24.4.22

Thời đại thái cực 1914 (9): Thời Đại Hoàng Kim

THỜI ĐẠI THÁI CỰC 1914 – 1991 (9)

THE AGE OF EXTREMES

Tác giả: Eric J. Hobsbawm; Người dịch: Nguyễn Ngọc Giao

PTKT: Kể từ tháng 8.2021, chúng tôi lần lượt đăng tiếp các chương còn lại của tác phẩm Thời đại thái cực 1914-1991. Để có một cái nhìn chung giới thiệu tác giả và tác phẩm, mời bạn đọc lại bài Nhà sử học của hai thế kỷ.

MỤC LỤC

Lời tựa và Cảm tạ

Lời tựa bản tiếng Pháp

Hình ảnh minh họa

Chú thích các hình ảnh

Thế kỉ nhìn từ đường chim bay

Phần thứ nhất - THỜI ĐẠI TAI HỌA

chương 1 Thời đại chiến tranh toàn diện

chương 2 Cách mạng thế giới

chương 3 Dưới đáy vực thẳm kinh tế

chương 4 Sự suy sụp của chủ nghĩa liberal

chương 5 Chống kẻ thù chung

chương 6 Nghệ thuật, 1915-1945

chương 7 Sự cáo chung của các Đế chế

Eric J. Hobsbawm (1917-2012)

Phần thứ hai - THỜI ĐẠI HOÀNG KIM

chương 8 Chiến tranh Lạnh

chương 9 Thời đại Hoàng kim

chương 10 Cách mạng xã hội, 1945-1990

chương 11 Cách mạng văn hóa

chương 12 Thế giới thứ Ba

chương 13 “Chủ nghĩa xã hội hiện tồn”

Phần thứ ba: SỤP ĐỔ

chương 14 Những thập niên Khủng hoảng

chương 15 Thế giới thứ Ba và cách mạng

chương 16 Sự cáo chung của chủ nghĩa xã hội

chương 17 Tiền phong hấp hối: nghệ thuật sau 1950

chương 18 Phù thủy và đồ đệ tập việc: các ngành khoa học tự nhiên

chương 19 Tiến tới thiên niên kỉ mới

* * *

Phần thứ hai

THỜI ĐẠI HOÀNG KIM

Chương 9

THỜI ĐẠI HOÀNG KIM

Chính là trong 40 năm vừa qua mà Modena đã thực sự nhảy vọt một bước dài. Cho đến lúc ấy, thời kì bắt đầu từ ngày thống nhất (nước Italia) chỉ là thời gian chờ đợi, những thay đổi diễn ra rất chậm và ngắt quãng, thế rồi sự biến đổi đã tăng tốc với độ nhanh của ánh sáng. Từ nay người dân Modena có một mức sống trước đây chỉ dành cho một nhúm nhỏ là giới thượng lưu”.

G. MUZZIOLI (1993, tr. 323)

John K. Galbraith (1908-2006)

Một người bụng đói, không say rượu, có trong tay đồng Đô la cuối cùng, thì không thể nào thuyết phục anh ta mua cái gì khác hơn là đồ ăn. Nhưng một người ăn uống no đủ, quần áo bảnh bao, nhà cửa đàng hoàng, thì có thể thuyết phục anh ta chọn lựa giữa một cái cạo râu điện hay một cái bàn chải đánh răng bằng điện được. Cũng như giá cả và giá thành, nhu cầu của người tiêu thụ trở thành đối tượng của sự quản trị”.

J. K. GALBRAITH (Nhà nước công nghiệp mới, 1967)

 

I

 

Người ta phần đông cũng vận hành giống như các nhà sử học: họ chỉ nhận ra bản chất mỗi trải nghiệm khi mọi sự đã xong xuôi rồi. Trong những năm 1950, đặc biệt ở các nước “phát triển” ngày càng giàu mạnh, nhiều người ý thức được rằng thời thế đã khá lên, nhất là khi họ nhớ lại thời trước chiến tranh. Năm 1959, một thủ tướng Anh, thuộc đảng Bảo thủ, đã ra tranh cử và thắng cử với khẩu hiệu này: “Mọi sự chưa bao giờ tốt như vậy!”. Mà đúng như thế. Nhưng phải đợi đến khi giai đoạn bộc phát kết thúc, trong những rối rắm của những năm 1970, trong khi chờ đợi sự chấn thương của thập niên 1980, thì các nhà quan sát – lúc đầu, chủ yếu là các nhà kinh tế học – mới bắt đầu nhận thức được rằng thế giới, đặc biệt là thế giới tư bản chủ nghĩa phát triển, vừa trải qua một giai đoạn hết sức đặc biệt, thậm chí có một không hai, trong lịch sử. Họ tìm cách đặt tên: người Pháp gọi là “30 năm quang vinh”, Anh-Mỹ thì gọi là “Thời đại Hoàng kim”, “Thời đại Vàng” 1/4 thế kỉ (Marglin và Schor, 1990). Trên cái nền tẻ nhạt hay đen tối của những thập niên Khủng hoảng tiếp theo đó, vàng lại càng sáng chói.

Có nhiều lí do giải thích tại sao phải có thời gian người ta mới nhận ra sự phi thường của thời kì ấy. Hoa Kỳ đã chế ngự nền kinh tế thế giới sau chiến tranh, nên đối với họ, điều ấy không có gì là cách mạng cả. Nó chỉ là sự tiếp nối giai đoạn phát triển cực thịnh của những năm chiến tranh ở Mỹ. Hoa Kỳ không hề bị chiến tranh tàn phá, GNP đã tăng 2/3 (Van der Wee, 1987, tr. 30), và khi chiến tranh kết thúc, Hoa Kỳ chiếm gần 2/3 sản lượng công nghiệp toàn cầu. Thêm nữa, chính vì kích thước và sự vượt xa thế giới của nước Mỹ, nên thành tựu của họ trong Thời đại Hoàng kim lại không bằng tốc độ tăng trưởng của các nước khác, khởi đi từ điểm xuất phát thấp hơn. Từ năm 1950 đến năm 1973, tăng trưởng của Mỹ chậm hơn tất cả các nước công nghiệp khác, có lẽ chỉ trừ Anh ra. Hơn nữa, tốc độ tăng trưởng của Hoa Kỳ cũng không hơn tốc độ của chính họ trong những giai đoạn năng động nhất trước đó. Còn ở các nước công nghiệp khác, kể cả nước Anh lờ đờ, Thời đại Hoàng kim đã phá vỡ mọi kỉ lục trước đó (Maddison, 1987, tr. 650). Hoa Kỳ thì ngược lại, đứng về mặt kinh tế và công nghệ, đó là một thời kì tụt hậu tương đối. Khoảng cách giữa năng suất giờ giữa Mỹ và các nước khác đã rút ngắn: năm 1950, GDP tính theo đầu người của Mỹ gấp đôi của Pháp và Đức, gấp năm lần của Nhật Bản, gấp rưỡi của Anh, thế mà họ đã cố gắng bắt kịp Mỹ, và trong những năm 1970, 1980 họ vẫn tiếp tục theo đà ấy.

Harold Macmillan (1894-1986)

Đối với các nước châu Âu và Nhật Bản năm 1945, ưu tiên tuyệt đối là phục hồi sau chiến tranh: trong những năm đầu, họ đo thành tựu bằng đoạn đường đã đi được để đạt một mục đích được đặt ra so với quá khứ, chứ không tính đến tương lai. Ở các nước không cộng sản, công cuộc tái thiết cũng là phương cách để đẩy lùi mối lo cách mạng xã hội và sự lớn mạnh của cộng sản, di sản của chiến tranh và kháng chiến. Phần lớn các nước (không kể Đức và Nhật) đến năm 1950 tìm lại được mức độ của họ trước chiến tranh, song tình hình không có gì hứng khởi vì Chiến tranh Lạnh đã bắt đầu, và ở Pháp, ở Italia, vẫn tiếp tục tồn tại những đảng Cộng sản hùng mạnh. Dẫu sao, thành quả vật chất của sự tăng trưởng cũng phải có thời gian mới thể hiện cụ thể. Ở Anh, phải đến giữa những năm 1950 điều này mới hiển nhiên. Chưa bao giờ lại có chính khách thắng cử với khẩu hiệu như của Harold Macmillan. Ngay một vùng trù phú ngoạn mục như Emilia-Romagna của Italia, những thành quả của “xã hội phồn vinh” phải đến thập niên 1960 mới trở thành phổ biến (Francia, Muzzioli, 1984, tr. 327-329). Thêm vào đó, bí quyết của một xã hội phồn vinh đại chúng, tức là mọi người có công ăn việc làm, cũng phải đến thập niên 1960 mới đạt được, với tỉ số thất nghiệp bình quân ở Tây Âu là 1,5%. Trong những năm 1950, tỉ số thất nghiệp Italia còn mức 8%. Tóm lại, phải đến những năm 1960, châu Âu mới tin chắc là mình đã đạt được sự thịnh vượng phi thường. Lúc đó, có những nhà quan sát tinh tường bắt đầu mường tượng rằng, bằng cách này hay cách khác, mọi việc sẽ mãi mãi tiến tới. “Không có lí do đặc biệt nào để nghi ngờ rằng xu thế cơ bản tăng trưởng ở đầu và giữa thập niên 1970 lại không tiếp tục mạnh mẽ như đã thấy trong những năm 1960”, người ta có thể đọc được câu này trong một báo cáo năm 1972 của Liên Hợp Quốc. “Không thấy một nhân tố có thể làm thay đổi hẳn cục diện môi trường bên ngoài của nền kinh tế các nước châu Âu”. Suốt những năm 1960, các nước công nghiệp tư bản tiên tiến OECD (Tổ chức hợp tác phát triển kinh tế) cứ phải liên tục điều chỉnh bằng cách tăng các con số dự đoán tăng trưởng. Đầu thập niên 1970, người ta chờ đợi tăng trưởng “trung hạn” sẽ vượt mức 5% (Glyn, Hughes, Lipietz, Singh, 1990, tr. 39). Sự thực khác hẳn.

Ngày nay thấy rõ Thời đại Vàng này chủ yếu là của các nước tư bản chủ nghĩa phát triển: trong những thập niên ấy, các nước này đã gánh vác gần 3/4 sản xuất toàn cầu và hơn 80% xuất khẩu sản phẩm công nghiệp (OECD, Impact, 1979, tr. 18-19). Còn một lí do khiến người ta chậm thừa nhận đặc điểm của thời kì này: trong những năm 1950, sự bộc phát kinh tế dường như mang tính toàn cầu và độc lập với chế độ chính trị. Lúc đầu, dường như phe XHCN mới được mở rộng đã dành phần hơn. Thật vậy, trong những năm 1950, tốc độ tăng trưởng của Liên Xô cao hơn tất cả các nước phương Tây; các nước Đông Âu khác cũng tăng trưởng gần bằng: các nước trước đó lạc hậu thì tăng nhanh, những nước đã công nghiệp hóa một phần thì chậm hơn. Tuy nhiên, Đông Đức cộng sản tụt hậu so với Liên bang Đức không cộng sản. Sang những năm 1960, khối Đông Âu bắt đầu hụt hơi, nhưng GDP tính bình quân theo đầu người trong Thời đại Vàng cũng vẫn tăng nhanh (Liên Xô thì kém hơn một chút) hơn là các nước công nghiệp (IMF, 1990, tr. 65). Nhưng trong thập niên 1960 này, cũng đã thấy rõ là chủ nghĩa tư bản, chứ không phải chủ nghĩa xã hội, dẫn đầu trong cuộc chay đua.

Dẫu sao, Thời đại Hoàng kim vẫn là một hiện tượng toàn cầu, tuy rằng sự phồn vinh chung không hề ở trong tầm tay của đa số dân chúng thế giới, nhất là ở những nước mà các chuyên gia Liên Hợp Quốc tìm cách che giấu sự nghèo khó và lạc hậu bằng những mỹ từ ngoại giao. Mà trong khi đó thì dân số Thế giới thứ Ba tăng nhanh một cách ngoạn mục: từ 1950 đến 1980, dân số châu Phi, Đông Á và Nam Á đã tăng hơn gấp đôi, dân số châu Mỹ Latin còn tăng nhanh hơn nữa (World Resources, 1986, tr. 11). Sang đến những năm 1970 và 1980, nạn đói đại trà lại trở thành thường xuyên: vào giờ ăn tối, các kênh truyền hình phương Tây thường chiếu hình ảnh đã trở thành kinh điển một đứa trẻ xa lạ chỉ còn da bọc xương. Trong những thập niên Thời đại Vàng, không có những nạn đói lớn, trừ nạn đói vì chiến tranh hay điên loạn chính trị, như ở Trung Quốc (xem ch. 16.I). Trong khi đó, dân số tăng gấp bội, tuổi thọ trung bình dài thêm 7 năm: từ 17 tuổi vào cuối những năm 1930, lên 24 tuổi vào cuối những năm 1960 (Morawetz, 1977, tr. 48). Nói cách khác, sản xuất lương thực đã tăng nhanh hơn dân số, tại các nước phát triển cũng như ở các vùng rộng lớn của thế giới không công nghiệp. Trong những năm 1950, sản xuất lương thực tăng hơn 1% trong tất cả các nước “đang phát triển”, ngoại trừ châu Mỹ Latin, tuy ở đây cũng có tăng đôi chút. Trong những năm 1960, sự tăng trưởng vẫn tiếp tục ở khắp các vùng thế giới không công nghiệp, nhưng yếu hơn nhiều (ngoại lệ vẫn là châu Mỹ Latin, nhưng lần này, châu Mỹ Latin lại dẫn đầu về tỉ số tăng trưởng). Tuy nhiên, trong hai thập niên 1950 và 1960, tổng sản xuất lương thực ở thế giới nghèo tăng nhanh hơn thế giới phát triển.

Sang thập niên 1970, sự phân hóa giữa các khu vực trong thế giới nghèo làm cho những con số chung mất đi ý nghĩa. Một số khu vực như Viễn Đông và châu Mỹ Latin tiến nhanh hơn hẳn dân số, trong khi châu Phi tụt hậu mỗi năm hơn 1%. Đến những năm 1980, sản xuất lương thực tính theo đầu người ở thế giới nghèo không tăng được một chút nào, ngoại trừ hai khu vực là Nam Á và Đông Á (và ngay trong vùng này, tại Bangladesh, Sri Lanka và Philippines, bình quân đầu người lại thấp hơn thập niên 1970). Một số vùng khác lại thua mức sản xuất 1970 hay tiếp tục giảm sút: đặc biệt là châu Phi, Trung Mỹ và Cận Đông (Van der Wee, tr. 106; FAO, The State of Food, 1989, Phụ lục, bảng 2, tr. 113-115).

