28.4.22

“Zero Covid” ở Thượng Hải: cuộc chiến chính trị của Tập Cận Bình

“ZERO COVID” Ở THƯỢNG HẢI: CUỘC CHIẾN CHÍNH TRỊ CỦA TẬP CẬN BÌNH

Alex Payette

Một người đàn ông trong trang phục bảo hộ màu trắng ở lối vào đường hầm dẫn đến Phố Đông [Pudong] qua sông Hoàng Phố [Huangpu], sau khi thành phố áp dụng các biện pháp hạn chế y tế để phòng chống đại dịch Covid-19 ở Thượng Hải, ngày 28 tháng 3 năm 2022. (Nguồn: NBC)

Vì sao chính phủ Trung Quốc ưu tiên cho các biện pháp quyết liệt để chống lại biến thể Omicron ở Thượng Hải? Đằng sau việc huy động lực lượng vũ trang hoặc đội ngũ y tá ẩn chứa một cuộc đấu tranh chính trị, có thể mang tính quyết định đối với Đại hội Đảng lần thứ 20 vào mùa thu năm nay, qua đó Tập Cận Bình hy vọng duy trì sự kiểm soát trên đất nước Trung Quốc.

Tôn Xuân Lan (1950-)
Lý Cường (1959-)

Các ca nhiễm Covid-19 gia tăng lần đầu ở Thượng Hải, từ tuần đầu của ngày 15 tháng 3. Tiếp theo đó, thành phố đã điều động một lượng lớn cảnh sát. Kết quả, Bắc Kinh đã cử một đoàn thanh tra đến gặp Lý Cường [Li Qiang], bí thư Thành ủy Thượng Hải, để thảo luận về các biện pháp mới sẽ được áp dụng[1]. Ngày 30 tháng 3, sau khi thoát khỏi các biện pháp hạn chế áp đặt ở Vũ Hán trong một thời gian dài vào năm 2020, ủy ban thành phố đã công bố điều mà nhiều người lo sợ: triển khai “chính sách mới” về “zero Covid không khoan nhượng”. Sáng ngày 31 tháng 3, tại hội nghị phòng chống và kiểm soát đại dịch, Ma Chunlei (马春雷), phó bí thư thường trực thành ủy, một cộng sự của Lý Cường, thừa nhận đã không tuân thủ và thực hiện đầy đủ một số biện pháp [phòng chống dịch], rằng chính quyền thành thực chấp nhận các lời chỉ trích và sẽ nỗ lực cải thiện tình hình[2]. Ngày 2 tháng 4, Phó Thủ tướng, bà Tôn Xuân Lan [Sun Chunlan], người phụ trách điều phối chính sách “zero Covid” kể từ năm 2020, và là người đang quản lý các nỗ lực phòng chống dịch ở tỉnh Cát Lâm[3] nói riêng, đã được khẩn cấp triệu đến Thượng Hải để hỗ trợ việc triển khai chính sách “zero Covid không khoan nhượng”.

Việc đột ngột từ chối áp dụng các biện pháp linh hoạt hơn, hoặc có mục tiêu cụ thể hơn, để ủng hộ các biện pháp hà khắc không chỉ phản ánh mong muốn của Bắc Kinh trong việc ngăn chặn biến thể Omicron. Đằng sau việc huy động lực lượng vũ trang hoặc đội ngũ y tá còn ẩn chứa một cuộc đấu tranh chính trị quan trọng, có thể mang tính quyết định đối với diễn biến của Đại hội Đảng lần thứ 20 vào mùa thu năm nay.

QUẢN LÝ CHIẾN LƯỢC HAY CHÍNH TRỊ?

Thượng Hải chiếm gần 4% GDP của Trung Quốc. Cho đến thời điểm này, thành phố đã thành công trong việc áp đặt ý chí phòng chống dịch của mình và bỏ qua chính sách “zero Covid” theo yêu cầu của Tập Cận Bình. Các lực lượng chính trị và kinh tế tại địa phương cũng đã chiến đấu cho đến ngày cuối để từ chối biện pháp phong tỏa hoàn toàn thành phố[4].

