CHIẾN
THẮNG CỦA DONALD TRUMP: TIN VUI CHO TRUNG QUỐC?
![]() |
Donald Trump, trong bài phát biểu chiến thắng sau khi tái đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ, ngày 5 tháng 11 năm 2024. (Nguồn: CBS) |
Chiến thắng của Donald Trump, tái đắc cử vào Nhà
Trắng cho 4 năm, là một tin tuyệt vời đối với các chế độ độc tài trên toàn thế
giới. Kể cả đối với chính quyền ở Trung Quốc, ngay cả khi nền kinh tế nước này
sẽ phải hứng chịu các biện pháp bảo hộ sắp tới, nhiều chuyên gia về Châu Á tin rằng Trung Quốc sẽ không
bỏ lỡ cơ hội để được hưởng lợi từ chiến thắng này.
Đối với Zhang Junhua, nhà nghiên cứu liên kết tại Viên Nghiên Cứu về Châu Á
của Châu Âu, “về mặt chính trị,
sự thoái lui này là một món quà quý giá cho phe độc tài trên toàn cầu. Tập Cận
Bình và Vladimir Putin chắc chắn sẽ vui mừng trước kết quả của cuộc bầu cử
này, đến tận đấy lòng.”
Nhà nghiên cứu được Deusche Welle trích dẫn tiếp tục: “Bởi vì họ biết
rằng bốn năm tới sẽ không chỉ đẩy nền dân chủ Mỹ vào thời kỳ kịch phát mà còn tạo
nhiều cơ hội hơn cho những người ở Hoa Kỳ ủng hộ việc giảm bớt đến mức tối đa
phạm vi hoạt động của Nhà nước pháp quyền, dân chủ và công bằng. Các liên minh
dân chủ ở Châu Á mà Tổng thống Joe Bien đã dày công xây dựng, như ở Nhật Bản,
Hàn Quốc, Đài Loan và tổ chức Quad[**] sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp một
cách tai hại.”
Zhang Junhua giải thích: “Nói cách khác, điều này sẽ mang lại cho Trung Quốc, cùng với Nga, cơ hội áp đặt ý chí của mình ở Đông Á, eo biển Đài Loan và Biển Đông”. Đối với ông, nhiệm kỳ của Donald Trump còn có hệ quả là tách xa Châu Âu với Châu Á-Thái Bình Dương do sự gia tăng những mối nguy hiểm có thể xảy ra ở biên giới của Châu Âu với nỗi ám ảnh về chiến thắng của Nga ở Ukraine. Zhang Junhua lưu ý: “Tóm lại, bề ngoài, đây là một chiến thắng vĩ đại của chủ nghĩa bảo thủ ở Mỹ, nhưng trên thực tế, nó còn là một chiến thắng vĩ đại hơn nữa của chủ nghĩa độc tài toàn cầu. Tất cả những điều này rất có hại cho tình hình an ninh ở Châu Á - Thái Bình Dương.”
Đối với Mathieu Duchâtel, chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Montaigne, nếu Donald Trump “đã để lại kỷ niệm
tuyệt vời ở Đài Loan” khi ông còn ở
Nhà Trắng “bằng việc quyết
định cuối cùng chống lại chủ nghĩa trọng thương của Trung Quốc, […] thì có một
số lý do khiến chúng ta phải cực kỳ thận trọng về tính liên tục của chính sách
về Đài Loan của ông với các cách tiếp cận kinh tế, ngoại giao và quân sự đánh dấu
nhiệm kỳ đầu tiên của ông.”
Bên cạnh tương lai của Ukraine bất trắc hơn bao giờ hết, “đối với Đài Loan, có vẻ như rõ ràng rằng vị
thế của nước này với tư cách là một nền dân chủ tự do sẽ có rất ít giá trị chiến
lược trong mắt giới hành pháp Mỹ và (Đài Loan) cần sẽ phải trả “phí bảo vệ” dưới
hình thức này hay hình thức khác.”
Tuy nhiên, Mathieu Duchâtel giải thích, “trong những năm gần đây, Đài Loan đã đưa ra một bài học lớn về sự sáng
suốt cho các nền dân chủ Châu Âu, khi phát hiện mức độ nghiêm trọng của đại dịch Covid trước bất kỳ ai khác. […] Hoàn toàn có khả năng hòn đảo này sẽ thành
công trong việc đảm bảo không chỉ sự tồn tại mà còn cả sự thịnh vượng liên tục
của nó, thông qua các thao tác chiến thuật đi theo hướng của những ưu tiên của
chính sách “Nước Mỹ trên hết” về mặt việc làm trong ngành công nghiệp, về sự
tái cân bằng quan hệ kinh tế với Trung Quốc và về sự tìm kiếm ưu thế công nghệ và sự
tăng cường tính đáng tin của khả năng phòng thủ của nước này.”