Trong khi đó, thế giới phát triển lại gặp nạn sản xuất thừa, không biết dùng lương thực thừa mứa làm gì. Sang thập niên 1980, họ quyết định giảm hẳn mức tăng trưởng, hay là, trong khối Thị trường chung, tống khứ “núi bơ, hồ sữa” bằng cách bán rẻ hơn giá của người sản xuất nước nghèo. Từ nay, ở vùng biển Caribe, phô-ma Hà Lan bán rẻ hơn cả giá bán ở chính Hà Lan. Lạ một điều, sự tương phản giữa lương thực dư thừa và những vùng dân cư thiếu đói, một cảnh tượng đã gây ra phẫn nộ trong cuộc Đại Khủng hoảng vào những năm 1930, đến cuối thế kỉ XIX lại chẳng được mấy ai bình phẩm. Đó là một khía cạnh của sự phân hóa ngày càng tăng giữa người giàu và người nghèo, một khía cạnh ngày càng hiển nhiên bắt đầu từ thập niên 1960 trở đi.

Cố nhiên, toàn bộ thế giới công nghiệp tiếp tục đà phát triển: trong các nước tư bản chủ nghĩa, các nước XHCN và cả ở “Thế giới thứ Ba”. Phương Tây già nua có những tấm gương cách mạng công nghiệp ngoạn mục, như Tây Ban Nha và Phần Lan. Trong thế giới của “chủ nghĩa xã hội hiện tồn” (xem ch. 13), những nước thuần nông nghiệp như Bulgaria và Romania cũng mở ra những khu vực công nghiệp to lớn. Ở Thế giới thứ Ba, sự phát triển ngoạn mục của những “nước mới công nghiệp hóa” đã diễn ra sau Thời đại Vàng, nhưng khắp mọi nơi, số nước sống nhờ nông nghiệp hay phải dùng nông sản để nhập khẩu, đã giảm hẳn đi. Vào cuối thập niên 1980, chỉ còn 15 quốc gia phải xuất khẩu nông sản để chi trả một nửa hay hơn thế số hàng nhập khẩu. Trừ một ngoại lệ (New Zealand), tất cả các nước này đều ở Hạ Sahara châu Phi và châu Mỹ Latin (FAO, The State of Food, 1989, Phụ lục, bảng 11, tr. 149-151).

Thế là kinh tế thế giới đã tăng trưởng thep nhịp độ bộc phát. Trong thập niên 1960, rõ ràng chưa bao giờ chứng kiến sự thể như vậy. Sản lượng toàn cầu về sản phẩm công nghiệp từ đầu thập niên 1950 đến đầu thập niên 1970 đã tăng gấp bốn, và ngoạn mục hơn nữa, mậu dịch trong khu vực này đã nhân lên 10 lần. Sản xuất nông nghiệp toàn cầu, như đã thấy, cũng tăng vọt, tuy với một nhịp độ không kinh ngạc như thế. Sự tăng trưởng này phần nhỏ là do khai hoang (như vẫn thường thấy trong quá khứ) phần lớn là do tăng năng suất. Về ngũ cốc, từ 1950-1952 đến 1980-1982, năng suất trên một hecta đã tăng gần gấp đôi: ở Bắc Mỹ, Tây Âu và Đông Á, tăng hơn gấp đôi. Đồng thời, sản lượng ngư nghiệp tăng gấp ba trước khi giảm xuống (World Resources, 1986, tr. 47, 142).

Sự bùng nổ phi thường này đã đẻ ra một “phụ phẩm” mà lúc đó ít ai để ý, mặc dù, về sau nhìn lại, thì thấy là đã đe dọa lắm rồi: đó là sự ô nhiễm và xuống cấp môi trường. Trong Thời đại Hoàng kim, hiện tượng này không được quan tâm, ngoại trừ những người mê say cuộc sống hoang dã và những người xót thương những gì hiếm hoi của nhân loại và thiên nhiên. Thật vậy, đối với hệ tư tưởng thống trị về tiến bộ, thì tiến trình của loài người đo bằng sự làm chủ thiên nhiên ngày càng gia tăng. Vì vậy mà tại các nước XHCN, cuộc công nghiệp hóa đã được tiến hành một cách mù quáng, bất kể hậu quả môi trường khi xây dựng một hệ thống công nghiệp khá cũ kĩ dựa trên sắt và khói. Ngay cả ở phương Tây, phương châm cổ hủ của doanh nhân thế kỉ XIX – “đâu có rác là đó có tiền” (nghĩa là: ô nhiễm = tiền bạc) – vẫn còn thuyết phục, nhất là đối với những người xây dựng đường sá, bất động sản. Những người này khám phá lại một điều là, trong thời kỳ kinh tế bộc phát của thế kỉ, có thể rút ra những lợi nhuận vượt sức tưởng tượng từ sự đầu cơ nhất định trúng quả: chỉ khoanh tay ngồi đợi cho giá nhà đất ở địa điểm đã chọn bay lên trời cao. Ở đúng nơi thuận lợi, người chủ công trường có thể trở thành đa triệu phú, mà gần như không phải bỏ ra một đồng nào, vì ông ta có thể vay vốn trên cơ sở giá trị tương lai của cơ ngơi, và trong khi giá bất động sản (xây xong hay chưa, có người ở hay để trống) tiếp tục leo thang, ông ta có thể vay thêm nữa. Đương nhiên là cuối cùng sẽ đi tới khủng hoảng: như trong mọi cuộc bùng nổ kinh tế trong lịch sử, Thời đại Vàng sẽ kết thúc bằng sự sụp đổ ngân hàng và bất động sản. Trong khi chờ đợi, trên khắp thế giới, người ta đua nhau đập phá khu trung tâm của các thành phố lớn nhỏ, gọi là để “phát triển”, và tiện thể phá luôn những thành thị Trung cổ như Worchester ở bên Anh hay những thủ phủ xây dựng từ thời thuộc địa Tây Ban Nha như Lima ở Peru. Chính quyền các nước phương Đông cũng như phương Tây khám phá ra rằng có thể dùng phương pháp chế tạo công nghiệp để xây dựng những nhà ở công cộng vừa rẻ vừa nhanh, thế là các khu ngoại vi thành phố đầy rẫy những tòa nhà chung cư buồn thảm.[?] Những năm 1960 có lẽ được ghi nhận là thập niên đại họa của lịch sử quy hoạch đô thị.

Thực ra mà nói, người ta dường như chẳng lo ngại gì về môi trưởng, mà còn có lý do để hài lòng vì tác động của nạn ô nhiễm môi trường thế kỉ XIX đã lùi bước trước công nghệ và ý thức bảo vệ môi trường của thế kỉ XX. Chỉ một việc cấm đốt than từ năm 1953 ở London đã chẳng xua tan ngay bức màn mây mù smog dầy dặc vẫn thường che phủ thành phố, quen thuộc với chúng ta qua tiểu thuyết của Charles Dickens, đó sao? Rồi mấy năm sau, cá hồi đã chẳng ngược dòng sông Thames trước đó đã trở thành con sông chết? Các nhà máy sạch sơn, kích thước nhỏ hơn, bớt ồn hơn từ nay điểm xuyết các vùng đông quê, thay thế những khu nhà máy khổng lồ chìm ngập trong khói, xưa kia đồng nghĩa với “công nghiệp”. Các phi trường thay thế những nhà ga xe lửa từng là biểu tượng cho sự chuyên chở. Sự di dân từ nông thôn ra thành phố lại tạo cơ hội cho giai cấp trung lưu dọn nhà về các thôn xóm hay nông trại bỏ hoang, cảm thấy sống gần thiên nhiên hơn.

Song, các hoạt động của con người, chủ yếu là đô thị và công nghiệp, và về sau người ta mới thấy rõ hơn, của cả nông nghiệp, đã tác động ngày càng mạnh mẽ tới môi trường, từ giữa thế kỉ trở đi. Hiện tượng này đa phần phát sinh từ sự tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch (than đá, dầu mỏ, khí đốt…) ngày càng nhiều. Ngay từ giữa thế kỉ XIX, các chuyên gia về dự báo học đã quan tâm tới viễn tượng cạn kiệt các nguồn nhiên liệu này. Nhưng trong thời gian ấy, người ta đã phát hiện ra những nguồn mới, nhanh hơn cả tốc độ tiêu thụ. Không có gì đáng ngạc nhiên nếu như tiêu thụ năng lượng tổng quát đã tăng vọt – ở Hoa Kỳ, từ năm 1950 đến năm 1973 tăng gấp ba lần (Rostow, 1978, tr. 256; bảng III, tr. 58). Thời đại Hoàng kim sở dĩ huy hoàng như vậy, trong các nguyên nhân, có một nguyên nhân là trung bình một thùng dầu của Arabia Saudi suốt từ 1950 đến 1973 vẫn ở dưới mức 2 US$, thành ra nhiên liệu này rẻ mạt và ngày càng rẻ đi. Điều nghịch lí là mãi đến năm 1973, khi tập đoàn các nước OPEC quyết định tăng giá dầu lên tới mức mà mậu dịch quốc tế chịu đựng được (xem ch. 16.II), thì lúc đó những người bảo vệ môi trường mới thực sự ý thức được các tác động của sự bùng nổ giao thông dựa trên dầu hỏa, trong khi bầu trời của các thành phố, nhất là ở Bắc Mỹ, đã đầy khói xe. Cũng dễ hiểu là trước tiên người ta quan tâm tới đám mây mù đen smog. Tuy nhiên, chất CO2 phát ra làm nóng khí quyển từ năm 1950 đến năm 1973 đã tăng gấp ba: nói cách khác, tỉ trọng khí than này trong không khí mỗi năm đã tăng gần 1% (World Resources, bảng 11.1, tr. 318, 11.4 tr. 319; V. Smil, 1990, tr. 4, hình 2). Sản lượng các chất chloro-fluoro- cacbon, là những hóa chất ảnh hưởng tới tầng ozon, đã tăng gần như thẳng đứng. Thời cuối chiến tranh, hầu như người ta không dùng hóa chất này, đến 1974, người ta thải ra hằng năm trong không khí 300.000 tấn một hợp chất và 400.000 tấn một hợp chất khác trong loại này (World Resources, bảng 11.3, tr. 319). Gây ra ô nhiễm phần lớn là do các nước giàu ở phương Tây, song cuộc công nghiệp hóa hết sức “bẩn” của Liên Xô cũng đã thải ra một khối lượng CO2 gần bằng Hoa Kỳ: từ 1950 đến 1985 đã tăng gấp 5 lần (nếu tính bình quân đầu người thì cố nhiên Hoa Kỳ là nước ô nhiễm số một, bỏ xa các nước khác). Sự thật là trong thời kì này, chỉ có nước Anh là đã giảm được khối lượng ô nhiễm nh theo bình quân đầu người (Smil, 1990, bảng 1, tr. 14).

 

II

 

Lúc đầu, sự bùng nổ kinh tế kì lạ được xem như là sự khuếch đại của xu thế trước đó: coi như là sự toàn cầu hóa của tình hình trước năm 1945 của nước Mỹ, được coi như là mẫu mực cho xã hội tư bản công nghiệp. Điều đó đúng, trong một chừng mực nhất định. Thời đại của ô tô đã bắt đầu từ lâu ở Bắc Mỹ, khi chiến tranh thế giới chấm dứt, nó lan tràn sang châu Âu, và ở một mức khiêm tốn hơn, sang thế giới XHCN và giai cấp trung lưu châu Mỹ Latin, trong khi xe vận tải và ô tô, nhờ xăng dầu giá rẻ, đã trở thành phương tiện vận tải chủ yếu trên bộ ở phần lớn thế giới. Người ta có thể đo được mức độ phát triển của xã hội sung túc ở phương Tây bằng số lượng ô tô tư nhân – 469.000 năm 1938, lên 15 triệu ở nước Italia (Rostow, 1978, tr. 212; UN Statistical Yearbook, 1982, bảng 175, tr. 960) – và tương tự, có thể đánh giá sự phát triển kinh tế của một số nước thuộc Thế giới thứ Ba bằng nhịp độ phát triển bãi xe vận tải.

Đa phần cuộc bùng nổ kinh tế lớn trên thế giới là hiện tượng bắt kịp Hoa Kỳ, và ở Hoa Kỳ, là sự tiếp nối những xu thế trước đó. Hệ thống sản xuất dây chuyền của Henry Ford đã vượt các đại dương để thâm nhập các ngành công nghiệp chế tạo ô tô của các nước, còn ở Mỹ, những nguyên lí chủ “chủ nghĩa Ford” đã lan tràn sang những hình thái sản xuất mới: từ ngành xây dựng nhà ở cho đến ngành fast food – ăn nhanh (dây chuyền quán ăn McDonald là điển hình của sự thành công phi thường của thời hậu chiến). Những của cải và dịch vụ trước đây chỉ dành riêng cho những thiểu số từ nay được sản xuất cho thị trường đại chúng, thí dụ như khu vực du lịch bờ biển nhiều nắng. Trước chiến tranh, số người Bắc Mỹ đi chơi Trung Mỹ và vùng biển Caribe không bao giờ vượt quá 150.000 người/năm; từ 1950 đến 1970, đã tăng từ con số 300.000 lên 7 triệu (US Historical Statistics, I, tr. 403). Thống kê châu Âu còn ngoạn mục hơn. Tây Ban Nha cho đến cuối thập niên 1950 hầu như không có du lịch đại chúng, thì đến cuối thập niên 1980, đón tiếp mỗi năm, 54 triệu du khách, suýt soát con số 55 triệu của Italia (Stat. Jahrbuch, 1990, tr. 262). Cái gì trước đây coi như xa hoa nay trở thành tiêu chuẩn tiện nghi có thể đạt được, ít nhất ở những nước giàu: tủ lạnh, máy giặt và điện thoại. Năm 1971, tổng cộng có hơn 270 triệu máy điện thoại trên thế giới, chủ yếu ở Bắc Mỹ và Tây Âu, đà phát triển ngày càng nhanh. 10 năm sau, con số ấy tăng gần gấp đôi. Trong các nền kinh tế thị trường phát triển, cứ hai người dân thì có hơn một máy điện thoại (UN World Situation, 1985, bảng 19, tr. 63). Tóm lại, ở những nước này, từ nay người công dân trung bình có thể sống cuộc sống dành cho những người giàu đương thời với thế hệ cha mẹ – trừ một điều, là cơ khí hóa đã thay thế người phục vụ trong nhà, cố nhiên.

