9.12.21

Cuộc khủng hoảng định hình lại sự chuyên môn hoá kinh tế trên thế giới

CUỘC KHỦNG HOẢNG ĐỊNH HÌNH LẠI SỰ CHUYÊN MÔN HOÁ KINH TẾ TRÊN THẾ GIỚI

Deniz Unal

Nhà kinh tế nữ, tổng biên tập tạp chí Panorama và điều phối viên trang CEPII Profiles – Trung tâm nghiên cứu về tương lai học kinh tế và thông tin quốc tế, CEPII [Centre d'Etudes Prospectives et d'Information]

Ở Hoa Kỳ, ngành công nghiệp đã trở thành một bất lợi so sánh. Gregory Shamus/Getty Images/AFP

Được cập nhật và mở rộng ra các vùng, trang CEPII Profiles (truy cập tự do) đặc trưng cho sự hội nhập quốc tế của 80 quốc gia18 khu vực kể từ cuối những năm 1960. Nội dung của trang bao gồm chính sách mở cửa thương mại, chuyên môn hóa, bảo hộ hải quan, và các dự phóng được lượng hóa theo nhiều cấp độ khác nhau.

Tính hữu dụng thực tế của các trang tương tác này, vốn trình bày nhiều biểu đồ và bảng biểu, có thể được minh họa bằng một vài ví dụ. Ví dụ, lợi thế so sánh theo các ngành lớn đánh dấu mức độ gắn bó mạnh của Đức trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, của Vương quốc Anh trong lĩnh vực dịch vụ, trong khi điểm mạnh và điểm yếu của Pháp thì ít rõ ràng hơn (Biểu đồ 1).

Biểu đồ 1: Mức đóng  góp của các ngành lớn vào cán cân thương mại trong ba nền kinh tế chính ở Châu Âu (tính bằng tỷ lệ phần nghìn tổng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của từng nước). CEPII Country Profiles (theo cấp độ quốc gia).

Ba sơ đồ theo cấp độ quốc gia nói trên cho thấy rõ vị thế rất đặc biệt của Vương quốc Anh trong Liên minh châu Âu, và những thách thức đối với quốc gia này nếu muốn duy trì một vị thế vững chắc trong các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, đặc biệt là các ngành tài chính và bảo hiểm.

Brexit, bước chuyển đổi của EU

Ví dụ, CEPII Profiles có thể minh họa những hậu quả của Brexit về mặt thương mại, một trường hợp chưa từng có về sự tan rã của vùng trong nền kinh tế toàn cầu, vốn kể từ cuộc Đại suy thoái năm 2008 đang chứng kiến ​​một sự quay trở lại đầy ý nghĩa của chính sách bảo hộ. Trong trường hợp này, các dữ liệu đó cho thấy, tiếp theo sau Brexit, lợi thế so sánh trong khu vực thứ ba (không trực tiếp sản xuất - ND) sẽ bị triệt tiêu ở cấp độ Liên minh châu Âu, khiến cho, từ nay, thế mạnh của EU sẽ tập trung vào các ngành công nghiệp chế biến (Biểu đồ 2).

Biểu đồ 2: Liên minh Châu Âu “có và không có” Vương quốc Anh. Mức đóng góp của các ngành công nghiệp lớn vào cán cân thương mại (tính bằng tỷ lệ phần nghìn GDP của EU). CEPII Regional Profiles (theo cấp độ vùng).

Mức độ chuyên môn hóa theo các ngành lớn cũng hữu dụng để xem xét những hậu quả lâu dài của đại dịch Covid-19, vốn dẫn đến những gián đoạn rất rõ của chuỗi cung ứng trong một số ngành công nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm y tế và linh kiện điện tử.

Trong bối cảnh đó, mong muốn định vị lại nền sản xuất công nghiệp của chính phủ nhiều nước đi ngược với triển vọng cung cấp dịch vụ từ xa, vốn ngày càng trở nên dễ dàng hơn nhờ sự tăng tốc của kỹ thuật số hóa các nền kinh tế và việc làm từ xa.

Trong bất kỳ trường hợp nào, cần dự kiến rằng các chuỗi giá trị cung ứng sẽ mang tính địa phương nhiều hơn để đảm bảo nguồn cung các sản phẩm chiến lược. Quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng trong nội bộ các vùng kinh tế có thể giúp tạo ra một động lực mới.

Biểu đồ 3: Mức độ chuyên môn hóa của Châu Âu so với RCEP [Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực] và Bắc Mỹ. Mức đóng góp của các lĩnh vực lớn vào cán cân thương mại (tính bằng tỷ lệ phần nghìn GDP của vùng). CEPII Regional Profiles (theo cấp độ vùng).

CEPII Regional Profiles (theo cấp độ vùng) giúp tiếp cận triển vọng nói trên bằng cách so sánh, ví dụ, Lục địa già với hai vùng kinh tế lớn khác: Bắc Mỹ và hiệp định mới hoàn toàn RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực) ở Châu Á-Châu Đại Dương (biểu đồ 3). Những thách thức về xu hướng cấu trúc khác biệt nhau rất lớn đối với các vùng kinh tế lớn trên thế giới, như mức độ chuyên môn hóa cho thấy.

