4.2.15

PIERRE BOURDIEU

PIERRE BOURDIEU 


I. ĐỘNG LỰC ĐỊNH HƯỚNG
Pierre Bourdieu sinh năm 1930 và lớn lên ở một làng miền núi hẻo lánh ở vùng Pyrénées, phía tây nam nước Pháp, nơi mà cha của ông là một nông dân lĩnh canh và sau đó là một người đưa thư. Cuối thập niên 1940, ông đã chuyển đến Paris để học Trường École Normale Supérieure (Trường Đại học sư phạm) danh giá. Vào thời điểm đó triết học là ngành học vua và là môn bắt buộc cho bất cứ người nào muốn được công nhận như là trí thức. Nhưng rồi ông nhanh chóng không thỏa mãn với “triết học về chủ thể” mà đại diện là thuyết hiện sinh của Sartre – lúc ấy là thuyết thống trị – và hướng đến “triết học về khái niệm” vốn gắn liền với các công trình của nhà nhận thức luận Gaston Bachelard, Georges Canguilhem và Jules Vuillemin, cũng như đến những lý thuyết hiện tượng học của Edmund Husserl và Maurice Merleau-Ponty. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau khi tốt nghiệp, Bourdieu đã từ bỏ dự án nghiên cứu mà ông đã từng dự định về đời sống tình cảm vốn phối hợp triết học, y học và sinh học, và cũng như những học viên lẫy lừng khác của trường École Normale Supérieure, chẳng hạn như Émile Durkheim và Maurice Halbwachs đã từng làm trước ông, ông đã chuyển sang [lãnh vực] khoa học xã hội.
Việc chuyển đổi này được thúc đẩy bởi sự kết hợp của hai sự kiện. Ở cấp độ cá nhân, việc đối mặt trực tiếp với những thực tại kinh khủng của chính sách thực dân và cuộc chiến tranh ở Algeria (nơi mà ông đã được gởi đến để thi hành nghĩa vụ quân sự) đã thúc đẩy Bourdieu chuyển sang ngành Dân tộc học và Xã hội học để hiểu cuộc biến động lớn về mặt xã hội mà sự xung đột giữa chủ nghĩa tư bản thống trị và chủ nghĩa quốc gia sở tại gây ra. Do đó, những công trình đầu tiên của ông, Người dân Algeria (The Algerians), Lao động và những người lao động ở Algeria (Work and Workers in Algeria) và Mất gốc rễ: Sự khủng hoảng của nền nông nghiệp truyền thống ở Algeria (The Uprooting: The Crisis of Traditional Agriculture in Algeria) (Bourdieu 1958/1962, Bourdieu và cộng sự, 1963, Bourdieu và Sayad 1964) đã phân tích tổ chức xã hội và nền văn hóa của xã hội bản địa và ghi chép sự sụp đổ trầm trọng của nó dưới sức ép của chế độ lao động được trả lương, quá trình đô thị hóa, và chính sách mang danh nghĩa bình định của quân đội Pháp, trong một nỗ lực để soi sáng và trợ giúp cho sự ra đời đau đớn của một đất nước Algeria độc lập. Cũng vào khoảng thời điểm này, Bourdieu đã sử dụng những công cụ mới phát hiện của ngành khoa học xã hội quay trở lại ngôi làng thời ấu thơ của chính mình để cố gắng thấu hiểu sự sụp đổ của xã hội nông nghiệp ở Âu châu đã phát triển mạnh vào những thập niên sau chiến tranh và nét riêng biệt của chính cái nhìn xã hội học (Bourdieu 2002/2007)[1].
Những công trình khảo sát thời trẻ này đã để lại dấu ấn trên toàn bộ sự nghiệp của Bourdieu: chúng là sản phẩm của một thứ khoa học dấn thân, không chấp nhận định kiến về ý thức hệ nhưng quan tâm đến những vấn đề chính trị xã hội nóng bỏng của thời đại và đáp lại những nan đề đạo đức mà những vấn đề này gây ra. Và chúng biến những câu hỏi lớn của triết học cổ điển và lý thuyết xã hội thành những cuộc nghiên cứu thường nghiệm cụ thể nhờ áp dụng một loạt phương pháp do truyền thống khoa học đem lại cũng được áp dụng một cách không khoan nhượng trên chính nhà xã hội học.
Ở một cấp độ tri thức, sự tuyệt giao của Bourdieu với triết học có thể được thực hiện do sự suy tàn của thuyết hiện sinh và sự tái sinh tương liên của ngành khoa học xã hội ở Pháp sau một nửa thế kỉ bị lu mờ. Dưới ngọn cờ rộng lớn của “cấu trúc luận”, đề án nghiên cứu của những người theo trường phái Durkheim về một ngành khoa học toàn diện về xã hội và văn hóa đang được hồi sinh và được hiện đại hóa nhờ Georges Dumézil trong thần thoại học so sánh, Fernand Braudel trong sử học và Claude Lévi-Strauss trong nhân học. Đã đến lúc người ta có thể hoàn thành những tham vọng học thuật lớn lao, và thể hiện những động lực thúc đẩy sự tiến bộ về mặt chính trị ở bên ngoài Đảng Cộng sản, bằng cách đi theo những ngành học thường nghiệm đầy sinh lực mới được tái thiết[2]. Vì vậy, Bourdieu đã bắt đầu tái thiết lập tính chính đáng về mặt khoa học cũng như mặt dân sự của ngành xã hội học ngay trên quê hương của nó, nơi mà nó đã từng là một môn khoa học bị xem thường kể từ sau khi Durkheim qua đời và sau cái chết của những học trò của ông vì Chiến tranh thế giới thứ nhất.
Georges Dumézil (1898-1986)
Fernand Braudel (1902-1985)
Claude Lévi-Strauss (1908-2009)
Đầu những năm 60, Bourdieu đã từ Algiers trở lại Paris nơi mà ông được bổ nhiệm là Giám đốc Nghiên cứu tại Trường nghiên cứu cao cấp về khoa học xã hội (École des hautes études en sciences sociales) cũng như giám đốc của Trung tâm Xã hội học Âu châu mới được thành lập. Ở đó, ông tiếp tục thực hiện công trình dân tộc học về nghi lễ, dòng họ và sự biến đổi xã hội ở Algeria (được in trong Đề cương Lý thuyết về hành động thực tiễn - Outline of a Theory of Practice - và Algeria 1960, Bourdieu 1972/1977 và 1977) và bắt đầu nghiên cứu xã hội học về việc giáo dục ở nhà trường, nghệ thuật, giới trí thức và chính trị. Những lãnh vực này cuốn hút ông bởi vì ông cảm nhận rằng, ở những xã hội Tây phương thịnh vượng thời hậu chiến, “vốn văn hóa” – những văn bằng do hệ thống giáo dục cấp phát và sự thông thạo với văn hóa tư sản – trở nên một nhân tố chính định đoạt những cơ may trong cuộc sống và [cảm nhận] rằng, dưới chiêu bài tài năng cá nhân và tài năng về học thuật, sự phân phối vốn văn hóa một cách bất bình đẳng này đang giúp duy trì hệ thống thứ bậc trong xã hội. Điều này đã được ông chứng minh trong công trình Những kẻ thừa kế (The Inheritors) và Sự tái sản xuất trong Giáo dục, Văn hóa và Xã hội (Reproduction in Education, Culture, and Society) (Bourdieu và Passeron 1964/1979 và 1970/1977), hai cuốn sách đã tác động đến cuộc tranh luận về hệ thống giáo dục về mặt học thuật và chính sách và làm cho ông trở thành người sáng lập “lý thuyết tái sản xuất” (một từ dễ gây nhầm lẫn, mà chúng tôi sẽ sớm trình bày dưới đây).
Trong những năm 70, Bourdieu tiếp tục khai thác một loạt chủ đề rộng ở giao điểm của văn hóa, giai cấp và quyền lực, dạy ở Trường nghiên cứu cao cấp về khoa học xã hội (École des hautes études en sciences sociales), và đứng đầu một nhóm nghiên cứu biên tập tạp chí Kỹ yếu nghiên cứu khoa hoc xã hội (Actes de la recherche en sciences sociales), một tạp chí liên ngành mà ông đã thành lập năm 1975 để phổ biến những kết quả mới nhất về việc nghiên cứu xã hội và bước vào nghiên cứu những vấn đề xã hội nổi cộm với một quan điểm khoa hoc nghiêm cẩn. Năm 1981, việc xuất bản những công trình chính của ông Sự cách biệt (Distinction) và Lô-gic của hành động thực tiễn (Logic of Practice) (Bourdieu 1979/1984 và 1980/1990) đã giúp ông trở thành Giáo sư Xã hội học ở Học viện Pháp quốc (Collège de France) vốn bị bỏ trống sau khi Raymond Aron về hưu, cùng lúc trở nên nổi tiếng toàn cầu. Những năm 1980, việc nghiên cứu đầy gian nan được tiến hành trong hơn hai thập niên trước đã đơm hoa kết quả trong những cuốn sách được tán thưởng như Ngôn ngữ và Quyền lực biểu trưng (Language and Symbolic Power), Con người Hàn lâm (Homo Academicus), Giới quí tộc Nhà nước  (The State Nobility) và Những qui tắc của Nghệ thuật (The rules of Art) (Bourdieu 1982/1990, 1984/1988, 1989/1997, 1992/1997).
Trong thập niên cuối đời, Pierre Bourdieu đã mở rộng việc nghiên cứu xã hội học của mình về của cải biểu tượng (tôn giáo, khoa học, văn học, hội họa, và việc xuất bản), và nghiên cứu những chủ đề mới, như sự thống khổ xã hội, sự thống trị của nam giới, lịch sử hình thành và phương thức vận hành đương thời của bộ máy nhà nước quan liêu, những cơ sở xã hội và sự kiến tạo về mặt chính trị nền kinh tế, báo chí và truyền hình, và những phương tiện định chế nhằm xây dựng một chính sách xã hội Âu châu (Bourdieu và cộng sự, 1993/1998, Bourdieu 1996/2001, 2001/2005). Ông trình bày lại một cách rõ ràng hơn và đào sâu lý thuyết về hành động thực tiễn của mình trong công trình Những suy tưởng của Pascal (Pascalian Meditations) (Bourdieu 1997/2000), cuốn sách chứa đựng nhiều tham vọng nhất của ông, trong đó ông cũng đưa ra sự phê phán lối lập luận kinh viện và một cách giải quyết theo kiểu xã hội học về mâu thuẫn giữa thuyết duy lý và thuyết sử luận. Ông đã tham gia vào những cuộc đối thoại mở rộng với những chuyên ngành gần và quay trở lại với mối quan tâm thời trẻ của mình trong việc nghiên cứu khoa học (Bourdieu 2001/2005).
Trong suốt thời kì này, Bourdieu ngày càng xuất hiện công khai hơn trên chính trường của Pháp và châu Âu khi mà trong xã hội đang nổi lên những hình thái mới về sự bất bình đẳng và xung đột xã hội, gắn liền với sự thống trị ngày càng mạnh của ý thức hệ thị trường. Sự thống trị này đã thách thức những mục tiêu và tổ chức truyền thống của Cánh tả và đòi hỏi phải có những hình thức tham gia mới của trí thức. Dù cho ông có tính nhút nhát bẩm sinh và sự miễn cưỡng đối với “trò chơi truyền thông”, tuy nhiên ông sớm mang danh là nhà tư tưởng xuất sắc, chức danh mà trước đây Jean-Paul Sartre và Michel Foucault nắm giữ, và trở thành một trong những nhà trí thức lỗi lạc nhất của công chúng trên thế giới và nhà phê bình danh tiếng nhất về thuyết tân tự do (neoliberalism)[3].  Điều này vẫn là một trong những mục đích ông muốn thực hiện trong tác phẩm của mình, cụ thể là, làm cho khoa học xã hội trở thành một thứ quyền lực biểu trưng để đối trọng một cách hiệu quả và thành bà đỡ cho những động lực xã hội đấu tranh cho sự công bằng xã hội và luân lý công dân (Wacquant 2005). Điều này giải thích vì sao cái chết đột ngột của ông vào tháng 1-2002 đã khơi dậy lòng tôn kính vô bờ từ những nhà lãnh đạo chính trị, những cán bộ công đoàn và những nhà hoạt động xã hội, những nhà khoa học và những nghệ sĩ từ các nước khắp Âu châu và vô số những thông điệp thương tiếc trên toàn thế giới (nhà sử học Carl Schorske so sánh ảnh hưởng của nó đến giới tinh hoa ở Châu Âu với ảnh hưởng của cái chết của Voltaire).
II. NHỮNG VẤN ĐỀ CHÍNH
1) MỘT MÔN KHOA HỌC VỀ HÀNH ĐỘNG THỰC TIỄN VÀ MỘT SỰ PHÊ PHÁN VỀ SỰ THỐNG TRỊ
