10.1.23

Đạo đức, một sản phẩm phái sinh từ chọn lọc tự nhiên?

ĐẠO ĐỨC, MỘT SẢN PHẨM PHÁI SINH TỪ CHỌN LỌC TỰ NHIÊN?

Tác giả: Pierre-Marie Lledo[*]

Tóm tắt

  • Những khám phá gần đây cho thấy một ranh giới với nhiều kẽ hở giữa các khoa học thần kinh nhận thức và lĩnh vực triết học đạo đức.
  • Những nghiên cứu này bắt đầu tiết lộ lai lịch của các chu trình não bộ liên quan đến các phán đoán đạo đức. Đó là những hệ thống khác nhau như hệ thống học tập sự khen thưởng, đánh giá rủi ro hay còn là sự hiểu biết trạng thái tinh thần của người khác mà chúng đang điều hành.
  • Thế thì đạo đức cho phép liên kết và hạn chế những tổn hại đến an toàn, sức khỏe, những xung đột xã hội và những hành vi lệch lạc nguy hiểm khác.
  • Như vậy, đạo đức là khả năng của con người có lẽ đã đem lại một thuận lợi về tạo khả năng thích nghi to lớn ngoài sức tưởng tượng. Thật vậy, loài người chúng ta là một bằng chứng sống động của nhận định liên kết chính là sống còn.
  • Những thiên hướng phát triển sớm về hành vi vị xã hội phản ánh những năng lực đã được đặt sẵn vốn xưa kia đã tạo khả năng thích nghi cho tổ tiên chúng ta và đã tạo điều kiện cho loài người chúng ta “trở thành người chủ và người sở hữu thiên nhiên”.

Một cách tiên nghiệm, đạo đức và khoa học là hai lĩnh vực khác hẳn nhau đến độ việc lầm lẫn vai trò và các năng lực của hai lĩnh vực này là không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, những khám phá gần đây của khoa học thần kinh nhận thức cho thấy ranh giới này có những kẽ hở, với sự liên quan có thể có của các khoa học thần kinh trong lĩnh vực triết học đạo đức. Nhưng liệu ta có thể giản lược con người vào cái bộ phận không hình thù và xam xám mà con người sở hữu, nằm giữa hai tai của mình không? Con người có phải là sản phẩm của hoạt động của não bộ của mình không? Đối với những đồ đệ của các lý tính khoa học, không nghi ngờ gì nữa là bản ngã tâm lý, xã hội hay đạo đức được thực hiện qua những thao tác được các chu trình não bộ[1] hỗ trợ. Theo quan điểm này, có lẽ tồn tại một cách diễn giải theo tự nhiên chủ nghĩa khái niệm đạo đức mà chúng tôi sẽ cố gắng trình bày ở đây.

Khoa học và Đạo đức

Từ rất sớm, triết học đã cho một định nghĩa theo đó đạo đức nhắm đến việc xác định tính mục đích của những hành động của chúng ta để từ đó suy ra những cách cư xử cần có. Nói cách khác, đạo đức và hạnh phúc liên quan với nhau bởi vì nếu mục đích của cuộc đời vẫn là hạnh phúc, thì những phương tiện để đạt đến hạnh phúc sẽ được xác định bởi đạo đức. Do đó, không ngạc nhiên khi nhận thấy trong tất cả các nền văn hóa, con người quan tâm sâu sắc đến tính đạo đức, ví dụ bằng cách thiết lập những thiết chế như tòa án, để bảo đảm rằng các chuẩn mực xã hội đều được áp dụng cho tất cả mọi người.

