12.11.21

Sinh thái của họ và sinh thái của chúng ta

“ĐỪNG VƯƠN LÊN ĐỨNG TRÊN NHỮNG NGƯỜI KHÁC

SINH THÁI CỦA HỌ VÀ SINH THÁI CỦA CHÚNG TA

Là người dự cảm tương lai, triết gia André Gorz đã dự đoán, trong bài báo này được công bố năm 1974, rằng các ngành công nghiệp, các nhóm tài chính – nói tóm lại là chủ nghĩa tư bản – sẽ sử dụng lại và chuyển hướng nội hàm ban đầu của từ sinh thái.

Tác giả: André Gorz

NÓI ĐẾN sinh thái, là như nói đến phổ thông đầu phiếu và sự nghỉ ngơi ngày chủ nhật: trong một giai đoạn đầu, tất cả những nhà tư sản và những người ủng hộ trật tự nói với bạn rằng bạn muốn họ bị phá sản, muốn chủ nghĩa vô chính phủ và chính sách ngu dân thắng lợi. Rồi trong một giai đoạn thứ hai, khi tình thế bắt buộc và áp lực của dân chúng trở nên không cưỡng lại được, họ ban cho bạn cái mà họ đã từ chối bạn trước đây, và một cách căn bản, không có gì thay đổi cả.

Việc tính đến những yêu cầu về sinh thái duy trì nhiều đối thủ trong giới chủ. Nhưng xu hướng này đã có khá nhiều người thuộc phe tư bản ủng hộ, do đó việc các các tập đoàn tài phiệt chấp nhận nó rất có khả năng xảy ra. Thế thì tốt hơn hết, ngay từ bây giờ, không chơi trò tốn tìm: cuộc chiến đấu vì sinh thái không phải là một cứu cánh tự thân, đó là một giai đoạn. Cuộc chiến đấu này có thể gây khó khăn cho chủ nghĩa tư bản và buộc nó phải thay đổi; nhưng, sau khi đã chống cự một cách lâu dài bằng sức mạnh và mưu mô, khi chủ nghĩa tư bản cuối cùng lại sẽ qui hàng vì ngõ cụt sinh thái sẽ là điều không tránh khỏi, nó sẽ tiếp nhận yêu cầu này như nó đã tiếp nhận tất cả những yêu cầu khác.

Do đó, phải đặt câu hỏi một cách thẳng thắn ngay từ đầu: chúng ta muốn gì? Một chủ nghĩa tư bản thích nghi với những yêu cầu về sinh thái hay một cuộc cách mạng kinh tế, xã hội và văn hóa hủy bỏ những bó buộc của chủ nghĩa tư bản, và cũng từ đó thiết lập một mối quan hệ mới giữa con người và tập thể, với môi trường của họ và với thiên nhiên? Cải cách hay cách mạng?

Nhất thiết đừng trả lời rằng câu hỏi này là phụ và điều quan trọng là không phá hỏng hành tinh đến độ không ở được. Bởi vì sự sống còn cũng không phải là một cứu cánh tự thân: có đáng để sống còn [như Ivan Illich đã tự hỏi] trong “một thế giới đã biến thành bệnh viện toàn cầu, trường học toàn cầu, nhà tù toàn cầu ở đó nhiệm vụ của những kỹ sư tâm hồn là tạo nên những con người thích nghi với điều kiện này”? (…)

Tốt hơn là nên cố gắng xác định, ngay từ đầu, ta chiến đấu điều gì chứ không chỉ chống lại điều gì. Và nên thử nhìn thấy trước chủ nghĩa tư bản sẽ bị tác động và thay đổi như thế nào do những bó buộc về sinh thái, hơn là tin rằng những bó buộc này sẽ làm cho chủ nghĩa tư bản biến mất, không gì khác hơn.

Nhưng trước tiên, về phương diện kinh tế, một bó buộc về sinh thái là gì? Lấy ví dụ các phức hợp hóa chất khổng lồ của thung lũng sông Rhin, tại Ludwigshafen (BASF), tại Leverkusen (Bayer) hay Rotterdan (Akzo). Mỗi phức hợp kết hợp các nhân tố sau:

— Tài nguyên thiên nhiên (không khí, nước, quặng mỏ) cho đến nay được xem là miễn phí vì chúng đã không được tái sản xuất (thay thế);

— Các tư liệu sản xuất (máy móc, nhà xưởng), là tư bản cố định, chúng hao mòn dần và do đó phải bảo đảm sự thay thế chúng (tái sản xuất), ưu tiên thay thế bằng những tư liệu mạnh hơn và hiệu quả hơn, tạo nên lợi thế cho doanh nghiệp so với những doanh nghiệp cạnh tranh khác;

— nguồn nhân lực cũng đòi hỏi được tái sản xuất (phải nuôi sống, chăm sóc, cung cấp nơi ở và đào tạo người lao động).

Trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, việc kết hợp các nhân tố này trong quá trình sản xuất có mục đích bao trùm là lợi nhuận tối đa có thể đạt được (với một doanh nghiệp quan tâm đến tương lai của nó thì điều này cũng có nghĩa là: sức mạnh tối đa, nghĩa là đầu tư tối đa và hiện diện tối đa trên thị trường thế giới). Sự tìm kiếm mục đích này tác động một cách sâu sắc đến cách thức các nhân tố khác nhau được kết hợp với nhau và đến tầm quan trọng tương đối được gán cho mỗi nhân tố.

Ví dụ, doanh nghiệp không bao giờ tự hỏi làm thế nào để công việc được thú vị hơn, để nhà máy xử lý tốt nhất thế quân bình của thiên nhiên và không gian sống của con người, để các sản phẩm của nhà máy phục vụ cho những mục đích mà các cộng đồng nhân loại đề ra. (…)

Nhưng này đây, đáng chú ý là trong thung lũng sông Rhin, dân cư chen chúc, ô nhiễm không khí và nước đã lên đến độ mà công nghiệp hóa chất, để tiếp tục phát triển hay chỉ là để hoạt động được, phải lọc khói và nước thải, nghĩa là tái sản xuất các điều kiện và tài nguyên cho đến nay được xem là “tự nhiên” và miễn phí. Sự cần thiết phải tái sản xuất môi trường sẽ có những tác động rõ ràng: phải đầu tư vào xử lý ô nhiễm, nghĩa là gia tăng khối lượng tư bản cố định; sau đó phải bảo đảm việc khấu hao (tái sản xuất) các cơ sở thanh lọc; và sản phẩm của các cơ sở này (độ sạch tương đối của nước và không khí) không thể tạo ra lợi nhuận khi được bán.

Tóm lại, có sự gia tăng đồng thời của tỷ trọng của tư bản được đầu tư (của “cấu thành hữu cơ”), của chi phí tái sản xuất tư bản này và các chi phí sản xuất, mà không có sự gia tăng tương ứng của doanh số bán hàng. Do đó, sẽ có một trong hai việc: hoặc tỷ suất lợi nhuận giảm xuống, hoặc giá sản phẩm tăng lên. Tất nhiên doanh nghiệp sẽ tìm cách tăng giá bán. Nhưng doanh nghiệp sẽ không giải quyết được dễ dàng như thế: tất cả các nhà máy gây ô nhiễm khác (nhà máy xi măng, luyện kim, luyện gang thép, v.v.) cũng sẽ tìm cách làm cho người tiêu dùng cuối cùng trả giá đắt hơn cho sản phẩm của họ. Việc tính đến những yêu cầu về sinh thái cuối cùng sẽ có hậu quả như thế này: giá cả sẽ có xu hướng tăng nhanh hơn tiền lương thực tế, do đó sức mua của người dân sẽ bị giảm sút và tất cả sẽ diễn ra như thể chi phí xử lý ô nhiễm được trích từ những nguồn lực mà người dân có để mua hàng hóa.

Như vậy, việc sản xuất hàng hóa sẽ có xu hướng đình trệ hay sút giảm; các xu hướng suy thoái hay khủng hoảng do đó sẽ trầm trọng thêm. Và sự sút giảm của tăng trưởng và của sản xuất, vốn có thể là một điều tốt (ít xe hơi hơn, ít tiếng ồn hơn, có nhiều không khí hơn, những ngày làm việc ngắn hơn, v.v.) lại sẽ có những hậu quả hoàn toàn tiêu cực: những sản phẩm gây ô nhiễm sẽ trở thành những sản phẩm hào nhoáng đắt tiền, dân chúng không thể mua được, vẫn luôn ở trong tầm tay của những người được ưu đãi; những bất bình đẳng sẽ được đào sâu thêm; những người nghèo sẽ tương đối nghèo hơn và người giàu sẽ giàu hơn.

