15.9.22

Sống trong một thành phố “dữ liệu hoá”

SỐNG TRONG MỘT THÀNH PHỐ “DỮ LIỆU HÓA”

Các tác giả: Hallam Stevens[*]Manoj Harjani[**]

Tại Singapore, những công nghệ “thông minh” đa dạng đã được triển khai để chống lại đại dịch: nước thải bị giám sát, đã thiết lập một hệ thống thiết bị có khả năng phân tích hơi thở để dò tìm và phát hiện sự hiện hiện của virus… Mối nguy là những công nghệ này có khả năng thiết lập một cách bền vững một sự giám sát sinh học, đòi hỏi nam nữ cư dân phải thường xuyên tuân thủ những quy phạm về y tế công cộng.

Singapore là một “thành phố thông minh”, một thành phố thông minh và được liên kết dữ liệu. Những dữ liệu về số hành khách được sử dụng để giảm tải các xe buýt, các dự án mới về phát triển nhà ở của nhà nước được thiết kế với những cảm biến nhằm hỗ trợ người cao tuổi, và từ nay đang có nhiều dịch vụ công trực tuyến. Dịch Covid-19 chỉ đẩy nhanh hơn việc phát triển và tiếp nhận các công nghệ số. Năm 2020, Institute for Management Development (IMD) – Viện phát triển quản lý – đã đề cử Singapore là “thành phố thông minh nhất thế giới”.

Tất nhiên, Singapore không phải là thành phố duy nhất muốn biến đổi không gian đô thị của mình thành một trung tâm (hub) về dò tìm, giám sát và số hóa. Thành phố thông minh là một hiện tượng toàn cầu. Ngoài sự xuất hiện của Zurich và Helsinki trong danh sách do Viện phát triển quản lý (IMD) thiết lập, danh sách 50 thành phố hàng đầu còn bao gồm các thành phố ở Trung Đông, ở Mỹ, Úc và châu Âu. Người ta ước tính rằng việc “thông minh hóa” các thành phố lớn này sẽ làm cho cư dân của chúng giàu có và năng động hơn, đồng thời làm cho thương mại hiệu quả hơn và chính phủ đáp ứng nhanh chóng hơn.

Nhưng Singapore cho ta cơ hội quan sát một thành phố thông minh đang hoạt động mạnh mẽ. Thật vậy, quốc gia-thành phố này có mặt trong số những thành phố tiến xa nhất trên con đường này – đến độ nó được xem như là “một phòng thí nghiệm sống” về thử nghiệm các công nghệ và những chính sách riêng có của thành phố thông minh. Quả vậy, trên thành phố đảo này, ta có thể bắt đầu nhận biết một vài hiệu ứng mà thành phố thông minh có thể gây ra cho các cá nhân và cộng đồng.

Dĩ nhiên, Singapore có những đặc điểm riêng của nó. Hẳn là quy mô nhỏ và tổ chức chính trị của nó làm cho nó trở nên đặc biệt. Từ khi giành được độc lập vào năm 1965, Singapore đã cả quyết về phát triển các ngành công nghiệp với công nghệ cao, xây dựng một hệ thống giao thông hiện đại, xây dựng các chung cư cao tầng cho công dân của mình, phát triển các cơ sở hạ tầng cảng biển và sân bay siêu hiện đại và đầu tư mạnh mẽ vào chuyển đổi số. Những việc này đã tạo ra một sự phồn thịnh rất lớn lao và đem lại những thuận lợi quan trọng cho phần lớn công dân của đảo quốc này.

Thông báo chính thức năm 2014 theo đó Singpore sẽ trở thành một “Quốc gia Thông minh” chỉ là phiên bản cuối cùng của dự án lớn này để biến đổi và “nâng cao trình độ” của đất nước và dân cư, nhờ vào công nghệ. Sáng kiến Quốc gia Thông minh đã hứa hẹn đem đến cho các công dân một hiệu quả cao hơn, cả trong những tương tác của họ với chính phủ lẫn trong lĩnh vực riêng tư. Sáng kiến này đã được hình dung ra và được phát huy một cách tổng thể: tạo việc làm mới, tiêu chuẩn mới về chất lượng, củng cố sự phát triển bền vững, gia tăng sự di động, minh bạch và an ninh mạng được tăng cường.