Những nghiên cứu về các khoa học thần kinh nhận thức bắt đầu tiết lộ lai lịch của của các chu trình não bộ liên quan đến các phán đoán đạo đức. Người ta phát hiện ra rằng những hệ thống học tập sự khen thưởng, đánh giá rủi ro, hiểu biết trạng thái tinh thần của người khác đang vận hành. Tuy nhiên, nếu chúng có vẻ là chính yếu để tạo ra một phán đoán đạo đức, mức độ tham gia của các yếu tố này thay đổi tùy theo những khác biệt cá nhân về các phương diện đồng cảm với tha nhân, lòng nhân ái, hay mức độ nhạy cảm nhiều hay ít với sự bất công. Nói cách khác, đối diện với đạo đức, mỗi cá nhân có một ngưỡng nhạy cảm riêng. Ở mức cuối cùng của phổ này, những rối loạn của chu trình lấy quyết định xã hội làm nảy sinh những hành vi phi đạo đức như hành vi của những người bị bệnh rối loạn nhân cách.

Người tinh khôn, một giống loài đi tìm công lý

Tất cả mọi thành viên của các xã hội loài người, cho dù chúng có vẻ đa dạng, đều cho thấy có một mối quan tâm sâu sắc đến những vấn đề về tính đạo đức, công lý và công bằng[2]. Loài người khác những giống loài khác bởi thiên hướng tạo ra những tổ chức văn hóa nhằm để các chuẩn mực xã hội được tôn trọng, bao gồm cả những thiết chế được lập nên để đánh giá khả năng chấp nhận những hành vi của cá nhân và đặt ra những hình phạt thích hợp đối với những người vi phạm các chuẩn mực đặc biệt[3]. Độc lập với cách mà tính đạo đức có thể được khái niệm hóa, và nằm trong sự liên tục với các công trình của Darwin[4], các nhà nghiên cứu khẳng định rằng phán đoán đạo đức là một đặc tính của con người, nó tạo thuận lợi cho sự hợp tác giữa các nhóm lớn các cá nhân không cùng huyết thống[5]. Tóm lại, con người hưởng lợi từ một quan hệ đặc biệt với người khác vì nó hoàn toàn vô vị lợi, độc lập với một quan hệ huyết thống chẳng hạn như quan hệ chủ đạo trong những chăm sóc của con mèo mẹ đối với các con nhỏ của nó.

Sự xuất hiện của năng lực tinh thần này có lẽ đã đem lại cho người tinh khôn một thuận lợi về tạo khả năng thích nghi mà ngày nay người ta đo lường dựa trên tính chất xâm lấn của loài người chúng ta. Như trước đây những người lính ngự lâm thích lặp lại điều này[6], loài người là bằng chứng sống động của sự liên kết thành nhóm giúp cải thiện những cơ may sống sót của một cá nhân. Như vậy, những chuẩn mực đạo đức cung cấp những bảo đảm chống lại các xâm hại đến sự an toàn hay sức khỏe, và việc tăng cường những hành vi đạo đức sẽ giảm thiểu những hành vi tội phạm và những xung đột xã hội. Bằng cách này, tính đạo đức làm cho xã hội loài người trở thành một tập đoàn có thể tồn tại bền vững.

Đạo đức hơn, chính là sống lâu hơn

Chứng minh cho điều này là ví dụ về tuổi thọ của chúng ta, nó tùy thuộc chặt chẽ vào những trao đổi xã hội. Khi tìm cách xác định tính chất của những nguyên nhân chính của sự lão hóa, các nhà khoa học đã phân tích các mẫu máu trích từ những người có giao tiếp xã hội ít hay nhiều. Họ đã phát hiện kích thước các telomere bảo vệ các nhiễm sắc thể là dài hơn ở những người giao tiếp cực kỳ rộng. Khi họ nghiên cứu sự hiện diện của các tế bào đặc biệt, gọi là tế bào lão hóa (sénescentes)[7], những người sống cô lập về mặt xã hội là những người đã tích lũy nhiều nhất số tế bào gây ra những biến cố không mong muốn như tình trạng bị viêm. Bằng cách nêu ra mối quan hệ với người khác vẫn là nhân tố quan trọng nhất để chống lại một cách hiệu quả sự già nua đã được đnh trước của một cá nhân, sinh học của sự lão hóa xác nhận tầm quan trọng của các quan hệ xã hội đối với sự sống còn của giống loài. Nói cách khác, bằng cách sắp xếp cho tuổi thọ của một người khớp với các quan hệ xã hội lành mạnh của người ấy, những phán đoán và hành vi đạo đức của chúng ta là những bảo đảm cho một sự gắn kết xã hội.

