22.12.20

Pascal Picq: “Giống đực của loài người nằm trong số những loài linh trưởng bạo lực nhất đối với giống cái, những phụ nữ”

 PASCAL PICQ: “GIỐNG ĐỰC CỦA LOÀI NGƯỜI NẰM TRONG SỐ NHỮNG LOÀI LINH TRƯỞNG BẠO LỰC NHẤT ĐỐI VỚI GIỐNG CÁI, NHỮNG PHỤ NỮ”

PHỎNG VẤN

Florence Rosier thực hiện

Trong tác phẩm mới nhất của mình, nhà cổ nhân học đề ra một cách phân tích theo thuyết tiến hóa về sự cưỡng bức phụ nữ và kết luận đó là một vấn đề xã hội, văn hóa và nhân học.

Nhà cổ nhân học Pascal Picq, năm 2014. LIONEL BONAVENTURE / AFP

Charles Darwin, Friedrich Engels, Karl Marx, tất cả đều có nhận định sau đây: trong các xã hội loài người, tầng lớp bị áp bức đầu tiên là phụ nữ. Tại sao lại có nhiều bạo lực như thế? Cho đến nay, vấn đề này đã được khảo sát dựa vào nhân học, xã hội học, dân tộc học… Trong tác phẩm mới nhất của ông Et l’évolution créa la femme - Và sự tiến hóa đã tạo ra phụ nữ - (Nhà xuất bản Odile Jacob, 464 pages, 22,90 euros) Pascal Picq, giảng sư tại Collège de France, đã đưa ra một cách nhìn theo thuyết tiến hóa về vấn đề này của xã hội. Di sản sinh học hay sự tiến hóa không may của các xã hội loài người? Thực trạng tự nhiên hay văn hóa?

Ông đã tìm cách trả lời câu hỏi về nguồn gốc của sự lệ thuộc của phụ nữ như thế nào? (một vấn đề vốn gây nhiều tranh cãi)

Tôi muốn thoát ra khỏi những tư tưởng rập khuôn hay những hệ tư tưởng riêng có của một phần các khoa học xã hội với một quan điểm mới, một cách tiếp cận khoa học theo thuyết tiến hóa. Cách tiếp cận này được thiết kế theo hai giai đoạn. Trước tiên tôi so sánh mức độ cưỡng bức giới tính giữa các loài linh trưởng khác nhau trong đó có loài người chúng ta. Những hạn chế về môi trường và sinh học tương tự nhau có tạo ra những ảnh hưởng như nhau đối với hành vi cưỡng bức của giống đực? Sau đó tôi đi sâu nghiên cứu thời tiền sử của loài người và một số loài gần gũi với loài người. Quyển sách của tôi đề ra một phác họa về điều có thể là sự tiến hóa của phụ nữ và các quan hệ giới qua các thời kỳ khác nhau của thời tiền sử. Bạo lực chống lại họ đã xuất hiện như thế nào? Và những bạo lực này đã tiến hóa như thế nào qua các giai đoạn lịch sử và qua các nền văn hóa?

Đối với ông, những so sánh giữa loài người và những loài khỉ lớn có ý nghĩa gì?

Đó chính là nguyên tắc của cách tiếp cận theo phát sinh chủng loại học. Để nghiên cứu nguồn gốc và sự tiến hóa của một loài, ta so sánh nó với những loài ít nhiều gần gũi, rồi giai đoạn tiếp theo là xem xét những tính chất của nó đã tiến hóa như thế nào. Việc áp dụng cách tiếp cận này trong nghiên cứu sự tiến hóa của các hệ thống xã hội là khá mới.

Đọc thêm: Loài khỉ không phải là tổ tiên của con người, con người có những tổ tiên chung với khỉ, điều đó rất khác.

Việc so sánh các loài linh trưởng khác nhau cho ta biết điều gì?

Một cách tổng quát, cưỡng bức giới tính vẫn khá hiếm nơi các động vật có vú, cho dù giống đực có xu hướng thống trị giống cái - nhân đây nói về ngựa, cá heo, sư tử biển, sơn dương, những loài mà chúng ta thường thấy chúng đáng yêu thì các con đực cũng rất bạo lực đối với các con cái. Chúng đúng là những tên gia trưởng!