Dự án Quốc gia Thông minh rộng lớn này bắt đầu đem lại kết quả. Thật vậy, nhiều công nghệ “thông minh” đã được triển khai để chiến đấu chống lại đại dịch, hợp lý hóa việc cung ứng các dịch vụ công và bảo vệ các các danh tính số. Nhưng dự án cũng gặp nhiều thách thức quan trọng. Vấn đề vi phạm các dữ liệu, thiếu nhiệt tình đối với một số công nghệ và những lo lắng lớn dần liên quan đến việc bảo vệ đời tư khiến ta nghĩ rằng người dân Singapore có thể không sẵn sàng đề tham gia hoàn toàn vào dự án thành phố thông minh này. Gần đây, việc thiết lập một số công nghệ thông minh đã làm lộ ra mức độ các thành phố thông minh ngày càng bó buộc và gây trở ngại cho đời tư của các cá nhân và sự tham gia của họ vào xã hội, và điều này không có phần đổi lại thực sự về trách nhiệm giải trình [accountability].

Thành phố dưới sự giám sát

Rất nhanh chóng, Singapore đã bắt đầu phân tích nước thải để tìm dấu vết của coronavirus, một sự giám sát mà lúc đầu được thiết lập ở một số ký túc xá công nhân nhập cư (ở đó đã có những bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng và lan rộng) và ở một cơ sở đại học. Nền tảng của công nghệ giám sát y tế này có trước đại dịch, nhưng cũng như trường hợp của các công nghệ khác, đại dịch đã tạo cơ hội để mở rộng nó và để thử nghiệm những quy trình mới. Ngày nay, nước thải của toàn bộ đảo là đối tượng của một sự giám sát thường xuyên để dò tìm các dấu vết của nhiễm khuẩn. Khi các phần tử virus được phát hiện, bộ y tế thực hiện những cuộc điều tra sâu hơn, kể cả xét nghiệm tất cả cư dân của một khu nhà.

Gần đây, một kiểu phân tích các dữ liệu y tế khác đã được thực hiện: một máy hô hấp có khả năng phân tích hơi thở. Máy có thể dò tìm và phát hiện dấu vết đặc biệt của các thành phần hữu cơ bay hơi hiện diện trong hơi thở của những người dương tính với Covid. Thiết bị này trước tiên được sử dụng trong sân bay quốc tế Changi, nhưng có vẻ như nó sẽ được triển khai ở một số nơi, khi có những sự kiện với đông người tham dự như các buổi hòa nhạc hay trong các trung tâm thương mại.

Việc thiết lập hai hệ thống giám sát và phân tích này – nước thải và hơi thở - phản ánh xu hướng các thành phố thông minh tìm cách biến đổi tất cả thành dữ liệu ở một mức độ cao. Phân của chúng ta trở thành một nguồn tài nguyên đối với thành phố, thậm chí có thể là một nguồn tài nguyên có giá trị. Những sản phẩm của cơ thể chúng ta trở thành những dữ liệu có thể được sử dụng cho những mục đích y tế công cộng, thậm chí, trong dài hạn hơn, để làm cho tinh vi hơn, để hiệu chỉnh và bán các công nghệ thông minh mới.

Rất có thể các công nghệ này sẽ sống sót sau đại dịch và sẽ trở thành những công cụ giám sát trong số những công cụ khác mà ta không thể thoát khỏi. Liệu những hệ thống này sẽ được dùng để dò tìm các bệnh khác không? Chúng được hoàn thiện để dò tìm ma túy, các nội tiết tố hay cả những nguyên tố vết trong thức ăn của chúng ta? Điều gì sẽ xảy ra một khi thành phố thông minh biết phát hiện từ xa một người mang thai hay giám sát việc tiêu thụ rượu trong một khu phố nhất định nào đó? Những dữ liệu này sẽ được nhắm đến ai, và với giá nào?

Là một rủi ro lớn khi các công nghệ này lan rộng và đào sâu sự giám sát sinh học và triển khai một chế độ cảnh sát sinh trắc. Lo sợ rằng trong tương lai các cư dân của một thành phố “dữ liệu hóa” phải chứng tỏ một dạng “trong sạch” về cơ thể, bằng cách chú ý đến bài tiết và nội tạng của mình phải phù hợp với các quy phạm của y tế công cộng, của an sinh và những quy phạm khác về quản lý cá nhân.

Xa hơn việc chỉ là thu thập dữ liệu, Singapore còn tìm những phương tiện mới để chắt lọc giá trị của chúng. Một trong những nỗ lực này hướng đến việc tạo ra một “căn cước kỹ thuật số phổ thông” mới, gọi là sg.ID.

