Trang

Kinh tế gia cười

Kinh tế - Xã hội - Môi trường

23.10.24

Giải Nobel năm nay phơi bày mặt tối của kinh tế học với vấn đề chủ nghĩa thực dân

GIẢI NOBEL NĂM NAY PHƠI BÀY MẶT TỐI CỦA KINH TẾ HỌC VỚI VẤN ĐỀ CHỦ NGHĨA THỰC DÂN

Tác giả: Jostein Hauge

Bumble Dee/Shutterstock

Daron Acemoglu, Simon Johnson và James Robinson đã được trao giải Nobel kinh tế năm 2024 cho những nghiên cứu có ảnh hưởng sâu rộng về cách các thể chế định hình sự phát triển kinh tế. Nhiều người cho rằng quyết định trao giải cho các học giả này đã bị trì hoãn quá lâu.

Bài báo tạo nên cơ sở cho công trình của họ là một trong những bài báo được trích dẫn nhiều nhất trong lĩnh vực kinh tế. Cuốn sách sau đó của Acemoglu và Robinson, Why Nations Fail (“Tại sao các quốc gia thất bại”), cũng có ảnh hưởng to lớn.

Những tác phẩm này đã truyền cảm hứng cho một cuộc tranh luận sâu sắc về mối quan hệ giữa các thể chế xã hội và sự phát triển kinh tế – vì vậy, không thể phủ nhận rằng họ xứng đáng được chúc mừng. Tuy nhiên, những nghiên cứu này cũng đã phải chịu không ít phê phán. Sau khi giải thưởng được công bố, cũng cần nêu bật những điểm mù trong phân tích của họ.

Ủy ban giải Nobel công bố giải thưởng tưởng niệm về kinh tế cho Daron Acemoglu, Simon Johnson và James Robinson. Christine Olsson/TT/EPA

Phần phê phán quan trọng nhất liên quan đến mối liên hệ giữa chất lượng của các thể chế xã hội của một quốc gia và mức độ phát triển kinh tế của quốc gia đó. Công trình của Acemoglu, Johnson và Robinson chia các thể chế thành hai loại: “dung hợp” (inclusive) và “tước đoạt” (extractive).

Theo những người đoạt giải, các thể chế dung hợp – chẳng hạn như các thể chế thực thi quyền sở hữu, bảo vệ nền dân chủ và hạn chế tham nhũng – thúc đẩy phát triển kinh tế. Ngược lại, các thể chế tước đoạt, tạo ra sự tập trung quyền lực cao và hạn chế tự do chính trị, tìm cách tập trung nguồn lực vào tay một nhóm tinh hoa nhỏ và do đó kìm hãm sự phát triển kinh tế.

Những người đoạt giải cho rằng việc áp dụng các thể chế dung hợp đã có tác động tích cực lâu dài đối với sự thịnh vượng kinh tế. Quả thật, các thể chế này hiện nay chủ yếu được tìm thấy ở các nước có thu nhập cao ở phương Tây.

Tuy nhiên, một vấn đề lớn trong phân tích này là tuyên bố rằng các thể chế nhất định là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển kinh tế.

Mushtaq Khan
Yuen Yuen Ang

Mushtaq Khan, giáo sư kinh tế tại Soas, Đại học London, đã phân tích sâu rộng công trình của Acemoglu, Johnson và Robinson. Ông cho rằng nghiên cứu của họ chủ yếu cho thấy các quốc gia có thu nhập cao ngày nay có điểm số cao hơn trên các chỉ số thể chế do phương Tây thiết lập, chứ không phải vì các quốc gia đó phát triển kinh tế nhờ thiết lập thể chế dung hợp ngay từ đầu.

Trên thực tế, lịch sử có rất nhiều ví dụ về các quốc gia phát triển nhanh chóng mà không có các thể chế dung hợp này ngay từ đầu như một điều kiện tiên quyết cho tăng trưởng. Các quốc gia Đông Á như Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan là những ví dụ điển hình. Gần đây nhất, Trung Quốc cũng vậy.

Những cuốn sách đoạt giải của Yuen Yuen Ang về quá trình phát triển của Trung Quốc đã mô tả chi tiết về cách Trung Quốc đầy rẫy tham nhũng trong quá trình tăng trưởng. Sau làn sóng trao giải Nobel năm nay, Ang thậm chí còn đi xa hơn khi cho rằng lý thuyết của những người đoạt giải không chỉ không giải thích được sự tăng trưởng ở Trung Quốc mà còn không giải thích được sự tăng trưởng ở phương Tây. Bà chỉ ra rằng các thể chế ở Hoa Kỳ cũng từng bị tham nhũng vấy bẩn trong quá trình phát triển của quốc gia này.

Bỏ qua sự tàn bạo của chủ nghĩa thực dân

Các quốc gia không sai khi theo đuổi một số thể chế dung hợp được nêu ra trong công trình của Acemoglu, Johnson và Robinson. Tuy nhiên, một phần đáng lo ngại trong phân tích của họ là nó chính đáng hóa sự vượt trội của các thể chế phương Tây và, tệ nhất, là biện minh cho các quá trình của chủ nghĩa đế quốc và thực dân.

