5.9.22

Lô-gic khám phá & lô-gic tái tạo (A. Kaplan, 1964)

Từ khóa: Khám phá khoa học (Lô-gic)

LÔ-GIC KHÁM PHÁ & LÔ-GIC TÁI TẠO (1964)

Tác giả: Abraham Kaplan[1]
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Abraham Kaplan (1918-1993)

Mọi sử gia và nhà xã hội học về khoa học đều nhận thấy rằng quan hệ giữa các nhà khoa học với thực tiễn của họ hầu như luôn luôn chịu ảnh hưởng trung gian của những biểu hiện tâm lý, xã hội bắt nguồn từ các triết thuyết rất xa cách với hiện thực của hoạt động khoa học. Thế nhưng sự diễn giải các hoạt động nghiên cứu này, trong cách nó được tái tạo qua tường thuật hoặc mô tả, lại thường được thực hiện theo quy tắc phương pháp luận như một thứ lô-gic tái tạo[2], rất xa cách với “lô-gic-thực hành” mà quá trình phát minh hiện thực hàm chứa.  

Nếu việc xây dựng lại phương pháp tiếp cận là một cách để kiểm soát tính chặt chẽ lô-gic của công trình nghiên cứu, thì nó cũng có thể gây ra những hệ quả trái ngược, khi được xem như phản ánh của cách tiếp cận trong thực tế. Bởi qua đó, nó có nguy cơ tạo ra sự phân đôi giữa các thử nghiệm theo thủ tục trong hiện thực, bỏ mặc cho trực giác và sự tình cờ, với sự chặt chẽ lý tưởng của thứ lô-gic tái tạo. Do đó, việc nhắc lại sự khác biệt giữa “lô-gic thực hành” (lô-gic-trong-hoạt-động) của khám phá khoa học, với lô-gic lý tưởng của sự tái thiết sau công việc, bằng cách chỉ ra rằng phát minh khoa học có thể có một lô-gic riêng của nó, khác với lô-gic của sự trình bày (trong các giáo trình) hoặc sự chứng minh của lô-gic học (lô-gic trong nghĩa một khoa học) chính là một lời kêu gọi cảnh giác thuộc nhận thức luận.

 *

Lô-gic học tái tạo không thể tự xưng[2] là đại diện trung thực cho những tiếp cận hiện thực của các nhà khoa học, vì hai lý do.

Thứ nhất, bởi sự kiện nó đưa ra những đánh giá [đúng, sai], nên lô-gic học tái tạo thường ít quan tâm tới những gì mà nhà khoa học thực hiện, hơn là những gì mà họ không làm. Tuy nhiên, mọi xây dựng và sàng lọc các giả thuyết khoa học đều triển khai những thao tác dù sao cũng phải có tính chặt chẽ, chứ không xuất phát từ lĩnh vực của sự phi-lô-gic hay ngoài lô-gic. Như vậy, phê phán của tôi rốt cuộc có nghĩa là: trong quá trình “giả thuyết - suy diễn”[3] được trình bày, phần nổi bật nhất của kịch bản khoa học lại diễn ra ở hậu trường. Chắc chắn rằng những quá trình thực sự phát sinh ra tri thức luôn luôn là quyết định đối với mọi công trình khoa học, ngay cả từ quan điểm lô-gic học chặt chẽ. Thế nhưng lô-gic học tái tạo cổ điển lại chỉ phô bày hồi gỡ nút, và bỏ chúng ta trong tình trạng mù tịt về cốt truyện của kịch bản.

Thứ hai, lô-gic tái tạo không tự phô bày như một nỗ lực mô tả, mà như một sự lý tưởng hóa thực tiễn khoa học. Ngay cả các nhà khoa học thành công nhất cũng không biểu đạt được lối tiếp cận của họ một cách hoàn toàn và không thể chối cãi là hợp lý; và những nghiên cứu tốt nhất vẫn để lộ, ở một số khúc quanh nào đấy, tính chất “quá người”[4] của chúng. Cái lô-gic-trong-hoạt-động bị mắc kẹt trong bẩn quặng của phi-lô-gic-trong-hoạt-động, thậm chí là phản-lô-gic-trong-hoạt-động. Sự tái tạo đã lý tưởng hóa lô-gic của khoa học, bởi vì nó chỉ cho chúng ta thấy lô-gic khoa học phải như thế nào, nếu chúng ta có thể chiết xuất nó từ những hành động hiện thực, và tinh chỉnh nó đến mức độ tinh khiết nhất.