Sg.ID là một sản phẩm của sở Open Government Products thuộc GovTech, một chi nhánh của cơ quan dịch vụ công phụ trách việc thực hiện công nghệ kỹ thuật số. Singapore đã có một hệ thống căn cước kỹ thuật số gọi là Singpass, nó cho phép cư dân liên hệ với các dịch vụ công kỹ thuật số bằng cách sử dụng số căn cước quốc gia của họ như là tên người sử dụng.

Sg.ID nhắm đến mở rộng hệ thống này bằng cách tạo ra một hệ thống chung giữa khu vực công và tư. Nói cách khác, sg.ID có thể được sử dụng không chỉ cho một số dịch vụ công mà còn là căn cước kỹ thuật số để mua hàng ở siêu thị của khu phố, mua một bữa ăn ở McDonald hay đặt hàng trực tuyến. Nhưng điều mới mẻ của hệ thống nằm ở chỗ thay vì gắn căn cước của bạn với một con số duy nhất, sg.ID cung cấp cho mỗi doanh nghiệp hay tổ chức một con số riêng, mỗi con số được liên kết với căn cước của bạn. Thuận lợi của phương pháp này là như sau: ví dụ, nếu McDonald bị xâm phạm dữ liệu, thì những dữ liệu duy nhất dễ bị tổn thương sẽ là những dữ liệu thuộc về McDonald; tin tặc sẽ không có phương tiện nào để kết nối những dữ liệu này với tất cả những dữ liệu liên quan đến căn cước của bạn.

Li Hongyi (1987-)

Một cách chính xác hơn, chỉ một tập tin tập trung do chính quyền quản lý sẽ tập hợp tất cả các phần của căn cước của bạn. Lúc đó, chính quyền trở thành đầu mối trung tâm của các dữ liệu, công cũng như tư. Trong một buổi trình bày sg.ID, giám đốc Open Government Products Li Hongyi đã chỉ ra rằng hình thức thông thường nhất của sự “kiểm chứng căn cước kỹ thuật số” hiện nay được thực hiện bởi những người khổng lồ về công nghệ như Facebook hoặc Google. Cứ mỗi lần bạn thấy một trang web cung cấp cho bạn khả năng “kết nối với Google” hay “kết nối bằng cách sử dụng Facebook”, điều đó có nghĩa là cho phép các doanh nghiệp này hành xử với tư cách là người đầu mối chứng thực căn cước của bạn.

Với dự án sg.ID, chính phủ đặt lại vấn đề về vai trò của Google hay của Facebook với tư cách đầu mối chính của những căn cước kỹ thuật số. Hơn nữa, điều đó làm cho các doanh nghiệp này gặp khó khăn hơn trong việc thu thập các dữ liệu cá nhân thông qua các trang web và các nền tảng. Khi chúng ta dùng Google hay Facebook để kết nối với các dịch vụ trực tuyến, những dữ liệu liên quan đến các hoạt động của chúng ta sẽ được chuyển đến họ (Google hay Facebook), điều này cho phép họ thiết lập được một lý lịch ngày càng chi tiết của các cá nhân. Các lý lịch này rất quý để xác định mục tiêu cho quảng cáo, và cho các hoạt động khác. Sg.ID sẽ can thiệp trực tiếp vào quá trình này. Bằng cách chia căn cước của chúng ta thành những yếu tố tách biệt nhau mà chỉ có chính quyền mới có khả năng tái lập, sẽ ngăn cản không để các doanh nghiệp tích hợp lại những dữ liệu liên quan đến chúng ta.

Có thể đó là một điều tốt, miễn là chúng ta tin tưởng chính quyền hơn Google chút ít. Nhưng điều đó khơi dậy những câu hỏi về những dụng ý lâu dài của một công cụ như thế: có phải chính quyền sẽ tích hợp các dữ liệu và thiết lập các lý lịch như các người khổng lồ công nghệ đang làm cho đến nay? Nếu đúng như vậy thì những lý lịch này sẽ phục vụ điều gì? Chúng có được bán, hay trao đổi không? Không nghi ngờ gì nữa những hệ thống như sg.ID đem lại những tiến bộ cho những gì liên quan đến đời tư và an ninh, nhưng nó làm cho chính quyền trở thành điểm kết nối tất cả các hoạt động kỹ thuật số mà những hoạt động này ngày càng tăng – như vậy Nhà nước lại nằm ở ngay trung tâm của mạng lưới hoạt động trực tuyến và ngoại tuyến.

