19.4.22

Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: liệu thương mại có ngăn được chiến tranh?

ẤN ĐỘ DƯƠNG-THÁI BÌNH DƯƠNG: LIỆU THƯƠNG MẠI CÓ NGĂN ĐƯỢC CHIẾN TRANH?

Pierre Grosser, giáo sư về lịch sử tại Đại học Sciences Po Paris

Tóm tắt

• Ý tưởng về một chủ nghĩa khu vực mở, tạo thuận lợi cho các giao dịch thương mại Châu Á-Thái Bình Dương, lúc khởi đầu, là một sự thỏa hiệp giữa Hoa Kỳ với một nước Nhật Bản có sức mạnh kinh tế mà Hoa Kỳ phải lo ngại.

• Ngay từ những năm 1990, việc Trung Quốc trỗi dậy đã đặt ra nhiều câu hỏi, nhưng sự hội nhập thương mại vẫn tiếp diễn.

• Chính vào khoảng năm 2007, thách thức của Trung Quốc đã đẩy nhanh sự xích gần lại giữa Mỹ và Ấn Độ, với sự xuất hiện của chủ đề Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

• Trong mười năm qua, chính sách của Trung Quốc trong khu vực đã trở nên quyết đoán hơn, và những lo ngại xung quanh sự trỗi dậy của Nhật Bản cũng xuất hiện trở lại.

• Gần đây, không gian nói trên, vốn được thiết kế để hóa giải một cuộc xung đột (kinh tế), lại một lần nữa trở thành không gian của một sự đối đầu kinh tế, chính trị và chiến lược.

Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ngày càng được coi là không gian của một sự đối đầu, trong khi trong nhiều thập kỷ qua, nó được coi như là một mô hình hoàn hảo của “thương mại mềm”, với các mối quan hệ đằm thắm được thúc đẩy bởi các giao dịch thương mại. Liệu mô hình đó có phải là một ảo tưởng hay không?

Pierre Grosser (1963-)

Pierre Grosser. Không, nhưng nó có một lịch sử . Cụm từ “Châu Á-Thái Bình Dương” xuất hiện vào cuối những năm 1980. Lúc đó, bối cảnh kinh tế địa lý được đánh dấu bởi sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh, một nước Nhật Bản chiến thắng [về kinh tế] thay thế Liên Xô trở thành thách thức số 1 đối với Hoa Kỳ. Ở Washington, lúc đó, người ta nhận thấy nguy cơ “châu Á trở lại thành trung tâm”. Đối với người Mỹ, nếu có một chỗ đứng trong cái khi đó được gọi là “thế kỷ của Thái Bình Dương”, thì sức mạnh của các nền kinh tế châu Á (Nhật Bản, và còn cả các con Rồng kinh tế và sắp tới là các con Hổ kinh tế), trong mắt họ, cũng là một thách thức. Thái Bình Dương, khi đó, là một không gian các giao dịch thương mại, nhưng cũng là một không gian làm gia tăng thâm hụt của Hoa Kỳ.

APEC (1989) là một cách để Hoa Kỳ và Úc tránh khỏi việc hình thành một khối châu Á và phát triển một chủ nghĩa khu vực mở, tạo thuận lợi cho các giao dịch thương mại châu Á-Thái Bình Dương. Nhật Bản đồng ý [với điều đó], đặc biệt vì giới lãnh đạo của họ lo ngại bị Washington cáo buộc quay trở lại chủ nghĩa châu Á của những năm 1930, với sự thống trị của Tokyo.

Trong những năm 1990, các hội nghị thượng đỉnh được tổ chức thường xuyên và một không gian thương mại tự do rộng lớn được phát triển. Thực tế này vẫn chưa biến mất. Tuy nhiên, với cuộc khủng hoảng của WTO vào những năm 2000 và khó khăn ngày càng tăng trong việc đàm phán các hiệp định thương mại toàn cầu, nhiều hiệp định song phương đã được ký kết giữa các quốc gia trong khu vực, và từ đó là các hiệp định rộng lớn hơn (nhưng Trump đã bác bỏ hiệp định TPP được Obama đàm phán).

