9.11.21

Thời đại thái cực 1914 (4): Sự suy sụp của chủ nghĩa liberal

THỜI ĐẠI THÁI CỰC 1914 – 1991 (4)

THE AGE OF EXTREMES

Nguyễn Ngọc Giao dịch

PTKT: Kể từ tháng 8.2021, chúng tôi lần lượt đăng tiếp các chương còn lại của tác phẩm Thời đại thái cực 1914-1991. Để có một cái nhìn chung giới thiệu tác giả và tác phẩm, mời bạn đọc lại bài Nhà sử học của hai thế kỷ.

MỤC LỤC

Eric J. Hobsbawm (1917-2012)

Lời tựa và Cảm tạ

Lời tựa bản tiếng Pháp

Hình ảnh minh họa

Chú thích các hình ảnh

Thế kỉ nhìn từ đường chim bay

phần thứ nhất - THỜI ĐẠI TAI HỌA

chương 1 Thời đại chiến tranh toàn diện

chương 2 Cách mạng thế giới

chương 3 Dưới đáy vực thẳm kinh tế

chương 4 Sự suy sụp của chủ nghĩa liberal

chương 5 Chống kẻ thù chung

chương 6 Nghệ thuật, 1915-1945

chương 7 Sự cáo chung của các Đế chế

phần thứ hai - THỜI ĐẠI HOÀNG KIM

chương 8 Chiến tranh Lạnh

chương 9 Thời đại Hoàng kim

chương 10 Cách mạng xã hội, 1945-1990

chương 11 Cách mạng văn hóa

chương 12 Thế giới thứ Ba

chương 13 “Chủ nghĩa xã hội hiện tồn”

Phần thứ ba: SỤP ĐỔ

chương 14 Những thập niên Khủng hoảng

chương 15 Thế giới thứ Ba và cách mạng

chương 16 Sự cáo chung của chủ nghĩa xã hội

chương 17 Tiền phong hấp hối: nghệ thuật sau 1950

chương 18 Phù thủy và đồ đệ tập việc: các ngành khoa học tự nhiên

chương 19 Tiến tới thiên niên kỉ mới

* * *

Phần thứ nhất

THỜI ĐẠI TAI HỌA

Chương 4

SỰ SUY SỤP CỦA CHỦ NGHĨA LIBERAL

“Thậm chí có thể nói rằng không tài nào đưa ra được một cách lí giải thỏa đáng về chủ nghĩa Nazi. Thật vậy, đó là một hiện tượng dường như vượt khỏi khả năng của mọi phân tích thuần lí. Dưới sự lãnh đạo của một lãnh tụ nói bằng ngôn ngữ chế ngự của ngày tận thế, hay đúng hơn của sự phá hủy toàn thế giới, với một chính thể dựa trên hệ tư tưởng không thể nào kinh tởm hơn, hô hào hận thù chủng tộc, một quốc gia châu Âu, trong số những nước tiên tiến nhất về văn hóa và kinh tế, đã chuẩn bị chiến tranh, rồi khởi động một cuộc xung đột toàn cầu khiến cho gần 50 triệu người chết, và gây ra những tội ác gớm ghiếc – mà đỉnh cao là cuộc tàn sát hàng triệu người Do Thái, một cuộc tàn sát mà bản chất và quy mô vượt quá mọi sự tưởng tượng. Trước thảm cảnh Auschwitz, nhà sử học trở thành bất lực, không tài nào lí giải nổi”.

Ian KERSHAW (1993, tr.3-4; bản dịch tiếng Pháp, tr. 30-31)

“Chết vì Tổ Quốc, chết cho Ý niệm!... Không, nhầm to rồi. Ở mặt trận cũng vậy, giết mới là điều quan trọng... Chết chẳng là cái quái gì cả. Không ai có thể hình dung ra cái chết của mình. Giết mới là điều quan trọng. Đó là lằn ranh phải bước qua. Đúng thế, đó là hành động cụ thể mà anh phải làm. Bởi vì qua đó anh mới biểu hiện ý chí của anh trong ý chí của kẻ khác.”

Trích thư một tình nguyện quân của nước Cộng hòa hội phát-xít 1943-1945

(Pavone, 1991, tr. 431)

 

I

 

Karl Marx (1818-1883)

Trong tất cả các sự kiện đánh dấu Thời đại Tai họa, điều làm chấn thương nhất đối với những người sống sót sau thế kỉ XIX, có lẽ là sự sụp đổ các giá trị và các định chế của nền văn minh tự do. Đó là những giá trị và định chế mà thế kỉ XIX mặc nhiên coi là thành quả đã được định hình, ít nhất đối với bộ phận “tiên tiến”, hay đang trên đà trở thành “tiên tiến”, của thế giới. Trong những giá trị ấy, có thể kể: sự nghi ngại đối với chế độ độc tài và chính quyền tuyệt đối; sự gắn bó với chính thể hợp hiến trong khuôn khổ những chính phủ và nghị viện trong đó các đại biểu được bầu ra một cách tự do, bảo đảm một nhà nước pháp quyền; và tập hợp được chấp nhận về những quyền và tự do công dân, trong đó có tự do phát biểu, công bố và hội họp. Lý trí, thảo luận công khai, giáo dục, khoa học và khả năng cải thiện kiếp người (chứ không nhất thiết phải đưa cuộc sống con người tới mức hoàn thiện), đó là những giá trị lẽ ra phải định hướng cho nhà nước và xã hội. Trong bối cảnh ấy, lẽ ra những giá trị ấy phải tiếp tục tiến triển trong suốt thế kỉ và chiếm lĩnh những vùng đất mới. Vả lại, năm 1914, ngay cả hai chế độ cực quyền cuối cùng của châu Âu là Nga và Thổ Nhĩ Kì cũng đã phải nhượng bộ theo chiều hướng chính quyền lập hiến, và cả Iran cũng vay mượn hiến pháp của nước Bỉ. Trước năm 1914, chống lại các giá trị ấy, chỉ có những thế lực cổ truyền như Giáo hội Kitô – dùng giáo điều làm rào cản để tự vệ chống lại ưu thế của tính hiện đại – và một nhúm nhỏ những “phần tử phiến loạn”, những “nhà tiên tri báo hiệu đại họa” chủ yếu là những con dòng cháu giống, hay xuất thân từ những trung tâm văn hóa hiện tồn, nghĩa là, trong một phạm vi nào đó, họ nằm trong nền văn minh mà họ chống đối; và cuối cùng là những lực lượng của nền dân chủ, nói chung là một hiện tượng mới lạ và gây ra quan ngại (xem Age of Empire). Sự dốt nát và lạc hậu của quần chúng, sự gắn kết của quần chúng với chủ trương lật đổ xã hội tư sản bằng cuộc cách mạng xã hội và sự phi thuần lí ẩn tàng mà các phần tử mị dân rất dễ khai thác quả là điều đáng lo ngại. Song các phong trào công nhân XHCN, trước mắt là những phong trào đáng gờm nhất trong các phong trào dân chủ đại chúng mới ra đời, thì về lí thuyết cũng như trong thực hành, lại hết sức thiết tha với các giá trị của lí trí, của khoa học, của tiến bộ, của giáo dục và của quyền tự do cá nhân. Huy chương ngày 1 tháng 5 của Đảng Xã hội - Dân chủ Đức, một mặt là chân dung Karl Marx, mặt kia là Tượng thần Tự do. Họ phản đối là phản đối nền kinh tế (tư bản chủ nghĩa), chứ không phản đối chính quyền hợp hiến và tính công dân. Không thể nào nghiêm chỉnh mà lại coi một chính phủ do Victor Adler, August Bebel hay Jean Jaurès cầm đầu là kết liễu “nền văn minh mà chúng ta được biết”.

August Bebel (1840-1913)
Victor Adler (1852-1918)

Thật ra, đứng về mặt chính trị, các định chế của nền dân chủ tự do đã có những bước tiến, và sự man rợ của những năm chiến tranh 1914-1918, càng thúc đẩy những tiến bộ đó. Ngoại trừ nước Nga Soviet, tất cả các chế độ cũ mới, xuất phát từ Thế chiến thứ Nhất, cơ bản đều là những chính thể đại nghị, dân cử và đại biểu, kể cả ở Thổ Nhĩ Kì. Năm 1920, tất cả các chế độ châu Âu ở phía tây Liên Xô đều như vậy cả. Sự thật, định chế cơ bản của chính quyền hợp hiến và tự do – bầu cử nghị viện và/hay tổng thống – lúc đó hầu như là quy luật phổ quát trong thế giới của các Quốc gia độc lập, cho dù ta không nên quên rằng trong thời kì giữa hai cuộc Đại chiến, khoảng 65 quốc gia độc lập chủ yếu là những nước Âu Mỹ: 1/3 nhân loại sống dưới chế độ thực dân. Trong những năm 1919-1947, các quốc gia duy nhất không có một hình thức tuyển cử dân chủ nào, đều là những di vật chính trị hóa thạch: Ethiopia, Mông Cổ, Nepal, Arabia Saudi và Yemen. Còn có 5 quốc gia trong suốt giai đoạn ấy chỉ có một cuộc bầu cử duy nhất – chứng tỏ đó là những chế độ không mấy dân chủ tự do – đó là: Afghanistan, Trung Hoa Quốc dân đảng, Guatemala, Paraguay và Thái Lan (còn gọi là Xiêm), nhưng bản thân các cuộc bầu cử này, ít nhất về mặt lí thuyết, cũng chứng tỏ rằng những ý tưởng dân chủ tự do cũng đã phần nào thâm nhập. Tôi không hề có ý nói rằng một, hay nhiều, cuộc bầu cử chứng tỏ gì hơn. Iran là nước từ năm 1930 đã có 6 cuộc bầu cử, và Irak, 3 cuộc, đều không thể được coi là thành trì của nền dân chủ – ngay cả đối với thời đó.

Benito Mussolini (1883-1945)

Tuy thế, các chế độ dân cử đại diện vẫn là khá phổ biến. Vậy mà, trong hai thập niên giữa “Cuộc tuần hành tiến về Roma” của Mussolini tới những thắng lợi của khối Trục trong cuộc Thế chiến thứ Hai, người ta đã chứng kiến sự thoái trào nhanh lẹ và tai ương của những định chế chính trị tự do.

Trong thời gian 1918-1920, quốc hội lập pháp của 2 nước châu Âu bị giải tán hoặc trở thành vô hiệu; trong thập niên 1920, 6 nước; trong thập niên 1930, 9 nước; rồi trong Thế chiến thứ Hai, sự chiếm đóng của quân đội Đức đã giải thể chính quyền hiến định của 5 nước nữa. Tóm lại, những nước châu Âu duy nhất mà các định chế chính trị dân chủ vận hành không gián đoạn trong suốt thời kì giữa hai cuộc chiến là Anh, Phần Lan (xém nữa cũng không), Quốc gia tự do Ireland, Thụy Điển và Thụy Sĩ.

Kemal Ataturk (1881-1938)

Tại hai châu [Bắc và Nam] Mỹ, nơi còn có các quốc gia độc lập khác, tình hình phức tạp hơn, nhưng cũng khó nói rằng tại đây có tiến bộ của các định chế dân chủ. Danh sách những quốc gia hiến định (một cách nhất quán) và không cực quyền ở Tây bán cầu vỏn vẹn chỉ có: Canada, Columbia, Costa Rica, Hoa Kỳ và nước “Thụy Sĩ của Nam Mỹ” nay đã rơi vào quên lãng, tức là Uruguay và chính thể duy nhất dân chủ của nó. Nói thật ra, trong thời gian từ cuối Thế chiến thứ Nhất đến cuối Thế chiến thứ Hai, có những nước ngả sang phía tả và cũng có nước ngả sang phía hữu. Còn lại trên hành tinh, đa phần là các nước thuộc địa, đương nhiên không có chính thể tự do, giả dụ nơi nào từng có hiến pháp tự do, thì cũng đã tách xa khỏi chế độ dân chủ. Tại Nhật Bản, năm 1930/31 chính thể tự do ôn hòa đã nhường bước cho một chế độ quốc gia quân phiệt. Thái Lan chập chững vài bước tiến tới một chính phủ hiến định, Thổ Nhĩ Kì sang đầu thập niên 1920 nằm trong tay một quân nhân duy tân tiến bộ, Kemal Ataturk, là một người chẳng quan tâm gì tới bầu cử tự do. Trên ba lục địa Á, Phi và Đại dương, chỉ có Australia và New Zealand thực sự là dân chủ, còn ở Nam Phi, đa số da đen hoàn toàn bị loại trừ ra khỏi lãnh vực hiến pháp của người da trắng.

Adolf Hitler (1889-1945)

Tóm lại, khuynh hướng chính trị tự do đã lùi bước trong Thời đại Tai họa, và từ năm 1933 trở đi, sau khi Hitler lên nắm quyền thủ tướng, thì sự thoái trào càng tăng tốc. Năm 1920, trên thế giới có tổng cộng 35 chính phủ hiến định do dân cử (hoặc hơn thế một chút, tùy theo cách ta phân loại một vài chế độ cộng hòa ở châu Mỹ Latin). Cho đến năm 1938, còn lại 17 quốc gia; và năm 1944 chỉ còn 12 trên tổng số 64 quốc gia. Xu thế toàn cầu như vậy là rõ.

Có lẽ cũng nên nhắc lại rằng trong giai đoạn nói trên, mối đe dọa đối với các định chế tự do hoàn toàn xuất phát từ cánh hữu, vì trong giai đoạn tiếp theo, từ 1945 đến 1989, người ta mặc nhiên cho rằng cộng sản mới là hiểm họa. Cho đến lúc đó, từ ngữ “chủ nghĩa toàn trị”, được tạo ra để mô tả chủ nghĩa phát-xít Italia (hay được chế độ Italia xiển dương), chỉ được áp dụng cho những chế độ thuộc loại này. Nước Nga Soviet (từ năm 1923 trở thành Liên Xô) bị cô lập, không có khả năng và, từ khi Stalin nắm quyền, cũng chẳng hề mong muốn bành trướng chủ nghĩa cộng sản. Sau sự thoái trào của làn sóng dấy lên ngay sau chiến tranh, cuộc cách mạng xã hội mà do các nhà lãnh đạo lê-nin-nít (hay ai khác) đề xướng đã ngừng truyền bá. Các phong trào xã hội dân chủ (mác-xít) đã biến đổi, trở thành cột trụ quốc gia, không còn là những lực lượng sách động, và không ai phủ nhận sự gắn bó của họ đối với nền dân chủ. Trong phong trào công nhân của phần lớn các nước, người cộng sản là thiểu số, và khi họ mạnh, thì bình thường họ bị, đã từng bị hoặc sắp sửa bị đàn áp. Sợ cách mạng xã hội, sợ vai trò của những người cộng sản là có cơ sở: bằng chứng là đợt sóng cách mạng trong và sau cuộc Thế chiến thứ Hai; nhưng trong 20 năm thoái trào của khuynh hướng tự do, phái tả không hề lật đổ một chế độ nào có thể gọi là dân chủ hay tự do cả.[28] Hiểm họa đều đến từ phía cánh hữu. Và cánh hữu này không phải chỉ đe dọa chính quyền hiến định và dân cử: nó còn là mối họa tư tưởng đối với toàn bộ nền văn minh tự do, nó lại là một phong trào có tiềm năng toàn cầu, gọi nó là “chủ nghĩa phát-xít” không phải là không đúng, nhưng không đủ.

Francisco Franco (1892-1975)

Không đủ vì tất thảy các lực lượng đã lật đổ những chế độ tự do không nhất nhất là phát-xít, còn xa mới thế. Nhưng đúng, bởi vì chủ nghĩa phát-xít, đầu tiên là dạng thức ban đầu của nó ở Italia, sau đó là dạng thức Nazi ở Đức, đã lôi cuốn và ủng hộ những lực lượng phản – tự do khác, tạo ra cho phe hữu quốc tế một lòng tự tin có tính chất lịch sử: trong những năm 1930, người ta có cảm tưởng rằng tương lai thuộc về nó. Ta hãy nghe ý kiến của một chuyên gia về vấn đề này: “Không phải ngẫu nhiên nếu như [...] những vua chúa độc tài, những giới quan liêu và sĩ quan Đông Âu, và cả Franco (ở Tây Ban Nha) nữa, đều bắt chước chủ nghĩa phát-xít” (Linz, 1975, tr. 206).

