2.1.23

Lời tựa của Porter: Xây dựng chủ nghĩa xã hội bằng những con số. Các cuộc điều tra và tổng điều tra ở Liên Xô từ năm 1917 đến 1991

LỜI TỰA

CONSTRUIRE LE SOCIALISME PAR LES CHIFFRES. ENQUÊTES ET RECENSEMENT EN URSS DE 1917 À 1991

(XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI BẰNG NHỮNG CON SỐ. CÁC CUỘC ĐIỀU TRA VÀ TỔNG ĐIỀU TRA Ở LIÊN XÔ TỪ NĂM 1917 ĐẾN 1991)

Theodore M. Porter

Giáo sư Lịch sử các khoa học

Đại học California-Los Angeles

Karl Marx quan niệm việc lượng hoá đời sống kinh tế như là sản phẩm của chủ nghĩa tư bản. Đó cũng là trường hợp của Werner Sombart và của Max Weber, những tác giả đã mô tả kế toán như một hình thức mẫu mực của sự hợp lí hoá tư bản chủ nghĩa. Frederic Engels đối lập việc quản lí có hệ thống các doanh nghiệp lớn với một trật tự xã hội còn trong tình trạng hỗn loạn của cuộc đấu tranh cạnh tranh và lí giải sự đối lập này như là một trong những mâu thuẫn dẫn đến sự suy vong của chủ nghĩa tư bản. Tuy nhiên, ngày nay nhìn lại thì các lý thuyết gia này không dành đủ tầm quan trọng cho liên minh đã có từ lâu giữa, một mặt, sự lượng hoá kinh tế và xã hội với, mặt khác, các cấu trúc và quyền lực của Nhà nước. Thống kê, theo nghĩa rộng, đã không ngừng phát triển và tự cấu hình lại theo dòng những biến đổi của Nhà nước và nền kinh tế. Những đối thủ của chủ nghĩa tư bản, không chỉ trong các nước xã hội chủ nghĩa, đã mãnh liệt bảo vệ khoa học định lượng, vì nó được dùng như đối trọng hay cung cấp được một đối chọn trước những lực vô chính phủ của thị trường. Những nhà kĩ sư và khoa học từng viết về kinh tế chính trị học thường chọn quan điểm này, một quan điểm có thể là phổ biến nhất của thuyết kỹ trị. Kế hoạch thống kê tập trung hoá đã trở thành một trong những mâu thuẫn của chủ nghĩa xô viết, vì những con số được dùng để lãnh đạo cũng như để mô tả và vì bao giờ cũng phải đạt trên giấy tờ các mục tiêu của Kế hoạch, bất luận điều gì xảy ra trong các trang trại và nhà máy.

Như Martine Mespoulet chứng minh trong tác phẩm này, thống kê không chỉ giới hạn ở việc mô tả một thực tại xã hội chủ nghĩa mà còn góp phần xây dựng thực tại đó. Thể theo sự đồng thuận khoa học nổi lên từ phần tư cuối của thế kỉ XX, điểm chung của thống kê xã hội và khoa học hiện đại là hầu như không bao giờ có khoa học “thuần tuý” vì khoa học hiện đại không bao giờ tách biệt với thế giới công nghệ và công nghiệp. Cũng như không có một thứ bậc về sức mạnh nhân quả, theo đó những khám phá và lý thuyết bắt nguồn từ một khoa học “cơ bản” vô vị lợi sẽ được cụ thể hoá thông qua khoa học “ứng dụng”, trước khi tìm thấy được một sự sử dụng kinh tế trong các công nghệ mới. Ngược lại, có một tương tác diễn ra trên mọi hướng. Vai trò tri thức và xã hội của sự lượng hoá cũng được liên kết chặt chẽ trong sản xuất và chính quyền, không kém gì trong khoa học. Toán học và lượng hoá đã trở thành một mảng không thể thiếu của các khoa học xã hội trong thế kỉ XX, một phần vì các nhà kinh tế và các nhà xã hội học cho rằng chúng là cần thiết để đưa các khoa học xã hội thành những bộ môn hoàn toàn khoa học. Đôi lúc người ta còn giải thích sự xuất hiện của sự lượng hoá trong các khoa học xã hội như là hệ quả của việc “khoa học hoá” các khoa học này (hay “physics envy”). Nhưng các chính quyền đã thu thập và khai thác các dữ liệu xã hội dưới dạng các con số rất lâu trước khi các khoa học xã hội xuất hiện như một tập những bộ môn hàn lâm và, ngày nay, các phương pháp thống kê chọn mẫu, ước lượng, lượng hoá và mô hình hoá là những hình thức qua đó các khoa học xã hội xâm nhập vào hệ thống chính quyền một cách hiệu quả nhất. Những phương pháp của tính chặt chẽ khoa học không mấy xa với tính đơn điệu của các thủ tục xử lí thông tin của chính quyền.

