Trang

Kinh tế gia cười

Kinh tế - Xã hội - Môi trường

20.7.21

Eric Olin Wright: Xây dựng lại chủ nghĩa Marx


ERIK OLIN WRIGHT: XÂY DỰNG LẠI CHỦ NGHĨA MARX
Mất vào tháng Giêng 2019, nhà xã hội học Mỹ Erik Olin Wright đã dành cuộc đời của mình để dựng lên cơ sở của một tương lai hậu tư bản cho nhân loại bằng cách tư duy lại những quan hệ giai cấp và những sự biến đổi của nó, dưới lăng kính của một chủ nghĩa Marx được cuộc điều tra thực nghiệm đổi mới.
 * * *
Erik Olin Wright (1947-2019)

Erik Olin Wright đã ra đi vào ngày 23 tháng Giêng 2019 ở tuổi 72. Là nhà xã hội học, ông được biết đến nhất với những nghiên cứu của ông về giai cấp xã hội vốn đã phục hưng những cuộc tranh luận lý thuyết và thực nghiệm về các cấu trúc giai cấp (đặc biệt với cuốn Classes (Giai cấp) xuất bản năm 1985) và dẫn các nhà xã hội học Mỹ bầu ông làm chủ tịch Hiệp Hội Xã Hội Học Mỹ. Nhưng ông cũng mãi mãi gắn bó với niềm hy vọng và dự án về một tương lại hậu tư bản cho nhân loại mà ông cho là cần thiết, khẩn cấp và có thể xảy ra, hay, để lấy lại những từ ông dùng, với ý tưởng về một chủ nghĩa xã hội dân chủ[1].


Từ hai thập niên nay, ông đã đóng góp vào việc làm cho vấn đề về những giải pháp thay thế cho chủ nghĩa tư bản và về những chiến lược biến đổi xã hội trở lại hàng đầu và đặt nó ngay vào trung tâm của lý thuyết xã hội và chính trị. Cuốn sách chính của ông trong vấn đề này và cũng là cuốn sách duy nhất được dịch ra tiếng Pháp lúc ông còn sống[2], mang cái tên Utopies réelles (Điều không tưởng có thực), tóm tắt một cách hoàn hảo phương pháp của ông: tìm kiếm những con đường cụ thể để vượt qua chủ nghĩa tư bản mà vẫn bám vào cái gì có thể có được, đoạn tuyệt với một sự thích nghi giả tạo vào thực tại, và cả với sự rút lui vào ảo tưởng của những cộng đồng mới như là một sự an ủi, hay sự sùng bái mang tính duy mĩ về cuộc bạo loạn[3], cả hai đều để lại thế giới như nó tồn tại hiện nay nguyên vẹn.
Ta không thể tìm lại và khôi phục ý nghĩa của sự nghiệp của Erik Olin Wright mà không coi trọng điều nằm ở trung tâm của dự án tri thức của ông mà ông luôn luôn nhắc lại: sự cần thiết phải xây dựng cùng lúc một lý thuyết giúp soi sáng những sự năng động cơ bản của các xã hội tư bản, một xã hội học có khả năng nắm bắt được những sự biến đổi của các giai cấp và của các quan hệ giai cấp (kể cả trong những mối tương quan của nó với các phương thức thống trị về chủng tộc hay giới), và một kim chỉ nam - hay một la bàn – cho hành động chính trị để giải phóng. Dự án này được chính ông tóm tắt như sau: xây dựng lại chủ nghĩa Marx.

