6.4.22

Nga: thông tin kinh tế, nạn nhân gián tiếp của cuộc chiến ở Ukraine

NGA: THÔNG TIN KINH TẾ, NẠN NHÂN GIÁN TIẾP CỦA CUỘC CHIẾN Ở UKRAINE

Julien Vercueil

Giáo sư về khoa học kinh tế ở Đại học, Trung tâm Nghiên cứu Âu-Á (CREE), Viện Quốc gia về Ngôn ngữ và Văn minh Phương Đông (Inalco)

Ngày 28 tháng 2, Vladimir Putin trong một cuộc gặp các quan chức thuộc khối kinh tế của chính phủ Nga tại Điện Kremlin. Alexey Nikolsky/AFP

“Bất kỳ sự lượng hoá nào cũng làm thay đổi thế giới”. Đây là cách nhà kinh tế học Olivier Martin tổng hợp thách thức chính trị của cái mà ông gọi là “đế chế các con số.

Khi trước mắt chúng ta tham vọng quyền lực đế quốc tự khẳng định ở Nga, thì các số liệu thống kê và thông tin kinh tế ở đất nước này ngày càng ít thoát khỏi ảnh hưởng chính trị. Tiến trình này có những hậu quả rất cụ thể.

Liên Xô: thời đại của bí mật

Dưới thời Liên Xô, các dữ liệu của kế hoạch kinh tế được coi là bí mật quân sự.

Các tính toán và dự báo của Viện Dự báo Kinh tế Quốc gia thuộc Viện Hàn lâm Khoa học, một trong những trung tâm được Bộ Chính trị lắng nghe nhiều nhất, được cất giữ trong két sắt, và chỉ có giám đốc trung tâm mới có quyền quyết định cách thức phổ biến các dữ liệu đó. Mọi dữ liệu kinh tế vĩ mô chỉ được công bố sau khi được giới chức trách chính trị kiểm soát một cách chặt chẽ. Thông thường, các dữ liệu này đã bị làm giả, để tránh cho những khó khăn kinh tế bị đưa ra trước thanh thiên bạch nhật.

Người dân tập trung đọc báo được dán ở cửa kính một cửa hàng, Kyiv, ngày 18 tháng 10 năm 1975. Pierre Guillaud/AFP

Hiện tượng tương tự cũng được lặp lại, theo nhiều mức độ khác nhau, ở các nền kinh tế khác theo kiểu Xô-viết. Hơn nữa, LHQ đã tạo ra một bộ phận thống kê đặc biệt ở Ủy ban Kinh tế Châu Âu của LHQ, mà một trong các mục đích là chỉnh sửa những sai lệch hiển nhiên nhất trong dữ liệu do các nước thuộc Hiệp ước Warsaw chuyển đến để tái hiện, càng sát thực tế càng tốt, quỹ đạo kinh tế thực của các nước này. Về phía CIA, họ cũng làm điều tương tự.

Mở cửa vào những năm 1990

Với sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết, các bộ phận thu thập số liệu thống kê đã phải dấn thân vào một cuộc cách mạng thực sự kiểu Copernic. Quyền kiểm soát chính trị đối với việc tạo ra các số liệu, vốn đã bị suy yếu bởi chương trình Glasnost [công khai hóa] trong những năm 1986-1990, đã tan biến. Các phạm trù Mác-xít về phân loại thực tại đã biến mất (ví dụ “tổng sản phẩm xã hội”, được thay thế bằng khái niệm “tổng sản phẩm quốc nội”), và cùng với đó là các nguyên lý phương pháp luận được dùng để làm cơ sở cho các phạm trù này.

Cùng lúc đó, tự thân thực tại kinh tế cũng đã đổi khác: đã có nhiều tác nhân mới xuất hiện và cùng với đó là các hành vi kinh tế mới cần được nắm bắt. Tất cả điều này đều diễn ra, trong một tình hình khủng hoảng chưa từng có về nguồn nhân lực, tài lực và vật lực sẵn có, để thu thập dữ liệu. Phản ứng của giới chức trách là kêu gọi sự hỗ trợ kỹ thuật của quốc tế. Các chương trình hỗ trợ, được thực hiện bởi các tổ chức đa phương như IMF và Ngân hàng Thế giới, được hỗ trợ bởi các viện thống kê quốc gia như INSEE, đã điều phối tiến trình chuyển đổi các phương pháp và thông lệ của các cơ quan của những nước nói trên sang các chuẩn mực quốc tế.