Với 37 cuốn sách và khoảng 400 bài báo thường diễn đạt với một thứ đặc ngữ kỹ thuật khó hiểu, tư tưởng của Bourdieu thoạt nhìn có vẻ tản mác và dễ gây nản chí, nếu không muốn nói là khó nuốt. Nhưng ẩn tàng bên dưới những đối tượng thường nghiệm đa dạng dễ gây bối rối mà ông nghiên cứu là một tập hợp bao gồm một số nguyên tắc lý thuyết, một số công cụ khái niệm và những ý hướng về khoa học và chính trị mang lại cho những công trình của ông tính nhất quán và tính liên tục đặc biệt. Sự nghiệp đồ sộ của Bourdieu vừa là một bộ môn khoa học về hành động thực tiễn của con người trong những biểu hiện đa dạng nhất của nó và đồng thời cũng là một sự phê phán về sự thống trị theo cả nghĩa từ của Kant và của Marx về thuật ngữ này.
Ngành xã hội học của Bourdieu mang tính phê phán, trước hết là về những phạm trù được kế thừa và những cách tư duy được chấp nhận, và những mô thức quy tắc tinh vi vốn được sử dụng bởi những nhà kỹ trị và những nhà trí thức nhân danh văn hóa và tính duy lý. Tiếp đó, nó phê phán những khuôn mẫu quyền lực và đặc quyền đã được thiết lập cũng như những khuôn mẫu chính trị hỗ trợ cho chúng. Đảm bảo cho sự phê phán song đôi này là sự đánh giá và phân tích những quá trình đa diện giúp cho trật tự xã hội che dấu sự võ đoán của nó và duy trì sự tồn tại của nó bằng cách tạo dựng nên nơi những người cấp dưới sự thừa nhận trong thực tế hệ thống thứ bậc đương thời, thậm chí sự ưng thuận đối với hệ thống này. Lối giải thích về bạo lực biểu tượng - việc áp đặt tinh vi những hệ thống ý nghĩa nhằm chính đáng hóa và nhờ đó củng cố những cấu trúc bất bình đẳng - cũng đồng thời chỉ ra các điều kiện xã hội mà trong đó, người ta có thể thách thức, thay đổi hay thậm chí lật đổ những trật tự đẳng cấp này[4]. 
Có bốn lời chú giải có thể giúp chúng ta có được cảm nhận ban đầu về dự án tri thức và phong cách riêng biệt của Bourdieu. Trước hết, quan niệm của ông về hành động xã hội, cấu trúc xã hội và tri thức xã hội hoàn toàn mang tính nhất nguyên luận hay là chống lại thuyết nhị nguyên. Nó cố gắng phá vỡ hoặc hủy bỏ những cặp đối lập vốn đã được đặt định từ rất lâu trong những cuộc tranh luận trong khoa học xã hội: giữa hai kiểu thiết lập lý thuyết theo lối chủ quan và lối khách quan, giữa những chiều kích vật chất và biểu trưng của đời sống xã hội, cũng như giữa sự diễn giải và sự giải thích, đồng đại và lịch đại, và giữa cấp độ vi mô và cấp độ vĩ mô của việc phân tích. 
Thứ hai, tư tưởng và hành động thực tiễn khoa học của Bourdieu thật sự mang tính tổng hợp vì nó cùng lúc vượt lên những sự phân chia chuyên ngành, lý thuyết và phương pháp luận. Xét trên phương diện lý thuyết, nó là nơi hội tụ những dòng chảy trí tuệ mà các truyền thống học thuật đã cho như là không thể hòa hợp hoặc xung khắc với nhau: Marx và Mauss, Durkheim và Weber, và cả những tư tưởng triết học khác nhau của Cassirer, Bachelard, và Wittgenstein, những tư tưởng của thuyết hiện tượng học của Merleau-Ponty và Schultz, và những lý thuyết về ngôn ngữ của Saussure, Chomsky và Austin. Về phương diện phương pháp luận, những sự nghiên cứu của Bourdieu kết hợp một cách điển hình những kỹ thuật thống kê với sự quan sát trực tiếp và những sự phân tích các mối tương tác, các diễn ngôn và tài liệu[5].
Thứ ba, cũng giống như Max Weber, quan điểm của Bourdieu về xã hội cơ bản mang tính bút chiến (agonistic): đối với ông, thế giới xã hội là nơi của sự cạnh tranh vô tận và gay gắt, trong đó và qua đó nảy sinh những sự khác biệt vốn là chất liệu và nguyên tắc của sự tồn tại xã hội. Chính sự tranh chấp, chớ không phải là trạng thái ổn định, mới là đặc điểm có ở khắp mọi nơi trong đời sống tập thể, đặc điểm mà những công trình nghiên cứu khác nhau của ông muốn làm sáng tỏ và dễ hiểu. Chính sự tranh đấu, chớ không phải là “quá trình tái sản xuất”, mới là phép ẩn dụ chính trong cốt lõi của tư tưởng của ông.
Cuối cùng và có liên quan đến những điều vừa nói, nhân học triết học của Bourdieu không dựa trên ý niệm về lợi ích nhưng dựa trên ý niệm về sự công nhận – và ý niệm đi đôi với nó, sự không thừa nhận. Trái ngược với cách hiểu (sai) thông thường về các tác phẩm của ông, lý thuyết của ông không phải là một lý thuyết duy lợi (utilitarian theory) về hành động xã hội, theo đó những cá nhân xây dựng chiến lược [của mình] một cách có ý thức để tích lũy sự giàu có, địa vị hoặc quyền lực. Cùng dòng tư tưởng với Blaise Pascal, Bourdieu cho rằng căn nguyên tối hậu của việc hành xử là sự khao khát phẩm giá, điều mà duy chỉ có xã hội mới có thể đáp ứng được. Chỉ bằng cách có được một danh nghĩa, một vị trí, một chức vụ trong một nhóm hoặc một định chế thì cá nhân mới có thể hy vọng thoát khỏi những sự bất trắc, tính hữu hạn, và sự phi lý cơ bản về cái tồn tại. Con người trở nên như thế là nhờ việc chấp nhận “sự xét đoán của những người khác, nguyên lý cơ bản về sự bất trắc và sự bất an, nhưng cũng là nguyên lý về sự chắc chắn, sự đảm bảo, tôn vinh, mà không hề có sự mâu thuẫn [giữa hai nguyên lý này] (Bourdieu 1997/2001: 237). Do vậy, sự tồn tại xã hội có nghĩa là sự khác biệt, và sự khác biệt bao hàm hệ thống thứ bậc, dẫn đến sự biện chứng không ngừng về sự ưu tú (distinction) và sự tham vọng (pretention), sự công nhận và sự không công nhận, sự võ đoán và sự tất yếu.
2) XÂY DỰNG ĐỐI TƯỢNG CỦA NGÀNH XÃ HỘI HỌC
Gaston Bachelard (1884-1962)
Một trong những khó khăn chính trong việc hiểu Bourdieu nằm ở triết lý về khoa học mà ông hướng đến vừa khác biệt – và đối lập – so với hai truyền thống nhận thức luận vốn đã thống trị khoa học xã hội Anh-Mỹ (Anglo-American) và những ngành khoa học về tinh thần (Geisteswissenschaften) của Đức, cụ thể là, thực chứng luận và thông diễn học. Quan niệm này về khoa học giống với những công trình của trường phái “nhận thức luận sử học” của Pháp mà những người tiên phong là các nhà triết học Bachelard và Canguilhem (mà Bourdieu là học trò của họ), nhà toán học Jean Cavaillès và nhà nghiên cứu lịch sử trí tuệ Alexandre Koyré[6].
Georges Canguilhem (1904-1995)
Trường phái này, vốn đã đưa ra trước nhiều ý tưởng sau này sẽ được phổ biến trong lý thuyết của Thomas Kuhn về những hệ hình khoa học, hiểu sự thật như “lỗi sai được chỉnh sửa” bằng một sự nỗ lực vô hạn để loại bỏ những tiền ý niệm vốn xuất thân từ lý lẽ thông thường (common sense) trong đời sống bình thường cũng như trong lãnh vực học thuật. Vừa cách biệt với thuyết hình thức luận lý thuyết (theoretical formalism) và thao tác luận thường nghiệm (empiricist operationalism), trường phái này chỉ ra rằng những sự kiện tất yếu gắn với lý thuyết, rằng những quy luật luôn là “những giả thuyết ổn định nhất thời” (theo những lời của Canguilhem), và chỉ ra rằng quá trình nhận thức mang tính duy lý phát triển thông qua một quá trình tranh luận tập thể và kiểm soát lẫn nhau. Và trường phái này khẳng định rằng đặc điểm của những khái niệm không nằm trong những định nghĩa tĩnh mà trong những cách sử dụng hiện nay, những mối liên hệ qua lại và những ảnh hưởng của chúng trong công việc nghiên cứu. Vì khoa học không phản ánh thế giới: nó là một hoạt động sản xuất vật chất của những “đối tượng được tinh lọc” – Bachelard còn gọi chúng là “những đối tượng thứ cấp”, đối lập với “những đối tượng sơ cấp” vốn thuộc lãnh địa của kinh nghiệm hằng ngày.
Jean Cavaillès (1903-1944)
Trong cuốn sách Nghề Xã hội học (The Craft of Sociology), một cuốn sách dẫn nhập về nhận thức luận xã hội học được xuất bản lần đầu tiên năm 1968, Bourdieu vận dụng “thuyết duy lý ứng dụng” vào việc khảo sát xã hội[7]. Ông cho rằng, cũng giống như bất cứ đối tượng khoa học nào, những sự kiện xã hội học không có sẵn trong thực tại xã hội: chúng phải “được chinh phục, được kiến tạo và được xác minh” (Bourdieu, Passeron và Chamboredon 1968/1990: 24). Ông tái khẳng định “cái tôn ti thứ bậc về mặt nhận thức luận” (epistemological hierarchy) vốn quy định rằng việc thu thập dữ liệu thực nghiệm phải phụ thuộc việc kiến tạo khái niệm, mặt khác việc kiến tạo khái niệm phải phụ thuộc vào việc đoạn tuyệt với lối tri giác thông thường. Việc đo lường thống kê, việc phê phán về mặt lôgic và về mặt từ vựng học, và quá trình sáng tạo các khái niệm và các cách đặt vấn đề là ba công cụ tối ưu để thực hiện sự tuyệt giao cần thiết với “xã hội học tự phát” và để hiện thực hóa “nguyên tắc về sự phi ý thức”, theo đó nguyên nhân của những hiện tượng xã hội sẽ được khám phá, không phải nơi ý thức của những cá nhân, mà là nơi hệ thống các mối quan hệ khách quan mà những cá nhân này đang vướng vào.
Alexandre Koyré (1892-1964)
Khi ông đạt đến thao tác mang tính quyết định nhất, tức là việc kiến tạo đối tượng, Bourdieu dựa trên ba nguyên tắc có liên quan mật thiết với nhau. Nguyên tắc thứ nhất có thể được gọi là thuyết đa thần phương pháp luận (methodological polytheism): khai triển thủ tục quan sát và kiểm chứng nào phù hợp nhất với vấn đề đang được nghiên cứu và liên tục đối chiếu những kết quả được đem lại bởi những phương pháp khác nhau. Thí dụ, trong cuốn sách Tầng lớp quý tộc Nhà nước (The State Nobility), Bourdieu (1989/1996) phối hợp các kết quả có được qua các bảng biểu và qua phương pháp phân tích nhân tố từ những dữ liệu điều tra, những tài liệu văn bản về các xu hướng lịch sử, các hồ sơ phân loại, việc phân tích diễn ngôn và phân tích tài liệu, các cuộc phỏng vấn điền dã, và những mô tả dân tộc học để khám phá xem những trường học danh giá nhất đã đóng góp như thế nào vào sự ổn định sự phân công lao động trong giai cấp cầm quyền. Nguyên tắc thứ hai đòi hỏi chúng ta phải có sự chú ý một cách ngang bằng về mặt nhận thức luận đối với tất cả các thao tác, từ việc thu thập lại các nguồn [dữ liệu] và việc thiết kế các bảng câu hỏi cho đến việc xác định các dân số, các mẫu điều tra, và các biến số, cho đến những qui định về cách mã hóa và việc tiến hành các cuộc phỏng vấn, các cuộc quan sát, và các biên bản gỡ băng phỏng vấn. Bởi lẽ bất cứ hành vi nghiên cứu nào, kề cả những hoạt động trần tục và sơ đẳng nhất, đều phải ăn khớp một cách trọn vẹn với cái khung lý thuyết vốn lèo lái và qui định hành vi ấy. Điều này quy định một mối quan hệ hữu cơ, đích thực là một sự hòa quyện thực sự, giữa lý thuyết và phương pháp.  
      