“Một giai đoạn bất trắc mới”
Chúng ta còn nhớ những nhận xét đe dọa được đưa ra giữa chiến
dịch bầu cử của Donald Trump đối với Formosa trước đây: “Đài Loan. Tôi biết
người Đài Loan rất rõ, tôi rất tôn trọng họ. Họ đã chiếm khoảng 100% ngành công
nghiệp chip của chúng ta. Tôi nghĩ Đài Loan nên trả tiền cho chúng ta để bảo vệ
họ. Bạn biết đấy, chúng ta không khác gì một công ty bảo hiểm. Đài Loan không
có gì để trao đổi cả.” Đề cập đến Đài Loan trong một tuyên bố khác, hồi
tháng 10, ông nói rằng với ông ở Nhà Trắng, ông sẽ không cần phải dùng vũ lực để
ngăn Trung Quốc áp đặt lệnh phong tỏa xung quanh hòn đảo bất trị này, bởi vì Tập
Cận Bình biết ông ta” điên” và trong tình huống như vậy, ông sẽ áp đặt
thuế hải quan đến mức chúng có tác dụng làm tê liệt Trung Quốc.
Tổng thống thứ
47 của Hoa Kỳ mới gần đây đã bày tỏ yêu cầu đóng góp tài chính đối với Hàn Quốc,
tin rằng hai quốc gia này, mặc dù là đồng minh có giá trị đối với Mỹ và đối với
ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong khu vực, nên chi trả nhiều hơn cho sự bảo vệ quân sự
do Washington cung cấp..
Chiến thắng của
Trump cũng không làm cho các nhà lãnh đạo NATO vui mừng. Họ vẫn chưa quên chính
sách đối ngoại trước đây của Trump khi còn ở Nhà Trắng: cụ thể là xếp vào hạng
thứ yếu của những ưu tiên của mình các cam kết của Hoa Kỳ trong Hiệp ước Bắc Đại
Tây Dương vốn quy tụ 32 quốc gia và buộc Hoa Kỳ phải can thiệp quân sự để bảo vệ
bất kỳ quốc gia thành viên nào bị tấn công. Rất ít nhà lãnh đạo chính trị
phương Tây dự kiến quyết định của Trump rút Hoa Kỳ khỏi Liên minh. Nhưng mọi
người đều nhớ những lời đe dọa gần đây của Donald Trump đòi hỏi các thành viên
khác tham gia nhiều hơn vào việc tài trợ cho hoạt động của NATO, cáo buộc họ lợi
dụng sự bảo vệ của Mỹ một cách ít tốn kém.
BBC bình luận một ngày sau kết quả cuộc bầu cử Mỹ: “Thực tế là các
nhà lãnh đạo NATO thực sự lo ngại về chiến thắng của Trump sẽ có ý nghĩa gì đối
với tương lai của Liên Minh và khả năng răn đe của nó sẽ được các nhà lãnh đạo
thù địch với NATO nhìn nhận như thế nào”. BBC nhắc nhở
chúng ta: cách tiếp cận
Trung Quốc của Donald Trump “là lĩnh vực
quan trọng mang tính chiến lược nhất trong chính sách đối ngoại của ông ấy và
có tác động lớn nhất đến an ninh và thương mại toàn cầu”.
Tổng thống đắc
cử đã nhiều lần ca ngợi mối quan hệ của ông, mà ông nói là “thân thiết”, với Tập
Cận Bình, người mà ông lần lượt mô tả là “tuyệt vời” hoặc “nguy hiểm”,
tuy nhiên vẫn ca ngợi một nhà lãnh đạo đã kiểm soát được 1,4 tỷ người Trung Quốc
bằng một “bàn tay sắt”. Những nhận định khiến những người gièm pha ông
nói rằng họ coi đây là sự ngưỡng mộ của ông đối với những kẻ độc tài.
Trong con mắt của
hầu hết các nhà phân tích, Donald Trump, giống như trong nhiệm kỳ đầu tiên của
ông, sẽ đặt ưu tiên cho các thách thức và các lợi ích thương mại trong chính
sách đối ngoại của mình với Trung Quốc. Trong lĩnh vực này, ông sẽ vẫn trung
thành với cách tiếp cận đổi chác với tư cách là một doanh nhân trong việc quản
lý các quan hệ quốc tế, những vấn đề nhân đạo, hệ tư tưởng hoặc địa chính trị
ít quan trọng trong mắt ông ấy.
Nhưng chắc chắn
rằng bản chất khó lường của Donald Trump mới là điều khiến Trung Quốc cũng như
các đồng minh của Mỹ, kể cả ở Đông Á, lo lắng nhất. Bản chất hoạt động của Đảng
Cộng sản Trung Quốc là dựa trên sự ổn định, chế độ Bắc Kinh rất ghê tởm bất kỳ
sự kiện không lường trước được.
Tạp chí Foreign Policy của Mỹ nhấn mạnh rằng chiến thắng
của Trump “đánh dấu sự khởi
đầu của một giai đoạn bất trắc mới trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Tổng thống
đắc cử có thể sẽ quay trở lại những điểm nổi bật trong nhiệm kỳ đầu tiên của
mình: cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, thái độ hoài nghi
sâu sắc và thậm chí là thái độ thù địch đối với chủ nghĩa đa phương, sự hấp dẫn
trước những kẻ mạnh và phong cách tiến hành ngoại giao phi truyền thống dựa
trên cách tiếp cận cơ bản của ông là hòa bình thông qua sức mạnh.”