Tái đầu tư vào tư tưởng Mác xít

Chính Erik Olin Wright phân tích sự lựa chọn cơ bản này trong một bài mang tính tự sự mang tên “Rơi vào chủ nghĩa Marx, lựa chọn ở lại trong đó/Tomber dans le marxisme, choisir d’y rester”. Ông đã đặc biệt nhấn mạnh đến việc đó không chỉ đơn giản là sự ghi nhận những công trình của ông trong khuôn khổ của chủ nghĩa Marx, được quan niệm như là một chương trình nghiên cứu trong bao nhiêu chương trình khác, nhưng là phát triển một lý thuyết xã hội học và mác xít có khả năng khơi mào những cuộc điều tra thực nghiệm có nhiều tham vọng và, cùng lúc, đóng góp vào việc xây dựng lại chủ nghĩa Marx.
Christopher Hill (1912-2003)
Sự dấn thân mác xít này cắm chặt vào một hành trình xã hội, chính trị và tri thức mà Erik Olin Wright mô tả trong bài này. Xuất thân trong một thành phần xã hội “được ưu đãi”, ông đã sống trong một bối cảnh gia đình trong đó xảy ra những cuộc tranh luận dữ dội (mãnh liệt), đóng góp vào một tiến trình xã hội hóa tri thức và chính trị sớm. Ông đăng ký vào đại học Harvard nơi ông theo ngành xã hội học và được chính trị hóa, như cả một thế hệ thanh niên Mỹ, trong cuộc vận động chống chiến tranh ở Việt Nam. Ông buộc phải ghi danh vào một chủng viện tôn giáo để tránh bị đi quân dịch và đến Oxford nơi ông chuyên tâm về lịch sử Cách Mạng Anh dưới sự hướng dẫn của nhà sử gia mác xít lớn Christopher Hill, và dự các bài giảng của Steven Lukes.           

Steven Lukes (1941-)
Trở lại Mỹ, lần này ở Berkeley, ông đã làm tuyên úy một năm ở trại giam San Quentin. Dựa trên nhiều cuộc thảo luận với các tù nhân, ông đã đạt được một sự hiểu biết về thế giới ngục tù và lấy nó làm đề tài cho cuốn sách đầu tiên của ông, Politics of Punishment (Chính sách trừng trị), trong đó đặc biệt ông sẽ phát triển một lý thuyết về các chức năng của ngục tù trong xã hội tư bản Mỹ, nhưng cũng có những chứng từ của các tù nhân.
Cùng lúc, ông hướng dẫn một cuộc seminar ở đại học mang tên “Điều không tưởng và cách mạng/Utopie et Révolution”, mà ông sẽ mô tả sau này như là một biểu hiện trước của dự án của ông về những điều không tưởng có thực. Như vậy, ngay trong giai đoạn đầu tiên của hành trình tri thức của ông, ý chí không muốn làm cho sự thiết kế và cuộc tranh luận lý thuyết hoạt động một cách trống rỗng - tức là không dựa trên thực tiễn của điều tra - đã hiện diện, nhưng trước hết và nhất là sự bận lòng kép, hàn lâm và chính trị, mà sự phối hợp luôn luôn để lại dấu ấn trên những công trình của ông. Để lấy lại ngôn từ kinh điển của Marx, kiến thức xã hội học không phải chỉ giúp diễn giải thế giới mà còn phải biến đổi nó.