Nguyên tắc thứ ba theo Bourdieu là nguyên tắc về tính phản tư phương pháp luận (methodological reflexivity): đó là việc đặt vấn đề một cách không khoan nhượng về chính phương pháp ngay trong chính tiến trình mà nó được sử dụng (xem cụ thể Bourdieu 1984/1988: chương 1, “Một cuốn sách để đốt?”). Bởi lẽ, cũng như ba giai đoạn cơ bản của lý tính khoa học xã hội, sự đoạn tuyệt, sự kiến tạo, sự kiểm chứng, không thể bị tách rời nhau, sự kiến tạo đối tượng cũng không bao giờ được hoàn tất chỉ trong một lần. Thay vì thế, sự biện chứng giữa lý thuyết và sự kiểm chứng được lập lại một cách bất tận trong từng bước đi trong suốt quá trình nghiên cứu. Chỉ khi thực hiện “sự giám sát ở cấp độ thứ ba” nói trên, theo cách gọi của Gaston Bachelard, thì nhà xã hội học mới có thể hy vọng chế ngự được những sự trở ngại đa chiều thường xuất hiện trên con đường của một ngành khoa học về xã hội.
3) VƯỢT LÊN SỰ ĐỐI LẬP GIỮA TRƯỜNG PHÁI KHÁCH QUAN VÀ TRƯỜNG PHÁI CHỦ QUAN: TẬP TÍNH (HABITUS), VỐN, TRƯỜNG, DOXA 
Trong số những trở ngại này, trở ngại chính là sự đối lập sâu sắc giữa hai lập trường lý thuyết có vẽ như đối chọi nhau, trường phái khách quan và trường phái chủ quan, mà Bourdieu cho rằng có thể và phải vựơt qua. Trường phái khách quan cho rằng thực tại xã hội bao gồm tập hợp những mối quan hệ và những thế lực được áp đặt lên trên các tác nhân, “bất chấp ý thức và ý chí của họ” (để nhắc lại công thức nổi tiếng của Marx). Từ quan điểm này, ngành xã hội học buộc phải theo chủ trương của Durkheim và “xem các sự kiện xã hội như những đồ vật” để có thể khám phá hệ thống khách quan của các mối quan hệ vốn qui định lối ứng xử và những hình tượng của các cá nhân. Trái lại, trường phái chủ quan xem những hình tượng cá nhân này như là nền tảng của nó: với Herbert Blumer và Harold Garfinkel, thuyết này khẳng định rằng thực tại xã hội chỉ là tổng thể của vô số hành động lý giải nhờ đó con người cùng nhau kiến tạo nên những dòng ý nghĩa của hành động (tương tác với nhau).
Do vậy, có hai cách giải thích trái ngược nhau về thế giới xã hội: một cách giải thích kiểu ‘cấu trúc luận’ vốn tìm kiếm những mẫu hình vô hình về các mối liên hệ đang vận hành ở đằng sau các tác nhân và một cách giải thích theo kiểu ‘kiến tạo luận’ vốn khảo sát kỹ lưỡng các tri giác và các hành động thông thường của cá nhân. Bourdieu cho rằng sự đối lập giữa hai cách tiếp cận này mang tính giả tạo và không đầy đủ. Vì “hai giai đoạn, khách quan và chủ quan, nằm trong mối quan hệ biện chứng” (Bourdieu 1987/1994: 125). Một mặt, những cấu trúc xã hội mà nhà xã hội học khám phá trên phương diện khách quan, bằng cách tạm gác sang một bên những hình tượng mang tính chủ quan của tác nhân, tạo nên những khuôn mẫu cho những hành động thực tiễn của tác nhân bằng cách thiết lập những sự ràng buộc và ấn định những con đường họ có thể theo. Nhưng, mặt khác, những hình tượng này, và các cấu trúc tâm thức làm nên nền tảng của chúng cũng cần phải được xem xét , bởi vì chúng định hướng cho những cuộc đấu tranh của cá nhân và tập thể, thông qua đó các tác nhân cố gắng gìn giữ hay biến đổi những cấu trúc khách quan này. Quan trọng hơn, các cấu trúc xã hội và các cấu trúc tâm thức được kết nối với nhau bằng mối liên hệ hai chiều trên phương diện cấu thành và sự tương ứng với nhau.
Để tạo hiệu lực cho sự tổng hợp này giữa trường phái khách quan và trường phái chủ quan, giữa vật lý học xã hội và hiện tượng học xã hội, Bourdieu sáng tạo một kho vũ khí khái niệm độc đáo gắn chặt với các ý niệm tập tính (habitus), vốn, trường và doxa. Tập tính chỉ hệ thống các tâm thế lâu bền và có thể chuyển đổi, qua đó chúng ta tri giác, đánh giá và hành động trong thế giới[8]. Các giản đồ vô thức này được thủ đắc thông qua việc tiếp xúc lâu dài với những hoàn cảnh và những qui định của xã hội, thông qua quá trình nội tâm hóa những ràng buộc và những khả năng có ở bên ngoài [cá nhân]. Điều này có nghĩa là những giản đồ này cùng được chia sẻ bởi những người cùng trải qua những kinh nghiệm tương tự ngay cả khi mỗi cá nhân là một biến thể độc nhất của cái ma trận chung (đó là lý do tại sao các cá nhân cùng dân tộc, cùng giai cấp, cùng một giới… tự dưng cảm thấy “như ở nhà” với người khác). Nó cũng ám chỉ rằng những hệ thống tâm thế này có thể bị uốn nắn bởi vì chúng ghi khắc vào trong con người ảnh hưởng không ngừng tiến hóa của hoàn cảnh xã hội, nhưng chỉ trong những sự giới hạn vốn được thiết định bởi những trải nghiệm lúc ban đầu (hoặc từ rất sớm), bởi vì chính bản thân tập tính luôn thanh lọc ảnh hưởng này. Do đó các tầng lớp của các giản đồ tạo nên tập tính cũng đồng thời gây nên các cấp độ hội nhập khác nhau (điển hình như thành phần bần cùng của giai cấp vô sản - subproletarian -  có một tập tính rời rạc phản ánh những hoàn cảnh sống bất thường trong khi những người trải qua cuộc di dân xuyên quốc gia hoặc trải qua sự di động xã hội lớn thường có những kiểu tâm thế phân khúc hoặc xung đột nhau)[9].

         

