17.11.21

Sau COP26, hướng tới một sự hoà hoãn giữa TQ và Hoa Kỳ?

SAU COP26, HƯỚNG TỚI MỘT SỰ HOÀ HOÃN GIỮA TRUNG QUỐC VÀ HOA KỲ?

Pierre-Antoine Donnet

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và người đồng cấp Mỹ Joe Biden. (Nguồn: I24News)

Thỏa thuận về khí hậu được thông qua tại Glasgow vào hôm thứ Bảy ngày 13 tháng 11 đã dấy lên nhiều thất vọng. Không có cam kết về loại bỏ nguồn năng lượng hóa thạch, cũng như về tài trợ “những mất mát và thiệt hại” cho các nước đang phát triển, nạn nhân của những thảm họa khí hậu không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, hai tuần diễn ra hội nghị này ở Scotland đã cho ra đời một thỏa thuận bất ngờ khác giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ về cuộc chiến chống lại sự biến đổi khí hậu. Một thông cáo báo chí vừa cho biết sẽ có một hội nghị thượng đỉnh ảo sắp tới, đi đôi với hội nghị thượng đỉnh Glasgow, giữa Joe Biden và Tập Cận Bình dự kiến ​​diễn ra vào ngày thứ Hai, 15 tháng 11, bổ sung thêm cho một ngôn từ ít hung hăng hơn của Trung Quốc, so với thường lệ. Liệu mối quan hệ giữa hai siêu cường thế giới có hướng tới một sự hoà hoãn chăng?

Hội nghị COP26 đã khởi đầu tồi tệ giữa Washington và Bắc Kinh. Khi hiện diện tại Glasgow vào buổi đầu Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc vào tuần trước, Joe Biden đã gọi việc người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình vắng mặt tại COP26 là một “sai lầm lớn”, cáo buộc ông Tập đã “quay lưng” với cuộc khủng hoảng về khí hậu. Rồi thông báo vào hôm thứ Tư tuần này, ngày 10 tháng 11, đã khiến mọi người bất ngờ. Hai nước phát thải khí nhà kính lớn thứ nhất thế giới sẽ hợp lực cùng nhau. Đặc phái viên về khí hậu của Trung Quốc, Xie Zhenhua [Giải Chấn Hoa], đã thông báo với báo chí rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ đã đồng ý về một “tuyên bố chung về tăng cường hành động vì khí hậu. Cả hai bên đều nhận thức rõ khoảng cách giữa các nỗ lực hiện tại và các mục tiêu của Thỏa thuận Paris.”

Trong một dòng bày tỏ trên trang tweet, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, đang có mặt tại Glasgow, đã hoan nghênh thỏa thuận này. Ông coi đó là “một bước đi quan trọng đúng hướng. [Thỏa thuận này] cho thấy sự hợp tác là con đường duy nhất cho Trung Quốc và Hoa Kỳ,” khi căng thẳng giữa hai nước, trong thời gian gần đây, có vẻ như đã lấn sang lãnh vực ngoại giao về khí hậu.

Đặc phái viên Trung Quốc còn tuyên bố: “Với tư cách là hai cường quốc chính của thế giới, Trung Quốc và Hoa Kỳ phải có trách nhiệm cùng làm việc với nhau và với các bên khác trong cuộc chiến chống lại sự biến đổi khí hậu.”

Ngay sau phát biểu của người đồng cấp tại Bắc Kinh, đặc phái viên Mỹ về khí hậu, John Kerry, đã hoan nghênh “lộ trình” này nhằm xác định “cách thức mà hai nước sẽ hạn chế hiện tượng thời tiết nóng lên và cùng nhau nâng tầm các mục tiêu tham vọng về khí hậu”.

MỤC TIÊU CỦA THỎA THUẬN PARIS

Trong văn kiện được đăng trực tuyến, tại COP26, hai nước cam kết làm việc vì “một kết quả nhiều tham vọng, có cân bằng và bao trùm về việc làm giảm bớt (hạ thấp mức phát thải), thích ứng và hỗ trợ tài chính”. Nói rộng hơn, hai nước cam kết “thực hiện các biện pháp tăng cường để nâng cao các mục tiêu tham vọng trong những năm 2020”, bằng cách tái khẳng định sự gắn bó với các mục tiêu của Thỏa thuận Paris, một mức tăng nhiệt độ thời tiết hạn chế “trong phạm vi dưới” 2°C so với kỷ nguyên tiền công nghiệp, và nếu có thể ở mức 1,5°C. Tuy nhiên, theo Liên Hợp Quốc, thế giới vẫn đang ở quỹ đạo mức tăng nhiệt độ thời tiết “thảm khốc” là 2,7°C.