Sự bóc lột ở trung tâm của xã hội học mác xít

Và như vậy vào khoảng cuối những năm 1960, Erik Olin Wright quyết định làm việc trong khuôn khổ của chủ nghĩa Marx và tích cực đóng góp vào sự tái xây dựng nó, trong khi vẫn đánh giá cao sự đa dạng tri thức mà một khung lý thuyết không thể nào không có, cho dù rằng nó có sáng tạo như thế nào đi nữa lúc ban đầu, nếu nó không muốn bị xơ cứng lại và biến thành giáo điều, ngày càng mất đi khả năng nắm bắt những sự biến đổi của các xã hội, và làm cho kiến thức của chúng ta về thế giới xã hội được phong phú thêm.
Michael Burawoy (1947-)
Nỗ lực để xây dựng một lý thuyết vững chắc được nêu rõ trong một bài được viết cùng với nhà xã hội học và dân tộc học mác xít chuyên về lao động Michael Burawoy, có thể được đọc như là bản tổng kết và như một dự án. Họ đưa ra một sự phê phán gay gắt về mọi mưu toan đoán trước hành trình tương lai của chủ nghĩa tư bản, và đặc biết thuyết về sự chuyển tiếp không thể nào tránh từ chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa xã hội. Thật vậy, sự phê phán này nằm ở căn nguyên của dự án của Olin Wright về các điều không tưởng có thực: nếu chủ nghĩa tư bản không đương nhiên tạo ra một cách nội sinh và tất yếu sự vượt qua nó hướng tới một xã hội không bóc lột và không áp bức, sự vượt qua phải được tư duy về mặt lý thuyết và được thể hiện về mặt chính trị.         
Trên một địa thế đã được dẹp sạch mọi triết lý về lịch sử, Olin Wright và Michael Burawoy đề nghị xây dựng xã hội học mác xít như là lý thuyết của sự tái sản xuất mâu thuẫn những quan hệ giai cấp. Ý tưởng mâu thuẫn dẫn họ đến việc đặt ở trung tâm của công việc mô tả và diễn giải về mặt xã hội học, không những việc các giai cấp tự xác định qua sự “phụ thuộc lẫn nhau” (để nói theo kiểu Norbert Elias), mà còn cả sự đối kháng cố hữu của các mối quan hệ (khách quan) giữa các giai cấp, điều duy nhất có thể giúp tư duy một cách thích đáng những chiến lược do các cá nhân hay các nhóm xã hội thực thi, và cả những cơ chế hay những sự dàn xếp về mặt định chế được xác lập trên phương diện lịch sử, trong khuôn khổ của Nhà nước hay của công ty tư bản, cũng như các sự biến đổi tác động đến chúng.


Như vậy định hướng lý thuyết này đòi hỏi phải làm sáng tỏ các khái niệm giai cấp, cấu trúc giai cấp và quan hệ giai cấp. Đó cũng chính là một trong những mục tiêu trung tâm của Erik Olin Wright từ những năm 1970 cho đến lúc ông qua đời, từ Class, Crisis and the State (Giai cấp, Khủng hoảng và Nhà Nước) (1978) đến Understanding Class (Tìm hiểu giai cấp). Đặc tính chính của cách tiếp cận của ông - và chung hơn của lý thuyết mác xít về giai cấp - là tư duy những điều này trong sự quy chiếu về sự bóc lột tư bản: cơ chế này giúp cho giai cấp thống trị (giai cấp tư bản) chiếm hữu sản phẩm xã hội dư thừa và tạo ra cấu trúc cơ bản của những sự bất bình đẳng vật chất và những quan hệ quyền lực giữa các giai cấp, tức là chính các giai cấp.
Điều này hoàn toàn không có nghĩa là phủ nhận sự tồn tại của những cơ chế bất bình đẳng khác và những hình thức bóc lột khác trong các xã hội tư bản (đặc biệt việc đàn ông chiếm hữu những sản phẩm của sự lao động không được trả tiền của phụ nữ trong khuôn khổ của gia đình khác giới), cũng như không khẳng định rằng tất cả những sự khác biệt về lối sống đều được giải thích bởi sự bóc lột tư bản; đơn giản đó chỉ là để nhắc lại rằng không thể nào né tránh những hình thức chiếm hữu và tước đoạt gắn với hình thức bóc lột này nếu muốn soi sáng cấu trúc của các xã hội của chúng ta, cả trên phương diện của những bất bình đẳng vật chất cũng như trên phương diện của những quan hệ quyền lực.