Với tư cách là một sự trung giới giữa những ảnh hưởng trong quá khứ và những sự kích thích hiện tại, tập tính được cấu trúc hóa bởi những động lực xã hội đã trở thành hình mẫu vốn sản sinh ra tập tính đó, và cũng đồng thời tạo lập cấu trúc, tức là nó tạo ra hình thái và sự gắn kết chặt chẽ cho những hoạt động khác nhau của một cá nhân trong những lãnh vực khác nhau của cuộc sống. Đó là lý do tại sao Bourdieu định nghĩa nó theo nhiều kiểu khác nhau như “sản phẩm của cấu trúc, thứ sản sinh ra hành động thực tiễn, và thứ tái sản sinh ra cấu trúc,” “nguyên tắc không được chọn lựa của tất cả mọi lựa chọn,” hoặc “nguyên tắc thống nhất và sản sinh hành động thực tiễn” giúp có được “sự ứng biến có kiểm soát” và “sự hòa âm không cần người chỉ huy giàn nhạc”. Tập tính cũng là một nguyên lý của cả tính liên tục và không liên tục của xã hội, cụ thể, tính liên tục bởi vì tập tính tích trữ các động lực mang tính xã hội vào trong cơ thể của cá nhân và chuyển tải chúng qua thời gian và không gian; tính không liên tục bởi vì tập tính có thể bị thay đổi thông qua việc đạt được những tâm thế mới và bởi vì nó có thể tạo ra sự cách tân bất cứ khi nào nó đối mặt với một bối cảnh xã hội khác với bối cảnh sản sinh ra nó[10].
Hệ thống các tâm thế mà con người thủ đắc được phụ thuộc vào những vị trí (liên tiếp) mà họ chiếm giữ trong xã hội, nghĩa là, phụ thuộc vào những vốn riêng biệt của họ. Đối với Bourdieu (1986), vốn là bất cứ nguồn lực nào có hiệu quả trong một đấu trường xã hội nhất định, giúp cho một người nào đó giành được những lợi ích đặc thù nhờ vào việc tham dự hoặc tranh đấu trong đấu trường đó. Vốn có ba dạng cơ bản: kinh tế (tài sản vật chất và tài chính), văn hóa (của cải, kỹ năng và danh hiệu biểu tượng khan hiếm), và xã hội (những nguồn lực tích lũy được vì là thành viên của một nhóm nào đó). Một dạng thứ tư, vốn biểu tượng, chính là những sự tác động của bất kì dạng vốn nào khi người ta không tri giác được chúng, (chẳng hạn như khi chúng ta qui những phẩm tính đạo đức cao quí cho những thành viên của nhóm thượng lưu xét như là kết quả của thời gian và tiền bạc mà họ đã “hiến tặng” cho những hội từ thiện). Do vậy, địa vị của bất kì cá nhân, nhóm hay định chế nào, trong không gian xã hội có thể được tạo lập bởi hai yếu tố kết hợp với nhau, khối lượng của toàn bộ vốnthành phần cấu tạo của vốn mà họ sở hữu. Yếu tố kết hợp thứ ba, sự biến đổi của khối lượng và thành phần của vốn theo thời gian, ghi lại đường đi của họ trong không gian xã hội và cung cấp những manh mối vô giá về tập tính của họ bằng cách bộc lộ cách thức và con đường mà qua đó họ đạt đến vị trí họ hiện đang nắm giữ. 
Nhưng trong các xã hội tiên tiến, con người không đối diện với một không gian xã hội thuần nhất. Những lãnh vực khác nhau trong cuộc sống, nghệ thuật, khoa học, tôn giáo, kinh tế, luật pháp, chính trị … có xu hướng trở thành những tiểu vũ trụ được gắn với những quy tắc, qui định và những dạng quyền uy của riêng của chúng – cái mà Bourdieu đã gọi là trường[11].  Ở cấp độ đầu tiên, trường là một không gian có cơ cấu bao gồm những địa vị, một trường lực vốn áp đặt những sự qui định đặc thù của nó lên trên những người gia nhập vào trường này. Như thế, một người muốn thành công ở cương vị một nhà khoa học không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải đạt được “vốn khoa học” tối thiểu cần phải có và phải tuân theo các tập tục và qui định do môi trường khoa học vào thời gian và không gian lúc bấy giờ buộc phải tôn trọng. Ở cấp độ thứ nhì, trường là một đấu trường tranh đấu mà qua đó các tác nhân và các định chế cố gắng duy trì hoặc lật đổ sự phân phối vốn hiện tồn tại (trong lãnh vực khoa học, được biểu lộ thông qua thang bậc của các định chế, kỷ luật, lý thuyết, phương pháp, chủ đề, tạp chí chuyên ngành, giải thưởng…): nó là một chiến trường nơi đó những cơ sở của sự nhận diện và hệ thống thứ bậc được tranh giành một cách liên tục.
Do đó, các trường là những cấu hình lịch sử nảy sinh, phát triển, thay đổi hình dạng, và thỉnh thoảng suy tàn hoặc tiêu vong. Dưới gốc dộ này, một đặc trưng thứ ba của bất cứ trường nào đó là mức độ tự trị, nghĩa là, khả năng nó đạt được, trong quá trình phát triển của nó, nhằm cách ly chính mình khỏi những yếu tố ảnh hưởng bên ngoài và đề cao những tiêu chuẩn đánh giá của chính nó chống lại những tiêu chuẩn đánh giá các trường lân cận hoặc các trường muốn xâm nhập nó (chẳng hạn, tính chất độc đáo của khoa học đi ngược với lợi nhuận thương mại hay lập trường chính trị). Do đó, mỗi trường đều là nơi diễn ra sự bất đồng giữa những người bênh vực cho những nguyên tắc của sự tự trị phù hợp với trường đó và những người nỗ lực đưa ra những tiêu chuẩn phi tự trị (heteronomous) bởi vì họ cần sự hỗ trợ của các động lực bên ngoài để nâng cao vị trí bị thống trị của họ trong trường đó. Tại thời điểm chuyển giao của thế kỷ này [thế kỷ 21], sự tiến hóa trong khoa học đã minh chức rằng tính tự trị đó luôn bị đe dọa và có thể bị tước đọat. Bourdieu đã nhìn thấy nó bị đe dọa theo hai cách, bằng cách áp đặt những đòi hỏi xuất phát từ lợi ích kinh tế ở bên ngoài và bằng cách “phỉ báng trong nội bộ” lý tính được “các đại tự sự hậu hiện đại” cỗ vũ từ ngay ở bên trong định chế.
Trong khi tập tính tác động đến thực hành ngay từ bên trong, thì trường cấu trúc hành động và hình tượng từ bên ngoài: trường cung cấp cho cá nhân một loạt những lập trường và biện pháp có thể được sử dụng, cùng với những lợi ích, chi phí và tiềm năng gắn liền với mỗi lập trường hay biện pháp. Hơn nữa, địa vị trong trường hướng các tác nhân đến các mẫu hình tư duy và hành xử đặc thù: những người chiếm những địa vị thống trị trong một trường có xu hướng đeo đuổi những chiến lược duy trì (sự phân bổ vốn hiện có) trong khi những người ở vị trí phụ thuộc lại có xu hướng triển khai các chiến lược đánh đổ. Thành viên mà địa vị đã được xác lập thì có lợi ích thiết thân để duy trì trật tự và các tiêu chí đánh giá hiện có, trong khi những thành viên mới vào thì lại muốn thách thức chúng.
Do đó, để thay thế cho mối quan hệ ngây thơ (đơn giản) giữa cá nhân và xã hội, Bourdieu dùng mối quan hệ được kiến tạo giữa tập tính và (các) trường, nghĩa là, giữa “lịch sử hiện thân nơi con người” dưới dạng những tâm thế và “lịch sử được khách quan hóa nơi đồ vật” dưới hình thức của những hệ thống địa vị. Phần cốt yếu trong phương trình này là “mối quan hệ giữa” bởi vì cả tập tính và trường đều không có khả năng đơn phương quyết định hành động xã hội. Chính cuộc gặp gỡ giữa tâm thế và địa vị, sự tương hợp (hoặc phân tách) giữa những cấu trúc tinh thần (trí tuệ) và những cấu trúc xã hội sản sinh ra hành động thực tiễn[12]. Điều này có nghĩa là để giải thích bất cứ sự kiện hoặc mẫu hình xã hội nào, ta không được phân tích một cách biệt lập sự cấu thành xã hội của tác nhân và sự cấu tạo thế giới xã hội cụ thể trong đó tác nhân hoạt động cũng như các hoàn cảnh cụ thể mà họ phải đối phó và tác động đến họ. Vì quả thực đối với lý thuyết kiến tạo luận hay “cấu trúc luận phát sinh” (genetic structuralism) do Bourdieu đề ra (1989a: 19), việc phân tích các cấu trúc khách quan - các cấu trúc của những trường khác nhau – không thể tách biệt khỏi việc phân tích sự hình thành những cấu trúc trí óc bên trong những cá nhân sinh học, chính là một phần sản phẩm của quá trình nội tâm hóa các cấu trúc xã hội hiện thực này, cũng như không thể tách biệt khỏi việc phân tích sự hình thành  của chính những cấu trúc này.
Như vậy, các khái niệm tập tính, vốn và trường phải được kết nối với nhau thì hiệu lực phân tích trọn vẹn của mỗi khái niệm mới thật sự được phát huy khi nó được sử dụng cùng với các khái niệm kia. Các khái niệm này cùng cho phép Bourdieu đưa ý niệm doxa vào lãnh vực xã hội học, một ý niệm đã được Edmund Husserl sáng tạo: trước hết, chúng gợi ý rằng “thái độ tự nhiên về đời sống thường nhật” vốn định hướng cho chúng ta nhìn nhận thế giới như là điều hiển nhiên, không phải là một thái độ tồn tại bất biến như các nhà hiện tượng học khẳng định, mà là nằm ở bản lề nối kết những phạm trù chủ quan của tập tính và những cấu trúc khách quan của bối cảnh xã hội nơi mà con người hoạt động; thứ hai, mỗi vũ trụ tương đối tự trị đều phát triển cái doxa của chính nó xét như là một bộ những quan điểm chung và những niềm tin không ai nghi vấn (chẳng hạn sự sùng bái thiêng liêng đối với lý tính trong giới khoa học) vốn gắn kết những người tham gia với nhau. Cũng như Bourdieu đã chứng minh trong công trình thuở ban đầu về sự rạn nứt văn hóa và sự chuyển đổi về mặt xã hội ở đất nước Algeria đã kiệt quệ sau chiến tranh và ở vùng nông thôn Béarn (Mô tả dân tộc học – Ethnography 2002) cũng như trong hai cuốn sách chính yếu của ông, Sự cách biệt (Distinction)Con người hàn lâm (Homo Academicus), bộ ba khái niệm này cho phép chúng ta giải thích những trường hợp tái sản sinh – khi những cấu trúc xã hội và cấu trúc trí óc hài hòa với nhau và củng cố lẫn nhau – cũng như trường hợp biến đổi – khi những sự lạc điệu (discordance) phát sinh giữa tập tính và trường – dẫn đến sự canh tân, sự khủng hoảng, và sự thay đổi cấu trúc.
4) THỊ HIẾU, GIAI CẤP VÀ VIÊC PHÂN CẤP
Trong công trình Sự cách biệt (Distinction) và những công trình nghiên cứu liên quan đến các hành vi văn hóa (đáng chú ý là công trình Thuật nhiếp ảnh: Nghệ thuật của tầng lớp trung lưuPhotography: A Middle-Brow ArtTình yêu Nghệ thuật: Các bảo tàng Âu châu và Công chúng của chúng - The Love of Art: European Museums and their Public), Bourdieu không chỉ đề xuất một sự “phê bình xã hội về sự đánh giá thị hiếu” mang tính cấp tiến (đây là phụ đề của cuốn sách, có liên hệ đến những lời phê bình đánh giá nổi tiếng của Immanuel Kant), mà còn cung cấp một sự miêu tả sinh động về sự vận hành của văn hóa và quyền lực trong xã hội đương thời, và một sự minh họa mang tính hệ hình về những cách sử dụng bộ ba khái niệm tập tính, vốn và trường. Ông cũng xây dựng một lý thuyết về giai cấp kết hợp thuyết quyết định luận kinh tế của Marx với luận điểm của Weber về tính đặc thù của trật tự văn hóa và mối quan tâm của Durkheim đối với sự phân loại.
Trước hết, Bourdieu chỉ ra rằng, hoàn toàn xa lạ với việc thể hiện giác tính đơn nhất nào đó ở bên trong cá nhân, việc đánh giá mỹ học thật sự là một quan năng xã hội, do sự dạy dỗ và giáo dục trong giai cấp tạo ra. Việc thưởng thức một bức tranh, một bài thơ, hay một bản nhạc giao hưởng đã hàm ý về việc làm chủ bộ mã biểu tượng chuyên môn được vật chất hóa trong bức tranh, bài thơ hay bản nhạc giao hưởng, và nó còn đòi hỏi phải có loại vốn văn hóa phù hợp. Việc làm chủ bộ mã này có thể đạt được nhờ sự thấm nhuần nó trong môi trường nguồn gốc gia đình hoặc môi trường giáo dục ở nhà trường. Khi việc này được thực hiện thông qua sự quen thuộc có được từ trong gia đình mà họ sinh trưởng (như trường hợp những đứa trẻ thuộc các gia đình thượng lưu có trình độ văn hóa), thì cái khả năng được rèn luyện này được trải nghiệm như là một tài năng cá nhân, một thiên hướng bẩm sinh chứng thực cho giá trị tinh thần đáng giá. Lý thuyết “mỹ học thuần túy” của Kant mà triết học trình bày như là mang tính phổ quát, chỉ là một cách giải thích mang tính cách điệu hóa – và lừa phỉnh – về trải nghiệm cụ thể về “tình yêu nghệ thuật” mà tầng lớp tư sản có được nhờ vào địa vị và điều kiện xã hội đặc quyền của họ.
Lập luận chính thứ hai của cuốn sách Sự cách biệt đó là thị hiếu được các nhóm khác nhau thể hiện, và những cách sống gắn liền với những nhóm này, xác định bản thân họ trong thế đối lập với nhóm khác: thị hiếu trước tiên và trên hết là sự không ưa thị hiếu của những người khác. Điều này là vì bất cứ hành vi văn hóa nào – mặc quần vải tuýt hoặc quần jeans, chơi golf hoặc chơi bóng đá, đi tham quan các viện bảo tàng hoặc các cuộc triển lãm ô tô, nghe nhạc jazz hoặc xem những truyện truyền hình dài … đều có ý nghĩa xã hội và khả năng biểu thị sự khác biệt và cách biệt xã hội của nó, không phải xuất phát từ cái thuộc tính nội tại nào đó của nó mà là từ vị trí của nó trong một hệ thống những đồ vật và những hành động được ưa thích. Do đó, để khám phá cái lô-gic xã hội về tiêu dùng đòi hỏi phải thiết lập, không phải là một sự liên hệ trực tiếp giữa một hành động thực tiễn nào đó và một loại giai cấp cụ thể (chẳng hạn cưỡi ngựa và tầng lớp quí tộc), mà là những sự tương hợp về mặt cấu trúc vốn tồn tại giữa hai cấu hình các mối quan hệ, giữa không gian của những lối sống và không gian của những địa vị xã hội mà các nhóm khác nhau chiếm giữ.
          