Một di sản tiến hóa

Trên bình diện tiến hóa, tính đạo đức xuất hiện như một dạng cực đoan của sự hợp tác đòi hỏi các cá nhân phải hủy bỏ lợi ích riêng của họ hoặc phải đồng hóa với lợi ích của những người khác. Nghiên cứu các hành vi của động vật linh trưởng, hay của trẻ em, cho thấy tính chất được bảo tồn của đặc điểm này. Nghiên cứu chỉ ra rằng sự hợp tác này sinh trước hết từ một tính đạo đức cá nhân tập trung vào cá nhân và những người thân thuộc. Sau đó, như một dạng mở rộng tính đạo đức cá nhân này, là sự xuất hiện của một tính đạo đức phổ quát. Chính là từ giai đoạn thứ hai này mà các cá nhân đi theo và áp dụng các chuẩn mực đạo đức xã hội của nhóm. Như vậy, tính đạo đức xuất hiện trong quá trình tiến hóa của các giống loài, đồng thời trở nên phức tạp hơn, từ một tổng thể các năng lực và động cơ để hợp tác với gia đình mình trong thời gian đầu, rồi sau đó với tất cả mọi người.

Tất nhiên, các loài thú không thể lý luận rõ ràng về điều thiện và điều ác, về tật xấu và đức hạnh, hay công bằng và bất công, nhưng một số cũng tỏ rõ những hành vi có vẻ như bao gồm những mầm mống của đức hạnh. Nhiều loài hợp tác, giúp đỡ thân thuộc của chúng và chăm sóc con cái, và một số đã biểu lộ ác cảm với những bất bình đẳng. Cũng như vậy, trong khi quá trình xã hội hóa ảnh hưởng đến sự phát triển tinh thần và giải thích tại sao những quy tắc đạo đức có thể tiến hóa theo thời gian và không gian, những hài nhi đi vào một thế giới đã được trang bị sẵn nhận thức và động lực hướng chúng thiên về đạo đức và giao tiếp xã hội[8].

Những khuynh hướng sớm phát triển này thiên về hành vi vị xã hội và về sự đánh giá đạo đức-xã hội phản ánh những năng lực đã được đặt sẵn vốn đã tạo khả năng thích nghi cho tổ tiên chúng ta. Xu hướng thiên về hợp tác với những cá nhân không cùng huyết thống giải thích giống loài của chúng ta đã trở thành người chủ và người sở hữu thiên nhiên[9] như thế nào.

Tóm lại, ý thức về đạo đức được quan sát ở loài người dường như là hệ quả của nhiều năng lực nhận thức, năng lực thực hiện và động lực vốn là những thuộc tính mà sự chọn lọc tự nhiên đã trực tiếp ưu ái[10]. Những thập kỷ nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực, đáng chú ý là kinh tế học hành vi, tâm lý học phát triển và các khoa học thần kinh xã hội, chỉ ra rằng lý luận đạo đức xuất phát từ việc lấy quyết định xã hội phức tạp và bao hàm những quá trình vừa vô ý thức vừa cố ý và chúng dựa trên nhiều chiều kích có phần tách biệt nhau, đáng chú ý là sự hiểu biết về ý định, ác cảm với cái xấu, sự mã hóa các khen thưởng và các giá trị, hoạt động thực hiện và học tập các quy tắc[11]. Tóm lại, các quyết định đạo đức của con người bị chi phối đồng thời bởi những mong đợi có tính thống kê (dựa trên những tần suất quan trắc được), và bởi những suy luận Bayes về điều mà những người khác sẽ làm, và bởi những niềm tin mang tính chuẩn tắc về điều mà những người khác phải làm.

Vài nét về tác giả

Pierre-Marie Lledo

Pierre-Marie Lledo

Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS), trưởng phòng ở Viện Pasteur và thành viên của Viên Hàn lâm khoa học châu Âu.