Hiểu được các giai cấp: vượt qua Bourdieu và Piketty

Pierre Bourdieu (1930-2002)
Thomas Piketty (1971-)
Một cách tiếp cận giai cấp như vậy không đơn giản chỉ mâu thuẫn với quan niệm thông thường và biện hộ cho các bất bình đẳng xã hội như là sản phẩm của những sự khác biệt cá nhân về “năng khiếu”, “tài năng”, “cố gắng” hay “công trạng”. Nó còn là độc đáo so với những cách tiếp cận phê phán về bất bình đẳng trong bối cảnh tri thức của Pháp, được phân biệt với kinh tế học về bất bình đẳng của Thomas Piketty và xã hội học về sự thống trị được Pierre Bourdieu xây dựng.
Nếu Erik Olin Wright đề cao sự phong phú của những công trình thực nghiệm được Piketty và nhóm của ông thưc hiện, ông trách Piketty đã không đưa ra một mô hình diễn giải liên hệ. Lấy thập phân vị làm đơn vị phân tích (điều gắn với một quan niệm về cấu trúc xã hội mang “tính phân tầng”, tức là dựa trên bậc thang) chủ yếu dẫn đến việc tránh vấn đề về sự bóc lột, tức là những cuộc đấu tranh và những quan hệ quyền lực giữa các giai cấp ngay tại nơi làm việc của họ, và tập trung sự chú ý không tránh được vào vấn đề của sự tái phân phối. Do đó, hoàn toàn logic khi Piketty, trong các công trình nghiên cứu khoa học cũng như trong những tham luận chính trị của mình, nhn mạnh rất nhiều đến vấn đề chế độ thuế khóa (dẫn cả đến việc đề xuất một “thuế trên tư bản ở phạm vị thế giới”)[4].         


Sự khác biệt (bất đồng) với Pierre Bourdieu nằm ở chỗ khác: nếu ông cùng chia sẻ với Bourdieu một cách tiếp cận quan hệ về giai cấp, trước hết Olin Wright tư duy các giai cấp từ vị trí của giai cấp trong phạm vi của sự sản xuất sản phẩm cho thị trường, nơi mà chiều kích này hoàn toàn không có trong các công trình của nhà xã hội học Pháp (ngoại trừ các công trình về Algérie[5]). Hơn là một sự giải thích về sự thành hình của những bất bình đẳng, xã hội học của Pierre Bourdieu cố gắng mô tả những hình thức của bạo lực biểu tượng thông qua đó những thành phần bị thống trị tán thành, ít nhất cũng là một phần, trật tư xã hội bất bình đẳng, hay đúng hơn là cách mà trật tự đó kéo dài bằng cách được ghi nhận trong cơ thể và tinh thần của các cá nhân dưới hình thức của những lối sống, thế giới quan hay đạo đức giai cấp[6].
Ngược lại, chính những cơ chế cưỡng đoạt giá trị kinh tế bởi giai cấp chủ nhân tư bản nằm ở trung tâm và căn nguyên của khung lý thuyết được Erik Olin Wright đề xuất. Điều này đòi hỏi gắn sự phân tích các giai cấp với những xung năng của sự tích lũy tư bản, nhưng cả với những sự biến đổi của Nhà Nước và chính sách công, với sự vận hành của các thị trường, với những tiến trình lao động hay những công nghệ. Và cuối cùng, nhưng không phải là ít quan trọng hơn, điều này tất yếu đặt ra vấn đề của mức độ mà các giai cấp có khả năng để bảo vệ quyền lợi của họ, của những chiến lược tập thể được thực thi và những hình thức tổ chức, cả về phía các giai cấp thống trị cũng như về phía các giai cấp bị trị hay các giai cấp trung gian, nói một cách khác đó là vấn đề đấu tranh giai cấp, một vấn đề xưa nhưng không thể nào trừ tiệt được.

Cái bẫy của “giai cấp trung lưu”

Chỉ ngừng lại ở mối quan hệ bóc lột thật ra là hoàn toàn không đủ khi buộc phải giới hạn vào sự mô tả đơn sơ cấu trúc giai cấp chỉ bao gồm ba tập hợp xã hội: một giai cấp rất nhỏ về mặt số lượng của những chủ nhân tư bản, một giai cấp đang suy tàn của những lao động tự lập (thành phần tiểu tư sản theo nghĩa cổ điển), và một giai cấp đông đảo bao gồm những cá nhân chỉ sở hữu sức lao động của họ mà thôi (thành phần làm công ăn lương).