Trong giai đoạn này, ấn tượng nhất là vai trò thúc đẩy sự bộc phát kinh tế của cách mạng kĩ thuật. Cuộc cách mạng kĩ thuật không những đã gia tăng và cải tiến các sản phẩm cũ mà còn đa dạng hóa những sản phẩm mới, trong đó có nhiều cái mà trước chiến tranh chẳng mấy ai có ý niệm. Có những sản phẩm cách mạng, như các vật liệu tổng hợp mà người ta gọi chung là “chất dẻo” (plastic) đã được chế tạo trong thời kì giữa hai cuộc Đại chiến hay đã bắt đầu được sản xuất thương mại, như nylon (1935), polystyrene và polythene. Một số khác, như máy vô tuyến truyền hình, máy ghi âm băng từ, mới vừa ra khỏi giai đoạn thử nghiệm. Chiến tranh có những đòi hỏi về công nghệ cao cấp, nên đã mở đường để những phương thức cách mạng sau đó chuyển sang sử dụng dân sự; về mặt này, người Anh (trước khi người Mỹ thay thế) xem ra mạnh hơn là những bộ óc khoa học Đức: radar, động cơ phản lực và nhiều ý tưởng hay kĩ thuật chuẩn bị mảnh đất cho điện tử và tin học của thời kì hậu chiến. Nếu không có họ, thì transistor (phát minh năm 1947) và những máy tính số dùng trong dân sự (1947) chắc sẽ xuất hiện muộn màng hơn nhiều. Và có lẽ, cũng may, năng lượng hạt nhân, trong chiến tranh được sử dụng vào mục đích hủy hoại, vẫn nằm ở ngoài khu vực kinh tế dân sự, trừ việc góp phần (cho đến đó) ngoại vi cho sản xuất điện trên thế giới: năm 1975 gần 5%. Cho dù những canh tân có được là do dựa trên thành quả giữa hai cuộc Đại chiến hay sau đại chiến của khoa học, dựa trên những đột phá kĩ thuật, thậm chí thương mại, giữa hai cuộc Đại chiến, hay dựa trên bước nhảy vọt lớn sau năm 1945 – mạch tích hợp của thập niên 1950, laser thập niên 1960, hay những kết quả dẫn xuất từ công nghệ không gian – điều đó không quan trọng đối với việc chúng ta nói ở đây. Trừ một điều. Hơn mọi thời kì trước đây, Thời đại Vàng đã tận hưởng được nghiên cứu khoa học tiên tiến nhất, nhiều khi là nghiên cứu được giữ bí mật, nhưng chỉ vài năm là có những ứng dụng thực tiễn. Lần đầu tiên, công nghiệp và cả nông nghiệp đã dứt điểm bứt khỏi công nghệ của thế kỉ XIX (xem ch. 18).

Trong cuộc địa chấn về công nghệ ấy, có ba điều đập mạnh vào sự chú ý của người quan sát. Một là, nó đã thay đổi toàn diện cuộc sống trong thế giới các nước giàu, và trong một chừng mực thấp hơn, trong thế giới các người nghèo: đài phát thanh đi tới những làng mạc hẻo lánh nhất nhờ transistor và pin dài hạn khổ nhỏ; cuộc “cách mạng xanh” đã đảo lộn ngành trồng lúa nước và lúa mì, người ta đi dép nhựa, không còn đi chân trần. Độc giả ở châu Âu của cuốn sách này có thể kiểm điểm thật nhanh các vật dụng quanh mình để nghiệm xem. Về cơ bản, những thực phẩm ở trong tủ lạnh hay tủ đông (năm 1945 số đông các gia đình không có hai tiện nghi này) đa phần là sản phẩm mới: thực phẩm khô hay đông lạnh, sản phẩm nuôi công nghiệp, thịt chứa enzym và những hóa chất khử mùi, thậm chí được “nhào nặn lại thành những miếng thịt rút xương” (Considine, 1982, tr. 1164 và trang sau), đó là không kể những thực phẩm tươi của những nước ở bên kia trái đất đã được nhập khẩu bằng máy bay). Tất cả những thứ đó trước đây không thể nào có.

So với những năm 1950, những vật liệu tự nhiên hay truyền thống – gỗ, kim loại rèn đúc theo kiểu cổ truyền, sợi tự nhiên, nệm nhồi, cả sành sứ – ở trong bếp, đồ đạc hay quần áo, giá rẻ hơn nhiều, mặc dầu những lời quảng cáo chung quanh những gì liên quan tới vệ sinh cá nhân và các mỹ phẩm ngày đêm ra rả và ngoa ngoắt đã che lấp tính chất canh tân, đại trà và đa dạng của các sản phẩm này. Cách mạng công nghệ đã ăn sâu vào ý thức của người tiêu thụ đến mức cái mới đã trở thành luận điểm khuyến mãi chủ yếu cho bất thứ món hàng nào: từ chất giặt tổng hợp (phát triển mạnh từ những năm 1950) cho đến máy tính điện tử văn phòng. Tiền đề được chấp nhận là “mới” không những đồng nghĩa với “tốt nhất” mà còn “triệt để cách mạng”.

Còn những sản phẩm có thể minh họa cho sự tối tân kĩ thuật, thì kể ra không bao giờ hết và không cần bình luận gì thêm: máy truyền hình, đĩa nhựa (đĩa 33 vòng xuất hiện năm 1948) rồi tiếp theo là băng từ (cassette thì xuất hiện năm 1960) và đĩa CD; máy thu thanh “bỏ túi” – tác giả những dòng này được một người bạn Nhật Bản tặng cho cái “đài” đầu tiên vào cuối thập niên 1950 – đồng hồ số, máy tính bỏ túi chạy bằng pin mặt trời; và cuối cùng là máy móc điện tử dùng trong nhà, thiết bị chụp ảnh và video. Trong tất cả những sự canh tân ấy, có lẽ ý nghĩa nhất là các sản phẩm được thu nhỏ, dễ mang đi mang lại – chính điều này đã mở rộng diện mặt hàng và thị trường. Ý nghĩa không kém quan trọng của cuộc cách mạng kĩ thuật này còn biểu hiện trong những sản phẩm thoạt trông không có gì thay đổi nhưng thực chất là đã được cải biến hoàn toàn từ sau Thế chiến thứ Hai, thí dụ như những chiếc du thuyền: cột buồm, vỏ thuyền, cánh buồm, buồm chão chẳng còn gì chung với thuyền bè trước chiến tranh, ngoại trừ hình dáng và chức năng.

Hai là, công nghệ càng phức tạp, thì con đường đi từ phát kiến đến sáng chế và khâu sản xuất càng phức tạp hơn nữa, và công đoạn này càng diệu vợi, tốn kém bấy nhiêu. Khâu R & D (nghiên cứu & phát triển) đã trở thành nhân tố trung tâm của sự tăng trưởng kinh tế, và chính vì vậy, mà ưu thế của các nền “kinh tế thị trường phát triển” so với các nước khác càng được củng cố (ở ch. 16, ta sẽ thấy các nước XHCN thua kém thế nào về mặt này). Một “nước phát triển” điển hình thì trong những năm 1970, cứ một triệu dân phải có hơn 1.000 nhà khoa học và kĩ sư, nhưng Brasil chỉ có 250, Ấn Độ 130, Pakistan khoảng 60, Nigeria và Kenya chừng 30 (UNESCO, 1985, bảng 5.18). Thêm nữa, canh tân trở thành một quá trình liên tục đến mức chi phí cho việc sản sinh ra những sản phẩm mới chiếm một phần ngày càng lớn và cần thiết trong giá sản xuất. Trường hợp cực đoan là công nghiệp vũ khí: ở đây, người ta không sợ tốn tiền, vũ khí vừa được đưa ra sử dụng có thể bị bỏ vào kho phế thải để nhường chỗ cho những vũ khí tân tiến hơn (và tất nhiên, tốn kém hơn nhiều), mang lại mối lợi kếch sù cho những công ti chế tạo. Trong các ngành công nghiệp hướng nhiều hơn tới thị trường đại chúng, thí dụ như ngành dược phẩm, mỗi loại thuốc mới và thật sự cần thiết – nhất là khi nó được bảo vệ bởi bằng sáng chế để chặn cạnh tranh – có thể đem lại núi của cho nhà sản xuất (và họ biện minh bằng cách nói rẳng điều này tối cần để tiếp tục nghiên cứu). Những người cải tiến khó bảo vệ sản phẩm hơn thì phải nhanh chóng thu hồi vốn, vì giá cả sẽ tụt xuống ngay khi những sản phẩm khác xâm nhập thị trường.

Ba là, tuyệt đại đa số các công nghệ mới là những công nghệ đòi hỏi vốn cực lớn – kết quả việc này là tiết kiệm nhân công (ngoại trừ nhân công khoa học và kĩ thuật viên lành nghề) thậm chí dùng máy móc thay thế nhân công. Đặc điểm lớn nhất của Thời đại Hoàng kim là luôn luôn cần đầu tư nặng trong khi con người càng ngày càng ít cần thiết, ngoài tư cách là người tiêu thụ. Tuy nhiên, động lực và nhịp độ phát triển kinh tế đã đạt tới mức mà, trong thời đoạn một thế hệ, người ta không nhận ra hiện tượng này. Ngược lại, kinh tế tăng trưởng nhanh chóng tới mức, ngay ở các nước công nghiệp, tỉ lệ giai cấp công nhân công nghiệp vẫn duy trì, thậm chí tăng lên, trong số người ở tuổi lao động. Trong tất cả các nước phát triển – trừ Hoa Kỳ – dự trữ lao động tràn ứ trong thời kì khủng hoảng trước chiến tranh, tiếp theo là thời kì giải ngũ, đã giảm đi tới mức trống vắng. Nông dân và người lao động nhập cư đã được huy động để bổ sung nhu cầu nhân công, trong khi phụ nữ – trước đây đứng ngoài – bắt đầu bước vào thị trường lao động ngày một đông. Song lí tưởng là Thời đại Hoàng kim theo đuổi – mặc dầu dần dần nó mới nhận thức được – là tiến tới sản xuất của cải và cả dịch vụ “không người”: những nhà máy lắp ráp ô tô tự động, những phòng rộng mênh mông, không một bóng người, không một tiếng động, chứa từng hàng từng lớp máy tính điện tử kiểm soát sản xuất năng lượng, những đầu máy xe lửa không người lái. Trong một nền kinh tế như vầy, các cá nhân chỉ còn cần thiết như là người mua. Vấn đề chính là ở chỗ đó. Trong Thời đại Hoàng kim, viễn ảnh ấy còn có vẻ xa vời, chưa hiện thực, như các chết vị lai của vũ trụ vì “entropy”, như các nhà khoa học dưới thời nữ hoàng Victoria đã dự báo.

John M. Keynes (1883-1946)

Ngược lại là đằng khác. Mọi vấn đề mà chủ nghĩa tư bản đã bị ám ảnh trong Thời đại Tai họa dường như đã phai mờ, tan biến. Chu kì tuần hoàn phát triển – suy thoái tất yếu và kinh khủng, đã tàn phá ghê gớm trong thời kì giữa hai cuộc Đại chiến, nay đã trở thành một chuỗi thăng trầm được điều hòa bởi sự quản trị kinh tế vĩ mô sáng suốt: ít nhất đó cũng là tín điều mong muốn của các nhà kinh tế học theo trường phái Keynes nay đã trở thành cố vấn cho các chính phủ. Thất nghiệp đại trà ư? Hoàn toàn vắng bóng trong thế giới phát triển của thập niên 1960, lúc mà tỉ số thất nghiệp ở châu Âu chỉ ở mức bình quân 1,5%, ở Nhật Bản 1,3% (Van der Wee, 1987, tr. 77). Chỉ Bắc Mỹ là chưa xóa được nạn thất nghiệp. Nghèo khó ư? Tất nhiên, đa phần nhân loại còn sống trong nghèo khó, nhưng ở những trung tâm công nghiệp cổ truyền, câu hát “Vùng lên những tên tù khổ sai đói khát” (câu đầu trong nguyên tác bài Quốc tế ca) còn có nghĩa lí gì đối với những người công nhân đang mơ ước có ô tô và đi nghỉ hè trên bãi biển Tây Ban Nha? Và, nếu họ gặp hoạn nạn, thì Nhà nước phúc lợi có đó, ngày càng phổ biến và quảng đại, sẽ che chở họ về sức khỏe, tai ương và cả tuổi già ác mộng của người nghèo, tất cả những gì mà họ chưa bao giờ dám mơ tưởng? Thu nhập của họ cứ tăng đều mỗi năm, gần như tự động. Chẳng lẽ không tiếp tục mãi mãi như thế chăng? Bao nhiêu vật dụng, dịch vụ được guồng máy sản xuất cung cấp cho đời sống thường ngày, xưa kia là điều xa hoa hiếm quý. Sự chọn lựa ngày càng mở rộng, năm này qua năm khác. Về mặt vật chất, nhân loại không mong muốn gì hơn là mở rộng những tiện nghi ấy cho những người chưa được hưởng, vẫn biết đó là đa số còn sống ở những khu vực chưa bước vào con đường “phát triển” và “hiện đại hóa”.

Còn vấn đề gì phải giải quyết? Một chính khách người Anh thuộc đảng Xã hội, rất mực thông minh, năm 1956 đã có thể viết như sau:

Theo truyền thống, tư duy XHCN vốn bị ám ảnh bởi những vấn đề kinh tế do chủ nghĩa tư bản đặt ra: nạn nghèo khó, nạn thất nghiệp đông đảo, sự khốn cùng, sự bất ổn thậm chí nguy cơ sụp đổ của toàn bộ hệ thống […]. Chủ nghĩa tư bản nay đã được cải tổ đến mức không thể nhận ra nó nữa. Mặc dầu thi thoảng vẫn có những lúc suy thoái và khủng hoảng nhỏ cán cân chi trả, nhưng đã có thể bảo đảm được nhân dụng toàn phần hay ít nhất một sự ổn định ở cấp độ chấp nhận được. Người ta có thể trông chờ vào sự tự động hóa để giải quyết tất cả những vấn đề còn lại của sự sản xuất thiếu. Nhìn về tương lai, nhịp độ tăng trưởng hiện thời cho ta tin chắc rằng 50 năm nữa, sản xuất sẽ nhân gấp ba.”

(Crosland, 1957, tr. 517)

 

III

 

Nikolai Kondratiev (1892-1938)

Làm sao lí giải được sự khải hoàn bất ngờ của một hệ thống mà trong suốt mấy chục năm trời tưởng như đã đứng bên bờ đổ nát? Điều cần giải thích, tất nhiên, không phải đơn giản là sự kiện một thời gian dài tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng, tiếp theo một thời gian cũng dài như vậy đầy xáo trộn trong kinh tế cũng như trong những lĩnh vực khác. Sự tiếp nối những “đợt sóng dài” gần nửa thế kỉ đã trở thành nhịp độ cơ bản trong lịch sử kinh tế của chủ nghĩa tư bản từ cuối thế kỉ XVIII đến nay. Thời đại Tai họa (xem ch. 2) đã khiến người ta chú ý tới mô hình thăng trầm theo nhịp thế kỉ này, mà bản chất của nó vẫn còn là điều bí ẩn. Như đã thấy, các đợt sóng này thường được biết dưới cái tên của nhà kinh tế học Nga Kondratiev.