Nếu không kể những cuộc đảo chính quân sự có thể nói là truyền thống ở Nam Mỹ, đưa những tên độc tài gọi là caudillo thoạt tiên không có lập trường chính trị lên cầm quyền, các thế lực chính trị lật đổ các chế độ dân chủ tự do chia làm ba loại. Cả ba đều chống lại cách mạng xã hội, cả ba đều bắt nguồn từ phản ứng chống lại sự phá đổ trật tự xã hội cũ vào những năm 1917-1920. Cả ba loại đều có xu hướng độc tài, chống lại các định chế chính trị tự do, cho dù đôi khi không phải vì nguyên tắc mà vì những lí do thực tế. Giới phản động kiểu cũ có thể cấm đoán một số chính đảng, trong đó có đảng Cộng sản, nhưng vẫn để hoạt động một số đảng phái. Sau khi lật đổ nước Cộng hòa Soviet Hungaria non yểu năm 1919, đô đốc Horthy, lãnh tụ của cái gọi là Vương quốc Hungary – gọi như thế mặc dầu vua không có, mà hải quân cũng không – đã cai quản một nhà nước cực quyền có nghị viện theo nghĩa chế độ tập đoàn thế kỉ XIX chứ không phải là nghị viện dân chủ. Cả ba loại thế lực đều có xu hướng trọng dụng quân đội và khuyến khích công an hoặc bất cứ bộ máy trấn áp nào vì đó là thành trì chống lại sự công phá sách động. Sự thật là các thế lực này đã đóng vai trò quyết định trong công cuộc giành chính quyền của phái hữu. Tất cả đều nghiêng về chủ nghĩa quốc gia, một phần vì thù oán nước ngoài, phẫn uất vì thất trận, căm giận những đế chế bất lực, mặt khác, giương cao ngọn cờ quốc gia là phương tiện để tạo ra chính nghĩa và giành được nhân tâm. Tuy nhiên, giữa các thế lực ấy cũng có những khác biệt.

Winston Churchill (1874-1965)

Đô đốc Horthy; thống chế Mannerheim, người thắng trận trong cuộc nội chiến giữa phe Trắng và phe Đỏ tại quốc gia Phần Lan mới trở thành độc lập; đại tá, sau đó trở thành thống chế, Pilsudski, người giải phóng Ba Lan; Alexandre, vua nước Serbia, mới trở thành nước Nam Tư thống nhất; tướng Francisco Franco ở Tây Ban Nha: tất cả những thủ lĩnh độc tài hay bảo thủ kiểu cũ này không có một cương lĩnh tư tưởng đặc biệt nào, ngoại trừ chủ nghĩa chống cộng và những thành kiến giai cấp cổ truyền của họ. Đúng là họ đã liên minh với nước Đức của Hitler và phong trào phát-xít trong mỗi nước, nhưng lí do duy nhất là vì trong bối cảnh giữa hai cuộc Đại chiến, liên minh “tự nhiên” nhất là sự liên minh giữa tất cả các xu hướng của phái hữu chính trị. Lúc đó, Winston Churchill, vốn là đảng viên Tory khá bảo thủ tuy không mấy tiêu biểu, không che đậy nổi chút ít thiện cảm đối với nước Italia của Mussolini, và không chịu ủng hộ chính thể Cộng hòa Tây Ban Nha chống lại lực lượng của tướng Franco: tuy vậy mối hiểm họa đối với nước Anh là Đức Quốc xã đã biến W. Churchill thành thủ lĩnh của liên minh quốc tế chống phát-xít. Mặt khác, các phần tử phản động cao tuổi nói trên đôi khi cũng gặp, tại nước họ, sự chống đối của những phong trào thực sự là phát-xít có tiềm năng rộng rãi trong quần chúng.

Một khuynh hướng thứ hai của phái hữu đã tạo ra cái người ta gọi là “chủ nghĩa nhà nước cơ hữu” (Linz, 1975, tr. 277, 306-313), tức là những chính thể bảo thủ mà chủ tâm không phải là bảo vệ trật tự truyền thống mà là tái tạo ra những nguyên tắc của mình, với mục đích kháng cự lại chủ nghĩa cá nhân tự do và để đương đầu với thách thức của phong trào công nhân và chủ nghĩa xã hội. Về mặt tư tưởng, khuynh hướng này hoài cảm thời Trung cổ, tưởng nhớ một xã hội phong kiến tưởng tượng, trong đó người ta thừa nhận là có giai cấp, có những nhóm lợi ích kinh tế, song người ta phủ nhận bóng ma gớm ghiếc của đấu tranh giai cấp bằng cách chấp nhận tôn ti trật tự, cho rằng mỗi nhóm xã hội, mỗi “đẳng cấp” đều có vai trò của mình trong một xã hội hữu cơ bao gồm tất cả mọi đẳng cấp và phải được thừa nhận như một hiện hữu tập thể. Xu hướng này là nguồn cảm hứng của những học thuyết “phường hội” chủ trương thay thế chế độ dân chủ tự do bằng một hệ thống đại biểu của các nhóm quyền lợi kinh tế, ngành nghề. Bàn tới chế độ này, người ta thường dùng chữ tham gia hay dân chủ “cơ hữu”, hàm ý nó hơn là dân chủ thật; nhưng thực ra nó luôn luôn đi đôi với những chế độ cực quyền hay những nhà nước mạnh, điều khiển từ chóp bu, chủ yếu là qua bàn tay của giới quan liêu và kĩ phiệt. Các chế độ ấy luôn luôn hủy bỏ hay hạn chế nền dân chủ qua tuyển cử (“nền dân chủ dựa trên những điều chỉnh bằng phường hội”, chữ dùng của bá tước Bethlen, thủ tướng Hung; Ranki, 1971). Tiêu biểu đầy đủ của kiểu Nhà nước phường hội này có thể tìm thấy ở các nước Kitô giáo: thí dụ như Bồ Đào Nha của giáo sư Oliveira Salazar, chế độ phái hữu chống tự do bền lâu nhất ở châu Âu (1927-1974), hay nước Áo sau khi phá bỏ chế độ dân chủ và trước khi bị Hitler xâm chiếm (1934-1938), và, trong một chừng mực nhất định, nước Tây Ban Nha của Franco.

Cho dù các chế độ phản động kiểu ấy bắt nguồn và lấy cảm hứng từ một quá khứ lâu đời hơn chủ nghĩa phát-xít, và đôi khi khác nhau trên nhiều điểm, nhưng lằn ranh phân biệt giữa chúng không có gì rõ nét, bởi vì tất cả đều có chung kẻ thù, nếu không cùng chung mục tiêu. Chẳng hạn như Giáo hội Kitô, không có gì là phát-xít cả, nhưng rất mực và kiên trì phản động theo đúng tinh thần và văn bản của công đồng Vatican I năm 1870. Lẽ ra, vốn xung khắc với mọi hình thức nhà nước thế tục có tham vọng toàn trị, Giáo hội chỉ có thể chống lại chủ nghĩa phát-xít. Nhưng học thuyết “Nhà nước phường hội” mà những nước Kitô giáo là nơi thực hiện đầy đủ nhất lại được soạn thảo trong những câu lạc bộ phát-xít (Italia), dù rằng những giới này kế thừa nhiều truyền thống, trong đó có truyền thống Kitô giáo. Bởi vậy, người ta đã dùng cụm từ “chủ nghĩa phát-xít giáo hội” để nói tới những chế độ này. Trong một vài nước Kitô giáo, các phần tử phát-xít đều từ xu hướng Kitô giáo toàn thống mà ra, thí dụ như phong trào Rex của Léon Degrelle ở Bỉ. Người ta thường nói đến thái độ lập lờ của Giáo hội đối với chủ nghĩa chủng tộc của Hitler, nhưng ít khi nhấn mạnh tới việc, sau chiến tranh, những nhân vật, đôi khi giữ chức vụ quan trọng, của Giáo hội đã tiếp tay giúp đỡ bọn Nazi hay phát-xít đào tẩu, kể cả những tên bị tố cáo đã gây ra những tội ác chiến tranh gớm ghiếc. Mối liên hệ gắn bó Giáo hội với các phần tử phản động kiểu cũ cũng như với các phần tử phát-xít là tất cả đều căm thù Phong trào Ánh sáng của thế kỉ XVIII, Cách mạng Pháp và tất cả những gì, trong nhãn quan của Giáo hội, phái sinh từ đó: dân chủ, chủ nghĩa tự do, và trước hết, trên hết, “chủ nghĩa cộng sản vô thần”.

Nếu chủ nghĩa phát-xít đã đánh dấu một khúc ngoặt trong lịch sử Kitô giáo thì chủ yếu chính là vì việc Giáo hội đồng nhất hóa với một phái hữu mà những nhân vật chủ chốt giương cao ngọn cờ bây giờ lại là Hitler và Mussolini đã đặt ra cho những người Kitô giáo có tư tưởng xã hội những vấn đề đạo đức, đó là không kể những vấn đề chính trị cơ bản đặt ra cho những hàng ngũ giáo phẩm không dứt khoát chống phát-xít một khi chủ nghĩa phát-xít tiến dần tới sự đại bại không thể tránh khỏi. Ngược lại, lần đầu tiên trong lịch sử, những người Kitô giáo dân chủ (và xu hướng Dân chủ Kitô giáo) đã giành được vị thế chính nghĩa trong lòng Giáo hội nhờ cuộc đấu tranh chống phát-xít, hay đơn giản hơn, cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Tại những nước người Kitô giáo là thiểu số nhưng khá mạnh (như ở Đức hay Hà Lan), những chính đảng huy động được cử tri Kitô giáo đã được thành lập một cách bình thường để bảo vệ quyền lợi của Giáo hội chống lại những Nhà nước thế tục. Tại những nước chính thức theo Kitô giáo, Giáo hội chống lại sự thỏa hiệp như vậy đối với nền dân chủ và chủ nghĩa tự do, mặc dù, vì e ngại chủ nghĩa xã hội vô thần, ngay từ năm 1891 – đây là một sự cách tân triệt để – Giáo hội đã đề xướng một chính sách xã hội theo đó nhất thiết phải có phần cho người lao động, đồng thời nhấn mạnh tính chất thiêng liêng của gia đình và tư hữu, chứ không phải tính chất thiêng liêng của chủ nghĩa tư bản như nó có.[29] Đây là điểm tựa đầu tiên cho những người Kitô giáo Xã hội, hay là những người muốn tổ chức bênh vực người lao động dưới hình thức những công đoàn Kitô giáo, hay những người do hoạt động như vậy, muốn đi tới một thứ Kitô giáo phóng khoáng hơn. Ngoài biệt lệ là nước Italia, là nơi mà giáo hoàng Benedicto XV (1914-1922), sau Thế chiến thứ Nhất, cho phép thành lập một Đảng Nhân dân (Kitô giáo) lớn – chẳng mấy lúc sau đó, đảng này đã bị chủ nghĩa phát-xít phá tan – những người Kitô giáo Dân chủ và Xã hội là những thiểu số, đứng ngoài lề về mặt chính trị. Chính sự thăng tiến vào những năm 1930 của chủ nghĩa phát-xít đã đưa họ trở lại hàng đầu của sân khấu chính trị, mặc dù những người Kitô giáo ra mặt ủng hộ chính quyền Cộng hòa Tây Ban Nha – đứng về mặt trí tuệ là những người xuất sắc – chưa bao giờ là số đông cả. Tuyệt đại đa số người Kitô giáo ủng hộ Franco. Chính cuộc Kháng chiến – họ tham gia vì yêu nước hơn là vì ý thức hệ – đã mang lại cơ may cho họ, và cuộc Kháng chiến thành công đã giúp họ nắm lấy thời cơ. Nhưng những thắng lợi của xu hướng Dân chủ Kitô giáo ở châu Âu, và mấy chục năm sau, ở một vài khu vực châu Mỹ Latin, thuộc vào một giai đoạn lịch sử khác. Còn ở giai đoạn sụp đổ của chủ nghĩa tự do nói tới ở đây, thì Giáo hội (ngoại trừ một vài biệt lệ hiếm hoi) lại hân hoan vui mừng trước sự kiện ấy.

 

II

 

Còn lại những phong trào thực sự đáng gọi là phát-xít. Đầu tiên là phong trào ở Italia, từ đó có tên gọi chung là phát-xít, người sáng lập là một kí giả Xã hội phản đảng, Benito Mussolini. Lấy tên Benito là để vinh danh tổng thống Mexico bài Giáo hội, Benito Juárez, biểu tượng cho lập trường kịch liệt chống giáo hoàng của vùng Romagna, sinh quán của Mussolini. Hitler cũng đã đích thân tỏ lòng biết ơn và kính trọng Mussolini ngay khi Mussolini và nước Italia phát-xít đã tỏ ra yếu kém và bất lực trong cuộc Thế chiến thứ Hai. Đổi lại, Mussolini cũng học của Hitler, hơi muộn, chủ nghĩa bài Do Thái vốn chưa hề có trong phong trào phát-xít Italia trước năm 1938, và thật ra cũng chưa bao giờ có trong lịch sử nước Italia trước ngày thống nhất.[30] Tuy nhiên, tự nó, chủ nghĩa phát-xít Italia không có ảnh hưởng lớn trên trường quốc tế mặc dầu nó cũng tìm cách khuyến khích và tài trợ phong trào ở các nơi, và cũng đã có những tác động khá bất ngờ, thí dụ như đối với Vladimir Jabotinsky, người sáng lập của “chủ nghĩa xét lại” sionist, là phong trào đã nắm vận mệnh của Israel trong thập niên 1970 dưới thời chính quyền Menahem Begin.

Ante Pavelic (1889-1959)

Nếu không có thắng lợi của Hitler ở Đức vào đầu năm 1933, thì chẳng bao giờ phát-xít có thể trở thành phong trào rộng khắp. Thật vậy, không kể nước Italia, tất cả các phong trào phát-xít hoạt động hiệu quả đều đã được thành lập sau khi Hitler lên nắm quyền: chẳng hạn như tổ chức Chữ thập xuyên mũi tên đã giành được 25% phiếu bầu trong cuộc bỏ phiếu kín đầu tiên trong lịch sử Hung (1939), hay tổ chức Cận vệ Sắt còn được hậu thuẫn rộng lớn hơn nữa ở Romania. Thực ra, ngay cả những phong trào được Mussolini tài trợ hầu như toàn bộ, như bọn khủng bố Ustashi của Ante Pavelich ở Croatia, cũng chỉ phát triển và về mặt tư tưởng, trở thành phát-xít trong những năm 1930 khi một số thành viên hướng về Đức để tìm kiếm hậu thuẫn tinh thần và tài chính. Hơn thế nữa, nếu Hitler không thắng lợi ở Đức, thì chẳng bao giờ ý tưởng phát-xít như một phong trào toàn cầu – một cái gì khuynh hữu tương đương với Quốc tế Cộng sản, trong đó Berlin đóng vai trò của Moskva – lại có thể khai triển được. Thực ra nó không tạo ra được một phong trào thực thụ, mà chỉ đưa đẩy một số cá nhân ở vùng bị chiếm trong cuộc Thế chiến thứ Hai, vì những lí do ý thức hệ, đến chỗ cộng tác với Đức. Về điểm này, đặc biệt ở Pháp, có những nhân vật tiêu biểu của phái hữu cực đoan cổ truyền, mặc dầu họ cực kì phản động, đã dứt khoát không chịu theo đuôi: họ là những người quốc gia chủ nghĩa, không thể khác. Có người thậm chí đã tham gia kháng chiến. Thêm vào đó, nếu không có vị trí quốc tế của Đức (càng thắng càng mạnh), thì chủ nghĩa phát-xít đã chẳng có ảnh hưởng thực sự nào ở ngoài châu Âu, và những thủ lĩnh phản động không thuộc xu hướng phát-xít cũng chẳng ai lại bày tỏ cảm tình với phát-xít như ở Bồ Đào Nha, Salazar đã làm năm 1940 khi y tuyên bố Hitler và y “gắn bó với nhau bằng một hệ tư tưởng chung” (Delzell, 1970, tr. 348).

