25.1.21

Tư bản

TƯ BẢN

Capital

Giải Nobel: ALLAIS, 1988 - ARROW, 1972 - BECKER, 1992 - DEBREU, 1983 - HICKS, 1972 - MARKOWITZ, 1990 - MERTON, 1997 - SAMUELSON, 1970 - SCHOLES, 1997 - SCHULTZ, 1979 - SHARPE, 1990 - SOLOW, 1987 - TOBIN, 1981

Chắc chắn rằng tư bản là một trong những khái niệm khó nhất của kinh tế học và cũng là khái niệm gây nhiều bất đồng nhất. Thật vậy có điều gì chung giữa quan niệm của Marx về tư bản, một quan niệm nằm ở trung tâm của sự phê phán chủ nghĩa tư bản của ông và những lí thuyết đánh giá những tài sản rủi ro hay lí thuyết vốn con người? Những khó khăn và bất đồng là do tính nhiều hình thức của tư bản trong những nền kinh tế thị trường, do vai trò của tư bản trong việc hiểu động thái của những nền kinh tế và tính đa dạng của những cách tiếp cận về tư bản.

Lằn ranh phân biệt quan trọng nhất về tư bản nằm ở chỗ có thể nhìn tư bản theo một quan điểm thực tế hay theo một quan điểm tài chính. Trong trường hợp đầu, tư bản là một thuật ngữ chủng loại bao gồm toàn thể những phương tiện không phải là những nguyên vật liệu không sản xuất lẫn những dịch vụ lao động được triển khai cho việc sản xuất những sản phẩm và dịch vụ, và có thể được xem như những kho. Được hiểu như trên, tư bản là một khái niệm có khả năng được mở rộng gần như không giới hạn, tất cả hay gần như tất cả đều có khả năng là cần thiết cho việc sản xuất. Trong trường hợp thứ hai, tư bản có một nghĩa chính xác hơn: nó được định nghĩa như toàn thể những phương tiện tài chính chi phối việc thiết lập những quá trình sản xuất, ở cấp độ một công ti, một ngành hay cả toàn bộ nền kinh tế. Như thế tư bản được đo như một đại lượng tiền tệ.

Một lằn ranh phân biệt thứ hai, được biết đến nhiều trong kinh tế, nằm ở tầm nhìn kinh tế vĩ mô về tư bản hay ngược lại ở tầm nhìn kinh tế vi mô về vốn. Cuối cùng một số trào lưu gắn bó với một phân tích tĩnh về tư bản trong lúc một số trào lưu khác ưu tiên cho một viễn cảnh có tính thời gian. Việc có nhiều cách tiếp cận, tính đa dạng của những vấn đề gắn với hay tuỳ thuộc vào tư bản giải thích sự sống chung của nhiều trào lưu lí thuyết về tư bản.

Những lí thuyết về tư bản

Lí thuyết trọng thương

François Quesnay (1694-1774)
Richard Cantillon (1680-1734)

Những nhà trng thương, tuy không sử dụng thuật ngữ tư bản, là những tác giả đầu tiên thừa nhận sự tồn tại và ích lợi của tư bản, trước hết dưới hình thức tài chính, rồi tiếp đấy như một nhân tố sản xuất. Cantillon (1755) rồi Quesnay (1776) đã nhấn mạnh tầm quan trọng của những khoản ứng trước trong quá trình sản xuất. Nhưng việc Quesnay nhấn mạnh rằng lí thuyết giá trị của ông đặt cơ sở trên nông nghiệp, và do đó trên đất đai ngăn cản ông phát triển một lí thuyết tổng quát hơn về sản xuất và do đó không làm cho khái niệm tư bản nổi lên như một tập hợp những phương tiện vật chất được huy động trong sản xuất. Turgot (1770) tìm cách khái quát hoá Quesnay bằng cách thừa nhận là thương mại và công nghiệp cũng sinh lời như nông nghiệp, thừa nhận rằng tư bản, như những khoản ứng trước, là cần thiết cho mọi hoạt động và chi phối hiệu quả của sản xuất. Chính xác hơn, sản xuất qui thành tiền, và do đó lợi nhuận thu được, được thừa nhận như là một hàm tăng của số tiền của những khoản ứng trước. Trong những điều kiện này, Turgot suy ra là những hoạt động khác nhau cạnh tranh với nhau để thu hút những khoản ứng trước này. Như thế ông có khả năng nhận ra lãi suất, thù lao trả cho những khoản ứng trước này, như một nhân tố điều tiết sự cạnh tranh.

Lí thuyết cổ điển

Adam Smith (1723-1790)

Jacques Turgot (1727-1781)
Smith (1776) lấy lại những luận đề của Turgot cho rằng tư bản là cần thiết nếu không muốn nói là không thể thiếu cho sản xuất. Ông dễ dàng nhận ra tính đối ngẫu của tư bản, vừa là những sản phẩm hữu hình cần thiết cho sản xuất vừa là khối lượng tài chính sẵn sàng được đầu tư trong những hoạt động sản xuất do đó có khả năng sinh lời, và tìm cách tính đến điều này bằng cách phân biệt tư bản cố định và tư bản lưu động. Những phương tiện sử dụng trong sản xuất, những máy móc, tượng trưng cho một tư bản cố định cho phép thiết lập quá trình sản xuất: tư bản này tạo điều kiện dễ dàng cho sản xuất bằng cách làm cho lao động có năng suất hơn. Tư bản lưu động tượng trưng cho tư bản dưới hình thức tài chính. Bản thân tư bản lưu động này có tính nhập nhằng. Tư bản này vừa có tính lưu động vì là dưới hình thức tiền tệ và do đó có khả năng di chuyển từ hoạt động này sang hoạt động khác, đồng thời lại là cần thiết và gắn với một hoạt động đặc biệt vì đòi hỏi có những ứng trước, đặc biệt là trong quỹ lương và như thế bị giữ bất động (đọng vốn) như tư bản cố định.

David Ricardo (1772-1823)

Nhưng ở đây một lần nữa lí thuyết giá trị do Smith phát triển, chỉ dựa độc nhất trên lao động, ngăn cản ông nhận ra một đóng góp có tính sản xuất và độc lập của tư bản, hiểu như một tập những phương tiện vật chất được sử dụng trong sản xuất. Những người tiếp nối ông, đi đầu là Ricardo (1817), thừa nhận rằng tư bản hiểu như tư bản tài chính có một vai trò quan trọng, thậm chí là không thể thiếu trong việc thiết lập quá trình sản xuất. Nhưng họ nêu làm tiên đề rằng thước đo giá trị của một sản phẩm chỉ nằm trong lao động không thôi.

Trong những điều kiện này, trong lí thuyết cổ điển những thù lao của những nhân tố sản xuất không phải là những đối phần của những giá trị do những nhân tố sản xuất khác nhau tạo ra. Lợi nhuận, trả cho những tư bản do nhà tư bản ứng trước, đơn giản trở thành số dư của sản phẩm, một khi đã trả điạ tô và lương. Như thế các nhà cổ điển lấy lại luận chứng từng được Turgot nêu ra và thừa nhận là cạnh tranh giữa các nhà tư bản khiến cho tỉ suất lợi nhuận nổi lên từ những hoạt động sản xuất khác nhau là duy nhất, trong chừng mực mà những tư bản ứng trước hay được đầu tư là cơ động và có thể chuyển từ hoạt động này sang hoạt động khác.

Lí thuyết marxist

Karl Marx (1818-1883)

Tư bản và chủ nghĩa tư bản. - Về nhiều mặt, Marx (1867-1894) thuộc về truyền thống cổ điển của giá trị lao động. Nhưng ông tiếp nối truyền thống này một cách hoàn toàn độc đáo bằng cách phát triển hai điểm chủ yếu liên quan đến tư bản. Hai điểm này cho phép ông phê phán chủ nghĩa tư bản, một sự phê phán cho đến nay chưa có phê phán nào là tương đương về diện sâu rộng và tính nhất quán của phê phán của ông.