Ngày 29 tháng 3[5], tạp chí Banyuetan (半月) – còn được gọi là Half Moon [Nửa Vầng Trăng][6], đã đăng một bài báo với tiêu đề: “Tiếp tục xét nghiệm axit nucleic trên diện rộng trong thời kỳ không dịch bệnh? Liệu có nên lãng phí các nguồn lực chống dịch như thế này không”[7]. Bài báo phê bình chiến lược xét nghiệm trên diện rộng, trong điều kiện không có ổ dịch trong toàn khu vực. Bài báo cũng phê bình các làn sóng tầm soát lặp đi lặp lại, bất chấp các xét nghiệm âm tính. Điều này phản ánh sự ngờ vực về sự cần thiết phải xét nghiệm trên diện rộng, một cách liên tục. Thay vào đó, bài báo ủng hộ một cách tiếp cận khoa học và thận trọng, bởi vì các cuộc xét nghiệm đó làm gián đoạn đời sống kinh tế và xã hội, bên cạnh việc huy động một lượng lớn đội ngũ công chức và lực lượng chấp pháp. Một sự lãng phí lớn về tiền bạc và nguồn lực y tế.

Ngày 30 tháng 3, Tân Hoa Xã đã đáp trả với một bài báo có tiêu đề: “Bình luận của Tân Hoa Xã: Không ngừng tuân thủ chính sách “zero Covid không khoan nhượng”[8]. Bài báo này, dài hơn 4.300 ký tự, đã thông báo màu sắc của các quyết định sắp tới, bất chấp những căng thẳng có thể thấy được giữa các quan chức địa phương ở Thượng Hải với các quan chức ở Bắc Kinh. Theo một cách nào đó, việc bộ máy chính quyền của Tập tiếp quản Thượng Hải phải được hiểu là nằm trong động lực đối đầu của nhân vật số một Trung Quốc với những người “bất mãn”.

“THÀNH PHỐ ĐÓNG” GIỐNG NHƯ CHIẾN TRƯỜNG

Ba ngày sau khi phong tỏa hoàn toàn thành phố (封城, fengcheng), Sun Xiaofeng (孙小丰), phó giám đốc bệnh viện Huashan trực thuộc Đại học Fudan và là thành viên của Hội nghị Hiệp thương Thượng Hải, đã lan truyền, trên mạng, một danh sách các đề xuất của chính quyền đô thị để ngăn chặn biện pháp phong tỏa hoàn toàn thành phố. Bài viết này, rất tiếc là không còn được thấy kể từ đó, trình bày sáu gợi ý. Đáng chú ý là bốn gợi ý trong số đó. Thứ nhất, trong số 103.000 ca nhiễm Covid được liệt kê trên toàn quốc (trước ngày 2 tháng 4[9]), đã không có hoặc có rất ít ca nhiễm nghiêm trọng. Do đó, có vẻ như virus có ý cùng tồn tại với con người. Thứ hai, ủng hộ việc tự cách ly tại nhà đối với những người bị nhiễm Covid nhưng không có triệu chứng, biện pháp này sẽ hiệu quả hơn so với biện pháp cách ly tập trung trong trại hoặc bệnh viện, và tránh được việc sử dụng quá nhiều nguồn lực y tế. Thứ ba, dỡ bỏ biện pháp phong tỏa toàn xã hội và trở lại nhịp sống bình thường càng sớm càng tốt. Cuối cùng, tiêm chủng vắc-xin Pfizer, như một liều phòng ngừa thứ ba hoặc thứ tư.