Ảnh: APW. Dmitry Sokolov/AFP

Ngay từ những năm 1990, việc thu thập các dữ liệu kinh tế, vì thế, đã có nhiều tiến bộ, cả về số lượng lẫn chất lượng. Phải thừa nhận rằng Rosstat, [Cơ quan Thống kê Liên bang Nga], tương đương với Insee, vẫn còn chỗ để cải thiện trong nhiều lĩnh vực, nhưng trang mạng của họ phong phú hơn nhiều so với trước đây, và một phần lớn dữ liệu và thông tin của họ được duy trì ở chế độ truy cập mở, đôi khi bằng tiếng Anh. Ngân hàng Trung ương Nga cũng đã có những bước tiến ngoạn mục trong việc phổ biến thông tin tài chính. Các cơ quan trên đã được biên chế những nhân viên có năng lực kỹ thuật và tha thiết đến việc đảm bảo cung cấp một dịch vụ công có chất lượng.

Những năm 2010: tranh luận kinh tế vẫn còn có

Alexei Kudrin (1960-)

Trên cơ sở nói trên, các trung tâm nghiên cứu, các tổ chức think tanks, các nhà kinh tế ngân hàng và các công ty tư vấn, có mặt tại Nga đã có thể phát triển một nền văn hóa thực sự về phân tích kinh tế và tranh luận các ý tưởng.

Trong suốt thập kỷ 2010, trong khi ánh đèn lần lượt tắt dần trong các cuộc tranh luận công khai về hệ thống chính trị Nga, vấn đề kinh tế vẫn là đối tượng của một sự tự do ngôn luận thực sự, bao phủ phổ cổ điển các ý kiến và khuyến nghị, từ các quan điểm cực đoan nhất theo chủ nghĩa nhà nước đến các quan điểm theo chủ nghĩa siêu tự do. Alexei Kudrin, Tổng thanh tra Nhà nước, đã không ngần ngại đả kích chính phủ, vì tiến độ cải tiến bị coi là quá chậm trong cuộc chiến chống độc quyền và các vụ vi phạm về quyền sở hữu.

Về phía Viện Dự báo Kinh tế Quốc gia, họ đã công khai chê bai chính chính phủ đó, vì sự rụt rè liên quan đến sự cam kết của các quỹ đầu tư quốc gia để phục vụ các hoạt động đầu tư vào cơ sở hạ tầng trên lãnh thổ Nga. Viện Gaidar đã tổ chức mỗi năm một diễn đàn quốc tế, phát sóng trực tiếp trên trang mạng, nơi mà các chuyên gia, chính trị gia và học giả từ nhiều nước gặp gỡ nhau, đôi khi với giọng điệu luận chiến, để tranh luận về các lựa chọn về chính sách kinh tế, có khả năng đưa nước Nga thoát khỏi tình trạng trì trệ.

Bản thân Vladimir Putin đã khơi dậy cuộc thi đua, vào năm 2016, giữa Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược, dưới sự lãnh đạo của Alexei Kudrin đến năm 2018, với Trung tâm Stolypin, dưới sự lãnh đạo của Boris Titov, đồng chủ tịch Hiệp hội Quốc gia các công ty vừa và nhỏ và đại diện của Tổng thống trong giới kinh doanh, để đưa ra những phương án phát triển dài hạn của đất nước, có khả năng được cơ quan hành pháp áp dụng.

Với cuộc chiến ở Ukraine, thế giới thông tin và trí tuệ đó có vẻ như đang trên đà biến mất để nhường chỗ cho một thực tế hoàn toàn khác.

Sự trở lại của chế độ [thông tin] bí mật

Những dấu hiệu báo trước sự thay đổi “chế độ chính trị các con số” ở Nga đã bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng đại dịch.

