬU CŨNG SẼ TỐN KÉM NHƯ ĐẠI DỊCH TRONG MỘT NĂM

Một chiến lược kinh tế tốn kém
Các nhà khoa học, các nhà bảo vệ môi trường, giới trẻ tuổi quan tâm đến tương lai của họ, tất cả các nhà quan sát về biến đổi khí hậu đều đã lên tiếng trong nhiều năm qua. Sự bất động về chính trị và sợ trách nhiệm trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đang đẩy chúng ta thẳng đến một thế giới không thể sống nỗi. Điều mà chúng ta ít biết hơn, và vừa được tiết lộ trong một nghiên cứu quốc tế được công bố trên tạp chí danh tiếng Nature, đó là sự bất động trong cuộc chiến chống lại sự biến đổi khí hậu có một tác động kinh tế khổng lồ, chưa từng được đo lường. Các nhà nghiên cứu cho rằng cái giá của việc không làm gì đối với khí hậu có thể so sánh với cái giá của đại dịch hiện tại, điều sẽ tái diễn hàng năm cho đến năm 2100. Nói cách khác, thảm họa khí hậu được dự đoán sẽ đi đôi với một thảm họa kinh tế không thể khắc phục. Điều làm cho tất cả các nhà lãnh đạo bị cám dỗ bởi các chính sách tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa phải suy nghĩ.
Một nhóm các nhà nghiên cứu Trung Quốc, Mỹ và Thụy Điển đã hợp lực để thực hiện một phép tính to lớn: chi phí của những biện pháp cần thực hiện để đưa tình trạng khí hậu nóng lên toàn cầu xuống dưới mức 1,5°C, do Thỏa thuận Paris thiết lập, là bao nhiêu? Một câu hỏi kèm theo một câu hỏi khác, theo hướng ngược lại: Cái giá phải trả là bao nhiêu, nếu không thực hiện các biện pháp nói trên, và nếu để cho khí hậu tiếp tục diễn biến như bình thường?
Một phương trình đơn giản nhưng sâu thẳm
Kết quả các tính toán của họ vừa được công bố trên tạp chí Nature, và chúng giống như một quả bom.
Phương trình của họ rất đơn giản nhưng sâu thẳm:
Chi phí của các biện pháp để kiềm chế tình trạng khí hậu nóng lên toàn cầu nằm trong khoảng từ 16.000 đến 103.000 tỷ US$ cho toàn bộ các nước G20, từ nay đến cuối thế kỷ này. Như vậy, việc ngăn chặn tình trạng khí hậu nóng lên toàn cầu sẽ đòi hỏi 20 quốc gia giàu nhất hành tinh - vốn là những nước gây ra 80% lượng khí thải nhà kính trên thế giới - phải dành  từ 200 đến 1.287 tỷ US$ mỗi năm để giảm thiểu và thích ứng với tình trạng khí hậu nóng lên toàn cầu. Con số này tương đương với 0,2 đến 2% tổng sản phẩm quốc dân hàng năm của họ.
Nếu không làm gì thì chi phí đó sẽ gấp khoảng mười lần: từ 1.900 đến 10.000 tỷ US$ mỗi năm, hoặc tương đương từ 2 đến 12% GDP thế giới hiện tại.
Con số nói trên tượng trưng cho chi phí của đại dịch coronavirus hiện tại, vốn đã hạ gục nền kinh tế thế giới, nhưng đó là một khoản chi phí mà các nước G20 phải trả mỗi năm. Đại dịch, đã quá nhiều rồi; một đại dịch như Covid-19 sẽ tấn công hàng năm, đó là điều không thể chịu đựng nỗi, ngay cả khi tất cả các nhà máy in tiền trên thế giới hoạt động cả ngày lẫn đêm.
Một cuộc đấu tranh trị giá hàng nghìn tỷ đô la
Mục tiêu chính của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là ngăn chặn, trước cuối thế kỷ này, sao cho nhiệt độ trung bình của khí hậu toàn cầu không tăng từ 1,5 đến 2°C so với mức vào thời kỳ tiền công nghiệp.
