26.11.21

Lô-gic học và tâm lý học (H. Reichenbach, 1947)

Từ khóa: Lô-gic học và Tâm lý học; Reichenbach, Hans – Trích đoạn

LÔ-GIC HỌC VÀ TÂM LÝ HỌC (1947)

Tác giả: Hans Reichenbach[1]
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Hans Reichenbach (1891-1953)

Lô-gic học thường được định nghĩa là thứ khoa học liên quan tới các quy luật của tư duy. Đây là một lối đặc trưng hóa mơ hồ, trừ phi chúng ta phân biệt quy luật tư duy của tâm lý học với quy luật tư duy của lô-gic học. Quá trình tư duy hiện thực không phân tích rõ rệt khác biệt này; một phần của nó được xác định một cách lô-gic, một phần là tự động, một phần là thất thường; và những gì chúng ta quan sát được như các bộ phận của nó phần lớn đều là những kết tinh biệt lập của các dòng tiềm thức ẩn dưới lớp bụi mù từ những cuộc diễu hành của cảm xúc. Trong chừng mức là có các quy luật nào ta có thể quan sát được, thì chúng đều đã được công thức hóa bởi khoa tâm lý học; chúng bao gồm mọi quy luật tư duy, cả đúng lẫn sai, bởi vì cái xu hướng mắc vào một số ngụy lý nào đó phải được xem là một quy luật tâm lý, trong cùng một nghĩa với các thói quen may mắn hơn của tư duy đúng đắn. Còn bản thân sự phân biệt này – sự phân biệt giữa tư duy đúng với tư duy sai – thì nó không thể được thực hiện trong khuôn khổ của phân tích tâm lý học

Nếu chúng ta muốn nói rằng lô-gic học liên quan tới tư duy, thì tốt hơn nên nói thế này: lô-gic học dạy chúng ta tư duy PHẢI được tiến hành như thế nào, chứ không phải tư duy diễn tiến ra sao trên thực tế. Tuy nhiên, công thức này vẫn dễ vướng vào một hiểu lầm khác. Tin rằng ta có thể cải tiến tư duy của ta bằng cách bắt nhốt nó trong bộ quần áo nịt cứng tay chân của các thao tác lô-gic được sắp xếp chặt chẽ là điều hết sức vô lý. Chúng ta đều biết rất rõ rằng tư duy hiệu năng có nhiều nẻo tối tăm riêng mà nó buộc phải theo, và sự kiến hiệu không thể nào được bảo đảm bằng thứ huấn lệnh nhằm kiểm soát những bước chuyển từ cái đã biết sang cái chưa biết. Đúng hơn, chỉ những kết quả của tư duy, chứ không phải bản thân quá trình tư duy, mới là cái phần mà lô-gic học kiểm soát được. Lô-gic là nền móng của tư duy, không phải là bệ phóng của nó, là kẻ điều chỉnh tư duy hơn là động lực của nó; lô-gic học xây dựng thứ quy luật qua đó chúng ta đánh giá những sản phẩm của tư duy xem chúng là đúng hoặc sai, chứ không phải là thứ quy luật mà ta muốn áp đặt lên quá trình tư duy. Ngay cả đối với những bộ óc được đào tạo, các quá trình tư duy sáng tạo cũng không di chuyển dọc theo những ngả đường đã được sắp xếp, mà tuân theo thứ phương pháp làm thử và sửa sai (trial and error), qua đó lô-gic học tách biệt những kết quả đúng khỏi những cái sai. Nếu quả thật là, tới một mức độ nào đó, chúng ta có thể nâng cấp tư duy của mình bằng cách nghiên cứu lô-gic học, thì thực tế này cần được giải thích như một cách điều kiện hóa các thao tác tư duy của ta, sao cho số lượng tương đối những kết quả đúng tăng lên.

