1.2.21

Nataliya Kosmyna, hành trình đi tìm trí tuệ nhân tạo đạo đức

 NATALIYA KOSMYNA, HÀNH TRÌNH ĐI TÌM TRÍ TUỆ NHÂN TẠO ĐẠO ĐỨC

Nhà nghiên cứu nữ trẻ tuổi, với tài năng phi thường, dành hết thời gian nghiên cứu cho giao diện não-máy. Nhận thức được các nguy cơ lạm dụng trong việc sử dụng các công trình của mình, cô đã tích hợp vào đó kỹ thuật bảo vệ các dữ liệu cá nhân và tác động đến cuộc sống thường nhật.

Laure Belot

Nataliya Kosmyna, ở Paris, vào năm 2018. Ảnh: Stéphane Grangier/Corbis

Hãy thử tưởng tượng một cặp kính, có vẻ ngoài cổ điển, nhưng một khi được đeo vào, có khả năng giải mã, trong thời gian thực, hoạt động não bộ của người lái xe và cảnh báo họ, bằng một rung động, nếu họ ngủ gật khi lái xe.

Nguyên mẫu này, chiếm mọi vị trí trong một kịch bản viễn tưởng, đang thực sự tồn tại. Nó được gọi là AttentivU và nhà nghiên cứu nữ 30 tuổi về trí tuệ nhân tạo (AI) Nataliya Kosmyna, đang được săn tìm. Kể từ khi công bố công trình khoa học đầu tiên của mình về chủ đề này vào tháng 10 năm 2018, nhà nghiên cứu hậu tiến sĩ tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã được khoảng 20 công ty, từ Google đến Facebook, từ Microsoft đến NTT Data, từ Ford đến Honda, chào mời để trình bày dự án và bàn bạc về những hợp tác có thể”. Các lời mời gọi này vẫn tiếp tục diễn ra “ngay cả trong thời kỳ phong tỏa vì dịch, thông qua các màn hình”, theo lời của cô.

Ở trung tâm sự hâm mộ đó là một chủ đề nghiên cứu nuôi dưỡng nhiều huyễn tưởng: giao diện não-máy. Bằng một tiếng Pháp hoàn hảo, người phụ nữ trẻ tuổi gốc Ukraina, vừa mới nhập tịch Pháp đúng một năm, mong muốn ngay từ đầu giải thiêng các huyền thoại về nghiên cứu của mình: Đây không phải là vấn đề siêu năng ngoại cảm [telekinesis, năng lực ngoại cảm trong việc thực hiện một hành động trực tiếp từ việc suy nghĩ đến vấn đề đó]. Khi một người nghĩ về điều gì đó hoặc cảm nhận một cảm xúc, thì các tế bào thần kinh của họ phát ra các tín hiệu điện. Công trình của tôi là thiết kế các thuật toán, tìm hiểu cách phân tích chúng và kết hợp với các tín hiệu này để đưa ra một lệnh sẽ được truyền qua mạng Wi-Fi hoặc Bluetooth.” Và liệt kê những ứng dụng được kỳ vọng từ nghiên cứu của mình, trong một xã hội ngày càng kết nối nhiều hơn: Chúng ta có thể tưởng tượng việc điều khiển, thông qua suy nghĩ, một con robot, một đồ vật trong nhà, một chiếc xe lăn...”

Con đường đỉnh cao

Franck Tarpin-Bernard

Đó là vào năm 2012, khi cộng đồng khoa học thế giới lần đầu nghe nói về Nataliya Kosmyna. Từ rất sớm - cô đã bắt đầu viết mã từ năm 7 tuổi -, người phụ nữ trẻ tuổi này vừa nhận được một học bổng của chính phủ Pháp và đã bay tới Grenoble để theo học Thạc sĩ Khoa học và Trí tuệ nhân tạo bằng tiếng Anh”, cô nhớ lại. Cũng chính tại đây, năm 22 tuổi, cô đã đăng một bài viết về việc điều khiển một chiếc máy bay không người lái bằng ý nghĩ. Franck Tarpin, đồng tác giả của bài viết và trở thành người hướng dẫn luận án của cô, nhớ đến một nhà nghiên cứu nữ có tài năng phi thường, vừa mới nói thuần thục tiếng Pháp chỉ trong vòng một năm, ông nói thêm, và là người “có phẩm chất hiếm có và rất hữu ích trong việc trình diễn các công trình của mình”. Ông nói tiếp, “Chính cô ấyngười muốn làm việc trên một chiếc máy bay không người lái, để điều đó trở nên dễ thấy hơn, và do đó dễ hiểu hơn.”