Trong viễn tượng dài hạn, Thời đại Hoàng kim chỉ là một giai đoạn phát triển cũng như là thời kì đại phát triển dưới triều đại của nữ hoàng Victoria 1850-1873 – điều kì thú là cách nhau một thế kỉ, các niên hiệu gần như trùng nhau – và thời kì gọi là “thời kì đẹp” (La Belle Epoque) cuối triều đại Victoria, đầu triều đại Edward. Cũng như hai đợt sóng phát triển trước, tiếp theo Thời đại Vàng là thời kì “suy thoái”. Điều cần phải giải thích là quy mô và kích thước khác thường của cuộc đại phát triển “thế kỉ”, cũng tương đương với quy mô và kích thước của thời kì khủng hoảng và suy thoái trước đó.

Thực ra chưa có sự lí giải nào thực sự thỏa đáng về “bước Nhảy vọt Vĩ đại” của kinh tế tư bản thế giới cũng như về những hệ quả xã hội chưa từng có của nó. Cố nhiên, các nước đã ra sức tìm cách bắt kịp Hoa Kỳ, nền kinh tế khuôn mẫu của xã hội công nghiệp đầu thế kỉ XX: một quốc gia không phải trải qua chiến tranh, thất trận hay thắng trận, tuy cũng bị tác động của cuộc suy thoái trong một thời gian ngắn. Nói đúng hơn, các nước này đã tìm cách bắt chước một cách có hệ thống Hoa Kỳ trong quá trình tăng tốc phát triển kinh tế, bởi lẽ thích nghi với một công nghệ đã có sẵn thì dễ dàng hơn là phát minh ra một công nghệ mới. Điều đó không ngăn cấm là trong giai đoạn sau, có thể phát minh ra công nghệ mới, như trường hợp Nhật Bản đã cho thấy. Nhưng hiển nhiên cuộc Đại Nhảy vọt không chỉ đơn thuần là như vậy. Thực sự đã có cả một cuộc tái cấu trúc và cải tổ sâu sắc của chủ nghĩa tư bản, và một sự tiến bộ vượt bực trong quá trình toàn cầu hóa và quốc tế hóa nền kinh tế.

Từ xu hướng thứ nhất, đã xuất hiện một “nền kinh tế liên hợp” nhờ đó nhà nước có thể kế hoạch hóa và quản lí dễ dàng hơn công cuộc hiện đại hóa kinh tế và kích cầu một cách đáng kể. Trừ một vài biệt lệ hiếm hoi (Hongkong), những thành tựu kinh tế đáng kể nhất của các nước tư bản chủ nghĩa sau chiến tranh đều là những cuộc công nghiệp hóa do nhà nước hỗ trợ, giám sát, chỉ đạo, thậm chí còn lên kế hoạch và quản lí nữa: đó là trường hợp hai nước Pháp và Tây Ban Nha ở châu Âu; nhưng ở Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc cũng thế. Đồng thời, nhờ chính sách toàn dụng (công ăn việc làm đầy đủ) và, trong một chừng mực kém hơn, chính sách giảm thiểu bất công xã hội, nói khác đi là chăm lo bảo hộ và an toàn xã hội, lần đầu tiên đã tạo ra cho đại chúng một thị trường những sản phẩm “xa xỉ” từ nay được coi là những nhu yếu phẩm. Người ta càng nghèo thì càng phải dành phần lớn trong ngân sách gia đình cho những sản phẩm nhu yếu, nhất là thực phẩm (đó là điều ai cũng biết, thường được gọi là “định luật Engel”). Trong những năm 1930, ngay ở một nước trù phú như Hoa Kỳ, cái ăn vẫn chiếm 1/3 chi tiêu của một gia đình: sang đầu thập niên 1980, phần này đã tụt xuống, còn 13%. Phần còn lại, người ta có thể tiêu dùng cho việc khác. Thời đại Hoàng kim đã dân chủ hóa thị trường.

Xu hướng thứ hai đã đưa tới hệ quả là nhân lên khả năng sản xuất của kinh tế thế giới thông qua sự phân công lao động quốc tế một cách có tổ chức và tân kì hơn. Trong thời gian đầu, sự phân công này chủ yếu giới hạn trong nội bộ nhóm các nước “kinh tế thị trường phát triển”, nghĩa là các nước đứng trong phe Mỹ. Phe XHCN gần như đứng biệt lập (xem ch. 13), trong khi đó thì, từ thập niên 1950, những “nước đang phát triển” năng động nhất trong Thế giới thứ Ba đã chọn con đường công nghiệp hóa tách biệt và có kế hoạch để làm ra những sản phẩm thay thế hàng công nghiệp nhập khẩu. Hạt nhân của các nước tư bản chủ nghĩa tất nhiên đã bắt đầu thông thương với thế giới hải ngoại, điều này rất có lợi cho họ vì cán cân mậu dịch nghiêng về phía họ: nói cách khác, họ có thể mua nguyên liệu và thực phẩm với giá rẻ. Tuy nhiên, sự bùng nổ kinh tế của thời kì này thực chất là bùng nổ mậu dịch sản phẩm công nghiệp, chủ yếu là trong nội bộ hạt nhân cứng của thế giới công nghiệp. Sau năm 1953, chỉ trong vòng 20 năm, mậu dịch sản phẩm công nghiệp toàn cầu đã nhân gấp 10. Từ thế kỉ XIX, sản phẩm công nghiệp chiếm một tỉ trọng hằng số trong mậu dịch toàn cầu, xấp xỉ chưa tới 50%, nay vượt lên trên mức 60% (W. A. Lewis, 1981). Thời đại Hoàng kim vẫn gắn liền với nền kinh tế trong hạt nhân cứng của khối các nước tư bản – kể cả về mặt định lượng. Năm 1975, chỉ riêng 7 nước tư bản chủ nghĩa lớn (Canada, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Pháp, CHLB Đức, Italia và Vương quốc Anh) đã chiếm 3/4 bãi ô tô toàn thế giới và một tỉ số lớn hơn nữa về máy điện thoại (UN Statistical Yearbook, 1982, tr. 955 và tiếp theo, tr. 1018 và tiếp theo). Song cuộc cách mạng công nghiệp mới không thể nào thu mình trong một khu vực duy nhất.

Sự tái cấu trúc chủ nghĩa tư bản và tiến trình quốc tế hóa nền kinh tế cũng giữ một vai trò trung tâm. Còn cách mạng kĩ thuật thì tuy không có gì phải hoài nghi, nhưng cũng khó lí giải vai trò của nó trong Thời đại Hoàng kim. Một phần quan trọng của cuộc công nghiệp hóa diễn ra trong ba thập niên, như ta đã thấy, được thực hiện dưới dạng truyền bá sang những nước mới các dạng thức công nghiệp hóa cũ, dựa trên những kĩ thuật cũ: cuộc công nghiệp hóa than, sắt và thép của thế kỉ XIX được tiến hành tại các nước nông nghiệp trong phe XHCN; công nghiệp dầu hỏa và máy nổ thế kỉ XX của Hoa Kỳ chuyển sang các nước châu Âu. Tác động của các kĩ thuật phái sinh từ nghiên cứu mũi nhọn vào công nghiệp dân sự chỉ trở thành đại trà sau năm 1973, tức là trong những thập niên Khủng hoảng: sự đột phá to lớn của tin học và công nghệ di truyền học, và một số những bước nhảy vào những lĩnh vực xa lạ. Những canh tân chủ yếu bắt đầu làm thay đổi thế giới ngay từ sau thế chiến có lẽ là những canh tân trong hóa học và công nghiệp dược phẩm. Chúng đã tác động ngay tới dân số Thế giới thứ Ba (xem ch. 12). Tác động về mặt văn hóa đến chậm hơn, nhưng cũng không chậm hơn bao nhiêu, vì cuộc cách mạng tính dục ở phương Tây trong những năm 1960 và 1970 khả dĩ có được là nhờ thuốc kháng sinh, hoàn toàn không có trước Thế chiến thứ Hai: thuốc kháng sinh có vẻ như đã loại trừ những nguy cơ lớn do sự chung chạ nam nữ vì trị được các thứ bệnh hoa liễu một cách dễ dàng. Tương tự, cũng từ những năm 1960 mà thuốc ngừa thai được phổ biến. (Tuy nhiên, đến thập niên 1980,z bệnh AIDS đã mang lại những nguy cơ mới trong sinh hoạt tính dục).

Dẫu sao, công nghệ canh tân tiến mũi nhọn đã hiện diện trong giai đoạn bộc phát kinh tế tới mức nó trở thành một nhân tố tất yếu của mọi cách lí giải, cho dù chúng tôi không nghĩ rằng nó đã giữ một vai trò quyết định.

Friedrich Hayek (1899-1992)

Nói như Crosland mà chúng tôi đã trích dẫn ở trên, không thể chối cãi chủ nghĩa tư bản hậu chiến là “một hệ thống đã được cải cách tới mức không nhận ra nó nữa”; hay nói như Thủ tướng Anh Harold Macmillan, đó là một phiên bản “mới” của một hệ thống cũ. Rõ ràng đó không phải là một sự trở về “trạng thái bình thường” sau khi đã thoát khỏi mấy cái “sai lầm” có thể tránh được của thời kì trước chiến tranh để bảo đảm một “mức độ nhân dụng cao” và một “nhịp độ tăng trưởng kinh tế đáng kể” (H. G. Johnson, 1972, tr. 6). Về thực chất, đây là một cuộc hôn phối giữa chủ nghĩa “liberal” về kinh tế và chế độ dân chủ xã hội (hay, nói theo ngôn ngữ chính trị Mỹ, một chính sách New Deal như thời tổng thống Roosevelt có vay mượn khá nhiều của Liên Xô, là nước đầu tiên đã thực hiện khái niệm kế hoạch hóa kinh tế. Chính vì thế mà các nhà “thần học” của thị trường đã phản ứng kịch liệt đối với cuộc hôn phối này trong những năm 1970 và 1980, khi thành quả kinh tế không kham nổi những chính sách dựa trên cuộc hôn phối. Đó là những người như nhà kinh tế Áo Friedrich von Hayek, chưa hề bao giờ có óc thực tiễn, chịu thừa nhận, dù là miễn cưỡng đi nữa, rằng các hoạt động kinh tế can thiệp vào tình trạng để mặc tư nhân kinh doanh đã mang lại kết quả. Trái lại, bao giờ họ cũng đưa ra được những luận điểm tinh tế để khẳng định rằng làm như vậy không thể nào được. Họ tin tưởng vào phương trình “Thị trường tự do = tự do cá nhân”: đi chệch nguyên tắc này chỉ có thể đưa vào Con đường nô dịch (tên một cuốn sách của Hayek xuất bản năm 1944). Trong thời kì Đại Khủng hoảng, họ vẫn một mực trung thành với học thuyết “sự thuần khiết của thị trường”. Họ tiếp tục lên án những chính sách đã làm cho Thời đại Hoàng kim trở thành Thời đại Hoàng kim, trong khi mà thế giới giàu có hẳn lên, chủ nghĩa tư bản (đi kèm với chính sách tự do) đã phát đạt trở lại trên cơ sở kết hợp thị trường với sự can thiệp của công quyền. Nhưng, trong thời gian 1940-1970, chẳng có ai chú ý tới những Tín đồ Cổ kính ấy cả.

Cũng không ai còn có thể hồ nghi điều này: chủ nghĩa tư bản đã được cố ý cải cách, chủ yếu là bởi những con người đứng ở vị thế có thể làm được việc này ở Hoa Kỳ và Vương quốc Anh vào những năm cuối cùng của cuộc đại chiến thế giới. Ta sẽ lầm to nếu tưởng rằng người ta không bao giờ biết rút ra những bài học lịch sử. Kinh nghiệm thời kì xen giữa hai cuộc Thế chiến, và, nhất là kinh nghiệm cuộc Đại Khủng hoảng, kinh khủng đến mức, khác hẳn các chính khách sau khi Thế chiến thứ Nhất kết thúc, không ai còn có thể ước mơ trở lại “thời trước”, tức là trước cái thời mà những hồi còi nổi lên báo trước những trận ném bom. Tất cả những người – phải nói người đàn ông cho chính xác, phụ nữ chưa được gia nhập bảng đầu của đời sống công cộng – muốn phác họa ước mong về những nguyên tắc của nền kinh tế thế giới hậu chiến và của tương lai trật tự kinh tế toàn cầu đều đã trải nghiệm cuộc Đại Khủng hoảng. Có người, như J. M. Keynes, đã tham gia sinh hoạt công cộng ngay trước 1914. Và nếu kỉ niệm kinh tế của thập niên 1930 chưa đủ để thôi thúc ý muốn cải tổ chủ nghĩa tư bản, thì có thêm những nguy cơ chính trị của sự trùm chăn rất hiển nhiên đối với những người vừa phải đấu tranh chống nước Đức Hitler, con đẻ của cuộc khủng hoảng, và ngày nay phải đối mặt với viễn tượng Tây tiến của chủ nghĩa cộng sản và thế lực của Liên Xô băng qua hoang tàn của những nền kinh tế tư bản chủ nghĩa đang trì trệ.

Đối với những người nắm trong tay quyền quyết định, có bốn điều hết sức rõ ràng. Một là, bất luận thế nào, không thể để tái diễn cái đại họa đã xảy ra trong thời kì xen giữa hai cuộc Thế chiến, đại họa này chủ yếu là do sự sụp đổ của hệ thống mậu dịch và tài chính thế giới, và do tình trạng chia năm xẻ bảy tiếp theo đó thành những nền kinh tế quốc gia hay đế chế tự cung tự cầu. Hai là, trước đây hệ thống thế giới được ổn định là do sự bá quyền, hay ít nhất vai trò trung tâm của nền kinh tế Anh và tiền tệ của nó là đồng Bảng Anh. Sau Thế chiến thứ Nhất và trước Thế chiến thứ Hai, nước Anh và đồng Bảng không còn đủ mạnh để đảm đương gánh nặng ấy, chỉ có Hoa Kỳ và đồng Đô la mới có thể làm được. Kết luận này khiến Washington phấn khởi, hơn các thủ đô khác, tất nhiên. Ba là, Đại Khủng hoảng phát sinh từ một thị trường cạnh tranh không giới hạn. Cho nên cần phải bổ sung nó, hay cho nó vào khuôn phép bằng sự kế hoạch hóa công cộng và sự quản lí kinh tế. Bốn là, vì những lí do chính trị và xã hội, không thể để cho nạn thất nghiệp trở thành đại trà.

Ở ngoài các nước Anh - Mỹ, những người cầm quyền quyết định cũng chẳng làm được gì đáng kể trong việc tái thiết hệ thống mậu dịch và tài chính thế giới, nhưng họ khá đồng tình với việc gạt bỏ chủ nghĩa liberal kinh tế cũ. Xu hướng chỉ đạo và làm kế hoạch kinh tế quốc gia không phải là điều gì mới lạ ở một số nước, từ Pháp đến Nhật. Ngay cả quyền sở hữu và quản lí công cộng đối với công nghiệp cũng đã trở thành khá quen thuộc và phổ biến rộng rãi ở các nước phương Tây từ sau năm 1945. Đó không hề là vấn đề tranh cãi giữa những người thuộc xu hướng XHCN và những người chống lại, mặc dầu xu hướng khuynh tả gắn liền với cuộc kháng chiến đã tăng cường việc quốc hữu hóa so với thời gian trước chiến tranh, chẳng hạn như trong các hiến pháp 1946-1947 của Pháp và Italia. Cho nên, nước Đức vốn không có khuynh hướng quốc hữu hóa, vậy mà đến năm 1960, tỉ trọng khu vực kinh tế công quyền lại lớn hơn là Na Uy sau 15 năm chính quyền ở trong tay đảng Xã hội.