Pierre-Marie Lledo tập trung các nghiên cứu của ông vào sự thích nghi và tái sinh các nơ-ron trong não bộ cũng như những tương tác của chúng với hệ thống miễn dịch. Ông là giám đốc nghiên cứu và giám đốc phòng thí nghiệm “Gènes et cognition” [Gen và nhận thức] ở CNRS và cũng là giám đốc đơn vị “Perception et mémoire” [Tri giác và trí nhớ] và giám đốc đào tạo “Plasticité et développement du système nerveux” [Tính mềm dẻo và sự phát triển của hệ thần kinh] ở Viện Pasteur.

Những đóng góp của ông:

Dépression et microbiote: “Une grande révolution médicale arrive” [Trầm cảm và hệ vi sinh: Một cuộc cách mạng lớn về y học đang đến”]

“Facteur C”, le QI de l’intelligence collective [“Nhân tố C, chỉ số thông minh của trí tuệ tập thể”]

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:La morale, un produit dérivé de la sélection naturelle?”, Polytechnique Insights, 8.3.2022.




Chú thích:

[1] Le grand paradoxe pour Sapiens est de posséder un cerveau dont la fonction essentielle est de garantir son individuation tout en favorisant les interactions sociales pour former un collectif homogène. [Nghịch lý lớn đối với người tinh khôn là có một bộ não với chức năng chính là bảo đảm tính cá thể đồng thời tạo thuận lợi cho các tương tác xã hội để hình thành một tập thể thuần nhất.]

[2] Decety J et Yoder KJ (2017). The emerging social neuroscience of justice motivation. Trends in Cognitive Sciences, 21(1), 6–14.

[3] Buckholtz JW et Marois R (2012). The roots of modern justice: cognitive and neural foundations of social norms and their enforcement. Nature Neuroscience, 15(5), 655–661.

[4] Darwin C (1871). The Descent of Man and Selection in Relation to Sex (Vol.I). London. UK.

[5] Tomasello M et Vaish A (2013). Origins of Human Cooperation and Morality. Annual Review of Psychology, 64, 231–255.

[6] Un pour tous, tous pour un, d’origine latine et actuelle devise de la Suisse, cette expression a été popularisée par les Trois Mousquetaires, d’Alexandre Dumas. [Một người vì mọi người, mọi người vì một người, có nguồn gốc La tinh và nay là châm ngôn của Thụy Sĩ, thành ngữ này đã được phổ biến bởi tiểu thuyết “Ba chàng Ngự lâm pháo thủ” của Alexandre Dumas].

[7] La sénescence est le processus de vieillissement biologique qui se traduit par un arrêt irréversible du cycle cellulaire aboutissant à la mort de la cellule. Au bout d’un certain nombre de divisions, les cellules finissent par ne plus se reproduire et meurent. [Senenescence là quá trình lão hóa về sinh học được thể hiện bời sự ngưng vĩnh viễn chu trình tế bào dẫn tới sự chết của tế bào. Sau một số lần tách rời, cuối cùng các tế bào không tái tạo nữa và chết.]

[8] Hamlin JK (2015). The infantile origins of our moral brains In Decety J & Wheatley T (Eds.), The Moral Brain: A Multidisciplinary Perspective (pp. 105–122). Cambridge, MA: MIT Press.

[9] Cf. Leçon inaugurale Homo sapiens, une espèce invasive Jean-Jacques Hublin du 13 janvier 2022. [Bài giảng khai mạc về Người tinh khôn, một loài xâm lấn của Jean-Jacques Hublin, ngày 13/1/2022].

[10] Yoder KJ et Decety J (2018). The Neuroscience of morality and social decision-making, Psychol Crime Law. 24(3), 279–295.

[11] Decety J et Cowell JM (2017). Interpersonal harm aversion as a necessary foundation for morality: A developmental neuroscience perspective. Development and Psychopathology, 1–12; Krueger F et Hoffman M (2016). The emerging neuroscience of third-party punishment. Trends in Neurosciences, 39(8), 499–501.



[*] Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS), trưởng phòng ở Viện Pasteur và thành viên của Viên Hàn lâm khoa học châu Âu.

Print Friendly and PDF