31.7.21

Thời đại thái cực 1914 - 1991 (0)

THỜI ĐẠI THÁI CỰC 1914 - 1991

THE AGE OF EXTREMES

Nguyễn Ngọc Giao dịch

PTKT: Kể từ tháng này, chúng tôi lần lượt đăng tiếp các chương còn lại của tác phẩm Thời đại thái cực 1914-1991. Để có một cái nhìn chung giới thiệu tác giả và tác phẩm, mời bạn đọc lại bài Nhà sử học của hai thế kỷ.

MỤC LỤC

Eric J. Hobsbawm (1917-2012)

Lời tựa và Cảm tạ

Lời tựa bản tiếng Pháp

Hình ảnh minh họa

Chú thích các hình ảnh

Thế kỉ nhìn từ đường chim bay

phần thứ nhất - THỜI ĐẠI TAI HỌA

chương 1 Thời đại chiến tranh toàn diện

chương 2 Cách mạng thế giới

chương 3 Dưới đáy vực thẳm kinh tế

chương 4 Sự suy sụp của chủ nghĩa liberal

chương 5 Chống kẻ thù chung

chương 6 Nghệ thuật, 1915-1945

chương 7 Sự cáo chung của các Đế chế

phần thứ hai - THỜI ĐẠI HOÀNG KIM

chương 8 Chiến tranh Lạnh

chương 9 Thời đại Hoàng kim

chương 10 Cách mạng xã hội, 1945-1990

chương 11 Cách mạng văn hóa

chương 12 Thế giới thứ Ba

chương 13 “Chủ nghĩa xã hội hiện tồn”

Phần thứ ba: SỤP ĐỔ

chương 14 Những thập niên Khủng hoảng

chương 15 Thế giới thứ Ba và cách mạng

chương 16 Sự cáo chung của chủ nghĩa xã hội

chương 17 Tiền phong hấp hối: nghệ thuật sau 1950

chương 18 Phù thủy và đồ đệ tập việc: các ngành khoa học tự nhiên

chương 19 Tiến tới thiên niên kỉ mới

* * *

LỜI TỰA VÀ CẢM TẠ

Không một ai có thể viết lịch sử thế kỉ XX như viết lịch sử một thời khác, đơn giản là vì người ta không thể viết về thời đại của mình như người ta có thể (và phải) viết về một thời kì mình chỉ biết “từ bên ngoài”, ở cấp hai hay cấp ba từ những nguồn tài liệu gốc, hay từ những công trình của những nhà sử học thời sau. Cuộc đời tôi đã trùng hợp với phần lớn thời gian mà cuốn sách này đề cập, và, từ tuổi niên thiếu đến ngày nay, tôi đã quan tâm tới việc công: nói khác đi, tôi đã tích cóp về giai đoạn này những quan điểm và thành kiến, như một người đương thời và như một nhà nghiên cứu. Đó là một trong những lí do khiến cho tôi, ở cương vị một nhà sử học chuyên nghiệp, trong phần lớn thời gian hành nghề, đã tránh làm việc về thời kì sau 1914, tuy rằng ở những cương vị khác, tôi đã không ngần ngại viết. Theo cách nói trong nghề sử, “thời kì của tôi” là thế kỉ XIX. Tôi nghĩ bây giờ có thể nhìn Thế kỉ XX “Ngắn” – từ 1914 đến khi kết thúc thời đại Soviet – từ góc độ lịch sử, nhưng tôi tiếp cận nó mà không có những công trình học thuật chuyên luận và cố nhiên, những văn khố lưu trữ, ngoài một phần cực nhỏ, mà các sử gia thế kỉ XX, phải nói là khá đông, đã tích lũy được.

Đương nhiên, một cá nhân đơn độc tuyệt đối không thể nào đọc được hết các công trình nghiên cứu sử học về thế kỉ này, dù chỉ giới hạn trong các tác phẩm viết trong một ngôn ngữ thôi, như một nhà nghiên cứu về Thời cổ đại kinh điển hay Đế chế Byzantium có thể đọc được các văn bản đương thời và những gì đã được viết về thời đó. Hiểu biết của tôi lại hạn chế và manh mún nếu xét theo những tiêu chí học thuật về lịch sử đương đại. Giỏi lắm là tôi đã đào sâu hồ sơ đặc biệt nhạy cảm và gây ra tranh cãi – chẳng hạn, lịch sử Chiến tranh Lạnh hay lịch sử những năm 1930 – để tin tưởng rằng những quan điểm trình bày trong sách này có thể được bảo vệ dưới ánh sáng công trình của các chuyên gia. Tất nhiên là tôi đã không thành công. Chắc là có nhiều vấn đề trên đó tôi là phô trương sự dốt nát và những ý kiến sai trái.

Cho nên cuốn sách này dựa trên những nền móng không đồng đều chút nào. Tôi đã đọc nhiều, đọc đủ loại trong nhiều năm trời, và bổ sung bằng những sách vở cần thiết khi giảng dạy lịch sử thế kỉ XX tại New School for Social Research, và tôi đã tận dụng những hiểu biết tích lũy được, những kí ức và ý kiến của cá nhân, một người đã sống xuyên suốt Thế kỉ XX Ngắn, với tư cách một “người quan sát dấn thân”, hay đơn thuần là một kẻ lữ hành quan tâm đã đi nhiều nước (tổ tiên tôi chắc sẽ gọi là một kibbitzer, người xem đánh cờ). Giá trị lịch sử của những trải nghiệm như vậy không vì ta đã chứng kiến những sự kiện lớn, đã quen hay gặp những nhà lãnh đạo quốc gia hay những con người đã làm nên lịch sử. Một vài kinh nghiệm nhà báo đi điều tra ở nước này nước nọ, chủ yếu ở châu Mỹ Latin, thực ra, chỉ làm cho tôi hiểu là các cuộc phỏng vấn tổng thống hay nhà cầm quyền thường không thỏa đáng, vì phát biểu của họ cốt là nhắm vào công chúng. Ánh sáng đến từ những người có thể hoặc muốn phát biểu một cách tự do, nhất là khi họ không đảm trách công việc công cộng. Tuy nhiên, mặc dầu đó có thể là một kinh nghiệm phiến diện và lừa mị, việc được biết những nhân vật và đi tới những nơi chốn rất có ích đối với tôi. Có khi chỉ cần nhìn thấy một thành phố ở hai thời điểm cách nhau 30 năm – thí dụ Valencia ở Tây Ban Nha, hay Palermo ở Italia – là có ý niệm về nhịp độ và quy mô những biến đổi xã hội trong phần tư thứ ba của thế kỉ. Đôi khi một câu nói trong câu chuyện, ghi khắc trong trí nhớ không biết để làm gì, về sau lại rất có ích. Sở dĩ nhà sử học có thể rút ra đôi chút ý nghĩa của thế kỉ này, chính là nhờ y biết nhìn, biết nghe. Tôi hi vọng là đã chuyển tới bạn đọc đôi điều mà tôi đã học được bằng cách đó.

Alan Mackay (1926-)
John Maddox (1925-2009)

Cuốn sách này tất nhiên còn dựa trên những thông tin thu nhặt được từ những đồng nghiệp và sinh viên, cũng như từ tất cả những ai mà tôi đã được gặp được trong khi biên soạn. Đôi lần, món nợ của tôi rất lớn. Chương về khoa học đã được duyệt bởi các bạn tôi, Alan Mackay (viện sĩ Royal Society), chuyên gia về tinh thể học, đồng thời là một nhà bách khoa, và John Maddox, giám đốc tạp chí Nature. Lance Taylor, đồng nghiệp ở New School, trước đây ở MIT, đã đọc một phần những trang viết về kinh tế. Tuy nhiên, thường ra tôi dựa trên những bài tạp chí, những cuộc thảo luận và hội nghị về các vấn đề kinh tế vĩ mô được tổ chức tại Học viện thế giới nghiên cứu về phát triển kinh tế, Trường đại học Liên Hợp Quốc, ở Helsinki (UNU/WIDER) – dưới sự chủ trì của tiến sĩ Lal Jayawaedena, viện này đã trở thành một trung tâm nghiên cứu và thảo luận lớn. Nói một cách tổng quát, những mùa hè ở đó với tư cách “McDonnell Douglass visiting scholar” hết sức quý báu đối với tôi, đặc biệt do viện đã quan tâm tới Liên Xô ở gần kề, trong những năm cuối của chế độ Soviet. Tôi không nghe theo tất cả các lời khuyên mà tôi nhận được, và ngay khi tôi nghe theo, thì những sai lầm là do tôi phạm phải. Tôi đã thu hoạch được rất nhiều trong các hội nghị và hội thảo, trong đó các học giả đã dành nhiều thời gian để gặp gỡ đồng nghiệp; tôi tham dự các cuộc họp này chủ yếu để được các đồng nghiệp soi sáng. Tôi không thể kể cho xuể tất cả các đồng nghiệp đã giúp đỡ tôi như vậy, đã sửa sai cho tôi; cũng không thể kê khai tất cả những thông tin mà tôi thu lượm được từ sinh viên đến từ các nước trên thế giới khi tôi có may mắn giảng dạy ở New School. Tuy nhiên, tôi phải nói rõ những điều tôi học được từ các nghiên cứu (học kì 3 tháng) của Ferdan Ergut và Alex Julca về cuộc cách mạng Thổ Nhĩ Kì, cũng như về tính chất cuộc di dân và sự năng động xã hội ở Thế giới thứ Ba. Tôi cũng thu hoạch rất nhiều từ luận án tiến sĩ của môn đệ của tôi, Margarita Giesecke, về tổ chức APRA (Liên minh Nhân dân Cách mạng châu Mỹ) và cuộc nổi dậy của Trujillo năm 1932.

Càng xích lại gần hiện tại, thì người viết lịch sử thế kỉ XX càng lệ thuộc vào hai loại nguồn tư liệu: báo chí hàng ngày, tuần san và những báo cáo thường kì, các điều tra kinh tế hoặc điều tra về những vấn đề khác, những sưu tập số liệu thống kê và xuất bản của những cơ quan nhà nước hoặc cơ quan quốc tế. Món nợ của tôi đối với các nhật báo Guardian (London), Financial TimesNew York Times, ai cũng dễ thấy. Những gì tôi vay mượn từ các tài liệu do Liên Hợp Quốc và các cơ quan Liên Hợp Quốc, do Ngân hàng Thế giới xuất bản, được chỉ dẫn trong phần thư mục cuối sách. Cũng không thể quên tiền thân của Liên Hợp Quốc là Hội Quốc Liên. Tổ chức này đã thất bại hầu như hoàn toàn, song chúng ta nên biết ơn Hội Quốc Liên với những điều tra và phân tích xuất sắc, trong đó có bản báo cáo năm 1945 về Công nghiệp hóa và Thương mại Thế giới. Nếu không có các nguồn tư liệu kể trên, không thể nào viết về lịch sử những thay đổi kinh tế, xã hội và văn hóa trong thế kỉ này.