Alain Desrosières (1940-2013)
Arthur Bowley (1869-1957)

Nếu chúng ta muốn xem xét các khoa học xã hội như một hoạt động đã từng và vẫn còn quan trọng trên thế giới, chúng ta không thể giới hạn phân tích chỉ ở tư tưởng xã hội và kinh tế. Trái lại, chúng ta phải, như cách Martine Mespoulet tiến hành trong tác phẩm này, quan tâm đến lịch sử các thực tiễn và các công cụ, các con số và các mô hình, sự hiểu biết thực nghiệm và lí thuyết. Có lẽ phẩm chất lớn của các công trình của Martine Mespoulet là đã định vị lại khoa học thống kê trong những thời điểm lớn của lịch sử Nhà nước Nga và xô viết. Tiếp sau các công trình của  Alain Desrosières, bà cho thấy là việc chọn mẫu không ra đời từ những nỗ lực của các nhà toán học và thống kê trong đại học, nhưng từ các nhà cải cách và các nhà thống kê trong hệ thống công quyền, những người có nhu cầu một công cụ đáng tin cậy nhằm nhanh chóng thu được thông tin vì mục đích thực tiễn. Giống như ở Pháp, việc chọn mẫu thực tin ở Nga trước tiên phục vụ các nghiên cứu chuyên khảo. Vấn đề là xác định bằng cách nào một bộ phận có thể giúp hiểu được cái toàn thể. Chỉ kể từ đầu thế kỉ XX thì một thống kê trừu tượng hơn, gắn với lí thuyết xác suất, mới mở đường cho một giải pháp mới về vấn đề này. Thống kê này dựa trên tính dự đoán được của những mẫu ngẫu nhiên. Ngay cả như thế, như Martine Mespoulet chứng minh rất chi tiết, toán học vẫn gắn chặt chẽ với những thói quen của chính quyền và những yêu cầu của chính sách.

Karl Pearson (1857-1936)
Jerzy Neyman (1894-1981)