Bourdieu tiết lộ rằng không gian của những địa vị xã hội này được tổ chức theo hai nguyên tắc cắt chéo nhau về sự khác biệt, về vốn kinh tế và vốn văn hóa mà sự phân bổ xác định hai sự đối lập làm nền tảng cho sự chia tách và xung đột trong xã hội tiên tiến[13]. Trước tiên, xét theo chiều dọc, việc phân chia sẽ đặt những tác nhân nắm giữ lượng lớn một trong hai loại vốn nói trên – giai cấp thống trị - trong thế đối địch với những tác nhân vốn bị tước đoạt hai loại vốn này – giai cấp bị trị. Sự chống đối thứ hai, xét theo chiều ngang, nảy sinh trong giai cấp thống trị, giữa những người vốn sở hữu nhiều vốn kinh tế nhưng lại có rất ít vốn văn hóa (những ông chủ và những nhà quản lý doanh nghiệp tạo nên thành phần thống trị trong giai cấp thống trị) và những người mà vốn sở hữu chủ yếu là vốn văn hóa (những nhà trí thức và những nghệ sĩ, tức là thành phần bị thống trị trong giai cấp thống trị). Các cá nhân và các gia đình không ngớt đấu tranh để duy trì và cải tiến địa vị của họ trong không gian xã hội bằng cách theo đuổi những chiến lược chuyển đổi giúp họ biến đổi hay trao đổi một loại vốn này thành một loại vốn khác. Tỉ suất chuyển đổi giữa các loại vốn khác nhau, vốn được đặt định bởi những cơ cấu định chế như là hệ thống trường học, thị trường lao động và những bộ luật thừa kế, trở thành một trong những nguyên tắc chủ yếu của các cuộc đấu tranh xã hội, khi mà mỗi giai cấp hoặc thành phần trong giai cấp tìm cách áp đặt hệ thống thứ bậc của vốn có lợi nhất cho cơ cấu vốn của chính họ.
Khi vạch ra cấu trúc không gian xã hội, Bourdieu chứng minh rằng hệ thống thứ bậc về lối sống là sự tái thuyên chuyển bị ngộ nhận của hệ thống tôn ti của các giai cấp. Mỗi địa vị xã hội chính, tầng lớp tư sản, tầng lớp tiểu tư sản, tầng lớp bình dân, tương ứng với một tập tính giai cấp vốn làm nền tảng cho ba loại thị hiếu rõ ràng. “Cảm nhận về sự cách biệt” của tầng lớp tư sản chính là sự biểu hiện, trên bình diện biểu tượng, của khoảng cách mà tầng lớp tư sản đã thiết lập với nhu cầu vật chất thiết yếu và của sự độc quyền lâu dài đối với những hàng hóa văn hóa khan hiếm. Nó đặt ưu tiên cho hình thức hơn là chức năng, phong cách hơn là nội dung, và tán dương “niềm vui thuần túy” của trí óc hơn là “niềm vui thô thiển” của các giác quan. Điều quan trọng hơn là thị hiếu của tầng lớp tư sản tự xác định chính mình bằng cách phủ nhận “thị hiếu hướng đến những nhu cầu thiết yếu” của các tầng lớp lao động. Thực vậy, thị hiếu của những tầng lớp lao động có thể được mô tả như một sự đảo ngược [lý thuyết] mỹ học của Kant: nó cho rằng hình thức phải phụ thuộc vào chức năng và khước từ việc tách rời sự phán đoán (nghệ thuật) khỏi những mối bận tâm thực tế và khỏi đời sống thường nhật (thí dụ, những người công nhân sử dụng thuật nhiếp ảnh để làm cho những thời điểm quan trọng của đời sống tập thể trở nên trang trọng và họ thích những bức tranh thể hiện trung thực về thực tại hơn là những bức hình chỉ muốn gây nên những hiệu ứng thị giác). Nằm trong những khu vực trung gian của không gian xã hội, tầng lớp tiểu tư sản thể hiện một kiểu thị hiếu mang đặc tính “thiện chí văn hóa”: tức là họ biết những hàng hóa biểu tượng chính đáng là những hàng hóa nào nhưng họ lại không biết dùng chúng một cách đúng đắn – với sự thoải mái và vô tâm vốn đến từ sự quen thuộc ngay từ trong gia đình. Họ bái phục tính chất thiêng liêng của nền văn hóa của tầng lớp tư sản nhưng, bởi vì họ không thành thạo bộ mã của nó nên họ luôn mang nguy cơ bộc lộ địa vị ở giữa của họ đúng vào những lúc mà họ phấn đấu để che giấu nó bằng cách bắt chước những hành động thực tiễn của những người thuộc tầng lớp trên họ trong trật tự kinh tế và văn hóa.
Tuy nhiên, Bourdieu không dừng lại ở việc vẽ ra một bản đồ về những địa vị xã hội, về những thị hiếu và mối quan hệ giữa chúng. Mà ông còn chỉ ra rằng sự ganh đua giữa các nhóm trong không gian lối sống là một sự ganh đua ngầm, song lại là chiều kích cơ bản của những cuộc đấu tranh giai cấp. Bởi vì áp đặt nghệ thuật sống của một người nào đó chính là cùng lúc áp đặt những nguyên tắc của thế giới quan vốn chính đáng hóa sự bất bình đẳng bằng cách làm cho sự phân chia không gian xã hội có vẽ như gắn liền sự ưa thích của cá nhân hơn là dựa trên cơ sở của sự phân bổ về vốn. Ngược lại với lý thuyết Marxist, vốn xác định các giai cấp chỉ riêng trong lãnh vực kinh tế, bằng vị trí của họ trong mối quan hệ sản xuất, Bourdieu lập luận rằng các giai cấp xuất hiện ở điểm kết hợp địa vị chung được chia sẻ trong không gian xã hội và những tâm thế chung được hiện thực hóa trong lãnh vực tiêu thụ: “Những hình tượng mà các cá nhân và các nhóm chắc hẳn sẽ đưa vào trong hành động thực tiễn của họ chính là một phần và một mảnh của thực tại xã hội của họ. Một giai cấp được xác định bởi cái nhận thức mà nó có về hiện thực cũng như bởi chính cái hiện thực của nó.” (Bourdieu 1979/1984: 564). Trong chừng mực mà sự phân loại xã hội cũng chính là yếu tố tạo thành giai cấp, thì nó (sự phân loại xã hội) là công cụ của sự thống trị mang tính biểu tượng và là sự được mất trung tâm trong cuộc đấu tranh giữa các giai cấp (và các thành phần giai cấp), khi mỗi giai cấp cố gắng đạt được sự kiểm soát trên các sơ đồ phân loại vốn chế ngự quyền lực để duy trì hoặc là thay đổi thực tại bằng cách bảo vệ hoặc thay đổi hình tượng của thực tại (Bourdieu 1985).
5)  TÍNH MỆNH LỆNH CỦA SỰ PHẢN TƯ
Như vậy, những hình tượng tập thể thực hiện những chức năng chính trị cũng như xã hội: bên cạnh việc tạo điều kiện cho “sự hội nhập lô-gic” của xã hội, như Émile Durkheim từng đề nghị, các hệ thống phân loại còn đóng vai trò bảo đảm sự thống trị và làm cho sự thống trị trở thành điều tự nhiên. Điều này đặt những nhà trí thức, với tư cách là những người sản xuất chuyên nghiệp những tầm nhìn có căn cơ về thế giới xã hội, vào tâm điểm của trò chơi quyền lực biểu tượng và đòi hỏi chúng ta phải đặc biệt chú ý vào địa vị, các chiến lược và sứ mạng công dân của họ.
Đối với Bourdieu, ngành xã hội học về giới trí thức không phải là một chuyên ngành trong số những chuyên ngành khác, mà là một thành tố không thể thiếu được của phương pháp xã hội học. Để xây dựng một ngành khoa học xã hội chính xác, chúng ta cần phải biết những ràng buộc nào tác động lên trên các nhà xã hội học và những cách thức mà lợi ích riêng biệt mà họ theo đuổi như là thành viên của “thành phần bị trị của giai cấp thống trị” và người tham dự vào “trường trí thức” đã tác động như thế nào đến những kiến thức mà họ sản xuất ra. Điều này chỉ ra đặc điểm độc đáo trong lý thuyết xã hội của Bourdieu, tức là, sự nhấn mạnh đến nỗi bị ám ảnh về [khái niệm] tính phản tư[14]. Tính phản tư đề cập đến việc phải liên tục đưa những công cụ của ngành khoa học xã hội quay trở lại với nhà xã hội học trong một nỗ lực kiểm soát tốt hơn những sự bóp méo [thông tin] do ba nhân tố gây nên khi kiến tạo đối tượng. Nhân tố đầu tiên và rõ ràng nhất là đặc tính cá nhân (identity) của nhà nghiên cứu: giới tính, giai cấp, quốc tịch, dân tộc, nền tảng giáo dục … Nhân tố thứ hai là vị trí của người đó trong trường trí thức, được phân biệt với không gian xã hội nói chung: nó đòi hỏi phải có sự mổ xẻ có phê phán những khái niệm, những phương pháp và những vấn đề mà nhà nghiên cứu thừa hưởng cũng như phải có sự thận trọng đối với những sự kiểm duyệt do sự tuân thủ kỷ luật hay sự gắn bó với định chế tạo nên.
     