Những phong trào xã hội hiện nay đôi khi đã tô đậm mô hình đơn sơ này khi xây dựng một sự đối lập nhị nguyên giữa “số 99%” và “số 1%”, vốn có lợi thế là nhấn mạnh đến sự tách biệt của những thành phần giàu có nhất[7], nhưng lại che giấu rõ ràng tính phức tạp của cấu trúc giai cấp trong những xã hội tư bản hiện đại, đặc biệt gắn liền với những sự phân biệt nội bộ sâu sắc trong “số 99%”. Thật vậy, một trong những điểm xuất phát của những công trình của Erik Olin Wright về giai cấp chính là vấn đề gai góc của những sự phân biệt nội bộ trong thành phần làm thuê: tập hợp 80% đến 90% của dân số hoạt động trong đa số những xã hội tư bản phát triển, dân số làm thuê chỉ có thể được mô tả như là một giai cấp với điều kiện bỏ qua những bất bình đẳng vật chất quan trọng và những vị trí bị phân hóa, thậm chí đối lập với nhau, trong cấu trúc quyền lực của những xã hội này.

Vấn đề này thường được giải quyết bởi việc viện dẫn một “giai cấp trung lưu” (…) được xác định qua một sự loại trừ kép (không phải là tư sản mà cũng không phải là vô sản) hay dựa trên một nguyên tắc thuần thống kế (là trung lưu người nào nhận được tiền lương trung bình), cho dù những nguyên tắc về sự phân biệt hóa xã hội mà “giai cấp” này là kết quả, thường không được xác định một cách nghiêm túc; một sự mơ hồ vốn đã giúp một số người kết luận về sự “phân mảnh các giai cấp”[8]. Đây là một điểm mà Erik Olin Wright đã cố gắng làm sáng tỏ trong những công trình của mình[9], khi ông đề xuất ý tưởng rằng, xuất phát từ lãnh vực của sự sản xuất, các vị trí được gọi là “trung bình” phải được xem như là những vị trí chiếm hữu đặc quyền trong khuôn khổ của những quan hệ bóc lột, theo hai trục: sự thực hành những chức năng quyền lực trong các công ty; sự sở hữu những kỹ năng (tương đối) hiếm và được công nhận về mặt xã hội dưới hình thức những bằng cấp.
Điều này đã giúp ông xây dựng một bản đồ về cấu trúc giai cấp trong các xã hội tư bản hiện đại có ưu điểm là vừa mang tính quan hệ, chặt chẽ và tinh vi, khi nó phối hợp sự đối kháng trung tâm được xác định qua quyền sở hữu các tư liệu sản xuất (nhưng vẫn phân biệt các nhà tư bản với những ông chủ nhỏ và những người lao động độc lập không thuê nhân công) và những quan hệ quyền lực nội bộ trong giới những người làm thuê[10]:
Biểu đồ 1.2. Hệ thống phân loại chi tiết

Điểm mạnh

Đặc biệt, cách tiếp cận này giúp nhấn mạnh đến nguồn gốc, trong lãnh vực sản xuất, của tính mâu thuẫn của những vị trí được coi là “trung bình”: không phải là người bóc lột cũng không phải là người bị bóc lột, nhưng vừa đứng về phía người bóc lột khi mà những người giữ những vị trí này đóng góp vào việc những người sở hữu tư bản chiếm hữu được thặng dư xã hội) vừa đứng về phía những người bị bóc lột (khi họ phải phục tùng quyền lực của chủ nhân do quy chế làm thuê của họ). Như vậy ta hiểu hơn là, do vị trí này, các nhóm người này có thể trở thành một đòn bẩy biến đổi xã hội trong vài hoàn cảnh lịch sử, nhưng thường thì là một trở ngại cho sự biến đổi này, do những quyền lợi khách quan tức thời cho sự kéo dài một trật tự vốn bảo đảm cho họ vài đặc quyền (vật chất và biểu tượng).