Còn các đảng Xã hội và các phong trào công nhân khá mạnh ở châu Âu sau chiến tranh, họ dễ dàng chấp nhận chủ nghĩa tư bản được cải cách, vì lẽ trên thực tiễn, họ không có một chính sách kinh tế riêng (đây là không kể các đảng Cộng sản, mà đường lối vẫn là giành chính quyền và sau đó đi theo mô hình Liên Xô). Là những người thực tiễn, ba nước Scandinavia vẫn giữ nguyên vẹn khu vực tư nhân. Chính phủ Công đảng Anh năm 1945 thì khác, tuy rằng họ chẳng làm gì để cải tổ khu vực tư nhân, và đáng kinh ngạc là họ hoàn toàn không quan tâm gì tới việc quốc hữu hóa, nhất là so với các chính phủ Pháp đương đại (không xã hội) rất hăng say với công cuộc hiện đại hóa thông qua kế hoạch. Sự thật, phái tả đã tập trung vào việc cải thiện cuộc sống của cử tri thợ thuyền và tiến hành các cuộc cải cách xã hội. Giải pháp thay thế duy nhất là kêu gọi thủ tiêu chủ nghĩa tư bản, điều ấy chẳng có chính quyền Xã hội - Dân chủ nào biết phải làm như thế nào, hay tìm cách thực hiện, thành ra phái tả chỉ còn một cách là trông cậy vào một nền kinh tế tư bản mạnh mẽ, tạo ra của cải để tài trợ cho các dự án của họ. Và trên thực tế, một chủ nghĩa tư bản cải lương, thừa nhận sự quan trọng của các khát vọng thợ thuyền và dân chủ xã hội, đối với họ là được rồi.

Tóm lại, vì đủ mọi lí do, các chính khách, công chức và cả nhiều doanh nhân phương Tây sau chiến tranh đều nhất trí là tuyệt nhiên không thể quay trở lại tình trạng mạnh ai nấy làm, phó mặc cho thị trường cạnh tranh kiểu cũ. Một số mục tiêu chính trị – sự toàn dụng, ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản, hiện đại hóa những nền kinh tế lệch pha, suy yếu hay tàn lụi – là mục tiêu ưu tiên tuyệt đối và đòi hỏi sự có mặt của công quyền. Ngay những chính quyền chủ trương “liberal” về kinh tế và chính trị từ nay cũng buộc phải chỉ đạo nền kinh tế bằng những phương cách trước đây đã bị coi là “XHCN” và bác bỏ. Xét cho cùng, nước Anh và cả Hoa Kỳ nữa đã quản lí nền kinh tế chiến tranh như vậy đó. Tương lai thuộc về “nền kinh tế liên hợp”. Cho dù, đôi lúc, cũng phải quay về những quan niệm chính thống về tính thuần lí ngân sách và sự ổn định tiền tệ, song các quan niệm này không còn giá trị tuyệt đối nữa. Từ năm 1933, lạm phát và thiếu hụt ngân sách không còn là những con bù nhìn có thể xua đuổi chim chóc trên cánh đồng kinh tế nữa, nhưng xem ra vẫn được mùa.

Averell Harriman (1891-1986)
Jean Monnet (1888-1979)

Những thay đổi ấy không nhỏ chút nào. Điều đó đã khiến cho một nhà lãnh đạo quốc gia Mỹ vốn gắn bó thiết tha với chủ nghĩa tư bản như Averell Harriman năm 1946 đã nói với đồng bào của ông rằng: “Những từ ngữ như ‘kế hoạch hóa’ không còn làm cho người dân nước ta sợ nữa […]. Người ta chấp nhận ý kiến là chính phủ, cũng giống như cá nhân mỗi người, phải có kế hoạch” (Maier, 1987, tr. 129). Nên cũng hiểu tại sao một Jean Monnet (1888-1979), giải vô địch về chủ nghĩa “liberal” kinh tế và khâm phục nền kinh tế Mỹ, đã một mực chủ trương kinh tế Pháp phải được kế hoạch hóa. Cũng vì những biến chuyển này mà huân tước Lionel Robbins – nhà kinh tế học chủ trương thị trường tự do, trước đây là bảo vệ quan điểm chính thống, chống lại Keynes, và cùng với Hayek lãnh đạo một seminar ở London School of Economics – đã trở thành giám đốc nền kinh tế chiến tranh nửa XHCN của nước Anh. Trong khoảng gần ba thập niên, đã có một sự đồng thuận giữa các nhà tư tưởng và những người giữ quyền quyết định ở “phương Tây”, kể cả Hoa Kỳ, và họ đã quy định những điều mà các nước không cộng sản khác có thể làm, hay đúng hơn, đã quy định những điều mà các nước ấy không được làm. Tất cả đều mong muốn một thế giới phát triển mạnh mẽ, mậu dịch quốc tế ngày càng tăng trưởng, toàn dụng nhân công, công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Để thực hiện mục tiêu ấy, họ đều sẵn sàng, nếu cần, chấp nhận có sự kiểm soát có hệ thống của công quyền, chấp nhận quản lí những nền kinh tế liên hợp, và sẵn sàng hợp tác với phong trào công nhân có tổ chức, miễn đó không phải là những tổ chức cộng sản. Không thể nào có được Thời đại Hoàng kim nếu không có sự đồng thuận là phải cứu nền kinh tế khỏi sự khuynh loát của doanh nghiệp tư nhân (hay “sự kinh doanh tự do”, theo ngôn ngữ thời thượng[73]) để bảo đảm sự tồn tại của nó.

Lionel Robbins (1898-1984)

Chủ nghĩa tư bản đã cải tổ, đó là điều chắc chắn, song cũng nên phân biệt rõ hai việc khác nhau: một bên là sự sốt sắng chung đi tới những chọn lựa trước đó không ai dám nghĩ tới, một bên là hiệu quả thực sự của những biện pháp bếp núc cụ thể mà bếp trưởng của các quán ăn kinh tế mới đưa ra. Rất có đánh giá các món ăn này. Các nhà kinh tế học cũng giống các chính khách: bao giờ họ cũng muốn coi các thành tựu kinh tế là kết quả các chính sách mà họ đề ra. Trong Thời đại Hoàng kim, ngay cả những nền kinh tế yếu ớt như kinh tế nước Anh cũng phát đạt và tăng trưởng, do đó người ta tha hồ tự đề cao. Dẫu sao, phải nói là đường lối duy y chí đã mang lại những kết quả ngoạn mục. Chẳng hạn như nước Pháp, từ năm 1945- 1946 đã chủ tâm dấn thân vào con đường kế hoạch hóa để hiện đại hóa nền kinh tế công nghiệp của mình. Chủ trương thích nghi những ý niệm Soviet vào một nền kinh tế liên hợp tư bản chủ nghĩa rõ ràng đã thành công, vì từ 1950 đến 1970, nước Pháp – trước đó đồng nghĩa với lạc hậu về kinh tế – đã bắt kịp năng suất của Mỹ, thành công hơn các cường quốc công nghiệp khác, và hơn hẳn nước Đức (Maddison, 1982, tr. 46). Tuy nhiên, chúng tôi xin để các nhà kinh tế học – vốn là một bộ tộc rất hay lí sự – tranh luận với nhau về sự hơn kém và so sánh hiệu quả của các đường lối chính sách (phần lớn đều là những chính sách gắn liền với tên tuổi của J. M. Keynes, từ trần năm 1946).

 

IV

 

Harry White (1892-1948)

Sự khác biệt giữa những ý đồ tổng quát và sự áp dụng cụ thể là hết sức hiển nhiên trong cuộc tái tạo kinh tế quốc tế, vì ở đây, “bài học” rút ra từ cuộc Đại Khủng hoảng (cụm từ này luôn luôn xuất hiện trong ngôn từ của thập niên 1940) đã được thể hiện (ít nhất một phần) trong sự sắp xếp các định chế cụ thể. Sự thống soái của Hoa Kỳ trong việc này là đương nhiên. Về mặt chính trị, chính Washington đã thúc đẩy hành động, cho dù nhiều ý tưởng và sáng kiến do Anh đề ra trước. Khi có sự phân tán ý kiến, chẳng hạn giữa Keynes và Harry White[74], người phát ngôn Hoa Kỳ, về Quỹ Tiền tệ Quốc tế mới được thành lập, thì quan điểm của Mỹ giành phần thắng. Dầu sao, kế hoạch ban đầu về trật tự mới về kinh tế thế giới đã được quan niệm như là một vế trong trật tự mới về chính trị quốc tế, cũng đã được chuẩn bị vào những năm sắp kết thúc chiến tranh (như tổ chức Liên Hợp Quốc). Chỉ đến khi mô hình ban đầu của Liên Hợp Quốc bị sụp đổ vì Chiến tranh Lạnh thì hai định chế quốc tế duy nhất đã được thiết lập trong khuôn khổ hiệp định Bretton Woods (1944) – đó là Ngân hàng Thế giới (WB, mà tên gọi chính thức là “Ngân hàng Quốc tế vì Tái thiết và Phát triển”/International Bank for Reconstruction and Development) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, hiện vẫn tồn tại – mới bị lệ thuộc, trên thực tế, vào chính sách của Hoa Kỳ. Hai cơ quan này có nhiệm vụ khuyến khích đầu tư quốc tế dài hạn và duy trì ổn định mậu dịch đồng thời xử lí các vấn đề cán cân thanh toán. Những điểm khác của chương trình quốc tế không tạo ra những định chế đặc nhiệm (thí dụ như việc kiểm soát giá cả các sản phẩm cơ sở hay là những biện pháp quốc tế nhằm duy trì sự toàn dụng nhân công) hoặc chỉ được thực hiện không đầy đủ. Dự án Tổ chức thương mại quốc tế rốt cuộc chỉ đẻ ra được một văn bản khiêm tốn hơn nhiều: Hiệp ước chung về thuế quan và mậu dịch GATT – một cơ cấu nhằm giảm bớt những hàng rào thương mại bằng những vòng thương lượng có định kì.

Tóm lại, trong chừng mực mà các nhà xây dựng kế hoạch cố gắng xây dựng một tổng thể những định chế thao tác để thực hiện các dự án của họ, thì phải nói là họ đã thất bại. Thoát ra khỏi cuộc đại chiến, thế giới đã không có được một hệ thống quốc tế thao tác về tự do mậu dịch và thanh toán đa phương, và những sáng kiến của Hoa Kỳ nhằm thực hiện điều này, chưa đầy hai năm sau ngày toàn thắng, đã bị bỏ lửng. Tuy nhiên, không như Liên Hợp Quốc, hệ thống quốc tế về mậu dịch và thanh toán vẫn vận hành, nhưng không như người ta dự định và mong muốn ban đầu. Trên thực tế, Thời đại Hoàng kim là thời đại của tự do mậu dịch, của tự do lưu thông tư bản và các loại tiền tệ ổn định, đó là điều mà các nhà kế hoạch đã nghĩ tới trong những năm chiến tranh. Sở dĩ được như vậy, chắc chắn là do sự thống soái áp đảo về kinh tế của Hoa Kỳ và của đồng Đô la, đã đóng vai trò ổn định tốt vì nó liên kết với một khối lượng vàng đặc biệt, cho đến khi hệ thống này sụp đổ vào cuối những năm 1960, đầu những năm 1970. Ta chớ nên quên rằng, ở thời điểm 1950, một mình Hoa Kỳ đã tập trung 60% thiết bị sản xuất của tất cả các nước tư bản tiên tiến và cũng chiếm khoảng 60% sản xuất của các nước này. Tới đỉnh điểm của Thời đại Hoàng kim (1970), Hoa Kỳ cũng còn nắm hơn 50% cổ phần vốn của các nước ấy và chiếm 50% sản xuất của họ (Armstrong, Glyn, Harrison, 1991, tr. 151).

Tuy nhiên, sợ cộng sản cũng là một yếu tố không nhỏ. Bởi vì, trái với điều người Mỹ tưởng, chướng ngại chính cản trở nền kinh tế tư bản quốc tế theo chiều hướng tự do mậu dịch không phải là bản năng bảo hộ của các nước ngoài Mỹ, mà chính là do quan thuế vốn được Hoa Kỳ định ở mức cao, và do sự bành trướng xuất khẩu của Hoa Kỳ, là mục tiêu mà, ngay từ những năm chiến tranh, các nhà hoạch định kế hoạch ở Washington đã coi là “thiết yếu để thực sự đạt được toàn dụng nhân công ở Hoa Kỳ” (Kolko, 1969, tr. 13). Chủ trương hung hăng bành trướng rõ ràng đã nằm trong ý đồ của các nhà làm kế hoạch Mỹ ngay khi chiến tranh vừa kết thúc. Song Chiến tranh Lạnh đã khiến họ phải suy tính dài hạn hơn, làm cho họ hiểu rằng yêu cầu chính trị cấp thiết là phải giúp cho những nước – sau này sẽ cạnh tranh với Hoa Kỳ – tiến càng nhanh càng tốt. Chính vì thế mà có người đã cho rằng Chiến tranh Lạnh là động lực chủ yếu của cuộc đại phát triển toàn cầu (Walker, 1993). Nói như thế cũng quá, song khối viện trợ hào phóng của kế hoạch Marshall (xem ch. 8.III) chắc chắn đã hỗ trợ cho công cuộc hiện đại hóa những nước được viện trợ – ít nhất là những nước tha thiết muốn thực hiện mục tiêu ấy một cách có hệ thống, như Áo và Pháp – và viện trợ Mỹ đã đóng vai trò quyết định trong việc đẩy nhanh sự thay đổi của Tây Đức và Nhật Bản. Chắc hẳn là hai nước này đằng nào cũng sẽ trở thành những cường quốc kinh tế: vì một lẽ đơn giản là họ là nước thất trận, không được làm chủ chính sách đối ngoại của mình – đó là một thuận lợi bởi họ chỉ phải dành một phần tối thiểu tài nguyên cho chi phí quân sự không mang lại lợi lộc gì. Song cũng nên đặt câu hỏi này: nền kinh tế Đức sẽ ra sao nếu nó chỉ phụ thuộc vào các nước châu Âu, mà nước châu Âu nào cũng lo ngại nước Đức vực dậy? Và nhịp độ phục hồi của kinh tế Nhật Bản sẽ ra sao nếu Hoa Kỳ không chủ trương biến Nhật Bản thành cơ sở công nghiệp cho cuộc chiến tranh Triều Tiên, và sau 1965, cho chiến tranh Việt Nam? Thế là Hoa Kỳ đã cấp vốn để sản xuất công nghiệp Nhật Bản tăng gấp đôi từ 1949 đến 1953, và không phải ngẫu nhiên mà trong những năm 1966-1970, kinh tế Nhật Bản đã đạt tốc độ tăng trưởng kỉ lục: ít nhất là 14,6% mỗi năm. Vì thế, không nên đánh giá thấp vai trò của Chiến tranh Lạnh, mặc dầu nó mang lại hệ quả tiêu cực là đã chuyển những tài nguyên khổng lồ vào việc chế tạo vũ khí tranh đua giữa hai bên. Trong trường hợp thái cực là trường hợp Liên Xô, có lẽ Chiến tranh Lạnh đã giáng vào Liên Xô một đòn chí tử. Ngay Hoa Kỳ cũng dao động giữa sức mạnh quân sự và suy yếu kinh tế ngày càng tăng.