Boris Johnson (1964-)
John Kerry (1943-)

Thủ tướng Anh Boris Johnson, người chủ trì hội nghị Glasgow, vừa đưa ra lời kêu gọi về một “động lực mạnh mẽ” trong các cuộc đàm phán, đảm bảo không có “lý do bào chữa” cho việc thất bại, khi Bắc Kinh và Washington công bố một “tuyên bố chung về sự tăng cường hành động vì khí hậu”. Ông John Kerry đã tuyên bố với các phóng viên: “Nội dung của văn kiện này là những tuyên bố mạnh mẽ về các nghiên cứu đáng báo động của các nhà khoa học, về việc làm giảm lượng phát thải khí carbon, và về nhu cầu cấp thiết phải đẩy nhanh các hành động để đạt được các mục tiêu nói trên. Văn kiện này cam kết thực hiện một loạt các hành động quan trọng trong thập kỷ này, vào lúc cần phải hành động.”

Về phần Tập Cận Bình, ông đã tuyên bố, “Tất cả chúng ta đều có thể cam kết hướng tới con đường phát triển xanh, với một lượng phát thải khí carbon thấp và lâu dài”, tại một hội nghị ảo vào hôm thứ Năm, bên lề hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (Apec), nhưng không đề cập rõ đến thỏa thuận nói trên.

Về phần phó chủ tịch Ủy ban châu Âu, Frans Timmermans, ông đã tuyên bố với hãng AFP “Ngoài hội nghị COP, mọi thứ đều quan trọng đối với thế giới”. Tuy nhiên, văn kiện này đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều, đặc biệt từ các nước nghèo, vốn khăng khăng cho rằng các nước giàu nhất phải giữ lời hứa viện trợ của họ.

CUỘC HỌP ẢO

Một dấu hiệu nồng ấm khác giữa Bắc Kinh và Washington: một cuộc họp ảo lần đầu tiên giữa Joe Biden và Tập Cận Bình sẽ diễn ra vào hôm thứ Hai tuần này, ngày 15 tháng 11, theo Nhà Trắng. Hai nhà lãnh đạo đã gọi điện cho nhau hai lần, nhưng hội nghị thượng đỉnh này sẽ là cơ hội để hai siêu cường tiếp tục đối thoại, vào thời điểm mà mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington đang ở mức thấp nhất về một loạt các chủ đề, từ thương mại đến nhân quyền, qua đến các tham vọng của Trung Quốc trong khu vực. Nguyên tắc của cuộc họp này, lần đầu tiên dưới hình thức cầu truyền hình, kể từ khi Đảng Dân chủ lên nắm quyền vào tháng Giêng, đã được Nhà Trắng công bố vào đầu tháng 10.

Vào hôm thứ Năm tuần này, ngày 11 tháng 11, khi được hỏi trong một cuộc họp báo, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin [Vương Văn Bân] đã nhắc lại rằng hai nguyên thủ đã “đồng ý duy trì liên lạc thường xuyên bằng nhiều cách”. Hiện tại, Trung Quốc và Hoa Kỳ đang liên lạc chặt chẽ về các thỏa thuận cụ thể cho hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo,” ông nói thêm.

Chính tại Anchorage, Alaska, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã tổ chức cuộc gặp mặt trực tiếp lần đầu tiên vào tháng 3 kể từ khi Joe Biden lên nắm quyền ở Nhà Trắng. Cuộc gặp đó đã phơi bày những bất đồng sâu sắc chưa từng có giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới.

Tình trạng căng thẳng đã leo thang hơn nữa trong những tuần gần đây về số phận của Đài Loan, nơi mà giới chức trách Trung Quốc coi là một tỉnh phải quay trở lại trong tập thể của họ.

