![]() |
Chân dung của Daron Acemoglu, Simon Johnson và James A. Robinson, ba người cùng chia giải Nobel kinh tế năm 2024 cho các công trình của họ về cách các thể chể được hình thành và tác động đến sự thịnh vượng. Niklas Elmehed/Nobel Prize Outreach |
GIẢI THƯỞNG NOBEL KINH TẾ: TẠI SAO MỘT SỐ NƯỚC THÌ GIÀU VÀ NHỮNG NƯỚC KHÁC LẠI NGHÈO?
Công bố: ngày 16/10/2024
Tác giả: Thierry Verdier
Giáo sư kinh tế, École d'économie de Paris,
École des Ponts ParisTech (ENPC)
Ngày 14 tháng mười, giải Nobel kinh tế, do Ngân hàng Thuỵ Điển chuyển giao, đã được trao cho Daron Acemoglu, Simon Johnson và James A. Robinson, cho “những công trình của họ về cách các thể chế được hình thành và tác động đến sự thịnh vượng”. Đóng góp của họ, cả về lý thuyết lẫn thực nghiệm, giúp hiểu rằng tại sao ngày nay một số nước gặp phải những khó khăn lớn về kinh tế, liên quan đến lịch sử chế độ thuộc địa.
Năm 2022, theo Ngân hàng Thế giới, thu nhập bình quân đầu người của Đan Mạch là 74.000 đô la (tính theo sức mua) trong khi thu nhập bình quân đầu người của Sierra Leone là 1.900. Làm sao giải thích những khác biệt lớn như vậy giữa các quốc gia? Cũng làm sao giải thích được ngay cả khi các nước nghèo nhất có xu hướng giàu lên, những nước này cũng không theo kịp những nước thịnh vượng nhất? Chính là về những câu hỏi này mà những công trình của những người đạt giải Nobel kinh tế năm nay (chính xác hơn là giải thưởng của Ngân hàng Thuỵ Điển về kinh tế học để tưởng nhớ Alfred Nobel) gồm Daron Acemoglu, Simon Johnson và James A. Robinson tập trung phân tích.
Những đóng góp của họ nêu rõ về phương diện thực nghiệm lẫn lý thuyết rằng một sự giải thích quan trọng những vấn đề này gắn với mối quan hệ cốt lõi giữa các thể chế (quyền sở hữu, hệ thống pháp lý, các hệ thống chính trị, quản trị công) và sự thịnh vượng.
Vai trò của chế độ thuộc địa, một nhân tố then chốt
Một trong những đóng góp chính của những người đạt giải Nobel kinh tế là xem xét kinh nghiệm lịch sử của quá trình xâm chiếm thuộc địa, và chính xác hơn là tính chất của các hệ thống chính trị và kinh tế mà thực dân châu Âu đã thiết lập, hay đã chọn duy trì, kể từ thế kỷ XVI tại các nước thuộc địa. Các học giả này quan sát thấy rằng loại hình các thể chế này tuỳ thuộc vào số thực dân châu Âu định cư tại thuộc địa. Khi môi trường chung quanh gây trở ngại, hoặc do dân bản xứ đông hơn và chống lại kẻ xâm lược, hoặc vì sự lan tràn của những bệnh hiểm nghèo và gây chết người, số thực dân thực tế ít hơn. Lúc đó, họ thiết lập những thể chế khai thác để bóc lột đại bộ phận dân cư và làm lợi cho một tầng lớp thượng lưu địa phương, thiết lập các quyền chính trị vô cùng hạn chế. Điều này đã gây tai hại cho sự tăng trưởng trong dài hạn.
Trái lại, những thuộc địa đông thực dân – gọi là thuộc địa di dân – đã phát triển những thể chế kinh tế hoà nhập thúc đẩy thực dân làm việc và đầu tư tại quê hương mới của họ. Đổi lại, điều này đã đưa đến những yêu cầu về các quyền chính trị đã đem lại cho họ một phần lợi ích. Những thể chế này thiết lập những quyền tự do kinh tế chủ yếu và Nhà Nước pháp quyền đã rất có lợi cho phát triển kinh tế.