Một trong những biện pháp đã đồng ý để đạt được điều nói trên là giảm phát thải khí nhà kính, thông qua việc trình bày các mức Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC, Nationally Determined Contributions), tức là các mục tiêu giảm phát thải phải ngày càng nhiều tham vọng hơn.
Tuy nhiên, với các dữ liệu giảm phát thải hiện tại, thì sẽ không đạt được giới hạn 1,5ºC vào cuối thế kỷ này, mà là từ năm 2030 đến năm 2052, theo Báo cáo đặc biệt mới nhất của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC, Intergovernmental Panel on Climate Change). Đối với các chuyên gia, những nỗ lực cùng với những khoản đầu tư kinh tế lớn là điều cần thiết để thu hẹp khoảng cách về lượng phát thải đang gia tăng. Nếu không làm gì thì sẽ dẫn đến những thiệt hại kinh tế lớn hơn, chưa kể đến những thiệt hại không thể khắc phục đối với hành tinh và sự sinh tồn của các sinh vật.
Yi-Ming Wei
Sự biến đổi khí hậu có thể dẫn đến một thảm họa toàn cầu; do đó, nếu các quốc gia không cải thiện hành động giảm thiểu phát thải của mình để đáp ứng các mục tiêu khí hậu, thì thiệt hại gây ra sẽ dẫn đến những thiệt hại kinh tế đáng kể và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế trong tương lai, theo lời của Yi-Ming Wei, tác giả chính của nghiên cứu và là nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu về Chính sách năng lượng và môi trường thuộc Viện Công nghệ Bắc Kinh, Trung Quốc.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature trình bày một phân tích về những thiệt hại kinh tế khả dĩ từ những thiệt hại không thể tránh khỏi về khí hậu. Theo nghiên cứu này, nếu các quốc gia không thể thực hiện các cam kết hiện tại của họ, thì toàn thế giới, chứ không riêng gì các nước G20, sẽ hao tốn từ ​​150.000 đến 792 nghìn t US$ vào năm 2100.
Hãy nhớ rằng chúng ta còn ở rất xa với mục tiêu giảm thiểu khí nhà kính; theo tổ chức phi chính phủ Climate Action Tracker [Theo dõi sự biến đổi khí hậu], những chiến lược về khí hậu đang được triển khai có xu hướng hướng tới mức ít nhất là 3°C nhiệt độ khí hậu nóng lên toàn cầu.
Một khoản đầu tư không thể vượt qua?
Để hạn chế sự gia tăng nhiệt độ khí hậu và giảm thiểu lượng khí thải, các quốc gia cần ngay lập tức gánh chịu một khoản chi phí, khiến cho thu nhập ròng của các quốc gia sẽ là âm, trong khoảng thời gian đầu. Các nước vẫn đang đặt câu hỏi: liệu có đáng để đầu tư ồ ạt vào việc giảm thiểu nhiệt độ nóng lên toàn cầu hay không? Những nỗ lực để ổn định nhiệt kế ở mức 1,5°C sẽ cần đến những khoản đầu tư cực kỳ lớn để thay đổi các mô hình và hành vi công nghiệp; liệu điều đó có khả năng sinh lợi thực sự khi chi ra những khoản tiền khổng lồ như vậy hay không?
Chúng ta có thể phải có một nỗ lực d dãi rất lớn để cố gắng thừa nhận những câu hỏi được đặt ra này, bởi vì hóa đơn thanh toán rất lớn. Tất nhiên, điều đó phụ thuộc vào các khoản đầu tư của mỗi quốc gia, nhưng nhìn chung, các nhà nghiên cứu kết luận: để tuân thủ các cam kết của Thỏa thuận Paris, các nước G20 sẽ phải chi từ 16 đến 103 nghìn tỷ US$ từ nay đến năm 2100. Trong trường hợp của Hoa Kỳ, khoản đầu tư này sẽ cao hơn mức đầu tư trung bình của các nền kinh tế G20: từ 5,41 đến 33,27 nghìn tỷ US$. Tương tự với Canada và Úc. Theo các nhà nghiên cứu, ba quốc gia này chỉ có thể cân đối được những chi phí ban đầu trong nỗ lực chống lại nạn biến đổi khí hậu với khoản đầu tư cho đến cuối thế kỷ này.