Ngoại trừ những ý kiến nhận định của cá nhân tác giả, bạn đọc sẽ phải tin cậy mà chấp nhận những điều cốt yếu tôi viết trong cuốn sách này. Khuôn khổ cuốn sách không cho phép đưa vào đó cỗ máy phê phán đồ sộ và những biểu hiện khác của những công trình bác học. Tôi đã hạn chế việc liệt kê xuất xứ vào các lời trích dẫn, số liệu thống kê và các dữ kiện định lượng – các số liệu thay đổi tùy theo các tài liệu – và chỉ thỉnh thoảng mới chỉ rõ xuất xứ những lời xác nhận một quan điểm gây tranh cãi của tác giả, hay một sự việc nào mà độc giả thấy lạ, khác thường hay bất ngờ. Thông tin đầy đủ về mỗi nguồn được liệt kê ở cuối sách. Bản tư liệu tham khảo này chỉ là danh sách đầy đủ tất cả các nguồn mà tôi trích dẫn hoặc nói tới trong sách, chứ không phải là cẩm nang chỉ dẫn các tài liệu cần đọc. Độc lập với danh sách này, là những chú thích ở cuối trang/chương chỉ có mục đích là nói rõ thêm một vài điểm hay một vài sắc thái tiểu dị.

Vì lẽ công bằng, tôi nhất thiết phải kể ra ở đây những tác phẩm mà tôi dựa dẫm hay vay mượn rất nhiều. Tôi không thể không kể tên các tác giả ấy. Một cách tổng quát, tôi mang nợ lớn đối với công trình của hai người bạn: Paul Bairoch, nhà sử học kinh tế, đồng thời là người thu thập không mệt mỏi những dữ liệu định lượng, và Ivan Berend, nguyên chủ tịch Viện hàn lâm khoa học Hungary, người gợi ý cho tôi dùng cụm từ Thế kỉ XX Ngắn. Về lịch sử chính trị tổng quan của thế giới sau Thế chiến thứ Hai, P. Calvocoressi (World Politics Since 1945 / Chính trị Thế giới từ 1945) là người hướng đạo vững vàng và, cũng dễ hiểu, đôi khi rất chua cay. Về Thế chiến thứ Hai, tôi vay mượn nhiều từ công trình tuyệt vời của Alan Milward, War, Economy and Society 1939-1945 (Chiến tranh, Kinh tế và Xã hội 1939-1945), và đã dựa vào các công trình của Herman van der Wee, Prosperity and Upheaval: The World Economy 1945-1980 (Kinh tế Thế giới 1945-1980), của Philip Armstrong, Andrew Glyn và John Harrison, Capitalism since 1945 (Chủ nghĩa tư bản từ 1945). Tác phẩm của Martin Walker, The Cold War (Chiến tranh Lạnh), xứng đáng hơn nhiều so với những bài điểm sách hờ hững. Về lịch sử phái tả từ sau Thế chiến thứ Hai, tôi vay mượn nhiều của tiến sĩ Donald Sassoon, trường Queen Mary and Westfield College, University of London, đã có nhã ý cho tôi được đọc bản thảo trước khi xuất bản công trình đồ sộ và sâu sắc, One Hundred Years of Socialism: The West European Left in the Twentieth Century (100 năm chủ nghĩa xã hội: Phái Tả Tây Âu trong thế kỉ XX). Về lịch sử Liên Xô tôi sử dụng rất nhiều các công trình của Moshe Lewin, Alec Nove, R. W. Davies và Sheila Fitzpatrick; về Trung Quốc, của Benjamin Schwarz và Stuart Schram; về thế giới Islam, của Ira Lapidus và Nikki Keddie. Quan điểm của tôi về nghệ thuật căn cứ từ công trình của John Willett (và từ những cuộc thảo luận giữa hai chúng tôi) về nền văn hóa Weimar, cũng như từ công trình của Francis Haskell. Ở chương 6, bạn đọc thấy rõ món nợ của tôi đối với cuốn Diaghilev của Lynn Garafola.

Tôi xin đặc biệt cảm ơn tất cả những ai đã giúp đỡ tôi chuẩn bị cuốn sách này, trước tiên là hai nữ trợ tá nghiên cứu Joanna Bedford (London) và Lise Grande (New York). Tôi xin nhấn mạnh món nợ to lớn đối với Bà Grande, nhờ bà tôi mới có thể khắc phục những khiếm khuyết mênh mông trong hiểu biết của tôi, và bà đã kiểm tra các sự kiện và quy chiếu mà tôi chỉ nhớ lõm bõm. Tôi cũng xin cảm ơn Ruth Sayers đã đánh máy mấy lần bản thảo. Cảm ơn Marlene Hobsbawm đã đọc các chương sách như một người không chuyên môn nhưng quan tâm tới thế giới hiện đại, chính là đối tượng của sách này.

Ở trên, tôi đã nói tới món nợ của tôi đối với các sinh viên New School đã theo học tôi, trong khi tôi cố gắng phát biểu những ý kiến và cách lí giải của mình. Xin tặng họ cuốn sách này.

Eric Hobsbawm

London – New York, 1993-1994

* * *

LỜI TỰA BẢN TIẾNG PHÁP

Cuốn sách này được xuất bản năm 1994 tại Vương quốc Anh, và ít lâu sau tại Hoa Kỳ, dưới tựa đề Age of Extremes: The Short Twentieth Century, 1914-1991. Sau đó, nó đã được xuất bản trong tất cả các ngôn ngữ lớn của văn hóa quốc tế – trừ một ngôn ngữ –: tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Bồ Đào Nha (tại những nước châu Âu và châu Mỹ), tiếng Italia, tiếng Trung (ở Đài Loan và cả Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa), tiếng Nhật và tiếng Arab. Bản dịch tiếng Nga đang tiến hành. Những ấn bản bằng ngôn ngữ chính thức của Liên hiệp châu Âu – trừ một ngôn ngữ – cũng đã được nhanh chóng xúc tiến; cũng như bằng ngôn ngữ của các quốc gia cộng sản trước đây ở Trung Âu và Đông Âu: tiếng Ba Lan, tiếng Séc, tiếng Magyar (Hung), Rumania, Slovenia, Serbo-Croate và Anbania. Nhưng, cho đến ngày nay, không có bản tiếng Pháp. Khác hẳn các nhà xuất bản ở Lithuania (dân số 3,7 triệu), Moldavia (4,3 triệu), Island (270.000), các nhà xuất bản ở Pháp (58,4 triệu) dường như cho rằng không thể, hay không nên, dịch tác phẩm này ra tiếng Pháp. Thế mà tạp chí Le Débat (tháng 1-2.1997) lại cho cuốn sách đủ quan trọng nên đã dành cả một hồ sơ phê bình khoảng 100 trang, cho dù trong đó, có những nhà xuất bản danh giá đã gắng sức giải thích tại sao không thể xuất bản nó ở Pháp được. Nếu không có sáng kiến của một nhà xuất bản Bỉ và nguyệt san Le Monde Diplomatique, thì tác phẩm này vẫn sẽ còn ở ngoài tầm tay của thế giới Pháp ngữ.

Sự lần khân của các nhà xuất bản Pháp – đơn độc trong khối các nhà xuất bản của khoảng 30 nước đã phát hành bản dịch Thời đại Thái cực – không khỏi gây ra sự thắc mắc. Người viết sách này – và tôi cũng không phải là người duy nhất – thật đã rất ngạc nhiên. Phần lớn các cuốn sách trước đó của tôi đều đã được dịch ra tiếng Pháp, có cuốn mới đây đã được tái bản dưới dạng sách bỏ túi. Tôi không ngờ là cơ sở đã xuất bản bộ lịch sử thế kỉ XIX ba tập của tôi (nay vẫn được phát hành) lại từ chối, không một lời bình luận hay giải thích, không chịu công bố Thời đại Thái cực tiếp nối tác phẩm trên. Phải chăng, cuốn này in ra sẽ ế và lỗ, chứ không bán chạy như những cuốn trước, như có nhà xuất bản đã nói hàm ý? Nếu căn cứ vào số sách bán được và sự tiếp nhận ở các nước mà nó đã được xuất bản, thì nói rằng công chúng Pháp sẽ không quan tâm là một giả định thiếu cơ sở. Việc tất tật các nhà xuất bản Pháp nhất trí từ chối công bố cuốn sách này do đó cần được lí giải.

François Furet (1927-1997)

Giải thích ngắn gọn nhất đến từ Lingua Franca, tạp chí đại học Mỹ chuyên theo dõi các cuộc tranh luận và những scandal trong giới trí thức. “Tony Judt, giáo sư sử học Trường đại học New York, nhận xét như thế này: “25 năm về trước, cuốn Thời đại Thái cực chắc hẳn sẽ được dịch (ra tiếng Pháp) nội trong một tuần lễ”. Vậy thì chuyện gì đã xảy ra? Xem ra có ba nhân tố kết hợp nhau đã ngăn chặn việc biên dịch cuốn sách này: xu hướng chống Marx phát triển mạnh trong giới trí thức Pháp; ngân sách xuất bản khoa học xã hội bị cắt giảm; và nhân tố thứ ba, không kém quan trọng, là giới xuất bản sợ, hoặc không muốn, đi ngược lại xu thế đó”[1]. Việc cuốn sách này ra mắt không lâu trước cuốn sách bán chạy mới của François Furet, Le Passé d’une illusion (Quá khứ của một ảo tưởng), “một phân tích lịch sử thế kỉ XX, cũng không kém tham vọng [so với cuốn sách của Hobsbawm], nhưng rất hợp với khẩu vị Paris trong cách xử lí chủ nghĩa cộng sản Liên Xô” khiến cho “các nhà xuất bản do dự trong việc phát hành một tác phẩm như của Hobsbawm”. Những giải thích tương tự được đưa ra trong Newsletter mới của “Committee on Intellectual Correspondance” được sự bảo trợ của Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Khoa học Hoa Kỳ, của viện Wissenschaftskolleg (Berlin) và của viện Santory (Nhật Bản)[2]. Việc Hobsbawm vẫn kiên trì lập trường phái tả dường như đã gây ra “quan ngại” đối với cái mốt thời thượng hiện nay ở Paris.

Đó cũng là quan điểm của Pierre Nora, thuộc nhà xuất bản Gallimard, khi ông phác họa bức tranh khá minh bạch và có thẩm quyền về tình hình dưới con mắt của một nhà xuất bản Pháp: “Dù muốn hay không muốn, tất cả [các nhà xuất bản] cũng bắt buộc phải tính đến tình hình trí thức và tư tưởng là môi trường hoạt động của họ. Thế mà có nhiều lí do vững chắc để nghĩ rằng […] cuốn sách [này] sẽ gặp một môi trường trí thức và lịch sử không mấy thuận lợi. Do đó ít ai có hứng đánh cuộc cho triển vọng tiêu thụ của nó […].”