Công nghiệp đang trừng phạt Hoa Kỳ

Dưới sự thúc đẩy của Trung Quốc, các nước trong vùng RCEP đã củng cố thặng dư ngành chế biến của họ cho đến khi xảy ra cú sốc đại suy thoái năm 2020, vốn tác động đáng kể đến mức tăng trưởng doanh số bán hàng của vùng này với trục xuyên Đại Tây Dương. Với mức thâm hụt lớn trong các ngành dịch vụ và khai thác nguyên liệu, các nước trong vùng này coi khu vực công nghiệp là điểm mạnh của họ. Nhưng xu hướng bảo hộ trên thị trường các sản phẩm chế biến có nhiều khả năng làm giảm mức độ chuyên môn hóa cực đoan này.

Tương tự, các nước Bắc Mỹ đã tiếp tục gắn bó với khu vực kinh tế thứ ba (dịch vụ - ND), gây thiệt thòi cho ngành công nghiệp chế biến. Ngay từ giữa những năm 2010, vùng Bắc Mỹ cũng đã bắt đầu tăng mức thặng dư trong các sản phẩm sơ chế, thông qua việc khai thác các mỏ dầu và khí đá phiến. Kể từ đầu những năm 1980, ngành công nghiệp chế biến đã trở thành một ngành có bất lợi so sánh.

Giữa hai vùng kinh tế này, châu Âu có lợi thế so sánh trong khu vực kinh tế thứ ba lẫn khu vực kinh tế thứ hai, nói chung tương đối ổn định trong hai mươi năm qua.

Sự so sánh giữa ba vùng kinh tế lớn này làm nổi lên khoảng cách về quy mô lợi thế so sánh giữa các nước trong RCEP và các nước trong vùng xuyên Đại Tây Dương. Các mức thâm hụt và thặng dư lớn hơn nhiều so với tỷ lệ phần nghìn GDP của các nước ở châu Á, đánh dấu sự phụ thuộc mạnh của nền sản xuất vào nguồn cầu ngoài vùng, đặc biệt đối với các sản phẩm chế biến xuất khẩu của vùng này.

Từ thực tế đó, vùng này bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các biện pháp bảo hộ. Về phần các nước Bắc Mỹ, họ đang tạo ra sự khác biệt khi quay trở lại khu vực kinh tế thứ nhất (đặc biệt là ngành năng lượng) với các lợi thế so sánh của họ, điều này đặt ra câu hỏi về việc các nước này sẽ thích ứng như thế nào với cuộc chiến chống lại nạn phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

Một vài ví dụ nói trên chỉ đưa ra một cái nhìn đại thể. Nếu cần phải bàn sâu hơn về một khía cạnh nào đó, thì các trang tương tác của CEPII sẽ giúp xác định, ví dụ, ngành thương mại theo cấp bậc từng quốc gia hoặc vùng, để tìm hiểu xem điểm mạnh của từng quốc gia hoặc vùng đó đang nằm ở mức trên hoặc mức dưới của thang đo. Ngoài ra, dữ liệu cũng có thể giúp xác định những sản phẩm nào mà từng quốc gia hoặc vùng đó xuất khẩu hoặc nhập khẩu nhiều nhất, theo mức độ chi tiết và theo đối tác, hoặc xác định diễn tiến kinh tế vĩ mô của từng quốc gia hoặc vùng trong khuôn khổ của những dự phóng cho đến năm 2050.

Tác giả

Deniz Unal

Deniz Unal

Deniz Ünal là nhà kinh tế nữ và là tổng biên tập tạp chí “Panorama” của CEPII, cung cấp các phân tích mang tính sư phạm và nhận định mang tính thống kê về các vấn đề kinh tế quốc tế. Bà cũng là điều phối viên của trang “Profils” thuộc CEPII Visual Data, “Profils” là các trang tương tác, cung cấp một cách đọc có cấu trúc về ngành thương mại quốc tế thông qua các chỉ báo và cơ sở dữ liệu do CEPII phát triển.

Các lĩnh vực nghiên cứu của bà bao gồm thương mại quốc tế về hàng hóa và dịch vụ, các hiệp định thương mại khu vực, so sánh quốc tế về mức giá và chi phí lao động trong ngành công nghiệp, về các nước Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc.

Deniz Ünal dành thời gian rảnh rỗi cho văn học. Bà phụ trách mảng chủ đề về Thổ Nhĩ Kỳ tại NXB Éditions Bleu autour và đã dịch nhiều tác phẩm văn học hiện đại của Thổ Nhĩ Kỳ sang tiếng Pháp, dưới bút danh Elif Deniz.

Tuyên bố công khai

Deniz Unal không làm việc, không tư vấn, không sở hữu cổ phần hoặc nhận tài trợ từ bất kỳ công ty hay tổ chức nào có thể hưởng lợi từ bài viết này, và tuyên bố không có bất cứ quan hệ nào khác ngoài công việc mang tính học thuật.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: La crise devrait recomposer les spécialisations économiques dans le monde, The Conversation, ngày 14/06/2021.

Print Friendly and PDF