Như thế là nền kinh tế tư bản thế giới đã phát triển xoáy quanh Hoa Kỳ. Nó ít cản trở sự lưu thông quốc tế của các nhân tố sản xuất hơn mọi nền kinh tế trước đó, kể từ thời nữ hoàng Victoria – ngoài trừ một biệt lệ là sự di dân về mặt quốc tế, vẫn rất chậm sau thời kì bị bóp nghẹt giữa hai cuộc Đại chiến. Đây chừng nào cũng là một ảo tưởng thị giác. Sự phát triển vượt bực của Thời đại Hoàng kim không những đã thu dụng khối nhân công trước đó không có công ăn việc làm, mà còn tạo ra một luồng di dân khổng lồ trong nội bộ mỗi nước: từ nông thôn (nhất là từ những vùng cao, đất đai cằn cỗi), và những vùng nghèo về những vùng trù phú. Thế là người miền Nam Italia đổ dồn về các nhà máy ở vùng Lombardia và Piemonte, và trong vòng 20 năm, khoảng 400.000 tá điền Toscana đã rời bỏ nông trại. Ở Đông Âu, cuộc công nghiệp hóa chủ yếu cũng là một quá trình di dân đại chúng tương tự. Thậm chí, phần nào còn là sự di dân quốc tế, vì những người di cư từ nước này sang nước kia không phải để kiếm việc làm mà họ di chuyển trong bối cảnh các cuộc tị nạn hay trục xuất đại trà sau năm 1945.

Trong một giai đoạn tăng trưởng kinh tế ngoạn mục và ngày càng thiếu nhân công, và ở ngay trong thế giới phương Tây vốn thiết tha với sự tự do lưu thông kinh tế, đáng ngạc nhiên là chính phủ các nước phương Tây đã kìm hãm sự tự do di cư. Thậm chí, trong trường hợp họ đã cho phép nhập cư (thí dụ như những người dân quần đảo Antilles hay người dân các nước thuộc khối Thịnh vượng Anh, được quyền định cư ở Anh, bởi vì theo đúng pháp luật, họ là người Anh) thì rồi các chính phủ này cũng chấm dứt tình trạng ấy. Trong nhiều trường hợp, những di dân này – chủ yếu từ những nước ở ven Địa Trung Hải kém phát triển hơn – chỉ được cấp giấy phép cư trú có điều kiện và tạm thời. Do đó, họ dễ dàng bị đưa về nước, mặc dầu việc này ngày càng trắc trở khi Cộng đồng kinh tế châu Âu mở rộng ra các nước có nhiều người di cư như Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hi Lạp. Dẫu sao, tính đến đầu thập niên 1970, các nước châu Âu phát triển đã tiếp nhận gần 7,5 triệu người nhập cư (Potts, 1990, tr. 146-147). Ngay trong Thời đại Hoàng kim, nhập cư cũng đã là một vấn đề chính trị nhạy cảm. Sang đến các thập niên khó khăn từ sau năm 1973, hiện tượng này làm dấy lên nạn bài ngoại ở châu Âu.

Tuy nhiên, nền kinh tế thế giới trong Thời đại Hoàng kim mang tính chất quốc tế nhiều hơn là tính chất xuyên quốc gia. Chưa bao giờ các nước trao đổi buôn bán với nhau nhiều như vậy. Ngay Hoa Kỳ là nước coi như sống trong tự cung tự túc trước Thế chiến thứ Hai, thì từ 1950 đến 1970 đã tăng xuất khẩu lên bốn lần. Và cũng từ cuối thập niên 1950, Hoa Kỳ cũng đã nhập khẩu rất nhiều hàng tiêu dùng. Đến cuối những năm 1960, họ còn bắt đầu nhập khẩu cả ô tô (Block, 1977, tr. 145). Trong khi các nền kinh tế công nghiệp mua bán với nhau ngày càng nhiều, song hoạt động kinh tế của mỗi nước chủ yếu vẫn nhắm vào thị trường quốc nội. Ở đỉnh điểm của Thời đại Hoàng kim, Hoa Kỳ xuất khẩu chưa tới 8% GDP của mình, và đáng ngạc nhiên hơn nữa, một nước hướng về xuất khẩu như Nhật Bản cũng chỉ bán ra ngoài nhỉnh hơn tỉ số 8% tí chút thôi (Marglin và Schor, tr. 43, bảng 2.2).

Nhất là từ thập niên 1960, bắt đầu hình thành một nền kinh tế ngày càng mang tính chất xuyên quốc gia, nghĩa là một hệ thống hoạt động kinh tế mà nền tảng không còn là lãnh thổ và biên giới quốc gia, thậm chí đó còn là những nhân tố gây phiền phức cho nó nữa. Có thể nói, đã hình thành một nền “kinh tế thế giới” không cắm neo ở nơi nào đặc biệt, không còn ranh giới riêng biệt nào, mà ngược lại, nó còn quy định giới hạn cho nền kinh tế của những quốc gia lớn mạnh nhất. Đến đầu thập niên 1970, nền kinh tế xuyên quốc gia đã trở thành một quyền lực thế giới thực thụ. Sau năm 1973, nó tiếp tục lớn mạnh, thậm chí còn phát triển nhanh hơn nữa trong các thập niên Khủng hoảng. Và đó cũng là nguyên nhân chủ yếu gây ra những vấn đề trong thời kì này. Tất nhiên, hiện tượng ấy đi đôi với quá trình quốc tế hóa ngày càng tăng: từ 1965 đến 1990, tỉ trọng sản xuất thế giới cho xuất khẩu đã tăng gấp đôi (World Development, 1992, tr. 235).

Quá trình xuyên quốc hóa nổi bật ở ba khía cạnh: các doanh nghiệp xuyên quốc gia (thường được gọi là “đa quốc gia”), sự phân công lao động quốc tế mới, và sự bành trướng của tài chính offshore (ngoài khơi). Khía cạnh thứ ba là một trong những hình thái đầu tiên của hiện tượng xuyên quốc hóa, không những thế nó còn minh chứng rõ rệt nhất điều này: nền kinh tế tư bản vượt ra khỏi tầm kiểm soát của quốc gia hay thế lực nào khác.

Từ offshore đã đi vào ngôn ngữ công cộng trong thập niên 1960 để mô tả mưu kế đăng kí trụ sở doanh nghiệp ở một lãnh thổ nào đó, thường là một nước nhỏ nhưng lại hết sức rộng rãi về mặt thuế khóa, cho phép các doanh nghiệp tránh né được thuế má và những ràng buộc pháp luật của nước khởi nghiệp. Bởi vì, đến giữa thế kỉ XX, bất luận nhà nước hay lãnh thổ nào xứng đáng với danh xưng ấy, cho dù thiết tha tới đâu với quyền tự do tìm kiếm lợi nhuận, song vì quyền lợi của người dân, cũng phải kiểm soát và chế tài các hoạt động kinh tế chính đáng. Tại những lãnh thổ tí hon và kiêm ái ấy – chẳng hạn như Curacao, Virgin Islands, Liechtenstein – cả một thứ mê hồn trận luật lệ về công ti và lao động trong đó những khe hở được bố trí một cách tinh tế và phức hợp, cho phép các doanh nghiệp làm ra “phép lạ” khi làm sổ sách tổng kết. Bởi vì “cốt lõi của các hoạt động offshore là biến các khe hở thành một cấu trúc kinh tế khả dĩ mà lại thoát khỏi mọi ràng buộc luật lệ” (Raw, Page và Hodgson, 1972, tr. 83). Vì những lí do hiển nhiên, offshore cho phép thực hiện dễ dàng những giao dịch tài chính, đó là không kể, trong một thời gian dài, các chính khách Panama và Liechtenstein đã ăn bẫm nhờ dịch vụ “cho thuê quốc kì”, nghĩa là đăng kí những tàu buôn nước ngoài của những ông chủ tàu muốn trốn tránh thuế má và luật lao động, an ninh của nước mình.

Trong những năm 1960, một tiểu xảo đã cho phép City, trung tâm tài chính quốc tế cổ kính của London, biến thành một trung tâm offshore lớn của thế giới: đó là sự sáng chế ra đồng tiền “Âu tệ” (eurocurrency), chủ yếu là “Âu đô” (eurodollar). Những đồng Đô la kí gửi ở các ngân hàng không phải là ngân hàng Mỹ và không được đưa về Mỹ cốt để tránh những quy định pháp luật của Hoa Kỳ, nhờ đó đã trở thành một công cụ tài chính có thể thương lượng. Khối lượng Đô la thả nổi này trở nên to lớn vì Mỹ đầu tư ra nước ngoài ngày càng nhiều và vì ngân sách chính trị và quân sự của Hoa Kỳ ngày cành phình to; nó trở thành cơ sở của một thị trường thế giới đứng ngoài mọi sự kiểm soát, chủ yếu dưới dạng tín dụng ngắn hạn. Nó bành trướng hết sức ngoạn mục. Thị trường ròng “Âu tệ” năm 1964 khoảng 14 tỉ Đô la, đến năm 1973 lên tới gần 160 tỉ. Năm năm sau, nó vượt mức 500 tỉ, khi thị trường này trở thành cơ chế chủ yếu cho việc tái chu chuyển khối tiền “Đô la dầu mỏ” mà bỗng nhiên các nước OPEC loay hoay không biết tiêu xài làm sao, đầu tư vào đâu (xem ch. 16.II). Hoa Kỳ là nước đầu tiên chịu tác động của dòng đầu tư khổng lồ này, mỗi ngày mỗi sinh sôi nảy nở, chảy từ nước này sang nước kia, tìm kiếm nơi nào mang lại lợi nhuận nhanh chóng nhất. Cuối cùng, tất cả các chính quyền trở thành nạn nhân, không ai kiểm soát được hối suất và khối lượng tiền tệ thế giới. Vào đầu thập niên 1990, sự phối hợp hành động của các ngân hàng trung ương lớn cũng bó tay bất lực.

Việc những xí nghiệp đặt ở một nước nhất định, nhưng làm việc ở nhiều nước khác nhau và mở rộng hoạt động của mình, là một điều khá bình thường. Các “công ti đa quốc gia” này cũng không phải là một hiện tượng mới lạ gì. Chi nhánh ở nước ngoài của các công ti Mỹ, năm 1950 có khoảng 7.500, đến năm 1966, lên tới hơn 23.000, chủ yếu ở Tây Âu và Tây bán cầu (Spero, 1977, tr. 92). Nhưng xí nghiệp của các nước khác cũng làm theo, ngày càng đông. Chẳng hạn như tập đoàn hóa chất lớn của Đức, Hoechst, đã triển khai hoạt động tại 45 nước, với 117 nhà máy, liên doanh hay độc doanh, trước năm 1950 chỉ có sáu nhà máy (Fröbel, Heinrichs, Kreye, 1986, bảng IIIA, tr. 281 và tiếp theo). Cái mới ở đây là quy mô các doanh vụ của các thực thể xuyên quốc gia này. Đầu thập niên 1980, các công ti Mỹ xuyên quốc gia chiếm 3/4 xuất khẩu và gần một nửa nhập khẩu của Hoa Kỳ; các công ti xuyên quốc gia của Anh và những nước khác đảm đương gần 80% xuất khẩu của Anh (UN Transnational, 1988, tr. 90).

Charles E. Wilson (1890-1961)

Trong một ý nghĩa nhất định, đó là những con số không thích đáng, bởi vì chức năng chính của các công ti này là “nội bộ hóa các thị trường ở bên kia biên giới”, nghĩa làm cho chúng trở thành độc lập đối với các quốc gia và lãnh thổ. Một bộ phận lớn của những gì nằm dưới hạng mục nhập khẩu hay xuất khẩu trong các bảng thống kê (chủ yếu vẫn sắp xếp theo từng nước) thực ra thuộc về thương mại nội bộ của các công ti xuyên quốc gia lớn như General Motors hoạt động ra 40 nước. Khả năng hành động như vậy tất nhiên đã củng cố một cách tự nhiên khuynh hướng tập trung tư bản, từ sau Marx đã trở thành quen thuộc. Năm 1960, doanh số của 200 doanh nghiệp lớn nhất của thế giới (phi XHCN) tương đương với 17% PNB của thế giới này; năm 1984, lên tới 26%[75]. Đa phần các công ti xuyên quốc gia đều đặt căn cứ ở các cường quốc “phát triển”. Thật vậy, 85% trong số “200 khổng lồ” đặt căn cứ ở Hoa Kỳ, Nhật Bản, Anh và Đức, 15% còn lại đặt ở 11 nước khác. Những công ti khổng lồ này chắc vẫn giữ quan hệ chặt chẽ với quốc gia gốc, nhưng ngoại trừ các công ti Nhật Bản và một vài công ti mà hoạt động chủ yếu là quân sự, không thể nào khẳng định rằng, đến cuối Thời đại Hoàng kim, các công ti xuyên quốc gia này tự đồng nhất hóa với quyền lợi của chính phủ hay dân tộc nước họ. “Cái gì tốt cho General Motors là tốt cho Hoa Kỳ”, một đại gia của Detroit đã tuyên bố như vậy khi ông tham gia chính quyền Mỹ[*], bây giờ không hẳn như thế. Làm sao như thế được nữa khi thị trường nội địa của Mobil Oil chỉ còn là một trong cả trăm thị trường mà công ti này có mặt? Khi mà Daimler-Benz hoạt động trên 170 trị trường? Logic kinh tế buộc mỗi công ti dầu mỏ quốc tế phải tính toán chiến lược và chính sách của mình đối với quốc gia gốc y hệt như là đối với Arabia Saudi hay Venezuela: tính toán bằng lời lỗ, bằng so sánh lực lượng giữa công ti và chính quyền sở tại.