Trong một thời gian dài, nước Pháp đã bị Stalin-hóa quá mức, thành thử, khi bước sang thời kì “xả hơi”, người ta đâm ra thù nghịch hơn đối với bất cứ cái gì ít nhiều gợi lại thời kì thân Liên Xô hay thiên cộng đã qua, kể cả đối với xu hướng cởi mở nhất của chủ nghĩa Marx. Mà Eric Hobsbawm lại kiên trì gắn bó với sự nghiệp cách mạng, dù là vẫn giữ một khoảng cách nhất định, ông khẳng định sự trung thành của mình một cách kiêu hãnh, như để cưỡng lại không khí thời đại; mà ở Pháp, vào lúc này, điều đó khó lọt tai lắm”[3]. Không biết, trong chừng mực nào, nhà xuất bản ấy tự nhận ra mình trong cái nước Pháp mà tác giả không “lọt tai”.

Đứng trước những luận điểm như vậy, độc giả có thể nghĩ rằng cuốn sách này chủ yếu là một bài luận chiến dài về chính trị và tư tưởng, giống như trong cuốn Le Passé d’une illusion của François Furet. Nhưng Thời đại Thái cực không được viết trong tinh thần ấy. Độc giả dễ nhận ra ngay rằng đây tuyệt nhiên không phải là loại sách đó. Đây là một cuốn lịch sử tổng quan về thế kỉ XX (cũng là tập cuối của một bộ sách bắt đầu từ nhiều năm về trước, lịch sử thế giới từ cuối thế kỉ XVIII, nghĩa là Thời đại Cách mạng): cần đánh giá cuốn sách bằng thước đo ấy. Nó đã được thừa nhận và đánh giá là nghiêm túc ở những nước có chế độ và xu hướng trí thức thời thượng rất khác nhau: Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Đài Loan, Israel và Syria, Canada, Hàn Quốc và Brasil, đó là không kể Hoa Kỳ. Nói chung, nó làm cho tác giả và nhà xuất bản rất hài lòng về mặt tài chính, đồng thời nó được bán chạy – và tìm đọc – trên ba châu lục. Cũng xin nói thêm là ở những nước đã bị “Stalin-hoá” không thua gì nước Pháp, và đã “thoát” ra khỏi tình trạng đó một cách ngoạn mục hơn nhiều, tức là những nước cộng sản cũ, các nhà xuất bản đã không ngần ngại phát hành cuốn sách này (Thời cộng sản, các tác phẩm sử học của tác giả không hề được xuất bản ở Nga, Ba Lan và Tiệp Khắc).

Việc phát hành bản tiếng Pháp của Thời đại Thái cực sẽ cho phép ta nhận biết xem các nhà phê bình hay công chúng thông tuệ ở Pháp có thật khác đời như Pierre Nora đã gợi ra trong bức tranh không mấy khả quan về tình hình trí thức Pháp.

Nó cũng để cho độc giả nhận định về một luận điểm khác mà người ta đã đưa ra để biện minh cho việc các nhà xuất bản Pháp khăng khăng không chịu công bố cuốn sách: dịch xong thì cuốn sách đã trở thành lỗi thời, đọc cũng vô bổ. Theo quan điểm của tôi, chưa tới lúc phải viết lại và tu chính tác phẩm này. Tình hình thế giới từ giữa thập niên 1990 đến nay chưa thay đổi về cơ bản. Bởi vậy, nếu cần phải xem xét lại một cách quy mô sự phân tích chính trị tổng quan của tôi về giai đoạn cuối thế kỉ XX, thì không phải là vì các biến cố xảy ra hồi đó đã phủ nhận sự phân tích đó. Tình hình quốc tế vẫn như tôi đã phác họa trong phần đầu của chương 19. Những biến cố bi thương và kinh khủng ở vùng Đại Hồ Trung Phi (Rwanda và Zaïre) càng minh họa thêm nhận định ấy. Khẳng định rằng Thế kỉ XX Ngắn đã kết thúc bằng một cuộc đại khủng hoảng của tất cả các hệ thống, chứ không chỉ thu gọn vào sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản, đó là một trong những luận đề chủ yếu của cuốn sách này. Nếu cần chứng minh thêm, thì sự bùng nổ năm 1997-1998 của cuộc khủng hoảng kinh tế tư bản chủ nghĩa – nghiêm trọng nhất kể từ những năm 1930 – đã xác nhận điều đó. Thật ra, nó còn cho thấy tác giả đã hơi quá lạc quan khi hàm ý rằng nền kinh tế thế giới “hẳn sẽ bước vào một thời đại phát đạt mới và bành trướng trước khi thiên niên kỉ kết thúc”, dù cho, ngay sau đó, đã nói thêm, một cách chính xác, rằng “trong một giai đoạn nhất định, nó có thể bị cản trở bởi tác động ngược chiều của việc chủ nghĩa xã hội Soviet sụp đổ, của việc nhiều khu vực trên thế giới sa vào tình trạng vô chính phủ và chiến tranh, cũng có thể vì quá gắn kết với tự do mậu dịch toàn cầu”. Tóm lại, đứng ở quan điểm của tác giả, tình hình thế giới diễn biến từ năm 1994 – là năm phát hành ấn bản đầu tiên bằng tiếng Anh – đến nay không có tác động đáng kể tới ưu điểm và khuyết điểm trong cách lí giải của mình về thế kỉ XX.

Vì vậy, ngoài những thay đổi nhỏ, ấn bản tiếng Pháp này không khác gì những ấn bản đã, hay sắp, được phát hành trong các ngôn ngữ khác. Quyền phán đoán thuộc về độc giả.

Cuối cùng, tác giả xin cảm ơn nhà xuất bản Complexe, với sự hợp tác của tạp chí Le Monde Diplomatique, đã tạo điều kiện phổ biến ấn bản này. Cảm ơn các dịch giả đã biên dịch xuất sắc một văn bản tiếng Anh dài và khó, cảm ơn những người bạn của tác giả ở Paris, trong những năm qua, đã chứng minh rằng trí thức Pháp không nhìn với con mắt ác cảm như một số đồng hương của họ công trình của những tác giả không được sự ưu ái của những cái mốt thời thượng và phải đạo của những năm 1990.

Eric Hobsbawm 

London, tháng 12.1998

* * *

THẾ KỈ NHÌN TỪ ĐƯỜNG CHIM BAY

MƯỜI HAI CÁI NHÌN VỀ THẾ KỈ XX

Tôi đã trải qua phần lớn thế kỉ XX nhưng phải nói là cá nhân tôi không phải chịu đựng những gian khổ đau thương. Tôi chỉ nhớ rằng đó là thế kỉ kinh khủng nhất của lịch sử phương Tây”.

Isiah BERLIN (triết gia, Anh)

Có một mâu thuẫn hiển nhiên giữa trải nghiệm cá nhân về cuộc sống – tuổi thơ, tuổi trẻ và tuổi già, bình yên trôi qua, không biến thiên nghiêm trọng – và thực tại của thế kỉ XX […], những biến cố kinh khủng mà nhân loại đã trải qua.”

Julio CARO BAROJA (nhà nhân học, Tây Ban Nha)

Là người sống sót từ những trại tập trung, chúng tôi không phải là những chứng nhân chân chính. Ý kiến trái chiều ấy đã dần dần hình thành trong tôi khi đọc những trang viết của những người sống sót, trong đó có cả tôi, khi tôi đọc lại vài năm sau những gì tôi đã viết. Chúng tôi chỉ là một thiểu số nhỏ bé, nhưng khác thường. Chúng tôi là những người, do hành động sai trái, hay khôn khéo, hoặc may mắn, đã không sa xuống dưới đáy. Còn những người sa xuống đáy, thấy mặt nữ quỷ Gorgon, thì đã không trở về, hoặc trở về trong câm lặng”.

Primo LEVI (nhà văn, Italia)

Tôi chỉ thấy đó là một thế kỉ tàn sát và chiến tranh”.

René DUMONT (nhà nông học, Pháp)

Dẫu sao thì cũng đã có những cuộc cách mạng đem lại điều tốt hơn cho thế kỉ […]: sự lớn mạnh của “đẳng cấp thứ tư” (ý nói thành phần công nhân lao động), sự trỗi lên của phụ nữ sau hàng thế kỉ bị đàn áp”.

Rita LEVI MONTALCINI (giải Nobel Y học, Italia)

 Tôi buộc phải cho rằng đây là thế kỉ bạo liệt nhất trong lịch sử nhân loại”.

William GOLDING (giải Nobel văn học, Anh)

Đặc trưng chủ yếu của thế kỉ XX là sự bùng nổ dân số thế giới. Cả một tai họa, một đại họa. Chúng ta không biết phải làm sao”.

Ernst GOMBRICH (sử gia về nghệ thuật, Anh)

Nếu phải tóm tắt thế kỉ XX, tôi xin nói rằng nó đã khơi lên những kì vọng lớn lao nhất mà nhân loại chưa hề đặt ra và nó đã phá hủy mọi ảo tưởng, mọi lí tưởng”.

Yehudi MENUHIN (nhạc sĩ, Anh)

Khía cạnh cơ bản nhất là tiến bộ của khoa học […]. Đó chính là đặc trưng của thế kỉ chúng ta”.

Severo OCHOA (giải Nobel, nhà khoa học, Tây Ban Nha)

Đứng về mặt kĩ thuật, sự lớn mạnh của điện tử đối với tôi là tiến trình có ý nghĩa nhất của thế kỉ XX; về mặt tư tưởng, là sự quá độ từ một thế giới quan tương đối thuần lí và khoa học sang một thế giới quan phi thuần lí, ít khoa học hơn”.

Raymond FIRTH (nhà nhân học, Anh)

Thế kỉ của chúng ta chứng tỏ rằng thắng lợi của lí tưởng công bằng, bình đẳng bao giờ cũng phù du, nhưng nó cũng cho thấy rằng, nếu chúng ta giữ vững tự do, thì bao giờ chúng ta cũng có thể bắt đầu lại từ đầu […]. Không cần gì tuyệt vọng, ngay ở trong những tình huống tuyệt vọng nhất”.

Leo VALIANI (sử gia, Italia)

Các nhà sử học không thể trả lời câu hỏi này được. Đối với tôi, thế kỉ XX chẳng qua chỉ là cố gắng, luôn luôn cố gắng để hiểu câu hỏi đó”.