Tuy nhiên nguồn thành kiến ngầm ẩn nhất theo quan điểm của Bourdieu (1990) đó là, để nghiên cứu xã hội, nhà xã hội học cần phải có một thái độ chiêm nghiệm hoặc thái độ kinh viện vốn làm cho nhà nghiên cứu hiểu (lầm) thế giới xã hội như một bản đồ ghép cần được diễn giải, hơn là một mạng lưới những nhiệm vụ thực tế cần phải được thực hiện trong thời gian và không gian thực –  cũng chính là những gì mà các tác nhân xã hội cảm nhận. Sự “ngụy biện học thuật” này dẫn đến việc làm méo mó logic tình huống, khả năng thích nghi và “cái logic không rõ ràng” (“fuzzy logic”) của hành động thực tiễn bằng việc lẫn lộn nó với lô-gic trừu tượng của sự tư biện của trí óc. Trong cuốn sách Những suy tưởng của Pascal (Pascalian Meditations) (Bourdieu (1997/2000) lập luận rằng “thành kiến kinh viện” là gốc rễ của những sai lầm tai hại không chỉ trong những vấn đề về nhận thức luận mà còn trong mỹ học và đạo đức học. Việc chấp nhận quan điểm của “vị khán giả vô tư”, vốn đứng trên thế giới thay vì đắm chìm trong nó, thay vì bận tâm vì nó (hiểu theo cả hai nghĩa của từ), sẽ tạo ra những sự méo mó mang tính hệ thống trong những quan niệm của chúng ta về tri thức, cái đẹp và tính luân lý vốn củng cố lẫn nhau và có nhiều khả năng không được chú ý tới vì những người vốn sản sinh và tiêu thụ những quan niệm này đều có cùng một tư thế kinh viện.
Tính phản tư nhận thức luận nói trên mà Bourdieu bênh vực đối lập hoàn toàn với tính phản tư theo kiểu đề cao bản thân (narcissistic reflexivity) mà một số tác giả “hậu hiện đại” ca tụng vì đối với họ cái nhìn phân tích phải quay về lại với chính con người riêng tư của nhà phân tích (Bourdieu 2002). Bởi lẽ mục tiêu của nó [tính phản tư nhận thức luận] là củng cố những yêu sách của một ngành khoa học về xã hội, chứ không phải hủy hoại nền tảng của nó bằng cách tán dương dễ dãi thuyết hư vô về mặt nhận thức luận và về mặt chính trị. Đây là điều rõ ràng nhất khi Bourdieu mổ xẻ cấu trúc và việc thực hiện chức năng của trường học thuật trong công trình Con người hàn lâm (Homo Academicus) (Bourdieu 1984/1988).
Con người hàn lâm là sự ứng dụng cụ thể về tính mệnh lệnh của sự phản tỉnh. Cũng giống như công trình nghiên cứu kép thời kỳ đầu của Bourdieu về thân tộc ở vùng Kabylia và vùng Béarn, trước tiên đó là một sự trải nghiệm về mặt nhận thức luận: nó tìm cách chứng minh về mặt thường nghiệm rằng người ta có thể nhận biết một cách khoa học về cái vũ trụ trong đó nghiên cứu khoa học xã hội được tiến hành, rằng nhà xã hội học có thể “khách quan hóa quan điểm về tính khách quan” mà không bị rơi vào hố thẳm của thuyết tương đối. Thứ hai, nó vạch ra các đường viền của trường học thuật (một trường phụ trong trường trí tuệ rộng hơn) để cho thấy rằng trường đại học là nơi diễn ra các cuộc đấu tranh mà động lực cụ thể phản ánh sự tranh chấp giữa vốn kinh tế và vốn văn hóa vốn diễn ra nơi giai cấp thống trị. Do vậy, đối với “những ngành học thống trị trong thế giới hiện thực”, như luật học, y học và kinh doanh, quyền lực được bắt nguồn chủ yếu từ “vốn hàn lâm”, nghĩa là, sự chiếm lĩnh những địa vị và những nguồn lực vật chất trong thế giới đại học (academe), trong khi đối với những ngành học “bị thống trị trong thế giới hiện thực”, gồm các ngành khoa học tự nhiên và các ngành nhân văn, thì quyền lực cơ bản dựa vào “vốn trí tuệ”, tức là những khả năng và những thành tựu nghiên cứu khoa học vốn được những người trong cùng giới khoa học đánh giá. Địa vị và con đường sự nghiệp của các giáo sư trong cấu trúc nhị nguyên này, thông qua sự trung giới của tập tính của họ, không chỉ qui định thành quả trí tuệ và các chiến lược nghề nghiệp của họ, mà còn qui định cả những khuynh hướng chính trị của họ.
Điều này trở nên hoàn toàn rõ ràng trong cuộc nổi dậy của sinh viên và cuộc khủng hoảng xã hội vào tháng 5-1968, tức là, trong một bối cảnh sôi sục nhìn bề ngoài thì có vẻ như không phù hợp với lý thuyết mà Bourdieu đã đề xuất. Tuy nhiên, chính là vào thời điểm này mà hành vi và các phát ngôn của những loài khác nhau của homo academicus gallicus (con người hàn lâm gô-loa) tỏ ra là dễ được tiên đoán nhất. Bourdieu chỉ ra cách thức mà “sự sụt bậc xét về mặt cấu trúc” và sự không thể thích nghi tập thể mà cả một thế hệ sinh viên và giáo sư đã trải nghiệm, đã dẫn họ đến chỗ hình thành những kì vọng mà trường đại học không còn có thể đáp ứng được nữa. Điều này đã gây ra một loạt những cuộc phản kháng cục bộ lan truyền một cách nhanh chóng từ lĩnh vực đại học đến lĩnh vực sản xuất văn hoá và lĩnh vực chính trị. “Sự đứt đoạn của chu trình nối kết những khát vọng chủ quan với những cơ may khách quan” đã khiến cho những tác nhân khác nhau cùng đi theo những chiến lược nổi loạn tương đồng nhau dựa trên những sự tương hợp về tâm thế và những sự tương đồng về địa vị trong các trường khác nhau, và vì thế sự tiến hóa tại các trường khác nhau này đã xảy ra một cách đồng bộ. Ở đây, một lần nữa chúng ta nhận thấy rằng làm thế nào mà một khung khái niệm vốn được dùng để khảo sát sự tái sản xuất trong các cuộc điều tra về giai cấp và thị hiếu, có thể được áp dụng để giải thích những hoàn cảnh đoạn tuyệt và chuyển biến[15]. 
III. KHOA HỌC, CHÍNH TRỊ VÀ SỨ MẠNG CÔNG DÂN CỦA GIỚI TRÍ THỨC
Bourdieu còn đặt giới trí thức dưới lăng kính xã hội học vì lý do khác nữa. Trong xã hội tiên tiến, khi giới tinh hoa đã thay thế nhà thờ xét như là công cụ ưu việt của quá trình chính đáng hóa hệ thống thứ bậc xã hội, thì lý tính và khoa học thường xuyên được thành phần thống trị dẫn chứng để biện minh cho những quyết định và chính sách của họ - và đặc biệt, điều này đúng cho khoa học xã hội và những ứng dụng mang tính kỹ thuật của nó, các cuộc thăm dò dư luận quần chúng, các cuộc nghiên cứu thị trường và quảng cáo. Giới trí thức phải đứng lên chống lại những sự lạm dụng lý tính như thế bởi vì họ đã kế thừa từ trong lịch sử một sứ mạng công dân, đó là thúc đẩy sự thành hình của “chủ nghĩa nghiệp đoàn về những điều phổ quát” (Bourdieu 1989b).
Dựa trên một sự phân tích lịch sử về căn nguyên xã hội của người trí thức từ Thời Khai sáng cho đến vụ án Dreyfus, Bourdieu lập luận rằng người trí thức là một “thực thể đầy nghịch lý, tồn tại theo hai chiều kích” được tạo thành bởi sự kết nối không ổn định nhưng cần thiết giữa tính tự trị và sự dấn thân: người trí thức được trao cho một thẩm quyền đặc thù, vốn có được nhờ sự độc lập của trường trí thức mà họ đã giành được một cách chật vật để thoát khỏi những quyền lực kinh tế và chính trị; và người trí thức dùng thẩm quyền đặc thù này để phục vụ tập thể bằng cách sử dụng nó trong các cuộc tranh luận chính trị. Ngược lại với những luận điệu của cả lý thuyết thực chứng và lý thuyết phê phán, tính tự trị khoa học và tính tranh đấu của nhà khoa học không đối chọi với nhau mà bổ sung cho nhau; tính tự trị khoa học là điều kiện cần thiết để có được sự dấn thân của nhà khoa học. Chính vì người trí thức đã đạt được sự công nhận trong các cuộc tranh đấu trong trường khoa học hoặc trường nghệ thuật mà người trí thức có thể khẳng định và sử dụng quyền can thiệp vào lãnh vực công cộng về các vấn đề mà họ có thẩm quyền. Và còn hơn nữa, để sự đóng góp này đạt được hiệu quả tối ưu, nó phải mang một hình thái tập thể: bởi vì tính tự trị khoa học không thể được bảo đảm trừ khi có sự huy động của tất cả những nhà nghiên cứu chống lại sự xâm phạm của những thế lực bên ngoài. 
Những sự can thiệp của chính Bourdieu trong lãnh vực chính trị một cách điển hình đã khoác lấy cái hình thái gián tiếp (hoặc được thanh lọc)[16]. Các công trình khoa học chính của ông đã liên tục tìm cách mở rộng và sửa đổi các thông số của cuộc tranh luận công khai bằng cách vạch trần những huyền thoại trong xã hội đương thời – cho dù đó là cái huyền thoại về cái tài trong trường học, tính bẩm sinh của thị hiếu, hay tính duy lý của qui tắc kỹ trị - và bằng cách tập trung sự chú ý vào những sự kiện và những xu hướng xã hội vốn chứng tỏ rằng quan điểm chính thức về thực tại xã hội là sai lầm. Việc tiến hành nghiên cứu của tập thể được đưa lên đỉnh cao nhất trong cuốn sách Sự khốn khổ của thế giới (The poverty of society – La misère du monde) là thí dụ điển hình về điểm này (Bourdieu và cộng sự. 1993/1998). Mục tiêu được tuyên bố công khai của công trình nghiên cứu dân tộc học hàng nghìn trang này về nỗi thống khổ xã hội trong xã hội Pháp đương thời không chỉ để minh họa cho hiệu lực của một kiểu phân tích xã hội đặc biệt. Mà nó còn nhằm phá vỡ sự kiểm duyệt của trường chính trị và buộc những nhà lãnh đạo các đảng phái và những người làm chính sách phải thừa nhận những hình thức mới của sự bất bình đẳng và sự khốn khổ đã bị các công cụ được ấn định của tiếng nói tập thể và về những yêu sách được đưa ra biến thành vô hình[17].
   