Giovanni Gentile (1875-1944)
Martin Heidegger (1889-1976)

Từ năm 1933 trở đi, cũng khó mà thấy các thể loại phát-xít khác nhau có những điểm tương đồng nào, ngoại trừ ý tưởng về bá quyền của Đức. Lí luận không phải là sở trường của những phong trào vốn nhấn mạnh tới những khuyết nhược của lí trí và của chủ nghĩa duy lí để khẳng định sự ưu việt của bản năng và ý chí. Tại những nước có đời sống trí thức bảo thủ khởi sắc – Đức hiển nhiên là một trường hợp đặc biệt – các phong trào này lôi kéo được đủ loại thuyết gia phản động, nhưng họ chỉ những vật trang trí của chủ nghĩa phát-xít, chứ không phải là những nhân tố cơ cấu. Mussolini thật ra chẳng cần gì tới nhà triết học “tại gia”, Giovanni Gentile, còn Hitler cũng chẳng màng tới sự ủng hộ của một Heidegger đó giả dụ hắn biết Heidegger là ai. Ta cũng không thể đồng nhất hóa chủ nghĩa phát-xít với một hình thái tổ chức nhà nước cụ thể như nhà nước Phường hội: nước Đức Quốc đã nhanh chóng bỏ qua những ý tưởng kiểu này bởi vì chúng đi ngược lại quan niệm Volks-gemeinschafts, một cộng đồng dân tộc tổng thể, duy nhất và không thể chia cắt. Một nhân tố tưởng như cốt lõi là chủ nghĩa chủng tộc mà lúc đầu cũng thiếu vắng trong chủ nghĩa phát-xít Italia. Cố nhiên, ngược lại, chủ nghĩa phát-xít chia sẻ sự tôn thờ quốc gia, chủ nghĩa chống cộng và chống tự do... với các thành phần không phát-xít trong phái hữu. Và trong phái hữu, không thiếu những phần tử – đặc biệt trong giới phản động không phát-xít ở Pháp – cũng có chung với phát-xít một thú vui: ẩu đả ngoài đường phố.

Giữa phái hữu phát-xít và phái hữu không phát-xít, điều khác biệt cơ bản nằm ở chỗ chủ nghĩa phát-xít tồn tại bằng cách huy động quần chúng từ cơ sở. Về thực chất, nó nằm trong thời đại sinh hoạt chính trị dân chủ và bình dân, điều mà các phần tử phản động truyền thống không ưa chút nào, còn những người đề xướng “Nhà nước cơ hữu” thì tìm cách đánh vòng. Chủ nghĩa phát-xít rất tự hào là huy động được quần chúng và thường biểu dương điều này bằng những màn trình diễn công cộng hoành tráng – như cuộc tập hợp ở Nuremberg, cảnh quần chúng tụ tập ở Piazza Venezia ngước mắt nhìn lên Mussolini múa may trên ban công – ngay cả khi đã giành được chính quyền rồi; các phong trào cộng sản cũng làm y hệt như vậy. Có thể nói phát-xít là những nhà cách mạng của cuộc phản cách mạng: trong ngôn từ của họ, trong lời kêu gọi những người tự xem mình là nạn nhân của xã hội, và trong cả việc họ chủ ý chiếm lĩnh những biểu tượng và tên tuổi của các nhà cách mạng xã hội – điều này lộ liễu trong tên gọi “Đảng quốc gia xã hội công nhân” của Hitler với lá cờ đỏ (có sửa đổi) hay trong việc, ngay từ 1933, Hitler quyết định lấy ngày mồng 1 tháng 5 của “bọn Đỏ” làm ngày lễ.

Mahatma Gandhi (1869-1948)

Tương tự, tuy rằng chủ nghĩa phát-xít cũng có đặc sản ngôn ngữ là quay trở về với quá khứ truyền thống và tranh thủ được sự ủng hộ của những tầng lớp thiết tha xóa sạch hẳn thế kỉ vừa qua, song nó hoàn toàn không phải là một phong trào suy tôn truyền thống như những phần tử “ủng hộ Carlos” ở Navarra, một trong những hậu thuẫn chính của Franco trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha, hay là cuộc vận động của Gandhi trở về lí tưởng cái guồng quay tơ của làng thôn quá khứ. Chủ nghĩa phát-xít chỉ đề cao một số giá trị truyền thống. Nó tố cáo sự giải phóng mà chủ nghĩa tự do đề xướng – phụ nữ phải ở nhà đẻ con và nuôi con – và cảnh giác đối với ảnh hưởng xấu xa của văn hóa hiện đại, nhất là của nghệ thuật hiện đại, mà bọn Nazi ở Đức gọi là “chủ nghĩa Bolshevik về văn hóa”, là “nghệ thuật đồi trụy”. Nhưng hai phong trào phát-xít chủ yếu (là Italia và Đức) không dựa vào trụ cột của truyền thống bảo thủ là Giáo hội và nhà vua: trái lại, chúng tìm cách thay thế Giáo hội và nhà vua bằng nguyên tắc một ban lãnh đạo hoàn toàn xa lạ đối với truyền thống, mà hiện thân là những self-made men được quần chúng ủng hộ, là những hệ tư tưởng thế tục, thậm chí những sự sùng bái mới.

Quá khứ mà chủ nghĩa phát-xít biểu dương thực ra là một quá khứ ngụy tạo, truyền thống cũng được hư cấu. Ngay cả chủ nghĩa chủng tộc của Hitler cũng chẳng dính dáng gì tới niềm tự hào của những người Mỹ bỏ tiền ra thuê những nhà gia phả học để chứng minh rằng mình là dòng dõi trực hệ, không pha trộn, của một tiểu điền chủ nào đó ở vùng Suffolk thế kỉ XVI: đó chẳng qua là một thứ học thuyết lăng nhăng viện dẫn Darwin cuối thế kỉ XIX và huy động cả một bộ môn khoa học mới là di truyền học (khổ một nỗi là ở Đức, nhiều khi lại có nhà di truyền học hưởng ứng), chính xác hơn là một nhánh của di truyền học ứng dụng (gọi là “ưu sinh học”) ước mơ tạo ra một chủng tộc siêu đẳng bằng cách phối ngẫu những cặp nam nữ được lựa chọn trước và loại trừ những người thiểu năng. Cái chủng tộc mà Hitler muốn biến thành chúa tể thế giới, mãi tới năm 1898 mới được đặt tên, khi một nhà nhân chủng học tạo ra từ “Nordic” (người Bắc (Âu)). Thù nghịch trên mặt nguyên tắc đối với di sản của phong trào Khai minh và của Cách mạng Pháp, chủ nghĩa phát-xít do đó không thể công khai tin tưởng ở sự tiến bộ và tính hiện đại, nhưng trên mặt thực tiễn, nó không ngần ngại hỗn hợp những tín ngưỡng rồ dại với kĩ thuật hiện đại, trừ phi nó làm tê liệt nghiên cứu khoa học vì những lí do ý thức hệ (xem ch. 18). Chủ nghĩa phát-xít rêu rao lập trường chống chủ nghĩa tự do. Nó chứng tỏ rằng người ta có thể thoải mái liên kết những thế giới quan điên cuồng và công nghệ cao cấp hiện đại. Hiện tượng này vào cuối thế kỉ XX trở thành quen thuộc đối với chúng ta, với những giáo phái toàn thống sử dụng vũ khí của truyền hình và quyên góp tiền bạc bằng công cụ tin học.

Max Weber (1864-1920)

Sự hỗn hợp những giá trị bảo thủ, kĩ thuật dân chủ đại chúng với một ý thức hệ cách tân của sự bùng nổ phi lí tính, chủ yếu xoáy quanh chủ nghĩa quốc gia, dẫu sao cũng phải được giải thích. Cuối thế kỉ XIX, tại một số nước châu Âu, đã xuất hiện những phong trào quốc gia chủ nghĩa kiểu này, như một phản ứng đối với chủ nghĩa liberal (nghĩa là sự cải biến tăng tốc các xã hội dưới tác động của chủ nghĩa tư bản), đồng thời đối với sự lớn mạnh của các phong trào công nhân XHCN và, nói chung, đối với làn sóng người ngoại quốc tràn ngập các nước trong một cuộc di dân chưa từng có trong lịch sử. Người người lớp lớp di chuyển, không những chỉ vượt qua đại dương, vượt qua biên giới quốc tế, mà còn di chuyển từ nông thôn ra thành thị, từ vùng này sang vùng kia, tóm lại, họ di cư từ “quê nhà” sang một miền “đất lạ”, để trở thành “người lạ”, “ngoại nhân” trên vùng đất cư trú của người khác. Gần 15% người Ba Lan rời bỏ tổ quốc ra đi hẳn, không kể nửa triệu người xuất khẩu theo mùa: tuyệt đại đa số gia nhập hàng ngũ giai cấp công nhân – đó là phận số chung của loại di dân này. Cũng như một thế kỉ sau đó, cuối thế kỉ XIX đã chứng kiến sự phát sinh của nạn bài ngoại đại chúng, mà chủ nghĩa chủng tộc – bảo vệ “giống nòi” thuần chủng chống lại sự lây lan, chìm ngập của làn sóng những “chủng tộc hạ đẳng” – trở thành biểu hiện phổ biến. Ta có thể đo được sức mạnh của nó khi biết rằng chỉ vì sợ hãi trước làn sóng nhập cư của người Ba Lan mà nhà xã hội học vĩ đại người Đức thuộc khuynh hướng tự do, Max Weber, đã có một thời ủng hộ Liên đoàn “liên Đức”, và cả cuộc vận động sôi nổi ở Mỹ chống lại làn sóng di dân đại trà, khiến cho đất nước của Tượng thần Tự do, trong và sau cuộc Đại chiến thế giới lần thứ nhất, đã khép chặt biên giới, không tiếp nhận chính những người mà bức tượng dang rộng hai cánh tay chào đón.

Chất xi măng kết gắn các phong trào đó với nhau như vậy là sự uất hận của những con người nhỏ bé trong một xã hội, bị đè bẹp giữa tảng đá của đại tư bản và bánh xe lăn của các phong trào quần chúng công nhân đang trên đà phát triển. Hay ít ra nó đã làm cho họ mất đi vị trí trọng vọng trước đây của họ trong trật tự xã hội, vị trí mà họ coi là đương nhiên của mình, hoặc lẽ ra họ có thể giành được trong một xã hội năng động. Cảm nhận đó được biểu lộ rõ nét trong chủ nghĩa bài Do Thái bắt đầu xuất hiện ở nhiều nước trong thời gian 25 năm cuối của thế kỉ XIX trong những phong trào chính trị đặc biệt dựa trên sự chống đối người Do Thái. Người Do Thái gần như có mặt ở mọi nơi, rất dễ trở thành biểu tượng cho cái gì đáng ghét nhất trong một thế giới bất công – đặc biệt là thế giới ấy gắn bó với những ý tưởng của Thế kỉ Ánh sáng và Cách mạng Pháp đã giải phóng người Do Thái, và chính vì vậy, làm cho họ “hiện diện” hơn trước. Họ đương nhiên trở thành biểu tượng của tên tư bản hay tài phiệt khả ố; của tên sách động cách mạng; tượng trưng ảnh hưởng xấu xa của “bọn trí thức vong bản” và của các mass media (phương tiện truyền thông đại chúng) mới; tượng trưng của sự cạnh tranh – cố nhiên là “bất bình đẳng” – nhờ đó bọn họ chiếm một phần quá lớn trong một số ngành nghề đòi hỏi có đào tạo; tượng trưng có “ngoại nhân”, cho “kẻ đột nhập” chiếm chỗ. Đó là không nói tới cái ý – phổ biến trong giới tín đồ Kitô giáo kiểu cũ – họ là dân tộc đã giết Chúa Jesus.

Sự gớm ghiếc người Do Thái rất phổ biến ở thế giới phương Tây và vị trí của họ trong xã hội thế kỉ XIX thực sự là “hai mặt”. Tuy nhiên, việc những người công nhân đình công – ngay cả trong trường hợp họ không tham gia những phong trào kì thị chủng tộc – có xu hướng đập phá những cửa hàng của người Do Thái, hay gọi nghiệp chủ của họ là Do Thái (và ở nhiều vùng Đông Âu và Trung Âu, giới chủ xí nghiệp thường là Do Thái, đúng như thế) không cho phép ta cho rằng họ là những người “tiền – Nazi”, và tương tự như thế, xu hướng bài Do Thái “tự nhiên” của giới trí thức Anh dưới triều vua Edward, chẳng hạn như nhóm Bloomsbury, không làm cho họ đương nhiên trở thành cảm tình viên của giới chính trị bài Do Thái trong phe cực hữu. Ở Trung Âu và Đông Âu, người Do Thái là giao diện giữa cuộc sống của người dân làng và nền kinh tế bên ngoài mà họ lệ thuộc vào đó, cho nên óc bài Do Thái của người nông dân có tính cách thường trực và bùng nổ hơn, tình trạng này càng trở nên nghiêm trọng hơn trong chừng mực các xã hội nông thôn ở vùng người Slav, Magyar và Romania ngày càng tan rã dưới sức công phá địa chấn của thế giới hiện đại. Trong khối dân chúng lạc hậu ấy, người ta dễ tin vào chuyện người Do Thái dùng trẻ em Kitô giáo làm vật tế thần, và những cuộc bùng nổ xã hội dễ dẫn tới việc tàn sát người Do Thái được bọn phản động trong Đế chế Sa hoàng tích cực khuyến khích, nhất là sau khi Alexander II bị những người xã hội cách mạng ám sát năm 1881. Từ chủ nghĩa bài Do Thái ở cấp cơ sở này tới cuộc tận diệt người Do Thái trong Thế chiến thứ Hai, con đường đã mở ra, thẳng tắp. Chủ nghĩa bài Do Thái nông thôn này rõ ràng đã làm nền tảng cho các phong trào phát-xít Đông Âu khi nó bắt rễ vào đại chúng: đó chẳng hạn là trường hợp của tổ chức Cận vệ Sắt ở Romania, Chữ thập Mũi tên ở Hungaria. Dẫu sao, mối liên hệ tại những vùng lãnh thổ cũ của triều đình Habsburg và triều đình Romanov hiển nhiên rất nhiều so với chế độ Reich ở Đức, bởi vì nó có cỗi rễ thâm sâu đến đâu chăng nữa, chủ nghĩa bài Do Thái ở tỉnh lẻ và thôn quê ở Đức cũng ít bạo liệt hơn: thậm chí có thể nói là nó bao dung hơn. Năm 1938, những người Do Thái rời bỏ Wien vừa bị Đức chiếm đóng đi lên Berlin đều ngạc nhiên vì không thấy cảnh bài Do Thái diễn ra trên đường phố. Sự bạo liệt ở Đức xuất phát từ những sắc lệnh của chính quyền, như hồi tháng 11, 1938 (Kershaw, 1983). Bất luận thế nào, ngay cả những cuộc pogrom tàn bạo nhất cũng không thể so sánh với những gì xảy ra sau đó một thế hệ. Số nhỏ những người chết năm 1881, khoảng từ 40 đến 50 người nạn nhân của pogrom năm 1901 ở Chișinău [Moldova] đã gây ra phẫn nộ – chính đáng – trên thế giới bởi vì lúc đó, trước khi bước vào thời kì dã man, những con số nạn nhân như vậy cũng là điều không thể chấp nhận được đối với một thế giới còn muốn tin vào văn minh tiến bộ. So đo với những tiêu chí sau này, thì ngay những pogrom nghiêm trọng nhất như đã xảy ra trong cuộc nổi dậy của quần chúng nông dân thời Cách mạng Nga năm 1905 cũng gây tương đối ít nạn nhân: tổng cộng có lẽ khoảng 800 người. Con số này có thể xếp chung với con số 3.800 người Do Thái bị giết trong ba ngày ở Vilnius do người Lituania gây ra năm 1941 trong lúc Đức xâm lăng Liên Xô và trước khi bắt đầu những cuộc tàn sát có hệ thống.

Những phong trào cực hữu mới xuất hiện ở châu Âu lúc đó hô hào áp dụng những truyền thống bất dung xưa cũ, đồng thời cũng biến đổi những truyền thống ấy một cách toàn diện, đã gặp sự hưởng ứng trong những tầng lớp dưới và tầng lớp trung bình của xã hội các nước châu Âu; còn về lí luận và văn chương, đó là công trạng của những trí thức quốc gia chủ nghĩa trong những năm 1890 đã tự khẳng định như một trào lưu riêng biệt. Ngay danh từ “chủ nghĩa quốc gia” cũng đã được tạo ra trong thời gian này để mô tả những người phát ngôn của xu hướng phản động này. Hoạt động đấu tranh chính trị của giai cấp tư sản và tiểu tư sản trở thành triệt để đặc biệt trong những nước mà hệ tư tưởng dân chủ tự do chưa giành vị trí ưu thế, hoặc trong nội bộ những giai cấp không tự đồng hóa với dân chủ tự do, chủ yếu tại những nước mà Cách mạng Pháp hay những gì tương tự chưa tác động tới. Thật vậy, tại thành lũy của chủ nghĩa tự do phương Tây – Anh, Pháp và Hoa Kỳ – vị trí bá quyền của truyền thống cách mạng khiến cho một phong trào phát-xít đại chúng có tầm cỡ không tài nào tồn tại được. Ta không nên nhầm lẫn chủ nghĩa chủng tộc của những người Dân túy Mỹ, hay chủ nghĩa sô-vanh của những người Cộng hòa Pháp với một dạng thức “tiền-phát-xít” nào đó: đấy là những phong trào phái tả.