Cũng còn thấy sự kết hợp toán học và lượng hoá hành chính ngay cả ở Jerzy Neyman. Người Ba Lan nhập cư này là một trong những nhà sáng lập thống kê như một chuyên ngành toán. Ông đến với thống kê qua ngã đại học chứ không qua hệ thống công quyền. Năm 1935, ông công bố một bài viết về chọn mẫu phân tầng, đánh dấu một bước ngoặc trong lịch sử thống kê, khi đặt ra một vấn đề rất cụ thể và ngay cả, chúng tôi dám nói là sát mặt đất: làm thế nào thu được một mẫu đại diện từ một núi tài liệu có nguồn gốc từ những cuộc điều tra. Martine Mespoulet cho thấy là nhiều ý tưởng của Neyman đã được phát triển ở Nga, đặc biệt bởi nhà thống kê A. G. Kovalevski. Tác giả này đã xây dựng lí thuyết chọn mẫu của ông từ môi trường của hệ thống công quyền lẫn từ môi trường đại học. Ông biết rõ thống kê toán mới kiểu Anh của Karl Pearson và Francis Edgeworth mà Arthur Bowley đã áp dụng đặc biệt vào các vấn đề chọn mẫu. Nhưng chính chủ yếu các nhà thống kê trong hệ thống công quyền mới nuôi dưỡng dự án nhận diện một hay nhiều làng hoặc vùng đại diện cho một tổng thể rộng hơn (tổng thể mẹ). Họ đi đến kết luận là trong chừng mực có thể điều quan trọng là đặt cơ sở những lựa chọn này trên một tổng điều tra đầy đủ, cho phép nhà thống kê nhận diện những biến quan trọng nhất mà tổng thể phụ thuộc vào. Như thế nhà thống kê có thể lựa chọn tổng thể có tính đại diện nhất, hay có thể chọn lọc nhiều tổng thể mà tính đa dạng tương ứng với tính đa dạng trong tổng thể mẹ. Các nhà thống kê quen thuộc với lí thuyết xác suất như Kovalevski (và sau này là Neyman) đã hiểu là việc chọn lựa xác đáng những mẫu tổng thể con dẫn đến một độ chính xác cao hơn việc nghiên cứu trực tiếp toàn bộ tổng thể. Họ ưu tiên cho việc chọn mẫu ngẫu nhiên trong các tổng thể con này, thu được một cơ sở xác suất cho phép ước lượng biên độ sai số.

Francis Y. Edgeworth (1845-1926)
Frédéric Le Play (1806-1882)

Điều lí thú là phân tích diễn tiến cương vị của tính ngẫu nhiên trong các thống kê xã hội và hành chính trong hai thế kỉ qua. Cho đến những năm 1900, hầu hết các nhà thống kê xem ngẫu nhiên như kẻ thù của họ. Điều kì lạ là họ đặt ngẫu nhiên trước hết gần với những nghiên cứu không có gì là thống kê. Một số tác giả Nga đã phê phán các chuyên khảo của Frederic Le Play và trường phái của ông này, vốn được nối khớp chung quanh ngân sách các hộ gia đình, vì việc lựa chọn các hộ để nghiên cứu dường như không theo một hệ thống hay kế hoạch đặc biệt nào, nhưng phụ thuộc vào đánh giá mơ hồ và trực giác của người điều tra. Như vậy, thống kê đồng nghĩa với kiểm soát hay sự “thuần hoá ngẫu nhiên” (để dùng thành ngữ của Ian Hacking), cho dù ban đầu ngẫu nhiên không mấy gắn với lí thuyết xác suất. Năm 1900, như Martine Mespoulet chỉ rõ, các nhà thống kê Nga chính đã chấp nhận sử dụng chọn mẫu ngẫu nhiên để lọc các cá thể trong một trong những tổng thể con tương đối thuần nhất, với điều kiện là ngay lúc khởi đầu một đánh giá chuyên gia đã chủ trì việc chọn các tổng thể con này. Theo nghĩa này, chọn mẫu ngẫu nhiên là một kiểu chọn mẫu máy móc, độc lập với đánh giá của con người. Nếu các công trình của Kovalevski tượng trưng cho đỉnh điểm của truyền thống này thì truyền thống ấy vẫn sống sót và ít nhiều không thay đổi qua thời kì của Stalin, một giai đoạn lí tưởng hoá hành động duy ý chí của con người và khinh thường tính thụ động dựa đơn thuần vào ngẫu nhiên.