Tuy nhiên, trong những năm 1990, Bourdieu đã cảm thấy nhu cầu cần phải can thiệp trực tiếp vào trong đấu trường chính trị bởi vì ông cho rằng chúng ta đang chứng kiến một “cuộc cách mạng mang tính thủ cựu theo một kiểu mới, khoác áo của sự tiến bộ, lý tính về khoa học (đặc biệt trong kinh tế học) để biện minh cho sự khôi phục (restoration) và do đó cố gắng loại bỏ suy nghĩ và hành động tiến bộ được ví như là những điều cỗ xưa (archaism)” (Bourdieu 1998/2000: 3). Trong mắt ông,  thời điểm cuối thế kỷ này (fin-de-siècle) có nhiều khả năng dẫn đến sự suy thoái xã hội sâu rộng: “Ngày nay, các dân tộc Âu châu đang phải đối mặt với một bước ngoặt trong lịch sử của họ bởi vì những thành quả của bao nhiêu thế kỉ đấu tranh xã hội, chiến đấu trí óc và chính trị để dành được phẩm giá cho các công nhân và công dân, đang trực tiếp bị đe dọa” bởi sự mở rộng một ý thức hệ thị trường  – như tất cả các ý thức hệ thống trị khác – tự giới thiệu như sự kì cùng của ý thức hệ và điểm kết không thể tránh khỏi của lịch sử.
Phù hợp với quan điểm của ông về sứ mạng lịch sử của giới trí thức, Bourdieu sử dụng quyền thế khoa học của mình để phục vụ các phong trào xã hội khác nhau của “Cánh tả không định chế hóa”, nhằm tăng thêm tính chính đáng công khai và quyền lực mang tính biểu tượng cho những nhóm mới được hình thành để bảo vệ quyền lợi của những người thất nghiệp, vô gia cư, di dân không giấy tờ tùy thân, và những người đồng tính. Ông đã xung đột một cách ấn tượng với Hans Tietmeyer, chủ tịch của Ngân hàng Bundesbank và “người thầy về quy luật thị trường”, để biện hộ cho việc hình thành một “nhà nước phúc lợi Âu châu” có khả năng kháng cự lại sự công kích dữ dội nhằm xóa bỏ sự điều tiết và sự tư hữu hóa hàng hóa xã hội mới bắt đầu. Ông cũng can thiệp chống lại sự khủng bố giới trí thức ở Algeria và những nơi khác bằng cách sáng lập Nghị viện Quốc tế cho các tác giả, và chống lại sự khoan dung của các nước Tây phương đối với quá trình bình thường hóa (banalization) định kiến và sự phân biệt đối xử.
Pierre Bourdieu cũng dành sức lực đáng kể cho việc sáng lập các định chế của sự trao đổi và sự huy động của trí thức trên phạm vi xuyên quốc gia. Năm 1989, ông đã cho ra mắt tạp chí Liber: Tạp chí của Châu Âu để điểm sách (Liber: The European Review of Books) được xuất bản hàng quí đồng thời ở chín nước và chín ngôn ngữ ở châu Âu, để phá bỏ sự kiểm duyệt của các quốc gia và để tạo thuận lợi cho sự lưu hành xuyên lục địa các công trình nghiên cứu mới và dấn thân trong lĩnh vực nghệ thuật, nhân văn, và khoa học xã hội. Tiếp nối đợt phản kháng của quần chúng chống lại sự giảm quy mô của Nhà nước phúc lợi Pháp vào tháng 12, năm 1995, ông đã thành lập Tập thể Những lý do để hành động (Raisons d’agir) để kết nối lại với nhau những nhà nghiên cứu, những nghệ sĩ, những đại diện của giới lao động, những nhà báo, và những nhà hoạt động (militant) của cánh tả không chính thống (với nhiều phân nhánh trong các quốc gia Âu châu). Năm 1997, Bourdieu đã thành lập nhà xuất bản Những lý do để hành động (Raisons d’agir Editions) để xuất bản những cuốn sách ngắn nhắm vào độc giả đại chúng để bàn những chủ đề về những mối quan tâm cấp bách của công dân – bắt đầu với việc phân tích cay đắng của chính ông về sự cố ý quy phục của ngành báo chí đối với những thế lực chính trị và kinh tế, trong công trình Về truyền hình/ On television (Bourdieu 1996/1999)[18].
Trong nhiều sự can thiệp của mình trước những nhà khoa học bạn, những đoàn viên công đoàn , những nhà hoạt động xã hội trong các lĩnh vực khác, trong những bài xã luận trong các nhật báo và tuần báo chính của Pháp, Đức, Argentina và Hi Lạp, cũng như một cách công khai trong các công trình nghiên cứu khoa học, Bourdieu đã bền tâm theo đuổi một mục đích duy nhất, đó là để đón đầu hoặc ngăn ngừa những sự lạm dụng quyền lực dưới danh nghĩa của lý tính và để phổ biến những vũ khí để kháng cự lại sự thống trị mang tính biểu tượng. Nếu khoa học xã hội không đặt định những mục đích chính trị và những tiêu chuẩn đạo đức cần phải theo đuổi, như Émile Durkheim đã từng hy vọng, nó vẫn có thể và buộc phải đóng góp vào việc đề xuất “những điều không tưởng có thể được thực thi” có khả năng định hướng hành động tập thể và đẩy mạnh quá trình định chế hóa sự công bằng và tự do. Mục đích tối hậu của xã hội học của Bourdieu không gì khác hơn là thúc đẩy sự trổ hoa của một thời kì khai sáng mới, mang tính tự phê phán thích hợp với thiên niên kỉ đang đến. Bằng cách hướng dẫn chúng ta khảo cứu kỹ lưỡng những nền tảng của tri thức, những cấu trúc của cái tồn tại xã hội, và những khả năng tiềm ẩn của lịch sử, nó cung cấp cho chúng ta những công cụ để tự làm chủ bản thân ở cấp độ cá nhân và tập thể và sự khôn ngoan giúp chúng ta theo đuổi sứ mạng ban đầu của triết học.
Loïc Wacquant
Vũ Ngọc Xuân Ánh dịch
Phạm Như Hồ hiệu đính

READING FURTHER / TÀI LIỆU ĐỌC THÊM
L. Boltanski, The Making of a Class: “Cadres” in French Society (Cambridge, Cambridge University Press, 1987 [1982]).
A. Boschetti, The Intellectual Enterprise: Sartre and “Les Temps Modernes”(Evanston, Northwestern University Press, 1988 [1985]).
P. Bourdieu and L. Wacquant, An Invitation to Reflexive Sociology (Cambridge, Polity Press; Chicago, University of Chicago Press, 1992).
G. Eyal, I. Szelenyi and E. Townsley. Making Capitalism without Capitalists (London, Verso, 1998).
J. Jurt, Das Literarische Feld. Das Koncept Pierre Bourdieus in Theorie und Praxis (Darmstadt, Wissenchaftsliche Buchgessellschaft, 1995).
R. Lenoir, Généalogie de la morale familiale (Paris, Editions du Seuil, 2003).
A. Sayad, The Suffering of the Immigrant (Cambridge, Polity Press, 2004 [1997])
L. Wacquant, Body and Soul. Notebooks of An Apprentice Boxer (New York and Oxford: Oxford University Press, 2000/2004).
R. Brubaker, “Rethinking Classical Theory: The Sociological Vision of Pierre Bourdieu,” Theory and Society 14 (1985): 723-744.
J.B. Thompson, “Symbolic Violence: Language and Power in the Sociology of Pierre Bourdieu,” in Studies in the Theory of Ideology (Cambridge, Polity Press, 1984).
L. Wacquant, “The Sociological Life of Pierre Bourdieu,” International Sociology 17-4 (December 2002): 549-556.

BIBLIOGRAPHY / THƯ MỤC[i]
Bourdieu, Pierre. 1958/1962. The Algerians. Boston: Beacon Press.
---------. 1963. Travail et travailleurs en Algérie. Paris and The Hague: Mouton.
---------. 1964 (with Adbelmalek Sayad). Le Déracinement. La crise de l’agriculture traditionnelle en Algérie. Paris: Editions de Minuit.
---------. 1964/1979. (with Jean-Claude Passeron) The Inheritors: Students and their Culture. Chicago: University of Chicago Press.
---------. 1968/1991. (with Jean-Claude Passeron and Jean-Claude Chamboredon) The Craft of Sociology: Epistemological Preliminaries. New York and Berlin: Aldine de Gruyter.
---------. 1970/1977. (with Jean-Claude Passeron) Reproduction in Education, Culture, and Society. London: Sage.
---------. 1972/1977. Outline of a Theory of Practice. Cambridge: Cambridge University Press.
---------. 1977. Algeria 1960. Cambridge: Cambridge University Press.
---------. 1979/1984. Distinction: A Social Critique of the Judgement of Taste. Cambridge, MA: Harvard University Press.
---------. 1980/1990. The Logic of Practice. Cambridge: Polity Press.
---------. 1980/1993. Sociology in Question. London and Newbury Park: Sage Publications.
---------. 1982/1991. Leçon sur la leçon. Paris: Editions de Minuit (reprinted as the closing chapter of In Other Words, 1994 rev. ed.).
---------. 1984/1988. Homo Academicus. Cambridge: Polity Press.
---------. 1985. “Social Space and the Genesis of Groups.” Theory and Society 14-6 (November): 723-744 (reprinted in Language and Symbolic Power, 1982/1990). 16
---------. 1985/1986. “From Rules to Strategies.” Cultural Anthropology 1-1: 110-120 (reprinted in In Other Words, 1994 rev. ed.).
---------. 1986. “The Forms of Capital.” In J.G. Richarson (ed.), Handbook of Theory and Research for the Sociology of Education. New York: Greewood Press, pp. 241-258.
---------. 1987/1994. In Other Words: Essays Towards a Reflexive Sociology. Cambridge: Polity Press, rev. ed.
---------. 1989/1997. The State Nobility: Elite Schools in the Field of Power. Cambridge: Polity Press.
---------. 1989a. “Social Space and Symbolic Power.” Sociological Theory 7-1 (June): 18-26 (reprinted in In Other Words, 1994 rev. ed.).
---------. 1989b. “The Corporatism of the Universal: The Role of Intellectuals in the Modern World.” Telos 81 (Fall): 99-110.
---------. 1982/1990. Language and Symbolic Power. Edited and with an introduction by John Thompson. Cambridge: Polity Press.
---------. 1990. “The Scholastic Point of View.” Cultural Anthropology 5-4 (November): 380-391 (reprinted in Practical Reasons, 1998).
---------. 1992/1997. The Rules of Art: Genesis and Structure of the Artistic Field. Cambridge: Polity Press.
---------. 1993. The Field of Cultural Production. New York: Columbia University Press.
---------. 1993/1998. (et al.) The Poverty of Society: A Study in Social Suffering. Cambridge: Polity Press.
---------. 1994/1998. Practical Reasons: On the Theory of Action. Cambridge: Polity Press.
---------. 1990/1991. “Social Space and Symbolic Space: Introduction to a Japanese Reading of ‘Distinction’.” Poetics Today 12-4: 627-638 (reprinted in Practical Reason, 1998).
---------. 1996/1998. On Television and Journalism. London: Pluto Press.
---------. 1997/2000. Pascalian Meditations. Cambridge: Polity Press.
---------. 1998/2000. Acts of Resistance: Against the Tyranny of the Market. Cambridge: Polity Press.
---------. 1998/2001. Masculine Domination. Cambridge: Polity Press.
---------. 2000/2005. The Social Structures of the Economy. Cambridge: Polity Press,
---------. 2001/2004. Science of Science and Reflexivity. Chicago: University of Chicago Press.
---------. 2002. “Participant Objectivation: The Huxley Medal Lecture,”  Journal of the Royal Anthropological Institute, 9-2 (February): 281-294.
---------. 2002/2007. The Ball of Bachelors. The Crisis of Peasant Society in Béarn. Chicago: University of Chicago Press.
---------. 2004/2007. Outline of a Self Socio-Analysis. Chicago: University of Chicago Press.
Ethnography. 2004. Special issue on “Pierre Bourdieu in the Field,” vol. 4, no.4, December.
Wacquant, Loïc (ed.). 2005. Pierre Bourdieu and Democratic Politics: The Mystery of Ministry. Cambridge: Polity Press. 

Nguồn: Chương 16 - Pierre Bourdieu, sách Những nhà tư tưởng đương đại chủ yếu (Key Contemporary Thinkers); Rob Stones (Chủ biên), (London and New York: Macmillan, new edition, 2006).





[1] “Ngay từ đầu, tôi đã thiết kế bài nghiên cứu này về làng quê của mình như một trải nghiệm về mặt nhận thức luận: phân tích một môi trường quen thuộc với tư cách là một nhà nhân học…, những cách ứng xử trong hôn nhân mà tôi đã từng nghiên cứu trong một thế giới xa lạ, xã hội Algeria, đã cho tôi cơ hội khách thể hóa hành vi khách thể hóa và [khách thể hóa] chủ thể của quá trình khách thể hóa” (Bourdieu 1985/1986: 112). Để có một cuộc bàn luận về vai trò chủ chốt của “cuộc khảo sát dân tộc học kép” này về vùng Kabylia và vùng Béarn trong việc hình thành dự án và lý thuyết học thuật của Bourdieu và những văn bản quan trọng của thời kì đó, xin xem số đặc biệt của tạp chí Ethnography [Dân tộc học] (2004) về “Pierre Bourdieu trong nghiên cứu thực địa” (Pierre Bourdieu in the field).