Công trình của họ thực sự đã bị chỉ trích vì không chú ý đến sự tàn bạo của chủ nghĩa thực dân. Để hiểu rõ hơn lời phê phán này, chúng ta cần đào sâu hơn vào phương pháp [nghiên cứu] của họ.

Những người đoạt giải đưa ra luận điểm của mình bằng cách xem xét sự phát triển dài hạn tại các thuộc địa định cư (settler colony) và không định cư (non-settler colony). Ở các thuộc địa định cư, chẳng hạn như Mỹ, Canada và Úc, người châu Âu đã thiết lập các thể chế dung hợp. Trong khi đó, ở các thuộc địa không định cư, bao gồm phần lớn châu Phi và Mỹ Latinh, người châu Âu lại thiết lập các thể chế tước đoạt.

Acemoglu, Johnson và Robinson cho rằng theo thời gian, các thuộc địa định cư phát triển tốt hơn. Từ đó, họ lập luận rằng các thể chế châu Âu tốt hơn cho sự phát triển.

Tuy nhiên, xét đến việc quá trình thực dân hóa là phương pháp chính trong bài báo của họ, thì thật là bí ẩn khi những người đoạt giải không thảo luận rộng rãi hơn về những phí tổn của chủ nghĩa thực dân.

Ngay cả ở các thuộc địa định cư, nơi các thể chế dung hợp cuối cùng cũng đã được phát triển, nhiều năm bạo lực - trong nhiều trường hợp gần như diệt chủng các dân tộc bản địa - đã diễn ra trước khi các thể chế như vậy được phát triển. Liệu điều này có nên được tính vào quá trình phát triển hay không?

Theo những người đoạt giải Nobel năm nay, người châu Âu đã định cư ở những vùng nghèo nhất và ít dân cư nhất, rồi đưa vào các thể chế góp phần vào sự thịnh vượng lâu dài. Johan Jarnestad/Nobel Prize Outreach

Sau khi nhận giải, Acemoglu phát biểu rằng các vấn đề mang tính chuẩn mực về chủ nghĩa thực dân không phải là điều họ quan tâm: “Thay vì hỏi liệu chủ nghĩa thực dân là tốt hay xấu, chúng tôi chỉ ghi nhận rằng các chiến lược thực dân khác nhau đã dẫn đến các mô hình thể chế khác nhau [và các mô hình này] vẫn tiếp tục tồn tại theo thời gian”.

Tuyên bố này có thể gây sốc cho một số người – tại sao Acemoglu không quan tâm liệu chủ nghĩa thực dân là tốt hay xấu? Nhưng đối với những người quen thuộc với hoạt động nội bộ của ngành kinh tế học, tuyên bố này không có gì đáng ngạc nhiên.

Đáng buồn thay, việc phân tích thế giới mà không qua lăng kính chuẩn mực hay đưa ra các phán đoán giá trị đã trở thành một dấu hiệu vinh quang trong kinh tế học chính thống. Đây là một vấn đề rộng hơn của ngành kinh tế học và phần nào giải thích tại sao ngành này ngày càng trở nên khép kín và xa rời các ngành khoa học xã hội khác.

Giải Nobel kinh tế, thực ra không nằm trong số năm giải Nobel ban đầu, cũng minh họa cho vấn đề này. Danh sách những người đoạt giải trước đây có phạm vi địa lý và thể chế hẹp, chủ yếu bao gồm các nhà kinh tế học thuộc các khoa kinh tế ở một số ít trường đại học danh giá ở Hoa Kỳ.

Hơn nữa, một nghiên cứu gần đây cho thấy mức độ tập trung về mặt thể chế và địa lý của các giải thưởng trong lĩnh vực kinh tế cao hơn nhiều so với các lĩnh vực học thuật khác. Hầu như tất cả những người đoạt các giải thưởng lớn đều phải trải qua một trong những trường đại học hàng đầu của Hoa Kỳ (giới hạn dưới mười trường) trong sự nghiệp của họ.

Giải Nobel Kinh tế năm nay cũng không phải ngoại lệ. Có lẽ đó là lý do tại sao dường như mỗi năm, giải thưởng này lại được trao cho ai đó chỉ đặt câu hỏi “sự thay đổi trong biến số X ảnh hưởng đến biến số Y như thế nào”, thay vì đặt những câu hỏi khó về chủ nghĩa thực dân, đế quốc hay chủ nghĩa tư bản – và dám thách thức sự vượt trội của các thể chế phương Tây.

Jostein Hauge

Về tác giả

Jostein Hauge

Trợ lý Giáo sư về Nghiên cứu Phát triển, Đại học Cambridge

Tuyên bố tiết lộ

Jostein Hauge không làm việc, tư vấn, sở hữu cổ phần hoặc nhận tài trợ từ bất kỳ công ty hoặc tổ chức nào được hưởng lợi từ bài viết này và không tiết lộ bất kỳ mối liên kết có liên quan nào ngoài vị trí học thuật của mình.

Đối tác

Đại học Cambridge cung cấp tài trợ với tư cách là thành viên của The Conversation UK.

Người dịch: Nguyễn Thị Trà Giang

Nguồn: This year’s Nobel prize exposes economics’ problem with colonialism, The Conversations, 16.10.2024