Cách đây 32 triệu năm, xuất hiện những dòng khỉ mà ngày nay chúng ta biết. Trước đó, có nhiều khả năng là các con đực ít có hành vi cưỡng bức. Thực vậy, các loài linh trưởng sống trên cây (lémurien) là trong số những loài linh trưởng xưa nhất còn sống đến ngày nay: xã hội của chúng do những con cái thống trị. Trong các loài linh trưởng, nổi lên một qui tắc dựa vào kinh nghiệm: càng có nhiều bất đối xứng trong đầu tư cho sinh sản, với đầu tư quan trọng cho các con cái (“bất đẳng giao”), thì các con đực càng có xu hướng cưỡng bức.

Mặt khác, những con đực của loài người xếp xã hội của mình - một cách trung bình - vào hàng những xã hội linh trưởng bạo lực nhất đối với con cái: những phụ nữ. Họ có chung kỷ lục đáng buồn này với loài khỉ đầu chó babouin hamadryas và tinh tinh. Nhưng loài khỉ bonobo lại tạo nên những xã hội rất bình đẳng. Loài khỉ mũi tẹt ở Nam Mỹ (platyrrhini) cũng vậy, ít hoặc không có tính cưỡng bức. Ngược lại, những loài khỉ của Cựu Thế giới, hay loài khỉ mũi hẹp catarrhini (babouin, macaques, colobus, đười ươi, tinh tinh, loài người…) nói chung có tính cưỡng bức hơn.

Đọc thêm: Loài khỉ babouin ở Namibie, những kẻ tấn công tính dục

Với những ngoại lệ hiếm hoi, không có dòng dõi của loài nào có đặc điểm là có hay không có tính cưỡng bức một cách có hệ thống. Nói cách khác, không có một dòng dõi tiến hóa nào là tất yếu cưỡng bức! Trong họ Người, loài người và tinh tinh có tính cưỡng bức rất cao, nhưng loài khỉ bonobo, như ta đã thấy, tỏ ra có sự cân bằng về quyền lực giữa hai giới tính. Trong loài khỉ đầu chó babouin, khỉ hamadryas có tính cưỡng bức rất cao, khỉ gelada thì ngược lại, mặc dù chúng gần nhau về mặt địa lý. Trong loài khỉ macaque, khỉ rhésus thực sự là gia trưởng, trong khi khỉ magot lại bình đẳng hơn.

Mặt khác, không có mối tương quan giữa kiểu cư trú - đồng cỏ, rừng - và mức độ cưỡng bức giới tính. Cũng không có tương quan giữa mức độ của tính chất lưỡng hình giới tính [những khác biệt về vóc dáng giữa con đực và con cái] và cường độ của sự cưỡng bức của con đực. Có sự can thiệp của những hạn chế của môi trường, nhưng không giải thích được tất cả. Như vậy, những hạn chế về phát sinh chủng loại học lẫn tất định luận về sinh thái chỉ là xu hướng hoặc là những nhân tố làm trầm trọng thêm.

Một hành vi bạo lực sẽ dễ được chấp nhận hơn nếu nó tồn tại ở những loài linh trưởng khác?

Chắc chắn là không. Không phải vì một tính cách tồn tại nơi một loài gần với chúng ta mà nó là tốt hay xấu, chính đáng hay đáng lên án. Các nhà nhân học theo thuyết tiến hóa không quan tâm đến việc loài tinh tinh hay khỉ bonobo có tính cưỡng bức hay bình đẳng. Đó là việc của hai loài này. Hơn nữa, trong hai loài này không có loài nào gần gũi hơn với chúng ta trên phương diện phát sinh chủng loại học. Nói như vậy rồi, nếu khỉ bonobo (mới được biết chỉ từ nửa thế kỷ nay) không tồn tại, ta có thể khẳng định họ Người (lúc đó chỉ còn bao gồm loài người và tinh tinh) là có tính cưỡng bức kinh khủng.

Đọc thêm: Khỉ bonobo, vị tha với những kẻ lạ.

Như vậy, để tránh cách nhìn thiên lệch này, phải áp dụng cách tiếp cận theo phát sinh chủng loại học bao gồm nhiều loài. Đừng lẫn lộn một phán đoán thực tế với một phán đoán chuẩn tắc. Những ai, nam cũng như nữ, biện minh cho những bạo lực của nam giới đối với nữ giới vì nó là như vậy ở loài tinh tinh đã phạm một sai lầm, một điều ngộ biện. Điều mà ta biết được từ những con khỉ lớn này vốn rất gần gũi với chúng ta là những hành vi này thay đổi, không cố định. Và chính chúng ta, trong khuôn khổ của các xã hội loài người, cần hành động cho một sự tiến hóa nào đó. Thế kỷ XIX đã nghiêng về phía tinh tinh một cách thảm hại. Thế kỷ XXI có đưa chúng ta lại gần khỉ bonobo không?

Ông nghĩ như thế nào về mô hình các chuột đồng của đồng cỏ và của miền núi: hai loài rất gần nhau về phương diện phát sinh chủng loại học. Nhưng loài chuột đồng cỏ có chế độ đơn giao và bình đẳng, là cha mẹ ân cần chăm chút, trong khi chuột miền núi lại hay đổi tính và có tính cưỡng bức, được cho là những kẻ làm cha mẹ tắc trách …

Trong ví dụ điển hình trên, những khác biệt sinh học duy nhất được đo lường giữa hai loài này là mật độ các nội tiết tố oxytocin và vasopressin; chúng rất cao trong nhóm thứ nhất, và rất thấp trong nhóm thứ hai. Tuy nhiên, những nội tiết tố này không phải là nguyên nhân của hành vi của chúng. Những hành vi này đến từ những yếu tố trung gian, chúng củng cố các hành vi theo dòng tiến hóa. Giữa hai loài này, những khác biệt về sinh thái và tập tính đã ngày càng rõ nét, thông qua con đường chọn lọc tự nhiên và trôi dạt di truyền.

Phải nói rằng ít loài có vú có tính đơn giao. Ta tìm thấy nhiều nhất ở loài linh trưởng, chừng một phần tư, điều này rất có ý nghĩa. Có nhiều kiểu đơn giao, và tất cả đều kèm theo những biến đổi về sinh lý, tính dục, sinh sản, hành vi và nhận thức. Một khi đã là đơn giao thì các loài không bao giờ trở lại với các hệ thống xã hội khác, kể cả các hệ thống của tổ tiên chúng.

Những điều gì có thể là nguyên nhân của các hành vi đối kháng nhau, giữa bonobo và tinh tinh?

Loài khỉ, hơn nữa là những loài khỉ lớn và trên hết là loài người, là những loài gọi là K, một phương thức sinh sản phẩm chất rất cao: sau một thời gian dài thai nghén, chỉ sinh ra một con (thỉnh thoảng có sinh đôi); cai sữa muộn, tuổi thơ dài và tuổi thiếu niên tương đối dài. Nghĩa là một sự trưởng thành dài hơn một thập niên, cùng với thời gian của quá trình học tập xã hội. Chính ở đó có sự can thiệp của các neuron phản chiếu và quá trình nhận thức để tạo nên những hành vi xã hội của các cá thể. Ở loài khỉ, ta nói đến bộ óc xã hội”. Nếu chúng sinh ra trong những xã hội cưỡng bức, những con đực trẻ sẽ tái tạo khuôn mẫu này - và ngược lại. Nếu không có thuyết tất định luận về di truyền thì có thể vẫn có những ảnh hưởng về di truyền, nhưng các hoạt động của nhiều gen kết hợp với nhau (không quên các nhân tố làm biến động hoạt động của các gen do môi trường gây ra).

Tôi cũng không phủ nhận sự can dự của môi trường. Như vậy, môi trường được bảo vệ của khỉ bonobo thuận lợi cho một đời sống xã hội êm dịu hơn rừng và đồng cỏ cây bụi của tinh tinh. Cũng như vậy, ở châu Phi phía nam bán cầu, những áp lực của việc săn mồi thuận lợi cho khỉ đầu chó kinda, bình đẳng hơn, hơn khỉ đầu chó chacma, có tính cưỡng bức hơn, Cũng có điều tương tự trong các xã hội loài người: một cuộc khủng hoảng như Covid-19 có xu hướng làm trầm trọng thêm sự bất an và bạo lực đối với phụ nữ.

Đọc thêm: “Tinh khôn đối diện Tinh khôn”, của Pascal Picq: Biên niên sử “Cổ sinh vật học” của Roger-Pol Droit

Hãy trở lại với ràng buộc nặng nề về sinh sản đè nặng lên người phụ nữ…

Sự xuất hiện của loài người (Homo) ở châu Phi cách đây chừng 2 triệu năm đã kèm theo những thay đổi to lớn, nhiều hơn ở những con cái vốn đã trở thành phụ nữ. Có sự ngụy trang của thời kỳ động dục”: phụ nữ không có những dấu hiệu bên ngoài rõ ràng của thời kỳ thụ thai. Họ vẫn không biết thời kỳ rụng trứng là lúc nào và việc thụ cảm tính dục trở nên thường trực.

Và rồi có những biến đổi giải phẫu học quan trọng. Một mặt, khung chậu có hình dáng một cái chậu đáy khép kín nâng đỡ các nội tạng đồng thời cho phép đi đứng hai chân một cách thành thục. Mặt khác, kích thước bộ não con người tăng lên nhiều, điều này làm cho việc sinh nở trở nên phức tạp: đầu của trẻ sơ sinh lọt qua khung chậu của người mẹ một cách khó khăn. Dù sao, giải phẫu khung chậu của phụ nữ đã hạn chế sự phát triển của bộ não của bào thai. Đó là “vấn đề nan giải về thai sản”. Sau khi chào đời, bộ não của đứa bé tiếp tục phát triển và đạt đến một sự trưởng thành quan trọng.

Kết quả: đứa bé trở nên rất lệ thuộc vào cái “tử cung xã hội” mà nó sống trong đó…

Đứa bé này rất cần sự chăm sóc kỹ lưỡng của cha mẹ nó, mà thường là các bà mẹ gánh lấy trọng trách này. Do đó họ cần có sự giúp đỡ chăm sóc trẻ từ những người khác (“alloparentalité”), điều này tùy thuộc rất nhiều vào sự coi trọng người phụ nữ trong từng xã hội.

Hơn nữa, ràng buộc mạnh mẽ về sinh sản biến người phụ nữ trở thành đối tượng kiểm soát của người đàn ông. Hơn tất cả các loài linh trưởng khác, phụ nữ trở thành những nguồn lực quí hiếm. Sự thụ cảm tính dục thường trực của họ và những yêu cầu về đầu tư của cha mẹ gây nên những căng thẳng, nguồn gốc của sự cưỡng bức của nam giới vì họ không biết chắc mình có phải là cha của đứa bé không. Tất cả những điều đó sẽ làm thay đổi sâu sắc các xã hội loài người. Những nhận định này là kết quả của những nghiên cứu được đề xướng bởi các nhà nhân học và tập tính học nữ quyền, mà phần lớn xuất thân từ các đại học nói tiếng Anh. Ngược lại, nghiên cứu những tác động của ràng buộc này đối với sự cưỡng bức của nam giới là rất mới.

Giống cái của họ Người chúng ta đối mặt với một khó khăn khác nữa…

Claude Levi-Strauss (1908-2009)

Vâng. Hầu hết các xã hội loài khỉ đều là những xã hội mẫu hệ về cư trú: những con cái sống suốt đời trong nhóm chúng được sinh ra, những con đực rời nhóm khi trưởng thành. Lệ này là kết quả của sự bất cân bằng về đầu tư công sức làm cha mẹ giữa con đực (ít đầu tư) và con cái (đầu tư nhiều). Như thế những con cái phải được hưởng lợi từ sự hỗ trợ làm cha mẹ từ nhóm huyết thống để tiếp cận nguồn thức ăn, sự chăm sóc, bảo vệ và giáo dục con trẻ… Con cái học làm mẹ với sự giúp đỡ của những con cái thân cận khác cả trong và ngoài cộng đồng. Hệ thống mẫu hệ về cư trú thuận lợi cho sự giúp đỡ lẫn nhau này.

Nhưng loài người, tinh tinh và khỉ bonobo tạo thành những xã hội phụ hệ về cư trú. Những con đực sống suốt đời trong nhóm chúng được sinh ra, những con cái rời nhóm lúc trưởng thành. Chế độ ngoại hôn của phụ nữ đã được Claude Lévi-Strauss và trường phái nhân học của Collège de France mô tả rõ ràng. Nhưng điều rút ra từ phân tích của tôi là phần lớn các xã hội loài người là các xã hội phụ hệ [với qui chế xã hội cha truyền con nối] và phụ quyền [người cha có uy quyền áp đảo]. Nói cách khác, trong khi những ràng buộc về sinh sản đòi hỏi sự giúp đỡ phụ nữ thì họ lại khó được hưởng lợi ích này trong các xã hội phụ hệ về cư trú.

Cổ nhân học cho ta biết gì về các quan hệ đã qua giữa hai giới tính?

Ở loài vượn phương Nam và người đứng thẳng (Homo erectus), cổ nhân học không giúp khôi phục các hệ thống xã hội. Vậy là ta không biết được Lucy[*] và những phụ nữ thân cận và những phụ nữ thuộc tông người đứng thẳng có bị bạo lực tính dục hay không. Vào thời kỳ đồ đá cũ giữa (350.000 - 45.000 năm), nghiên cứu các ngôi mộ cũng không giúp tìm ra những khác biệt về địa vị xã hội hay những dấu vết của ràng buộc tính dục.

Nhưng nghiên cứu ADN của các hóa thạch - “di truyền học cổ đại” - chỉ ra rằng các xã hội của người tinh khôn Homo sapiens và người Néandertal là theo phụ hệ về nơi cư trú. Vào thời kỳ đồ đá cũ muộn (45.000 - 12.000 năm), chỉ có người tinh khôn xuất hiện. Những xã hội săn bắt-hái lượm phức tạp hơn xuất hiện, với những địa vị bị phân hóa, với nhiều của cải hơn và định cư nhiều hơn. Nghĩa là có nhiều nhân tố tương quan với sự cưỡng bức tính dục ngày càng gia tăng và với những xã hội bất bình đẳng hơn.

Làm sao ta có thể biết được tổ chức xã hội của những xã hội cổ xưa?

Mặc dù có những chênh lệch quan trọng, ta có thể tiến hành tìm hiểu qua những nét tương đồng với những gì ta biết về các xã hội săn bắt-hái lượm cuối cùng hiện nay, cho dù sự đa dạng trước đây và hiện nay của chúng bị đánh giá rất thấp. Bằng chứng cho điều nêu trên là một phát hiện được công bố vào ngày 4 tháng 11 trên Science Advances, về những phụ nữ tích cực tham gia săn bắt trong dãy núi Andes cách đây 9.000 năm.

Đọc thêm: Cách đây 9.000 năm, phụ nữ săn bắt trong toàn châu Mỹ

Karl Marx (1818-1883)

J. J. Rousseau (1712-1778)

Hãy trở lại với dân tộc học so sánh: ngành này mô tả một vài xã hội bình đẳng, những xã hội khác rất bất bình đẳng và áp bức phụ nữ (có khi còn áp đặt chế độ nô lệ). Và ta phát hiện nhiều xu hướng. Trước tiên, sự kiểm soát và áp bức phụ nữ trầm trọng thêm cùng với việc tìm kiếm các địa vị xã hội của nam giới, đáng chú ý là nam giới lớn tuổi. Bằng chứng là “cái giá của vị hôn thê”, món nợ mà người đàn ông phải trả để cưới một phụ nữ. Một nét nổi bật khác của những bạo lực này là sự gia tăng của cải, với tác động có vẻ nhỏ hơn việc tìm kiếm địa vị. Những nhân tố làm trầm trọng thêm: phụ nữ sống xa gia đình, việc thiết lập không gian riêng, sự định cư, kiểm soát những quan hệ với bên ngoài nhóm, chiến tranh…

Không có những người hoang dã tốt hay xấu. Mặc cho Rousseau và Marx, những áp bức không phải là kết quả của việc tạo ra của cải và sự phân bố chúng, tất nhiên đó là những nhân tố làm trầm trọng thêm, nhưng không phải là một cách có hệ thống. Nguồn gốc của bất bình đẳng dựa trên sự kiểm soát phụ nữ. Từ đó phát sinh những hình thức khác về chế độ nô lệ và bóc lột các nhóm xã hội.

Hình mỹ thuật cảnh săn lạc đà cừu trong dãy núi Andes, cách đây 9.000 năm. Matthew Verdolivo (UC Davis IET Academic Technology Services)

Vào thời đại đồ đá mới xuất hiện những xã hội nông nghiệp đầu tiên. Điều đó có thay đổi địa vị phụ nữ không?