1) Điểm đổi mới đầu tiên của phân tích marxist về tư bản là lồng phân tích tư bản vào trong lịch sử và như thế xem tư bản như là một quan hệ xã hội chứ không phải như một yếu tố tự nhiên. Tự bản thân một tập những phương tiện kĩ thuật sản xuất, máy móc hay công cụ không phải là tư bản; tập này chỉ trở thành tư bản khi có sự phân công lao động và nhất là việc tách biệt giữa những người sở hữu và không sở hữu những tư liệu sản xuất này. Chỉ có tư bản khi có nhà tư bản và khi có sự hình thành một phân chia xã hội làm rạn nứt xã hội. Như thế những tư liệu sản xuất được lồng vào trong một quá trình sản xuất mà mục đích cuối cùng là lợi nhuận. Sự chia cắt xã hội này, gắn với việc sở hữu những tư liệu sản xuất và việc tìm kiếm lợi nhuận tối đa, cấu thành phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Đây là một phương thức sản xuất của cải và tái sản xuất xã hội đặc biệt. Không phải tất cả những xã hội từng tồn tại đều là những xã hội tư bản chủ nghĩa, và nhiều sắp xếp kinh tế xã hội khác đã được thử nghiệm. Tương tự như thế, nếu phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa là sản phẩm của lịch sử, xuất phát từ những phương thức sản xuất có trước nó, thì phương thức này không phải là phương thức sản xuất cuối cùng. Như thế Marx khẳng định là những mâu thuẫn của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa trong dài hạn phải dẫn đến việc thay thế phương thức này bằng một xã hội không có giai cấp, xã hội cộng sản chủ nghĩa.

2) Điểm thứ hai là tiếp nối phân tích cổ điển về giá trị lao động và đ xuất rằng lao động là cơ sở duy nhất của giá trị. Tư bản như là lao động chết, nghĩa là lao động kết tinh trong những trang thiết bị và máy móc, hợp thành tư bản và do những người nắm giữ tư bản chiếm hữu là kết quả của việc bóc lột giá trị thặng dư của người vô sản. Do người lao động chỉ có tự do sử dụng sức lao động của bản thân để đảm bảo sự sinh tồn của bản thân, bị cách li khỏi việc chiếm hữu những tư liệu sản xuất khác nên họ buộc phải bán sức lao động của mình cho nhà tư bản, người kiểm soát quá trình sản xuất và có vốn cần thiết để ứng trước lương. Như thế, nhà tư bản có khả năng rút ra thặng dư từ nhân công họ sử dụng. Như vậy lợi nhuận chỉ là một phần của của cải do lao động tạo ra trong quá trình sản xuất.

Quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa. - Để hiểu quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa, Marx lấy lại sự phân biệt của các nhà cổ điển giữa tư bản tài chính và tư bản như một tập những tư liệu sản xuất hữu hình. Đặc trưng của sản xuất tư bản chủ nghĩa là hướng đến việc tìm kiếm lợi nhuận tối đa. Điều này kéo theo việc đảo ngược quan hệ hàng hoá đối với vẻ bề ngoài của quan hệ này, trong đó việc nắm giữ tiền tệ chỉ là một thời khắc tạm thời cho phép tiền tệ giữ vai trò trung gian trao đổi. Một nhà tư bản có một tư bản tiền tệ M sử dụng số tiền này để mua những hàng hoá C, những hàng hoá này sẽ trở thành tư liệu sản xuất, và để ứng trước lương. Vốn được nhà tư bản ứng trước này cho phép nhà tư bản tiến hành việc cho chế tạo những hàng hoá C’ mà một khi bán được trên thị trường mang về cho nhà tư bản một số tiền M’. Hiệu của M’M là lợi nhuận của nhà tư bản. Nhưng đằng sau sự lưu thông tiền tệ, hàng hoá này và đằng sau kiến trúc phức tạp của những thị trường có vẻ như áp đặt qui luật của chúng và biện minh cho sự tồn tại của nhà tư bản, không được quên là thực tế của hiện tượng tư bản chủ nghĩa dựa trên sự bóc lột lao động.

Những cuộc xung đột do tư bản gây ra. - Như thế tư bản trong lí thuyết marxist là nguồn gốc của một xung đột kép. Một mặt những nhà tư bản không hợp thành một khối xã hội đồng nhất mà ngược lại cạnh tranh lẫn nhau, do logic hàng hoá. Quả thế mỗi nhà tư bản, do được việc tìm kiếm lợi nhuận tối đa thúc đẩy, tìm cách làm yếu đi, thậm chí loại trừ những đấu thủ của mình. Sự cạnh tranh này có khả năng sinh ra, thông qua tính vô tổ chức của những thị trường, những cuộc khủng hoảng ít nhiều nghiêm trọng ngắt nhịp tiến trình và đe doạ trong dài hạn sự sống còn của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Nhưng đó cũng là động cơ của sự phát triển của chủ nghĩa tư bản: mỗi doanh nhân tìm cách tăng năng suất của những người lao động của mình bằng những sắp xếp kĩ thuật và đổi mới qui trình sản xuất hay bằng cách mở ra những thị trường mới. Kết quả là vừa có một sự giàu lên của toàn xã hội được phân phối không bình đẳng vừa có những mất cân bằng tiềm tàng nghiêm trọng hơn, do đó có những nhân tố của khủng hoảng. Mặt khác, hệ quả của việc tách biệt những tư liệu sản xuất với sự bóc lột tư bản chủ nghĩa người lao động là sự tồn tại của một cuộc xung đột giữa những nhà tư bản và người vô sản: thật vậy quyền lợi của hai bên là triệt để đối lập nhau và không thể hình dung bất kì sự dung hoà nào được. Cuộc xung đột này có thể che giấu bởi vẻ bề ngoài của sự vật cho thấy những cá thể hợp đồng một cách tự do trên những thị trường mở, trên đó chỉ có hàng hoá trao đổi với nhau.

Lí thuyết tân cổ điển: tư bản như một nhân tố sản xuất

Philip Wicksteed (1844-1927)

Chính với các nhà tân cổ điển thì tư bản mới được đặt ngang hàng với lao động và đất đai (nguyên vật liệu) trong phân tích sản xuất, trong chừng mực mà chúng được bao hàm trong khái niệm nhân tố sản xuất và những qui luật sử dụng chúng được đồng nhất hoá thông qua một phân tích việc lựa chọn tổ hợp sản xuất tối ưu. Trong những năm 1870 các nhà tân cổ điển đã đoạn tuyệt với lí thuyết giá trị lao động được các nhà cổ điển trình bày. Với những luận điểm được phát triển về sản xuất, sự đoạn tuyệt càng sâu rộng hơn và tìm thấy sự nhất quán của nó trong chừng mực mà phân tích tân cổ điển về quá trình sản xuất cho phép trang bị một cơ sở mới cho lí thuyết phân phối không vay mượn gì từ những lí thuyết tân cổ điển.

Một khi nói xong điều này rồi thì không thể xem lí thuyết tân cổ điển như một lí thuyết được những tác giả chia sẻ một học thuyết được nhận dạng rõ ràng, huống hồ là một học thuyết thống nhất, phát triển một cách đều đặn.

Hàm sản xuất và tư bản. - Cái lõi của lí thuyết tân cổ điển nằm trong biểu trưng hình thức và tổng quát về quá trình sản xuất thông qua một hàm sản xuất mà sáng kiến được gán cho P. H. Wicksteed (1894). Sản lượng của một sản phẩm được giả định là một hàm của những lượng nhân tố sản xuất khác nhau được sử dụng:

q = f(x1, , xi, )

với xi biểu trưng cho lượng của nhân tố sản xuất thứ i được sử dụng. Không cần làm rõ tính hữu hình hay không của yếu tố này: có thể đó là lao động (và ngay cả một loại lao động), một nguyên vật liệu hay một sản phẩm hữu hình đã được sản xuất rồi, do đó là một yếu tố của tư bản. Tất cả những nhân tố sản xuất được xử lí một cách đối xứng và có tương quan, tất cả đều góp phần vào sản xuất, vấn đề giá trị đã được tách khỏi nền tảng hữu hình, thông qua khái niệm lợi íchsở thích chủ quan. Như thế có thể đánh giá năng lực đóng góp của mỗi nhân tố thông qua khái niệm năng suất, và nhất là khái niệm năng suất cận biên của một nhân tố.

Và ngược lại, từ nay có thể hợp nhất cách xử lí giá của sản phẩm với cách xử lí giá của những nhân tố sản xuất. Cùng một thiết kế logic cho phép xây dựng những thị trường sản phẩm cũng như những thị trường nhân tố sản xuất. Giá của sản phẩm lẫn của nhân tố sản xuất đều là kết quả, dưới những giả thiết thông dụng, của cân bằng giữa cung và cầu của sản phẩm và/hay nhân tố được xem xét. Viện đến một sản phẩm thước đo chung, ta dễ dàng có được giá trị của tư bản được đưa vào sản xuất, cho dù ở cấp độ doanh nghiệp hay ở cấp độ toàn thể nền kinh tế, bằng cách cộng giá trị của những nhân tố sản xuất khác nhau không phải là lao động cũng không phải là nguyên vật liệu. Hai hình thức của tư bản được hệ thống giá cả làm cho tương thích.