Mậu dịch và doanh nghiệp – không phải riêng gì mấy công ti khổng lồ – muốn giải thoát khỏi sự kiềm chế của Nhà nước-Dân tộc truyền thống thực ra là một xu hướng ngày càng mạnh khi mà sản xuất công nghiệp bắt đầu rời khỏi các nước châu Âu và Bắc Mỹ, là những nước tiên phong trong cuộc công nghiệp hóa và phát triển tư bản chủ nghĩa – lúc đầu còn chậm chạp, về sau càng ngày càng nhanh. Các nước này vẫn còn là “trung ương” của sự tăng trưởng trong Thời đại Hoàng kim. Vào giữa thập niên 1950, các nước công nghiệp còn bán cho nhau khoảng 3/5 khối lượng hàng chế biến công nghiệp xuất khẩu; sang đầu thập niên, con số này vẫn còn ở mức 3/4. Sau đó, bắt đầu có sự thay đổi. Thế giới phát triển bắt đầu xuất khẩu nhiều hơn các sản phẩm công nghiệp sang các nước khác trên thế giới, và còn điều này, có ý nghĩa hơn nữa, đến lượt Thế giới thứ Ba xuất khẩu ở quy mô lớn những sản phẩm công nghiệp sang các nước công nghiệp phát triển. Vì hàng xuất khẩu truyền thống của các nước chậm tiến mất dần vị trí (trừ nhiên liệu, khoáng sản, sau cuộc cách mạng của OPEC), các nước Thế giới thứ Ba bắt đầu công nghiệp hóa, ban đầu không đồng đều sau đó ngày càng nhanh. Trước năm 1970, tỉ trọng của Thế giới thứ Ba trong xuất khẩu công nghiệp toàn cầu ổn định ở mức 5%, thì từ 1970 đến 1983, nó đã tăng gấp đôi (Fröbel và những người khác, 1986, tr. 200).

Một sự phân công lao động quốc tế mới đã bắt đầu hủy hoại sự phân công cũ. Công ti Volkswagen Đức mở nhà máy ô tô ở Argentina, Brasil (ba nhà máy), Canada, Ecuador, Ai Cập, Mexico, Nigeria, Peru, Nam Phi và Nam Tư – phần đông từ giữa thập niên 1960 trở đi. Nền công nghiệp mới của Thế giới thứ Ba không chỉ cung cấp cho thị trường địa phương đang bành trướng mạnh, mà còn hoạt động cho cả thị trường thế giới: xuất khẩu những mặt hàng chất lượng (chẳng hạn như công nghiệp dệt may, năm 1970, hầu như đã chuyển hết sang các nước “đang phát triển”) và hội nhập trong quá trình sản xuất xuyên quốc gia.

Đó là sự đổi mới có tính quyết định của Thời đại Hoàng kim, cho dù mãi về sau sự canh tân này mới đạt quy mô lớn. Quá trình này không thể diễn ra nếu không có cuộc cách mạng giao thông vận tải, nhờ đó quy trình sản xuất một sản phẩm kinh tế có thể cắt khúc ra những công đoạn tiến hành ở Houston, Singapore và Thái Lan; có thể dùng máy bay để chuyên chở linh kiện từ trung tâm này sang trung tâm khác; và có thể kiểm soát tập trung toàn bộ quá trình bằng những kĩ thuật tin học hiện đại. Bắt đầu từ giữa thập niên 1960, các nhà sản xuất điện tử lớn đã bắt đầu cuộc toàn cầu hóa của họ. Dây chuyền sản xuất không nằm gọn ở một địa điểm, dưới những mái che mênh mông, mà phân tán ra khắp thế giới. Một số được đặt trong những “đặc khu” lãnh ngoại hay trong những nhà máy offshore, bắt đầu lan tràn ở các nước phần lớn là nước nghèo, nhân công rẻ mạt, thường là phụ nữ trẻ tuổi: thêm một phương sách để thoát khỏi sự kiểm soát của một quốc gia duy nhất. Một trong những đặc khu đầu tiên này là Manaus, nằm giữa rừng Amazon, sản xuất hàng dệt, đồ chơi, sản phẩm giấy, sản phẩm điện tử, đồng hồ số cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ, Hà Lan và Nhật Bản.

Tất cả điều đó biểu hiện bằng một đổi thay nghịch lí trong cấu trúc chính trị của kinh tế thế giới. Thế giới thực sự trở thành đơn vị cơ sở, nền kinh tế dân tộc của những quốc gia lớn phải nhường bước cho những trung tâm offshore ấy, thường được đặt ở những quốc gia nhỏ bé hay tí hon, mà con số đã tăng vọt khi các đế chế thực dân cũ sụp đổ. Cuối Thế kỉ XX Ngắn, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, thế giới có 71 “nền kinh tế” mà dân số ít hơn 2,5 triệu người (18 trong số 71 đó, dân số chưa tới 100.000 người), tức là 2/5 tổng số các đơn vị chính trị chính thức được coi là “nền kinh tế” (World Development, 1992). Trước Thế chiến thứ Hai, đứng về mặt kinh tế, các đơn vị ấy được coi là những trò đùa, càng không thể nào được gọi là quốc gia (nhà nước) thực thụ[76]. Những “nước” này chẳng thể nào có khả năng bảo vệ nền độc lập dân tộc trong rừng rú quốc tế, nhưng ở Thời đại Hoàng kim, họ lại có thể phát đạt như, thậm chí hơn cả, những nền kinh tế quốc gia lớn bằng cách cung cấp dịch vụ cho kinh tế thế giới. Đó là nguồn gốc sự thịnh vượng của những Thành-Quốc, Đảo-Quốc (Hongkong, Singagore): hình thái thực thể chính trị này, trước đây, ở thời Trung cổ, đã thi nhau đua nở. Cũng nhờ đó mà ở vùng vịnh Ba Tư, những mẩu sa mạc đã biến thành tác nhân lớn trên thị trường đầu tư (Koweit), và cũng nhờ đó thành hình những nơi ẩn náu offshore để tránh né pháp quyền của các nhà nước.

Tình huống này đã tạo cơ hội cho những phong trào sắc tộc quốc gia chủ nghĩa đua nhau ra đời hồi cuối thế kỉ XX với những luận điểm không mấy thuyết phục nhằm khẳng định rằng đảo Corse hay những đảo Canary có thể tồn tại tự lập. Không mấy thuyết phục, vì sự độc lập mà họ muốn giành lấy chẳng qua là sự li khai với Nhà nước-Dân tộc mà cho đến nay họ tùy thuộc. Về mặt kinh tế, sự li khai này chắc chắn sẽ đẩy họ vào vòng lệ thuộc những thực thể xuyên quốc gia ngày càng có vai trò quyết định trong việc kinh doanh. Đối với các công ti đa quốc gia khổng lồ, thế giới thuận tiện nhất là một thế giới chỉ bao gồm những nhà nước tí hon hoặc không có nhà nước nào cả.

 

V

 

Cũng là điều tự nhiên nếu công nghiệp rời khỏi những vùng phí tổn cao, dọn tới những khu vực nhân công rẻ một khi việc di chuyển này có thể thực hiện được về mặt kĩ thuật và có lãi. Việc phát hiện (chẳng có gì đáng ngạc nhiên) ra những nguồn nhân công da màu có tay nghề và có học không thua kém gì nhân công da trắng là món tiền thưởng phụ trội cho các ngành công nghệ cao. Tuy nhiên, còn có thêm một lí do có tính thuyết phục cao để cho sự phát triển mạnh mẽ của Thời đại Hoàng kim diễn ra có mặt thiệt thòi đối với hạt nhân cứng của các nước công nghiệp hóa từ trước: đó là lí do liên quan tới quan niệm kết hợp theo kiểu Keynes về sự tăng trưởng kinh tế trong một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa dựa trên sự tiêu thụ của đại chúng và một lực lượng lao động được toàn dụng, được hưởng lương ngày càng cao và được bảo hộ.

Như ta đã thấy, sự kết hợp này là một chủ trương chính trị. Nó dựa trên sự đồng thuận trên thực tế giữa phái tả và phái hữu tại phần đông các nước “phương Tây” – phái cực hữu phát-xít và chủ nghĩa quốc gia cực đoan đã bị Thế chiến thứ Hai loại trừ khỏi sân khấu chính trị, phái cực tả cộng sản thì bị Chiến tranh Lạnh loại trừ. Nó còn dựa trên sự đồng thuận mặc nhiên hay hiển ngôn giữa giới chủ nhân và và các tổ chức công đoàn để hạn chế những yêu sách của nhân công ở một mức độ không phương hại tới lợi nhuận và hé mở triển vọng sẽ có lợi nhuận cao để hấp dẫn đầu tư to lớn – nếu không có đầu tư như thế, thì đã không thể nào có sự tăng trưởng ngoạn mục của năng suất lao động trong Thời đại Hoàng kim. Thật vậy, trong 16 nước kinh tế thị trường có nền công nghiệp cao nhất, đầu tư đã tăng trưởng với tốc độ hàng năm 4,5%, nghĩa là nhanh gấp gần 3 lần tốc độ trong thời kì từ 1870 đến 1913, đó là tính gộp cả Bắc Mỹ mà mức tăng trưởng đầu tư thấp hơn đã giảm bớt con số bình quân (Maddison, 1982, bảng 5.1, tr. 96). Trên thực tế, đó là sự thỏa thuận tay ba: chính phủ chủ tọa (một cách chính thức hay phi chính thức) các cuộc thương lượng định chế hóa giữa tư bản và lao động, cả hai từ nay được gọi là các “đối tác xã hội”, ít nhất ở Đức. Sau khi Thời đại Hoàng kim kết thúc, các nhà “thần học” thời thượng của thị trường đả kích sự thỏa thuận này một cách man dại, coi đó là “chủ nghĩa phường hội”, cụm từ gợi nhớ một cách vô lối những thứ hội đoàn đã gần như rơi vào quên lãng cùng với chủ nghĩa phát-xít của thời kì xen giữa hai cuộc Thế chiến (xem ch. 4.I).

Đối với tất cả các bên, đó là một thỏa thuận thỏa đáng. Giới chủ nhân không thấy có gì bất tiện khi nhân viên được hưởng lương cao trong một thời gian dài tăng trưởng mang lại lợi nhuận to lớn, họ còn mừng là khác vì dễ tiên đoán, do đó dễ làm kế hoạch. Nhân công được tăng lương đều đặn và hưởng những lợi ích phụ trội, trong khi Nhà nước phúc lợi ngày càng phát triển và luôn luôn hào phóng. Về phần chính phủ, thỏa ước này bảo đảm sự ổn định chính trị, sự suy yếu của đảng Cộng sản (trừ trường hợp nước Italia) và các điều kiện quản lí có thể tiên đoán cho chính sách kinh tế vĩ mô mà từ nay mọi quốc gia đều thi hành. Và nền kinh tế của các nước tư bản đã làm nên kì tích, ít nhất vì một lẽ này: lần đầu tiên (ngoài khu vực Bắc Mỹ, và có lẽ châu Đại dương nữa) một xã hội tiêu thụ đại chúng ra đời trên cơ sở toàn dụng và lương bổng thực sự tăng trưởng đều đặn, thêm vào đó là một hệ thống an ninh xã hội mà ngân sách do công quỹ ngày càng dồi dào cung cấp. Trong sự hồ hởi của thập niên 1960, một vài chính phủ thiếu thận trọng đã dám bảo đảm trợ cấp ngang mức 80% tiền lương cho những người thất nghiệp hồi đó chưa đông.

Cho đến những năm 1960, đời sống chính trị của Thời đại Hoàng kim cũng phản ánh tình trạng như thế. Sau chiến tranh, các chính phủ cầm quyền đều chủ trương cải lương: xu hướng Roosevelt ở Hoa Kỳ, là đảng Xã hội hay đảng Xã hội - Dân chủ ở hầu hết các nước (bất luận đứng ở phe nào trong cuộc chiến) Tây Âu, ngoại trừ Tây Đức còn ở dưới chế độ chiếm đóng quân sự (trước năm 1949, không có định chế độc lập cũng không có bầu cử). Đảng Cộng sản cũng tham gia chính quyền cho đến năm 1947 (xem ch. 8.I). Khuynh hướng cấp tiến đã tác động tới cả các đảng Bảo thủ mới ra đời – ở Tây Đức năm 1949, những người Dân chủ Kitô giáo còn cho rằng chủ nghĩa tư bản là một điều xấu xa cho nước Đức (Leaman, 1988); hay, ít nhất, các đảng Bảo thủ cũng thấy khó lội ngược dòng. Tại Anh, đảng Bảo thủ nhận là của mình thành tích các cuộc cải cách do chính phủ Công đảng chủ trương.

Một điều hơi đáng ngạc nhiên là khuynh hướng cải lương đã nhanh chóng lùi bước, nhưng sự đồng thuận thì vẫn còn. Thời kì phát triển mạnh mẽ vào những năm 1950, chính quyền các nước hầu hết là bảo thủ ôn hòa. Ở Hoa Kỳ (kể từ 1952), ở Anh (sau 1951), Pháp (trừ vài khoảng thời gian ngắn chính quyền liên minh), ở Tây Đức, Italia và Nhật Bản, phái tả bị gạt hẳn ra ngoài chính quyền. Ngược lại vùng Scandinavia vẫn là đảng Dân chủ - Xã hội, còn ở các nước khác, đảng Xã hội vẫn tham gia chính phủ liên minh. Song, phái tả hiển nhiên đã bị đẩy lùi, mặc dù không phải vì cử tri lánh xa đảng Xã hội, và ngay cả đảng Cộng sản ở Pháp và Italia, là hai nước mà ĐCS vẫn là chính đảng lớn của giai cấp công nhân[77]. Sự thoái trào này cũng không phải vì Chiến tranh Lạnh, có lẽ ngoại trừ trường hợp Đảng Xã hội - Dân chủ (SPD) bị coi là “không đáng tin cậy” trong vấn đề thống nhất nước Đức, và trường hợp nước Italia vì đảng Xã hội tiếp tục liên minh với đảng Cộng sản. Ngoài đảng Cộng sản ra, tất cả các xu hướng đều chống Nga một cách thành thực. Tâm trạng chung của thời kì phát triển kinh tế là bất lợi cho phái tả. Thời thế chưa tới lúc đổi thay.

Dwight D. Eisenhower (1890-1969)
Konrad Adenauer (1876-1967)

Sang thập niên 1960, trọng tâm của sự đồng thuận chuyển dịch sang phái tả: một phần có lẽ vì xu hướng liberal lùi bước trước sự quản lí theo quan niệm của Keynes, ngay tại thành lũy chống chủ nghĩa tập thể như Bỉ và Tây Đức; và có lẽ một lí do nữa là bậc trưởng lão chủ trì giai đoạn ổn định hóa và phục sinh hệ thống tư bản chủ nghĩa đều đã rời khỏi sân khấu chính trị: Dwight Eisenhower (sinh năm 1890) năm 1960, Konrad Adenauer (sinh năm 1876) năm 1965, Harold Macmillan (sinh năm 1894) năm 1964. Ngay tướng De Gaulle vĩ đại (sinh năm 1890) cũng đã phải rút lui (1969). Lúc đó người ta thấy có một sự trẻ hóa nhất định trong sinh hoạt chính trị. Sự thật, những năm tháng tốt đẹp nhất của Thời đại Hoàng kim dường như thuận lợi đối với phái tả ôn hòa đã quay trở lại chính quyền tại nhiều nước Tây Âu, sau những năm 1950 không mấy suôn sẻ. Sự trượt lướt này một phần là do có chuyển dịch trong khối cử tri. Nó báo hiệu những thay đổi còn nổi bật hơn nữa vào những năm 1970, đầu những năm 1980, khi mà đảng Xã hội Pháp và ĐCS Italia đạt kết quả bầu cử cao nhất trong lịch sử của họ. Thực ra, cơ cấu bầu cử vẫn ổn định, song hệ thống bầu cử đã khuếch đại những biến chuyển tương đối nhỏ.