Nếu thành phố thông minh chỉ đơn giản là một công cụ để tập trung và tập hợp ngày càng nhiều các dữ liệu cá nhân – từ nay là việc của các chính quyền chứ không còn là của các doanh nghiệp – thì cư dân của thành phố “dữ liệu hóa” sẽ như thế nào?

Thành phố không dung thứ

Đã lâu rồi Singapore có dự án tiến tới một nền kinh tế và một xã hội không dùng tiền mặt. Ngay từ năm 1985, chính quyền đã phát động một chiến dịch trên toàn quốc nhằm giảm đến mức thấp nhất những giao dịch bằng tiền mặt. Chiến dịch chỉ thành công một phần và tiền mặt vẫn là vua ở Singapore. Thật vậy, những số liệu năm 2021 cho thấy hai điều: tiền tệ được lưu hành đã gia tăng mặc dù các giao dịch ở các quầy tự động giảm xuống; những người bán hàng rong tiếp tục than phiền khi phải chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt.

Lý Hiển Long (1952-)

Tuy nhiên, các dự án thành phố thông minh cũng như đại dịch Covid đã thúc đẩy trở lại những dự định thiết lập thanh toán không dùng tiền mặt. Ví dụ, vào năm 2017, thủ tướng Lý Hiển Long đã nêu vấn đề thực hiện thanh toán điện tử trong bài diễn văn thường niên tại buổi mít tinh mừng quốc khánh, ông khẳng định rằng Singapore phải đuổi kịp Trung Quốc. Chính phủ đã tiếp nối với những sáng kiến như lập một dịch vụ luân chuyển quỹ kỹ thuật số theo mạng ngang hàng [mạng đồng đẳng], một mã QR [mã trả lời nhanh - quick response code -] thống nhất về thanh toán cũng như một hệ thống thanh toán thống nhất cho những người bán hàng rong, các nhà ăn [căn tin] và các nơi bán lẻ thức uống.

Gần đây hơn, đại dịch đã buộc nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng không dùng tiền mặt vì lý do rủi ro gia tăng liên quan đến tiếp xúc trực tiếp. Chính quyền đã không ngần ngại lợi dụng tình huống để có những đột phá mới vào những nơi mà trước đây họ đã không thành công, ví dụ với chương trình phát động vào tháng 6 năm 2020 “Hawkers Go Digital [Người bán hàng rong chuyển đổi kỹ thuật số], như tên gọi của nó chỉ ra, là nhắm đến những người bán hàng rong.

Anthea Ong (1968-)

Tuy nhiên, “những người bán hàng rong” không phải là những người duy nhất kháng cự lại thanh toán chỉ bằng tiền mặt. Sinh viên trường Đại học Quốc gia Singapore đã phê phán dự án của ban quản trị đại học nhắm đến biến khuôn viên trường đại học thành một môi trường hoàn toàn không dùng tiền mặt vào năm 2018. Trong cùng thời gian, đại dịch cũng đã làm rõ ra vấn đề “khoảng cách số” [hố ngăn cách số] ở quốc gia-đô thị này; nữ nghị sĩ Anthea Ong đã nói đến sự gia tăng của những “người cùng khổ về kỹ thuật số” (parias numériques), và chính phủ đã phải nhấn mạnh đến điểm này vào lúc khai mạc kỳ họp Quốc hội năm 2020.

Bênh vực cho việc chuyển đổi xã hội sang không dùng tiền mặt thường là thuộc về lý do kinh tế (và y tế, từ khi có đại dịch): một cách chung, việc hủy bỏ dùng tiền mặt giúp đạt được lợi ích về tính hiệu quả, và cụ thể hơn, đối với các doanh nghiệp là tiết kiệm được, đối với người tiêu dùng là được nhanh chóng hơn, và đối với nền kinh tế là linh hoạt hơn. Nhưng lập luận này hoàn toàn không tính đến những hệ quả xã hội và tâm lý mà một biện pháp như vậy có thể gây ra.

Tình trạng ngặt nghèo của những người bán hàng rong trong đại dịch đã cho thấy rằng các doanh nghiệp nhỏ có nhiều lý do để không tham gia vào các nền tảng kỹ thuật số về phân phối. Một số trong những lý do này là hiển nhiên – không tiếp cận được kỹ thuật số (không có điện thoại thông minh) hay không nắm vững những hệ thống được sử dụng trong một số nền tảng –, nhưng những lý do khác thì ít hiển nhiên hơn – không biết tiếng Anh (là ngôn ngữ chính của các nền tảng), thiếu khách hàng có năng lực về kỹ thuật, khó khăn trong việc “quảng bá” hay thương mại hóa trực tuyến các sản phẩm của mình, lo lắng về chi phí cao của các nền tảng.