Nói như vậy không có nghĩa rằng một khi tiêu ngữ “Tự do – Bình đẳng – Bác ái” không còn chế ngự nữa để chặn đường, những bản năng cũ không có thể dính dấp với những khẩu hiệu chính trị mới. Không nghi ngờ gì nữa, tại vùng núi Alps của nước Áo, lá cờ Chữ thập ngoặc (của đảng Nazi) đã lôi kéo được nhiều đảng viên trong những ngành nghề tự do tỉnh lẻ – thú y, chuyên viên trắc địa... – trước đó theo xu hướng tự do và hợp thành một thiểu số có học thức và khai phóng trong một môi trường mà đảng Nông dân theo Giáo hội chiếm ưu thế. Cũng tương tự như thế, vào cuối thế kỉ XX này, sự tan rã của các phong trào công nhân vô sản và XHCN cổ điển đã buông thả chủ nghĩa sô-vanh và chủ nghĩa chủng tộc bản năng của không ít người lao động chân tay. Không phải là trước đây họ không cảm nghĩ như vậy, nhưng vì tình đoàn kết với những chính đảng kiên quyết chống lại xu hướng cuồng tín đó, họ đã không công khai biểu lộ. Từ những năm 1960 trở đi, ở phương Tây, tư tưởng bài ngoại và chủ nghĩa chủng tộc chính trị đã bành trướng chủ yếu trong giới lao động chân tay. Còn trong những thập niên nhiễm bệnh của chủ nghĩa phát-xít hồi đầu thế kỉ XX, xu hướng ấy chủ yếu phát triển trong giới những người không phải lấm bẩn chân tay trong lao động.

Trong giai đoạn đi lên của chủ nghĩa phát-xít, giai cấp trung lưu và tiểu tư sản là rường cột của phong trào này. Điều ấy không mấy ai phản đối, kể cả những sử gia có ý muốn xét lại sự đồng thuận của “hầu hết” các phân tích về sự bắt rễ của chủ nghĩa Nazi từ 1930 đến 1980 (Childers, 1983; Childers, 1991, tr. 8, 14-15). Ở đây, chỉ đơn cử một trong nhiều cuộc điều tra về đảng viên và cơ sở của các phong trào phát-xít tại Áo trong thời kì giữa hai cuộc Thế chiến. Trong số những đảng viên Nazi trúng cử năm 1932 ở Wien vào hội đồng thành phố, 18% là người lao động độc lập, 56% là “cổ cồn trắng”, nhân viên văn phòng hay công chức, và 14% là “cổ cồn xanh”. Trong số những đảng viên Nazi được bầu cùng năm vào 5 nghị viện khác ở ngoài khu vực thủ đô Wien, 16% là người lao động độc lập, 51% là viên chức… và 10% “cổ cồn xanh” (Larsen và những người khác, 1978, tr. 766-767).

Điều đó không có nghĩa các phong trào phát-xít không tìm cách cắm sâu trong quần chúng lao động. Bất luận cán bộ của mình thuộc thành phần giai cấp nào, đoàn Cận vệ Sắt (Romania) có cơ sở chủ yếu trong bần nông. Tại Hungaria, cử tri của Chữ thập Mũi tên đa số là thợ thuyền (đảng Cộng sản thì bị đưa ra ngoài vòng pháp luật, còn đảng Xã hội - Dân chủ, trước sau là một đảng nhỏ, phải trả giá cho việc nó được chính quyền Horthy để cho hoạt động); tương tự như thế, sau thất bại năm 1934 của đảng Xã hội - Dân chủ ở Áo, người ta thấy khá đông thợ thuyền quay sang đảng Nazi, nhất là ở các tỉnh. Hơn nữa, một khi những chính phủ phát-xít chính thức đã được thành lập, thí dụ như ở Italia và Đức, thì những công nhân đã từng bỏ phiếu cho Xã hội hay Cộng sản bèn quy thuận chế độ mới nhiều hơn hẳn con số mà truyền thống phái tả chịu thừa nhận. Tuy nhiên, phong trào phát-xít khó lòng tranh thủ được những thành phần thực sự gắn bó với truyền thống ở nông thôn (trừ trường hợp, như ở Croatia, nó được sự hỗ trợ của những tổ chức như Giáo hội Kitô), lại thề không đội trời chung với những hệ tư tưởng và những chính đảng được coi là đảng công nhân có tổ chức, nên tất nhiên nó phải tìm quần chúng chủ yếu trong các thành phần trung gian.

Các thành phần trung gian ấy đã nhạy cảm tới đâu trước hấp lực ban đầu của phát-xít? Câu hỏi này vẫn còn để mở. Điều chắc chắn là nó rất hấp dẫn đối với thanh niên, nhất là những sinh viên ở lục địa châu Âu, mà như mọi người đều biết, đã bị cực hữu quyến rũ trong thời kì giữa hai cuộc Thế chiến. Năm 1921, tức là trước cuộc “Tuần hành tiến về Roma”, phong trào phát-xít Italia đã có 13% thành viên là sinh viên. Ở Đức, từ 5 đến 10% tổng số sinh viên là đảng viên ngay từ năm 1930, thời điểm mà đa số các đảng viên Nazi tương lai chưa để ý tới Hitler (Kater, 1985, tr. 467; Noelle/Neumann, 1967, tr. 196). Như ta sẽ thấy ở dưới, các cựu sĩ quan gốc tư sản có rất nhiều người vào đảng: đối với loại người ấy, cuộc Đại chiến, dầu gớm ghiếc tới chừng nào đi nữa, vẫn là đỉnh điểm trong sự phát triển cuộc đời của họ, so với đỉnh cao ấy, cuộc đời lè tè về sau của họ chỉ là một chuỗi thất vọng. Đó tất nhiên là những phần tử trong thành phần trung gian dễ bị hoạt động đấu tranh chính trị lôi cuốn nhất. Nói chung, âm hưởng của phái cực hữu càng lớn rộng khi mà những hi vọng về nghề nghiệp, có thực hay theo truyền thống, của giai cấp tư sản bị đe dọa, khi bối cảnh lẽ ra phải duy trì được trật tự xã hội của họ bị xiêu vẹo và đổ vỡ. Ở Đức, liên tiếp cuộc Đại lạm phát (biến trị giá đồng tiền thành số không) và cuộc Đại Khủng hoảng đã dẫn tới hậu quả là cực đoan hóa các tầng lớp trung lưu thí dụ như giới công chức trung và cao. Thành phần này, với chỗ đứng tưởng như vững chắc trong xã hội, và trong một hoàn cảnh ít chấn thương như thế, chắc chắn sẽ chỉ an phận với lập trường ái quốc bảo thủ kiểu cũ, nuối tiếc thời hoàng đế Wilhem đấy nhưng vẫn sẵn sàng làm đúng bổn phận đối với chế độ Cộng hòa của thống chế Hindenburg, nếu như chế độ mới không rạn vỡ, sụp đổ ngay dưới chân họ. Giữa hai cuộc Đại chiến, đa số người Đức phi chính trị đều tiếc nuối Đế chế Wilhem. Trong những năm 1960, trong khi đa số người Tây Đức đi tới kết luận (dễ hiểu) là họ đang sống thời kì tốt đẹp nhất trong lịch sử quốc gia, thì 42% những người trên 60 tuổi vẫn còn cho rằng thời kì trước năm 1914 còn tốt đẹp hơn thế nữa, chỉ có 32% là tán thành cái gọi là “phép lạ kinh tế” Wirtschaftswunder (Noelle/Neumann, 1967, tr. 196). Từ năm 1930 đến 1932, cử tri của các chính đảng tư sản thuộc phái trung và phái hữu đã hàng loạt chuyển sang bầu cho đảng Nazi. Mặc dầu họ không phải là những người kiến tạo của chủ nghĩa phát-xít.

John Buchan (1875-1940)
Oswald Mosley (1896-1980)

Do sự phân tuyến chính trị của thời kì giữa hai cuộc Thế chiến, tất nhiên các thành phần trung lưu bảo thủ nói trên đã làm hậu thuẫn, nếu không nói là những người “tân tòng” tiềm thể của chủ nghĩa phát-xít. Đối với xã hội tự do và những giá trị của nó, toàn bộ mối hiểm họa đến từ phía hữu. Đối với trật tự xã hội, từ phía tả. Các thành viên của giai cấp quyết định sự chọn lựa chính trị của mình căn cứ vào những nỗi lo sợ. Những người bảo thủ truyền thống thường dành cảm tình của họ cho những phần tử mị dân của chủ nghĩa phát-xít, họ sẵn sàng liên minh với chúng để chống lại kẻ thù chung. Trong những năm 1920, thậm chí sang thập niên 1930, phát-xít Italia có được dư luận tốt trong báo chí – ngoại trừ báo chí thuộc xu hướng phái tả tự do. Người Anh John Buchan, một nhà bảo thủ nổi tiếng, tác giả tiểu thuyết Thriller (đáng tiếc là có rất ít người phái tả viết tiểu thuyết loại giật gân hồi hộp này) đã viết: “Ngoại trừ cuộc thử nghiệm mạnh dạn của chủ nghĩa phát-xít, thập niên (chúng ta vừa trải qua) quả thật đã không làm nên trò trống gì trong nghệ thuật cầm quyền có tính chất xây dựng” (Graves/Hodge, 1941, tr. 248). Hitler lên nắm chính quyền là nhờ liên minh của phái hữu cổ truyền mà sau đó hắn nuốt gọn. Franco thì đưa vào mặt trận quốc gia Falange Tây Ban Nha, một lực lượng không đáng kể, vì muốn mình là đại diện cho toàn bộ phái hữu chống lại các bóng ma của 1789 và 1917 mà y bỏ chung vào một rọ. May cho Franco là y không công khai đứng về phe Hitler trong cuộc Thế chiến thứ Hai, mà chỉ gửi một lực lượng chí nguyện quân, “Sư đoàn Xanh”, sang Nga để cùng với Đức chống lại “bọn Cộng sản vô thần”. Thống chế Pétain hoàn toàn không có gì là cảm tình viên của phát-xít hay Nazi. Nếu sau chiến tranh, ở Pháp, rất khó phân biệt những phần tử phát-xít công khai, những phần tử thân Đức với đa số những phần tử ủng hộ chế độ Vichy là vì nhiều lẽ, trong đó có một điều là: không có một lằn ranh rõ ràng, minh bạch. Những người mà cha chú, hồi đầu thế kỉ XX, đã căm thù Dreyfus, căm thù Do Thái và “nền Cộng hòa con đĩ” (mà họ gọi bằng cái tên miệt thị là “la gueuze”, con ghệ) – trong số những nhân vật Vichy, có những người cao tuổi thuộc thế hệ đó – dần dần đã biến thành đệ tử sùng bái châu Âu Hitler. Tóm lại, trong thời kì giữa hai cuộc Thế chiến, liên minh “tự nhiên” của phái hữu đi từ những người bảo thủ cổ truyền và những người phản động kiểu cũ cho đến vành ngoại biên của bệnh lí phát-xít. Các lực lượng cổ truyền của chủ nghĩa bảo thủ và các lực lượng phản cách mạng mạnh thì mạnh, nhưng khá ù lỳ. Chủ nghĩa phát-xít mang lại cho cả anh lẫn ả một sự năng động mới, và có lẽ quan trọng hơn nữa, mang lại bằng chứng là có thể đánh thắng các thế lực phá rối trật tự (luận điểm nổi tiếng nói tốt cho nước Italia phát-xít đã chẳng là “nhờ có Mussolini mà từ nay xe lửa đến đúng giờ” đó sao?). Sự năng động của người cộng sản sau năm 1933 đã gây ra hấp lực nhất định đối một phe tả mất định hướng và đang bơ vơ, tương tự như thế, sự thành công của chủ nghĩa phát-xít, nhất là sau thắng lợi Nazi ở Đức đã tạo ra hình ảnh “trào lưu tương lai” cho chủ nghĩa phát-xít. Sự xuất hiện tuy ngắn ngủi nhưng ngoạn mục cùng lúc đó của chủ nghĩa phát-xít trên sân khấu chính trị của nước Anh bảo thủ cũng cho thấy sức mạnh của “tác động chứng minh”. Việc nó đã lôi kéo được một trong những chính khách hàng đầu của nước Anh và tranh thủ được sự ủng hộ của một trong những đại gia của ngành báo chí có nhiều ý nghĩa hơn là việc những chính khách được trọng vọng đã vội vàng rời bỏ phong trào của Sir Oswald Mosley, cũng như việc nhật báo Daily Mail của Lord Rothermere ngừng ủng hộ British Union of Fascists. Vì nước Anh dẫu sao cũng được toàn cầu thừa nhận (và có cơ sở) là một mẫu mực của sự ổn định chính trị và xã hội.

 

III

 

Sự lớn mạnh của các lực lượng cực hữu sau Đại chiến Thế giới lần thứ nhất hiển nhiên là sự đối phó trước nguy cơ, hay chính xác hơn, trước thực tại của cách mạng xã hội và sức mạnh của giai cấp công nhân nói chung, Cách mạng tháng Mười và chủ nghĩa Lenin nói riêng. Nếu không có những nhân tố cách mạng ấy thì đã chẳng có chủ nghĩa phát-xít bởi vì nếu như vào cuối thế kỉ XIX những chính khách mị dân của phái hữu cực đoan đã ồn ào và hung hãn về mặt chính trị tại một số nước ở châu Âu, thì cho đến năm 1914, họ luôn luôn bị khống chế. Những người ca ngợi chủ nghĩa phát-xít chừng nào có lẽ có lí khi họ nói rằng Lenin đã sinh ra Mussolini và Hitler. Ngược lại, biện minh cho sự dã man của chủ nghĩa phát-xít, như một vài nhà sử học người Đức muốn làm trong những năm 1980 (Nolte, 1987), bằng cách cho rằng nó bắt chước sự dã man giả định của Cách mạng Nga, điều đó tuyệt đối không có gì chính đáng.

Karl Liebknecht (1871-1919)
Rosa Luxemburg (1871-1919)

Luận điểm theo đó sự nghiêng ngả về phía hữu thực ra là sự ứng phó đối với phái tả cách mạng cũng cần phải được bảo lưu vài điều quan trọng. Điều thứ nhất là luận điểm này coi nhẹ tác động của Thế chiến thứ Nhất trên một số đông binh sĩ hay thanh niên phần lớn là thành phần tư sản hay tiểu tư sản, sau tháng 11, 1918 (khi chiến tranh kết thúc) bỗng cảm thấy hẫng hụt vì mất đi cơ hội trở thành anh hùng. Người “lính tiền tuyến” (frontsoldat) giữ một vai trò quan trọng hệ thống huyền thoại của các tổ chức cực hữu – bản thân Hitler cũng đã ở ngoài mặt trận – và đã cung cấp đa phần những đội “vũ phu” quốc gia cực đoan, như những sĩ quan đã ám sát các lãnh tụ cộng sản như Karl Liebknecht và Rosa Luxemburg vào đầu năm 1919, những đội squadristi bên Italia và những “đoàn tự do” (freikorps) bên Đức. Trong lớp phát-xít đầu tiên ở Italia, 57% là cựu chiến binh. Như người ta nói, Thế chiến thứ Nhất là cỗ máy đần độn hóa thế gian, và những con người ấy đã vênh vang thả lòng thú tính tiềm ẩn trong họ.

Sự dấn thân mạnh mẽ của phái tả, bắt đầu từ những người thuộc xu hướng tự do, vào phong trào phản chiến và chống quân phiệt, làn sóng nhân dân tởm lợm những cuộc tàn sát của chiến tranh thế giới khiến cho không ít người coi thường sự trỗi dậy của một thiểu số tương đối nhỏ đã tìm thấy kinh nghiệm chiến trận – ngay cả trong bối cảnh 1914-1918 – một cái gì quan trọng và hứng khởi; đối với số người này, bộ quân phục và kỉ luật nhà binh, sự hi sinh – hi sinh bản thân và hi sinh người khác – máu đổ, vũ khí và uy lực là những nhân tố mang lại ý vị cho cuộc đời nam nhi. Họ ít viết về chiến tranh, trừ một hai người (đặc biệt ở Đức). Nhưng những chàng “Rambo” của thời ấy là nguồn nhân lực tự nhiên của phái hữu cực đoan.