Tóm lại, việc tính đến các chi phí sinh thái sẽ có những hậu quả kinh tế xã hội giống như cuộc khủng hoảng dầu hoả. Và chủ nghĩa tư bản, không hề ngã gục trước khủng hoảng, sẽ quản lý khủng hoảng như nó đã luôn luôn làm: các nhóm tài phiệt có ưu thế sẽ lợi dụng các khó khăn của các nhóm đối thủ để sáp nhập chúng với giá thấp và mở rộng sự thống trị của họ đối với nền kinh tế. Chính quyến trung ương sẽ tăng cường sự kiểm soát xã hội: những nhà kỹ trị tính toán các quy phạm “tối ưu” cho việc xử lý ô nhiễm và cho sản xuất, ban hành các quy định, mở rộng những lĩnh vực của “đời sống được lập trình - của sản phẩm -” và địa bàn hoạt động của các bộ máy đàn áp. (…)

Bạn sẽ nói không có gì trong tất cả những điều đó là không thể tránh được? Có thể là như vậy. Nhưng chính là như vậy mà các sự việc sẽ có nguy cơ xảy ra nếu chủ nghĩa tư bản bị buộc phải tính đến các chi phí sinh thái mà không có một sự tấn công chính trị, được phát động ở tất cả các cấp, lấy khỏi nó sự kiểm soát các hoạt động và đối lại nó bằng một dự án xã hội và văn minh hoàn toàn khác. Bởi vì những người ủng hộ sự tăng trưởng đã có lý ít nhất trên một điểm: trong khuôn khổ của xã hội và mô hình tiêu thụ hiện thời, dựa trên bất bình đẳng, đặc quyền và sự tìm kiếm lợi nhuận, thì sự ngưng tăng trưởng hay tăng trưởng âm chỉ có thể có nghĩa là ngưng trệ, thất nghiệp, gia tăng khoảng cách giữa người giàu và người nghèo. Trong khuôn khổ của phương thức sản xuất hiện thời, không thể hạn chế hay ngăn cản tăng trưởng bằng cách phân phối một cách công bằng hơn những sản phẩm có sẵn.

Chừng nào ta còn lập luận trong khuôn khổ của nền văn minh bất bình đẳng này, thì đối với phần đông dân chúng sự tăng trưởng xuất hiện như một sự hứa hẹn – nhưng hoàn toàn ảo tưởng – rằng có ngày họ sẽ không còn là “những người không được ưu đãi”, và xem sự ngưng tăng trưởng như là hình phạt bắt họ phải chịu sự tầm thường vô vọng. Như vậy, có phải là tấn công vào sự tăng trưởng cùng lúc với sự lừa phỉnh mà nó duy trì, vào động thái các nhu cầu mà nó dựa lên luôn gia tăng và không được đáp ứng, vào sự cạnh tranh mà nó tổ chức bằng cách thúc đẩy từng cá nhân có ham muốn vươn lên “đứng trên những người khác. Châm ngôn của xã hội này có thể là: Điều gì tốt cho mọi người là không có giá trị gì cả. Anh sẽ là người đáng kính chỉ khi nào anh có “nhiều hơn” những người khác.

André Gorz (1923-2007)

Thế nhưng chính là phải khẳng định điều ngược lại để đoạn tuyệt với hệ tư tưởng tăng trưởng: Duy nhất xứng đáng với bạn điều gì tốt cho tất cả mọi người. Duy nhất đáng để sản xuất cái không dành đặc quyền cũng không hạ thấp một ai. Chúng ta có thể hạnh phúc hơn với ít giàu có thừa thải hơn, vì trong một xã hội không có đặc quyền, thì không có người nghèo.

Về văn bản trên của tác giả tác giả ANDRÉ GORZ

André Gorz qua đời vào tháng 7 năm 2007. Bài này, được công bố vào tháng tư năm 1974 trên tạp chí sinh thái hàng tháng Le Sauvage, và được phát hành vào năm 1975 tại nhà xuất bản Galilée với tên Michel Bosquet, là bài mở đầu của tuyển tập Écologie et politique (Sinh thái và chính trị)

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:Leur écologie et la nôtre”, Le Monde diplomatique, tháng tư, 2010.

----

Chú thích của người dịch: (Theo Wikipedia)

André Gorz, tên thật là Gérard Horst, sinh ngày 9/3/1923 tại Vienne (Áo) và mất ngày 22/9/2007 tại Vosnon (Pháp), là triết gia và phóng viên người Pháp.

Tư tưởng của ông dao động giữa triết học, lý thuyết chính trị và phê phán xã hội. Là đồ đệ của chủ nghĩa hiện sinh của Jean-Paul Sartre, rồi là người ngưỡng mộ Ivan Illich, ông trở thành trong thập niên 1970 một trong những lý thuyết gia chính của sinh thái học chính trị và của sự giảm tăng trưởng. Với biệt hiệu Michel Bosquet, ông là người đồng sáng lập cùng với Jean Daniel tờ Le Nouvel Observateur (Người Quan sát mới).

Print Friendly and PDF