Zhang Wenhong (1969-)

Nội dung bài viết của Sun – rất giống với các lập trường công khai của Zhang Wenhong (张文宏), chủ nhiệm khoa truyền nhiễm của bệnh viện Huashan[10] – được cư dân mạng nồng nhiệt đón nhận, nhưng chắc chắn không phải từ chính quyền trung ương. Kể từ đó, cách tiếp cận “thành phố đóng” vẫn tồn tại, và chất lượng cuộc sống của người dân Thượng Hải đã xuống cấp rõ rệt: thiếu lương thực, xảy ra nhiều vụ tự tử hoặc gia tăng các biện pháp giám sát của quân đội và cảnh sát. Sự bất bình ngày càng lan rộng trên các mạng xã hội, đến mức Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) đã phải rất vất vả để kiểm duyệt tất cả các bình luận được đăng tải xuất phát từ Thượng Hải.

Khi làm thế, việc theo đuổi chính sách “zero Covid không khoan nhượng” – một chính sách có vẻ như không hiệu quả nếu dựa vào sự gia tăng các ca nhiễm Covid theo cấp số nhân – đè nặng lên vai của Lý Cường[11], mà còn đè nặng lên vai của cả Tập Cận Bình. Vấn đề Thượng Hải, giống như quyết định của Tập ủng hộ Nga trong những ngày đầu Nga tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, cũng đã trở thành một cực có thể tập hợp những người “bất mãn”. Những người này chắc chắn sẽ lợi dụng sự thất bại [trong phòng chống dịch] ở Thượng Hải theo hướng có lợi cho họ trong các cuộc đàm phán ở Bắc Đới Hà, trường đại học mùa hè của Đảng, hoặc thậm chí trước khi Đại hội 20 diễn ra vào mùa thu.

Điều đó cho thấy, tình hình quản lý kém có vẻ như bắt nguồn một phần từ thái độ “thảng bình” (躺平, tangping) của các cán bộ địa phương ở một số quận, huyện của thành phố Thượng Hải. Ở đây, chúng ta đang nói về các cuộc kiểm tra ngẫu nhiên, phân bổ kém nguồn lực, cũng như nhiều hành vi phi lý khác. Chính quyền địa phương – y tế và chính trị – đang đổ lỗi cho nhau khi nguồn quỹ phòng chống dịch đã không cánh mà bay. Chúng tôi không muốn nói rằng cuộc khủng hoảng y tế hiện tại là do lỗi của các cán bộ đó, mà chỉ đơn giản muốn nói rằng họ đã không tìm cách “giúp Lý Cường” hoàn thành nhiệm vụ, và một số người chắc chắn muốn mượn tay Tập để “đè bẹp” thành phố Thượng Hải, đồng thời tạo ra một làn sóng phẫn nộ trong lòng người dân. Ngày 6 tháng 4, nhật báo Tân Kinh (新京) thậm chí còn đăng một bài báo nhắm đến các quan chức “thảng bình, với tựa đề: “Cán bộ đảng viên phải ‘đứng lên’ (党员干部 必须 挺身而出)[12].

HẬU QUẢ KHÔNG LƯỜNG

Vì sao phải sử dụng các biện pháp quyết liệt như thế ở Thượng Hải? Đây là một câu hỏi chính đáng. Chỉ có những biện pháp quyết liệt được thực hiện ở Vũ Hán, vào thời kỳ đầu của đại dịch, mới có thể so sánh được. Trên tất cả, vì sao lại kìm hãm động lực kinh tế của một tỉnh duyên hải, khi biết rằng mục tiêu tăng trưởng đặt ra ở mức 5,5% có vẻ như không thực tế? Chỉ cần đánh giá trọng lượng kinh tế của Thượng Hải: “Hòn ngọc Phương Đông” là tỉnh duy nhất trong số 30 tỉnh của Trung Quốc công bố doanh thu thuế dương vào năm 2021. Do đó, biện pháp phong tỏa Thượng Hải sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tốc độ tăng trưởng kinh tế quốc gia, đến các chuỗi cung ứng và đến triển vọng tăng trưởng kinh tế cho năm 2022[13].