Một trong những điểm mạnh khác của công trình của Erik Olin Wright là đã đóng góp vào một xã hội học vĩ mô về giai cấp nay đã không còn là chủ đề nghiên cứu trong xã hội học Pháp (nhưng có thể được kết nối một cách có lợi thế với những nghiên cứu dân tộc học phong phú được thực hiện từ hai mươi năm nay[11]. Chẳng hạn ông đã thực hiện nhiều cuộc so sánh có tầm: trong thời gian, khi nêu rõ những sự tiến hóa của cấu trúc giai cấp ở Mỹ trong nửa bán thế kỷ thứ nhì của thế kỷ XX; và trong không gian khi mô tả những cấu trúc giai cấp đặc trưng của một số xã hội tư bản phát triển (đặc biệt ở Mỹ, Thụy Điển, Nhật Bản, v.v.). Bắt nguồn từ một cuộc điều tra bằng bảng câu hỏi đặt trọng tâm vào sự lao động, ông đã cố gắng soi sáng những mối quan hệ giữa cấu trúc giai cấp, ý thức giai cấp và sự thành hình giai cấp[12].         
Một cách tiếp cận như vậy, chắc hẳn là sẽ tranh cãi ranh giới vô bổ giữa các ngành xã hội học, chính trị học và kinh tế học, cuối cùng có ưu thế cung cấp những công cụ khái niệm cho phép đặt câu hỏi về những bất bình đẳng vật chất, và cả mức độ biến đổi của nhịp độ của sự tăng trưởng này, tùy theo từng nước. Đây chắc hẳn là một hiện tượng mà xã hội học không thể không tư duy mà không bỏ qua một trong những chiều kích mấu chốt của thời đại của chúng ta. Cũng như vậy, trong bối cảnh của một sự đào sâu cuộc xung đột xã hội, được đánh dấu ở Pháp bởi phong trào của “những áo vàng”, xã hội học mác xít khuyến khích chúng ta đặt lại vào trung tâm của sự quan tâm những hình thức, những logic, những tác nhân hay những hậu quả của những cuộc đấu tranh giai cấp (thiếu vắng trong các công trình nghiên cứu của Pierre Bourdieu, ngoài trừ dưới hình thức của cuộc “đấu tranh để xếp hạng”).

Dung hòa tính chặt chẽ khoa học và sự dấn thân chính trị

Ernst Bloch (1885-1977)
Một trong những chiều kích có lẽ là đáng chú ý nhất trong sự nghiệp của Erik Olin Wright là đã đứng vững trong suốt bốn mươi năm trên một dự án kép - tri thức và chính trị - mà không bao giờ chấp nhận sự dễ dãi, hay rơi vào những khẩu hiệu ngắn gọn của một thứ thuật hùng biện của người đấu tranh, hay vào sự siêu chuyên môn hóa các ngành hay xu hướng chạy theo các địa vị hàn lâm. Người ta còn có thể đưa ra ý tưởng rằng sự nghiệp của ông nằm ở giao điểm giữa cái mà nhà triết học Ernst Bloch gọi là những trào lưu nóng và lạnh của chủ nghĩa Marx: trào lưu nóng của thuyết không tưởng, cho phép vạch ra chân trời của một sự đoạn tuyệt có thể xảy ra với trật tự hiện nay, trong một bối cảnh mang dấu ấn của sự phủ nhận tân tự do mọi giải pháp thay thế; trào lưu lạnh của sự phân tích xã hội học về sự bóc lột tư bản và những bất bình đẳng, về những biến đổi và những hậu quả của những sự phân cách giai cấp.