Điều bảo lưu thứ hai: sự nghiêng ngả về phía hữu là phản ứng đối với không riêng gì chủ nghĩa Bolshevik mà đối với toàn bộ các phong trào, đặc biệt phong trào của giai cấp công nhân có tổ chức, đang đe dọa trật tự xã hội hiện tồn hay được coi là nguyên nhân của tình trạng vô trật tự. Lenin là biểu tượng của mối đe dọa chứ Lenin không nhất thiết là bản thân hiểm họa, và đối với đa số các chính khách, mối đe dọa không phải là các lực lượng công nhân XHCN mà giới lãnh đạo là những người tương đối ôn hòa, mà là sự lớn mạnh, là uy thế, sự tự tin và tính chất triệt để của giai cấp công nhân, khiến cho các đảng Xã hội cũ một sức mạnh chính trị mới, làm cho họ thực sự trở thành rường cột không thể thiếu được của các nhà nước tự do. Không phải ngẫu nhiên mà quy chế lao động 8 giờ một ngày – yêu sách chủ yếu của các đảng viên Xã hội từ năm 1889 – đã được thiết lập ngay sau Đại chiến thế giới lần thứ nhất.

Chính mối đe dọa tiềm ẩn trong sự lớn mạnh của giới lao động đã khiến cho những người bảo thủ lạnh toát người, chứ không phải vì các lãnh tụ công đoàn hay những nhà hùng biện của phe đối lập bỗng biến thành bộ trưởng, mặc dầu điều này cũng làm cho họ phải nghẹn họng. Theo đúng định nghĩa, đó là những người thuộc “phe tả”. Trong một thời kì xã hội đảo điên, thì giữa họ và những người Bolshevik, không có ranh giới rõ ràng. Thực ra, nếu họ không bị Quốc tế thứ ba chối bỏ, chắc có nhiều đảng Xã hội đã sẵn sàng hợp nhất với cộng sản ngay sau Thế chiến. Người mà Mussolini ám sát sau cuộc “Tuần hành tiến về Roma” không phải là một lãnh đạo của ĐCS mà là người đảng Xã hội Matteoti. Đúng là phái hữu truyền thống đã xem nước Nga vô thần là hiện thân của Ác quỷ trên cõi trần gian, nhưng năm 1936, khi bọn tướng lĩnh Tây Ban Nha nổi dậy, đối tượng cụ thể của họ không phải là cộng sản vì cộng sản chỉ là một thành phần thứ yếu trong Mặt trận nhân dân (xem ch. 5). Cuộc nổi loạn của Franco nhằm chống lại cao trào nhân dân mà, cho đến ngày nội chiến bùng nổ, người hưởng lợi thế là đảng Xã hội và những người Vô chính phủ. Cho nên chỉ có lối lí luận ex post facto (sau khi sự kiện đã xảy ra) mới có để đem Lenin và Stalin ra biện minh cho chủ nghĩa phát-xít.

Tuy nhiên, vấn đề vẫn đặt ra là giải thích tại sao, sau Thế chiến thứ Nhất, phe phản động phái hữu đã giành được những thắng lợi quyết định dưới hình thái phát-xít. Bởi vì trước năm 1914 đã có những phong trào cực đoan của phái hữu: quốc gia chủ nghĩa và bài ngoại một cách cuồng bạo, lí tưởng hóa chiến tranh và bạo lực, bất dung và sẵn sàng áp đặt bằng cưỡng chế, cuồng say chống tự do, chống dân chủ, chống vô sản, chống xã hội và chống những người duy lí chủ nghĩa, mơ tưởng tới máu, tới lãnh thổ tổ quốc, tới trở về những giá trị mà tính hiện đại đã làm lu mờ. Họ giành được ảnh hưởng chính trị nhất định trong nội bộ phe hữu và trong một vài giới trí thức, nhưng không hề chiếm được ưu thế hay làm chủ cuộc chơi ở nơi nào cả.

La Rocque (1885-1946)

Vận hội của họ là sau Đại chiến Thế giới lần thứ nhất, những chế độ cũ sụp đổ, và kéo theo là sự suy tàn của những giai cấp lãnh đạo cũ và bộ máy quyền hành, ảnh hưởng và bá quyền của họ. Nơi nào giai cấp này còn tồn tại trong một tình trạng bình thường, nơi đó không có đất sống cho chủ nghĩa phát-xít. Tại Anh, như đã nói ở trên, lực lượng phát-xít có một lúc làm căng, nhưng rồi không tiến thêm được chút nào. Phái hữu bảo thủ cổ truyền vẫn làm chủ được tình thế. Tại Pháp, cho đến hôm sau ngày thất trận năm 1940, phái cực hữu cũng không tiến triển được gì. Mặc dầu các tổ chức cực hữu truyền thống – Action française bảo hoàng và Croix de Feu (Chữ Thập Lửa) của đại tá La Rocque – ưa dùng chân tay với người phe tả, nhưng thực ra nó không phải là phát-xít theo đúng nghĩa của từ này. Và đúng thế, một số người trong các tổ chức này sau đó đã tham gia kháng chiến.

Một lần nữa, chủ nghĩa phát-xít không phải là điều tất yếu mỗi khi một giai cấp mới hay một ban lãnh đạo quốc gia chủ nghĩa mới lên cầm quyền ở những nước vừa giành được độc lập. Những người này có thể có lập trường phản động, họ có thể tán thành một chính thể cực quyền vì những lí do mà chúng ta sẽ xét ở dưới đây, nhưng chỉ là một cách nói khi người ta đồng nhất với chủ nghĩa phát-xít bất cứ khúc ngoặt nào sang phái hữu phản dân chủ ở châu Âu trong giai đoạn giữa hai cuộc Thế chiến. Không có phong trào phát-xít nào quan trọng ở Ba Lan dưới chính quyền độc tài quân sự, cũng như ở phần đất Séc (tức là phần đất dân chủ) của Tiệp Khắc, cũng như ở vùng trung tâm (đa số là người Serbia) của nước Nam Tư mới thành lập. Tại những nước mà lãnh đạo thuộc phái hữu kiểu cũ hay phản động – như Hungaria, Romania, Phần Lan, và ở cả Tây Ban Nha là nước mà thủ lĩnh Franco không phải là phát-xít – nhà cầm quyền không gặp khó khăn gì trong việc khống chế những phong trào phát-xít hay tương tự, dù là những phong trào lớn mạnh đi nữa, trừ phi (như trong trường hợp Hungaria năm 1944) bị Đức làm áp lực. Điều ấy không có nghĩa rằng các phong trào quốc gia thiểu số tại các quốc gia cũ hay mới không bị quyến rũ theo phát-xít, có khi chỉ vì sự viện trợ tài chính hay chính trị mà họ trông chờ ở Italia, và sau năm 1933, ở Đức. Đó là trường hợp vùng Flandres (Bỉ), vùng Slovakia và vùng Croatia.

Điều kiện tối ưu để phe hữu cực đoan cuồng tín nhất có thể thắng lợi là: một nhà nước cũ kĩ với những cơ chế chính quyền không còn hiệu lực nữa; một khối đông công dân thất vọng, mất phương hướng và bất mãn, không còn biết nghe ai; những phong trào XHCN đang rục rịch hay có vẻ như đang rục rịch làm cách mạng xã hội, nhưng thực sự là không có khả năng làm được; và một làn sóng uất hận quốc gia chủ nghĩa chống lại các hòa ước 1918-1920. Chính trong những điều kiện như vậy mà giới thượng lưu lãnh đạo cũ, nay trở thành bất lực, nảy ra ý sử dụng những phần tử cực đoan, như đảng Tự do ở Italia đã làm với đảng phát-xít của Mussolini vào những năm 1920-1922, như đảng Bảo thủ Đức với đảng Nazi của Hitler năm 1932-1933. Và đó cũng là cơ hội những phong trào cực hữu biến thành những lực lượng bán quân sự, hùng mạnh và quy củ, có khi mặc đồng phục (squadristi ở Ý; các tiểu đội công kích S.A. ở Đức), hay, như ở Đức trong thời kì Đại Khủng hoảng, thành những binh đội bầu cử đông đảo. Tuy nhiên, ở Đức cũng như ở Italia, không nơi nào phát-xít đã “giành được chính quyền” cả, mặc dầu câu chuyện “chiếm lĩnh phố phường” và “tuần hành tiến về Roma” có vị trí trang trọng trong văn chương tuyên truyền. Trong cả hai trường hợp, phát-xít lên cầm quyền là nhờ sự đồng lõa, thực ra là do sự chủ động (như ở Italia) của chế độ cũ, nghĩa là nó đã lên cầm quyền một cách “hợp hiến”.

Điều mới mẻ với phát-xít là, ngay khi vừa lên nắm chính quyền, nó từ bỏ ngay luật chơi chính trị cũ, nó chiếm lĩnh trận địa một cách tối đa. Việc chuyển giao toàn bộ chính quyền, hay loại trừ mọi đối thủ, đã được tiến hành trong một thời gian tương đối dài ở Italia (1922-1928) so với Đức (1933-1934), nhưng một khi đã hoàn tất, thì đứng về mặt nội trị, không còn gì hạn chế được sự chuyên chính của “lãnh tụ” (Duce, Führer) dân túy tối cao nữa.

Ở đây, cũng nên nhanh chóng gạt bỏ hai luận đề khiếm khuyết về chủ nghĩa phát-xít: một luận điểm phát-xít, nhưng cũng được nhiều nhà sử học thuộc xu hướng tự do lặp lại, và một luận điểm mà chủ nghĩa mác-xít Soviet chính thống ưa chuộng. Không hề có một cuộc “cách mạng phát-xít” nào xảy ra cả, cũng như không có chuyện chủ nghĩa phát-xít chỉ là biểu hiện của “chủ nghĩa tư bản lũng đoạn” hay của giới “đại tư bản”.

Trong các phong trào phát-xít, có những nhân tố của những phong trào cách mạng trong chừng mực là chúng tập hợp những con người mong muốn thay đổi xã hội một cách cơ bản, đôi khi với chiều kích chống tư bản chủ nghĩa và chống tập đoàn tư bản một cách quan trọng. Nhưng con ngựa chiến của chủ nghĩa phát-xít cách mạng đã trật chìa ngay từ khởi điểm, hay không bước vào được cuộc chạy đua. Hitler đã nhanh chóng trừ khử những đảng viên quan tâm đến cụm từ “XHCN” được ghi trong tên gọi của Đảng quốc gia XHCN của công nhân Đức – bởi đó chắc chắc không phải là quan tâm của Hitler. Giấc mơ không tưởng quay trở về một thời đại Trung cổ với những địa chủ cha truyền con nối và những người thợ thủ công như Hans Sachs và những cô gái tóc vàng tết bím, không phải là một cương lĩnh khả thi trong một quốc gia lớn ở thế kỉ XX (trừ phi trong một kịch bản ác mộng như của Himmler với một chủng tộc được “thanh lọc”), càng không thể thực hiện trong một chế độ đang dốc sức hiện đại hóa và huy động mọi tiến bộ kĩ thuật như chế độ phát-xít Italia, Đức.

Điều chắc chắn mà chế độ Nazi đã hoàn thành là thanh lọc không thương tiếc giới ưu tú và những cơ cấu định chế của đế chế cũ. Xét cho cùng, nhóm người duy nhất đã dám tổ chức một cuộc nổi dậy chống lại Hitler – và do đó đã bị đánh tan – là quân đội quý tộc Phổ cũ vào tháng bảy 1944. Việc thủ tiêu giới thượng lưu và cấu trúc cũ, sau chiến tranh lại được củng cố bằng chính sách của quân đội Đồng minh chiếm đóng, rốt cuộc đã tạo điều kiện xây dựng chế độ Cộng hòa liên bang trên một nền tảng lành mạnh hơn hẳn nền cộng hòa Weimar 1914-1933 chẳng hơn gì mấy so với đế chế bại trận không còn hoàng đế [Kaiser]. Đúng là chế độ Nazi có một chương trình xã hội cho quần chúng, và nó đã thực hiện một phần: chế độ ngày nghỉ, thể dục thể thao, dự án “ô tô cho nhân dân” đã nổi tiếng sau Thế chiến thứ Hai khắp thế giới với cái “ô tô cánh cam” Volkswagen. Công lao lớn nhất của chính quyền Nazi là đã giải quyết được cuộc Đại Khủng hoảng hiệu quả hơn mọi chính phủ nào khác, bởi chính sách chống tự do chủ nghĩa của Nazi cũng có một điểm tích cực: tiên thiên, nó không tin ở thị trường cạnh tranh. Tuy nhiên, chế độ Nazi không phải là một chế độ hoàn toàn mới lạ, nó chỉ là chế độ cũ được đổi mới. Cũng như đế chế và quân phiệt Nhật Bản của thập niên 1930 (mà chẳng ai coi là một chế độ cách mạng gì cho cam), Đức Quốc xã là một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa không liberal đã thúc đẩy được hệ thống công nghiệp một cách ngoạn mục. Như Thế chiến thứ Hai đã cho thấy rõ, thành tựu về mặt kinh tế hay gì khác của nước Italia phát-xít thua kém hơn nhiều. Nói tới “cuộc cách mạng phát-xít” chẳng qua là một lối nói mỹ từ, mặc dầu nhiều người phát-xít Italia ở cấp cơ sở có thể thành thực tin tưởng ở ngôn từ ấy. Chủ nghĩa Nazi sinh ra như là phản ứng trước những chấn thương của cuộc Đại Khủng hoảng (mà các chính phủ của nền cộng hòa Weimar đã bó tay bất lực không đối phó được), còn chủ nghĩa phát-xít Italia thì khác, trước tiên nó là thành lũy được dựng nên để ngăn chận những biến loạn cách mạng sau thế chiến, rồi nó nhanh chóng trở thành một chế độ phục vụ những giai cấp lãnh đạo cũ. Trong một ý nghĩa nào đó, nó nối dài quá trình thống nhất nước Italia đã bắt đầu từ thế kỉ XIX để tạo ra một chính quyền mạnh hơn, tập trung hơn, và cũng đã đạt được một vài thành tựu ý nghĩa. Thí dụ, nó là chính quyền duy nhất từ xưa đến nay đã trừ khử được tổ chức xã hội đen (Mafia của đảo Sicilia và tổ chức Camora của thành phố Napoli). Tuy nhiên, ý nghĩa lịch sử của chủ nghĩa phát-xít không nằm ở mục đích hay kết quả của nó, mà ở chỗ nó giữ vai trò tiên phong trên thế giới trong việc thực hiện thành công một dạng thức mới của phản – cách mạng. Chính Mussolini đã nêu gương cho Hitler, và Hitler cũng không bao giờ quên nói là Mussolini đã nêu gương và đi trước. Mặt khác, trong một thời gian dài, phát-xít Italia giữ một vị trí khác thường trong các phong trào cực hữu bởi sự khoan hòa, thậm chí sự ưa chuộng của nó đối với tính “hiện đại” của nghệ thuật tiền phong, và về một mặt nào đó, bởi sự thờ ơ của nó đối với chủ nghĩa chủng tộc bài Do Thái, cho đến năm 1938, khi Mussolini ngả theo Đức Quốc xã.

Còn luận đề về “chủ nghĩa tư bản lũng đoạn” thì vấn đề là giới tư bản lớn – thực sự lớn – chịu chơi với bất luận chế độ nào không truất hữu nó, và ngược lại chế độ nào cũng chơi được với nó. Phát-xít Italia cũng chẳng “biểu hiện quyền lợi của tư bản lũng đoạn” hơn gì chế độ New Deal ở Mỹ hay các chính quyền Công đảng Anh hoặc Cộng hòa Weimar ở Đức. Đầu những năm 1930, đại tư bản cũng chẳng ưa chuộng gì Hitler cho cam, thậm chí còn muốn có một chính phủ bảo thủ kiểu chính thống. Trước Đại Khủng hoảng, nó không hề ủng hộ Hitler; sau đó có ủng hộ, nhưng muộn màng và không đều đặn. Nhưng ngược lại, khi Hitler lên nắm quyền rồi, thì nó toàn tâm cộng tác, thậm chí còn sử dụng cả lao công khổ sai và dân chúng trong các trại tập trung hủy diệt trong thời kì chiến tranh thế giới. Và đương nhiên là các xí nghiệp lớn nhỏ đều lợi dụng sự truất hữu người Do Thái.