Cho dù chính phủ đã thực hiện các chương trình đa dạng hỗ trợ việc chuyển đổi kỹ thuật số, thì vẫn có những vấn đề không được giải quyết một cách dễ dàng: giáo dục và tăng cường tiếp cận công nghệ là không đủ. Thực ra đó là những vấn đề xuất phát từ những tập quán và những sở thích văn hóa đã ăn sâu.

Không dùng tiền mặt để thanh toán hứa hẹn một hiệu quả kinh tế cao nhờ vào thuận lợi của các giao dịch tài chính. Điều này có nghĩa là có thêm một nguồn dữ liệu, vì một nền kinh tế hoàn toàn không dùng tiền mặt là một nền kinh tế hoàn toàn có thể theo dõi dấu vết và định vị được. Ngoài ra, việc chuyển tiếp qua thanh toán không dùng tiền mặt cũng có nguy cơ loại trừ một số người, không những chỉ có những người cao tuổi, mà cả những người mà đời sống, giáo dục hay mô hình doanh nghiệp không tạo điều kiện cho họ dễ dàng thích nghi với tình trạng không có tiền mặt.

Thành phố dự kiến

Tại Singapore, dường như thành phố thông minh dành ưu tiên cho việc tăng thêm và tập trung các dòng dữ liệu nhằm các mục đích tạo giá trị hơn là ưu đãi sự tham gia của công dân với chính phủ hay công nghệ. Trong những trường hợp này, không có cái “bên ngoài” các dữ liệu. Những người không muốn hay không thể tham gia vào các dòng dữ liệu này có nguy cơ hoàn toàn bị loại trừ, mặc dù chính quyền có những nỗ lực để bảo đảm sự tham gia của họ. Cư dân của thành phố thông minh trở thành, trên tất cả, một nguồn lực – ngay cả phân của họ cũng được trưng dụng để rút ra giá trị.

Từ nay, những mua sắm trực tuyến hay ngoại tuyến, vị trí, những biểu thị yêu thích (likes) hay sở thích của chúng ta trên các mạng xã hội sẽ được tích hợp bởi các doanh nghiệp để dự đoán về chúng ta – chúng ta sẽ mua gì, chúng ta có thành công ở đại học không, có trả được nợ vay không. Trong lòng thành phố thông minh, chúng ta có nguy cơ dễ bị biết rõ hơn nữa. Các cảm biến có thể phát hiện những nhu cầu và ước muốn của chúng ta ngay cả trước khi chúng ta nhận thức được chúng. Trong kiểu chế độ dữ liệu này, các chính phủ có thể biết một số điều và phản ứng lại ngay trước khi chúng ta có thể biểu thị chúng ra – vì các dữ liệu của chúng ta đã được phát hiện, hay “biểu thị trước”, theo một cách mà ta không thể nào thoát được.

Manoj Harjani
Hallam Stevens

Các thành phố thông minh đã bị phê phán về cách mà chúng khuyến khích tập đoàn hóa (corporatisation) các thành phố và không gian của chúng thông qua những giải pháp khoa học và công nghệ “được quy hoạch”, chúng không thuận lợi cho sự phát triển hữu cơ của thành phố, và đem lại ít lợi ích cho cư dân. Trường hợp của Singapore cho thấy bằng cách nào các thành phố thông minh có thể - có chủ tâm hay không - không những xâm phạm đến đời tư một khi mỗi cá nhân đều trở nên được biết rõ, mà còn làm trầm trọng thêm sự loại trừ và bất bình đẳng vì tình trạng “khoảng cách số”. Vấn đề đặt ra cho những người ra quyết định chính trị, cũng như cho cư dân của các thành phố thông minh, là cần biết làm thế nào để tìm ra một giải pháp đúng mực cho những vấn đề quan trọng này đồng thời bảo tồn được những lợi ích do công nghệ và số hóa đem lại.

Hélène Borras dịch từ tiếng Anh.

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:Habiter une ville ‘datafiée’”, AOC, 30.11.2021.




Chú thích:

* Hallam Stevens

Sử gia, Giáo sư tại Nanyang Technological University (NTU) – Đại học Công nghệ Nanyang Singapore – đồng giám đốc của Institute of Science and Technology for Humanity – NTU.

** Manoj Harjani

Nghiên cứu chính trị, Nanyang Technological University (NTU) Singapore.

Print Friendly and PDF