Nhiệm vụ đã hoàn thành. Những hình ảnh về cô sinh viên lái chiếc thiết bị bay, đầu đội mũ điều khiển - được báo chí tiếp chuyển - thật ngoạn mục. Các công trình đó đã giúp cô nhận được, vào năm 2016, giải thưởng Thế hệ các nhà nghiên cứu nữ trẻ tuổi” từ L'Oréal-Unesco, và, trên đà đó, được tạp chí MIT Technology Review vinh danh là một trong mười nhà sáng tạo đổi mới xuất sắc nhất dưới 35 tuổi ở Pháp.

Pattie Maes (1961-)

Từ trường MIT, Pattie Maes, người hướng dẫn nghiên cứu hậu tiến sĩ của Nataliya - và là giám đốc tạm thời của Media Lab -, tin rằng cô ấy “đã là một trong những nhà nghiên cứu nữ giỏi nhất thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu của cô ấy, giao diện não-máy”. Bà Pattie Maes nói tiếp, ”cô ấy có những ý tưởng và hướng đi nhiều hơn những gì chúng tôi có về các phương tiện để phát triển chúng. Và hơn nữa, cô ấy không hề sợ hãi”. Không hề sợ hãi? Người đứng đầu Media Lab, bị dằn vặt bởi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 và vụ án “Facebook - Cambridge Analytica” (dưới vỏ bọc một nghiên cứu khoa học, các dữ liệu cá nhân của 50 triệu người dùng Facebook đã bị công ty gây ảnh hưởng chính trị này thu thập và sử dụng cho chiến dịch tranh cử của ứng cử viên Trump), đã đo con đường đỉnh cao mà nhà nghiên cứu nữ trẻ tuổi này theo đuổi. Pattie Maes thừa nhận: “Có một số phát triển công nghệ hiện nay, trong đó có các công trình của Nataliya, có một lợi ích rất lớn và một tiềm năng rất lớn, nhưng đồng thời chúng cũng có thể bị lạm dụng trong việc sử dụng. Tập thể chúng tôi đều ý thức được điều này và đã thảo luận rộng rãi về vấn đề đạo đức. Đây không chỉ là vấn đề bảo mật các dữ liệu cá nhân mà còn là tác động tiêu cực rộng lớn hơn mà các công nghệ này có thể gây ra trong cuộc sống của chúng ta.”

Năm 10 tuổi, từ một thành phố công nghiệp nhỏ Polohy, ở Ukraine, cô bé Nataliya đã xem đi xem lại 18 lần bộ phim viễn tưởng Matrix, trong đó những cỗ máy được trang bị trí tuệ nô dịch loài người mà họ không hề hay biết. Hai thập kỷ sau, từ Đại học Boston, nhà khoa học nữ đã đương đầu với rủi ro tiềm tàng từ phát minh của mình, thứ có thể giúp theo dõi trạng thái tinh thần của một người,” theo lời thừa nhận của cô. Từ đó, ra đời một loạt rào chắn bảo vệ được tưởng tượng trên kính đeo: các tín hiệu điện não và thị lực được thu nhận bởi những điện cực mini vẫn được lưu trữ trên gọng kính, mà không đi qua một ứng dụng của điện thoại di động, để tránh mọi nỗ lực thu hút” lén lút các thông tin đó.