Khi chúng ta gọi lô-gic học là khoa học nhằm phân tích tư duy, thì biểu thức này phải được diễn giải thế nào để không còn một nghi ngờ nào nữa, rằng không phải là cách ta tư duy trong thực tế mà chúng ta có tham vọng phân tích. Chính cái thay thế cho các quá trình tư duy, sự tái tạo chúng bằng lý tính (rational reconstruction) mới đúng thật là cơ sở của phân tích lô-gic học. Sau khi đạt được các kết quả của nỗ lực tư duy, chúng ta có thể sắp xếp lại những tư duy của mình một cách vững chắc, xây dựng lại chuỗi tư duy từ điểm khởi hành tới điểm kết thúc; chính sự tái tạo thuần lý dòng tư duy này mới là cái được lô-gic học điều khiển, và chính sự phân tích của nó mới phát hiện ra những quy tắc mà ta gọi là quy luật lô-gic. Hai lĩnh vực phân tích chúng ta vừa phân biệt có thể được gọi là bối cảnh khám phá (context of discovery) bối cảnh biện minh (context of justification). Bối cảnh khám phá là phần việc của phân tích tâm lý học;[2] lô-gic học chỉ quan tâm tới bối cảnh biện minh, tức là, tới sự phân tích xem các chuỗi thao tác của tư duy đã được sắp xếp như thế nào khiến cho những kết quả của chúng là phải biện chính được. Ở đây, sự biện minh được xác định mỗi khi chúng ta có bằng chứng cho thấy ta có cơ sở vững chắc để dựa trên những kết quả ấy.

Một thắc mắc từng được đặt ra là, liệu mọi quá trình tư duy đều có những phát biểu ngôn ngữ đi kèm theo hay không, và các chủ thuyết [tâm lý học] hành vi cho rằng tư duy có nội dung biểu đạt ngôn ngữ đều bị các nhà tâm lý học khác tấn công. Chúng ta không cần phải tham gia vào cuộc tranh cãi này ở đây, chính vì lý do là chúng ta không kết nối phân tích lô-gic học với cách ta tư duy trong hiện thực, mà với tư duy dưới cái dạng thức được xây dựng lại thuần lý của nó. Và chắc chắn rằng sự tái cấu trúc này buộc ta phải dùng hình thức ngôn ngữ; đấy chính là lý do khiến lô-gic học liên quan chặt chẽ tới ngôn ngữ. Chỉ sau khi các quá trình tư duy đã được chuyển sang dạng ngôn ngữ, chúng mới đạt tới độ chính xác khiến chúng có thể được thử thách bằng sự kiểm tra lô-gic; vì vậy, hiệu lực lô-gic là một thuộc tính của các dạng thức ngôn ngữ. Những cân nhắc loại này đã dẫn đến luận điệu rằng lô-gic học phân tích ngôn ngữ, và thuật từ “quy luật lô-gic” nên được thay thế bằng thuật từ “quy tắc ngôn ngữ”. Như vậy, trong lý thuyết diễn dịch, chúng ta nghiên cứu loại quy tắc dẫn từ các biểu đạt đúng này đến những phát biểu đúng khác. Lối nói này có vẻ chấp nhận được, khi ta làm rõ ra rằng thuật từ “quy tắc ngôn ngữ” không hề đồng nghĩa với “quy tắc độc đoán”. Không phải mọi quy tắc của ngôn ngữ đều là độc đoán; chẳng hạn, các quy tắc diễn dịch được xác định bởi định đề rằng chúng phải dẫn từ các mệnh đề đúng này sang những mệnh đề đúng khác, chứ không thể là độc đoán.