Tưởng cũng nên nói thêm rằng, so với nhiều chế độ khác, chủ nghĩa phát-xít mang lại những thuận lợi lớn. Trước hết, nó loại trừ hay dập tắt được cuộc cách mạng xã hội khuynh tả và hiện ra như thành lũy chính phòng chống cách mạng. Thứ nữa, nó triệt tiêu công đoàn và mọi ràng buộc đối với giới chủ trong việc quản lí nhân viên. “Nguyên tắc về thủ trưởng” mà phát-xít vẫn đề cao thực ra rất phù hợp với thực tiễn của giới chủ và của các cán bộ lãnh đạo xí nghiệp đối với nhân viên, và chủ nghĩa phát-xít mang minh chứng mạnh mẽ cho sự hành xử đó. Thứ ba, việc đập tan phong trào công nhân góp phần đảm bảo cho các xí nghiệp một lối thoát ra khỏi Khủng hoảng. Ở Mỹ, từ 1929 đến 1941, phần thu nhập (trong thu nhập toàn quốc) của số 5% người giàu nhất nước đã giảm đi 20% (ở Anh và Bắc Âu, cũng có xu hướng bình đẳng giống như thế, nhưng yếu hơn) trong khi đó thì ở Đức, trong cùng một thời gian, phần thu nhập của 5% người giàu nhất tăng lên 15% (Kuznets, 1956). Điểm cuối cùng, đã nói ở trên, chế độ phát-xít đã thành công trong việc năng động hóa và hiện đại hóa nền kinh tế công nghiệp, nhưng không bằng các chế độ dân chủ phương Tây trong công cuộc kế hoạch hóa kĩ thuật – khoa học gian truân và dài hơi.

 

IV

 

Wolfgang Kapp (1858-1922)

Nếu không có cuộc Đại Khủng hoảng, liệu chủ nghĩa phát-xít có thể trở thành một sự kiện quan trọng trong lịch sử hoàn cầu như vậy chăng? Có lẽ không. Một mình nước Italia không phải là căn cứ địa khả dĩ làm lay chuyển thế giới. Trong thập niên 1920, không có phong trào phản cách mạng nào khác ở châu Âu của phe hữu tỏ ra có triển vọng, đại để nguyên nhân cũng giống như nguyên nhân thất bại của những mưu đồ nổi dậy làm cách mạng xã hội cộng sản: làn sóng cách mạng sau 1917 đã bước sang giai đoạn thoái trào và nền kinh tế coi mòi khởi động trở lại. Ở Đức, những cột trụ của xã hội dưới thời đế chế, tức là tướng lĩnh, công chức và những giới khác đã ủng hộ các lực lượng dân vệ và những phần tử vũ phu của phái hữu sau cuộc Cách mạng tháng Mười, đồng thời (điều này cũng dễ hiểu) tập trung chủ yếu sức lực vào việc bảo toàn nền Cộng hòa mới, bảo thủ và chống cách mạng, và nhất là, một nhà nước có khả năng tiến thoái trên trường quốc tế. Tuy nhiên, khi bắt buộc phải chọn lựa, chẳng hạn như trong cuộc đảo chính khuynh hữu năm 1920 của Wolfgang Kapp hay cuộc biến loạn năm 1923 ở Munich (trong đó tên tuổi của Hitler lần đầu tiên xuất hiện trên tít lớn) thì không hề do dự, họ ủng hộ giữ nguyên trạng. Sau khi kinh tế được chấn chỉnh năm 1924, Đảng Nazi bị thu hẹp – từ 2,5 đến 3% cử tri – chỉ bằng hơn một nửa số phiếu của Đảng Dân chủ Đức nhỏ bé và văn minh, nhỉnh hơn 1/5 số phiếu bầu cho Cộng sản và chưa tới 1/10 số phiếu ủng hộ Đảng Xã hội - Dân chủ trong cuộc bầu cử 1928. Hai năm sau, nó vượt hơn 18%, trở thành đảng thứ hai trên sân khấu chính trị Đức. Và bốn năm sau, vào mùa hè 1932, với hơn 37% số phiếu, nó trở thành chính đảng số một, vượt xa các đảng khác, dù rằng nó không duy trì được mức ấy ngày nào còn có tuyển cử dân chủ. Hiển nhiên là cuộc Đại Khủng hoảng đã biến Hitler, một hiện tượng chính trị ngoài lề, thành chúa tể tiềm thể, rồi chúa tể thực sự của nước Đức.

Tuy nhiên, ngay cuộc Đại Khủng hoảng cũng không đem lại cho chủ nghĩa phát-xít sức mạnh và ảnh hưởng mà nó đã có trong thập niên 1930 nếu nó không đưa lên cầm quyền một chính phủ kiểu ấy tại nước Đức, tức là một quốc gia do tầm cỡ, tiềm năng kinh tế và quân sự, và đây cũng không phải là một điều thứ yếu, do vị trí địa lí của nó, đóng một vai trò chính trị quan trọng ở châu Âu, bất luận chính quyền ấy hình thái như thế nào. Cứ xem, mặc dầu đã hoàn toàn thất bại trong hai cuộc Thế chiến, đến cuối thế kỉ, Đức vẫn trở thành quốc gia vượt trội cả lục địa. Tương tự như bên tả, thắng lợi của Marx tại đất nước lớn nhất hoàn cầu (giữa hai cuộc chiến, người cộng sản rất thích lối nói “1/6 tổng diện tích các lục địa”) đã mang lại cho chủ nghĩa cộng sản sự hiện diện hàng đầu trên trường quốc tế – cho dù bên ngoài biên giới Liên Xô, sức mạnh chính trị của nó không có gì đáng kể – việc Hitler lên cầm quyền ở Đức có vẻ như đã khẳng định sự thành công của nước Italia dưới chế độ Mussolini, biến chủ nghĩa phát-xít thành một cao trào chính trị lớn mạnh trên thế giới. Suốt một thập niên, đời sống chính trị quốc tế sẽ bị chi phối bởi thắng lợi của chính sách bành trướng quân phiệt hiếu chiến của hai quốc gia (xem ch. 5) – thêm vào đó là chính sách của Nhật Bản. Lẽ tự nhiên là có những nước, những phong trào bị chủ nghĩa quyến rũ và tác động, tìm cách tranh thủ sự ủng hộ của Đức và Italia, và – do chính sách bành trướng của hai nước nay – thường nhận được sự hỗ trợ đó.

Vladimir Jabotinsky (1880-1940)

Tại châu Âu, vì những lí do hiển nhiên, tuyệt đại đa số các phong trào này thuộc về phái hữu. Chẳng hạn trong phong trào Xi-ô-nít (chủ yếu là của những người Do Thái “ashkenaze” ở Đông Âu và Trung Âu), nhóm “xét lại chủ nghĩa” của Vladimir Jabotinsky là xu hướng đi theo chủ nghĩa phát-xít Italia, tự nhận và được người khác coi là phái hữu, chống lại những tổ chức xi-ô-nít thuộc khuynh hướng XHCN hay tự do (là khuynh hướng đa số). Trong chừng mực nào đó, ảnh hưởng của chủ nghĩa phát-xít trong thập niên đương nhiên có tính chất toàn cầu, ít nhất vì nó gắn liền với hai cường quốc năng nổ. Nhưng, ra khỏi ranh giới châu Âu, các điều kiện đã sản sinh ra các phong trào phát-xít tại lục địa nguyên quán của chúng không được hội đủ. Vì vậy, khi những phong trào phát-xít, hoặc chịu ảnh hưởng phát-xít, xuất hiện ở nơi nào, vị trí và vai trò chính trị của chúng cũng bấp bênh hơn nhiều.

Tất nhiên, những đặc trưng của phát-xít châu Âu cũng gây ra những âm hưởng ở hải ngoại. Mufti (Học giả Islam) ở Jerusalem và những người Arab chống lại cuộc di dân thuộc địa của người Do Thái ở Palestine không thể không thích thú chính sách bài Do Thái Hitler, mặc dầu chính sách này hoàn toàn không liên hệ gì tới truyền thống của đạo Hồi chung sống với đủ các loại người ngoại đạo. Ở Ấn Độ, một số người Hindu thuộc đẳng cấp cao, như những người cực đoan Sinhala ở Sri Lanka là những người mang thương hiệu Aryan cầu chứng – họ mới là những người Aryan nguyên gốc – được bảo đảm là “siêu đẳng” hơn những chủng tộc da đen hơn ở tiểu lục địa. Và những đảng viên Boer ở Nam Phi bị an trí trong thời gian Thế chiến thứ Hai vì lập trường thân Đức – một số trong bọn họ sau đó đã lên cầm quyền ở Nam Phi dưới chế độ apartheid thiết lập từ năm 1948 – cũng gần gũi Hitler về mặt tư tưởng, một phần vì họ là hết sức kì thị chủng tộc, một phần do ảnh hưởng thần học của những xu hướng tông phái Calvin “thượng lưu chủ nghĩa” cực hữu ở Hà Lan. Nhưng điều ấy không làm thay đổi độ chính xác của mệnh đề cơ bản này: không như chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa phát-xít hầu như không tồn tại ở châu Á và châu Phi (ngoại trừ trong giới thực dân thì có thể) bởi vì nó xem ra không ăn nhằm gì tới thực trạng chính trị địa phương.

Mệnh đề ấy khá đúng cho cả Nhật Bản, mặc dù trong Thế chiến thứ Hai, Nhật Bản là đồng minh của Đức và Italia, và phái hữu lại làm chủ tình hình chính trị ở đây. Giữa hệ tư tưởng thống trị ở Viễn Đông và hệ tư tưởng thống trị ở phương Tây của phe “Trục”, có những tương đồng quan trọng. Chẳng thua gì ai, người Nhật tin như đinh đóng cột rằng mình là chủng tộc thượng đẳng, rằng phải gìn giữ sự thuần chủng của nòi giống, cũng như họ tin vào những đức tính “võ sĩ” như xả thân, tuyệt đối tuân lệnh thượng cấp, hi sinh, khắc kỉ. Người võ sĩ Nhật có thể đồng tâm nhất trí với khẩu hiệu của bọn SS Hitler: Meine Ehre ist Treue muốn dịch cho đúng ý thì phải dịch như thế này Tuân lệnh mù quáng là vinh dự”. Xã hội Nhật là xã hội tôn ti cứng nhắc, cá nhân – đó là giả sử khái niệm cá nhân tồn tại trong một xã hội như vậy – phải tuyệt đối phục tùng quốc gia và Nhật hoàng, hoàn toàn phủ nhận Tự do, Bình đẳng và Bác ái. Người Nhật dễ dàng tiếp thu những huyền thoại kiểu Wagner về các vị Thần man dại, những kị sĩ thuần khiết và anh hùng của Thời đại Trung cổ, và “tính Đức” của núi rừng đậm đà bản sắc völkisch. Họ cũng biết kết hợp nhuần nhuyễn ứng xử dã man và mẫn cảm duy mỹ tinh tế: tên đao phủ ở trại tập trung ưa thích chơi nhạc quatuor của Schubert. Và nếu chủ nghĩa phát-xít có thể dịch ra ngôn ngữ thiền, chắc người Nhật cũng hoan nghênh lắm, mặc dầu họ cũng chẳng cần cái thứ đó. Sự thực là, trong giới những nhà ngoại giao được cử sang các nước phát-xít châu Âu, và nhất là trong những nhóm khủng bố quốc gia chủ nghĩa cực đoan quen ám sát những chính khách bị quy chụp là yêu nước không đủ, và trong đạo quân Quan Đông sắp sửa chiếm đoạt, thống trị và nô dịch Mãn Châu và Trung Quốc, có những người Nhật nhận thức được những tương hợp nói trên và vận động để Nhật Bản kết hợp chặt chẽ hơn nữa với các cường quốc phát-xít ở châu Âu.

Dù sao đi nữa thì chủ nghĩa phát-xít châu Âu không thể quy giản thành một thứ phong kiến phương Đông với sứ mệnh quốc gia do hoàng thượng trao phó. Nó chủ yếu thuộc về thời đại của dân chủ, của con người bình thường, trong khi mà ngay khái niệm “phong trào” động viên quần chúng nhằm những mục đích mới, mệnh danh cách mạng, đi theo những lãnh tụ tự phong, là cái gì hoàn toàn vô nghĩa lí ở nước Nhật của Hiro-Hito. Nếu có cái gì gần gũi với thế giới quan của họ, thì không phải là Hitler, mà là quân đội và truyền thống của nước Phổ. Tóm lại, mặc dầu có những điểm tương đồng với chế độ Nazi (với nước Italia phát-xít thì ít hơn nhiều), Nhật Bản không phải là nước phát-xít.

Frank Ryan (1902-1944)

Còn đối với những quốc gia và phong trào đã tranh thủ sự ủng hộ của Đức và Italia, nhất là trong thời kì Thế chiến thứ Hai khi mà khối Trục có vẻ sắp toàn thắng, động cơ chính của họ không phải là hệ tư tưởng, dù rằng một vài chế độ quốc gia nhỏ yếu ở châu Âu mà vị thế lệ thuộc vào hậu thuẫn của Đức muốn tỏ ra mình Nazi hơn cả bọn SS – như quốc gia Croatia của bọn Ustashi. Sẽ hết sức vô lí nếu dùng chữ “phát-xít” – hiểu theo bất cứ nghĩa nào – để gọi Quân đội Cộng hòa Ireland hay những người Ấn Độ quốc gia cư ngụ ở Berlin, viện cớ là trong Thế chiến thứ Hai, cũng như trong Thế chiến thứ Nhất, họ đã thương lượng để được sự ủng hộ của Đức, theo phương châm “kẻ thù của kẻ thù của ta là bạn ta”. Thực ra, Frank Ryan, lãnh tụ phe Cộng hòa Ireland, người đã đàm phán như vậy với Đức, là người chống phát-xít về mặt tư tưởng tới mức ông ta đã tham gia các Lữ đoàn quốc tế chiến đấu chống Franco trong thời kì nội chiến Tây Ban Nha cho đến khi bị quân đội Franco bắt làm tù binh và gửi sang Đức. Những trường hợp như thế không đáng để ta bàn luận dài dòng.

Song còn một châu lục đã chịu tác động rõ nét của chủ nghĩa phát-xít châu Âu: Bắc và Nam Mỹ.

Ở Bắc Mỹ, những người và những phong trào cảm hứng từ châu Âu không mấy quan trọng, ngoài một vài cộng đồng di dân đặc biệt: thành viên của những cộng đồng nay mang hệ tư tưởng của họ từ cố hương sang Mỹ, thí dụ như những người Bắc Âu và Do Thái nhập cư với khuynh hướng XHCN, hoặc mang theo những mối liên hệ với quê cũ. Thành thử những người Mỹ gốc Đức – người Mỹ gốc Italia thì ít – như vậy có khuynh hướng thiên về chính sách biệt lập, chứ không có gì chứng tỏ rằng họ có đông người theo chủ nghĩa phát-xít. Những trò lỉnh kỉnh của những tổ chức dân vệ như mặc áo sơ mi màu đồng phục và giang tay thẳng chào lãnh tụ không phải là tập tục của phái hữu hay của những tổ chức kì thị chủng tộc bản địa mà Ku Klux Klan là băng đảng được biết nhiều nhất. Chủ nghĩa bài Do Thái cũng rất kịch liệt, nhưng dạng thức của nó trong phái hữu đương đại ở Mỹ – như những bài giảng đạo của linh mục Coughlin truyền thanh trên một đài đại chúng ở Detroit – có lẽ xuất phát từ phản ứng phường hội theo truyền thống Kitô giáo châu Âu. Mà đây cũng là một nét đặc trưng của Hoa Kỳ trong thập niên 1930: hình thái dân túy mị dân có hiệu quả nhất và có tiềm năng nguy hiểm nhất – là vụ Huey Long thắng cử ở bang Louisiana – bắt nguồn từ một truyền thống cấp tiến và phái tả (trong hoàn cảnh nước Mỹ). Nó nhân danh dân chủ để hạn chế dân chủ và kêu gọi chủ nghĩa bình quân của người nghèo chứ không dựa vào uất ức của tầng lớp tiểu tư sản hay bản năng bảo thủ chống cách mạng của người giàu. Nó cũng không kì thị chủng tộc. Một phong trào giương cao khẩu hiệu “Mỗi người là một nhà vua” không thể nào thuộc xu hướng phát-xít.

Ngược lại, ảnh hưởng của chủ nghĩa phát-xít rất công khai và được thừa nhận ở châu Mỹ Latin, đối với những nhân vật chính trị, như Jorge Eliézer Gaitán (1898-1948) người Colombia, Juan Domingo Perón (1895-1974) người Argentina, cũng như đối với những chế độ chính trị như Estado Novo (Nhà nước mới) của Getulio Vargas trong những năm 1937-1945 ở Brasil. Người Mỹ (Hoa Kỳ) thời ấy đã lo ngại bị Nazi bao vây từ phía nam, nhưng đó là nỗi lo không căn cứ, vì thực ra chủ nghĩa phát-xít ở châu Mỹ Latin chỉ có ảnh hưởng về mặt nội trị. Ngoại trừ Argentina (không giấu giếm cảm tình với phe Trục – trước khi Perón lên cầm quyền năm 1943 cũng như sau đó) chính phủ các nước Tây Bán cầu đều tham chiến bên cạnh Hoa Kỳ, ít nhất trên lí thuyết. Song, cũng phải nói là tại một số nước Nam Mỹ, quân đội được đào tạo theo mô hình Đức, thậm chí được sĩ quan Đức, cả Nazi, huấn luyện.