Franco VENTURI (sử gia, Italia)[4]

* * *

I

François Mitterrand (1916-1996)

Ngày 28 tháng sáu năm 1992, tổng thống François Mitterrand đã bất ngờ xuất hiện, trong một cuộc viếng thăm không được báo trước và cũng chẳng mấy ai chờ đợi, ở Sarajevo, lúc đó thành phố này đã trở thành trung tâm của một cuộc chiến tranh ở bán đảo Balkan, trong nửa cuối năm ấy sẽ cướp đi hàng nghìn sinh mạng. Ông muốn nhắc nhở dư luận thế giới cuộc khủng hoảng Bosnia nghiêm trọng như thế nào. Sự hiện diện của một nhà lãnh đạo quốc gia lỗi lạc, tuổi cao sức yếu, dưới làn đạn súng nhỏ pháo lớn đã được dư luận rộng rãi khẩu phục tâm phục. Song chuyến đi có một khía cạnh hầu như không ai để ý, mà vô cùng thâm thúy: ngày tháng. Tại sao Ô. Mitterrand lại chọn ngày 28 tháng sáu để tới Sarajevo? Bởi vì đó là ngày kỉ niệm sự kiện Quận công Franz Ferdinand của triều đình Áo-Hung bị ám sát năm 1914: chỉ vài tuần lễ sau đó, Thế chiến thứ Nhất đã bùng nổ. Đối với bất kể người châu Âu nào có văn hóa và cùng thế hệ với Mitterrand, thời điểm và địa điểm ấy hiển nhiên gắn kết với một tai họa lịch sử xảy ra sau những tính toán chính trị sai lầm dồn dập. Để nhấn mạnh những hậu quả có thể của cuộc khủng hoảng Bosnia, có ngày tháng nào thích đáng hơn biểu tượng này? Ngoài một nhóm nhỏ những nhà sử học và những trưởng lão, ít ai đã hiểu được sự ám chỉ này. Kí ức lịch sử không còn linh hoạt nữa.

Sự phá bỏ quá khứ, hay đúng hơn, phá bỏ những cơ chế xã hội liên kết người đương thời với những thế hệ trước, là một trong những hiện tượng đặc trưng và kì bí nhất của cuối thế kỉ XX. Ngày nay, phần đông những người trẻ lớn lên trong một thứ hiện tại thường trực, không có một mối liên hệ hữu cơ nào với quá khứ công cộng của thời đại họ đang sống. Vào cuối thiên niên kỉ, nhà sử học – nghề của họ là nhắc lại những gì mà người khác quên lãng – trở thành thiết yếu hơn bao giờ hết. Năm 1989, tất cả các chính phủ, và nhất là các bộ ngoại giao trên thế giới, lẽ ra đã lợi dụng được những bài học của một cuộc hội thảo về giải pháp hòa bình sau hai cuộc chiến tranh thế giới, mà phần đông họ đã quên mất rồi.

Mục đích cuốn sách này không phải là thuật lại lịch sử giai đoạn mà nó đề cập, tức là Thế kỉ XX Ngắn, từ 1914 đến 1991, cho dù bất cứ người nào đã nghe thấy một sinh viên Mỹ đặt câu hỏi, người ta nói tới “Thế chiến thứ Hai”, như vậy phải chăng đã có một “Thế chiến thứ Nhất”?, cũng biết rằng không phải ai cũng biết những sự kiện sơ đẳng nhất của thế kỉ. Mục đích của tôi là tìm hiểu và giải thích tại sao sự việc đã diễn biến như vậy, và chúng sắp xếp ăn khớp với nhau ra sao. Đối với một người thuộc thế hệ tôi, đã sống trọn vẹn hay một phần lớn thế kỉ, đây tất nhiên cũng là một lối tự truyện. Chúng tôi nói về những kí ức, khuếch đại lên và sửa lại cho đúng. Và chúng tôi phát biểu như những con người của một thời đại, một xứ sở, dấn thân, bằng cách này hay cách khác, trong lịch sử: với tư cách là diễn viên của những bi kịch thế kỉ – dù chỉ là những vai phụ – với tư cách là người quan sát thời đại, và không kém phần quan trọng, như những người mà cái nhìn về thế kỉ đã hình thành theo dòng những biến cố mà chúng tôi coi là quyết định. Chúng tôi là một thành phần của thế kỉ. Thế kỉ ở trong chúng tôi. Bạn đọc ở một thời đại khác, chẳng hạn người sinh viên vừa bước vào đại học – đối với sinh viên ấy, chiến tranh Việt Nam cũng thuộc về thời tiền sử – chớ nên quên điều ấy.

Đối với những sử gia cùng thế hệ và gốc gác như tôi, quá khứ không bao giờ bị hủy hoại. Không phải chỉ vì chúng tôi thuộc về một thế hệ mà đường phố, địa điểm công cộng mang tên những nhân vật và biến cố đáng kể (nhà ga Wilson, ở Praha trước chiến tranh, trạm xe điện hầm Stalingrad ở Paris, một thế hệ chứng kiến việc kí kết những hiệp định tái lập hòa bình, mà người ta phải tìm cách đặt tên (hiệp định Versailles), những đài kỉ niệm tử sĩ nhắc lại quá khứ; mà còn bởi vì những sự kiện công cộng đã dệt nên cuộc đời chúng tôi. Đó không phải đơn thuần là những cái mốc đánh dấu cuộc đời, mà chúng đã tạo thành cuộc sống, công cộng và riêng tư, của chúng tôi. Đối với người viết những trang sách này, 30 tháng giêng năm 1933 không phải chỉ là ngày Hitler trở thành Thủ tướng, mà buổi chiều mùa đông ấy ở Berlin, một cậu bé 15 tuổi và cô em gái trên đường từ trường ở gần Wilmersdorf về nhà ở Halensee đã trông thấy trang nhất các báo đưa tin ấy. Trang nhất tờ nhật báo ấy, đến ngay nay tôi còn thấy rõ mồn một, như trong một giấc mộng.

Nhưng quá khứ không chỉ nằm thường trực trong hiện tại của riêng các nhà sử học. Trên những vùng rộng lớn của hành tinh, từ một độ tuổi nào đó trở lên, bất luận gốc gác và lộ trình như thế nào, mọi người đều đã trải qua cùng những nghiệm sinh có tính chất quyết định. Những kinh nghiệm ấy để lại dấu ấn trên chúng ta, những dấu ấn tương tự như nhau trong một chừng mực nhất định. Cái thế giới tan vỡ thành nhiều mảnh vào cuối thập niên 1980 chính là thế giới đã hình thành dưới tác động của Cách mạng Nga 1917. Chúng ta đều chịu ảnh hưởng của nó, chẳng hạn như khi ta quen suy nghĩ về nền kinh tế công nghiệp hiện đại với lưỡng cực đối lập, “chủ nghĩa tư bản” và “chủ nghĩa xã hội”, như là hai hệ thống bất khả dung hòa, cái này đồng nhất với những chế độ kinh tế tổ chức theo mô hình Liên Xô, cái kia với phần còn lại của thế giới. Ngày nay thấy rõ đó là một tạo dựng võ đoán, và trong chừng mực nhất định, giả tạo, chỉ có thể hiểu được khi đặt nó vào bối cảnh lịch sử đặc biệt. Tuy nhiên, khi tôi viết những dòng này, dù có khoảng cách thời gian, cũng không dễ gì đưa ra những tiêu chuẩn phân loại thực tế hơn là cách xếp Hoa Kỳ, Nhật Bản, Thụy Điển, Brazil, Cộng hòa Liên bang (CHLB) Đức và Hàn Quốc vào cùng một phạm trù; và những chế độ kinh tế nhà nước hay những hệ thống tồn tại trong khu vực ảnh hưởng của Liên Xô – đã sụp đổ vào cuối thập niên 1980 – trong cùng một tập hợp với các nền kinh tế Đông Á và Đông Nam Á vẫn còn đứng vững.

Vả chăng, thế giới còn sống sót sau ngày kết thúc Cách mạng tháng Mười là thế giới mà các định chế và nguyên tắc đều do những người ở bên thắng cuộc trong Thế chiến thứ Hai tạo tác ra. Những người ở bên thua cuộc, hay những người liên minh với họ, không những đã câm lặng hay bị khóa miệng: họ hầu như bị xóa sổ trong lịch sử và đời sống trí thức, chỉ còn một vai là “kẻ thù” trong vở kịch đạo đức phổ quát của cái Thiện chống cái Ác. Điều này chắc cũng đang xảy ra cho những người thua cuộc trong Chiến tranh Lạnh, song có lẽ ở một quy mô nhỏ hơn và sẽ không kéo dài như thế. Đó là cái giá phải trả trong một thế kỉ xảy ra những cuộc chiến tranh tôn giáo, mà nét nổi bật là không khoan dung. Ngay những người khoa trương sự đa nguyên của cái mệnh danh là hệ tư tưởng của họ cũng không cho rằng thế giới đủ rộng lớn để có thể chung sống thường trực với những tôn giáo thế tục đối thủ. Các cuộc đối địch tôn giáo và tư tưởng đầy rẫy suốt thế kỉ dựng lên những chiến lũy cắt ngang đường đi của nhà sử học, mà nhiệm vụ chính yếu không phải là phán xét mà tìm hiểu, kể cả những gì khó hiểu nhất. Lực cản của sự tìm hiểu lại là những tín niệm say mê của chúng ta, là trải nghiệm lịch sử qua đó những tín niệm ấy đã hình thành. Lực cản thứ nhất thì dễ khắc phục hơn, vì không phải như câu tục ngữ Pháp, “hiểu thấu là tha thứ tất cả”. Hiểu thời kì Nazi của lịch sử nước Đức và đặt lại nó trong bối cảnh lịch sử, không có nghĩa là tha thứ cho tội diệt chủng. Thế nào chăng nữa, một người đã kinh qua thế kỉ khác thường này không thể không phán xét. Hiểu mới là điều khó.

* * *

II

Làm thế nào rút ra ý nghĩa của Thế kỉ XX Ngắn – từ mở đầu Thế chiến thứ Nhất đến sự sụp đổ của Liên Xô – của những năm tháng, mà ngày nay, với khoảng lùi về thời gian, ta thấy chúng hợp thành một thời kì lịch sử nhất quán đã hoàn tất? Chúng ta không biết sau này sẽ ra sao, không biết thiên niên kỉ thứ ba diện mạo như thế nào, nhưng có thể nói chắc rằng thế kỉ XX đã tạo nên hình hài cho nó. Khó ai có thể hoài nghi rằng một thời đại của lịch sử thế giới đã kết thúc vào cuối thập niên 1980 đầu thập niên 1990, và một thời đại mới đã bắt đầu. Đối với người viết sử thế kỉ, đó là điều cốt yếu: bởi vì, cho dù họ có thể căn cứ vào sự hiểu biết quá khứ mà suy luận về tương lai, nghề sử không phải là nghề cá ngựa. Những cuộc đua ngựa duy nhất mà nhà sử học có thể tường thuật và phân tích, là những cuộc đua đã ngã ngũ thắng bại. Dù sao chăng nữa, và bất luận tài năng tiên tri của các chuyên gia, thì thành tích các dự đoán tương lai được đưa ra trong ba, bốn chục năm qua tồi tệ đến mức chỉ còn vài ba chính phủ và viện nghiên cứu kinh tế còn tin tưởng hay làm bộ tin tưởng đôi chút vào đó. Tình trạng này dường như càng tồi tệ hơn từ sau Thế chiến thứ Hai.