Đặc biệt là bằng cách sử dụng số liệu tử vong của thực dân, những người đạt giải Nobel đã nêu rõ thực tế thống kê sau đây chứng thực cho lập luận này: số tử vong trong dân số thực dân càng cao trong quá khứ thì ngày nay thu nhập bình quân đầu người càng thấp, và tình trạng nghèo khó, tham nhũng và thiếu vắng Nhà nước pháp quyền càng nghiêm trọng.
Làm thế nào để thay đổi các hệ thống khi các lợi ích khác nhau
Những người đạt giải thưởng Nobel cũng phát triển một khung lý thuyết đổi mới nhằm giải thích tại sao một số xã hội bị kẹt trong cái bẫy thể chế khai thác, và đôi lúc lại có thể tự giải phóng khỏi những thể chế được kế thừa từ quá khứ để thiết lập thể chế dân chủ và Nhà nước pháp quyền.
Giải thích của những người đạt giải tập trung vào những cuộc xung đột chung quanh quyền lực chính trị và vấn đề tín nhiệm giữa giới tinh hoa lãnh đạo và dân chúng. Chừng nào chính trị còn đem lại lợi ích cho tầng lớp tinh hoa, thì lúc đó dân chúng sẽ không thể tin rằng những lời hứa hẹn về một hệ thống kinh tế cải cách sẽ được thực thi. Ngược lại, một hệ thống chính trị mới, trao cho dân chúng cơ hội thay thế các nhà lãnh đạo không giữ lời hứa, sẽ cho phép cải tổ hệ thống kinh tế.
Tuy nhiên, giới tinh hoa lãnh đạo không tin rằng dân chúng sẽ bù đắp cho họ về việc họ mất những lợi thế kinh tế một khi hệ thống mới được thiết lập. Thật khó vượt qua vấn đề gọi là “cam kết” này, và nó giải thích tại sao một số quốc gia vẫn bị kẹt trong cái bẫy của cơ cấu thể chế khai thác, với tình trạng nghèo khó của số đông và một sự bất bình đẳng lớn giữa giới tinh hoa lãnh đạo và những thành phần khác trong xã hội.
Dân chủ do thiếu tín nhiệm?
Một cách lý thú, chính sự bất lực trong những hứa hẹn tin cậy được cũng có thể giải thích tại sao những chuyển đổi tiến đến dân chủ đôi khi lại xảy ra. Thực vậy, ngay cả khi dân chúng của một quốc gia phi dân chủ không có quyền lực chính trị hình thức, dân chúng vẫn có một vũ khí mà giới tinh hoa lãnh đạo e sợ: đó là số lượng. Thực vậy, một sự huy động quần chúng có thể được hiện thực hoá thành mối đe doạ cách mạng đối với giới tinh hoa lãnh đạo.
Lúc đó, giới tinh hoa lãnh đạo này phải đối mặt với thế tiến thoái lưỡng nan sau đây: họ muốn ở lại nắm quyền hơn và chỉ cố gắng xoa dịu quần chúng bằng cách hứa hẹn những cải cách kinh tế. Nhưng một lời hứa như vậy không đáng tin cậy vì dân chúng biết rằng giới lãnh đạo có thể nhanh chóng trở lại hệ thống cũ một khi tình hình đã dịu lại. Trong trường hợp đó, lựa chọn duy nhất đối với giới lãnh đạo có thể là nhượng quyền và thiết lập dân chủ. Điều này giúp thiết lập các chính sách kinh tế thuận lợi hơn cho tăng trưởng và tái phân phối cho dân chúng, đồng thời tránh được những hậu quả đắt giá hơn của bạo lực và cách mạng.
Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư
Nguồn: “Prix Nobel d'Économie: Pourquoi certaines nations sont riches et d'autres pauvres?”, The Conversation, 16.10.2024.