Franklin D. Roosevelt (1882-1945)

Ảnh hưởng phát-xít ở phía nam sông Rio Grande cũng dễ hiểu. Nhìn từ phía nam, Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ sau 1914 không còn là nước đồng minh trong thế kỉ XIX của những lực lượng tiến bộ tại các nước Nam Mỹ, đối trọng ngoại giao của những cường quốc đế chế trước đây hay đương thời: Tây Ban Nha, Pháp, Anh. Thắng lợi của Hoa Kỳ trong các cuộc giao tranh đế quốc với Tây Ban Nha năm 1898, cách mạng Mexico, đó là không nói tới sự bành trướng của các ngành dầu mỏ và trồng chuối đã tạo ra trong đời sống chính trị châu Mỹ Latin một làn sóng chống đế quốc Yankee. Trong phần ba đầu tiên của thế kỉ XX, chính sách ngoại giao chiến thuyền và những cuộc đổ bộ của thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ tất nhiên đã không làm dịu bớt tâm trạng bài Mỹ ấy. Victor Raul Haya de la Torre, người sáng lập APRA (Liên minh Nhân dân Cách mạng châu Mỹ), một tổ chức có tham vọng tập hợp toàn châu Mỹ Latin, tuy rằng tổ chức này rốt cuộc chỉ bắt rễ được ở nước Peru của mình, đã dự định đào tạo nghĩa quân Peru bằng cán bộ của Sandino, nhà cách mạng Nicaragua chống Mỹ nổi tiếng (cuộc chiến tranh du kích trường kì sau năm 1927 của Sandino chống lại quân Mỹ chiếm đóng sau này sẽ trở thành tấm gương cho cuộc cách mạng “sandinista” ở Nicaragua trong thập niên 1980). Thêm vào đó, bị suy yếu bởi cuộc Đại Khủng hoảng, nước Mỹ của thập niên 1930 đã mất đi bộ điệu thống trị và dũng mãnh trước đó. Việc tổng thống Franklin D. Roosevelt từ bỏ chính sách ngoại giao chiến thuyền và thủy quân lục chiến của những người tiền nhiệm được hiểu không những là một “chính sách láng giềng tốt”, mà còn bị hiểu (sai) là dấu hiệu yếu đuối. Châu Mỹ Latin của thập niên 1930 dễ hiểu là không muốn ngả về phía Bắc.

Trong khi đó, nhìn từ bờ phía tây Đại Tây Dương, chủ nghĩa phát-xít hiện ra với hào quang sự thành công không thể chối cãi của thập niên 1930. Đối với những chính khách có triển vọng tương lai ở một châu lục luôn luôn tìm cảm hứng từ những khu vực chiếm vị trí bá quyền về văn hóa, thì nếu muốn tìm ra những khuôn mẫu cho những nhà lãnh tụ tương lai sao chép để hiện đại hóa và trở thành giàu mạnh, chắc chắn phải nhìn về Berlin và Roma, bởi vì London và Paris không còn là nguồn cảm hứng nữa rồi, Washington thì đang tắt máy. (Còn Moskva chủ yếu chỉ được coi là mô hình cách mạng xã hội, do đó không mấy hấp dẫn về mặt chính trị).

Vậy mà không phải vậy! Giữa mô hình châu Âu và các hoạt động và thành tích của những con người không hề che giấu mối nợ trí thức của mình đối với Mussolini và Hitler, khác nhau biết bao! Tôi còn nhớ đã kinh ngạc thế nào khi nghe tổng thống nước Bolivia cách mạng thoải mái thừa nhận điều ấy trong một cuộc nói chuyện riêng. Tại Bolivia, những binh sĩ và chính khách từng chiêm ngưỡng nước Đức ấy chính là những người đã tiến hành cuộc cách mạng năm 1952 bằng cách quốc hữu hóa các mỏ thiếc và mang lại quyền lợi cho nông dân người Indian bằng một cuộc cải cách ruộng đất triệt để. Ở Columbia, Jorge Eliézer Gaitán, thủ lĩnh rất được lòng dân, khi lên làm chủ tịch đảng Tự do, không đi theo đường lối phái hữu, mà chắc chắn sẽ đi theo một hướng cấp tiến nếu như ông không bị ám sát tại Bogota ngày 9.4.1948 – biến cố này đã ngay lập tức dấy lên cuộc khởi nghĩa của nhân dân thủ đô (kể cả công an cảnh sát) sự thành lập những công cách mạng tại nhiều thị các tỉnh. Điều những người lãnh đạo châu Mỹ Latin ghi nhận chế độ phát-xít châu Âu sự  thần hóa những lãnh tụ được quần chúng mến mộ, được tiếng là những con người hành động. Song những quần chúng mà họ muốn huy động, và trên thực tế họ đã huy động thành công, không phải là những thành phần đang lo sợ bị cướp mất những gì mình có, là những thành phần không có gì để mất. Và những kẻ thù mà họ huy động quần chúng chống lại không phải là nước ngoài hay những nhóm ngoài lề (mặc dầu ta không thể phủ nhận nét kì thị chống Do Thái trong đời sống chính trị Argentina thời Perón và sau đó), mà là nhóm “quả đầu” (oligarchy): các đại gia, giai cấp cầm quyền bản xứ. Hạt nhân hậu thuẫn của Perón là giai cấp công nhân Argentina, và guồng máy chính trị cơ sở của Perón là một thứ Công đảng xây dựng chung quanh tổ chức công đoàn mà ông khuyến khích thành lập. Ở Brasil, Getulio Vargas cũng làm như vậy. Chính quân đội năm 1945 đã lật đổ Vargas và năm 1954 đã đẩy Vargas đến chỗ phải tự vẫn. Công nhân thành thị, giai cấp mà Vargas đã tranh thủ được sự ủng hộ và đổi lại là mang tới cho họ sự bảo hộ về xã hội, chính là những người đã thương khóc Vargas như “cha già dân tộc”. Trong khi ở châu Âu các chính thể phát-xít đập tan phong trào công nhân thì giới lãnh đạo châu Mỹ Latin chịu “ảnh hưởng phát-xít” lại tạo ra phong trào công nhân. Cho nên tuy có dây mơ rễ má về trí tuệ, đứng về mặt lịch sử, không thể vơ đũa cả nắm được.

 

V

 

Tuy nhiên, các phong trào ấy là cũng là nhân tố suy tàn và sụp đổ của chủ nghĩa liberal trong Thời đại Tai họa. Cho dù sự bành trướng và thắng lợi của phát-xít thể hiện một cách kịch tính nhất sự suy tàn của chủ nghĩa liberal, sẽ là một sai lầm nếu chỉ lấy chủ nghĩa phát-xít làm thước đo cho sự thoái trào ấy – ngay như chỉ khuôn lại vấn đề trong thời gian những năm 1930. Để kết thúc chương này, chúng ta sẽ phải tìm cách lí giải được điều ấy. Nhưng trước đó, phải giải tỏa một lầm lẫn khá phổ biến, đó là sự đồng nhất hóa chủ nghĩa phát-xít và chủ nghĩa quốc gia.

Joseph Goebbels (1897-1945)

Các phong trào phát-xít có xu hướng kích động những mê đắm và thành kiến quốc gia chủ nghĩa cũng là điều đương nhiên, dù rằng những Nhà nước phường hội chủ nghĩa nửa phát-xít như Bồ Đào Nha và Áo những năm 1934-1938 thuộc dòng Kitô giáo thì hướng căm thù tuyệt đối vào nhân dân và những nước thuộc tôn giáo khác hoặc vô thần. Vả chăng, một lập trường đơn thuần quốc gia chủ nghĩa cũng khó mà giữ vững đối với những phong trào phát-xít bản địa ở những nước bị Đức và Italia chinh phục và chiếm đóng, số phận của chúng lệ thuộc vào sự chiến thắng của Đức và Italia trong cuộc đấu tranh chống lại chính phủ của nước họ. Trong một số trường hợp (Flandres, Hà Lan, Bắc Âu), chúng có thể đồng nhất hóa với Đức, coi như cùng là thành viên của một chủng tộc Teuton bao trùm lên tất cả, song thuận tiện hơn cả là một lập trường nghịch lí hơn: chủ nghĩa quốc tế (và trong thời kì chiến tranh, tuyên truyền của tiến sĩ Goebbels cũng đề cao lập trường này). Nước Đức, theo luận điệu ấy, là hạt nhân và bảo đảm duy nhất cho một trật tự châu Âu tương lai, với những viện dẫn quen thuộc về truyền thống vua Charlemagne và chủ nghĩa chống cộng; đây là một giai đoạn lịch sử của ý tưởng về châu Âu mà các sử gia của Cộng đồng châu Âu hậu chiến không muốn gợi lại. Các đơn vị vũ trang không phải của Đức chiến đấu dưới ngọn cờ Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ Hai, chủ yếu trong hàng ngũ SS, thường nhấn mạnh tới khía cạnh quốc tế chủ nghĩa này.

Mặt khác, hiển nhiên là không phải chủ nghĩa quốc gia nào cũng có cảm tình với chủ nghĩa phát-xít, chẳng phải đơn thuần vì tham vọng của Hitler (và ở một mức thấp hơn, tham vọng của Mussolini) đe dọa một số tổ chức quốc gia chủ nghĩa, thí dụ như Ba Lan và Tiệp. Tại một số nước, ta sẽ thấy (xem ch. 5), cuộc chiến đấu chống phát-xít đã khơi dậy chủ nghĩa yêu nước phái tả, nhất là trong khi chiến tranh tiếp diễn, khi mà cuộc kháng chiến chống phe Trục trở thành cuộc chiến tranh của những “mặt trận dân tộc” hay những chính phủ đoàn kết mọi xu hướng chính trị, ngoại trừ các phần tử phát-xít và phần tử theo Đức. Nói chung, việc một tổ chức quốc gia chủ nghĩa bản địa đứng vào phe phát-xít tùy thuộc vào hai nhân tố: một là nó phải giành được quyền lợi nhiều hơn nếu phe Trục ở thế thắng, hai là hận thù đối với một nước khác, một sắc tộc khác (người Do Thái, người Serbia chẳng hạn), hoặc lòng căm thù cộng sản phải mạnh hơn cả sự chán ghét người Đức hay người Italia. Vì thế mà người Ba Lan, tuy rất thù ghét người Nga và người Do Thái, đã không hợp tác với Đức Quốc xã, trái hẳn người Lituania hay một số người Ukrainia (bị Liên Xô chiếm đóng từ năm 1939 đến năm 1941).

Tại sao chủ nghĩa tự do (liberal) lại suy thoái trong thời kì giữa hai cuộc Thế chiến, ngay cả ở những nước không chấp nhận phát-xít? Ở phương Tây, những người cấp tiến, xã hội và cộng sản đã trải qua giai đoạn này có khuynh hướng coi thời kì khủng hoảng toàn cầu là cơn hấp hối của hệ thống tư bản. Chủ nghĩa tư bản, theo họ, không còn khả năng cai quản thông qua chế độ dân chủ đại nghị và trong khuôn khổ các quyền tự do liberal nhờ đó các phong trào lao động ôn hòa và cải lương chủ nghĩa đã có khả năng khai triển. Phải đối phó với những vấn đề kinh tế nan giải và/hay với giai cấp công nhân ngày càng cách mạng, giai cấp tư sản từ nay phải dùng sức mạnh và áp chế, một cái gì đó như chủ nghĩa phát-xít chẳng hạn.

Năm 1945, cả chủ nghĩa tư bản lẫn chế độ dân chủ liberal đã “tái hồi” trong vinh quang, nên, vượt qua những ngôn từ hơi cực đoan, người ta dễ quên rằng quan điểm nói trên không phải là không có cơ sở. Các hệ thống dân chủ không thể vận hành suôn sẻ nếu không có một sự đồng thuận cơ bản của đại đa số công dân, họ phải chấp nhận nhà nước và hệ thống xã hội, hay ít nhất cũng chịu thương lượng để đi tới thỏa hiệp. Nếu kinh tế thịnh vượng thì điều ấy dễ thực hiện. Song ở đại bộ phận châu Âu từ 1918 đến ngày Thế chiến thứ Hai bùng nổ, những điều kiện ấy không hội đủ. Nơi nào cũng xảy ra hoặc sắp sửa xảy ra đại họa về mặt xã hội. Tại phần lớn khu vực Đông Âu, Đông Nam châu Âu và một phần khu vực Địa Trung Hải, vì sợ cách mạng bùng nổ, người ta đã giữ chịt các đảng Cộng sản trong vòng bất hợp pháp. Hố ngăn cách không gì vượt qua nổi giữa phái hữu và phái tả (dù là phái tả ôn hòa) đã dẫn tới sự cáo chung của nền dân chủ Áo trong thời gian 1930-1934, trong khi đó thì sau năm 1945, nó lại nẩy nở cũng vẫn với chế độ lưỡng đảng Kitô giáo và Xã hội (Seton Watson, 1962, tr. 184). Nền dân chủ Tây Ban Nha cũng sụp đổ trong tình trạng căng thẳng tương tự trong thập niên 1930. Điều này tương phản hẳn với quá trình chuyển tiếp qua thương lượng trong thập niên 1970, từ chế độ độc tài Franco sang chế độ dân chủ đa nguyên.

Các chế độ dân chủ ở châu Âu không có khả năng giữ nổi ổn định qua cuộc Đại Khủng hoảng. Nền Cộng hòa Weimar của Đức sụp đổ, chủ yếu cũng vì sự suy thoái nghiêm trọng về kinh tế đã không cho phép duy trì sự thỏa thuận mặc nhiên giữa nhà nước, giới chủ và các công đoàn. Giới công nghiệp và nhà nước cho rằng không có giải pháp nào khác hơn là phải cắt giảm mạnh bạo về mặt kinh tế cũng như về mặt xã hội; thêm vào đó tác động của nạn thất nghiệp đại trà. Giữa năm 1932, tổng số phiếu bầu của cử tri bỏ cho Nazi và Cộng sản đạt đa số tuyệt đối, còn số phiếu ủng hộ chế độ cộng hòa chỉ chiếm khoảng 1/3 cử tri. Ngược lại, hiển nhiên là sự ổn định của các chế độ dân chủ sau Thế chiến thứ Hai, đặc biệt của chế độ CHLB Đức mới ra đời, dựa trên “phép lạ” kinh tế của những thập niên ấy (xem ch. 9). Khi mà chính quyền có đủ trong tay để phân phối, thỏa mãn mọi yêu sách, một khi mà đa số các công dân nhận thấy mức sống của mình được nâng cao đều đặn, thì hiếm khi nào đời sống chính trị lại trải qua những cơn sốt nóng. Xu hướng chủ đạo của thời kì này là thỏa hiệp và đồng thuận, ngay cả những người chủ trương quyết liệt phải lật đổ chủ nghĩa tư bản cũng phải thừa nhận rằng cứ giữ nguyên trạng như vậy thì về mặt lí luận khó chấp nhận đấy, nhưng trên thực tế không đến nỗi, còn những nhà quán quân cứng đầu nhất của chủ nghĩa tư bản cũng coi là tự nhiên, bình thường phải có những chế độ bảo hộ xã hội, phải thường xuyên thương lượng với các công đoàn về việc tăng lương bổng và các thứ phúc lợi khác.

Dẫu sao đó mới chỉ là một phần của câu trả lời: cuộc Khủng hoảng của thập niên 1930 đã chứng minh điều đó. Cùng một tình huống – công nhân trong công đoàn không chịu chấp nhận những cắt giảm do khủng hoảng áp đặt – đã dẫn tới sự sụp đổ chế độ nghị viện ở Đức, và cuối cùng, tới việc bổ nhiệm Hitler làm thủ tướng, trong khi ở Anh, người ta chỉ thấy chính phủ Công đảng bị thay thế thẳng thừng bằng một “Chính phủ quốc gia” (bảo thủ) trong khuôn khổ một chế độ nghị viện ổn định và vững vàng.[31] Cuộc khủng hoảng không nhất thiết dẫn tới đình chỉ hoặc bãi bỏ dân chủ đại nghị: điều này biểu lộ rõ ràng khi ta xem xét hậu quả chính trị của nó tại Hoa Kỳ (chính sách New Deal của Roosevelt) và ở Bắc Âu (thắng lợi của đảng Xã hội - Dân chủ). Chỉ ở châu Mỹ Latin là nơi tài khoản công cộng chủ yếu lệ thuộc vào xuất khẩu một vài nguyên liệu đột nhiên tụt giá một cách thảm kịch (xem ch. 3), cuộc khủng hoảng mới dẫn tới sự sụp đổ hầu như tức thời và tự động của các chính quyền tại vị, phần đông do một cuộc đảo chính quân sự. Cũng cần nói thêm là ở vài nơi (Chile và Columbia) sự thay đổi chính trị lại đi theo chiều hướng ngược lại.