Một lần nữa, chính quyền của Tập có vẻ như quan tâm đến cuộc đấu tranh chính trị hơn là sự phục hồi nền kinh tế quốc gia mà tính chính danh của Đảng phụ thuộc phần lớn vào. Tuy nhiên, đến nay Bắc Kinh hẳn biết rằng biện pháp phong tỏa hoàn toàn không có tác dụng[14]. Tuy nhiên, có thể nói, quyền lực trung ương vẫn bị nhốt trong mô hình [chống dịch] này: từ bỏ mô hình [chống dịch] này có nghĩa là Đảng thừa nhận đã sai ngay từ đầu. Tùy chọn này là điều không thể hình dung – thậm chí còn ít hơn khi Đại hội XX sẽ diễn ra trong vài tháng nữa.

Việc kiểm soát đại dịch, chẳng hạn như vắc-xin Trung Quốc hoặc các phương pháp cách ly y tế, qua tháng ngày, đã trở thành yếu tố mang tính chính trị rất cao. Trung Quốc phải chứng minh cho thấy tính ưu việt của mô hình [chống dịch] Trung Quốc từng được ca ngợi rất nhiều ở nước ngoài kể từ năm 2020, và phải hậu thuẫn vắc-xin nội địa. Bản thân Tập Cận Bình cũng đã nhiều lần đề cập đến vấn đề này (đặc biệt trong trường hợp của Hồ Bắc vào năm 2020 và thậm chí vào năm 2021): đây là những cán bộ mà chính Tập đã tự tay lựa chọn, những người được phái đi để ngăn chặn đại dịch. Theo nghĩa này, mô hình [chống dịch] phải hiệu quả, bất kể cái giá phải trả về tính mạng con người, thiệt hại về tài chính hoặc tâm lý. Trên thực tế, cũng rất khó để Bắc Kinh chấp nhận, ngược với chính phủ các nước phương Tây, “sống chung với virus”. Thật vậy, chính sách “zero Covid”, ngoài việc gắn liền với Tập[15], còn bắt nguồn từ một câu ngạn ngữ cổ: “nhân định thắng thiên” (人定, ren ding sheng tian). Nhưng làm theo ngạn ngữ nói trên một cách quyết liệt có thể phải trả giá đắt. Như việc mù quáng theo đuổi các chính sách đã từng dẫn đến nạn đói kinh khủng trong thời kỳ Đại nhảy vọt là một minh chứng.

Do đó, khi thời gian càng trôi qua – và sắp bước sang tuần thứ hai –, thì càng thấy nhiều doanh nghiệp phá sản, sa thải lao động và các công ty nước ngoài thu dọn hành lý hoặc chuẩn bị ra đi trong thời kỳ hậu phong tỏa. Ngoài ra, các tập đoàn công nghiệp lớn sẽ buộc phải di dời sang các nước khác trong khu vực Đông Nam Á. Trên thực tế, khi thời gian càng trôi qua, thì nền kinh tế Trung Quốc – vốn đã rất suy yếu kể từ sau cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ – càng trở nên khó phục hồi hơn[16]. Và khi nền kinh tế càng trở nên tồi tệ, thì càng có nhiều phe phái khác nhau lợi dụng điều đó để chỉ trích Tập, và con đường dẫn đến nhiệm kỳ thứ ba càng trở nên quanh co hơn[17]. Theo nghĩa này, trên hết, sự trỗi dậy của cuộc khủng hoảng y tế là không có lợi cho Tập Cận Bình, khi mà chỉ còn vài tháng trước khi Đại hội XX diễn ra.