Trong sách này, cấu trúc của Thế kỉ XX Ngắn là một cấu trúc tam đoạn, giống như lát cắt của một cái bánh mì kẹp thịt. Tiếp theo một Thời đại Tai họa (từ 1914 cho đến cuối Thế chiến thứ Hai) là khoảng 25, 30 năm tăng trưởng kinh tế và biến đổi xã hội phi thường, có lẽ đã làm thay đổi sâu sắc xã hội loài người hơn mọi thời gian tương đương trong lịch sử. Với khoảng lùi trong thời gian, ta có thể nhận ra một thứ Thời đại Hoàng kim – mà đúng ra người ta đã cảm nhận như vậy vào đầu thập niên 1970, khi nó gần kết thúc. Phần thứ ba của Thế kỉ Ngắn là thời kì trở lại phân hóa, bất trắc và khủng hoảng – và đại họa, đối với phần lớn thế giới, như châu Phi, Liên Xô và Đông Âu cũ. Thập niên 1980 nhường bước cho thập niên 1990, thì những người suy ngẫm về quá khứ và tương lai cảm thấy ưu tư, buồn nỗi buồn “mạt kỉ”. Trong thập niên 1990, thế kỉ trải qua một Thời đại Hoàng kim ngắn ngủi trên đoạn đường đi từ khủng hoảng này sang khủng hoảng khác, để bước vào một tương lai vô định, đầy rẫy vấn đề nhưng không nhất thiết là “tận thế”. Song, như các nhà sử học muốn nhắc nhở tác giả những suy luận siêu hình về “sự Cáo chung của Lịch sử”, tương lai sẽ đến. Trong lịch sử, chỉ có một điều bao quát chắc chắn, là lịch sử sẽ tiếp diễn chừng nào nhân loại còn tồn tại.

Nội dung sách này được tổ chức phù hợp với cấu trúc nói trên. Nó bắt đầu bằng Thế chiến thứ Nhất, đánh dấu sự đổ vỡ của nền văn minh (phương Tây) thế kỉ XIX. Nền văn minh này, về kinh tế là tư bản chủ nghĩa; về bộ máy pháp chế và hiến định, là khuynh hướng tự do; về hình ảnh giai cấp thống trị là tư sản. Nó tự hào với những bước tiến của khoa học, của tri thức và giáo dục, cũng như với tiến bộ vật chất và tinh thần; tin tưởng sâu sắc vào vị trí trung tâm của châu Âu, mẹ đẻ của các cuộc cách mạng khoa học, nghệ thuật, chính trị và công nghiệp, mà nền kinh tế đã thâm nhập những vùng đất rộng lớn mà binh sĩ của nó đã chinh phục. Cư dân phương Tây (với dòng người to lớn di cư từ châu Âu và con cháu của họ) đã không ngừng tăng, lên tới 1/3 tổng số nhân loại; các quốc gia lớn của nó đã định đoạt hệ thống chính trị thế giới[5].

Đối với xã hội ấy, những thập niên từ lúc bắt đầu Thế chiến thứ Nhất đến hôm sau Thế chiến thứ Hai là một Thời đại Tai họa. Suốt 40 năm trời, nó va vào hết tai ương này đến đại họa khác. Có những lúc ngay những người bảo thủ tinh anh cũng không dám đánh cuộc là nó sẽ còn tồn tại. Nó bị rúng động bởi hai cuộc chiến tranh thế giới, tiếp theo là hai đợt nổi loạn và cách mạng thế giới đã đưa lên cầm quyền một chế độ khẳng định sứ mệnh Lịch sử là thay thế xã hội tư sản và tư bản chủ nghĩa, đầu tiên trên 1/6 diện tích các lục địa, rồi sau Thế chiến thứ Hai, trên 1/3 dân số của Trái Đất. Những đế quốc thực dân mênh mông, được dựng lên trước và trong Age of Empire (Thời đại Đế chế), bị lay chuyển và tan thành cát bụi. Toàn bộ lịch sử của chủ nghĩa đế quốc hiện đại, ngày nữ hoàng Victoria băng hà còn vững chãi và ngạo mạn biết bao, rốt cuộc không sống quá một đời người: chẳng hạn cuộc đời của Winston Churchill (1874-1965).

Còn điều này nữa: một cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, nghiêm trọng chưa từng thấy, đã làm đột quỵ những nền kinh tế tư bản chủ nghĩa hùng mạnh nhất, dường như muốn đảo lộn việc tạo lập nền kinh tế thế giới thống nhất, một trong những thành tựu đáng kể nhất của chủ nghĩa tư bản liberal (tự do) thế kỉ XIX. Ngay Hoa Kỳ, không lâm vào cảnh chiến tranh và cách mạng, mà dường như cũng sụp đổ tới nơi. Trong khi mà kinh tế chao đảo thì các định chế dân chủ tự do, từ 1917 đến 1942, hầu như đã biến mất, ngoại trừ trên một dải đất hẹp châu Âu và ở một vài khu vực Bắc Mỹ, châu Đại dương, còn chủ nghĩa phát-xít và những phong trào cực quyền chư hầu lại bành trướng.

Nền dân chủ được cứu vãn là nhờ sự liên minh tạm thời và kì dị giữa tư bản tự do và cộng sản, cả hai đều tự vệ chống lại đối thủ chung: chiến thắng đánh bại Đức Quốc xã (Nazi) chủ yếu là do Hồng quân, điều đó không thể khác. Trên nhiều phương diện, giai đoạn liên minh chống phát-xít giữa tư bản và cộng sản – đại để là những năm 1930 và 1940 – là bản lề của lịch sử thế kỉ XX, một thời điểm quyết định. Một thời điểm nghịch lí lịch sử trong mối quan hệ giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản, mà đối kháng không thể giải quyết đã kéo dài trong phần lớn thế kỉ – ngoài giai đoạn chống phát-xít ngắn ngủi. Chiến thắng Hitler của Liên Xô là công lao của chế độ do Cách mạng tháng Mười thiết lập: muốn thấy rõ điều ấy, chỉ cần so sánh thành tích của nền kinh tế thời Sa hoàng trong Thế chiến thứ Nhất và thành tích của kinh tế Liên Xô trong Thế chiến thứ Hai (Gatrell/Harrison, 1993). Không có Liên Xô, thì ngày nay thế giới phương Tây (ngoài Hoa Kỳ ra) có lẽ chỉ còn biến tướng của những chế độ phát-xít và cực quyền thay vào những chế độ tự do và đại nghị. Âu đó cũng là một trong những nghịch lí của thế kỉ kì dị này: kết quả lâu bền nhất của Cách mạng tháng Mười – mà mục tiêu là lật đổ chủ nghĩa tư bản trên thế giới – lại là cứu mạng đối thủ của nó, trong chiến tranh cũng như trong hòa bình, sau Thế chiến thứ Hai, bằng cách thúc đẩy nó, vì sợ hãi, phải cải cách. Chủ nghĩa cộng sản đã làm cho thế giới tư bản làm quen và thích thú kế hoạch hóa kinh tế, và kế hoạch hóa kinh tế đã giúp cho thế giới tư bản phương thức để cải cách.

Nhưng, trong khi mà chủ nghĩa tư bản tự do đã sống sót – suýt nữa thì không – qua ba thử thách ghê gớm: khủng hoảng kinh tế, hiểm họa phát-xít và chiến tranh, thì sau Thế chiến thứ Hai, dường như nó còn phải đương đầu với bước tiến của cách mạng trên quy mô thế giới, từ nay tập hợp hàng ngũ chung quanh Liên Xô đã trở thành siêu cường.

Vậy mà, ngày nay thì chúng ta thấy rõ, sức thách thức của chủ nghĩa xã hội đối với chủ nghĩa tư bản lại nằm trong nhược điểm của tư bản. Nếu không có sự suy sụp của xã hội tư sản thế kỉ XIX trong Thời đại Đế chế, thì không có Cách mạng tháng Mười, cũng không có Liên Xô. Hệ thống kinh tế được ứng tác dưới danh nghĩa chủ nghĩa xã hội từ hoang tàn của Đế chế Sa hoàng cũ, trên những bình nguyên Á-Âu bao la, lẽ ra không thể được coi (và thực ra cũng không được coi) là giải pháp thay thế toàn bộ và hiện thực cho kinh tế tư bản chủ nghĩa. Chính cuộc Khủng hoảng thập niên 1930 đã tạo ra cho nó hình ảnh ấy, cũng như chính hiểm họa phát-xít đã biến Liên Xô thành công cụ thiết yếu đánh bại Hitler, từ đó trở thành một trong hai siêu cường mà cuộc đối đầu đã chế ngự và gieo rắc kinh hoàng suốt nửa sau thế kỉ XX, và đồng thời đã ổn định, về nhiều mặt, cấu trúc chính trị của Liên Xô. Chứ không thì, chỉ trong vòng 15 năm giữa thế kỉ, Liên Xô đã chẳng trở thành lãnh tụ đứng đầu một “phe xã hội chủ nghĩa (XHCN)” bao gồm 1/3 dân số nhân loại, với một nền kinh tế, trong một thời gian ngắn ngủi, tưởng như sắp sửa vượt qua tăng trưởng kinh tế tư bản.

Làm thế nào và vì sao mà, sau Thế chiến thứ Hai, chủ nghĩa tư bản đã được đưa đẩy vào Thời đại Hoàng kim 1947-1973 chưa từng có, và có lẽ bất thường nữa, một điều ngạc nhiên đối với mọi người, trước tiên là chính tư bản? Đó có lẽ là câu hỏi lớn, đặt ra cho các nhà sử học thế kỉ XX. Chưa có câu trả lời được nhất trí tán thành, và tôi không có tham vọng đưa ra một đáp án thuyết phục. Chắc phải đợi tới khi nào có đủ khoảng lùi để nhìn thấy phối cảnh toàn bộ “đợt sóng dài” của nửa sau thế kỉ XX, vì ngày nay có thể nhận thức được Thời đại Hoàng kim như một tổng thể, nhưng những năm khủng hoảng tiếp theo đó, khi chúng tôi viết những dòng này, vẫn chưa chấm dứt. Tuy nhiên, có một điều mà ngay từ bây giờ, người ta có thể đánh giá gần như chắc chắn là biên độ và tác động phi thường của những biến đổi kinh tế, xã hội và văn hóa đã diễn ra sau đó – những biến đổi to lớn, nhanh chóng và cơ bản nhất trong lịch sử. Một số khía cạnh này được nêu lên trong phần thứ hai của cuốn sách. Sang thiên niên kỉ thứ ba, các nhà sử học nghiên cứu về thế kỉ XX chắc sẽ xác định tác động chủ yếu của thế kỉ trên lịch sử vào chính giai đoạn kì lạ này. Bởi vì nó mang lại cho đời sống còn người trên mặt đất những đổi thay sâu sắc và không thể đảo ngược. Hơn thế nữa, cuộc đổi thay này vẫn tiếp diễn. Những nhà báo và những tác giả triết luận sai lầm khi họ tưởng sự sụp đổ của Đế chế Soviet đánh dấu “sự cáo chung của Lịch sử”. Nếu muốn, thì người ta có thể nói, một cách căn cứ hơn, rằng phần tư thứ ba của thế kỉ đánh dấu sự kết thúc của bảy, tám nghìn năm lịch sử nhân loại (bắt đầu từ Thời đại Đồ đá với sự phát minh ra nông nghiệp), vì một lẽ đơn giản là nó đã chấm dứt một thời kì dài trong đó tuyệt đại đa số loài người sống bằng công việc trồng trọt và chăn nuôi.