Max Weber (1864-1920)

Chắc chắn rằng bênh vực lô-gic tái tạo theo cách này là chính đáng – nhưng cũng chỉ đến một mức nào đó thôi. Điều có thể xảy ra là quá trình lý tưởng hóa được đẩy xa tới mức nó chỉ còn đáng quan tâm cho sự phát triển của chính khoa lô-gic học, và không còn giúp chúng ta được chút gì trong nhiệm vụ tìm hiểu và đánh giá thực tiễn khoa học như nó thực sự được tiến hành. Đúng như Max Weber từng nhận xét với không ít cay đắng, một số tái tạo đã được lý tưởng hóa đến mức “các chuyên gia trong mỗi ngành cũng thường khó nhận ra thực tiễn nghiên cứu của mình bằng mắt thường”. Trong trường hợp tệ nhất, nhà lô-gic học có thể bị cuốn hút vào nghệ thuật tinh chỉnh sức mạnh và vẻ đẹp của công cụ sử dụng đến mức không nhìn thấy thứ vật liệu trên đó anh ta phải áp dụng nó. Trong trường hợp tốt nhất, anh ta phải tự dấn thân vào một thứ chủ thuyết Platōn đáng ngờ, bằng cách cho rằng phương cách thích hợp để phân tích và tìm hiểu một hiện tượng là sự quy chiếu về cái nguyên mẫu của nó, nghĩa là cái hình thức thuần túy của nó, được trừu tượng hóa khỏi bất kỳ một ứng dụng cụ thể nào. Tất nhiên, đấy là một cách tiếp cận khả thi, nhưng tôi không chắc rằng nó luôn luôn là cách tốt nhất.

Nguy hại lớn nhất gắn liền với sự nhầm lẫn giữa lô-gic-trong-hoạt-động với lô-gic được tái tạo, và đặc biệt là với thứ lô-gic được lý tưởng hóa mạnh mẽ, nằm ở chỗ quyền tự chủ của khoa học bị triệt tiêu một cách tinh vi. Sức mạnh quy chuẩn của lô-gic học không nhất thiết có tác dụng là cải tiến lô-gic trong hành động; nó có thể khiến thứ lô-gic này tuân thủ quá chặt chẽ mọi quy định của lô-gic được tái tạo. Người ta thường nói rằng các khoa học nhân văn phải ngừng cố gắng bắt chước các khoa học vật chất. Tôi tin rằng khuyến nghị này là một sai lầm: chúng ta phải duy trì một định kiến ​​có li cho nhng hot động tri thc vn đã chng tỏ tính hiệu quả của chúng trong nỗ lực truy tìm chân lý. Theo tôi, điều quan trọng là các khoa học nhân văn nên ngừng ham muốn rập khuôn theo cái hình ảnh về các khoa học vật chất mà một số tái tạo đặc thù nào đó tự cho có thể áp đặt.

Abraham Kaplan,
The Conduct of Inquiry,
San Francisco, Chandler Publ. Co, 1964, tr. 10-12.

Nguồn: Lô-gic khám phá & lô-gic tái tạo (A. Kaplan, 1964), Viện Giáo Dục IRED, 15-08-2021.




Chú thích:

[1] Abraham Kaplan (1918-1993): triết gia người Mỹ. Tác phẩm: Power and Society (với Harold Lasswell, 1951); The new world of philosophy (1961); American ethics and public policy (1963); The conduct of inquiry (1964); Individuality and the New Society (1970); In pursuit of wisdom (1977).

[2]  Đọc thêm trên trang mục Lô-gic Học: Hans Reichenbach, Lô-gic Học Và Tâm Lý Học.

[3] Xem trên trang mục Vật Lý & Thiên Văn Học: Robert Blanché, Vật Lý Học Mới & Phương Pháp Thực Nghiệm, phần II.1.

[4] Xem trên trang mục Vật Lý & Thiên Văn Học khi có thể tham khảo: T. Percy Nunn, Chủ Thuyết Nhân Hình Trong Vật Lý Học.

Print Friendly and PDF