KIỂM SOÁT TÌNH HÌNH

Ngày 4 tháng 4, Bắc Kinh đã điều động hơn 2.000 quân và hơn 38.000 nhân viên y tế từ 15 tỉnh để giúp phòng chống đại dịch trên thực địa. Đó là chưa kể đến những chiếc máy bay Y-20 tăng viện đáp xuống Hồng Kiều vào cùng ngày 4 tháng 4 đó. Các quan chức và lực lượng cảnh sát đã bắt đầu được huy động từ khắp nơi ở Trung Quốc kể từ ngày 28 và 29 tháng 3[18], để “kiểm soát tình hình” – đồng thời để thiết lập một cấu trúc chỉ huy song song đáp ứng các mệnh lệnh của chính sách “zero Covid không khoan nhượng”. Bởi vì Bắc Kinh không tin tưởng các đơn vị cảnh sát của Thượng Hải – vì những lý do hiển nhiên – nên lực lượng cảnh sát vũ trang đặc biệt của tỉnh Sơn Đông đã được cử đến để “tăng viện” kể từ khoảng ngày 31 tháng 3. Họ không phải báo cáo cho Sở Công an Thượng Hải. Vả lại, người ta cũng thắc mắc vì sao Bắc Kinh không yêu cầu tăng viện loại đơn vị cảnh sát nói trên từ tỉnh Chiết Giang hoặc thậm chí từ tỉnh Giang Tô, thay vì từ Fan Huaping (), giám đốc công an tỉnh Sơn Đông.

Hiện tại, đã có hơn 50.000 cảnh sát[19] được huy động trong thành phố. Nhiệm vụ của họ: phòng ngừa và kiểm soát tình hình tại địa phương, giám sát cộng đồng, ngoài ra còn quản lý giao thông. Theo một số nguồn tin chính thức, đã có tổng cộng hơn 100.000 người đang có mặt tại Thượng Hải trong khuôn khổ cuộcchiến chống đại dịch.

Tuy nhiên, bất chấp mục đích ngăn chặn virus, có nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ sử dụng biện pháp phong tỏa này để thay thế một lượng lớn cán bộ địa phương[20]. Nhưng rất tiếc đó không phải là điều đơn giản, nếu xét đến số lượng các ca nhiễm virus dương tính, những vấn đề gắn với biện pháp phong tỏa và tác động của biện pháp phong tỏa đối với nền kinh tế quốc gia. Do đó, trường hợp của Thượng Hải có thể là một dấu hiệu được gửi đến các lực lượng khác, cho họ thấy điều gì sẽ xảy ra khi nền tảng của một số nhóm phi chính thức không tuân thủ các chỉ thị.

Thế nên, tầm quan trọng của việc “kiểm soát tình hình” ở Thượng Hải cũng quan trọng như việc quản lý cuộc khủng hoảng y tế trong những ngày đầu và biện pháp phong tỏa ở Vũ Hán[21]. Chiến lược “zero Covid” phải hiệu quả, Thượng Hải phải được “dọn dẹp”[22]. Thất bại [của chiến lược “zero Covid”], theo mặc định và ít nhất là một phần, có nghĩa là cho phe đối lập có lý do để chống lại việc Tập tái đắc cử. Như bản thân Chen Yixin đã đề cập, vào ngày 16 tháng 1 vừa qua, “rủi ro an ninh chính trị tượng trưng cho một mối nguy tiềm ẩn to lớn” – một ám chỉ gián tiếp đến tình trạng căng thẳng trong nội bộ Đảng khi Đại hội XX sắp diễn ra.

Tùy chọn duy nhất vẫn là phải chiến thắng. Một chiến thắng, để có thể khóa miệng những người bất mãn, và đưa Tập đến gần hơn với nhiệm kỳ thứ ba. Ngoài cuộc chiến không ngừng chống tham nhũng và “chiến thắng trong cuộc chiến chống đói nghèo”[23], Chủ tịch Trung Quốc cần có những thành tựu chính trị cụ thể để trình bày trong kỳ Đại hội tới. Thực vậy, Thượng Hải phải trở thành một Vũ Hán thứ hai – một chiến thắng mà ông đã đích thân chỉ đạo”.