Frank Knight (1885-1972)
John M. Keynes (1883-1946)

Tuy nhiên sự phân biệt giữa hai hình thức của tư bản, hay đúng hơn những phương thức sử dụng hai hình thức này, tiếp tục biểu trưng một vấn đề nằm bên dưới lí thuyết tân cổ điển chỉ lộ diện thật sự với cuộc tranh luận giữa hai trường đại học Cambridge sẽ được đề cập dưới đây. Tiếp theo Wicksteed, Clark (1899) có thể phân biệt những sản phẩm tư bản được sử dụng trong sản xuất với tư bản tiền tệ, một phần của của cải của một tác nhân được dùng để mua những sản phẩm tư bản. Nhưng như thế là tạo điều kiện cho việc lẫn lộn hai hình thức của tư bản và cho phép nói đến tư bản như một nhân tố sản xuất không lôi thôi gì nữa. Chính điều này đã diễn ra từ từ và trở thành phổ biến như cách làm của Knight (1933) hay của Keynes (1936), để chỉ nhắc đến những tên tuổi nổi tiếng, đề cập đén tư bản như một nhân tố sản xuất. Xu thế này được những biểu trưng tổng gộp đầu tiên về quá trình sản xuất củng cố thêm, đặc biệt là việc Cobb và Douglas năm 1928 sáng tạo một phiên bản gộp của hàm sản xuất có hai nhân tố sản xuất là lao độngtư bản, cho phép tính tỉ phần của tư bản trong tổng sản phẩm. Với cuộc tranh luận giữa hai trường đại học Cambridge, dưới đây ta sẽ thấy là sự nhập nhằng giữa tư bản như một tập những tư liệu sản xuất hữu hình không đồng nhất và tư bản như là giá trị tiền tệ của việc đọng vốn hữu hình dành cho việc sản xuất tiếp tục được những tác giả tân cổ điển duy trì, và chỉ tương đối gần đây thì những khó khăn nan giải của sự nhập nhằng này mới bộc lộ rõ.

Nhưng cũng trong thời gian đó, tổng hợp của Hicks (1939) nhắc nhở ta bản chất kinh tế vi mô của lí thuyết tân cổ điển và báo trước việc thiết kế lí thuyết hiện đại về cân bằng chung của Arrow và Debreu, một lí thuyết cho phép hợp nhất dứt điểm những quá trình sản xuất với lí thuyết về tính duy lí của những lựa chọn cá thể.

Böhm-Bawerk (1851-1914)

Friedrich Hayek (1899-1992)

Lí thuyết Áo về tư bản. - Lí thuyết của Clark hay của Knight, gắn với hàm sản xuất, là một lí thuyết tĩnh: không cần phải giả định là có một khoảng cách thời gian giữa lúc sử dụng những nhân tố sản xuất và lúc có được sản phẩm của quá trình sản xuất. Điều này cho phép coi nhẹ những phần tạm ứng được các nhà cổ điển nhấn mạnh để tập trung vào tính không đồng nhất của những sản phẩm tư bản. Việc từ bỏ chiều kích thời gian này giải thích là có một hướng phân tích khác về tư bản trong sản xuất được khai phá. Böhm-Bawerk (1889) nằm ở cội nguồn của điều sau này sẽ trở thành lí thuyết Áo về tư bản. Nền tảng của phân tích của ông, và sẽ là cơ sở của tất cả những công trình sau này tự nhận thuộc trào lưu Áo, là quá trình sản xuất tốn thời gian và chỉ có thể quan niệm là quá trình này diễn ra trong thời gian. Như vậy, phù hợp với quan điểm cổ điển, việc thiết lập một quá trình sản xuất đòi hỏi phải có những khoản “ứng trước” mà ta có thể đồng nhất với tư bản. Böhm-Bawerk thừa nhận là đường vòng sản xuất” càng dài, nghĩa là việc rút bớt những sản phẩm tiêu dùng để tập trung vào cho sản xuất, thì quá trình này càng sinh lời. Mặt khác, quá trình sản xuất càng tốn kém khi đường sản xuất càng dài vì chính độ dài của quá trình sau chi phối thời gian đọng vốn và điều này gây nên một sự thiếu thu nhập được đo bằng lãi suất hiện hành. Do đó cơ chế tư bản chủ nghĩa qui lại là chọn lọc những quá trình sản xuất sinh lợi lớn nhất có thể, tuỳ theo lãi suất. Lãi suất càng thấp càng cho phép có những quá trình sản xuất dài và do đó sinh lời nhiều hơn. Như thế, Böhm-Bawerk báo trước lí thuyết những lựa chọn liên thời gian sau này được Fischer (1930) phát triển.

Những luận điểm của Böhm-Bawerk được Hayek lấy lại trong những năm 1930 để cung cấp một giải thích về những cuộc khủng hoảng, nhưng sau đó lí thuyết Áo vắng bóng trong một thời gian dài trước khi được Hicks (1973) phát hiện trở lại và tiếp nối.

Những cuộc tranh luận gần đây về khái niệm tư bản

Chính ngay việc có nhiều lí thuyết đã là một minh chứng cho những cuộc tranh luận diễn ra xung quanh khái niệm tư bản. Người ta chờ đợi là những lí thuyết này cạnh tranh lẫn nhau và công việc của các nhà kinh tế là đánh giá công trạng khác nhau của những lí thuyết này. Như thế cuộc tranh luận phải là một cuộc đối mặt giữa những lí thuyết này, mỗi lí thuyết phát triển theo một logic riêng và cố gắng ngày càng tính đến tốt hơn những hiện tượng kinh tế. Thế mà, tuy việc đối chiếu những lí thuyết không bị coi nhẹ song khái niệm tư bản đã chủ yếu sinh ra những cuộc tranh luận nhằm vào tính chính đáng về mặt logic của mỗi họ lí thuyết và tính chặt chẽ nội tại của khái niệm tư bản của mỗi trào lưu. Những người bảo vệ một truyền thống lí thuyết chủ yếu tìm cách tước đi giá trị lí thuyết đối lập bằng cách chỉ ra những kẽ hở lí thuyết và những khó khăn nan giải của lí thuyết đối lập này.

Những cuộc tranh luận trong nội bộ lí thuyết marxist

Đối với Marx, điều thiết yếu là đặt lí thuyết tư bản trên cơ sở của thặng dư, và do đó trên tỉ suất lợi nhuận như là biểu hiện của sự bóc lột lao động. Để làm điều này, ông phải tiến hành một phân tích quá trình sản xuất được xây dựng trên một kế toán bằng thời gian lao động, mặc dù không quan sát được thời gian lao động này. Đằng sau không gian những giá biểu kiến, cần phải thấy không gian giá trị, gắn với lao động. Khi xác lập một sự đối ngẫu như thế, Marx được sự trợ giúp của hai tiền lệ: một mặt, các nhà cổ điển đã thừa nhận là những giá thị trường (được quan sát) xoay xung quanh những giá bình thường (không quan sát được) sao cho những giá thị trường được xác lập độc lập với những nhiễu loạn tạm thời và thứ yếu; mặt khác, truyền thống triết học hegelian trong đó ông được đào tạo dạy rằng đằng sau thực tế của những vẻ bề ngoài còn có một hiện thực khác, hiện thực của lí tính. Tuy nhiên, để đảm bảo là lí thuyết của ông về lợi nhuận đặt cơ sở trên giá trị thặng dư, ông còn phải chứng minh rằng tỉ suất lợi nhuận của các nhà tư bản phụ thuộc vào kế toán thời gian lao động, trong lúc bề ngoài tỉ suất này có vẻ gắn với giá của những hàng hoá. Nói cách khác, ông phải chứng minh vai trò hàng đầu của tỉ suất lợi nhuận trên hệ thống giá: nếu hệ thống giá cả phụ thuộc vào tỉ suất lợi nhuận thì tỉ suất lợi nhuận tuỳ thuộc vào tỉ suất bóc lột lao động. Thế mà mưu toan của Marx trong việc chuyển hoá giá trị thành giá sản xuất tỏ ra là sai lầm, như Bortkiewwicz (1907) đã chứng minh.

Thất bại của Marx qui về vấn đề xác định một thước đo bất biến của giá trị, một vấn đề Ricardo đã vấp phải và sẽ được Sraffa (1960) hơn một thế kỉ sau đề cập lại với nhiều thành công hơn. Nhưng những điều kiện để xác định thước đo này là cực kì mong manh và ít vững chắc.

Những cuộc tranh luận trong nội bộ lí thuyết tân cổ điển

Joan Robinson (1903-1983)
Paul Samuelson (1915-2009)

Nhưng các nhà kinh tế quan tâm nhất đến lí thuyết tân cổ điển về tư bản, mối quan tâm này gây ra, trong hai thập kỉ tiếp sau bài viết không coi trọng truyền thống của Joan Robinson (1953), cuộc tranh luận nổi tiếng nhất trong số những cuộc tranh luận kinh viện mà khoa học kinh tế từng biết đến. Nếu lí thuyết tân cổ điển đã nổi lên dần dần, không phải một cách hoàn chỉnh từ bộ óc của một nhà tư tưởng thiên tài, nhưng được thiết kế từng bước nhờ những đóng góp của nhiều nhà nghiên cứu, thì vào giữa thế kỉ trước (Samuelson cho xuất bản Những cơ sở của phân tích kinh tế) lí thuyết tân cổ điển về sản xuất và tư bản hiện ra như một lí thuyết vững chắc, tổng quát và gọn gàng. Như đã thấy, lí thuyết này dựa trên những nguyên lí kinh tế vi mô do học thuyết cận biên thiết lập và cho phép đề xuất hai mệnh đề cơ bản, được xem như là đã được đa số các nhà kinh tế chấp nhận. Trong những điều kiện thông dụng của cạnh tranh, không có hiệu suất theo qui mô và không có bất trắc, 1) tiền tr cho tư bản được một doanh nghiệp triển khai bằng với năng suất cận biên của tư bản này, và năng suất này là một hàm giảm của lượng vốn được sử dụng; 2) tư bản là một nhân tố sản xuất kết hợp với những nhân tố khác như lao động và việc kết hợp tối ưu những nhân tố sản xuất tuỳ thuộc vào tỉ số giá của những nhân tố này: khi giá của một nhân tố càng tăng so với giá của những nhân tố khác thì lượng tương đối của nhân tố này dùng trong tổ hợp tối ưu những nhân tố sản xuất càng giảm.

Một cách ngầm ẩn, ở đây tư bản là tên chủng loại gán cho một nhân tố sản xuất đặc biệt được doanh nghiệp sử dụng và hợp thành bởi một sản phẩm hữu hình đối lập với lao động hay với một nguyên vật liệu. Đối với doanh nghiệp này, đó có thể là những cần cẩu, đối với một doanh nghiệp khác đó có thể là ammoniac. Do đó hai mệnh đề trên chỉ là cơ sở của lí thuyết lựa chọn những nhân tố sản xuất được giảng dạy trong kinh tế học vi mô.

Thế mà chính hai mệnh đề này sẽ trở thành đối tượng của điều được biết trong lịch sử của khoa học kinh tế như là cuộc tranh luận của hai đại học Cambridge. Cuộc tranh luận không nhằm vào điểm là hai khẳng định này có thể là sai về mặt thực nghiệm hay không: tất cả các tác giả đều thừa nhận là chúng tương ứng với một khuôn khổ giả thiết cố ý được đơn giản hoá đến cực kì và do đó có thể là không quan sát được chúng. Điều gây tranh cãi là ý nghĩa phải gán cho hai khẳng định này và, trong khuôn khổ của những giả thiết được chọn, chúng có đúng hay không về mặt logic.

Knut Wicksell (1851-1926)

Thước đo tư bản. - Cuộc tranh luận đầu tiên nhằm vào việc phải hiểu thế nào là tư bản. Những nhà kinh tế tân cổ điển, tiếp sau Böhm-Bawerk (1889) và J. B. Clark (1899) không chờ đợi lâu để hiểu vốn theo một nghĩa rộng và để gán cho hai mệnh đề này một ý nghĩa kinh tế vĩ mô. Thật vậy, hai mệnh đề trên cho phép xây dựng một lí thuyết v tỉ suất lợi nhuận khác với lí thuyết cổ điển và lí thuyết marxist: lợi nhuận của tư bản, được hiểu như toàn bộ những tư liệu sản xuất khác hơn là lao động và nguyên vật liệu, được xác định bởi năng suất cận biên của tư bản này và một gia tăng của tỉ suất lương trong nền kinh tế có hệ quả là khuyến khích các doanh nhân sử dụng tương đối nhiều tư bản và ít lao động hơn. Tỉ suất lợi nhuận phản ảnh đóng góp có tính sản xuất của tư bản vào sản xuất và do đó là thù lao công bằng của nhà tư bản. Vấn đề là kết luận này là một lập luận loại suy hơn là một chứng minh. Wicksell (1901) là người đầu tiên lưu ý đến những nguy cơ khi chuyển từ một lập luận được xác lập bằng những khái niệm sản phẩm hữu hình sang một lập luận dựa trên tư bản, được ước lượng bằng giá trị để đồng nhất hoá những sản phẩm hữu hình khác nhau được dùng trong sản xuất, và như thế được đồng hoá với một nhân tố sản xuất. Ông nhấn mạnh đến tính luẩn quẩn của lập luận vì, để xây dựng tư bản bằng giá trị, phải thông qua hệ thống giá cho phép đồng nhất hoá những sản phẩm khác nhau và rằng bản thân hệ thống này tuỳ thuộc vào chính tư bản được sử dụng và tiền trả cho tư bản này, tức vào tỉ suất lợi nhuận. Đặc biệt Wicksell chỉ ra là lãi suất, được các nhà tân cổ điển khá dễ dãi đồng hoá với tỉ suất lợi nhuận, có thể là không bằng với năng suất cận biên của tư bản, vì lãi suất phụ thuộc vào việc đánh giá lại tư bản, tiếp sau một thay đổi trong sự phân phối, và do đó là một thay đổi của hệ thống giá (hiện tượng này từ đó được biết dưới tên hiệu ứng Wicksell).

Cuộc tranh luận bùng cháy trở lại sau thế chiến thứ hai dưới một hình thức có tính kĩ thuật hơn, xung quanh những phương thức gộp. Năm 1953, Robinson, một tác giả giảng dạy tại đại học Cambridge (Anh) khơi lên lại cuộc tranh luận khi nêu lên là không thể có được một thước đo vật thể của tư bản, được hiểu như việc gộp những sản phẩm hữu hình được dùng trong sản xuất. Thế mà, nếu tư bản không được đo đúng đắn thì ta khó thấy bằng cách nào có thể đo được năng suất của tư bản. Champernowne (1953-1954) là người đầu tiên sử dụng một lí thuyết hình thức, dựa trên những chỉ số, để thu được một thước đo của tư bản, nhưng đòi hỏi những giả thiết cực kì nghiêm ngặt. Vấn đề càng trở nên ngày càng gay gắt hơn trong chừng mực mà việc sử dụng một hàm sản xuất kinh tế vĩ mô, với một trong những agumen là tư bản được phổ biến rộng trong những năm này và cho phép R. Solow (1956) đặt cơ sở cho lí thuyết tân cổ điển về tăng trưởng đồng thời đặt nền móng cho lí thuyết thương mại quốc tế. Do đó việc được thua của cuộc tranh luận là quan trọng.

Piero Sraffa (1898-1983)
Robert Solow (1924-)

Tái chuyển đổi kĩ thuật. - Phê phán thứ nhất này đối với lí thuyết tân cổ điển tiếp đấy được mở rộng bằng một phê phán thứ hai nhằm vào mệnh đề tân cổ điển thứ nhì nêu ở trên. Một hệ quả tức thì của mệnh đề này là không thể nào cùng một tổ hợp những nhân tố tương ứng với hai tỉ số giá (của những dịch vụ) của những nhân tố sản xuất. Kết quả này bị một nhà kinh tế cho đến lúc bấy giờ được ít người biết, P. Sraffa, một nhà cambridgian khác, trong tác phẩm xuất bản năm 1960, tước mất hiệu lực. Sraffa công bố trong đó những kết quả của một công trình tri thức đáng ngạc nhiên: việc đặt lại cơ sở của lí thuyết cổ điển (có cảm hứng ricardian) trên những nền móng hình thức chặt chẽ, không vay mượn gì cả đến những lập luận cận biên được các nhà tân cổ điển phát triển. Đối với mối quan tâm của chúng ta ở đây, thách thức là đề xuất một lí thuyết sản xuất trong một hệ thống kinh tế đầy đủ, không cần viện đến công cụ hàm sản xuất gộp, và do đó không xem tư bản như một nhân tố sản xuất gộp. Nguyên lí cơ bản của lập luận của Sraffa là những hàng hoá được sản xuất bằng những hàng hoá và bằng lao động.

Ta đặt mình vào trường hợp đơn giản nhất khi không có bất trắc và không có sản xuất kết hợp, với một lao động đồng nhất, và chấp nhận là có n sản phẩm phải sản xuất. Có nhiều cách kết hợp hàng hoá với lao động để sản xuất hàng hoá. Một tổ hợp đặc biệt được gọi là một kĩ thuật sản xuất. Những hàng hoá được sử dụng trong sản xuất là bất động trong một thời kì và việc bất động này được trả một lợi nhuận. Một tổ hợp đặc bit cấu thành một kĩ thuật và được biểu trưng bằng một ma trận A kiểu đầu vào-đầu ra chỉ định những hệ số kĩ thuật cần thiết, và bằng một vectơ l những lượng lao động cần thiết. Thách thức đầu tiên của Sraffa là chứng minh sự tồn tại của một hàng hoá thước đo mà giá là bất biến với những biến thiên của tỉ suất lợi nhuận. Do đó hàng hoá này có thể dùng làm thước đo để thể hiện giá của tất cả những hàng hoá. Với mỗi kĩ thuật sản xuất, ta có thể liên kết một hệ phương trình để có được những giá:

p = (1 + r) Ap + wl

với p là vectơ giá, r là tỉ suất lợi nhuận và w là lương đơn vị. Do đó hệ thống này có n + 1 phương trình (có tính luôn qui ước chuẩn hoá giá của hàng hoá thước đo bằng 1) và n + 2 biến (n giá và những biến phân phối) và ta có thể, dưới những điều kiện thông dụng, rút ra một quan hệ nối kết hai biến phân phối cho kĩ thuật được xem xét:

w = W(r)

Quan hệ này là giảm đơn điệu và phi tuyến, trừ trường hợp đặc biệt.

Do đó xét những đường biểu diễn tương ứng với hai kĩ thuật ab. Hai đường này có thể cắt nhau nhiều hơn một lần. Như vậy kĩ thuật a có lợi hơn kĩ thuật b ở những mức lương thấp cũng tỏ ra là có lợi hơn ở những mức lương cao hơn: có hiện tượng tái chuyển đổi kĩ thuật vì cùng một kĩ thuật sản xuất được ưa chuộng ở những mức lương rất khác nhau. Đây là một kết quả đối lập với hai mệnh đề tân cổ điển ở trên: thể theo phiên bản kinh tế vĩ mô của lí thuyết tân cổ điển, một tổ hợp tối ưu những nhân tố tương ứng với một tỉ số những giá các nhân tố nhất định và gia tăng của lương đơn vị làm tăng tỉ số tư bản, nghĩa là trên một đơn vị lao động. Do đó không thể nào cùng một tỉ số tư bản, được hiểu như cùng một kĩ thuật, có thể tương ứng với hai mức lương khác nhau. Như thế bằng cách nói ngược lại lập luận này, Sraffa đánh đổ toàn bộ lí thuyết phân phối tân cổ điển và chỉ ra tất cả những nguy cơ của việc sử dụng một hàm sản xuất gộp có tư bản là một agumen.

Do đó cuộc tranh luận nổ ra sau đó là gay gắt và rất được quan tâm. Những nhà tân cổ điển mà hiện thân là Samuelson, một tác giả giảng dạy ở MIT tại Cambridge, ngoại ô của Boston (Mĩ) tìm cách chứng minh là có thể xác định một hàm sản xuất gộp giả (Samuelson, 1962) mà vẫn duy trì được tính không đồng nhất của những đầu vào hữu hình. Nhưng thiết kế này dựa trên giả thiết những tỉ lệ đầu vào bằng nhau cho việc sản xuất mỗi sản phẩm, với một kĩ thuật nhất định; điều này thật ra qui lại là giả định rằng có một sản phẩm tư bản hỗn hợp duy nhất và do đó thiết kế này không có được tính khái quát của thiết kế của Sraffa. Tiếp đó, Levhari (1966) tìm cách chỉ ra rằng không thể có sự tái chuyển đổi kĩ thuật, nhưng khẳng định của ông bị chứng minh là sai lầm. Kết luận của cuộc tranh luận là không thể tìm thấy sai sót trong lập luận của Sraffa và không thể loại trừ khả năng việc tái chuyển đổi kĩ thuật nhưng đưa thêm vào một số giả thiết làm cho không thể có được sự tái chuyển đổi kĩ thuật (Bruno, Burmeister và Sheshinski, 1966). Như thế các nhà tân cổ điển nghi ngờ giá trị thực nghiệm của việc tái chuyển đổi này.


John Hicks (1904-1989)

Điều cuộc tranh luận này cho thấy là không thể có được một cách đọc kinh tế vĩ mô tức thì bằng những khái niệm tư bảnlao động của lí thuyết kinh tế vi mô tân cổ điển về việc lựa chọn những kĩ thuật sản xuất, như cách làm dễ dãi của các nhà kinh tế tân cổ điển tiếp sau Böhm-Bawek và Clark. Không thể vận dụng lập luận loại suy đơn giản và việc phân tích một hệ thống sản xuất trong tổng thể của nó đặt ra những vấn đề đặc thù, độc lập với những vấn đề của phân tích những quyết định của một doanh nhân. Nỗ lực đáng kể nhất để mở một hướng mới cho phân tích về tư bản tiếp sau đóng góp của Sraffa là công trình của Hicks, tác giả đề xuất, trong Value and Capital [Giá trị Tư bản] (1973) một mô hình hoá những lí thuyết tân Áo về tư bản như một đường vòng sản xuất.

Đánh giá cuộc tranh luận. - Làm thế nào đánh giá cuộc tranh luận này giữa những nhà tân cổ điển và những nhà tân ricaridan? Ngày nay có một điều chắc chắn là phê phán của Cambridge là có cơ sở và vấn đề đặt ra là tìm hiểu tầm quan trọng của phê phán này.

Vấn đề đặt ra là phải chăng nên từ bỏ lí thuyết tân cổ điển, một lí thuyết hoàn toàn dựa trên khái niệm năng suất cận biên, để trở về với lí thuyết cổ điển. Một tuyến phòng thủ thứ nhất của các nhà tân cổ điển là nhận xét rằng phân tích của Sraffa dựa trên việc nghiên cứu những hệ thống ở trạng thái dừng và khái niệm tái chuyển đổi kĩ thuật không tương ứng với những gì các nhà tân cổ điển nghĩ đến, nghĩa là một biến thiên của lựa chọn sản xuất tiếp sau một biến thiên của giá của những nhân tố sản xuất.

Frank Hahn (1925-2013)

Gérard Debreu (1921-2004)

Nhưng có lẽ cách phòng vệ tân cổ điển tốt nhất là cho rằng việc khái quát hoá thật sự những công cụ kinh tế vi mô của phép tính cận biên áp dụng vào sản xuất trong việc phân tích một hệ thống sản xuất đầy đủ không nằm ở việc mở rộng phân tích bằng những khái niệm đại lượng tổng gộp nhưng lại nằm trong phân tích của cân bằng chung liên thời gian có sản xuất (Arrow-Debreu, 1954). Lí thuyết cân bằng chung đặt ra nhiu vấn đề đặc biệt (tính ổn định, tính đầy đủ của những thị trường, v.v.) nhưng trong một khuôn khổ đơn giản thì tính không đồng nhất của những nhân tố sản xuất là không thành vấn đề vì không đòi hỏi có bất kì phương thức gộp nào cả: không có bất kì tính toán nào, bất kì quyết định nào của bất kì tác nhân nào dựa trên một đại lượng gộp cả. Điều quan trọng là những chu cấp hữu hình của những tác nhân cá thể. Nhưng hiển nhiên là do mỗi nhân tố sản xuất hữu hình, ở thế cân bằng, được đặc trưng bằng năng suất cận biên của riêng nó, nên mỗi nhân tố rút ra thù lao từ năng suất này. Từ đó không thể suy ra bất kì tỉ suất lợi nhuận nào với việc cố định danh nghĩa một đơn vị nguồn lực sản xuất trong một thời kì. Khái niệm lợi nhuận mất đi ích lợi của nó, và ngay cả ý nghĩa. Hahn (1982) đã dựa trên lập luận này để phê phán lại phân tích của Sraffa. Đối với Hahn, phân tích của Sraffa tượng trưng cho một trường hợp đặc biệt của cân bằng chung, trong đó có thể xác định một tỉ suất lợi nhuậnđồng đều.

Luigi Pasinetti (1930-)

Chắc chắn là vì tính nhất quán triệt để của lí thuyết tân cổ điển nằm ở chỗ khác hơn là nơi các nhà tân ricardian nhìn thấy tính này nên những phê phán của họ cuối cùng ít được lấy lại và những cuộc tranh luận xung quanh khái niệm tư bản dần dần tàn lụi. Hiện nay, những khuyến nghị của Samuelson được tuân thủ: cho dù công cụ hàm sản xuất tổng gộp là khiếm khuyết về mặt logic song nó tượng trưng cho một đơn giản hoá chấp nhận được để nghiên cứu những hiện tượng kinh tế vĩ mô quan trọng như tăng trưởng, hay những vấn đề ứng dụng, và điều này giải thích vì sao hàm này vẫn còn được sử dụng rộng rãi.

Phải chăng như thế nỗ lực của những nhà tân ricardian là hoài công? Tất nhiên là không! Phân tích của Sraffa, Pasinetti và của những môn đồ của họ tượng trưng cho một phương pháp có yêu cầu cao và đã mở đường cho một nỗ lực làm rõ cần thiết những khái niệm gắn với khái niệm tư bản mà tất cả những nhà kinh tế đều hưởng lợi bằng cách nâng cao mức yêu cầu logic của mọi lí thuyết kinh tế.

Những thị trường của tư bản

Nếu, trong sản xuất, tư bản có dạng những hàng hoá hay những nhân tố sản xuất đặc thù thì, trong trao đổi, tư bản nhất thiết là tư bản tài chính: chính thông qua những chuyển động vốn giữa các tác nhân mà những tư liệu sản xuất được huy động và có khả năng sản xuất. Do đó vai trò của những thị trường tài chính là thiết yếu cho một nền kinh tế trao đổi dựa trên sở hữu tư nhân. Và như mọi thị trường, những thị trường tài chính có ba vai trò: chúng cho phép đánh giá những sản phẩm được trao đổi, đảm bảo việc chuyển nhượng quyền sở hữu, và làm nổi lên những tín hiệu động viên để từ đấy các tác nhân ra những quyết định đầu tư hay cắt giảm đầu tư, qua đấy ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất chung của một nền kinh tế. Đương nhiên là có nhiều loại thị trường vốn, tuỳ theo loại tài sản được xem xét. Nhưng điểm quan trọng là những thị trường tài chính này phụ thuộc lẫn nhau: việc đánh đổi của một tác nhân khiến tác nhân này can thiệp vào những thị trường tài chính khác nhau do tác nhân thay đổi cơ cấu của di sản của mình.

Một tài sản tài chính được định nghĩa một cách tổng quát như việc chuyển nhượng bằng hợp đồng một số tiền do một tác nhân nắm giữ cho một tác nhân khác để tác nhân này sử dụng, trong một thời kì được nêu rõ trong hợp đồng, mà đối phần là việc trả một thù lao và nếu có dịp là những nghĩa vụ của hai tác nhân đối với nhau theo những điều kiện cũng được xác định bằng hợp đồng. Tài sản tài chính quan trọng nhất là cổ phiếu nối kết vốn được coi như di sản của một tác nhân với vốn mà nhờ đấy một doanh nghiệp hoạt động. Một cổ phiếu là một chứng từ sở hữu trên vốn của một công ti cổ phần, tương ứng với số tiền được giao cho những nhà quản lí công ti để họ quản lí đồng tiền này để sinh lời. Gắn với chứng từ sở hữu này là khả năng can thiệp trong việc xác định chiến lược của doanh nghiệp và việc tuyển chọn những nhà quản lí doanh nghiệp, thông qua quyền bầu cử tại đại hội cổ đông. Thù lao theo hợp đồng của một cổ đông được đảm bảo bằng một phần của tiền lời được doanh nghiệp phân phối tuỳ theo tỉ phần của tổng số vốn của doanh nghiệp mà cổ đông nắm giữ. Điều quan trọng là cổ phần có thể được người nắm giữ nó chuyển nhượng cho một nhà đầu tư khác, thế vào chỗ nhà đầu tư đầu tiên trong mọi nghĩa vụ pháp định gắn với cổ phần. Thị trường cổ phiếu đảm bảo việc phát hành cổ phiếu của một doanh nghiệp, và cả việc bán lại cổ phiếu này. Việc bán lại cổ phần là dịp có những lãi hay lỗ chuyển nhượng về vốn, những lãi (lỗ) này như thế là một nguồn thu nhập (âm trong trường hợp lỗ) thứ hai của cổ đông. Đối với một doanh nghiệp, khả năng đầu tư lại một phần tiền lời là một cách né tránh để khỏi cầu viện đến những thị trường tài chính, nhưng không thể né tránh việc bị những thị trường trường này kiểm soát hay đánh giá chiến lược, và qua đó đánh giá vốn của doanh nghiệp.

Họ tài sản lớn thứ hai được hợp thành bởi những trái phiếu. Một trái phiếu được đồng nhất với một khoản cho vay của một cá thể cho một doanh nghiệp, trong một thời kì nhất định, gắn với một lãi suất danh nghĩa cố định. Tài sản tài chính này cũng có thể chuyển nhượng được trên thị trường. Nhưng trong thực tế, có một số rất lớn những tài sản tài chính đa dạng làm chỗ tựa cho tiết kiệm. Thật vậy, ngày nay những thị trường tài chính được đặc trưng bằng một sáng tạo đáng nể của những điểm tựa mới, khác nhau tuỳ theo những điều kiện hợp đồng gắn với những điểm tựa này. Bản thân tính đa dạng này phản ảnh tính không đồng nhất ngày càng lớn của những người tiết kiệm mà những nhu cầu và thái độ đối với rủi ro gắn với tiết kiệm biến đổi rất lớn. Sự phức tạp của những tài sản là một cách đáp ứng tốt hơn tính không đồng nhất này, và do đó dẫn đến một phân bổ tốt hơn những nguồn lực, bằng cách cho phép một đáp trả cá thể tốt hơn đối với rủi ro. Một đổi mới đặc biệt quan trọng và giải thích được nhiều những phát triển gần đây của những thị trường tài chính là những quỹ đầu tư tài chính hỗ tương (mutual funds ở Mĩ, SICAV và FCP ở Pháp) qua đấy một tập thể những người tiết kiệm ủy quyền cho những trung gian tài chính chuyên nghiệp việc quản lí tiết kiệm của mình.

Irving Fisher (1867-1947)

Về mặt đầu tư tài chính, do đó về mặt cam kết trên những thị trường tài chính, những tác nhân phải lấy hai quyết định: quyết định đầu tiên là phải biết đầu tư bao nhiêu, quyết định thứ hai là phải biết đầu tư vào tài sản nào. Câu hỏi đầu qui về vấn đề trung tâm đối với kinh tế vĩ mô, đặc biệt là vấn đề những nhân tố quyết định tiết kiệm, câu hỏi thứ hai qui về vấn đề lựa chọn cơ cấu của một danh mục tài sản tài chính, một vấn đề nằm ở trung tâm của kinh tế học tài chính.

Vấn đề đầu đã được I. Fisher (1930) khai phá, người đã khai thác ý cho rằng việc lựa chọn giữa tiêu dùng và tiết kiệm, tại một thời điểm nhất định, thật ra qui lại là một lựa chọn giữa tiêu dùng hôm nay và tiêu dùng ngày mai do tiết kiệm tượng trưng cho tạm thời hoãn tiêu dùng và cho phép có được một tiêu dùng cao hơn ngày mai, nhờ thù lao tiết kiệm mang về được. Như thế ông đã có thể ứng dụng lí thuyết cận biên về những lựa chọn giữa những sản phẩm khác nhau vào vấn đề lựa chọn liên thời gian, lãi suất giữ vai trò của những giá tương đối giữa các tiêu dùng.

Harry M. Markowitz (1927-)
James Tobin (1918-2002)

Vấn đề thứ hai mới được nghiên cứu gần đây, trong mối quan hệ với một nhân tố chúng tôi vừa nói đến một cách bóng gió: rủi ro gắn với tính không chắc chắn của những lợi tức tài chính. Thật vậy, đổi mới chủ yếu gần đây của lí thuyết tư bản là đã hợp nhất tính chất rủi ro của đầu tư tài chính vào trong phân tích hành vi của tác nhân kinh tế. Nếu từ rất sớm rủi ro của người tiết kiệm, và tổng quát hơn người nắm giữ tư bản, phải gánh chịu đã được các nhà kinh tế bàn đến thì chỉ với những công cụ hiện đại của lí thuyết xác suất các nhà kinh tế mới đề xuất được những lí thuyết hoá chính xác về khái niệm chấp nhận rủi ro và gắn liền khái niệm chấp nhận rủi ro này với việc lựa chọn danh mục đầu tư. Do lợi tức của một tài sản tất yếu là không chắc chắn (do chỉ xảy ra trong tương lai) nên một tài sản phô bày người nắm giữ nó trước một rủi ro, được nhận diện bằng tính biến thiên của lợi tức của tài sản. Do đó các tác nhân phải cơ cấu danh mục đầu tư chứng khoán của mình, nghĩa là quyết định họ muốn nắm giữ tài sản dưới một hình thức nhất định theo một tỉ trọng nào trong di sản của mình. Để đề cập đến vấn đề ra quyết định cá thể này, Markowitz (1952) rồi Tobin (1958) đặt giả thiết là lợi tức của một tài sản có rủi ro được phân bố theo một phân phối xác suất sao cho lợi tức trung bình được cho bởi kì vọng toán của lợi tức và phương sai của lợi tức đo độ biến thiên của lợi tức. Với một số giả thiết bổ sung về tính chuẩn của phân phối và nỗi ngại tương đối đối với rủi ro bất biến (Prattt, 1963; Arrow, 1964), và với giả định rằng lựa chọn là giữa một tài sản không rủi ro và một tài sản có rủi ro, thì ta có thể chứng minh là tỉ phần của tài sản có rủi ro trong danh mục đầu tư là một hàm tăng của lợi tức kì vọng và là một hàm giảm của phương sai của lợi tức kì vọng này (Sharpe, 1964). Những phát triển sau này của cách tiếp cận này cho phép khái quát hoá kết quả này và tiếp đấy dẫn đến những mô hình đánh giá những tài sản có rủi ro (Black, Scholes, 1973; Merton, 1973).

Như vậy những thị trường tài chính, do chúng cho phép những tác nhân cá thể quản lí tốt hơn rủi ro của mình, và đảm bảo một cách tập thể sự gặp gỡ của những tác nhân có những nhu cầu đi vay và đầu tư cực kì đa dạng, có một vai trò thiết yếu trong sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, nghĩa là của một nền kinh tế trao đổi dựa trên một sở hữu phần lớn là tư nhân những tư liệu sản xuất.

Nhưng đồng thời chúng cũng đặt ra vấn đề tính cơ động của tư bản. Tư bản có một quan hệ phức tạp với khái niệm tính cơ động. Một mặt những tư liệu sản xuất là bất động, ít ra là trong một thời kì nhất định, khác với những nhân tố sản xuất khác như những dịch vụ lao động: không chỉ vì việc sử dụng những tư liệu sản xuất diễn ra trên nhiều thời kì mà còn vì sản phẩm của đầu tư phải có thời gian mới hoàn thành. Do đó một tập những tư liệu sản xuất triển khai tại thời điểm t không thể thích nghi với những điều kiện sau này và trên quan điểm này hiện ra như là bất động. Thế mà, tư bản có vẻ là nhân tố sản xuất cơ động nhất, có khả năng dịch chuyển từ ngành này sang ngành khác, thậm chí từ nước này sang nước khác, tuỳ theo những thay đổi trong khả năng sinh lời tương đối quan sát được.

Giải pháp cho nghịch lí biểu kiến này nằm trong những thị trường tài chính. Chính xác hơn, tư bản bị những thị trường tài chính biến thành cơ động vì những người nắm giữ tư bản có thể dễ dàng huy động, nghĩa là với chi phí thấp, tài sản của mình và như thế đầu tư những tài sản này vào một hoạt động khác hay vào những thị trường khác. Do đó những chuyển động này về tư bản dựa trên sự phụ thuộc lẫn nhau của những thị trường tài chính và chất lượng của việc đánh đổi giữa những hình thức tài sản. Cấu trúc các thị trường càng phức tạp và càng hữu hiệu, thì lại càng dễ tiến hành việc phân bổ lại những danh mục đầu tư, và do đó làm cho tư bản thêm cơ động.

Thông qua việc tái phân bổ tài chính này, chính là việc có thể tiến hành phân bổ lại bản thân những tư liệu sản xuất, và do đó là những điều kiện của trao đổi trở nên khả thi. Từ đó ta hiểu được là tính cơ động quốc tế của tư bản có một vai trò thiết yếu trong những lí thuyết về thương mại quốc tế.

Vốn con người

Khái niệm tân cổ điển về tư bản xem đây là một nhân tố sản xuất như một nhân tố sản xuất khác với hệ quả là định nghĩa theo đó tư bản là một tài sản thực tế hay không mà giá trị của nó là một nguồn sản phẩm và dịch vụ hiện tại hay tương lai, và do đó là một nguồn thu nhập là đáng chú ý trong chừng mực mà khái niệm này có thể được khái quát hoá theo nhiều cách và cho phép áp dụng những nguyên lí hình thành và quản lí tư bản vào những đối tượng khác hơn là những trang thiết bị và máy móc đơn giản được sử dụng trong sản xuất.

Đặc biệt định nghĩa này có thể dễ dàng được thích nghi với những năng lực sản xuất gắn với lao động của những cá thể. Một cá thể có khả năng lao động vì có những năng lực sản xuất gắn với bản thân cá thể đó, về mặt khéo léo và tri thức. Những năng lực sản xuất này là một kho (biến điểm) có khả năng sinh ra những sản phẩm và dịch vụ trong hiện tại và tương lai, một khi được đưa vào trong một quá trình sản xuất và do đó có thể được phân tích như một tư bản. Việc những năng lực sản xuất này gắn liền với một con người cho phép nói đến vốn con người một cách tự nhiên.

Hệ quả của điều này là một cách xử lí song song chặt chẽ hơn nữa về lao động và vốn trang thiết bị. Vốn con nguời là có thể tích luỹ được vì đây là một khái niệm kho: do đó một cá thể có thể đầu tư vào vốn con người. Vốn con người có thể trở thành lỗi thời và mất giá trị với thời gian. Cuối cùng, thù lao của lao động có thể được đồng hoá với thù lao của một tư bản: do đó những cá thể tính những tỉ suất lợi tức của những đầu tư đối chọn của họ từ những lương họ có thể nhận được và do đó tính được chính sách đầu tư tối ưu.

Tuy nhiên có một điểm thiết yếu phân biệt vốn con người với những hình thức khác của tư bản. Vốn con người về thực chất gắn với một cá thể và không thể chuyển nhượng cho một cá thể khác. Do đó không có thị trường vốn con người, cho dù có thể có những thị trường đào tạo vốn con người. Điều này có những hệ quả quan trọng. Vì vốn con người là không thể khách quan hoá được nên nó không thể được dùng để thế chấp. Do không thể nắm bắt vốn con người trong lúc vốn này sinh ra những rủi ro quan trọng về việc không mang đến lợi tức nên vốn con người không có được cùng những khả năng vay mượn giống như những yếu tố của di sản hữu hình. Do đó những cá thể không có vốn hữu hình phải đối mặt với những ràng buộc thanh khoản ngặt hơn những cá thể khác, và điều này khiến họ ít đầu tư vào hình thức tư bản mà họ hiện có.

Về mặt lịch sử, hiển nhiên là ý tưởng cho rằng trình độ nghiệp vụ có một vai trò trong quá trình sản xuất là một ý tưởng rất xưa. Adam Smith (1776) trong Của cải các dân tộc đã nêu rằng việc cải thiện hiểu biết là một nhân tố của tiến bộ kinh tế. Nhiều nhà kinh tế khác (ví dụ Marshall) đã lấy lại ý này. Nhưng cho đến nửa sau thế kỉ XX chưa có một cách xử lí có hệ thống nào về trực giác này cả.

Theodore Schultz (1902-1998)

Edward F. Denison (1915-1992)

Trên bình diện kinh tế vĩ mô, luận điểm theo đó những đặc điểm của lao động cũng quan trọng không kém chất lượng lao động đã được phát triển sau thế chiến thứ hai với việc nghiên cứu định lượng sự tăng trưởng và những nguồn gốc của tăng trưởng. Thật vậy việc gia tăng con số những nhân tố sản xuất tổng gộp tỏ ra bất lực trong việc giải thích những tỉ suất tăng trưởng của sản phẩm tổng gộp. Một giải pháp, do Denison (1962) và Schultz (1961) đề xuất, là nêu lên những cải thiện về mặt chất lượng của những nhân tố sản xuất, và đặc biệt là chất lượng của lao động: gia tăng của mặt bằng tri thức chung và cả việc bảo dưỡng tốt hơn lao động (sức khoẻ, điều kiện sống, v.v.) khiến cho lao động có hiệu quả hơn, sinh lợi nhiều hơn.

Gary Becker (1930-2014)


Nhưng chính trên bình diện kinh tế vĩ mô khái niệm vốn con người mới chứng tỏ được tất cả tính xác đáng và phong phú của khái niệm này. Công trình tạo lập là của Becker (1964). Becker là tác giả đầu tiên vận dụng một cách triệt để những công cụ của hạch toán kinh tế vào vấn đề hình thành và tiếp thu tri thức của một cá thể. Trình độ chuyên môn của một người lao động là vốn con người của cá thể này và được hình thành hoặc là ở bên ngoài công việc làm hoặc là ngay tại chỗ làm thông qua thực tiễn nghề nghiệp (learning by doing). Bỏ sang một bên khả năng thứ hai và hãy gọi bằng hệ thống học đường nơi đào tạo lao động đặc thù: thời gian và nỗ lực một cá thể bỏ vào hệ thống học đường hợp thành đầu tư vào vốn con người của người này. Đầu tư này là kết quả của một lựa chọn liên thời gian, mà nội dung là việc hụt thu nhập hôm nay và những triển vọng thu nhập ngày mai gắn với việc tích luỹ vốn con người, và do đó có thể được phân tích bằng những công cụ của hạch toán kinh tế vi mô liên thời gian. Cũng bằng lập luận này, ta có thể tính tỉ suất lợi tức của đầu tư vào vốn con người. Logic của lựa chọn giữa nhiều hình thức vốn khác nhau buộc là tỉ suất lợi tức của vốn con người cũng vào khoảng của tỉ suất lợi tức vốn hữu hình. Một hệ quả đáng ngạc nhiên khác của lí thuyết đơn giản về vốn con người là những cá thể phải bàng quan trước thời gian bỏ ra trong hệ thống học đường, vì thu nhập có thêm được gắn với việc cải thiện trình độ chuyên môn vừa bù đắp đủ việc thiếu thu hoạch do thời gian học tập. Việc điều này không được xác thực trong thực nghiệm cho thấy lợi ích và tầm quan trọng của những nghiên cứu về vốn con người.

Michael Spence (1943-)

Lí thuyết của Becker và những công trình lấy cảm hứng từ lí thuyết này dưạ trên ý cho rằng quả thật là trình độ chuyên môn có tính sản xuất. Một luận điểm đối nghịch đã được Spence (1973) phát triển, và cho ra đời một trào lưu nghiên cứu quan trọng thứ hai về vốn con người. Đối với Spence (1973), một cá thể đầu tư vào vốn con người tìm cách giải quyết một vấn đề thông tin không hoàn hảo: người lao động có năng khiếu (nghĩa là có năng suất cao) bằng việc đầu tư vào vốn con người tìm cách thông báo cho những nhà tuyển dụng tiềm tàng năng lực sản xuất của bản thân mà những người này không thể quan sát trực tiếp được.

Tóm lại, những viễn cảnh được những lí thuyết vốn con người mở ra là quan trọng và liên quan đến những lĩnh vực đa dạng. Có ba điểm đáng để ghi nhận: 1) Vốn con người chiếu những tia rọi mới vào quá trình sản xuất và vào việc tìm kiếm những tổ hợp nhân tố tối ưu. Đầu tư vào vốn con người và sự đa dạng của những nguyên nhân của đầu tư này cho thấy tính phức hợp của những chiến lược được những người cung lao động lẫn những doanh nhân triển khai. Lí thuyết tín hiệu, dù cho có vẻ cực đoan, là một minh chứng. Cũng trong chiều hướng này, khả năng nghiên cứu những đặc tính của những hệ thống đào tạo đối chọn đã được mở ra. 2) Như đã thấy, trên bình diện tổng gộp, trong một tầm nhìn dài hạn, nghiên cứu đồng thời tăng trưởng và những trình độ chuyên môn có thể cho thấy những tương tác phức tạp: vốn con người có thể mang tính sản xuất ít hay nhiều tuỳ theo những thời kì, sinh ra những giai đoạn tăng trưởng khác nhau, có những nguồn gốc khác nhau, v.v.. Đặc biệt vốn con người tỏ ra là một vectơ ưu tiên của tăng trưởng nội sinh. 3) Cuối cùng sự phát triển của những nền kinh tế thị trường cho thấy rõ ràng là sự phân đoạn xã hội ngày càng phụ thuộc vào trình độ chuyên môn của nghiệp vụ. Do đó một trong những thách thức của những lí thuyết vốn con người lấy những trình độ này làm đối tượng nghiên cứu là phải biết được rằng những trình độ này có giúp ta hiểu tốt hơn những bất bình đẳng xã hội hay không. Do những lí thuyết vốn con người dựa trên những lợi tức tương đối của những đầu tư vào trình độ chuyên môn nên chúng được nối khớp với cấu trúc những thù lao và do đó với việc phân phối thu nhập và di sản.

ARROW K. J., Aspects of the Theory of Risk Bearing, Helsinki, Yrjor Jahnsson Foundation, 1964. - ARROW K. J. & DEBREU G., Existence of equilibrium for a competitive economy, Econometrica, 1954, vol. 22, p. 265-290. - BECKER G., Human Capital, New York, Columbia University Press, 1964. - BLACK F. & SCHOLES M., The pricing of options and corporate liabilities, Journal of Political Economy, 1973, vol. 81, p. 637-654. - BöHM-BAWERK, Positive Theorie des Kapitales, Iena, Gustav Fischer, 1889. - BORTKIEWITZ L. VON, Zur Berichtung der grundlegenden theoretische Konstruction von Marx im dritten Bande des Kapital, Jahrbücher für Nationalökonomie und Statistik, 1907. - BRUNO M., BURMEISTER E. & SHESHINSKI E., The nature and implications of the reswitching of techniques, Quarterly Journal of Economics, 1966, vol. 80, p. 526-553. - CANTILLON, Essais sur la nature du commerce en général, 1755. - CHAMPERNOWNE D. G., The production function and the theory of capital: a comment, Review of Economic Studies, 1953-1954, vol. 31, p. 112-135. - DENISON E., The Sources of the Economic Growth in the United States and the Alternatives before Us, New York, Committee for Economic Development, 1962. - FISHER I., The Theory of Interest, New York, Macmillan, 1930. - HAHN F. H., The neoricardians, Cambridge Journal of Economics, 1982, vol. 6, p. 353-374. - HICKS J. R., Value and Capital, Oxford, Clarendon Press, 1939; Capital and Time: A Neo-Austrian Theory, Oxford, Oxford University Press, 1973. - JEVONS W. S., The Theory of Political Economy, London, Macmillan, 1871. - KEYNES J. M., The General Theory of Employment, Money and Interest, London, Macmillan, 1936. - KNIGHT F, H., Capitalistic production, time and the rate of return, Economic Essays in Honor of Gustav Cassel, London, George Allen & Unwin, 1933. - LEVHARI D., A nonsubstitution theorem and switching of techniques, Quarterly Journal of Economics, 1966, vol. 80, p. 98-105. - MARKOWITZ H., Portfolio selection, Journal of Finance, 1952, vol. 7, p. 77-91. - MARX K., Das Kapital, Hambourg, Meisner, 3 vol., 1867-1894. - MERTON R. C., An intertemporal asset pricing model, Econometrica, 1973, vol. 41, p. 861-887. - PRATT J. W., Risk aversion in the small and in the large, Econometrica, 1964, vol. 32, p. 122-136. - QUESNAY F., Observations sur lintérêt de largent, Journal dagriculture, du commerce et des finances, Juin 1776, p. 151-171. - RICARDO D., On the Principles of Political Economy and Taxation, London, Murray, 1817. - ROBINSON J., The production function and the theory of capital, Review of Economic Studies, 1953-1954, vol. 21, p. 81-106. - SAMUELSON P. Foundations of Economic Analysis, Cambridge, Harvard University Press, 1948; Parable and realism in capital theory:: the surrogate production function, Review of Economic Studies, 1962, vol. 29, p. 193-206. - SCHULTZ T., Investment in human capital, American Economic Review, 1961, vol. 51, p. 1-17. - SHARPE F. W., Capital asset prices: a theory of market equilibrium under conditions of risk, Journal of Finance, 1964, vol. 19, p. 425-442. - SMITH A., An Inquiry into the Nature and Causes of the Weath of Nations, London, Strattan & Caddell, 1776. - SOLOW R. M., A contribution tho the theory of economic growth, Quarterly Journal of Economics, 1956, vol. 70, p. 65-94. - SPENCE, Job market signaling, Quarterly Journal of Economics, 1973, vol. 87, p. 355-374. - SRAFFA P., Production of Commodities by Means of Commodities, Cambridge, University Press, 1960. - TOBIN J., Liquidity preferences as behavior toward risk, Review of Economic Studies, 1958, vol. 25, p. 65-86. - TURGOT A. R., J. DE, Réflexions sur la formation et la distribution des richesses, Éphémérides du citoyen, 1770. - WICKSELL K. Teorisk Nationalekonomi, Lund, Berlingska, Boktryckeriet, 1901. - WICKSTEED P. H., An Essay on the Coordination of the Laws ofr Distribution, London, Macmillan, 1984.

Hubert KEMP

Giáo sư đại học Panthéon-Sorbonne (Paris 1)

Nguyễn Đôn Phước dịch

Marx; Sản xuất (Lịch sử của khái niệm); Tân cổ điển; Thị trường tài chính; Thời gian; Tiết kiệm; Vốn con người; Nhân tố sản xuất.

Nguồn: Dictionnaire des sciences économiques, Claude Jessua, Christian Labrousse và Daniel Vitry (đồng chủ biên), PUF, Paris, 2001.

 

Print Friendly and PDF