Xét cho cùng, sở dĩ chính thể tự do là một chế độ “mảnh mai dễ vỡ” cũng vì hình thái đặc trưng của nó – dân chủ đại nghị – ít khi là một cung cách có tính thuyết phục để lãnh đạo quốc gia, và những điều kiện của Thời đại Tai họa lại chẳng mấy thuận lợi cho sự vận hành – nói chi đến vận hành hiệu quả – của chế độ dân chủ đại nghị.

Điều kiện đầu tiên là nó phải được sự đồng thuận và có được tính chính đáng. Dân chủ dựa trên sự đồng thuận, nó không tạo ra sự đồng thuận ấy, trừ phi, trong trường hợp những chế độ dân chủ đã có căn cơ và ổn định, quá trình bầu cử đều đặn đã tạo ra cho các công dân – kể cả những người thuộc thiểu số – cảm tưởng là chính quy trình bầu cử đó đã mang lại tính chính đáng cho chính phủ được bầu ra. Nhưng giữa hai cuộc Thế chiến, chẳng mấy nước đã có được chế độ dân chủ căn cơ và ổn định như thế. Thực ra, cho đến đầu thế kỉ XX, ngoại trừ Hoa Kỳ và nước Pháp (xem Age of Empire, ch. 4), dân chủ là một chế độ ngoại lệ trên thế giới. Thật vậy, sau Thế chiến thứ Nhất, ít nhất 10 nước châu Âu là những quốc gia mới ra đời hoặc khác hẳn những nhà nước trước đó, nên trong con mắt của dân chúng, nó không có sự chính danh nào đáng kể. Số nước dân chủ ổn định càng ít hơn. Trong Thời đại Tai họa, đời sống chính trị của các quốc gia thường diễn ra trong tình trạng khủng hoảng.

Điều kiện thứ hai là mức độ tương thích giữa các thành phần trong “nhân dân”, mà cuộc bỏ phiếu “dân làm chủ” phải bầu ra chính phủ chung. Trái ngược với quan điểm của các nhà nhân học, xã hội học hay các chính khách đi thâm nhập thực địa, lí thuyết chính thức của xã hội tư sản tự do không công nhận “nhân dân” là tập hợp các nhóm, cộng đồng hay tập thể với những quyền lợi riêng của chúng. “Nhân dân” như vậy là một khái niệm hơn là một thực thể gồm những con người bằng da bằng thịt, nó hội tụ những cá thể, mỗi cá thể là một lá phiếu độc lập, cộng lại thành những đa số và thiểu số số học, thể hiện qua các nghị viện để trở thành đa số cầm quyền và thiểu số đối lập. Khi sự thể hiện dân chủ ấy xóa nhòa được những ranh giới trong cộng đồng dân tộc, hay khi có thể tìm ra được những mảnh đất thỏa thuận, tháo gỡ được những xung đột, thì nền dân chủ có thể vận hành suôn sẻ. Trong Thời đại Cách mạng, trong thời kì có quá nhiều căng thẳng, thì đấu tranh giai cấp giành chỗ của hòa bình giữa các giai cấp. Sự bất dung tư tưởng, sự bất khoan giai cấp dẫn tới sụp đổ dân chủ. Thêm vào đó, những hòa ước cẩu thả sau 1918 đã nhân bản cái mà đến cuối thế kỉ XX này, chúng ta thấy rõ đó là một thứ vi-rút của dân chủ: phân chia khối dân sự theo những tiêu chuẩn thuần túy sắc tộc - dân tộc hay tôn giáo (Glenny, 1992, tr. 146-148) như ở nước Nam Tư (cũ) và Ulster (Bắc Ireland). Ba cộng đồng sắc tộc - tôn giáo bỏ phiếu cả khối như một như ở Bosnia; hai cộng đồng không đội trời chung như ở Ulster; 62 chính đảng, mỗi đảng là của một bộ tộc hay thị tộc như ở Somalia, chúng ta biết, không thể nào làm nền tảng cho một chính thể vững vàng, mà chỉ có thể gây ra bất an hay nội chiến; trừ phi có một nhóm trong đó hoặc một quyền lực ngoại lai đủ mạnh để thống trị (một cách không dân chủ). Sự suy tàn của ba đế chế đa dân tộc Áo-Hung, Nga và Thổ dẫn tới kết quả là ba nhà nước siêu dân tộc, trong đó chính phủ đối xử một cách trung lập đối với nhiều dân tộc thành viên ở dưới quyền cai trị của mình, được thay thế bằng nhiều nhà nước đa dân tộc, mỗi nhà nước lại tự coi mình là của một, thảng hoặc hai hay ba cộng đồng dân tộc sống trong biên cương của mình.

Điều kiện thứ ba là các chính phủ dân chủ không phải cai quản quá nhiều. Các nghị viện được lập ra không phải để cai quản mà là để kiểm soát quyền lực của những người cầm quyền: chức năng này còn thấy rất rõ trong quan hệ giữa Quốc hội và Tổng thống Hoa Kỳ. Đó là những hệ thống được thiết kế như những cái phanh mà rồi hoàn cảnh buộc phải đóng vai trò của động cơ. Được bầu từ khối cử tri thu hẹp (tuy càng ngày càng rộng ra), các nghị viện được lập ra ngày càng nhiều từ Thời đại của các cuộc cách mạng, nhưng xã hội tư sản thế kỉ XIX giả định rằng, về cơ bản, cuộc sống của công dân không thuộc về diện chính quyền mà thuộc diện của nền kinh tế tự điều hòa và của thế giới các hội đoàn tư nhân không chính thức (tức là “xã hội dân sự”).[32] Như thế là tránh né khó khăn trong việc cầm quyền thông qua nghị viện bằng hai cách: chờ đợi là các nghị viện không cai quản và làm luật quá nhiều; và tưởng rằng chính quyền – hay đúng hơn, guồng máy hành chính – có thể vận hành bất chấp sự đồng bóng của các nghị viện. Như đã thấy ở trên (xem ch. 1), những tổ chức công chức độc lập, được bổ nhiệm một cách vĩnh định, đã trở thành công cụ thiết yếu để cai quản của các nhà nước hiện đại. Sự tồn tại của một đa số ở nghị viện chỉ cần thiết nếu phải lấy hoặc chuẩn y những quyết định hành pháp quan trọng và gây ra tranh luận, và việc tổ chức hay duy trì đoàn thể những người ủng hộ đã trở thành nhiệm vụ chủ yếu của những người cầm đầu chính quyền vì (ngoài trường hợp Hoa Kỳ), trong chế độ đại nghị, cơ quan hành pháp thường không được bầu trực tiếp. Tại các nhà nước bầu cử với khối cử tri thu hẹp (chủ yếu là người có của, có quyền hoặc có ảnh hưởng), thì việc đó khá dễ dàng vì người ta dễ đi đến thỏa thuận về cái gọi là lợi ích chung (“lợi ích quốc gia”), đó là không nói đến hầu bao của giới chủ.

Thế kỉ XX đã tạo ra nhiều cơ hội đòi hỏi các chính quyền nhất thiết phải cai quản. Loại nhà nước chỉ cần quy định những luật lệ cơ bản cho nền kinh tế và cho xã hội dân sự, chỉ cần cung cấp công an, nhà tù và quân đội để xử lí những nguy cơ đối nội và đối ngoại, loại nhà nước “gác dan ban đêm”, theo quan niệm của những bộ óc chính trị tự coi là “siêu”, đã trở thành lỗi thời như cái nghề gác đêm được dùng làm điển tích cho hình ảnh ấy.

Điều kiện thứ tư là tài nguyên phong phú và sự phồn thịnh. Các chế độ dân chủ trong thập niên 1920 đã tan nát dưới áp lực của cách mạng và phản cách mạng (Hung, Italia, Bồ Đào Nha) hay những xung đột dân tộc (Ba Lan, Nam Tư); trong thập niên 1930 là do áp lực của suy thoái kinh tế. Muốn thấy rõ, chỉ việc so sánh không khí chính trị của nước Đức thời Weimar, nước Áo những năm 1920 với tình hình CHLB Đức và nước Áo sau năm 1945. Ngay những xung đột dân tộc cũng không đến nỗi nan giải nếu các chính khách đứng đầu các thiểu số có thể được tài trợ bằng ngân sách nhà nước. Đó là nguồn sức mạnh của đảng Điền chủ ở Tiệp Khắc, nước thực sự dân chủ duy nhất ở Trung và Đông Âu: đảng này biết chia sẻ lợi lộc không phân biện ranh giới dân tộc. Nhưng sang thập niên 1930, Tiệp Khắc không còn duy trì được sự hòa thuận giữa các sắc tộc Séc, Slovak, Đức và Ukraina nữa.

Trong tình hình như vậy, dân chủ có nguy cơ chỉ còn là bộ máy chính thức hóa sự li khai giữa các nhóm không thể hòa giải. Ngay trong những trường hợp thuận lợi nhất, nó cũng không thể mang lại một nền tảng ổn định cho một chính quyền dân chủ, nhất là khi áp dụng lí thuyết về đề cử đại diện một cách cứng nhắc theo đúng tỉ lệ số phiếu.[33] Trong giai đoạn khủng hoảng, khi không lập ra được một đa số ở nghị viện, như ở Đức (trái ngược với tình hình bên Anh[34]), thì đương nhiên nảy ra ý muốn đi tìm một con đường khác, một ý muốn không thể cưỡng lại. Ngay tại những nước dân chủ ổn định, nhiều công dân vẫn nghĩ rằng những chia rẽ về mặt chính trị (hệ quả của chế độ dân chủ) là tai hại, chứ không phải là lợi thế của chế độ. Ngôn ngữ của đời sống chính trị đã biến các ứng viên và các đảng phái thành những đại diện cho quyền lợi quốc gia, hơn là đại diện cho những quyền lợi của đảng phái. Trong thời kì khủng hoảng, người ta cảm nhận cái giá phải trả cho dân chủ là quá cao, không thể chịu được, còn những thuận lợi của dân chủ thì mông lung, mờ mịt.

Trong tình hình như vậy, cũng dễ hiểu là nền dân chủ đại nghị tại các quốc gia kế thừa các đế chế trước đó, cũng như các quốc gia ở phần lớn thế giới bên bờ Địa Trung Hải hay ở châu Mỹ Latin, khác nào cái cây mảnh mai mọc trên mảnh đất cày lên sỏi đá. Luận điểm mạnh nhất có thể đưa ra để biện minh cho dân chủ – “xấu và dở đến đâu thì nó cũng vẫn hơn bất cứ chế độ nào khác” – tự nó cũng ỉu xìu. Giữa hai cuộc Thế chiến, nó không có vẻ gì hiện thực hay thuyết phục. Cả những người ủng hộ nó cũng thiếu tự tin. Sự thoái trào xem ra không thể tránh được, một khi mà ngay ở Hoa Kỳ, những nhà quan sát nghiêm chỉnh – tuy hơi lấy giọng đưa đám không cần thiết – đã phải khẳng định: “Ngay ở đây, điều đó cũng có thể xảy ra” (Sinclair Lewis, 1935). Không ai tiên đoán hay hi vọng một cách nghiêm chỉnh là dân chủ sẽ tái sinh sau chiến tranh, và càng không tiên đoán hay hi vọng rằng nó sẽ trở lại vào đầu thập niên 1990 như hình thái chủ đạo của chính quyền trên thế giới, cho dù chỉ trong một thời gian ngắn ngủi. Đối với những ai nhìn lại tình hình những năm giữa hai cuộc Thế chiến, thì sự suy sụp của các chế độ tự do có thể hiện ra như một cái ngoặc ngắn trong tiến trình đi lên của nó xuyên suốt thế kỉ. Khốn nỗi, với thiên niên kỉ mới đang tới gần, triển vọng đầy bất trắc của nền dân chủ không còn là viễn tượng xa vời nữa. Đáng buồn là rất có thể thế giới sẽ lại bước vào một thời kì mà nền dân chủ có vẻ sẽ không mang lại lợi ích như trong thời kì 1950-1980 nữa.

Nguyễn Ngọc Giao dịch

Maisons-Alfort, Val-de-Marne, Pháp

Nguồn: Dịch giả gởi trực tiếp cho PTKT, 07.2021.




Chú thích:

[28] Trường hợp gần giống tình huống này nhất là vụ Liên Xô sáp nhập Estonia năm 1940: sau mấy năm chế độ cực quyền, đất nước nhỏ bé ở vùng biển Bantic này đã thông qua một bản hiến pháp mới, dân chủ hơn.

[29] Đó là thư luân lưu Rerum Novarum (Những sự việc mới), 40 năm sau được bổ sung – điều này không phải ngẫu nhiên – vào dịp Đại Khủng hoảng thập niên 1930 bằng Quadragesimo Anno (Vào năm thứ 40). Văn kiện này vẫn còn là hòn đá tảng của chính sách xã hội của Giáo hội: thí dụ như Centesimus Annus, thư luân lưu mà giáo hoàng Gioan Phaolồ II công bố nhân dịp kỉ niệm 100 năm Rerum Novarum. Nhưng sự cân bằng trong cách lên án thì thay đổi theo hoàn cảnh chính trị.

[30] Đây là một điểm son đối với đồng bào của Mussolini: phải nói trong suốt cuộc chiến tranh, quân đội Italia dứt khoát không trao nộp người Do Thái để cho họ bị Đức tiêu diệt; trong những vùng họ chiếm đóng cũng thế – chủ yếu là vùng đông-nam nước Pháp và một số vùng ở bán đảo Balkan – họ cũng từ chối trao cho Đức bất cứ người nào. Tuy rằng các cơ quan chính quyền Italia tỏ ra không mấy sốt sắng, gần một nửa dân số Do Thái (tương đối nhỏ) ở Italia cũng đã chết; song số người chết một phần là đã hi sinh trong chiến đấu chống phát-xít chứ không phải là nạn nhân của cuộc diệt chủng (Steinberg, 1990; Hughes, 1983).

[31] Năm 1931, chính phủ Công đảng chia làm hai trong vấn đề này. Một bộ phận lãnh đạo Công đảng và những người xu hướng tự do ủng hộ họ đã liên minh với đảng Bảo thủ và đã thắng đậm trong cuộc bầu cử sau đó. Họ liên tục ở trong chính quyền cho đến tháng năm 1940.

[32] Ở phương Tây cũng như phương Đông, vào những năm 1980 người ta lại thấy nở rộ những ngôn từ hoài cổ mơ mộng trở về – một điều bất khả – một thế kỉ XIX được lí tưởng hóa dựa trên những tiền đề nói trên.

[33] Thay đổi “xoành xoạch” phương thức bầu cử (theo tỉ lệ hay theo đa số tương đối, hay gì gì khác) là những thử nghiệm nhằm mục đích thành lập được những chính phủ ổn định trong một chế độ tự bản chất đã khó ổn định.

[34] Bên Anh, việc từ chối mọi phương thức cử đại diện theo tỉ lệ số phiếu (nguyên tắc bầu cử bên Anh là “phe thắng vơ tất tật”) đã tạo điều kiện thuận lợi cho chế độ lưỡng đảng, gạt ra ngoài lề các đảng khác – trong đó có Đảng Liberal trước Thế chiến thứ nhất là đảng đứng đầu, mặc dầu đảng này vẫn duy trì ở mức 10% số phiếu cử tri (trong cuộc bầu cử năm 1992 vẫn thế). Ở Đức, tuyển cử theo tỉ lệ phiếu bầu lúc đầu có phần thuận lợi cho các đảng lớn, nhưng sau năm 1920, không đảng nào giành được 1/3 số ghế ở nghị viện (trừ đảng Nazi năm 1932) trong số năm chính đảng lớn và khoảng một tá nhóm nhỏ. Vì không có đa số, hiến pháp quy định một cơ quan hành pháp (lâm thời) thông qua hình thức “đặc quyền khẩn cấp”, nghĩa là thông qua sự đình chỉ nền dân chủ.

Print Friendly and PDF