Dưới sự kiểm soát của Rospotrebnadzor, theo nghĩa đen là Cục Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng, một cơ quan có chức năng chuẩn hóa, hồi sinh trực tiếp từ Liên Xô, các thông tin về tử vong liên quan đến Covid-19 đã bị cắt xén một cách có hệ thống, theo một quy trình xuyên suốt trong toàn bộ chuỗi tạo ra dữ liệu thống kê, từ các bệnh viện và nhà xác đến bà Phó Thủ tướng phụ trách Y tế, Tatiana Golikova. Ngay từ tháng 5 năm 2020, rõ ràng là tử vong liên quan đến dịch bệnh đã được ước lượng thấp, ít nhất là ba lần.

Với khoảng lùi thời gian và cách tính, nhưng cũng nhờ vào lương tâm nghề nghiệp của các quan chức ở cơ quan thống kê Rosstat, những người đã tiếp tục công bố các số liệu tử vong một cách đều đặn, nên ngày nay người ta mới có thể khẳng định con số tử vong ở Nga, có liên quan đến dịch bệnh, không phải là 357.000 người (số liệu chính thức), mà là gần 1 triệu người, khiến Nga trở thành nước có tỷ lệ tử vong cao nhất trên thế giới, vì đại dịch – trong khi đang chờ xem xét lại các số liệu thống kê tử vong của Ấn Độ.

Tín hiệu tiêu cực thứ hai là việc sửa đổi cách tính tỷ lệ nghèo đói ở Nga. Kể từ tháng 1 năm 2021, mức sinh hoạt tối thiểu đã được xác định theo cách tương đối chứ không còn theo cách tuyệt đối nữa. Từ nay, mức sinh hoạt tối thiểu đó tương ứng với 44,2% thu nhập trung vị đầu người của năm trước kỳ tham chiếu dữ liệu của cuộc điều tra khảo sát.

Sự thay đổi [cách tính tỷ lệ đói nghèo] này là rất quan trọng, bởi vì việc chuyển từ mức tuyệt đối sang mức tương đối, nói chung, là dấu hiệu của việc nước này gia nhập nhóm các nước có thu nhập cao. Nếu áp dụng ở các nước có thu nhập thấp, cách tính tỷ lệ nghèo đói từ mức tương đối có thể dẫn đến việc đánh giá thấp mức nghèo đói thực. Với mức sống trung bình của người dân Nga, sự thay đổi phương pháp này là quá sớm và có nguy cơ làm giảm mức nghèo đói của đất nước một cách giả tạo, trong giả thuyết (khả thi) mà mức sống của những người dân khiêm tốn nhất sẽ bị giảm bớt do tình trạng lạm phát gây ra bởi chiến tranh.

Nền kinh tế Nga trong bối cảnh hỗn độn của chiến tranh

Tình trạng xuống cấp của thông tin kinh tế có nguy cơ tăng cao. Giống như bất kỳ cuộc xung đột nào, cuộc chiến mà Vladimir Putin đã phát động cũng là một cuộc chiến thông tin. Việc chứng minh cho thấy các lệnh trừng phạt không ảnh hưởng đến các trung tâm quyền lực sống còn, ca ngợi khả năng chịu đựng các cú sốc của nền kinh tế Nga có thể đòi hỏi phải sớm ngụy tạo các kết quả, đặc biệt nếu cuộc chiến ở Ukraine xác định sự sa lầy của họ theo thời gian. Trong bối cảnh đó, thông báo gần đây của Ngân hàng Trung ương là tín hiệu rõ nhất cho thấy sự thay đổi đang diễn ra.

Một trong những quyết định đầu tiên, sau khi phát động cuộc xâm lược, là yêu cầu các ngân hàng thương mại không cung cấp dữ liệu tài chính lên trang web của họ nữa, mà phải tiếp tục chuyển trực tiếp các dữ liệu đó đến Ngân hàng Trung ương. Nếu biện pháp này được mở rộng phạm vi áp dụng đến các công ty phi tài chính, thì nó sẽ sớm gây ra xung đột về mục tiêu, đối với các công ty có niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán, do quy định phải tuân thủ các chuẩn mực khắt khe về tính minh bạch của dữ liệu kế toán. Gazprom và Rosneft, hai công ty chiến lược về quyền lực, nhưng có một phần góp vốn của nước ngoài, nằm trong trường hợp này.