[2] Bourdieu (1980/1990: 8) nhắc lại rằng công trình của Claude Lévi-Strauss “đã áp đặt lên cả một thế hệ một cách nhận thức mới về hoạt động trí tuệ”, một cách thức đem lại hy vọng về sự hòa giải giữa những ý hướng lý thuyết với những ý hướng thực tiễn, giữa thiên chức khoa học với thiên chức đạo đức hoặc chính trị.

[3] Cả tính rụt rè của Bourdieu và sự tác động rộng rãi đến công chúng của ông đã được Pierre Carles trình bày một cách khéo léo trong bộ phim tài liệu, Xã hội học là một võ thuật (Sociology is a Martial Art) (2000).

[4] Bourdieu (1998/2001) xem sự thống trị của nam giới như là hệ hình của bạo lực biểu tượng, “loại bạo lực mềm này, mà chính những nạn nhân của nó không thể nhận ra và không thể nhìn thấy được, vốn được thực thi chủ yếu thông qua những kênh biểu tượng thuần túy hoặc, chính xác hơn, thông qua sự thừa nhận và thừa nhận sai lệch, hoặc thậm chí là qua tình cảm,” bởi vì những người phụ nữ nhìn bản thân mình thông qua một mạng lưới những phạm trù tương ứng vốn có tác dụng tự nhiên hóa những mối quan hệ phụ thuộc vào những người đàn ông. Gia đình, nhà thờ, trường học và nhà nước (xét như là “chế độ gia trưởng công cộng”) cùng nhau vận hành để thực hiện “sự lao động lịch sử để phi sử hóa (dehistoricization)” nhằm xóa bỏ tính võ đoán của thế giới quan của nam giới, vốn đã bị ghi khắc sâu vào [tâm trí] của những người đàn ông cũng như những người phụ nữ.

[5] Không giống như hầu hết các học giả có tầm cỡ như ông, Pierre Bourdieu đã tiến hành thu thập nhiều tập dữ liệu sơ cấp và tự phân tích công trình nghiên cứu của mình. Sự liên hệ không ngừng với những vấn đề thực tế trong công việc nghiên cứu giúp ông tránh được sự đồ vật hóa (reification) và sự khô khan của (dessication) khái niệm thường ảnh hưởng đến công trình nghiên cứu của các nhà lý thuyết xã hội.

[6] Công trình nghiên cứu của Michel Foucault cũng bắt nguồn từ, và là một sự mở rộng của trường phái “duy lý sử luận” này (historicist rationalism). Nhiều sự tương hợp hay hội tụ giữa Bourdieu và Foucault có thể được truy nguyên về việc cùng gắn với (mooring) quan điểm nhận thức luận chung này.

[7] Điều này có thể được nhận thấy một cách cụ thể trong phần tuyển tập văn bản về triết học khoa học vốn là phần hai của cuốn sách và minh họa cho những nhận định cốt lõi của nó: trong số 45 văn bản được chọn thì 5 là của Bachelard và bốn là của Canguilhem (so với sáu văn bản của Durkheim, ba của Weber và hai của Marx).

[8] Tập tính [habitus] là một khái niệm triết học lâu đời, được Aristotle sử dụng không liên tục (bằng thuật ngữ hexis), Thomas Aquinas, Hegel, Weber, Durkheim, Mauss và Husserl, … Năm 1967, Bourdieu đã sử dụng lại khái niệm này trong một sự tái lý giải sự phân tích của nhà sử học nghệ thuật Erwin Panofsky về mối quan hệ giữa tư tưởng Kinh viện và kiến trúc gô-tíc ở thời kỳ Trung Cổ và đã cải biến nó sau này trong mỗi công trình nghiên cứu chính của ông, cả trên bình diện thực tiễn và lý thuyết. Ông đã giải thích khái niệm này một cách công phu nhất trong công trình Những suy tưởng của Pascal (Pascalian Meditations) (Bourdieu 1997/2000: đặc biệt. 131-146 và 208-237).

[9] Đây chính là trường hợp của Bourdieu (2001/2004: 111) vốn tự thừa nhận có “một tập tính bị đứt gãy” trong bản phác thảo về một sự phân tích xã hội về chính mình xuất hiện trong bài Khoa học về khoa học và sự phản tư (Science of science and Reflexivity).

[10] Để có một sự minh họa thường nghiệm và hiểu được quá trình hình thành về mặt lý thuyết của khái niệm tập tính trong thế tương phản với lý thuyết cấu trúc, thuyết lựa chọn duy lý, và thuyết tương tác biểu tượng, xem công trình nghiên cứu của Wacquant (2000/2004: esp. 77-99) về việc thi đấu quyền anh để kiếm tiền xét như là lý tính thực hành tiêu biểu.

[11] Khái niệm trường (champ) được Bourdieu tạo ra giữa những năm 60 nhằm mục đích khảo cứu thường nghiệm về những căn nguyên và những sự biến đổi trong lịch sử của những thế giới nghệ thuật và văn chương. Sau này, nó được sửa đổi và nghiên cứu kỹ lưỡng trên diện rộng, bởi Bourdieu và những cộng sự của ông, trong suốt quá trình nghiên cứu về các lãnh vực trí tuệ, triết học, khoa học, tôn giáo, học thuật, thơ ca, xuất bản, chính trị, pháp lý, kinh tế, thể thao, bộ máy quan liêu, và báo chí. Nguồn dễ dàng tiếp cận và súc tích nhất về những cách dùng và hiệu quả của khái niệm này là tuyển tập các bài viết mang tên Trường Sản xuất văn hóa – Field of Cultural Production (Bourdieu 1993: nhất là Phần II, “Flaubert và Trường Văn chương Pháp – Flaubert and the French Literary Field”).

[12] Hai cách lý giải sai lầm thường thấy về lý thuyết về hành động thực tiễn của Bourdieu là những cách lý giải bỏ qua một trong hai thành tố của phương trình này, và do vậy, mối liên hệ đa dạng của chúng: cách hiểu sai “cấu trúc luận” bỏ qua tập tính và do đó suy diễn hành vi ứng xử một cách máy móc từ cấu trúc xã hội trong khi cách hiểu sai của thuyết “duy lợi” lại bỏ sót đi trường và từ đó buộc phải phân tích hành động mà mục đích là sự theo đuổi lợi ích của tác nhân (mỉa mai thay, Bourdieu đã triển khai khái niệm tập tính để phản bác triết học về hành động này).

[13] Trong khi Bourdieu tiến hành việc nghiên cứu của mình với tư liệu tiếng Pháp, thì những lý thuyết của ông lại áp dụng cho tất cả các nước bị khác biệt nhau. Về những cách thức để trích dẫn những nhận định tổng quát từ những khám phá đặc thù của Bourdieu về nước Pháp và cách thức áp dụng những mô hình của ông cho những đất nước và thời đại khác, xin xem “Một cách giải thích của người Nhật về sự Cách biệt” (Bourdieu 1990/1991) và lời giới thiệu cho bản dịch tiếng Anh cuốn sách Tầng lớp quí tộc Nhà nước – The State Nobility (Bourdieu 1989/1996).

[14] Việc nhấn mạnh này được thể hiện trong minh họa mang tính hệ hình (và rất ấn tượng) trong bài giảng khai mạc của Bourdieu tại Học viện Pháp quốc (Collège de France). Trong “Bài giảng về Bài giảng” (Lecture on the Lecture), giáo sư mới được phong chức này mổ xẻ “hành động ủy thác nhờ đó người thầy mới [được phong chức] được trao quyền nói với đầy đủ thẩm quyền” để nhấn mạnh đặc tính cơ bản của ngành xã hội học theo quan niệm của ông: “mỗi mệnh đề mà ngành khoa học này đề ra có thể hoặc buộc phải áp dụng đối với chủ thể đã sản sinh ra nó” (Bourdieu 1982/1991:8). Quan niệm này cũng được thể hiện trong bài giảng cuối cùng của Bourdieu tại Học viện Pháp quốc (Collège de France), khi ông đã áp dụng nó cho chính quá trình hình thành của bản thân mình trên phương diện xã hội và tri thức và cho, và trong “bản phác thảo khung phân tích xã hội về cái tôi”, nảy sinh ra từ chính quá trình này (Bourdieu 2004/2007).

[15] Lý thuyết “cuộc cách mạng biểu tượng” vốn được phác thảo trong chương cuối của cuốn Con Người Hàn lâm (Homo Academicus) được triển khai hoàn toàn trong công trình Các qui tắc của Nghệ thuật – The Rules of Art (Bourdieu 1992/1997), vốn bao gồm một bản tường thuật về sự thành hình lịch sử của định chế văn học hiện đại và một lý thuyết xã hội học về sáng kiến tri thức xa vời hoàn toàn với ý niệm “thiên tài” có sự hấp dẫn rất lớn đối với mỗi người và mọi người bằng cách làm cho nó trở nên sáng tỏ.

[16] Về một cuộc bàn luận về sự dấn thân chính trị của bản thân Bourdieu, về những sự phân tích của ông về các định chế chính trị, và lý thuyết của ông về chính trị dân chủ và các mối quan hệ của chúng với những cuộc đấu tranh công dân đương thời, xin xem các bài luận trong Wacquant (2005).

[17] Cuốn sách này có một ảnh hưởng trực tiếp mà không một cuốn sách về khoa học xã hội nào sánh bằng trong thời kỳ gần đây: cuốn sách được bán trên 100.000 bản trong vòng ba tháng và đã đứng đầu trong danh sách sách bán chạy nhất trong vòng nhiều tháng trời; nó được bàn luận phổ biến trong những bàn tròn chính trị cũng như trong những tạp chí đại chúng (Thủ tướng chính phủ bảo thủ Balladur đã công khai chỉ thị cho các thành viên nội các đọc nó); sau này, nó được sửa lại để phù hợp cho việc đào tạo và được những giáo viên, những nhà công tác xã hội, và các nhà hoạt động xã hội ở cấp cơ sở sử dụng rộng rãi.

[18] Bourdieu cũng cố gắng làm cho những lý thuyết của chính mình dễ tiếp cận hơn đối với một nhóm công chúng rộng lớn có học vấn bằng nhiều tuyển tập bài giảng và bài nói chuyện, đáng chú ý là những công trình như Bàn về Xã hội học (Sociology in Question), Nói cách khác (In Other Words), và Những lý lẽ thực tế (Practical Reasons) (Bourdieu 1980/1993, 1987/1994, 1994/1998).

[i] Thư mục bao gồm những tác phẩm quan trọng và có ý nghĩa nhất của Pierre Bourdieu so với mục đích của bài này: một cái nhìn tổng quan về tư tưởng của Pierre Bourdieu. Kèm những sách và tài liệu được giới thiệu có một hoặc hai số chỉ năm của lần xuất bản đầu tiên bằng tiếng Pháp hay tiếng Anh; một nếu sách hay tài liệu chưa được dịch sang tiếng Pháp hoặc tiếng Anh; nếu có hai số thì con số thứ nhì chỉ lần xuất bản đầu tiên của bản dịch bằng tiếng Pháp hoặc tiếng Anh.

Print Friendly and PDF