“Duy trì sự kiểm soát”

Thuật toán của trí tuệ nhân tạo được thiết kế sao cho bất kỳ ai tìm được vật dụng đó và mong muốn giải mã nội dung của nó sẽ khám phá các “chuỗi dữ liệu ngẫu nhiên không đầu không đuôi”, cô nói. Cuối cùng, môn đồ của mã nguồn mở này, bao gồm việc tự do truy cập vào mã nguồn của một phần mềm, lần này, đã quyết định không chia sẻ bất cứ điều gì về chương trình nghiên cứu của mình. Các công bố của tôi về chủ đề này mang tính kỹ thuật chuyên môn, không có chi tiết, và chỉ đưa ra nguyên lý hoạt động của thuật toán”, để ”duy trì tốt hơn sự kiểm soát”, theo lời giải thích của cô.

Đối với nhà khoa học nữ, các rào cản bảo vệ này là bấy nhiêu hướng đi để công dân giành lại quyền kiểm soát việc sử dụng các thông tin cá nhân của họ”. Tuy nhiên, không hề có sự ngây ngô ở đây. Các nghiên cứu trong lĩnh vực của cô đang tiến triển rất nhanh, mà không nhất thiết phải chỉ ra những ưu tiên cần bảo vệ. Vả lại, trước các thông tin của giới truyền thông từ tỷ phú người Mỹ Elon Musk, vào hôm 28 tháng 8, giới thiệu một thế hệ cấy ghép não mới được thử nghiệm trên lợn, người phụ nữ trẻ đã chọn cách tránh xa. Các vụ cấy ghép mới đó, có chứa 1.024 cảm biến, nhiều hơn gần 20 lần so với các vụ cấy ghép trước đây, cho thấy trình độ tiên tiến trong việc thu nhỏ và làm tăng sức mạnh của các công cụ giao diện não-máy đang tiến bộ. Nhưng các thử nghiệm đó cũng làm nảy sinh rõ vấn đề xâm nhập của các công nghệ này, cũng như khả năng kiểm soát và đảo ngược mà người sử dụng cuối cùng có thể có.”

Với quan điểm trái chiều về hướng đi xâm lấn này, nhà nghiên cứu nữ trẻ tuổi đã khởi động, bằng tiền túi của mình, dự án kiểu mũ có thể tháo ra lắp vào cho những trẻ mắc chứng bệnh Charcot. Chính nhờ nhận được yêu cầu qua email từ rất đông gia đình người Pháp, mà cô đã bắt tay vào hướng đi này. Triển vọng? Là những bệnh nhân này, những người không thể nói được cũng như không thể đi lại được, có thể kích hoạt, bằng suy nghĩ, một âm thanh cảnh báo vào ban đêm trong trường hợp có vấn đề. Các thử nghiệm đầu tiên sẽ bắt đầu vào cuối tháng 9 tại các hộ gia đình người Pháp và người Mỹ.

Người phụ nữ trẻ tuổi mong muốn cuộc tranh luận xung quanh lãnh vực nghiên cứu của cô được mở rộng. Sau Internet của vạn vật [IOT, Internet of Things], chúng ta đang bước vào giai đoạn Internet của vạn thể [Internet of Bodies], theo dự đoán của cô. Tất cả các tín hiệu mà các bộ phận cơ thể của chúng ta sản sinh ra, cho dù đó là các hoạt động của tim, não, điện da hay thị giác, dần dần sẽ được các thuật toán AI nắm bắt và phân tích.” Xu hướng này, đã mang tính thời sự trong nhiều chương trình nghiên cứu trên thế giới, từ Châu Mỹ đến Châu Á, nhưng “vẫn còn ít được nhận thức trong xã hội”, cô lấy làm tiếc cho điều này. Trong khi Sách trắng về trí tuệ nhân tạo của Ủy ban châu Âu, được công bố vào ngày 19 tháng 2, khuyến nghị những hệ thống AI với nguy cơ cao, trong tương lai, phải được chứng nhận, thử nghiệm và kiểm soát, như ô tô và đồ chơi, thì nhà nghiên cứu nữ lại vận động cho một “khung pháp lý toàn cầu hướng dẫn việc thu nhận các dữ liệu sinh trắc học” sao cho “minh bạch hơn và chỉ phục vụ duy nhất vì lợi ích của người sử dụng”.

Laure Belot

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Nataliya Kosmyna, à la recherche d’une intelligence artificielle éthique, Le Monde, ngày 29/09/2020.

Print Friendly and PDF