26.2.21

Châu Á và việc tiêm chủng vắc-xin Covid-19: tăng tốc hay không tăng tốc?

CHÂU Á VÀ VIỆC TIÊM CHỦNG VẮC-XIN COVID-19: TĂNG TỐC HAY KHÔNG TĂNG TỐC?

Hubert Testard

Tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 tại một trung tâm y tế ở thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc, ngày 29 tháng 12 năm 2020 (Nguồn: PBS)

Châu Á còn lâu mới tiến triển trong việc tiêm chủng vắc-xin ngừa coronavirus. Nước năng động nhất, Singapore, chỉ mới làm tốt hơn một chút so với Pháp, mặc cho quy mô dân số nhỏ của thành quốc này. Điều này xảy ra không phải vì thiếu vắc-xin, bởi vì một số nước châu Á đã sản xuất được vắc-xin của chính họ và hầu hết đã đặt nhiều đơn hàng lớn từ các nhà cung cấp vắc-xin lớn trên thế giới. Nhưng nhìn chung có hai phe ở châu Á: phe của những nước vội vã như Ấn Độ và Indonesia, bị ảnh hưởng rất nặng bởi đại dịch và hậu quả kinh tế của họ, cũng như Trung Quốc mong muốn là một nước mẫu mực, và phe của những nước đã giống như ngăn chặn được đại dịch – Đông Á và một vài nước ở Đông Nam Á – những nước có vẻ như muốn dành thêm thời gian trước khi phát triển chương trình tiêm chủng vắc-xin với quy mô lớn. Sau cuộc chạy nước rút phòng chống đại dịch rất hiệu quả ở Châu Á, thì giờ đây là một cuộc chạy đua chậm chạp ở một số nước. Điều này không ngăn Ấn Độ và Trung Quốc cạnh tranh nhau trong một chính sách ngoại giao vắc-xin, được dự kiến sẽ phát triển rộng.

Mục “vaccine tracker [theo dõi việc phân bố vắc-xin]” của tờ Financial Times đưa ra những chỉ báo thú vị về vị thế của châu Á trong cuộc chạy đua vắc-xin. Trong khi ba nước tiên tiến nhất trên thế giới đã tiến hành đợt tiêm chủng vắc-xin đầu tiên cho 54% người dân ở Israel, 35% ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và 15% ở Vương quốc Anh, thì tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin ở châu Á lại rất nhỏ. Tính đến ngày 31 tháng 1, nước châu Á đầu tiên đã tiến hành tiêm chủng vắc-xin cho người dân là Singapore với 2,7%. Theo sau là Trung Quốc (1,7%), Ấn Độ (0,8%), Sri Lanka (0,6%) và Indonesia (0,3%). Đơn giản là hầu hết các nước châu Á chưa khởi động việc tiêm chủng vắc-xin, kể cả những nước đi đầu trong cuộc chiến chống đại dịch, như Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam. Ngay cả Nhật Bản, nước đối mặt với kỳ hạn của Thế vận hội Olympic vào tháng 8 tới, cũng dự kiến sẽ chỉ khởi động chương trình tiêm chủng vắc-xin vào cuối tháng 2.

CUỘC VẬN ĐỘNG TIÊM CHỦNG VẮC-XIN Ở CÁC NƯỚC ẤN ĐỘ, TRUNG QUỐC VÀ INDONESIA

Narendra Modi (1950-)

Ấn Độ, một mình nước này đã chiếm gần một nửa số ca lây nhiễm và 40% số ca tử vong được công bố chính thức ở châu Á, rõ ràng là nước có động lực lớn nhất. Chiến dịch tiêm chủng vắc-xin của Ấn Độ đã được khởi động từ giữa tháng 1, với tham vọng tiêm chủng cho 300 triệu người Ấn Độ (22% dân số) từ nay đến tháng 8. Chiến dịch tiêm chủng này dựa trên hai loại vắc-xin: vắc-xin của AstraZeneca, được Viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất trong nước với quy mô lớn, và vắc-xin Covaxin, được công ty Bharat Biotech của Ấn Độ sản xuất, theo giấy phép, vào đầu tháng 1, mặc dù còn thiếu kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba. Chiến dịch tiêm chủng vắc-xin đã có một khởi đầu mạnh mẽ, với một triệu người được tiêm chủng trong 6 ngày, một kỷ lục thế giới. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, đã 70 tuổi, muốn làm gương trong việc chấp hành kỷ luật tập thể: ông thông báo sẽ tiêm chủng trong đợt hai của chiến dịch vào tháng 3 hoặc tháng 4, khi các nhân viên y tế và người sức khỏe yếu đã được tiêm chủng vắc-xin.

Trung Quốc là nước tiên phong trong việc tiêm chủng vắc-xin cho các nhân viên y tế của họ ngay từ mùa hè năm ngoái, vào thời điểm mà vắc-xin do các công ty Sinopharm và Sinovac thiết kế vẫn chưa tiến hành các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba. Sau đó, hai công ty nói trên của Trung Quốc đã mất 5 tháng để hoàn tất các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba, được thực hiện ở nhiều nước khác nhau trên thế giới do sự lưu hành virus ở chính nước Trung Quốc đang ở mức thấp. Rồi việc tiêm chủng vắc-xin cho người dân đã bắt đầu trở lại từ giữa tháng 12, và đã tăng tốc trong những tuần gần đây. Giới chức trách đã đề cập đến một mục tiêu ngắn hạn là tiêm chủng vắc-xin cho 50 triệu người trước Tết Nguyên đán (bắt đầu vào tối ngày 11 tháng 2), chiếm 3,6% dân số. Nhưng họ đã không công bố các mục tiêu dài hạn hơn, tự hài lòng với khả năng miễn dịch cục bộ vào cuối năm 2021.

Joko Widodo (1961-)

Ở Đông Nam Á, Indonesia là nước chủ động nhất. Bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch, với số người chết chính thức trên một triệu người tương đương với Ấn Độ (113 người chết trên một triệu người), họ đã triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin, trên thực tế, cùng lúc [với các nước châu Á khác], vào giữa tháng 1. Tổng thống Joko Widodo không có tính khiêm tốn như [Thủ tướng Ấn Độ] Narendra Modi. Ông được tiêm chủng vắc-xin trước tiên trước ống kính truyền hình vào ngày 13 tháng 1, cùng với ca sĩ kiêm diễn viên nổi tiếng Raffih Ahmad và một số chính trị gia. Chiến dịch tiêm chủng vắc-xin của Indonesia sẽ dựa trên một hỗn hợp các vắc-xin của Trung Quốc (Sinovac), phương Tây (AstraZeneca, Novavax) và Indonesia (Merah Putih, cùng tiến hành sản xuất với sáu định chế công trong nước). Tham vọng của họ là tiêm chủng vắc-xin cho 2/3 dân số Indonesia từ nay đến tháng 3 năm 2022.

SỰ CẨN TRỌNG CỦA NHỮNG NƯỚC ÍT BỊ ẢNH HƯỞNG BỞI ĐẠI DỊCH

Chung Sye-kyun (1950-)

Hàn Quốc đã đảm bảo đủ liều vắc-xin cho toàn bộ người dân bằng cách đặt hàng từ các công ty AstraZeneca, Pfizer-BioNtech, Moderna và Janssen, cũng như từ Covax. Covax là một sáng kiến đa phương do Pháp, EU và WHO cùng đưa ra vào năm ngoái nhằm phân phối hai tỷ liều vắc-xin vào cuối năm 2021, chủ yếu ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên, cơ quan CDC (trung tâm kiểm soát dịch bệnh) của Hàn Quốc chỉ thông báo việc khởi động chiến dịch tiêm chủng vắc-xin ở nước này dự kiến sẽ tiến hành vào cuối tháng 2, làm dấy lên một cuộc tranh cãi giữa những người ủng hộ sự thận trọng, những người tin rằng Hàn Quốc có thể chờ đợi, do số ca lây nhiễm và tử vong trong nước ở mức thấp, với những người cho rằng việc đẩy nhanh chương trình tiêm chủng vắc-xin là điều cần thiết. Thủ tướng Chung Sye-kyun hy vọng chấm dứt cuộc tranh cãi này khi tuyên bố trước Quốc hội: “Hàn Quốc có chiến lược riêng, phù hợp với Hàn Quốc”.

Yoshihide Suga (1948-)

Nhật Bản có cách tiếp cận gần giống với Hàn Quốc, nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Các đơn đặt hàng vắc-xin từ các nhà cung cấp vắc-xin toàn cầu đã đủ để phục vụ toàn bộ người dân, trong khi chiến dịch tiêm chủng vắc-xin cũng dự kiến sẽ bắt đầu vào cuối tháng 2. Cách tiếp cận thận trọng của chính phủ lần này gắn liền với tâm lý chống đối vắc-xin của một bộ phận khá lớn người dân: Nhật Bản là một trong những nước trên thế giới, nơi mà việc chấp nhận tiêm chủng vắc-xin là yếu nhất vì những tiền lệ lịch sử bi thảm (vắc-xin yếu kém trong việc phòng bệnh bạch hầu vào năm 1948 và trường hợp một vắc-xin khác gây ra một loạt các trường hợp viêm màng não ở trẻ em vào năm 1989). Ngoài ra, quy trình tiêm chủng dự kiến mang tính quan liêu rất rõ rệt, với việc ít sử dụng các công cụ kỹ thuật số. Đến mức việc tiêm chủng vắc-xin có thể sẽ không đủ trước thềm Thế vận hội Olympic, điều đã khiến Thủ tướng Yoshihide Suga phải nhấn mạnh trước Quốc hội Nhật: “Chúng tôi sẽ chuẩn bị cho Thế vận hội Olympic một cách an toàn mà không cần điều kiện tiên quyết là tiêm chủng vắc-xin.”

Cơ quan CDC của Đài Loan không nói nhiều về chương trình tiêm chủng vắc-xin của họ. Ngày 30 tháng 12, họ tuyên bố đã mua 20 triệu liều vắc-xin từ AstraZeneca và sáng kiến Covax, tức gần tương đương với dân số nước này. Tham vọng được nêu là tiêm chủng vắc-xin cho 65% người Đài Loan, nhưng chiến dịch tiêm chủng vắc-xin dự kiến chỉ bắt đầu vào tháng 3. Với tám người bị chết [vì virus] kể từ khi bùng phát đại dịch, Đài Loan rõ ràng có thể đủ khả năng để chờ đợi thêm một chút.

Thái Lan, Malaysia, Việt Nam và Philippines dự kiến sẽ bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vắc-xin vào tháng 2, với một đợt tăng tốc mạnh vào quý II và III. Ở Thái Lan, Siam Bioscience, một công ty gắn liền với các tích sản của nhà vua, đã có được giấy phép sản xuất của AstraZénéca, một điều gây tranh cãi vào thời điểm mà tỷ lệ được lòng dân của Quốc vương Thái Lan đang ở mức thấp nhất. Việt Nam chỉ mới phê chuẩn vắc-xin đầu tiên ngừa Covid-19 – vắc-xin của AstraZénéca – vào cuối tháng 1. Ba nước còn lại đã đặt hàng kết hợp các vắc-xin của Trung Quốc và phương Tây, đồng thời vận động theo sáng kiến Covax. Malaysia cũng đã đặt hàng với Viện Gamaleya của Nga với 18 triệu liều vắc-xin Sputnik V.

Sự tăng tốc các chương trình tiêm chủng vắc-xin ở châu Á, nhưng mang tính từng bước, đi kèm với một cuộc tấn công ngoại giao đối lập Ấn Độ và Trung Quốc.

SỰ THĂNG HOA CỦA NGOẠI GIAO VẮC-XIN CHÂU Á

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tập trung hoạt động ngoại giao vắc-xin của họ vào Nam Á và Ấn Độ Dương. Theo đó, ông đã lên kế hoạch cung cấp miễn phí hai mươi triệu liều vắc-xin cho các nước láng giềng – Bangladesh, Nepal, Sri Lanka và Afghanistan – cũng như Seychelles, Maldives và Mauritius. Trong giai đoạn thứ hai, cuộc tấn công ngoại giao của Ấn Độ sẽ nhắm đến một số nước ở Châu Phi, Châu Mỹ Latinh và Trung Á (Nam Phi và Brazil đã nhận được lô hàng vắc-xin của Ấn Độ). Không nên quên rằng, trong tổng thể, Ấn Độ cung cấp 60% liều vắc-xin trên thế giới và có năng lực sản xuất vắc-xin rất lớn, điều đảm bảo cho nước này có khả năng phục vụ các tham vọng quốc tế của họ.

Về phần mình, Trung Quốc, với các công ty Sinovac và Sinopharm, đã tự khẳng định mình như là một trong những nhà cung cấp vắc-xin chính cho phần lớn các nước Đông Nam Á và các đồng minh truyền thống của họ ở Nam Á, như Pakistan, với sự kết hợp phức tạp giữa chương trình viện trợ và mức giá ưu đãi, cùng với tính minh bạch khá hạn chế. Trung Quốc đã cam kết tài trợ mười triệu liều vắc-xin cho chương trình Covax, ngay khi WHO chính thức phê chuẩn. Cuộc cạnh tranh Trung-Ấn đã làm cho một số nước hưởng lợi, như Nepal, Brazil và Maldives, những nước đã nhận được hàng viện trợ từ hai gã khổng lồ châu Á.

Nói một cách tổng thể, câu chuyện tiêm chủng vắc-xin ở châu Á mới chỉ bắt đầu. Chỉ vào thời điểm nửa cuối năm 2021, chương trình tiêm chủng vắc-xin mới đạt tốc độ lan tỏa ở mức cao nhất. Quy mô dân số to lớn của châu Á, với 4,6 tỷ dân, đã khiến những thách thức về công nghiệp, hậu cần và tài chính đối với hệ thống y tế của châu lục này trở nên đặc biệt phức tạp.

Giới thiệu tác giả

Hubert Testard

Hubert Testard


Hubert Testard là chuyên gia về châu Á và các vấn đề kinh tế quốc tế. Ông từng là cố vấn kinh tế và tài chính, trong 20 năm, ở các đại sứ quán Pháp tại Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore cho ASEAN. Ông cũng đã tham gia soạn thảo các chính sách của châu Âu và đặc biệt là chính sách thương mại, cho dù đó là WTO hay những cuộc đàm phán với các nước châu Á. Hubert Testard đang giảng dạy, từ 4 năm nay, tại trường Cao đẳng về các vấn đề quốc tế thuộc Học viện chính trị [Sciences Po] về phân tích tương lai của châu Á. Ông đã tham gia biên soạn một cuốn sách về cuộc khủng hoảng châu Á (“Asie, les nouvelles règles du jeu [Châu Á, những luật chơi mới]”, NXB Philippe Picquier) và đồng tác giả với Brigitte Dyan một cuốn sách có tựa đề “Quand la Chine investit en France [Khi Trung Quốc đầu tư vào nước Pháp]”, NXB Agence Française pour les Investissements Internationaux. Ông tốt nghiệp đại học Ena và Sciences Po.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: L’Asie et la vaccination contre le Covid-19 : accélérer ou pas?, Asialyst, ngày 06/02/2021.

Print Friendly and PDF