Chắc chắn, điều đầu tiên đập vào mắt ở Thượng Hải là chất lượng cuộc sống bị cản trở bởi biện pháp phong tỏa và việc người dân phải chịu đựng các điều kiện cách ly đôi khi đau lòng, xé ruột. Các video trực tuyến đã cho thấy người dân Thượng Hải kêu cứu, đói khát hoặc đơn giản ném mình tự tử qua cửa sổ nhà cao tầng, vì thiếu giải pháp và nguồn cung thực phẩm. Rất nhiều người cũng đã chỉ ra cho thấy một phần nhu yếu phẩm, được phân phối ở tất cả các quận huyện, đơn giản đã bị biển thủ ở cấp địa phương và bán lại với giá cao. Có nhiều khả năng một số quan chức đang lợi dụng cuộc khủng hoảng ngay dưới mũi của những người ngoài cuộc. Chưa kể đến các cuộc cãi vả thực tế ngày càng nhiều giữa lực lượng chấp pháp và người dân kiệt sức và đói khát ở khắp thành phố, và biện pháp nhận dạng khuôn mặt thông qua máy bay không người lái, đang tạo ra một bầu không khí sợ hãi ở Thượng Hải. Nhưng thách thức cốt yếu vẫn là chính trị và gắn liền với các cuộc tranh giành quyền lực trong nội bộ Đảng. Sự can thiệp trực tiếp của Tập Cận Bình cũng cho thấy ông không tin vào chính quyền Thượng Hải. Điều đó giải thích không chỉ lý do vì sao ông đã điều động quân đội, từ các tỉnh ngoài đặc khu Thượng Hải, mà còn vì ông nghi ngờ khả năng tiềm ẩn của Lý Cường[24] và Cung Chính. Thế nên, chính sách “zero Covid” là một phần không thể thiếu trong các cuộc đấu tranh chính trị nội bộ. Việc “quân sự hóa”[25] vấn đề Thượng Hải không chỉ được sử dụng để phòng chống đại dịch.

Tác giả Alex Payette

Alex Payette

Alex Payette (Phd) là nhà đồng sáng lập và CEO của Groupe Cerciusmột công ty tư vấn về tình báo chiến lược và địa chính trị. Cựu tập sự hậu tiến sĩ của Hội đồng nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn Canada (SSHRC). Ông có bằng tiến sĩ về chính trị so sánh của Đại học Ottawa (2015). Nghiên cứu của ông tập trung vào các chiến lược về khả năng phục hồi của Nhà nước-Đảng Trung Quốc. Đặc biệt hơn, các công trình nghiên cứu gần đây nhất của ông tập trung vào sự tiến hóa của các quá trình thể chế cũng như vào việc chọn lọc và đào tạo giới tinh hoa ở nước Trung Quốc đương đại. Các công trình này đã được đăng trên các tạp chí Journal Canadien de Science Politique [Khoa học Chính trị Canada] (2013), International Journal of Chinese Studies [Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc] (2015/2016), Journal of Contemporary Eastern Asia [Đông Á Đương đại] (2016), East Asia: An International Quarterly [Đông Á: Một báo cáo quốc tế hàng quý] (2017), tạp chí Issues and Studies [Vấn đề và Nghiên cứu] (2011), cũng như Monde Chinois/Nouvelle Asie [Thế giới Trung Quốc/Châu Á mới] (2013/2015). Ông cũng đã xuất bản một bản ghi chép nghiên cứu điểm lại tình hình về việc “ai” sẽ là ứng cử viên tiềm năng cho các chức danh của Bộ Chính trị [Trung Quốc] vào năm 2017 cho IRIS – mục Asia Focus #3.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: “Zéro Covid” à Shanghai: la bataille politique de Xi Jinping, Asialyst, ngày 14/04/2022.




Chú thích:

[1] Người ta còn nhớ, ngày 17 tháng 3, tại một cuộc họp của Ban Thường vụ Bộ Chính trị, đã đề cập đến việc mọi người cần tuân thủ chính sách “zero Covid không khoan nhượng” (动态 清零, dongtai qingling, nghĩa đen: “quét sạch ca nhiễm trong cộng đồng”).