Số tiền này có vẻ rất lớn, nhưng cuối cùng cũng với tới được. Chúng ta có thể thấy rõ hơn điều đó vào ngày hôm nay, với cuộc khủng hoảng Covid-19. Toàn thể hai mươi quốc gia giàu nhất hành tinh sẽ phải chi cho nạn biến đổi khí hậu từ 200 đến 1.287 tỷ US$ mỗi năm. Con số này ít hơn rất nhiều so với số tiền hiện phải chi để bù đắp những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế. Số tiền này vẫn chưa dừng lại, bởi vì đại dịch đang bùng phát mạnh, nhưng chỉ riêng Hoa Kỳ thôi tuyên bố đã chi 2,5 nghìn tỷ US$ cho Covid-19. Số tiền này có vẻ tương đương số tiền chi cho Covid-19 ở châu Âu.
Cũng cần lưu ý rằng lợi ích của những khoản đầu tư này sẽ bắt đầu được chứng minh khá nhanh, với nhiều sắc thái tùy theo các quốc gia và sự tự nguyện của họ. Ngược lại, nếu không thực hiện các khoản đầu tư này thì sẽ còn tốn kém hơn, tốn kém rất nhiều: khoảng 10% GNP ít hơn mỗi năm. Như vậy, thế giới sẽ rơi vào vùng bất định tuyệt đối.
Các chiến lược tự phòng hộ
Trong khi nhiều quốc gia và khu vực từ chối đẩy mạnh các hành động chống lại sự biến đổi khí hậu và chọn bỏ qua các thiệt hại lâu dài về khí hậu, thì nhóm các nhà khoa học không chỉ dừng lại ở việc trình bày các con số. Họ cũng đề xuất một chiến lược tự phòng hộ cho 134 quốc gia, khi các nước này được thông tin về những lợi ích trực tiếp sẽ đạt được hoặc mất đi nếu không ứng phó với tình hình khẩn cấp về khí hậu hoặc giả không làm một cách hiệu quả.
Các nhà nghiên cứu khẳng định: Chúng tôi giúp các quốc gia đưa ra quyết định tự phòng hộ, điều chỉnh lại các mục tiêu của mình và thúc đẩy quá trình quản lý toàn cầu về khí hậu. Bức tranh kinh tế dài hạn này có thể giúp các quốc gia cải thiện các nỗ lực và hành động của họ về khí hậu.
Nhưng để áp dụng chiến lược này, nghiên cứu chỉ ra rằng các quốc gia phải nhận thức mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng khí hậu và nhắm đến các công nghệ sử dụng các-bon thấp. Ngoài ra, họ nhấn mạnh rằng nỗ lực giảm phát thải đòi hỏi một sự hợp tác giữa tất cả các quốc gia để những nước dễ bị tổn thương nhất cũng có thể lựa chọn chiến lược tự phòng hộ.
Cho đến nay, rất nhiều quốc gia đã bỏ ngoài tai các mệnh lệnh về khí hậu, và ưu tiên các lợi ích và quan hệ kinh tế của họ. Có thể họ sẽ lắng nghe, theo một cách khác, các điềm báo mà lần này không nói gì về sự đa dạng sinh học, mực nước biển dâng cao, hạn hán và các đợt nắng nóng khác - nói ngắn gọn là cuộc sống - mà chỉ nói đến đồng đô la, tiền tệ, tiền bạc, thị trường - nói ngắn gọn là quyền lực.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF