6.1.21

Ký ức, hồi phục và những giấc mơ tự do: “Người Cam Bốt” của Éleonore Sok-Halkovich

KÝ ỨC, HỒI PHỤC VÀ NHỮNG GIẤC MƠ TỰ DO: “NGƯỜI CAM BỐT” CỦA ÉLÉONORE SOK-HALKOVICH

Suzanne Bruneau

Éléonore Sok-Halkovich: Tôi không biết những người trẻ Cam Bốt mơ làm cách mạng. Nhưng tôi biết có người nổi giận và mơ ước một sự thay đổi của xã hội, phong tục, chính trị. (Nguồn: NYT)

Có một sự gắn bó nội tại giữa lịch sử của nước Pháp và của Cam Bốt. Chế độ bảo hộ và sau đó là một số lớn những người tị nạn khmer chọn sống lưu vong ở Pháp đã tạo ra nhịp cầu giữa hai nước. Nhưng nghĩ cho cùng, ta thực sự biết gì về Cam Bốt ngày nay? Tuổi trẻ Cam Bốt, vốn không sống qua nạn diệt chủng mơ ước điều gì? Còn lại gì của những năm dài huynh đệ tương tàn của thời kỳ Khmer Đỏ? Từ đó, xã hội bị phân chia giữa những đao phủ cũ và nạn nhân đã biến chuyển như thế nào? Cái chết gần đây của Douch (tên thật là Kaing Guek Eav - ND), một trong những kẻ tra tấn chính của chế độ Pôn Pốt, cho thấy rõ tàn tích của ký ức về những năm dài chiến tranh vẫn là một vấn đề nhạy cảm. Biết bao câu hỏi mà thế hệ con cái của những người lưu vong đi tìm câu trả lời. Đi theo con đường hồi phục, họ muốn hiểu đất nước và lịch sử này mà cha mẹ họ thường không nói ra. Nữ phóng viên Éléonore Sok-Halkovich là một trong số họ. Bản tiểu luận lý thú của cô Cambodgiens, Lignes de vie d’un peuple - Những người Cam Bốt, những đường sinh mệnh của một dân tộc. - (Nhà xuất bản Ateliers Henry Dougier, 2019) phản ánh những thắc mắc này.

PHỎNG VẤN

Tốt nghiệp Trường Báo chí Lille (École Supérieure de Journalisme (ESJ) de Lille) năm 2012, Éléonore Sok-Halkovich làm việc cho nhật báo Le Parisien trước khi đi vào cuộc phiêu lưu làm phóng viên thường trú tại Cam Bốt. Năm 2015, cô đến sống tại quốc gia quê hương của cha cô, hợp tác với khoảng mươi hãng truyền thông như La Croix, Le Monde Magazine, hay Radio France. Những người Cam Bốt, những đường sinh mệnh của một dân tộc, cung cấp một tập hợp hiếm hoi nhiều mảnh ghép chân dung, đã thành công trong việc trình bày ra những nét vừa đặc sắc vừa phổ quát ở Cam Bốt. Gần như là một hành trình nhập môn sâu sát nhất với người Cam Bốt, trong tình trạng phức tạp của đất nước này, dẫn dắt chúng ta đi xa hơn những biên giới đã được biết của xã hội khmer.

Nhà báo Éléonore Sok-Halkovich. (Bản quyền: Éléonore Sok-Halkovih)

Ý tưởng về một quyển sách về người Cam Bốt đã nảy sinh như thế nào và bà đã lựa chọn những chân dung và các cuộc phỏng vấn ra sao?

Éléonore Sok-Halkovich: Đó là một người bạn phóng viên thường trú ở Cam Bốt và là tác giả, Samuel Bartholin, đã khởi đầu dự án này với nhà xuất bản. Cuối cùng anh ấy đã trở về Pháp và chuyển công việc này lại cho tôi. Tại nhà xuất bản Ateliers Henry Dougier, bộ sưu tập “Lignes de vie d’un peuple” - Những đường sinh mệnh của một dân tộc - có một chương trình làm việc chính xác: năm hoặc sáu chương mở đầu bằng một cuộc phỏng vấn quan trọng với một chuyên gia về chủ đề liên quan. Những vấn đề gắn với lịch sử, ký ức, những thách thức xã hội và chính trị là trọng tâm của chừng năm mươi tác phẩm đã xuất bản. Dự án có mục đích kể lại những điều gì tạo nên một dân tộc, rút ra cốt lõi tinh túy nhất và trình bày nó qua các cá nhân, câu chuyện cuộc đời hay những bài phóng sự. Phần còn lại thì tự do!

Ngay từ đầu, sợi chỉ đỏ xuyên suốt của tôi là khái niệm thích nghi hồi phục, khả năng chống chịu, vì đó là điều đã gây cảm hứng cho tôi qua các cuộc gặp gỡ. Tôi cũng tự đặt ra một thách đố là chỉ phỏng vấn những người Cam Bốt. Nhưng do lịch sử gần đây của đất nước, sự tiêu diệt tầng lớp tinh hoa, rồi việc đặt dưới sự bảo hộ của Liên Hiệp quốc trong những năm 1990, cũng như không khí chính trị từ lúc đó, nhiều chuyên gia về Cam Bốt là người nước ngoài. Do đó, những tiếng nói của chính người Cam Bốt tự kể về mình là một thách thức đối với tôi, và bộ sưu tập này rất thích hợp. Trong số những người tôi gặp gỡ, có người là nhân vật có tiếng trên vũ đài quốc gia, những người khác thì vô danh, nhưng ít có người lọt qua được lưới sàng lọc của truyền thông quốc tế, lưới của truyền thông Pháp lại càng ít hơn nữa.

Tôi cũng đã có ý muốn nói về những người trẻ là thành phần quan trọng của dân số, và nêu bật những người phụ nữ là những người gây ấn tượng cho tôi nhiều nhất, tôi có thể nói như vậy. Nhưng ta không tìm thấy nhiều chân dung người trẻ, vì tôi đã chọn những nhân chứng có những phát biểu rõ ràng, chặt chẽ, họ cũng là những gương mặt của sự chuyển giao, và không lâu nữa họ sẽ không còn đó để bày tỏ sự phong phú của cuộc đời họ… Như vậy, tôi đã xem quyển sách này là sự nối dài tự nhiên của công việc nhà báo của tôi, không bị giới hạn bởi những bó buộc về thời gian và về độ dài, như một không gian sẵn sàng mở ra cho những trình bày, những chi tiết, những nét tinh tế, những sự im lặng, những điều không được nói ra, chính chúng cũng có ý nghĩa trong văn hóa Cam Bốt.

Hình bìa quyển sách Cambogiens, lignes de vie d'un peuple" của Éléonore Sok-Halkovich, Ateliers Henry Dougier, 2019. (Nguồn: Amazon)

Quyển sách mở đầu với lời chứng gây xúc động của Youk Chhang, giám đốc Trung tâm tư liệu Cam Bốt (DC-Cam) và tham chiếu công trình hồi ức về thời kỳ khmer đỏ. Dân chúng giữ mối liên hệ gì với quá khứ còn mới này?

Trả lời câu hỏi này luôn là một vấn đề tế nhị. Dân cư thì đa dạng: có một hố ngăn cách giữa những thế hệ cũ đã thực sự sống qua thời kỳ này và những người trẻ hơn không sống qua, nhưng là những người kế thừa. Không hiếm để nghe điều này: Khmer Đỏ, đó là quá khứ, bỏ lại phía sau, cần phải đi tới, v.v..” Diễn ngôn này trước hết là sự chối bỏ, được chế độ chính trị ủng hộ. Chính phủ của thủ tướng Hun Sen, cầm quyền từ 35 năm nay, đã hướng tầm nhìn hậu chiến này đến sự “hòa hợp dân tộc” vì nhu cầu phải bình định một đất nước đã qua máu lửa, phục hồi nền kinh tế, và tìm lại một sự “bình thường” sau một giai đoạn mà ngày nay thấy như là một cơn ác mộng, không có thực.

Đối với nhiều người Cam Bốt, đòi hỏi công lý là quan trọng. Tòa án quốc tế về Khmer Đỏ đã đặt những cột mốc trong hướng đó. Mặc dù có hạn chế và chậm, tòa án đã tạo điều kiện mở ra một không gian trong xã hội để những vấn đề này được xuất hiện công khai, và giúp buộc tội một nhóm nhỏ những người trách nhiệm còn sống. Tôi không chắc là điều đó trả lại công lý cho những gia đình đã tan nát, nhưng tòa án tiêu biểu cho một giai đoạn. Bây giờ thật khó mà nói sẽ đi đến đâu.

Về phía giới trẻ, tôi quan sát thấy họ có sự tò mò đối với vấn đề này, nhưng tôi chưa bao giờ ngồi vào bàn tham gia vào một cuộc thảo luận về Khmer Đỏ. Điều đó diễn ra trong sự riêng tư của các gia đình, hay trong một chương trình học đường, nhờ sáng kiến của những tổ chức như DC-Cam. Về điểm này, giới trẻ Cam Bốt cũng giống như giới trẻ Pháp; Chiến tranh Thế giới lần thứ hai hay chiến tranh Algérie hiếm khi là chủ đề của những cuộc nói chuyện thông thường. Nhưng ở đây không có một ý chí chính trị về “công trình hồi ức”. Thỉnh thoảng ta cũng có nghe rằng những người trẻ không quan tâm đến Khmer Đỏ hay phủ nhận sự hiện hữu của thời kỳ này. Tôi nghĩ rằng những trường hợp này ngày càng ít đi. Nhưng đối với một người trẻ hai mươi tuổi, quả là nặng nề khi luôn lớn lên với ý nghĩ rằng cha mẹ mình là đao phủ hay là nạn nhân. Ta có thể hiểu nhu cầu tiến lên phía trước, có những viễn cảnh khác, được giải phóng.

Boris Cyrulnik (1937-)

Các nhà nhân học, các chuyên gia làm việc trên lịch sử dài hạn cũng gợi ý chúng ta xem xét hiện tượng này dưới góc độ văn hóa. Hàn gắn vết thương có thể có nhiều dạng khác nhau, không thành lời, có tính biểu tượng và nghi lễ. Chẳng hạn như nghi lễ Phật giáo Bangsokol (lễ cầu siêu theo nghi thức Phật giáo - ND) mà tôi sẽ nêu chi tiết trong quyển sách này, có thể có tác dụng điều trị theo nghĩa được hiểu ở phương Tây.

Tôi thấy ý niệm hồi ức này có sức lôi cuốn dưới ánh sáng của những công trình gần đây về tâm lý-phả hệ, hay khái niệm “hồi ức về sang chấn” được triển khai bởi nhà tâm thần kinh Boris Cyrulnik. Người Cam Bốt mang thời kỳ này trong da thịt mình.

Qua tác phẩm của bà, người ta nhận ra một đất nước Cam Bốt bị kẹt giữa một quá khứ huy hoàng thời Angkor, nửa lịch sử nửa huyền thoại, và một thời hiện đại phát triển nhanh, được khuyến khích rất nhiều bởi đầu tư nước ngoài. Bà nghĩ như thế nào về điều đó?

Youk Chhang (1961-)

Là một gánh nặng khi lớn lên và tiến triển trong cái khung tham chiếu này, hơn nữa lại trong tâm trạng căng thẳng. Một mặt, sự vĩ đại của nền văn minh Angkor, liên tục được nêu ra, từ ngọn cờ đến những bức tranh trong phòng khách, đến những áp-phích quảng cáo ở đó văn minh Angkor trở thành một khẩu hiệu, một nhân tố đoàn kết, niềm tự hào cuối cùng. Mặt khác là những khủng khiếp của Khmer Đỏ. Youk Chhang giải thích rất rõ căng thẳng này ngay trong lòng các gia đình, giữa các thế hệ cha mẹ bị sang chấn, và những người trẻ nay đang đắm mình trong một lý tưởng về sự tân tiến, hiện đại. Đã có những thay đổi rất nhanh chỉ trong vòng một thế hệ. Đầu tư nước ngoài đã giúp phát triển Cam Bốt, đó là một thực tế. Ra khỏi ba thập kỷ xung đột, ngân sách quốc gia đã kiệt quệ, và một điều may mắn là có thể dựa vào viện trợ quốc tế.

Nhưng tính chất gia đình trị của chế độ đã kéo theo những lạm quyền. Ví dụ, những đặc khu kinh tế (ZES - zones économiques spéciales) là những vùng đất rộng được nhượng quyền cho các nhà đầu tư phát triển các dự án nông nghiệp, công nghiệp, khai khoáng, xây dựng đập thủy điện. Nếu những vùng này giúp phát triển một mạng lưới kinh tế, tạo việc làm, thì chúng cũng thường kéo theo những lạm dụng được tổ chức bởi một nhóm nhỏ có đặc quyền: tranh chấp đất đai, đuổi dân đi mà không đền bù hoặc đền bù rất ít, lấn chiếm rừng, phá rừng. Nạn nhân là những người dân dễ bị tổn thương nhất, những người nghèo, dân tộc thiểu số ở những vùng xa xôi … Đối với những người yếu thế, chính quyền tỏ ra cứng rắn, bạo lực, coi thường dân chúng và có thái độ gia trưởng. Khi các lãnh đạo phân phối gạo hay xây trường học, điều đó được xem như món quà cho dân và cần được phô trương ra.

Trong một xã hội mà an toàn sơ đẳng về kinh tế của nhiều người không được bảo đảm và bất bình đẳng gia tăng, sự có mặt của nhiều tổ chức phi chính phủ đã đặc biệt chứng kiến điều đó, thực sự có chỗ nào cho những câu hỏi về môi trường và xã hội trong lòng dân chúng khmer?

Những câu hỏi này hiện hữu trong thế giới vi mô Phnom Penh, trong thị dân, trong giới phi chính phủ, trong truyền thông. Ở nông thôn, dân chúng phải đối mặt với những thách thức thiết thực hơn: đáp ứng các nhu cầu sơ đẳng. Nhưng họ không xa lạ với những vấn đề này trong hoàn cảnh những người dân yếu thế này thường là những nạn nhân đầu tiên của những lạm dụng gây ra bởi quá trình hiện đại hóa nhanh chóng bất chấp mọi khía cạnh khác. Những người bị tước mất tài sản này cảm nhận một sự bất công to lớn, và một sự bất lực cũng to lớn không kém. Tuy vậy, các cộng đồng huy động lực lượng, tự tổ chức nhờ sự giúp đỡ của các tổ chức phi chính phủ, đưa kiến nghị, biểu tình, thương lượng đền bù. Trong một số trường hợp, dân chúng đạt được những kết quả tích cực. Nhưng thường thì họ không có sự lựa chọn.

Hậu quả là lối sống vơ vét thiên nhiên của người giàu lại thúc đẩy sự vơ vét của người nghèo. Ví dụ, trong trường hợp phá rừng, khi các cộng đồng địa phương chứng kiến các công ty nước ngoài lợi dụng được nhượng quyền đất đai để chặt cây vượt ra ngoài ranh giới cho phép thì các cộng đồng cũng chặt cây. Họ tự bảo: Nếu không phải là họ thì chính là tôi.” Khi người ta không tin tưởng những người cai trị mình, mỗi người sẽ tập trung vào sự sống còn của cá nhân.

Tuy nhiên, tôi nhận thấy những thách thức này ngày càng được giới trẻ, những sinh viên, quan tâm. Ý thức về môi trường phát triển trên lớp đất mùn thời xa xưa. Lý tưởng của Cam Bốt là lý tưởng của sự sở hữu đất đai: có một mảnh đất, làm việc cho chính mình, sản xuất đủ để nuôi sống mình. Một lý tưởng luôn hiện diện trong tâm tưởng của những thị dân trẻ, cho dù họ thích tiện nghi của đời sống đô thị, họ nuôi dưỡng một hình thức luyến nhớ thiên nhiên, cội rễ nông thôn của họ.

Những vấn đề này cũng được nêu ra trong chương trình nghị sự của các tổ chức quốc tế - vì không có điều kiện hành động trong lĩnh vực đồng tham gia quản trị (gouvernance) -, và trong thời sự thế giới. Ví dụ, vấn đề plastic dùng một lần, cuối cùng nếu tốt lắm là đốt cháy, và tệ lắm là thải vào thiên nhiên, vì chưa có nhà máy xử lý chất thải. Về vấn đề này đã có nhiều sáng kiến, những chương trình giáo dục, những bảng quảng cáo, nhằm nâng cao nhận thức của người dân. Bộ trưởng bộ Môi trường đã tiếp sức bằng việc thông qua gần đây một luật buộc trả tiền cho các túi plastic tại các siêu thị. Đó là một tín hiệu tích cực, khi ta biết rằng quyết tâm này cũng là mới ở châu Âu. Tuy nhiên, những sáng kiến này chiếm lĩnh không gian truyền thông và che khuất những thách thức sâu xa hơn mà ta khó nắm bắt, vì chúng có tính chất chính trị, như trong trường hợp phá rừng, Cam Bốt là một trong những nơi có tốc độ phá rừng nhanh nhất thế giới.

Bà dành một chương cho “xã hội dân sự vào cuộc chiến đấu”. Ta có thể nói đến sự nản lòng của nhiều tác nhân khác nhau của xã hội dấn thân này không?

Những người chiến đấu bám trụ, nhưng tôi nhận thấy có một sự chán nản trước chủ trương bảo thủ, không muốn thay đổi. Các luật về tổ chức phi chính phủ, nghiệp đoàn, quyền biểu tình, kiểm soát truyền thông và các mạng xã hội đã hạn chế phạm vi hành động của họ, hình sự hóa “mọi vi phạm”. Ví dụ, trước cuộc bầu cử năm 2018, xã hội dân sự theo thường lệ đã tụ họp tại công viên mang tên rất đẹp “Freedom Park” (Công viên Tự do) ở ngay trung tâm thành phố. Cuộc tập hợp ít ra cũng tạo một không gian để những ẩn ức của tập thể được biểu lộ. Từ đó, công viên này bị “dời” ra vùng ven, trong một khu phố mới và các cuộc tập họp bị kiểm soát gắt gao. Bà có thể tưởng tượng rằng ở Paris, người Pháp không còn được tuần hành từ quảng trường Nation đến quảng trường République, mà chỉ được biểu tình ở trường đua ngựa Vincennes hay ở chợ Rungis? Từ cuộc bầu cử vừa qua, tự do ngôn luận bị thu hẹp như miếng da lừa. Tội xúc phạm nhà vua đã được đưa vào luật theo gương của Thái Lan, trong khi các đặc quyền của nhà vua lại bị giới hạn, và người Cam Bốt không có những yêu sách chống nhà vua. Gần đây, Bộ Nội vụ đã thông báo việc ban hành một luật mới về trật tự công cộng, luật này hình sự hóa cả những hoạt động hàng ngày và những vấn đề về mỹ quan đô thị. Chẳng hạn như đối với việc buôn bán hàng rong (một nguồn thu nhập quan trọng của một bộ phận dân cư sống nhờ kinh tế phi chính thức), ăn xin, phơi áo quần ở mặt tiền nhà, y phục phụ nữ quá ngắn hay quá mỏng, và cả những điều khoản rất mơ hồ như những “hành vi kiêu ngạo”… Những chế độ độc tài có lợi thế về thời gian dài để dần dần tạo ra một bầu không khí sợ hãi và kiểm soát dân chúng bằng cách làm họ hao mòn dần.

Tại sao lại đặc biệt chọn nói về Hun Sen trong chương này?

Tôi đã có những hoài nghi về chân dung của Hun Sen. Tôi muốn nói về điều này vì vị lãnh đạo này ít được biết đến ở Pháp, và tiểu sử và sự thăng tiến của ông rất lý thú. Đưa ông vào chương có tính chính trị nhất theo tôi là logic. Tôi đã tự hỏi đề cập vấn đề này như thế nào, ai nói về vấn đề này? Những người chống đối ông? Trừ phi họ đã lưu vong, nếu không họ không dám nói. Những người ủng hộ ông? Ngay cả họ cũng không muốn bàn luận. Những người trẻ hoạt động tích cực tại chỗ? Tôi đã gặp họ, nhưng tôi phải nói rằng phần lớn đều nói lên một cách khó nhọc những câu tuyên truyền khá nghèo nàn: Hun Sen là vị cứu tinh, người bảo đảm cho hòa bình và phát triển kinh tế v.v.” Cách nhìn của họ ít có độ lùi và ít tinh thần phê phán.

Có ít người trong giới đại học và nghiên cứu chính trị, nhưng đặc biệt đó là một nhóm nhỏ rất chia rẽ giữa những người làm việc trong một cơ quan chính phủ và bị dán nhãn “thân Hun Sen”, và những người hoạt động trong các cơ cấu độc lập và bị dán nhãn chống Hun Sen”… Trong suốt hành trình nghiên cứu của mình, tôi đã gặp những câu trích dẫn của thủ tướng. Đó là một diễn giả dài dòng, rườm rà trong những chuyến công du thường xuyên của ông: ông phát biểu thao thao bất tuyệt và được truyền hình phát lại. Những lời của ông đầy rẫy những ẩn ý, hình ảnh, mỉa mai cay độc. Trong bối cảnh hiện nay, tôi tự bảo tốt nhất là để ông tự nói về mình: những lời của ông giúp đo được con người.

Ta đọc được một chủ đề thường xuyên trở lại trong tiểu luận của bà: vị trí của phụ nữ trong đất nước. Tương lai của họ là như thế nào?

Những cuộc gặp gỡ đẹp nhất của tôi ở Cam Bốt là với những phụ nữ, và đối với tôi, họ là hiện thân tốt nhất của đất nước này. Họ đã cởi mở thân tình với tôi, tâm sự một cách hào phóng nhất, trong khi đối với nam giới họ thường cân nhắc hơn, không nói hết. Tôi nghĩ rằng điều này phản ánh những quy chuẩn văn hóa. Vai trò trung tâm của phụ nữ vẫn tiếp tục tồn tại trong gia đình, nhưng ngoài xã hội còn có rất nhiều bất bình đẳng. Chẳng hạn như một chủ đề mà tôi rất muốn đề cập trong quyển sách: vấn đề ngoại tình. Người ta đã kể cho tôi nghe những giai thoại về những người chồng không chung thủy, những cô tình nhân, nhà chứa… Người đàn ông càng giàu có và càng có uy quyền thì những tập tục này càng được dung thứ. Nhưng thường thì người phụ nữ bị phê phán, bị cho là có lỗi: Chồng cô đi tìm nơi khác vì cô không biết đem lại cho chồng cô cái cần có.

Một hiện tượng khác: những vụ tấn công bằng axít, một hành động ngày nay ít được in đậm trên các trang báo như cách đây mười năm, nhưng nó vẫn tồn tại. Hành động trừng phạt này thường là từ những người vợ bị bỏ rơi tấn công các phụ nữ tình địch, chứ không phải những ông chồng ngoại tình. Những phụ nữ nạn nhân phải chịu đựng một nỗi khổ nhân đôi, vì họ đã bị tổn thương da thịt, bị biến dạng suốt đời (vì giải phẫu thẩm mỹ chỉ dành cho người giàu), mà còn khổ về tinh thần, vì người đời có xu hướng nghĩ rằng họ đáng bị như vậy. Phụ nữ đã tiếp nhận những định kiến này, họ là những nạn nhân đầu tiên của định kiến ấy, và họ lại làm cho chúng tồn tại dai dng. Họ có ít vị trí trong các tầng lớp trên, ít có những vị trí lãnh đạo. Thật quá rõ ràng khi ta nhìn thành phần của chính phủ: chỉ có hai bộ trưởng là nữ, đó là Bộ Phụ nữ và Bộ Văn hóa! Tuy nhiên, sự việc có tiến triển: nhờ giáo dục, các chương trình tạo sức bật, ngày càng có nhiều phụ nữ trẻ đạt được những năng lực vững chắc củng cố cho tính chính đáng của họ và cho phép họ đạt được vị trí của mình mà không cần người ta ban cho.

Trong tất cả các chương, bà đã nêu rõ những tương phản - giữa các thế hệ, giữa các dự án xây dựng hào nhoáng ở Phnom Penh và vùng nông thôn, giữa Phật giáo và Vật linh giáo. Đâu là tương phản chính làm nên đặc điểm của đất nước ngày hôm nay?

Bà đã nắm rõ vấn đề. Không có nhiều tương phản lắm giữa Phật giáo và Vật linh giáo trong chừng mực tôn giáo ở Cam Bốt có tính chất khá hỗn hợp. Cũng không có căng thẳng giữa các tôn giáo như tại các nước khác trong vùng. Tương phản giữa thủ đô và nông thôn là rất gay gắt. Những khu phố mới của Phnom Penh mơ ước sẽ là những khu biệt lập theo trường phái vị lai của mô hình Singapore, ví dụ như đảo Koh Pich [tiếng Anh là “Diamond Island” - Đảo Kim cương - hay tiếng Pháp là “l’île au diamant” - chú thích của biên tập], với những khu nhà sang trọng, sân golf, và bản sao Khải Hoàn Môn trong một khu phố với các đại lộ lớn bằng bê tông bắt chước phong cách Haussmann. Nhưng ra khỏi trung tâm, và ở các tỉnh, phong cảnh vẫn lưu giữ tính chất bất biến của những bức tranh về thú điền viên: nhà sàn, xe bò kéo, gia đình đông đúc. Lối sống không khác lắm những hình tượng trên các bức phù điêu thời Angkor, chỉ có thêm điện thoại và plastic!

Nhưng điều này không chỉ riêng của Cam Bốt, khắp nơi ở châu Á đều như vậy, và cũng là mô hình của nhiều nước đang phát triển. Cam Bốt tìm cách có chỗ đứng của mình trong lòng ASEAN - Hiệp hội các nước Đông Nam Á -. Sự tương phản giữa các thế hệ buộc tôi phải phản ứng nhiều nhất, do lịch sử của nó và những hậu quả về dân số, chính trị, hay tâm lý, Cam Bốt có một số phận không giống ai. Thế hệ thời Pôn Pốt lớn lên trong nghèo khó, khủng bố, chỉ có mong ước duy nhất là sống sót, sống chung với những người trẻ tuổi đang được kết nối, rộng mở ra thế giới, nhâm nhi capuccino trong những tiệm cà phê có máy lạnh, mua sắm trong những trung tâm thương mại, chơi nhạc pop Hàn Quốc ngoài trời, và mơ tưởng đến một cuộc sống thăng hoa hơn ở Hàn Quốc hay Úc. Trong gia đình, sự không hiểu nhau có khi rất lớn, giao tiếp nặng nề.

Tại sao lại chọn kết thúc tác phẩm của bà bằng chủ đề sáng tạo và nhất là một cảnh tượng nghệ thuật khmer mới?

Rithy Panh (1964-)

Chính thông qua con đường này mà tôi đã gặp Cam Bốt. Trước hết, trước khi đặt chân lên đất nước này, tôi đã xem các phim của đạo diễn Rithy Panh, như nhiều người Pháp trẻ gốc Cam Bốt. Sau đó, khi tôi thực tập tại Phnom Penh Post vào năm 2011, tôi đã gặp cảnh tượng nghệ thuật với nhiều hình thức đương đại đang nở rộ. Tôi đã có ấn tượng mạnh với đà hăng hái này, một dạng movida[*] (phong trào văn hóa sáng tạo) thổi vào một luồng gió mới. Lúc đó tôi có cái nhìn mới và ngây thơ của một người mới đến.

Ngày nay, tôi thấy cảnh tượng văn hóa có vẻ đóng khung cứng nhắc. Loại hình ăn khách nhất là nhạc pop là đối tượng của kiểm duyệt, các bài hát bị cấm phát hình. Chẳng hạn như có một câu chuyện kể về số phận của của một cô gái quê lên thành phố để làm tạp vụ và trở thành gái điếm đã bị cấm phát hình vì lý do câu chuyện này nêu ra một hình ảnh xấu của xã hội khmer. Chính phủ dường như không theo kịp những diễn biến xã hội, và chắc chắn là do sợ hãi nên đã đưa vào lĩnh vực văn hóa xu hướng dân tộc chủ nghĩa. Tạo sự phân biệt giữa “cái gì là khmer” và “không phải Khmer”, cái gì là sản phẩm của “truyền thống” và “những ảnh hưởng ngoại lai”… Tuy vậy, tôi đã chọn kết thúc quyển sách bằng sự sáng tạo vì tôi nghĩ rằng nghệ thuật còn đóng một vai trò quan trọng hơn trong một xã hội chuyên quyền độc đoán. Nghệ thuật tạo ra những cầu nối, nâng cao giá trị của sự pha trộn, gặp gỡ. Những nhà làm phim, những nghệ sĩ múa, những họa sĩ này đang mở ra những cửa số. Họ nêu câu hỏi, đưa vào những chữ, màu sắc, tạo ra ý nghĩa, những cảm xúc, độ lùi.

Tuổi trẻ Khmer mơ tưởng điều gì?

Họ mơ tưởng tương lai, tự do như mọi tuổi trẻ khác… Những người trẻ nghèo mơ ước trước hết có một công việc, được an toàn về vật chất, cha mẹ được che chở, không có vấn đề sức khỏe vì phí tổn chăm sóc ngốn hết nguồn tài chính, có khả năng trả nợ, vì tỷ lệ nợ nần của các gia đình ở đây rất cao. Những người trẻ đã có một ít tiện nghi mơ ước được thể hiện bản thân một cách sâu sắc, về cảm xúc, về nghề nghiệp. Ví dụ một chị bạn đã nói với tôi về những khó khăn trong công việc: chị ấy phải đối mặt với bộ máy hành chính quan liêu rất nặng nề, hệ thống cấp bậc gia trưởng, những cấp trên trung gian. Chị rất khó có có thể thực hiện sáng kiến và lấy trách nhiệm, chị có cảm giác ngột ngạt. Một chị khác, trưởng gia đình, đã tận tụy nuôi nấng các em mình, đã làm nhiều công việc tầm thường trong suốt cuộc đời, và ngày nay mơ được trở về với lối sống gần đất đai hơn. Chị đã mua một mảnh đất và trồng rau quả. Chị nói thông thạo ba ngôn ngữ, có những năng lực có thể giúp chị đạt đến “một công việc tốt” theo những tiêu chuẩn về thành công trong xã hội, nhưng chị đã đoạn tuyệt với những tiêu chuẩn này.

Một anh khác khổ sở vì xu hướng tình dục của mình: anh là người đồng tính và không thể quyết định việc chia sẻ bí mật của mình với cha mẹ mặc dù họ bao dung, cởi mở. Sự thất vọng sẽ quá lớn, quá tàn nhẫn, nên anh ta sẵn sàng kết hôn với với một người bạn gái để giữ thể diện. Một chị khác mơ tưởng về tình yêu và lòng chung thủy: người bạn trai cuối cùng của chị sống đời hai mặt từ nhiều năm nay. Người phụ nữ trẻ này lập lại với tôi nhiều lần: Tại sao có thể làm nhiều điều rất hay trong đời sống [đó là một nhà hoạt động xã hội có tiếng] mà lại là một kẻ nói dối trong đời sống riêng?” Những người khác mơ tưởng mở công ty, kiếm được rất nhiều tiền, có Iphone đời mới nhất, một chiếc xe hơi lớn, được thăng tiến, được bù đắp về mặt xã hội. Tôi không biết có người trẻ mơ làm cách mạng. Nhưng tôi biết có người nổi giận và mơ ước một sự thay đổi của xã hội, phong tục, chính trị. Đó là một cơn giận mơ hồ: những người đó cho rằng không thể thay đổi chế độ, họ nghĩ rằng phải kiên nhẫn. Cầm cự, đó là cách kháng cự của họ. Về lâu dài, họ còn có đời sống trước mặt để hy vọng.