Chính giá trị của một phân tích ngôn ngữ như vậy đã khiến cho quá trình tư duy trở nên rõ ràng, chính nó phân biệt những ý nghĩa, và các quan hệ giữa những ý nghĩa, trên cái nền mù mờ của loại động cơ và ý đồ tâm lý. Rồi nhà nghiên cứu lô-gic học thấy rằng phương pháp ký hiệu sẽ cung cấp cho ta một công cụ thiết yếu để làm rõ nghĩa như vậy, và ​​ly tên nó đặt cho hình thc lô-gic học hiện đại là lô-gic học ký hiệu (symbolic logic). Đúng là các thao tác lô-gic học đơn giản có thể được thực hiện mà không cần tới sự hỗ trợ của biểu tượng ký hiệu; nhưng cấu trúc của những quan hệ phức tạp không thể được nhìn thấy mà không có sự trợ giúp của các hệ ký hiệu. Lý do là sự ký hiệu hóa loại bỏ ý nghĩa cụ thể của các từ, và biểu hiện cái cấu trúc tổng quát kiểm soát những từ này, đồng thời sắp xếp vị trí của chúng bên trong những quan hệ bao hàm. Ưu thế lớn của lô-gic học hiện đại so với các dạng cũ hơn của môn học này xuất phát từ sự kiện sau: lô-gic học hiện đại có khả năng phân tích các cấu trúc mà lô-gic học truyền thống chưa bao giờ hiểu, và nó có khả năng giải quyết những vấn đề mà lô-gic học cổ điển chưa bao giờ nhận biết sự tồn tại.

Chúng tôi đã nói rằng lô-gic học không thể đòi hỏi thay thế tư duy sáng tạo. Giới hạn này bao gồm cả lô-gic học ký hiệu; chúng tôi không hề muốn nói rằng các phương pháp của lô-gic học ký hiệu sẽ khiến cho các hình thức tư duy giàu tưởng tượng được sử dụng trong mọi lĩnh vực của cuộc sống trở thành phù phiếm2, và chắc chắn sẽ là một sự hiểu sai nếu tin rằng lô-gic học ký hiệu là đại diện cho một loại kỹ thuật như thước lô-ga (slide-rule) có thể giải quyết được mọi vấn đề. Giá trị thực tiễn của một kỹ thuật khoa học mới luôn luôn là một vấn đề phụ. Lô-gic học trước hết là một khoa học lý thuyết; và nó tiến hành bằng cách khoác cho những ý niệm vẫn được sử dụng, dù bản chất không được hiểu rõ cho đến nay, một hình thức xác định. Bất cứ ai từng nhìn sâu vào cấu trúc của tư duy như vậy, bất cứ ai từng trải nghiệm trong đầu cái quá trình soi sáng tuyệt vời mà phân tích lô-gic học thực hiện được, sẽ biết khoa lô-gic học có thể thực hiện được những gì.

Hans Reichenbach,
 Lô-gic Học Ký Hiệu Căn Bản,
(Elements of Symbolic Logic,
New York, The Free Press, 1966, tr. 1-3).

Nguồn: Lô-gic học và tâm lý học (H. Reichenbach, 1947), Viện Giáo Dục IRED, 15-06-2021.




Chú thích:

[1] Hans Reichenbach (1891-1953): triết gia khoa học hàng đầu thuộc trường phái chủ nghĩa thực chứng lô-gic. Tác phẩm chính: The theory of relativity and a priori knowledge (1920, 1965); Axiomatization of the theory of relativity (1924, 1969); From Copernicus to Einstein (1927, 1942, 1980); The Philosophy of Space and Time (1928, 1957); Atom and cosmos (1930, 1932); The Theory of probability (1935, 1949); Experience and prediction (1938); Philosophic Foundations of Quantum Mechanics (1944, 1998); Elements of Symbolic Logic (1947, 1966); Philosophy and physics (1946, 1948); The Rise of Scientific Philosophy (1951); Nomological statements and admissible operations (1954); The Direction of Time (1956, 1971); Modern philosophy of science (1959, 1981); Selected writings: 1909-1953 (1978).

[2] Thật ra, của tâm lý học nhận thức và triết lý khoa học. Xem thêm các bài về Lô-gic của Khám phá Khoa học (Logic of Scientific Discovery) trên trang mục Triết Lý Các Khoa HọcTâm Lý Học khi có thể tham khảo.

Print Friendly and PDF