Nếu phải so sánh, thì lịch sử cuộc đối đầu giữa “chủ nghĩa tư bản” và “chủ nghĩa xã hội”, với sự can thiệp hay không của nhà nước và chính quyền, mà Hoa Kỳ và Liên Xô nhân danh làm đại diện cho mỗi bên, đứng về lâu dài, đối chiếu với các cuộc chiến tranh tôn giáo thế kỉ XVI và XVII, với cả các cuộc thập tự chiến, thì tầm quan trọng có lẽ cũng tương đối. Đối với những ai đã sống một phần – bất kể phần nào – Thế kỉ XX Ngắn, thì sự đối đầu ấy tất nhiên có một vị trí cốt yếu: nhiều trang sách trong cuốn này đã được dành cho nó, bởi vì tác giả là người của thế kỉ XX, viết cho người đọc cuối thế kỉ XX. Các cuộc cách mạng xã hội, Chiến tranh Lạnh, bản chất, giới hạn và những khuyết tật trí mạng của “chủ nghĩa xã hội hiện tồn”, và sự sụp đổ của nó đã được đề cập khá dài. Tưởng cũng nên nhắc lại tác động quan trọng và lâu dài của các chế độ cảm hứng từ Cách mạng tháng Mười, yếu tố gia tốc cho công cuộc hiện đại hóa những nước nông nghiệp lạc hậu. Những thành quả chính của nó, về mặt này, trùng hợp với Thời đại Hoàng kim của chủ nghĩa tư bản. Công việc của chúng ta không phải là phán xét xem hai chiến lược cạnh tranh nhau đó có hiệu quả tới đâu trong việc chôn vùi thế giới của cha ông chúng ta, và chúng đã được thực hiện một cách có ý thức tới đâu. Cho mãi đến đầu thập niên 1960, như ta sẽ thấy, hai chiến lược ấy dường như ngang sức nhau – bây giờ, khối XHCN đã sụp đổ rồi, người ta có thể thấy nực cười, dù rằng lúc đó, trong một cuộc đàm thoại với tổng thống Hoa Kỳ, một thủ tướng Anh còn nhìn thấy ở Liên Xô một quốc gia mà “nền kinh tế năng động […] chẳng mấy lúc sẽ vượt qua xã hội tư bản trong cuộc chạy đua tạo ra của cả vật chất” (Horne, 1989, tr. 303). Song cũng nên thấy là, trong thập niên 1980, nước Bulgaria XHCN và nước Ecuador không XHCN có nhiều điểm tương đồng mà họ không hề có ở thời điểm 1939.

Sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội Soviet và những hậu quả ghê gớm của nó – một phần chưa lường được hết, nhưng chủ yếu phải nói là tiêu cực – là sự kiện bi kịch nhất của những thập niên Khủng hoảng, nhưng bản chất của khủng hoảng là phổ quát, là toàn cầu. Nó tác động đến các khu vực khác nhau trên thế giới mỗi nơi một cách, và ở những cấp độ khác nhau, nhưng không có vùng không bị ảnh hưởng, bất kể tình hình chính trị, xã hội và kinh tế như thế nào, bởi vì, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Thời đại Hoàng kim đã tạo ra một nền kinh tế thế giới duy nhất, hội nhập hơn, phổ quát, vận hành phần lớn theo cách “xuyên quốc gia” (bất chấp biên giới), do đó mà càng ngày càng vượt qua những ranh giới chính thức giữa các hệ tư tưởng. Và như thế, những định kiến về các thiết chế của các chính thể và chế độ đã hị hủy hoại. Ban đầu, người ta chỉ muốn coi những trục trặc xảy ra trong thập niên 1970 là một “giờ nghỉ” đáng mừng và tạm thời trong cuộc “Đại Nhảy vọt” của kinh tế thế giới, và các nước, bất kể chính thể và mô hình kinh tế, đều đi tìm những giải pháp tạm thời. Về sau mới thấy rõ đây là thời kì khó khăn lâu dài; các nước tư bản chủ nghĩa tìm kiếm những giải pháp triệt để, thường nghe lời những nhà thần học thế tục chủ trương thị trường tự do không hạn chế, bác bỏ những chính sách đã làm nên thành công của Thời đại Hoàng kim, nhưng nay tỏ ra bất cập. Những người cực đoan thả lỏng cũng chẳng thành công hơn ai. Trong những năm 1980 và đầu thập niên 1990, thế giới tư bản lại chao đảo dưới những gánh nặng giống như trong thời kì giữa hai cuộc Thế chiến – mà Thời đại Hoàng kim đã gạt đi được: thất nghiệp ồ ạt, suy thoái chu kì nặng nề, tương phản ngày càng hiển nhiên giữa những người vô gia cư, bị loại trừ và những người giàu có, giữa số thu hạn chế của nhà nước và chi tiêu công vô hạn định. Với nền kinh tế uể oải và bạc nhược, các nước XHCN bị đẩy vào những tình huống tuyệt lộ, để cuối cùng, như bây giờ ta biết, đi tới sụp đổ. Thế là chấm dứt Thế kỉ XX Ngắn, như nó đã mở đầu với Thế chiến thứ Nhất. Câu chuyện kể của tôi ngừng ở đây.

Như mọi cuốn sách viết xong vào đầu thập niên 1990, sách này kết thúc bằng một cái nhìn từ trong tối. Sự sụp đổ của một bộ phận thế giới đã làm hiện hình sự hoang mang của bộ phận còn lại. Thập niên 1980 trôi đi, càng thấy rõ hơn là cuộc khủng hoảng thế giới không chỉ là một cuộc khủng hoảng tổng quát về kinh tế, mà cả về chính trị. Sự sụp đổ của các chế độ cộng sản, từ bán đảo Istria [Nam Tư] đến hải cảng Vladivostok, đã mở ra cả một khu vực bất trắc chính trị, bất ổn định, hỗn loạn và nội chiến: nó cũng phá hủy cả một hệ thống cơ chế quốc tế đã ổn định các mối quan hệ quốc tế trong suốt 40 năm. Nó cũng làm biểu lộ sự bấp bênh của những chính thể nội trị thực ra đã tồn tại được là nhờ sự ổn định ấy. Những căng thẳng trong các nền kinh tế đang gặp khó khăn đã làm suy yếu các chính thể dân chủ tự do (đại nghị hay tổng thống chế) đã vận hành suôn sẻ ở các nước tư bản phát triển từ sau Thế chiến thứ Hai. Chúng cũng làm suy yếu cả các chính thể ở Thế giới thứ Ba. Ngay cả những đơn vị cơ bản của đời sống chính trị – là những “Nhà nước - Dân tộc” có cương vực lãnh thổ, chủ quyền và độc lập, kể cả những quốc gia lâu đời nhất và ổn định nhất – cũng không tránh khỏi bị xâu xé bởi những thế lực kinh tế siêu quốc gia hay xuyên quốc gia, và những thế lực quốc nội của những vùng li khai và những thiểu số sắc tộc. Trớ trêu của lịch sử, là một số lực lượng này lại đòi lấy quy chế lỗi thời và phi hiện thực của những “Nhà nước - Dân tộc” chủ quyền tí hon. Tương lai chính trị thì mịt mờ, nhưng cuộc khủng hoảng vào cuối Thế kỉ XX Ngắn thì rất rõ ràng.

Rõ ràng hơn cả những bất trắc kinh tế và chính trị thế giới, là cuộc khủng hoảng xã hội và tinh thần, phản ảnh của những đảo lộn trong đời sống con người từ 1950. Cuộc khủng hoảng này đã lan rộng, tuy không rõ nét, trong những thập niên Khủng hoảng. Khủng hoảng đây là khủng hoảng về những niềm tin, những nguyên tắc nền tảng của xã hội hiện đại từ khi những người Duy tân đã thắng những người Thủ cựu hồi đầu thế kỉ XVIII: những tiên đề thuần lí và nhân bản – mà chủ nghĩa tư bản tự do và chủ nghĩa cộng sản đều chia sẻ, và nhờ đó đã có sự liên minh, ngắn ngủi nhưng quyết định, chống chủ nghĩa phát-xít, kẻ thù của những giá trị ấy. Năm 1993, một nhà quan sát người Đức, thuộc xu hướng bảo thủ, đã nhận xét rất đúng là những niềm tin của phương Đông cũng như của phương Tây đang bị đặt thành vấn đề:

Có một sự song đôi kì lạ giữa phương Đông và phương Tây. Ở phương Đông, người ta khẳng định là nhân loại làm chủ vận mệnh của mình. Và chính chúng ta cũng tin tưởng vào một diễn ngôn ít chính thức và ít cực đoan hơn: nhân loại đang trên đường tiến tới làm chủ vận mệnh của mình. Lời khoa trương vạn năng ấy đã biến mất một cách tuyệt đối ở phương Đông, một cách tương đối ở phương Tây chúng ta, nhưng cả hai bên đều sa vào cảnh đắm tàu.

Bergedorf, 98, tr. 95

Điều nghịch lí là cả một thời đại, mà tham vọng duy nhất là mang lại phúc lợi cho nhân loại, dựa trên thắng lợi áp đảo của tiến bộ vật chất trên cơ sở khoa học kĩ thuật, đã kết thúc bằng sự phủ nhận những phúc lợi ấy trong rộng rãi dư luận và ngay ở nơi những người tự coi là nhà tư tưởng của phương Tây.

