15.4.22

Thông điệp rõ ràng nhất từ trước tới nay của IPCC: những bước cực kì cần thiết để ngăn chặn thảm hoạ khí hậu

THÔNG ĐIỆP RÕ RÀNG NHẤT TỪ TRƯỚC TỚI NAY CỦA IPCC: NHỮNG BƯỚC CỰC KỲ CẦN THIẾT ĐỂ NGĂN CHẶN THẢM HỌA KHÍ HẬU

Các nhà khoa học cảnh báo, việc cắt giảm khí thải triệt để kết hợp với loại bỏ một phần carbon trong khí quyển là hy vọng duy nhất để hạn chế sự nóng lên toàn cầu xuống còn 1,5 °C.

Jeff Tollefson

Một câu chuyện thành công trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là chi phí cho các nguồn năng lượng tái tạo như tua-bin gió đã giảm đáng kể trong thập kỷ qua. Ảnh: Vincenzo Izzo/LightRocket qua Getty

Nhân loại có khả năng không ngăn được việc Trái Đất tạm thời nóng lên ít nhất 1,5 độ so với mức ở tiền công nghiệp – nhưng hành động quyết liệt để hạn chế phát thải khí nhà kính và chiết xuất carbon từ khí quyển có thể hạn chế sự gia tăng và hạ nhiệt độ xuống trở lại, theo báo cáo mới nhất của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc [United Nations Intergovernmental Panel on Climate Change - IPCC]. Tuy nhiên, báo cáo nói rõ rằng thời cơ này đang trôi đi nhanh chóng, khép lại cơ hội để ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của hiện tượng ấm lên toàn cầu. Khi mức tăng cao hơn giới hạn 1,5 °C – do thỏa thuận khí hậu Paris đặt ra vào năm 2015 – sẽ làm tăng khả năng xuất hiện các kiểu thời tiết khắc nghiệt và tình trạng sụp đổ các hệ sinh thái.

“IPCC nói với chúng tôi rằng chúng tôi có kiến ​​thức và công nghệ để làm được việc này,” Inger Andersen, giám đốc điều hành của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, cho biết tại cuộc họp báo công bố báo cáo. “Nhưng hành động tăng cường phải bắt đầu trong năm nay, không phải năm sau; tháng này, không phải tháng sau; và thực sự là hôm nay, không phải ngày mai.”

Báo cáo dài khoảng 2900 trang được 195 chính phủ phê duyệt sau một phiên đàm phán hai ngày, kéo dài hơn so với lịch trình dự kiến, tập trung vào các phương án để hạn chế khí thải và giảm thiểu tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Tài liệu này được biên soạn bởi hàng trăm nhà khoa học ở 65 quốc gia, là phần cuối cùng trong bộ ba tài liệu đánh giá khí hậu lần thứ sáu của IPCC. Hai báo cáo đầu tiên đề cập đến cơ sở khoa học và tác động của khí hậu đối với con người và hệ sinh thái.

Nhiều nguồn tin liên quan đến phiên họp trực tuyến chia sẻ với Nature rằng các cuộc đàm phán để hoàn thiện báo cáo đã bị sa lầy khi các đại biểu chính phủ đưa ra các tranh luận dài dòng về giảm thiểu khí hậu. Đặc biệt, các nhà đàm phán Ấn Độ đã đặt câu hỏi về các kịch bản phát thải trong báo cáo, cho rằng chúng đòi hỏi các nước đang phát triển phải có quá nhiều hành động và không phản ánh đầy đủ các vấn đề về công bằng và trách nhiệm. Các nhà đàm phán Ả Rập Xê-út đã xem xét kỹ lưỡng những câu chữ liên quan đến công nghệ thu giữ carbon và tương lai của nhiên liệu hóa thạch. Mặc dù những cuộc tranh luận này đã đẩy các cuộc đàm phán sang thời gian ngoài giờ, nhưng các nguồn tin nói rằng chúng không ảnh hưởng đến kết quả hoặc làm sai lệch cơ sở khoa học trong báo cáo.