Émile Durkheim (1858-1917)
Trong văn phong riêng của mình, ông đã làm việc này, luôn luôn biểu hiện sự chặt chẽ trong phân tích và ý chí không có gì có thể lay chuyển để mô tả và thuyết phục, với những luận chứng thuần lý, được xây dựng về mặt lý thuyết và có căn cứ về mặt thực nghiệm, trong khi vẫn coi trọng ý tưởng rằng xã hội học “sẽ không đáng một giờ lao động” - theo công thức có tính quy tắc của Durkheim - nếu không giúp soi sáng những cơ chế thông qua đó sự bất bình đẳng xã hội và sự đè bẹp những đức tinh cao cả nhất của con người kéo dài, hay để dùng từ ngữ mác xít sự bóc lột và sự tha hóa. Nơi ông, nhà bác học nhà chính trị kết hợp với nhau một cách sâu sắc, và cho dù rằng những thực tiễn xã hội học của hai người rất khác nhau, Olin Wright rất gần với quan điểm của người bạn và người cộng tác của ông là Michael Burawoy, cũng là người bảo vệ cho xã hội học mác xít và cho việc sử dụng xã hội học trong lãnh vực công cộng, và cùng chia s với ông tư thế sn sàng hỗ trợ cho các nhà nghiên cứu trẻ và sự nhiệt tình cho cuộc tranh luận chính trị-khoa học[13].
Trong khi các cuộc xung đột giai cấp càng ngày càng sâu sắc và tính độc đoán của chủ nghĩa tân tự do càng nổi bật, công trình nghiên cứu của Erik Olin Wright không chỉ biện hộ cho những cuộc điều tra khả dĩ có thể cung cấp tư liệu một cách chính xác về những sự biến đổi của cấu trúc giai cấp và những cơ chế bảo đảm cho sự tái sản xuất nó, mà còn cho một cách tiếp cận lý thuyết cho phép cung cấp, không phải chỉ một sự mô tả đơn giản, mà cả một sự diễn giải về tương lai của những xã hội của chúng ta, đặc biệt sự bùng nổ của những sự bất bình đẳng, nhưng cũng là một cách tiếp cận chính trị tìm cách xây dựng và truyền bá một giải pháp thay thế cho hệ thống kinh tế và chính trị nằm ở cội nguồn của những sự bất bình đẳng: chủ nghĩa tư bản.
Phạm Như Hồ dịch
Nguồn:Reconstruire le marxisme”, La vie des idées, 12.3.2019




Chú thích:

[1] Cần phải ghi nhận rằng cụm từ “chủ nghĩa xã hội” vẫn giữ tính triệt để (cấp tiến) của nó ở Mỹ, ngược lại với Pháp nơi mà “chủ nghĩa xã hội” đã trở thành đồng nghĩa với việc Đảng Xã Hội đã từ bỏ mọi triển vọng đoạn tuyệt với chế độ tư bản và đã chấp nhận theo xu hướng tân tự do một cách thô bạo dưới thời của tổng thống Francois Hollande từ 2012 đến 2017.

[2] Một bản dịch cuốn Class Counts đang được thực hiện do chính tác giả bài này đảm nhiệm, và sẽ được xuất bản vào mùa Xuân 2020 ở nhà xuất bản Amsterdam.

[3] Điều này hoàn toàn không xóa bỏ giá trị của những cuộc thực nghiệm mang tính tân cộng đồng (vốn chứng minh bằng hành động khả năng của những hình thức về một cuộc sống bình đẳng và hợp tác) và tiềm năng mà cuộc nổi dậy có để mở ra những sự đột phá trong trật tự hiện hành. Tuy nhiên, về một sự phê phán những ngõ cụt chiến lược kết hợp với những sự lựa chọn này, xem U. Palheta, “L’insurrection qui revient. Les influences visibles du Comité invisible (Sự khởi nghĩa đang trở lại. Những ảnh hưởng có thể thấy của Ủy ban vô hình)”, La Revue du Crieur (Tập san của người rao), 2016/2, số 4.