Cuộc khủng hoảng tinh thần này không chỉ là khủng hoảng những tiên đề của nền văn minh hiện đại: nó còn là cuộc khủng hoảng của những cấu trúc lịch sử về quan hệ nhân văn mà xã hội hiện đại thừa kế từ quá khứ tiền công nghiệp và tiền tư bản chủ nghĩa, và cũng nhờ những cấu trúc ấy mà nó đã vận hành. Đó không chỉ là khủng hoảng của một hình thái, mà của mọi hình thái tổ chức xã hội. Những lời kêu gọi thống thiết hướng về một “xã hội dân sự” không được xác định rõ ràng, về một “cộng đồng” mông lung không kém, phát xuất từ cửa miệng những thế hệ chơi vơi, lạc loài. Đã có những thời nghe thấy những lời kêu gọi tương tự, khi mà ngôn từ đã mất hết ý nghĩa truyền thống và trở thành những công thức sáo rỗng. Không còn cách nào định nghĩa bản sắc của một nhóm, một tập thể, khác hơn là chỉ định ai là những kẻ lạ, không thuộc nhóm, không nằm trong tập thể ấy.

Đối với nhà thơ T. S. Eliot “thế giới đã cáo chung như thế – không phải trong một tiếng nổ vang, mà trong những lời rên rỉ”. Thế kỉ XX Ngắn đã kết thúc trong cả hai.

* * *

III

So với năm 1914, thì thế giới của thập niên 1990 là một thế giới như thế nào? 6 tỉ người, có lẽ đông gấp ba lần dân số khi Thế chiến thứ Nhất bắt đầu, mặc dầu Thế kỉ này đã tàn sát hoặc để mặc cho chết một số người lớn hơn mọi thời kì trong lịch sử. Theo một ước tính gần đây nhất, con số này có thể lên tới 187 triệu (Brzezinski, 1993), nghĩa là hơn 1/10 dân số thế giới năm 1900. Trong thập niên 1990, người ta cao hơn và nặng hơn cha mẹ, ăn uống khá hơn và sống lâu hơn, một điều khó tin nếu người ta chỉ nhìn vào những tai họa diễn ra trong những năm 1980 và 1990 ở châu Phi, châu Mỹ Latin và Liên Xô cũ. Thế giới chưa bao giờ phong phú như vậy trong khả năng sản xuất ra những của cải và dịch vụ vô cùng đa dạng. Lẽ ra nó hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu của một dân số đông đảo hơn bao giờ hết. Cho đến những năm 1980, đại bộ phận loài người sống khá hơn thế hệ cha mẹ, và ở các nước phát triển, người ta sống khá hơn nhiều so với sự chờ đợi hay hay hi vọng. Vào giữa thế kỉ, trong mấy chục năm trời, tưởng như người ta đã tìm ra phương tiện phân phối, trong tinh thần công bằng tương đối, ít nhất một phần tài nguyên to lớn cho người lao động ở những nước giàu, nhưng đến cuối thế kỉ, sự chênh lệch lại nghiêm trọng hơn bao giờ hết. Nó lan tràn sang cả những nước “Xã hội Chủ nghĩa” cũ, là những nước mà trước đây ít ra cũng có sự bình đẳng trong cái nghèo. So với năm 1914, loài người được học hành tốt hơn. Lần đầu tiên trong lịch sử, phần lớn người dân có thể nói là biết đọc biết viết, ít nhất theo những thống kê chính thức. Ý nghĩa của sự việc này không rạch ròi như năm 1914 vì có một khoảng cách rất lớn (có lẽ ngày càng tăng) giữa khả năng tối thiểu theo quy định chính thức (có thể xuống tới mức “mù chữ chức năng”) và khả năng biết đọc biết viết theo cách hiểu của giới ưu tú.

Thế giới tràn ngập bởi kĩ thuật cách mạng, càng ngày càng tiến triển, dựa trên những thắng lợi của khoa học tự nhiên – những thắng lợi này, năm 1914 cũng có thể tiên đoán, nhưng lúc đó mới chỉ ở bước đầu. Về mặt thực tiễn, hậu quả ngoạn mục nhất của tiến bộ khoa học kĩ thuật có lẽ là cuộc cách mạng trong vận chuyển và truyền thông, nhờ đó thời gian và khoảng cách hầu như bị triệt tiêu. Thế giới ngày nay có thể cung cấp – từng ngày, từng giờ, tới mỗi gia đình – nhiều thông tin và thú tiêu khiển hơn cả các hoàng đế năm 1914. Người ta có thể nói chuyện với người ở bên kia đại dương, bên kia lục địa mà chỉ cần bấm vài cái trên bàn phím. Những chênh lệch về văn hóa giữa thành thị và nông thôn không còn nữa.

Trong điều kiện như vậy, tại sao thế kỉ XX không kết thúc bằng sự biểu dương bước tiến phi thường chưa từng có, mà lại diễn ra trong bầu không khí băn khoăn bứt rứt? Tại sao bao nhiêu bộ óc tinh anh – như những lời đề từ ở đầu chương sách này cho thấy – khi nhìn lại thế kỉ này, lại không thấy thỏa mãn, và nhất là không mấy tin tưởng ở tương lai? Không phải chỉ vì đó là thế kỉ tàn sát ghê gớm nhất mà trí nhớ con người ghi nhận – quy mô, tần số và thời gian chiến tranh trong suốt thế kỉ (có lẽ chỉ có một khoảng trống ngắn ngủi trong thập niên 1920) và cả quy mô những tai họa nhân đạo (từ những nạn đói lớn trong lịch sử cho tới những cuộc diệt chủng có hệ thống). Khác hẳn “thế kỉ XIX dài” dường như, và thực sự đã là một thời kì tiến bộ vật chất, trí tuệ và tinh thần hầu như liên tục, nghĩa là tiến bộ của những giá trị của nền văn minh, thì từ năm 1914 trở đi, người ta chứng kiến sự suy thoái của chúng, những giá trị cho đến thời ấy được coi là chuẩn mực ở các nước phát triển và trong giới tư sản, và người ta tin tưởng rằng đó là những giá trị sẽ lan tỏa ra cả những vùng đất lạc hậu, vào các tầng lớp chưa được khai sáng trong xã hội.

Friedrich Engels (1820-1895)

Thế kỉ này đã và còn đang dạy chúng ta rằng con người biết tập sống trong những điều kiện tàn bạo, có thể nói là không thể chịu đựng, cho nên sẽ không dễ nắm bắt tình trạng trở về cái mà cha ông chúng ta ở thế kỉ XIX chắc sẽ gọi là chuẩn mực của sự dã man, sẽ rộng lớn tới đâu, một quá trình chắc chắn sẽ tăng tốc. Chúng ta quên rằng Friedrich Engels, nhà cách mạng lão thành, đã thấy gớm ghiếc thế nào khi những chiến sĩ Cộng hòa Ireland đánh bom ở Westminster Hall: theo quan niệm của người lính già ấy, làm chiến tranh là chiến đấu với những người cầm súng, chứ không với người dân thường. Chúng ta cũng quên rằng nạn pogrom (tàn sát người Do Thái) dưới thời Sa hoàng, khiến cho công luận phẫn nộ và đã đưa đẩy hàng triệu người Do Thái vượt Đại Tây Dương tị nạn trong những năm 1881-1914, so với những cuộc tàn sát thời hiện đại, thì không thấm vào đâu: số người bị giết là mấy chục, chứ không phải hàng trăm, hàng triệu. Chúng ta quên rằng theo một Công ước quốc tế trước đây đã được kí kết, trong chiến tranh thì các cuộc xung đột “không được bắt đầu mà không báo trước, và phải được hiển ngôn bằng một lời tuyên chiến có lí do hay một tối hậu thư kèm theo là lời tuyên chiến có điều kiện”. Trận chiến tranh cuối cùng được tuyên chiến một cách hiển ngôn hay ẩn ngôn như vậy đã xảy từ hồi nào? Và cuộc chiến tranh được kết thúc bằng một hòa ước chính thức được kí kết giữa các quốc gia tham chiến? Trong thế kỉ XX, các cuộc chiến tranh ngày càng nhắm đánh vào kinh tế và cơ sở hạ tầng của các nước cũng lấy thường dân làm mục tiêu. Từ Thế chiến thứ Nhất trở đi, số nạn nhân dân sự trong chiến tranh đã lớn hơn số thương vong quân nhân trong tất cả các nước tham chiến – ngoại trừ Hoa Kỳ. Trong chúng ta, ai còn nhớ rằng, năm 1914, đây là điều được nhất trí chấp thuận:

Như các sách giáo khoa đã dạy, chiến tranh văn minh, trong chừng mực tối đa có thể, nhằm loại ra khỏi vòng chiến các lực lượng vũ trang của đối phương; khi mục tiêu này chưa hoàn thành, thì cuộc chiến đấu còn tiếp tục, cho đến khi một trong hai bên bị tận diệt. Thực tiễn này đã trở thành một tập quán của các nước châu Âu […], điều đó không phải là không có nguyên do.”

Encyclopedia Britannica (Từ điển Bách khoa Anh), lần xuất bản thứ XI, 1911, mục “War” (Chiến tranh)

Nếu chúng ta thấy rõ nạn tra tấn, thậm chí tàn sát, gia tăng, trở thành khía cạnh bình thường của những hoạt động an ninh công cộng tại những quốc gia hiện đại, có lẽ chúng ta không nhận thức được rằng đó là một bước lùi thảm khốc so với cả một thời kì tiến bộ về pháp lí – bắt đầu từ việc bãi bỏ chế độ nô lệ lần đầu tiên ở một nước phương Tây, năm 1780, cho đến năm 1914.

Song cũng không thể so sánh thế giới cuối với thế giới đầu thế kỉ XX bằng những con số “hơn” hay “kém”. Thế giới đã đổi khác về chất, ít nhất trên ba phương diện.

Đầu tiên, trung tâm của nó không còn là châu Âu nữa – khi thế kỉ bắt đầu, lục địa này rõ ràng là trung tâm quyền lực, của cải, trí tuệ, và trung tâm của “nền văn minh phương Tây”. Từ tỉ số 1/3 nhân loại, người châu Âu và người gốc châu Âu ngày nay xuống còn chưa đầy 1/6: một thiểu số đang trên đà giảm thiểu, sống ở những nước mà dân số sinh sản giỏi lắm là không giảm xuống thêm, trong vòng vây – và đa số phải xây thành lũy để ngăn chặn (biệt lệ trái nghịch, cho đến những năm 1990, là Hoa Kỳ) – của làn sóng di dân đến từ những khu vực nghèo khó. Những ngành công nghiệp mà châu Âu khai sáng ngày nay di chuyển sang chỗ khác. Ở bên kia đại dương, những nước xưa kia chăm chú nhìn vào châu Âu, nay quay mặt sang hướng khác. Australia, New Zealand, và cả Hoa Kỳ nữa (mở ra hai đại dương), đều coi tương lai là ở Thái Bình Dương – bất luận ý nghĩa cụ thể của câu chữ này là như thế nào.