Nghiên cứu dưới đây kết hợp tuyệt vời lịch sử của hệ thống công quyền Nga và xô-viết với lịch sử của toán học. Đây trước hết là một công trình nghiên cứu bậc thầy. Martine Mespoulet dựa trên những nguồn tư liệu Nga, mà phần lớn dường như hiếm khi, nếu không nói là chưa hề được tham khảo, vì mục đích lịch sử khoa học. Nghiên cứu xác định phạm vi của nó, một sự hoà trộn những thống kê hành chính và lí thuyết, rút ra những kết luận tổng quát hơn và nối kết với những chủ đề rộng hơn. Nghiên cứu quan tâm đến việc sản xuất số liệu thống kê, xem xét nghiêm túc năng lực và tham vọng của những người làm công tác này và những giới hạn mà họ phải đối mặt. Khi những nhà bôn-sê-vích nỗ lực buộc thống kê phục vụ những yêu cầu kế toán của kế hoạch hoá, nhiều nhà thống kê đã chống lại. Họ tin tưởng vào giá trị thực tiễn của những dữ liệu của họ nhưng đồng thời cũng trung thành với một lí tưởng khoa học. Kể từ giữa thế kỉ XIX, và không chỉ ở Nga, các nhà thống kê có thói quen một thuật hùng biện nhiệt tình về vai trò của họ: xác lập sự thật và công bố nó cho công chúng. Đối với họ, quan sát thống kê trực tiếp gắn liền với một Nhà nước có trách nhiệm và với lí tính công. Trong những lĩnh vực khác, đánh giá kĩ thuật thường kéo theo việc giữ một khoảng cách nhất định với chính trị. Nghiên cứu thực nghiệm thường được dung thứ, ngay cả bởi những người xô-viết, vì dường như ít có khả năng nó đặt lại vấn đề hệ tư tưởng của đảng. Tuy nhiên phạm vi hoạt động của các nhà thống kê xô-viết nhằm vào những thông tin quan trọng đối với các nhà lãnh đạo chính trị, vì các thông tin này cho phép đo lường tính hiệu quả của hệ tư tưởng này. Một số các nhà thống kê này đã từ chối đáp ứng những chờ đợi của các nhà lãnh đạo và đã phải cay đắng trải nghiệm các lời tố cáo và các cuộc thanh trừng.

Tác phẩm này cho thấy việc phân tích việc thu thập thông tin và phân tích các luồng thông tin có thể giúp chúng ta biết về các lí tưởng và hoạt động thường ngày của các Nhà nước như thế nào. Những cuộc điều tra ngân sách hộ gia đình chi tiết đến độ một nông dân có thể được hỏi cả nghìn câu. Do đó không thể quản lí nổi sự tích luỹ dữ liệu này. Nhà nước xô-viết muốn biết mọi thứ, nhưng đối mặt với những vấn đề tức thời, nó không thể sử dụng hay ngay cả tiêu hoá tất cả các thông tin này. Ở đây dường như sự ám ảnh của các con số đã vượt qua giới hạn của sự hợp lí hoá hành chính. Martine Mespoulet cũng cho thấy bằng cách nào các con số được trình bày và đôi lúc bị làm sai lệch để thoả mãn sự kiêu ngạo và độc tài của Stalin. Ví dụ, bà giải thích rằng Stalin biện minh cho chính sách của ông bằng cách viện đến một sự tăng trưởng đáng kể của dân số vào đầu những năm 1930. Trong thực tế ông ta dựa trên một phép ngoại suy của Gosplan (Uỷ ban kế hoạch Nhà nước Liên Xô) chứ không phải trên một cuộc tổng điều tra thật sự. Những mục tiêu của các kế hoạch năm năm phải được hoàn thành, nếu không một số đầu phải rơi. Điều đã trở thành bình thường ở phương Tây, và có lẽ cũng ở Liên Xô, là xem các con số như những thành phần của một nghi lễ. Thật vậy chúng là đối tượng của một kiểu sùng bái, cho dù thường phải xem những báo cáo có các con số phải được xem như những sản phẩm hư cấu thống kê.

Đặt thống kê trong bối cảnh của việc sử dụng nó, như Martine Mespoulet đã làm một cách tuyệt vời, không phải là điều dễ dàng. Tác phẩm này là một thành công ngoạn mục, một ví dụ lớn của truyền thống Pháp nhằm kiến giải lại lịch sử và ý nghĩa của các con số trong mối tương quan các Nhà nước và xã hội hiện đại.       

Nguyễn Đôn Phước dịch

Nguồn:Préface” trong Construire le socialisme par les chiffres. Enquêtes et recensement en URSS de 1917 à 1991 của Martine Mespoulet, Paris, INED, 2008. 

Print Friendly and PDF