Việc Trung Quốc tham gia cuộc chơi có làm đảo lộn mô hình “thương mại mềm” này hay không?

Quyết định của Tổng thống Clinton, vào giữa những năm 1990, có khả năng tháo gỡ nút thắt trong mối liên hệ giữa thương mại và nhân quyền – một cách để né tránh vụ Thiên An Môn. Việc Trung Quốc gia nhập WTO năm 2001, ban đầu, được coi như là sự khẳng định của một vòng luân chuyển hiệu quả giữa thương mại, hòa bình, và dân chủ hóa.

So với những năm 1980 khi Nhật Bản thực sự khiến người ta phải sợ (cuối năm 1988, nước này kiểm soát 50% doanh số các sản phẩm bán dẫn trên thế giới và, khi đó, gợi lên một “Trân Châu Cảng” các linh kiện), thì đầu những năm 2000 dường như được đánh dấu bằng một sự ngây ngô nào đó khi đối mặt với Trung Quốc. Khi đó, không ai có thể tưởng tượng được sự nâng cấp công nghệ [của Trung Quốc] hoặc những hiệu ứng hủy diệt của họ đối với công ăn việc làm ở các nước công nghiệp phương Tây.

Tuy nhiên, vào cuối những năm 1990, đã có nhiều cuộc tranh luận đặt ra những câu hỏi then chốt. Từ năm 1996 đến năm 2000, là một cuộc thảo luận đầu tiên liên quan đến việc Trung Quốc đạt được vị thế cường quốc, và một cuốn sách thậm chí còn gợi lên khả năng xảy ra một cuộc xung đột. Nhưng cuộc tranh luận mang tính chiến lược và quân sự này nhanh chóng khép lại. Khi Bush bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống, người Mỹ quyết định tập trung vào các “đối thủ ngang tầm”, trong đó có Trung Quốc. Nhưng các cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 đã đặt vấn đề thách thức của Trung Quốc vào hàng phụ. Ngày nay, người Mỹ đang tự hỏi: liệu họ có chọn nhầm kẻ thù hay không, khi vắt kiệt sức vào cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu?

Người Mỹ bắt đầu nghi ngờ từ khi nào?

Cuộc khủng hoảng tài chính, bắt đầu từ năm 2008 đã mở ra một giai đoạn mới: rất nhanh, người phương Tây nhận ra rằng nền kinh tế của họ đang gặp khó khăn, trong khi nền kinh tế của Trung Quốc thì lại tăng tốc. Hẳn là phải có một hình thức cân bằng: người Mỹ mua sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc, đổi lại người Trung Quốc mua nợ công của Mỹ. Bộ đôi kinh tế vĩ mô này đã từng được giới thiệu như là nhóm “G2”, tại hội nghị thượng đỉnh về quản trị toàn cầu. Nhưng đối tác Trung Quốc ngày càng bị coi là đối thủ.

Thách thức của Trung Quốc, sau đó, được hình thành qua những hình ảnh mới, chẳng hạn như chiến lược “chuỗi ngọc trai”, mô tả sự hiện diện “quyết đoán” hơn của Bắc Kinh ở Biển Đông, với chiến lược lấn biển, vốn có thể biến các hòn đảo tí hon thành đảo, và trên hết là chủ nghĩa hành động quyết liệt của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương: Sri Lanka, Miến Điện.

Bối cảnh này lý giải sự tăng tốc xích gần lại giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ. Lần đầu tiên, người ta thấy xuất hiện chủ đề Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Theo sáng kiến của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Đối thoại Bộ tứ An ninh (hay còn gọi là Quad – Bộ tứ Quad, Bộ tứ Kim cương) đã hình thành, vào năm 2007, một sự hợp tác phi chính thức giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ. Sự xoay trục sang châu Á, được Obama khẳng định đầy đủ trong giai đoạn 2011-2012, đã thực sự được khởi động dưới thời George W. Bush.