Các “đại cường” năm 1914, tất cả đều là những quốc gia châu Âu, nay đã biến mất – như Liên Xô, tiếp nối nước Nga Sa hoàng – hay xuống cấp khu vực hay tỉnh lẻ, trừ trường hợp Đức, có thể là một biệt lệ. Bản thân những nỗ lực tạo ra một “Cộng đồng châu Âu” siêu quốc gia duy nhất, và tạo dựng lên một “căn cước châu Âu” tương ứng, thay thế cho những riềng mối thần phục xưa cũ đối với những quốc gia dân tộc trong lịch sử, cũng chứng tỏ sự suy tàn ấy sâu sắc tới mức nào.

Sự đổi thay này phải chăng có một tầm quan trọng to lớn, không kể đối với riêng các nhà sử học? Có lẽ không, vì nó chỉ mang lại những thay đổi nhỏ trong cục diện kinh tế, trí tuệ và văn hóa thế giới. Ngay từ năm 1914, Hoa Kỳ đã trở thành nước công nghiệp chủ yếu, tiên phong, mẫu mực và lực đẩy của nền sản xuất và văn hóa đại chúng đã chinh phục thế giới trong thế kỉ XX. Với những đặc điểm riêng biệt, Hoa Kỳ là sự nối dài của châu Âu bắc qua đại dương, liên kết với Cựu Thế giới dưới ngọn cờ của “nền văn minh phương Tây”. Viễn tượng tương lai chưa biết ra sao, nhưng trong những năm 1990, Hoa Kỳ đã nhìn lại “Thế kỉ Mỹ”, thời đại của sự lớn mạnh và đại thắng của nước Mỹ. Toàn thể các nước công nghiệp hóa từ thế kỉ XIX, gộp chung lại, vẫn còn tập trung trong tay họ phần lớn nhất tài nguyên, sức mạnh kinh tế, khoa học và kĩ thuật của trái đất, dân chúng các nước này vẫn có mức sống cao nhất thế giới. Vào cuối thế kỉ, điều này cũng vẫn bù trừ quá trình giải công nghiệp hóa và sự chuyển dịch sản xuất sang những lục địa khác. Trong chừng mực đó, cảm tưởng về một thế giới cũ, “dĩ Âu vi trung”, hay “phương Tây”, trên đà suy tàn, là một ấn tượng hời hợt.

Ý nghĩa hơn là sự đổi thay thứ hai. Từ năm 1914 đến đầu những năm 1990, thế giới đã biến đổi hẳn thành một đơn vị thao tác duy nhất – tình hình năm 1914 hoàn toàn không như vậy và dù muốn cũng không thể như vậy. Thật vậy, xét về trường hoạt động kinh tế, thì ngày nay trái đất là đơn vị thao tác chủ yếu, và những đơn vị trước đó, ví dụ như các “nền kinh tế quốc gia”, được quy định bởi chính sách của các nhà nước với lãnh thổ nhất định, chỉ làm phức tạp thêm các hoạt động xuyên quốc gia. Đến giữa thế kỉ XXI, các nhà quan sát nhìn lại tiến độ những năm 1990 của việc xây dựng “Làng hành tinh” – cụm từ được tạo ra vào thập niên 1960 (McLuhan, 1962) – sẽ thấy chưa cao lắm, nhưng sự thật là không những nó đã thay đổi một số hoạt động kinh tế, kĩ thuật, và sự vận hành của khoa học, mà đã biến đổi những khía cạnh quan trọng của đời sống riêng tư, chủ yếu do sự tăng tốc khó tưởng tượng trong giao thông và vận tải. Đặc trưng nổi trội nhất cuối thế kỉ XX có lẽ là sự căng thẳng giữa sự tăng tốc quá trình toàn cầu hóa và sự bất cập của các định chế công cũng như của con người để thích ứng với tình thế đó. Một điều khá kì thú là ứng xử cá nhân ít gặp khó khăn hơn khi thích ứng với thế giới của truyền hình qua vệ tinh, thư internet, đi nghỉ ở đảo Seychelles và trao đổi xuyên đại dương.

Đổi thay thứ ba dễ gây nhiễu loạn hơn về nhiều mặt: đó là sự tan rã các hình thái quan hệ xã hội cũ, và đi cùng với nó, sự đứt đoạn trong mối liên hệ giữa các thế hệ, tức là giữa quá khứ và hiện tại. Hiện tượng này hiển nhiên tại các nước phát triển nhất của chủ nghĩa tư bản theo kiểu phương Tây, với sự chế ngự của các giá trị chủ nghĩa cá nhân phi xã hội tuyệt đối. Điều này thấy rõ trong các ý thức hệ, chính thức và không chính thức, ngay cả trong trường hợp những người chủ trương các ý thức hệ ấy lại than vãn về những hậu quả xã hội. Ta cũng thấy xu hướng này rõ nét không kém ở những nước khác, lại được củng cố thêm do sự xói mòn của những xã hội và tôn giáo truyền thống, hoặc do sự phá hủy, hay tự phá hủy, của các xã hội của “chủ nghĩa xã hội hiện tồn”.

Một xã hội như thế, bao gồm những cá nhân không gì gắn kết với nhau, vị kỉ, đi tìm sự tự thỏa mãn (lợi nhuận, thú vui hay gì gì khác) vốn đã ẩn tàng trong lí thuyết kinh tế học tư bản chủ nghĩa. Ngay từ Thời đại Cách mạng, những nhà quan sát, thuộc mọi xu hướng ý thức hệ, đã tiên đoán sự tan rã các quan hệ xã hội và đã theo dõi diễn trình này. Tuyên ngôn Cộng sản, như mọi người biết, đã biểu dương vai trò cách mạng của chủ nghĩa tư bản như sau: “Giai cấp tư sản […], không thương xót, […] đã giật đứt những mối dây muôn màu của chế độ phong kiến buộc chặt con người với thượng cấp tự nhiên, chỉ còn để lại giữa con người với con người mối liên hệ trần trụi: quyền lợi”. Nhưng, trong thực tiễn, xã hội mới tư bản chủ nghĩa đã vận hành không hẳn như vậy.

Nó không tận diệt toàn bộ di sản của xã hội cũ, mà đã thích ứng có chọn lựa. Không có gì “bí ẩn xã hội học” trong sự khẩn trương của xã hội tư bản chủ nghĩa nhằm du nhập một “chủ nghĩa cá nhân triệt để trong kinh tế […], với hệ quả là phá tan mọi liên hệ xã hội cổ truyền” (khi những liên hệ này cản đường), song nó cũng e ngại “chủ nghĩa cá nhân thực nghiệm triệt để” trong văn hóa (hay trong lĩnh vực ứng xử và đạo đức) (Daniel Bell, 1976, tr. 18). Phương thức hiệu quả nhất để xây dựng nền kinh tế công nghiệp dựa trên doanh nghiệp tư nhân là du nhập những động cơ tinh thần xa lạ với logic thị trường: ví dụ như đạo đức Tin lành, từ bỏ sự thỏa mãn tức thời, đạo lí về thành tích lao động, bổn phận gia đình và sự tin cậy, nhưng tất nhiên không dung thứ sự nổi dậy chống đối của cá nhân.

Tuy nhiên, Marx và những người đã tiên tri về sự tan rã của các giá trị và quan hệ xã hội cũ, hoàn toàn có lí. Chủ nghĩa tư bản đã là một lực lượng cách mạng liên tục và thường trực. Theo đúng logic, nó sẽ phải phân hủy ngay cả những chiều kích tiền tư bản chủ nghĩa mà nó thấy tiện lợi, thậm chí cốt yếu, cho sự phát triển của mình. Nó sẽ phải cưa đứt ít nhất một trong những cành cây mà nó ngồi trên đó. Và điều đó, vào giữa thế kỉ XX, đã xảy ra. Dưới tác động của sự bùng nổ kinh tế phi thường Thời đại Hoàng kim, với những đổi thay về xã hội và văn hóa tiếp theo, một cuộc cách mạng sâu sắc nhất của xã hội loài người kể từ thời đại đồ đá, cành cây đã bắt đầu răng rắc, rồi gãy đôi. Vào cuối thế kỉ, lần đầu tiên ta có thể hình dung ra diện mạo một thế giới trong đó quá khứ, kể cả “quá khứ trong hiện tại”, đã mất hết vai trò; một thế giới trong đó bản đồ và những cọc mốc trước đây đã hướng dẫn con người, cá nhân và tập thể, không còn vẽ ra cảnh quan chúng ta đang tiến bước, không còn vẽ ra biển khơi để cánh buồm lướt sóng: chúng ta không biết trong cuộc hành trình này, chúng ta đang ở đâu, sẽ đi về đâu.

Đó là tình hình đã diễn ra trước mặt một bộ phận loài người vào cuối thế kỉ này, và bộ phận ấy sẽ ngày càng đông đảo trong thiên niên kỉ tới đây. Lúc ấy, ta sẽ thấy rõ hơn là nhân loại đang đi về đâu. Chúng ta có thể quay đầu nhìn lại lộ trình đã dẫn ta tới chỗ hiện tại: tôi cũng đã thử làm trong những trang sách này. Chúng ta không biết dạng thức tương lai sẽ như thế nào, mặc dầu tôi cũng đã không cưỡng lại được ý muốn suy ngẫm về một số vấn đề của tương lai, như chúng đã trồi lên từ hoang tàn của giai đoạn chúng ta vừa kinh qua. Chúng ta hãy hi vọng rằng đó sẽ là một thế giới tốt hơn, công bằng hơn, dễ sống hơn. Thế kỉ này đã kết thúc chẳng tốt đẹp gì.

Nguyễn Ngọc Giao dịch

Maisons-Alfort, Val-de-Marne, Pháp

Nguồn: Dịch giả gởi trực tiếp cho PTKT, 07.2021.




Chú thích:

[1] “Chunel Vision”, Lingua Franca, tháng 11-1997, tr. 22-24.

[2] “Furet vs Hobsbawm”, Newsletter, thu-đông 1997-1998, tr. 10.

[3] P. Nora: “Traduire: nécessité et difficulté”, Le Débat, số 93, 1-2.1997, tr. 93-95.

[4] 12 cái nhìn này về thế kỉ XX được trích dẫn từ Agosti và Borgese, 1992, tr. 42, 210, 154, 76, 4, 8, 204, 2, 62, 80, 140, 160.

[5] Tôi đã thử miêu tả và giải thích sự trỗi dậy của nền văn minh phương Tây trong bộ sử ba tập Thế kỉ XIX dài (từ thập niên 1780 đến 1914) và tìm cách phân tích sự suy sụp của nó. Bài này thỉnh thoảng, mỗi khi cần thiết, viện dẫn ba tập này: The Age of Revolution (Thời đại Cách mạng) 1789-1848, The Age of Capital (Thời đại Tư bản) 1848-1875, và The Age of Empire (Thời đại Đế chế) 1875-1914.

Print Friendly and PDF