[4] Nhân dịp này, phải thấy rằng đề xuất này là một điều không tưởng trừu tượng hơn là một “điều không tưởng thực tế” theo nghĩa của Erik Olin Wright, khi mà Thomas Piketty thật sự không bỏ công ra để xem xét những điều kiện thực thi của nó. Lý do là ta khó có thể hình dung được vì sao những chính phủ có thể kết hợp với nhau để thiết kế một loại thuế như vậy mà không có một áp lực cùng lúc của những người làm công ở một số rất lớn những nước để ủng hộ nó (điều ít nhất khó có thể xảy ra trong bối cảnh của một sự toàn cầu hóa tân tự do bảo đảm sự canh tranh giữa những người làm công và cả giữa những hệ thống xã hội và thuế má).

[5] Về sự phân tích vị trí của lao động trong xã hội học của P. Bourdieu, xem M. Quijoux (chủ biên), Bourdieu et le travail (Bourdieu và lao động), Rennes, PUR, 2015.

[6] Xem P. Bourdieu, La Distinction. Critique sociale du jugement (Sự Cách Biệt. Phê phán xã hội sự phán đoán), Paris, Minuit, 1979. Để có sự cập nhật mới nhất, xem: R. Caveng, F. Darbus, F. Denord, D. Serre và S. Thine, “Des morales de classe?” (“Đạo đức giai cấp?”), Actes de la Recherche en Sciences Sociales, 218, số 224.

[7] Đặc biệt xem: B. Cousin, C. Giorgetti. J. Naudet và S. Paugam, Ce que les riches pensent des pauvres (Những người giàu có nghĩ gì về những người nghèo khổ), Paris, Seuil, 2017.

[8] Xem H. Mendras, La Seconde révolution française (Cuộc cách mạng Pháp thứ hai), Paris, Gallimard, 1988.

[9] Ta có thể phân biệt ba giải pháp lý thuyết được Erik Olin Wright đề nghị cho vấn đề “các giai cấp trung lưu”, giải pháp thứ nhất trong cuốn Class, Crisis and the State (Giai cấp, Khủng hoảng và Nhà Nước) (1978), giải pháp thứ hai trong Giai cấp, và giải pháp thứ ba trong Class Counts (Giai cấp là quan trọng) (1997).

[10] Về sơ đồ, xem: E. O. Wright, Class Counts, Cambridge, Cambridge University Press, 1997, trg. 22.

[11] Để có một cái nhìn tổng quát về các giai cấp trung lưu, xem: Y. Siblot, M. Cartier, I. Coutant, O. Masclet, N. Renahy, Sociologie des classes populaires contemporaines (Xã hội học về các giai cấp bình dân hiện đại), Paris, Armand Colin, 2015. Xem thêm hồ sơ mới được xuất bản trong Tạp chí Politix (2018, số 122) dành cho những thành phần bảo thủ trong các giai cấp bình dân, do Amélie Beaumont, Raphael Challier và Guillaume Lejeune làm chủ biên. Cho một tiểu luận (hiếm có) xã hội học vĩ mô về các giai cấp ở Âu Châu, xem C. Hugrée, É. Penissat và A. Spire, Les classes sociales en Europe. Tableau des nouvelles inégalités sur le vieux continent (Giai cấp xã hội ở Âu Châu. Bảng đồ về những bất bình đẳng mới ở Lục địa cũ), Marseille, Angone, 2017.

[12] Khái niệm “sự hình thành giai cấp” (class formation) chỉ, trong tinh thần của sự nghiệp cổ điện của nhà sử học Anh E.P. Thompson, tiến trình xã hội lịch sử thông qua đó các lực tập thể được xây dựng để bảo vệ những quyền lợi giai cấp, hay dùng ngôn từ của Marx, khi một “giai cấp tự nó” trở thành một “giai cấp vì nó”.

[13] Xem công trình sẽ được xuất bản vào mùa Xuân tại nhà xuất bản Amsterdam, mang tên Conversations avec Bourdieu (Đàm thoại với Bourdieu).