Vâng. Một cách tổng quát nó tệ hơn. Cách đây chừng 10.000 năm, nghĩa là sau thời kỳ băng hà cuối cùng, sự đa dạng của các xã hội loài người còn gia tăng hơn nữa. Số lượng các xã hội bất bình đẳng gia tăng. Những cuộc tàn sát tập thể giữa các nhóm người gia tăng, những khác biệt về địa vị và nghĩa vụ giữa hai giới được tăng cường, những cuộc di chuyển và bắt cóc phụ nữ lan rộng.

Ở Trung Đông xuất hiện những xã hội nông nghiệp đầu tiên. Ta đọc được gì từ các hóa thạch hay răng của phụ nữ thời kỳ này? Họ kết hôn ngày càng trẻ, mang thai trong vòng dưới sáu tháng sau khi sinh con và chết trẻ hơn. Ngành di truyền học cổ đại cũng cho thấy nguồn gốc của họ còn xa hơn, từ các xã hội phụ hệ, cả về nơi cư trú. Mà phụ nữ càng sống xa nhóm nơi mình sinh ra thì càng dễ bị bạo lực.

Nhưng xu hướng này chịu những ngoại lệ. Với bất kỳ loại hình kinh tế gì (các kiểu săn bắt-hái lượm, xã hội trồng trọt, nông nghiệp hay chăn nuôi), ta đều tìm thấy có những xã hội bình đẳng hơn và những xã hội khác hoàn toàn bất bình đẳng. Hãy xem các xã hội trồng trọt: ta tìm thấy những xã hội áp bức (người Baruyas ở Tân Ghi-nê), và những xã hội khác lại không áp bức (người Hurons ở Canada). Cũng tương tự như vậy ở những nhóm săn bắt-hái lượm: trong số họ có những nhóm dân rất áp bức (người bản địa của Úc) và những nhóm khác rất bình đẳng (người Bushmen - còn gọi là người San - ở châu Phi). Cũng có điều tương tự trong các xã hội nông nghiệp, công nghiệp và các xã hội đương thời.

Sau đó chuyện gì xảy ra khi các xã hội nông nghiệp này đến châu Âu?

Mặc dù có sự đa dạng, ta có thể rút ra những xu hướng lớn. Các xã hội nông nghiệp càng lâu đời thì chúng càng mang tính phụ hệ và áp bức đối với phụ nữ. Ta phân biệt hai luồng di dân lớn. Cách đây 8.000 năm, những xã hội nông nghiệp đầu tiên và theo phụ quyền, xuất phát từ Trung Đông, đến lập nghiệp ở miền nam châu Âu. Rồi cách đây 6.000 năm, đến lượt những nhóm dân cư chăn nuôi khác, xuất phát từ miền trung của lục địa Á-Âu, bình đẳng hơn, đến châu Âu và đi về miền bắc.

Hậu quả hiện nay: bộ gen của dân cư vùng Nam Âu chứa nhiều hơn các gen của dân cư nông nghiệp mang tính áp bức có nguồn gốc từ Trung Đông. Và bộ gen của dân cư vùng phía bắc châu Âu chứa nhiều gen hơn của dân cư chăn nuôi, bình đẳng hơn, đến từ lục Địa Á-Âu. Một điều rất đáng ngạc nhiên, ngày nay ta lại tìm thấy những khác biệt văn hóa này trong di sản tuần tự của luật La Mã và luật Đức.

Như vậy, các xã hội ở miền nam châu Âu thiên về áp bức phụ nữ hơn, trong lúc các xã hội miền bắc châu Âu tỏ ra có công bằng giữa hai giới nam và nữ. Ta đo lường cả tác động của những khác biệt này trong những nghiên cứu về bất bình đẳng giới! Ít có những nghiên cứu này trong những nước thuộc nhóm ngôn ngữ la tinh, nhưng lại phổ biến trong những nước nói tiếng Anh và tiếng Đức. Lịch sử cũng mang dấu vết của những khác biệt này. Ở miền nam châu Âu, chỉ còn có Isabelle la Catholique hay Isabeau de Bavière mang những biểu hiện của uy quyền một cách bền vững. Nhưng ở miền bắc châu Âu, người ta không đếm hết các nữ hoàng, hoàng hậu, nữ bộ trưởng nữa…

Hãy trở lại với loài linh trưởng không phải là loài người. Để chống lại sự cưỡng bức của con đực, con cái có những phương tiện gì?

