29.4.22

Diệt chủng, tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người: ở Ukraine, người ta đang nói gì?

DIỆT CHỦNG, TỘI ÁC CHIẾN TRANH, TỘI ÁC CHỐNG LẠI LOÀI NGƯỜI: Ở UKRAINE, NGƯỜI TA ĐANG NÓI GÌ?

Tòa án Hình sự Quốc tế chịu trách nhiệm điều tra tất cả những tội ác không thể thời tiêu. Người ta đã triển khai mọi thứ để mô tả những gì đang xảy ra ở Ukraine.

Marie Terrier

VALENTYN OGIRENKO VIA REUTERS. Các nhà điều tra Pháp đã đến Boutcha để điều tra về các tội ác chiến tranh.

UKRAINE - “Ukraine là một hiện trường tội phạm.” Đến thăm Boutcha, nơi đã tìm thấy hàng trăm thường dân bị chết, công tố viên của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) Karim Khan, vào hôm 13 tháng 4, cho biết ông có “lý do chính đáng để tin rằng các hành vi phạm tội, thuộc thẩm quyền của Tòa án Hình sự Quốc tế, đã được thực hiện” ở Ukraine.

Nhưng chúng ta đang nói về những tội ác nào? Đối với tổng thống Mỹ, đó là tội ác diệt chủng. Vào hôm thứ Ba, ông đã có nhận định: “Ngày càng thấy rõ Putin đang đơn giản cố xóa bỏ ngay cả ý tưởng về khả năng làm người Ukraine”.

Emmanuel Macron (1977-)
Karim Khan (1970-)

Sau đó một chút, khi được hỏi về phát biểu này, [tổng thống Pháp] Emmanuel Macron đã cảnh báo không nên “làm tình hình leo thang bằng các từ ngữ”, vốn sẽ phản tác dụng trong các cuộc đàm phán và nỗ lực đạt được hòa bình. Ngược lại, tổng thống Pháp đã nói về “tội ác chiến tranh”. Vào hôm thứ Sáu, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian, đến lượt ông, đã cáo buộc các “tội ác chống lại loài người”.

Điểm chung giữa các thuật ngữ nói trên: chúng đều có thể được ICC xét xử, tổ chức xử lý “những hành vi phạm tội nghiêm trọng nhất ảnh hưởng đến toàn bộ cộng đồng quốc tế”, và mang tính không thể thời tiêu. Nhưng sự khác biệt là gì? Huffpost sẽ giúp tìm hiểu vấn đề này.

Tội ác diệt chủng

Volodymyr Zelensky (1978-)
Raphaël Lemkin (1900-1959)

Diệt chủng, thuật ngữ được Joe Biden sử dụng (và cả Volodymyr Zelensky, tổng thống Ukraine), đã được luật sư người Ba Lan Raphaël Lemkin sử dụng lần đầu vào năm 1944, để mô tả hành động hủy diệt người Do Thái bởi Đức Quốc xã trong Thế Chiến thứ hai. Sau này, vào năm 1948, thuật ngữ đó đã được công nhận trong Công ước về Tội ác Diệt chủng, rồi trong Quy chế Rome, một hiệp ước sáng lập ra Tòa án Hình sự Quốc tế vào năm 1998.

Diệt chủng được định nghĩa là một tội ác “được thực hiện với chủ ý hủy diệt, toàn bộ hoặc một phần, một tập thể dân tộc, sắc tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo”. Tính chủ ý, một yếu tố tâm lý, đã được bổ sung vào các yếu tố mang tính thể chất:

  • “Gây tổn hại nghiêm trọng đến sự toàn vẹn về thể chất hoặc tinh thần của các thành viên trong tập thể;
  • Cố ý áp đặt các điều kiện tồn tại của tập thể, được tính toán để dẫn đến sự hủy diệt, toàn bộ hoặc một phần, yếu tố thể chất của tập thể đó;
  • Các biện pháp nhằm ngăn ngừa sinh đẻ trong nội bộ tập thể;
  • Cưỡng bức chuyển giao trẻ em từ tập thể này sang tập thể khác.”

Liên Hợp Quốc khẳng định tội ác diệt chủng không nhất thiết phải được thực hiện trong thời chiến.

Tuy nhiên rất khó để xác định tội ác diệt chủng, đặc biệt là ý muốn cố tình hủy diệt một dân tộc. Thuật ngữ này cũng đang được tranh luận trong nhiều trường hợp, nguyên nhân thường là vì lý do chính trị. Ví dụ, một số nước công nhận tội ác diệt chủng người Armenia bởi Đế chế Ottoman vào năm 1915 và 1916, như Pháp hoặc Uruguay, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ thì không.