“KHÔI PHỤC CÁC MỐI QUAN HỆ”

Joe Biden cũng đảm bảo muốn hợp tác với chính quyền Trung Quốc về một số thách thức chung chẳng hạn như vấn đề khí hậu. Nhưng từ nay khi nói chuyện với người đối diện, đó sẽ là một người đàn ông ở đỉnh cao quyền lực ở đất nước họ. Hội nghị toàn thể Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa thông qua một nghị quyết, ca ngợi tư tưởng của Chủ tịch Trung Quốc [Tập Cận Bình], hiện thân của “nét đẹp nhất của văn hóa và tập quán Trung Quốc trong thời đại [của Tập]”, và sẽ cho phép ông [Tập] duy trì vị trí tại Đại hội Đảng lần thứ XX, dự kiến được tổ chức ​​vào năm 2022.

“Hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về cách thức để quản lý sự cạnh tranh một cách có trách nhiệm cũng như tính hữu ích của việc hợp tác khi lợi ích của hai bên gặp nhau”, theo lời tuyên bố của phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki vào hôm thứ Sáu, ngày 12 tháng 11. Tổng thống Biden sẽ không che giấu ý định và ưu tiên của Hoa Kỳ, đồng thời sẽ nói rõ và thẳng thắn các mối quan ngại của Hoa Kỳ. ”

Vương Nghị (1953-)
Antony Blinken (1962-)

Vào hôm thứ Bảy, ngày 13 tháng 11, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã nói với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken rằng Hoa Kỳ nên kiềm chế để không gửi đi những “tín hiệu xấu” đến Đài Loan. Hội nghị thượng đỉnh này không chỉ là một sự kiện lớn đối với mối quan hệ Trung-Mỹ, mà còn là một sự kiện lớn đối với các mối quan hệ quốc tế”, theo lời của ông Vương trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại được South China Morning Post trích dẫn. “Nhân dân hai nước, cũng như cộng đồng quốc tế, hy vọng cuộc họp lần này sẽ đạt được kết quả vì lợi ích của cả hai nước. [Cuộc họp lần này] nên là cơ hội để khôi phục mối quan hệ Trung-Mỹ trên con đường phát triển lành mạnh và ổn định.”

Nhưng nếu mối quan hệ Trung-Mỹ có vẻ đang ấm lên một chút, thì Tập Cận Bình có vẻ như không muốn mất cảnh giác. Vào hôm thứ Năm tuần này, ngay cả khi nói rằng ông “sẵn sàng làm việc” với Hoa Kỳ, nhưng Chủ tịch Trung Quốc đã cảnh báo về một bối cảnh có thể dẫn đến “chiến tranh lạnh”, trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi mà Hoa Kỳ luôn tìm cách chống lại các tham vọng của Bắc Kinh.

Thế nên, vẫn còn phải xem sự hoà hoãn này sẽ đi đến đâu, khi mà sự đối kháng về mặt chính trị, địa chính trị, chiến lược và công nghệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc còn quá nhiều và quá phức tạp.

Pierre-Antoine Donnet

Pierre-Antoine Donnet (1953-)

Pierre-Antoine Donnet, cựu nhà báo của AFP, là tác giả khoảng 15 cuốn sách viết về Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Tạng, Ấn Độ và những thách thức lớn của châu Á. Năm 2020, người cựu phóng viên tại Bắc Kinh này đã xuất bản cuốn “Le leadership mondial en question, L'affrontement entre la Chine et les États-Unis [Đặt lại vấn đề lãnh đạo thế giới, Cuộc đụng độ giữa TQ và Hoa Kỳ]”, nhà xuất bản Editions de l'Aube. Ông cũng là tác giả cuốn “Tibet mort ou vif [Tây Tạng chết hay sống]”, nhà xuất bản Gallimard vào năm 1990 và tái bản vào năm 2019 trong một ấn bản được cập nhật và bổ sung. Cuốn sách mới nhất của ông là “Chine, le grand prédateur [Trung Quốc, nước săn mồi vĩ đại]”, nhà xuất bản Éditions de l'Aube vào năm 2021.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Après la COP26, vers une détente entre la Chine et les États-Unis?, Asialyst, ngày 13/11/2021.

Print Friendly and PDF