Chúng có thể liên kết với nhau, chọn những con đực khoan hòa hơn, gia tăng các đối tác tính dục (“chế độ nhiều bạn tình”) hay kết thân với những con đực có vai trò bảo vệ. Những hành vi này được ủng hộ bởi các xã hội mẫu hệ về cư trú và mẫu hệ nói chung, là loại xã hội nổi trội trong phần lớn các loài. Tuy nhiên, chúng cũng xuất hiện ở những loài theo phụ hệ về cư trú như khỉ bonobo. Nói chung, chế độ mẫu hệ về cư trú không bảo đảm là không có cưỡng bức của giống đực. Và ngay trong các xã hội phụ hệ về cư trú, cũng có thể có sự cân bằng về quyền lực giữa hai giới tính.

Và các xã hội mẫu quyền của loài người? Ta ít nói đến…

Ở đây bà đã nêu rõ một sự thiên lệch rất lớn của nhân học và dân tộc học: những ngành này ra đời vào cuối thế kỷ XIX, một trong những thế kỷ mang dấu ấn nhiều nhất của sự đối kháng giới tính ở châu Âu. Những người đàn ông khởi xướng các nghiên cứu này đã được nuôi dưỡng bằng bầu sữa của chế độ phụ quyền. Và tất cả những kiến thức đạt được lúc đầu đều liên quan đến vòng cung địa lý trải dài suốt vùng Trung Đông và miền nam châu Âu: một vòng cung phụ quyền. Kết quả: ta đã không biết gì về các xã hội mẫu hệ và mẫu hệ về nơi cư trú, thậm chí là mẫu quyền của châu Á, châu Phi và châu Mỹ. Mặc dù số lượng các xã hội này cũng đáng kể.

Đọc thêm: Những xã hội mẫu quyền”, của Heide Goettner-Abendroth: ở nơi mà quyền lực thuộc về phụ nữ

Những thông điệp chính của ông là gì?

Sự so sánh các xã hội loài người với xã hội loài khỉ và khỉ lớn xác nhận rằng sự cưỡng bức của giống đực không hẳn là một vấn đề về các xu hướng tiến hóa riêng có của các dòng linh trưởng khác nhau hay của các điều kiện sinh thái và kinh tế mà là một vấn đề xã hội, văn hóa và nhân học. Nói cách khác, đối với sự tiến hóa của loài người chúng ta, không có gì biện minh cho việc các xã hội của chúng ta không thể thay đổi một cách triệt để vấn đề quyền bình đẳng giữa nam và nữ. Xây dựng một chủ nghĩa nhân bản mà không quên nữ giới, đó là thách thức.

Cũng có thách thức kinh tế: ước lượng phí tổn của phân biệt đối xử đối với phụ nữ lên đến hàng triệu tỷ euro. Theo những nghiên cứu mới nhất, hơn cả những biến đổi về kỹ thuật số và về tổ chức của các nền kinh tế, ưu thế chính nằm ở bình đẳng nam-nữ. Hãy nhớ rằng đổi mới luôn đa dạng. Phân biệt đối xử sẽ trì kéo các khả năng thích nghi. Đó là qui luật nghiệt ngã của sự tiến hóa.

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:Pascal Picq: “Les mâles de notre espèce sont parmi les primates les plus violents envers leurs femelles, les femmes”, Le Monde, 9.11, 2020.



Chú thích:

[*] Lucy, tên thường gọi của AL 288-1, hàng trăm mảnh hóa thạch xương đại diện cho 40% bộ xương của một người phụ nữ thuộc loài Australopithecus afarensis thuộc Tông người. Lucy được nhà cổ nhân loại học Donald Johanson làm việc cho Bảo tàng lịch sử tự nhiên Cleverland, Yves Coppens và Maurice Taïeb tìm thấy vào năm 1974 gần làng Hadar trong thung lũng Awash phía bắc Ethiopia.

Lucy là một mẫu vật australopithecine thời đầu và có niên đại khoảng 3,2 triệu năm trước. Lucy có chiều cao 1,1 mét (3 ft 7 in) và nặng khoảng 29 kg (64 lb), được các nhà khoa học xác định là giống cái do phần xương chậu lớn, cô vẫn có tay dài hơn so với chân nhưng không phải là dài như của một con tinh tinh. (Theo Wikipedia - ND)

Print Friendly and PDF