Các bản án tội ác diệt chủng đã được đưa ra, sau vụ người Hutus hủy diệt người Tutsis vào năm 1994, trong khuôn khổ của Tòa án Hình sự Quốc tế đối với Rwanda, cũng như tội ác diệt chủng của Srebrenica, ở Bosnia vào năm 1995, với phán quyết của Tòa án Hình sự Quốc tế dành cho nước Nam Tư cũ. Ngoài các tòa án đặc biệt này, tòa án quốc gia và giờ đây là ICC, cũng có thẩm quyền xét xử các tội ác diệt chủng.

Tội ác chiến tranh

Tội ác chiến tranh, một thuật ngữ được [tổng thống Pháp] Emmanuel Macron sử dụng, là “các hành vi vi phạm luật nhân đạo quốc tế (hiệp ước hoặc pháp luật theo tập quán). (...) Ngược lại với tội ác diệt chủng và tội ác chống lại loài người, tội ác chiến tranh luôn diễn ra trong một cuộc xung đột vũ trang, quốc tế hay trong nước”, theo định nghĩa của LHQ.

Iryna Venediktova (1978-)
Robert Badinter (1928-)

Quy chế Rome năm 1998 liệt kê hàng chục ví dụ về những gì có thể cấu thành tội ác chiến tranh: cố ý giết người, tra tấn, hủy hoại và chiếm đoạt tài sản, lưu đày, bắt giữ con tin, tấn công hoặc ném bom các địa điểm không được bảo vệ hoặc địa điểm phi quân sự ...

Cùng với ICC, các tòa án quốc gia có thể xét xử tội phạm chiến tranh. Vả lại, Tổng Công tố Ukraine Iryna Venediktova cho biết bà đã tiến hành hơn 5.600 cuộc điều tra về tội ác chiến tranh của Nga trên đất nước của bà.

Theo cựu Bộ trưởng Bộ Tư pháp [của Pháp] Robert Badinter, những tội ác gây ra ở Ukraine là tội ác chiến tranh, “không nghi ngờ gì nữa”, theo đánh giá của ông trên Franceinfo. “Người ta không tàn sát dân thường, người ta không ném bom bệnh viện mà không phạm tội ác chiến tranh”, theo lời cáo buộc của ông.

Tội ác chống lại nhân loại

Cuối cùng, tội ác chống lại loài người là thuật ngữ được Jean-Yves Le Drian, cũng như Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE), sử dụng vào hôm thứ Tư tuần này, ngày 13 tháng 4, sau vụ tấn công vào nhà ga xe lửa Kramatorsk.

Jean-Yves Le Drian (1947-)

Đó là thuật ngữ duy nhất chưa được định nghĩa trong khuôn khổ một hiệp ước cụ thể. Tuy nhiên, ICC cũng đã đưa ra một định nghĩa, vì họ có thẩm quyền xét xử các loại tội ác nói trên: tội ác chống lại loài người là hành động được “thực hiện trong khuôn khổ một cuộc tấn công, tổng lực hoặc có hệ thống, chống lại bất cứ người dân thường nào và có ý thức đầy đủ về cuộc tấn công đó”. Điều đó liên quan đến, ví dụ, hành động hủy diệt, chế độ nô lệ, cưỡng bức lưu đày, hãm hiếp, tra tấn ...

LHQ đưa ra hai điểm để phân biệt tội ác chống lại loài người với tội ác diệt chủng. Thứ nhất, tội ác chống lại loài người không nhất thiết nhắm vào một nhóm dân cư cụ thể, mà có thể nhắm vào mọi thường dân, bất kể bản sắc của họ là gì. Thứ hai, tội ác chiến tranh không bao hàm một ý định cụ thể, nhằm đạt được một mục tiêu. LHQ đã chỉ ra rằng “Chỉ cần có một ý định đơn giản là thực hiện một trong những hành vi được liệt kê”.

Không giống như tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người không nhất thiết phải diễn ra trong thời chiến, mà cả hai loại tội ác đó đều có thể cùng tồn tại.

ICC có thể xét xử các tội ác chống lại loài người, giống như bất cứ Nhà nước nào có đưa tội danh này vào luật hình sự của họ.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Génocide, crime de guerre, crime contre l'humanité: en Ukraine, de quoi parle-t-on?, Huffington Post, ngày 13/04/2022.

Print Friendly and PDF