Sự xoay trục này có đánh dấu một bước ngoặt lớn hay không?

Có, ngay cả khi phải hiểu rằng sự xoay trục đó không chống lại Trung Quốc mà người Mỹ vẫn cần khi liên quan đến các chủ đề như phổ biến vũ khí hạt nhân (Triều Tiên, Iran). Sự xoay trục này trước hết phản ánh tham vọng tái tập trung vào châu Á, bằng cách tái đầu tư vào các tổ chức trong khu vực (ASEAN, Đối thoại Shangri-La). Obama đã gợi ý một sự “tái cân bằng”, nhưng về mặt triển khai lực lượng, sự thay đổi mang tính không đáng kể: với những hệ lụy của các cuộc cách mạng Ả Rập và sự trỗi dậy của lực lượng Daesh, người Mỹ vẫn chưa thể rút ra khỏi Trung Đông.

Do đó, điều có tầm quan trọng lớn hơn là dự án Con đường Tơ lụa được Bắc Kinh khởi động vào năm 2013, đánh dấu một giai đoạn mới trong sự khẳng định của Trung Quốc. Nhưng chúng ta chưa tới giai đoạn đổ vỡ.

Chính dưới thời Trump, sự chuyển hướng mới diễn ra, với bài phát biểu của Phó Tổng thống Mike Pence, vào năm 2018, đánh dấu một sự đoạn tuyệt. Người châu Âu đã bị việt vị: chỉ có người Anh quan tâm đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và kể từ thời của Hollande và sau đó là dưới thời của Macron (một phần trong khuôn khổ tăng cường các mối liên kết với Úc, lúc đó dưới hình thức một sự hợp tác quân sự), người Pháp mới quan tâm, một phần vì muốn duy trì vị thế cường quốc thế giới so với Hoa Kỳ. Hoa Kỳ đã sử dụng lại chủ đề “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở cửa” (của Nhật Bản), mà trong bối cảnh mới này đi ngược lại với tham vọng của Bắc Kinh ở Biển Đông. Vấn đề Đài Loan lại nổi lên. Kể từ khi đại dịch bắt đầu, Trung Quốc có vẻ như bận rộn sắp xếp công việc nội bộ của họ. Vấn đề đối đầu vẫn còn bỏ ngỏ, với việc Hoa Kỳ bị cáo buộc đang tìm kiếm một kẻ thù mới và muốn tái diễn Chiến tranh Lạnh để không bị cường quốc Trung Quốc vượt mặt, và Trung Quốc thì muốn đặt mình ở vị trí trung tâm của thế giới và khuất phục thế giới theo lợi ích của họ.

Bài phỏng vấn do Richard Robert ghi lại

Giới thiệu tác giả

Đỗ bằng thạc sĩ và tiến sĩ về lịch sử, Pierre Grosser là thành viên của Trung tâm Lịch sử (thuộc Đại học Sciences Po). Những tác phẩm mà ông đã xuất bản: đặc biệt cuốn, 1989, l’année où le monde a basculé [Năm 1989, năm mà thế giới đã chuyển hướng] nhà xuất bản Perrin năm 2009, Traiter avec le diable? Les vrais défis de la diplomatie au XXIe siècle [Đối phó với quỷ dữ? Những thách thức thực sự của công tác ngoại giao trong thế kỷ 21] nhà xuất bản Odile Jacob năm 2013, cũng như cuốn L’histoire du monde se fait en Asie. Une autre histoire du XXe siècle [Châu Á viết nên Lịch sử thế giới. Một lịch sử khác của thế kỷ 20] nhà xuất bản Odile Jacob năm 2019.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Indo-Pacifique: le commerce pour empêcher la guerre?, Polytechnique Insights, ngày 02/02/2022.

Print Friendly and PDF