Ra đời hơn ba thập kỷ sau lần đánh giá khí hậu đầu tiên của ban hội thẩm, kỳ báo cáo thứ sáu đưa ra cảnh báo mạnh mẽ nhất về hậu quả của việc không hành động (xem phần Những điểm chính từ báo cáo). Các nhà khoa học cho rằng câu hỏi bây giờ là liệu cuối cùng các chính phủ có hướng tới thách thức bằng hành động thay vì những cam kết chưa được thực hiện hay không.

“Mặc cho càng nhiều chính phủ nỗ lực giảm thiểu nhiều hơn ở mọi quy mô, lượng khí thải vẫn tiếp tục gia tăng,” Karen Seto, nhà địa lý tại Đại học Yale ở New Haven, Connecticut, và là một tác giả điều phối chính của báo cáo cho biết. “Chúng ta còn phải làm nhiều hơn nữa, và phải tiến hành nhanh chóng.”

NHỮNG ĐIỂM CHÍNH TỪ BÁO CÁO

• Báo cáo này là một trong những cảnh báo nghiêm ngặt nhất từ ​​IPCC. Thông điệp là gì? Đã sắp hết thời gian. Các mô hình gợi ý rằng lượng khí thải toàn cầu cần đạt đỉnh điểm, muộn nhất là vào năm 2025 và sau đó giảm nhanh chóng để thế giới có 50% cơ hội hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5 °C. Lượng khí thải carbon sẽ cần giảm gần một nửa vào năm 2030 và đạt mức bão hòa vào đầu những năm 2050 để đạt được mục tiêu. Với các chính sách hiện hành, một số nhà khoa học ước tính rằng thế giới đang trên đà phát triển biên độ tăng gần 3 °C so với mức nhiệt ở thời kỳ tiền công nghiệp.

• Nhưng không phải toàn bộ bản báo cáo đều bi đát và u ám. Mặc dù lượng khí thải tiếp tục tăng, có những dấu hiệu cho thấy một số nỗ lực giảm thiểu đã có tác động. Giá của các công nghệ năng lượng tái tạo, chẳng hạn như tua-bin gió, tấm pin và pin mặt trời, đang giảm mạnh và nền kinh tế toàn cầu đang trở nên sạch hơn. Cường độ năng lượng toàn cầu [global energy intensity] – thước đo lượng năng lượng cần thiết để vận hành nền kinh tế – giảm 2% hàng năm từ năm 2010 đến năm 2019, đảo ngược xu hướng so với thập kỷ trước.

• Để ngăn nhiệt độ vượt quá nhiều khỏi ngưỡng 1,5 °C, một số nhiên liệu hóa thạch cần phải được để yên trong lòng đất. Theo các mô hình tính toán để giữ cho sự nóng lên toàn cầu chỉ vượt quá giới hạn này một chút, lượng phát thải từ các dự án nhiên liệu hóa thạch hiện có và số đã được lên kế hoạch đã vượt quá dự toán lượng carbon được phép.

• Với các quốc gia muốn đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không mà họ đã đặt ra, việc giảm phát thải là không đủ – họ còn sẽ phải chiết xuất carbon dioxide từ khí quyển. Điều này sẽ bù đắp lượng phát thải khí nhà kính còn sót lại từ các lĩnh vực khó làm sạch hơn, chẳng hạn như công nghiệp hoặc hàng không. Các quốc gia có thể tăng cường hấp thụ carbon bằng cách mở rộng rừng và cải thiện các hoạt động nông nghiệp, hoặc thông qua nhiều công nghệ mới có thể thu hồi khí thải carbon từ các nguồn thải công nghiệp hoặc trực tiếp từ khí quyển.