Tuy nhiên, có một sự song đôi hiển nhiên giữa dịch chuyển sang phái tả và điều mới mẻ có ý nghĩa nhất trong thập niên này là sự thành hình Nhà nước phúc lợi với đúng nghĩa hai chữ phúc lợi, nghĩa là những nhà nước trong đó những chi phí xã hội – giữ vững mức lương, chăm sóc sức khỏe, giáo dục v.v. – chiếm phần lớn trong các khoản chi phí công, và nhân viên trong các ngành liên quan chiếm đa số khối lượng công chức: vào giữa thập niên 1970, 40% ở Anh, 47% ở Thụy Điển (Therborn, 1983). Những Nhà nước phúc lợi đầu tiên, theo nghĩa này, xuất hiện vào khoảng 1970. Việc giảm bớt chi phí quân sự trong những năm hòa hoãn đã đương nhiên làm tăng các khoản chi phí khác, nhưng trường hợp Hoa Kỳ cho thấy thực sự đã có thay đổi. Năm 1970, ở đỉnh điểm của chiến tranh Việt Nam, số nhân viên ở các trường học Mỹ, lần đầu tiên, đã vượt trội con số “quân nhân và nhân viên dân sự thuộc ngành quốc phòng” (Statistical History, 1976, II, tr. 1102, 1104, 1141). Đến cuối thập niên 1970, tất cả các nước tư bản chủ nghĩa tiên tiến đều đã trở thành “Nhà nước phúc lợi”. Sáu trong số này đã dành hơn 60% chi phí công cho quỹ phúc lợi (Australia, Bỉ, Pháp, Tây Đức, Italia, Hà Lan). Từ đó nảy sinh ra những vấn đề to lớn sau khi kết thúc Thời đại Hoàng kim.

Trong khi đó, sinh hoạt chính trị của các “nền kinh tế thị trường phát triển” diễn ra yên ắng, nếu không nói là lì xì, buồn ngủ. Cái gì có thể làm bùng cháy những đam mê, ngoại trừ chủ nghĩa cộng sản, nguy cơ chiến tranh hạt nhân, và những cuộc khủng hoảng được “nhập khẩu” về nước từ những hành động đế quốc ở nước ngoài như cuộc viễn chinh ở kênh Suez năm 1956 đối với Anh, cuộc chiến tranh Algeria đối với Pháp (1954-1962) và, sau năm 1965, cuộc chiến tranh Việt Nam đối với Hoa Kỳ? Chính vì vậy mà, vào khoảng năm 1968, cuộc bùng nổ đột ngột và hầu như trên khắp thế giới của sinh viên cấp tiến là một bất ngờ lớn đối với chính giới và những người trí thức lớn tuổi.

Đó là chỉ dấu chứng tỏ thế cân bằng của Thời đại Hoàng kim không thể kéo dài hơn nữa. Về mặt kinh tế, nó lệ thuộc vào sự phối hợp giữa tăng trưởng năng suất và tăng trưởng thu nhập để có thể duy trì lợi nhuận ổn định. Chỉ cần nhịp độ tăng trưởng năng suất chậm đi một chút hay/và tiền lương được tăng quá mức là sẽ tạo ra mất ổn định. Nó còn tùy thuộc một yếu tố đã thiếu vắng nghiêm trọng trong những thập niên giữa hai cuộc chiến: cân bằng giữa tăng trưởng sản xuất và sức mua của người tiêu thụ. Lương bổng phải tăng đủ nhanh để hỗ trợ thị trường, nhưng không quá nhanh để bóp nghẹt lợi nhuận. Nhưng làm sao làm chủ được lương bổng – trong một thời kì khan hiếm nhân công – hay giá cả – trong một thời kì mà cầu tăng lên mạnh? Nói khác đi, làm sao làm chủ được lạm phát, hay ít ra giữ lạm phát ở dưới một mức giới hạn? Cuối cùng, Thời đại Hoàng kim còn tùy thuộc vào sự thống trị chính trị và kinh tế áp đảo của Hoa Kỳ đóng vai trò – đôi khi không muốn – nhân tố ổn định và bảo đảm cho nền kinh tế thế giới.

Trong thập niên 1960, tất cả những thông số kể trên có dấu hiệu xói mòn và rạn rứt. Sự bá quyền của Hoa Kỳ bị suy giảm, kéo theo hệ thống tiền tệ thế giới dựa trên mối liên hệ giữa vàng và đồng Đô la sụp đổ. Đã hé lộ những dấu hiệu năng suất lao động bị chậm lại ở nhiều nước, cạn kiệt dòng di dân trong mỗi nước đã nuôi dưỡng sự phát triển công nghiệp. Sau 20 năm, một thế hệ tới tuổi trưởng thành: đối với thế hệ này, những kinh nghiệm tiền chiến – thất nghiệp tràn lan, tình trạng mất an ninh, giá cả ổn định hoặc giảm xuống – là chuyện thuộc về lịch sử. Những chờ đợi của họ gắn liền với nghiệm sinh duy nhất mà họ trải qua: mọi người có công ăn việc làm, lạm phát liên tục (Friedman, 1968, tr. 11). Bất luận nguyên nhân cụ thể nào đã khởi động “cuộc bùng nổ về tiền lương trên thế giới” vào cuối thập niên 1960 – khan hiếm nhân công, giới chủ ra sức ngăn ngừa tăng lương thực thụ, hay là những cuộc nổi dậy lớn của sinh viên như ở Pháp và Italia – nguồn gốc cuộc bùng nổ rất rõ: cả một thế hệ người lao động quen có hoặc quen tìm ra công ăn việc làm, bỗng khám phá ra rằng những đợt tăng lương đều đặn và chờ mong trong một thời gian dài do các công đoàn thương lượng, so với khả năng thị trường lại quá thấp. Người ta có thấy hay không thấy rằng thừa nhận thực tế này của thị trường là trở về với đấu tranh giai cấp (luận điểm của nhiều người trong “phái tả mới” sau năm 1968), điều chắc chắn là đã có sự thay đổi não trạng: có sự tương phản rõ rệt giữa một bên là sự ôn hòa trong các cuộc thương lượng về tiền lương trước năm 1968, và bên kia là những năm cuối của Thời đại Hoàng kim.

Daniel Bell (1919-2011)
Gunnar Myrdal (1898-1987)

Vì nó tác động trực tiếp đến sự vận hành của kinh tế, sự thay đổi não trạng của nhân công dẫn tới những hậu quả quan trọng hơn nhiều so với sự bùng nổ to lớn của phong trào sinh viên năm 1968, mặc dầu sinh viên mang lại cho các media những chủ đề ngoạn mục hơn, cho các nhà bình luận nhiều chất liệu hơn để nhâm nhi. Sự nổi loạn của sinh viên là một hiện tượng nằm ngoài lĩnh vực kinh tế và chính trị. Phong trào này huy động một thiểu số đặc biệt trong dân chúng, chưa hình thành thật sự là một nhóm xã hội đặc biệt trong sinh hoạt chính trị, phần lớn còn đang đi học, còn sống bên lề sinh hoạt kinh tế, nếu không nói tới tư cách là người tiêu thụ đĩa nhạc rock: lứa tuổi thanh niên (thuộc các giai cấp trung lưu). Ý nghĩa văn hóa của phong trào này quan trọng hơn hẳn ý nghĩa chính trị, khá mờ ảo – đó là điểm khác biệt so với các phong trào tương tự ở Thế giới thứ Ba và tại các nước độc tài (xem ch. 11.III và 15.III). Song nó cũng đã có giá trị cảnh cáo: một thứ memento mori[†] cho một thế hệ những tưởng rằng mình đã giải quyết dứt điểm các vấn đề của xã hội phương Tây. Những văn bản quan trọng của chủ nghĩa cải lương trong Thời đại Hoàng kim – Tương lai của chủ nghĩa xã hội của Crosland, Xã hội sung mãn của J. K. Galbraith, Vượt xa hơn Nhà nước phúc lợi của Gunnar Myrdal, và Chung cuộc của các hệ tư tưởng của Daniel Bell, tất cả các tác phẩm này đều được viết giữa 1956 và 1960 – đều dựa trên giả định về sự hài hòa nội tại ngày càng tăng của một xã hội từ nay về cơ bản là thỏa đáng, tuy rằng đó là điều không chứng minh được. Nói khác đi, họ dựa trên niềm tin vào nền kinh tế của sự đồng thuận xã hội được tổ chức. Sự đồng thuận ấy, sau thập niên 1960, không còn tồn tại nữa.

Cho nên 1968 không phải là một kết thúc cũng chẳng phải là mở đầu: nó chỉ là một dấu hiệu. Khác với sự bùng nổ về lương bổng, hay sự sụp đổ của hệ thống tài chính quốc tế ở Bretton Woods năm 1971, hay sự tăng vọt giá cả nguyên liệu 1972-1973 và cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973, sự kiện 1968 hầu như không được kể tới khi các nhà sử học lí giải sự kết thúc của Thời đại Hoàng kim, một sự kết thúc không hoàn toàn bất ngờ. Sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế vào đầu thập niên 1970 đã tăng tốc vì lạm phát tăng nhanh, khối lượng tiền tệ thế giới tăng vọt gắn liền với sự thâm thủng của Hoa Kỳ, do đó đã “lên cơn sốt”. Trong biệt ngữ kinh tế, người ta nói hệ thống bị “quá nhiệt”. Từ tháng bảy 1972 đến tháng bảy 1973, GDP thực thụ của các nước trong tổ chức OECD đã tăng 7,5%, và sản xuất công nghiệp thực sự 10%. Các sử gia còn nhớ cuộc bộc phát kinh tế ở giữa thời nữ hoàng Victoria đã kết thúc ra sao lẽ ra phải tự hỏi liệu cỗ máy có lao vào chỗ chết không. Hỏi như vậy là đúng, nhưng tôi không thấy có ai tiên đoán hệ thống sẽ sụp đổ vào năm 1974. Và có lẽ cũng không có ai đánh giá đúng mức sự nghiêm trọng của nó, bởi vì, mặc dầu GDP của các nước công nghiệp tiên tiến đã sụt hẳn đi – đó là điều chưa từng xảy ra từ khi Thế chiến thứ Hai chấm dứt – người ta vẫn suy nghĩ về các cuộc khủng hoảng kinh tế theo mô hình cuộc Đại Khủng hoảng 1929, và không thấy có chỉ dấu nào báo trước một đại họa tương tự. Như mọi khi, phản ứng tức khắc của người đương thời trong cơn bàng hoàng là đi tìm những lí do đặc biệt có thể giải thích sự suy sụp của giai đoạn phát triển đã qua: “Một sự trùng hợp hiếm có của những rối loạn đáng tiếc ít có khả năng lặp lại ở quy mô đó, mà tác động lại thêm phần nghiêm trọng do một số sai lầm lẽ ra có thể tránh được”, trích dẫn từ một văn kiện của OECD (McCracken, 1977, tr. 44). Những người ngây thơ thì đổ tội cho lòng tham không đáy của các quốc vương dầu mỏ trong OPEC. Các sử gia đã giải thích những biến chuyển lớn lao của cục diện kinh tế thế giới bằng sự không may và những sai lầm lẽ ra tránh được cần phải xét lại vấn đề. Đây quả là một biến chuyển to lớn. Sau cuộc khủng hoảng, kinh tế thế giới không tìm lại được phong độ xưa nữa. Một thời đại đã kết thúc. 1973 mở đầu một thời đại khủng hoảng mới.

Thời đại Hoàng kim đã mất đi lớp thếp vàng lóng lánh. Song dầu sao nó đã mở ra và thực hiện khá đầy đủ một cuộc cách mạng cuộc sống loài người một cách ngoạn mục, nhanh chóng và sâu xa nhất lịch sử.

Nguyễn Ngọc Giao dịch

Maisons-Alfort, Val-de-Marne, Pháp

Nguồn: Dịch giả gởi trực tiếp cho PTKT, 07.2021.




Chú thích:

[73] Trong diễn ngôn công khai, người ta tránh dùng từ “chủ nghĩa tư bản”, cũng như từ “chủ nghĩa đế quốc” vì sợ tác động tiêu cực đối với công chúng. Phải đợi đến thập niên 1970 mới thấy có những nhà chính trị và chính luận tự hào nhận mình là “tư bản chủ nghĩa”. Trước đó không lâu (năm 1965), tạp chí kinh tế Forbes bắt đầu tự xác định mình là một “công cụ tư bản chủ nghĩa” (capitalist tool), kiêu hãnh lấy lại cụm từ mà những người cộng sản Mỹ hay dùng trong biệt ngữ của họ.

[74] Điều trớ trêu là sau đó White lại trở thành nạn nhân của cuộc “săn lùng phù thủy” (phong trào tố cộng của McCarthy) Mỹ: ông ta bị đổ oan là cảm tình với ĐCS Mỹ trong vòng bí mật.

[75] Đây những ước tính nên sử dụng với tất cả sự thận trọng cần thiết; chúng tôi chỉ đưa ra để độc giả ý niệm về đại lượng.

[76] Phải đợi đến đầu thập niên 1990 thì những “tiểu quốc” tí hon ở Châu Âu như Andorra, Liechtenstein, Monaco, San Marino mới được coi như những thành viên tiềm thể của Liên Hợp Quốc.

[77] Về mặt tuyển cử, tất cả các đảng phái tả, dù mạnh tới đâu, vẫn bị thiểu số. Tỉ số phiếu cao nhất của một đảng cánh tả là 48,8% mà Công đảng Anh đã giành được năm 1951, trong một cuộc bỏ phiếu mà đảng Bảo thủ đã chiếm đa số ghế ở quốc hội mặc dầu tổng số phiếu lại ít hơn Công đảng một chút, vì hệ thống bầu cử có những mặt kì cục.



[*] Charles Erwin Wilson, chủ tịch công ti General Motors, năm 1953 được tổng thống D. Eisenhower cử làm bộ trưởng quốc phòng. Câu nói đầy đủ của Wilson là: “Cái gì tốt cho nước Mỹ là tốt cho GM, và ngược lại” (chú thích của ND).

[†] Memento mori: trong truyền thống Kitô giáo (nhất thời Trung cổ), đó một bức vẽ nhỏ, nhắc nhở tín đồ là mọi người sẽ chết, phải sống đạo.

Print Friendly and PDF