Nói một cách chung hơn, có khả năng vấn đề bảo mật dữ liệu kinh tế và xã hội, vốn cho đến nay vẫn được tiếp cận một cách tự do (ví dụ, các dữ liệu liên quan đến tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ nghèo đói, v.v.), từ nay, sẽ nằm trong nghị trình các cuộc họp giữa ban lãnh đạo của cơ quan thống kê Rosstat với các bộ liên quan. Người ta cũng quan ngại rằng, theo thời gian và tình hình kinh tế ngày càng xấu đi ở Nga, những văn bản tương tự như các luật gần đây về thông tin chiến tranh sẽ được ban hành, nhằm trừng phạt việc phổ biến thông tin kinh tế trái với lợi ích quốc gia, được che chở, khi cần thiết, dưới chiêu bài “bí mật thương mại” hay nói một cách công khai hơn, dưới chiêu bài “an ninh quốc gia”.

Trong mọi trường hợp, sẽ ngày càng khó khăn hơn cho các nhà kinh tế và các nhà quan sát độc lập, của Nga cũng như của phương Tây, để có một ý tưởng rõ rệt về tình hình kinh tế ở Nga. Điều ngẫu nhiên là giới cầm quyền cũng sẽ khó khăn hơn trong việc xây dựng các giải pháp sáng tạo và hiệu quả cho các vấn đề kinh tế đang tấn công đất nước, trong một bối cảnh trí thức không có bất kỳ cuộc tranh luận trái chiều nào về các lựa chọn được hình dung. Kết quả là các sai lầm về chính sách kinh tế sẽ trở nên dễ xảy ra hơn. Về mặt kinh tế, thông tin có thể thực sự làm thay đổi thế giới, theo hướng tốt hơn cũng như theo hướng tệ hơn.

Phụ lục:

Ngân hàng Trung ương Nga/Quyết định ngày 6 tháng 3 năm 2022 (bản dịch của tác giả)

• Ngân hàng Trung ương Nga đã quyết định điều chỉnh tạm thời việc phổ biến các báo cáo tài chính do các tổ chức tín dụng công bố trên trang web của họ, cũng như trên trang web của Ngân hàng Trung ương Nga. Quyết định này nhằm hạn chế rủi ro đối với những tổ chức tín dụng có liên quan đến các lệnh trừng phạt của các nước phương Tây.

• Kể từ ngày công bố [quyết định nói trên], vào tháng 2 năm 2022, các ngân hàng không còn bị bắt buộc phải công bố các báo cáo kế toán và tài chính (ở cấp độ tổ chức và tổng gộp) phù hợp với các chuẩn mực của Nga, cũng như các thông tin bổ sung cho quyết định này.

• Đồng thời, các tổ chức tín dụng sẽ tiếp tục đệ trình các báo cáo kế toán và tài chính lên Ngân hàng Trung ương Nga, cho phép Ngân hàng Trung ương Nga toàn quyền kiểm soát hoạt động của các tổ chức tín dụng, cũng như tiến hành công việc phân tích trong lĩnh vực này.

Ngoài ra, các ngân hàng cũng được quyền công bố, nếu xét thấy cần thiết, thông tin cho các đối tác của họ trong khuôn khổ các mối quan hệ thương mại đang có hiệu lực.

Julien Vercueil (1969-)

Tác giả

Julien Vercueil

Giáo sư kinh tế tại Inalco (Viện Quốc gia về Ngôn ngữ và Văn minh Phương Đông, Paris), chuyên gia về Nga, không gian thời hậu Xô Viết và các nước mới nổi. Các cách tiếp cận lý thuyết về kinh tế học thể chế và tiến hóa.

Tuyên bố công khai

Julien Vercueil không làm việc, không tư vấn, không sở hữu cổ phần hoặc nhận tài trợ từ bất kỳ công ty hay tổ chức nào có thể hưởng lợi từ bài viết này, và tuyên bố không có bất cứ mối quan hệ nào khác ngoài công việc mang tính học thuật.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Russie: l’information économique, victime collatérale de la guerre en Ukraine, The Conversation, ngày 27/03/2022

Print Friendly and PDF