[2] Vả lại, người ta cũng tò mò khi chính Ma Chunlei lại là người nhận trách nhiệm về sự gia tăng các ca nhiễm Covid.

[3] Kể từ đó, tình hình ở Cát Lâm đã trở nên xấu đi một cách rõ rệt, đến mức nông dân phải bỏ hóa ruộng đồng. Mặc dù một số nông dân đã quay trở lại làm việc, do được ưu đãi một cách bất hợp pháp, nhưng nhiều người vẫn lo sợ một vụ mùa khó thu hoạch, từng được công bố vào tháng 3 là “điều tồi tệ nhất” trong lịch sử gần đây. Do đó, những rủi ro về an ninh lương thực – vốn đã bị suy yếu rất nhiều do cuộc chiến ở Ukraine – chắc chắn sẽ thúc đẩy Bắc Kinh, một lần nữa, quay trở lại thị trường quốc tế – bị kiệt quệ – và phải trả một cái giá đắt để đảm bảo nguồn cung ngũ cốc. Ở Cát Lâm, nơi chính sách “zero Covid không khoan nhượng” đang có hiệu lực, số lượng các ca nhiễm Covid đã không ngừng tăng lên kể từ đầu tháng 3.

[4] Ví dụ, vào ngày 26 tháng 3, Wu Fan ( ), phó viện trưởng Viện Y học thuộc Đại học Phúc Đán, đã khẳng định không thể phong tỏa hoàn toàn Thượng Hải.

[5] Chỉ ba ngày sau khi lệnh phong tỏa hoàn toàn được “dỡ bỏ”, nhưng cũng hai ngày sau khi lệnh phong tỏa đó được công bố.

[6] Tạp chí dưới sự giám sát của Tân Hoa Xã và Ban Tuyên giáo Trung ương.

[7] *** “没有 疫情 连续 大规模 核酸 检测?抗疫资源 不能 如此 浪费”.

[8] 华述评: 坚持动态清零不放松

[9] Hiện tại, người ta đang nói đến hơn 170.000 ca nhiễm Covid ở 29 tỉnh thành. Ngày 5 tháng 4, Thượng Hải đã có hơn 73.000 ca nhiễm.

[10] Zhang đã bị thay thế kể từ đó.

[11] Lý Cường, nhà lãnh đạo Thượng Hải từ năm 2017, đã cáo buộc một sự tụt hậu đáng kể khi “tiếp quản” thành phố, vốn đồng thời là một trong những thành trì quan trọng nhất của lực lượng phòng vệ cũ. Thị trưởng Cung Chính ( ) cũng vậy. Họ không thể “nhận lệnh ngoài ủy ban thành phố” (政令 不出 市委). Lý Cường rất muốn tuân thủ và thực hiện các chỉ thị của Tập (trước khi có lệnh phong tỏa hoàn toàn thành phố), nhưng các cấp khác ở Thượng Hải thì vẫn trơ ra. Chính điều đó đã thúc đẩy Tập huy động một lượng lớn các đơn vị của PLA [Quân đội Nhân dân Trung Quốc] hoặc nhiều đơn vị y tế.

[12] Ngày hôm sau, tờ Nhân dân Nhật báo còn đi xa hơn khi cho đăng một bài báo với tiêu đề: “Việc phòng chống dịch càng trở nên cấp bách, chúng ta càng phải từ bỏ tâm lý ‘thảng bình’ (越是 防疫吃, 摒弃躺平).” Từ đó cho thấy tầm quan trọng của vấn đề đối với Bắc Kinh và Tập Cận Bình.

[13] Vào tháng 3, đã có một số người nói về tỷ lệ tăng trưởng 0% trong quý đầu của năm 2022 và khả năng điều chỉnh tỷ lệ tăng trưởng ở mức 2,9%, hoặc thậm chí thấp hơn.