• Bất chấp những lo ngại về chi phí giảm thiểu, việc đáp ứng các mục tiêu khí hậu sẽ không hủy hoại tài chính toàn cầu: các mô hình cho thấy nền kinh tế thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những thập kỷ tới, ngay cả khi có những hành động quyết liệt để hạn chế phát thải. Mặc dù tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu vào giữa thế kỷ này được dự báo sẽ giảm nhẹ trong những kịch bản có các chính sách khí hậu được ban hành, nhưng hầu hết các nghiên cứu đều cho rằng lợi ích kinh tế của việc hạn chế sự nóng lên – bao gồm cải thiện sức khỏe và giảm thiệt hại do biến đổi khí hậu – vượt quá chi phí giảm thiểu.

• Tuy nhiên, các quốc gia giàu có sẽ cần đóng góp viện trợ tài chính cho các quốc gia có thu nhập thấp, để giải quyết sự bất bình đẳng về tính dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch theo hướng có lợi cho tất cả mọi người. Các quốc gia thải ra lượng khí nhà kính thấp nhất thường là những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu: 88 quốc gia bao gồm các quốc gia kém phát triển nhất [Least Developed Countries] và các nhóm quốc đảo nhỏ đang phát triển [Small Island Developing States] trong khuôn khổ khí hậu của Liên hợp quốc cùng chịu trách nhiệm cho ít hơn 1% lượng khí thải carbon trong quá khứ.

Tin tốt và tin xấu

Báo cáo chỉ rõ rằng các xu hướng năng lượng, kinh tế và chính trị hiện nay đẩy thế giới vào tình thế sẽ vượt qua mức ấm lên 1,5 °C. Các nhà khoa học đã cảnh báo về điều này từ lâu, nhưng một số người nói rằng đã đến lúc bắt đầu suy nghĩ về ý nghĩa của điều này về mặt chiến lược khí hậu.

Oliver Geden
Nathaniel Keohane

Oliver Geden, nhà khoa học xã hội thuộc Viện Quốc tế và An ninh Đức ở Berlin, cho biết: “Tôi nghĩ rằng chúng ta đang tiến gần hơn tới một tình huống chính trị mà chúng ta phải nghiêm túc hỏi xem chúng ta sẽ đối phó với sự quá đà đó như thế nào” trên báo cáo. Mặc dù về mặt kỹ thuật, vẫn có thể hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5 °C, anh nói, nhưng việc này đòi hỏi các hành động chưa từng có.

Nhưng báo cáo đưa ra lý do cho sự lạc quan bằng cách nêu bật các công nghệ và chính sách khí hậu đã và đang làm giảm lượng khí thải ở nhiều quốc gia. Nathaniel Keohane, chủ tịch Trung tâm Giải pháp Khí hậu và Năng lượng [Center For Climate and Energy Solutions], một tổ chức tư vấn về môi trường ở Arlington, Virginia, và là cố vấn của Nhà Trắng dưới thời cựu tổng thống Mỹ Barack Obama, cho biết mục tiêu trước mắt là đẩy nhanh những nỗ lực đó và tăng cường tài chính cho khí hậu để đảm bảo rằng đó là một nỗ lực toàn cầu thực sự. Về lâu dài, các chính phủ cần đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển để thăm dò tính khả thi của các công nghệ loại bỏ carbon có thể giúp bẻ cong đường cong trong nhiều thập kỷ tới.

“Đó là một nỗ lực đòi hỏi sức mạnh phi thường, và vì vậy tốt hơn chúng ta nên bắt đầu,” Keohane nói.

doi: https://doi.org/10.1038/d41586-022-00951-5

CẬP NHẬT & SỬA CHỮA

Bản đính chính ngày 6 tháng 4 năm 2022: Phiên bản cũ của bài viết này cho biết nhà khoa học xã hội Oliver Geden là một tác giả điều phối chính của báo cáo IPCC. Anh ấy là tác giả chính.

Huỳnh Thị Thanh Trúc dịch

Nguồn: IPCC’s starkest message yet: extreme steps needed to avert climate disaster, Nature, Apr 6, 2022.

----

Bài có liên quan:

Print Friendly and PDF