Suzanne Bruneau ghi lại


CẦN ĐỌC VÀ XEM VỀ CAM BỐT: LỜI KHUYÊN CỦA ÉLÉONORE SOK-HALKOVICH

- Tiểu thuyết: Jaraï của tác giả Loup Durand (Livre de Poche, 1998). “Tình tiết cốt truyện có bối cảnh là trước thời kỳ Khmer Đỏ, nêu ra vấn đề pha trộn. Nhân vật chính, Lara, thuộc dòng dõi những thực dân khai phá đồn điền. Trong nước, anh ta là khmer, nhưng với bên ngoài, đó là một “barang”, một người da trắng, và sự chênh lệch này tạo thành nút thắt của câu chuyện. Đặc biệt điều này trùng hợp với lịch sử riêng của tôi và chỗ đứng ngày nay của những người con thuộc thế hệ thứ hai của những người nhập cư Cam Bốt. Đó là một tiểu thuyết phiêu lưu với một loạt các nhân vật được khắc họa tuyệt vời, một sự quan sát súc tích và tinh tế hiếm có.”

- Tiểu luận lịch sử: Le Génocide au Cambodge (Nạn diệt chủng ở Cam Bốt) của Ben Kiernan và Pol Pot (Pôn Pốt) của tác giả Philip Short. Tiểu luận với phong cách tiểu thuyết, Pôn Pốt của Philip Short dựng lên một chân dung lạnh lùng của một nhân vật anh hùng phản diện: Saloth Sâr (tên khai sinh của Pôn Pốt - ND) đã trở thành người Anh Cả của Angka (tổ chức tối cao của Khmer Đỏ - ND) như thế nào?”

- Tiểu luận về Cam Bốt ngày nay: Hun Sen’s Cambodia (Cam Pu Chia của Hun Sen) của tác giả Sébastien Strangio (Yale University Press, 2014; chưa dịch) “Tác phẩm tham khảo.


- Tiểu thuyết bằng tranh: Concombres Amers (Những quả dưa đắng) của tác giả Séra (Nhà xuất bản Marabout, 2018, lời nói đầu của Tardi). “Tác giả đã làm việc trong sáu năm. Nên đọc vì giá trị lịch sử và tính thẩm mỹ tuyệt vời của tác phẩm. Tác giả cung cấp tư liệu về những năm dẫn đến sự diệt chủng - bối cảnh phía sau là nhiều thập kỷ đã qua - những năm bị quét sạch bởi những điều kinh khủng của “ba năm, tám tháng và hai mươi ngày”, đã tạo nên cách nhìn của chúng ta về “thảm họa” chỉ như một ngoặc đơn điên khùng. Truyện tranh khai triển vai trò các cường quốc trong bối cảnh chiến tranh lạnh - nước Mỹ thời Richard Nixon, Trung quốc thời Mao, nước Pháp thời De Gaulle -, hình ảnh của vua Sihanouk và của những nhân vật ít nổi tiếng hơn như tướng Sosthène Fernandez, cũng như quan điểm của những người vô danh.

- DVD: L’histoire terrible et inachevée de Norodom Sihanouk, roi du Cambodge (Lịch sử kinh khủng và dở dang của Norodom Sihanouk, vua nước Cam Bốt), vở kịch của tác giả Hélène Cixous, được dàn dựng bởi Ariane Mnouchkine ở nhà hát Cartoucherie năm 1985. “Sau đó, vở kịch dài tám giờ này đã được Delphine Cottu và Georges Bigot dàn dựng lại với những diễn viên trẻ Cam Bốt của Phare Ponleu Selpak (Sự sáng ngời của nghệ thuật - một tổ chức phi lợi nhuận Cam Bốt - ND). Các diễn viên thật tuyệt vời, đặc biệt là người phụ nữ trẻ thủ vai chính Sihanouk!

Suzanne Bruneau

Về tác giả Suzanne Bruneau

Đam mê Đông Nam Á từ nhiều năm nay, Suzanne Bruneau đã có nhiều chuyến đi đến vùng này. Tốt nghiệp trường Cao cấp Thương mại Grenoble (École Supérieur de Commerce de Grenoble) sau khi đã học lớp dự bị về văn chương, đáng chú ý là tác giả đã làm việc về phát triển thương mại ở Pháp cho một dự án dệt lụa tuyển dụng chừng năm mươi phụ nữ ở miền tây bắc Cam Bốt. Ngày nay, tác giả đặc biệt quan tâm đến tất cả văn chương về vùng này (tiểu luận, tiểu thuyết).

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:Mémoire, résilience et rêves de liberté: “Cambodgiens” d’Éléonore Sok-Halkovich”, Asialist, 24.10.2020



Chú thích:

[*] La Movida (hay Movida madrileña) là tên đặt cho phong trào văn hóa sáng tạo đã phát triển trên toàn quốc Tây Ban Nha vào cuối giai đoạn chuyển tiếp sang chế độ dân chủ Tây Ban Nha vào đầu những năm 1980, sau cái chết của Franco. (Theo Wikipedia - ND)

Print Friendly and PDF