[14] Tuy nhiên, chính sách “zero Covid không khoan nhượng”, kể từ đó, đã làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng trong nội bộ Đảng.

[15] Chính Tập đã tự mình đưa ra ý tưởng về “zero Covid không khoan nhượng” – đọc bài báo của Tân Hoa Xã đăng ngày 29 tháng 3. Uy tín của Tập trong Đảng đang bị đe dọa: chiến lược này phải hiệu quả và phải tạo ra kết quả như mong đợi trước khi Đại hội diễn ra. Nếu không, đó sẽ là hành động tiếp tay cho đối thủ.

[16] Trong hội nghị chuyên đề về kinh tế vào ngày 7 tháng 4, Lý Khắc Cường [Li Keqiang] đã không bỏ lỡ cơ hội khi nói rằng Trung Quốc đang đối mặt với những thách thức to lớn trong nước, nhưng ông cũng cho rằng chính quyền Trung Quốc tự tin vào khả năng đương đầu với các thách thức đó.

[17] Cuộc chiến tái tranh cử của Tập, về mặt kỹ thuật, đã bắt đầu vào tháng 7 năm 2020, ba tháng sau khi Tôn Lập Quân [Sun Lijun] (孙力军) bị thất sủng, với việc Chen Yixin ( ) tuyên bố chiến dịch chỉnh sửa.

[18] Trước khi Tôn Xuân Lan đến, các lực lượng cảnh sát này đã đến vào ban đêm. Kể từ đó, mọi thứ đã diễn ra khá công khai.

[19] Trong cuộc họp của phái đoàn quân đội và cảnh sát vũ trang diễn ra giữa “hai kỳ họp của quốc hội” vào ngày 7 tháng 3 vừa qua, Tập đã yêu cầu các lực lượng chấp pháp đẩy mạnh công tác chuẩn bị cho chiến tranh, giúp duy trì “sự ổn định tại địa phương” hoặc “quản lý các trường hợp khẩn cấp khác”.

[20] Vào thời điểm hiện tại, đã có 8 quan chức (từ ngày 7 đến ngày 9 tháng 4) bị sa thải, vì xử lý kém đại dịch, trong đó có Li Shuifei ( ), giám đốc Sở Cứu hỏa và Tình trạng Khẩn cấp thị trấn Hồng Kiều; Zhou Baoguo (周宝国), Bí thư Chi bộ Đảng của Trung tâm Sức khỏe Tâm thần quận Hoàng Phố, hay Cai Yongqiang (蔡永), Bí thư Chi bộ Đảng Beicaizhen (Phố Đông).

[21] Biện pháp phong tỏa hoàn toàn Vũ Hán đã kéo dài 76 ngày; Thượng Hải vào khoảng 14 ngày.

[22] Tính quyết liệt trong chính sách “zero Covid không khoan nhượng” thể hiện một cuộc chiến cần phải thắng trước “cách tiếp cận của phương Tây” được coi là kém hiệu quả hơn, và do đó là ưu thế của Trung Quốc. Điều đó nói lên rằng, cuộc chiến chống đại dịch mang tính “chính trị” và không nhất thiết mang tính “khoa học”.

[23] Kể từ đó, một số vùng của Thanh Hải và Quý Châu, một lần nữa, đã trở lại cảnh nghèo khó.

[24] Tình hình càng kéo dài, càng có thể ảnh hưởng đến triển vọng sự nghiệp của Lý Cường – giống như những gì đã xảy ra với Tưởng Siêu Lương (蒋超良). Người bất mãn sẽ lợi dụng cách xử lý đại dịch sai lầm ở Thượng Hải để chống lại Lý Cường trên con đường thăng chức.

[25] Mặc dù không có gì được xác nhận, nhưng việc quân sự hóa trên thực tế đang thắt chặt các quyền lực ở Thượng Hải trong tay của Nhóm Phòng chống và Kiểm soát Đại dịch (疫情 防控小), dưới sự lãnh đạo của Lý Cường.

Print Friendly and PDF