“Có thể dự đoán được là một điều
khủng khiếp.”
Đối với Financial Times, không có gì phải nghi ngờ: “Các đồng minh
truyền thống của Mỹ ở Châu Âu và Đông Á – thậm chí chưa kể đến kẻ thù của Mỹ –
đều có đủ khả năng để biết rằng Donald Trump muốn bỏ mặc họ trong sự mù mịt về
kế hoạch của ông. Tuy nhiên, trên một số hồ sơ nhất định, các trợ lý của ông
nói rằng mọi thứ đều hoàn toàn rõ ràng. Họ nhấn mạnh [và khẳng định] rằng ông sẵn
sàng hành động với tốc độ chóng mặt để chấm dứt chiến tranh ở Ukraine và Trung
Đông.”
Nhật báo Anh
cho biết thêm: “Nhưng đồng thời, ông ấy có ý định đưa ra lời đe dọa về thuế
hải quan ngày càng cao hơn để thúc đẩy các đồng minh của Mỹ chi tiêu nhiều hơn
cho quốc phòng và cân bằng quan hệ thương mại của họ với Hoa Kỳ trong khi vẫn
duy trì áp lực với Trung Quốc. Có một chủ đề mà hầu hết các đồng minh của Mỹ
không còn nghi ngờ gì nữa: họ sẽ có mối quan hệ đầy sóng gió với Trump thứ hai
tại Nhà Trắng”, chủ yếu là do bản tính khó đoán của ông.
Về chủ đề này, những người bạn tâm giao của Trump tin rằng
mối quan ngại của các đồng minh của Mỹ là có cơ sở. “Dễ dự đoán là một điều khủng khiếp,” Ric Grenell, một trong những người thân cận
của tân tổng thống, người mà theo Financial Times, có thể được đề cử
cho một vai trò nổi bật trong chính quyền Trump trong tương lai, giải thích “Làm người dễ bị dự đoán là một điều khủng
khiếp. Tất nhiên, phía bên kia [các kẻ thù của Hoa Kỳ] buộc phải dự đoán. Không
thể dự đoán Trump sẽ làm gì và người Mỹ chúng tôi thích điều đó.”
Theo Ric
Grenell, một thỏa thuận toàn diện với Trung Quốc không nhất thiết khiến Trump
trở nên kiêu ngạo hơn.” Họ không kiên nhẫn chờ đợi để được thuyết giảng về
những gì đang xảy ra ở cách xa hàng ngàn dặm. Họ sẽ xem xét kỹ lưỡng sự cân bằng
quyền lực ở Châu Á và sự cam kết của chúng ta ở đó. Điều quan trọng nhất [đối với
người Trung Quốc] là lợi ích của họ trong việc duy trì một nước Nga bị suy yếu
do chiến tranh kéo dài để nước này trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc.”.
Đây là lý do Mỹ phải dùng lực lượng răn đe để tránh chiến tranh với Trung Quốc.
Được Financial Times trích dẫn, Mike Waltz, một
trong những tiếng nói quan trọng trong hàng ngũ bảo thủ của Hạ viện Quốc hội
Hoa Kỳ, tái khẳng định rằng Trung Quốc tạo thành “mối đe dọa sinh tử đối với Hoa Kỳ do việc
tăng cường năng lực quân sự của nước này. Hạm đội Trung Quốc lớn hơn hạm đội của chúng ta. Chúng ta phải cố gắng tăng cường sự chuẩn bị của mình.” Nhưng, ngay sau đó ông nhấn mạnh rằng trong
mắt Donald Trump, Trung Quốc cần Mỹ hơn là ngược lại: “Trump nói nhiều về các hiệp định thương mại,
thuế hải quan và tiền tệ hơn những gì
chúng ta sẽ làm trong trường hợp xảy ra xung đột ở eo biển Đài Loan. Ông tin rằng
việc chúng ta sử dụng sức mạnh kinh tế, được hỗ trợ bởi sự hiện diện quân sự,
có thể tránh được những cuộc chiến này.”
Một chính trị
gia khác của Đảng Cộng hòa, Thượng nghị sĩ William Francis Hagerty, nhấn mạnh rằng
Donald Trump vẫn quyết tâm hành động trong trường hợp xảy ra chiến tranh ở Đài
Loan và ông sẽ tiếp tục chính sách răn đe mạnh mẽ để tránh mưu toan xâm lược của
Trung Quốc.” Ông Tập Cận Bình biết rằng nếu ông quyết định có hành động hung
hăng, Donald Trump sẽ gây ra hậu quả thực sự”, ông khẳng định.
Về mặt chính thức
và vì lý do ngoại giao thuần túy, chính quyền Đài Loan không có lựa chọn nào
khác ngoài tỏ ra tích cực và che giấu sự lo lắng về khả năng chính quyền Mỹ
thay đổi quan điểm đối với họ. “Mối quan hệ đối tác lâu dài giữa Đài Loan và
Hoa Kỳ, được xây dựng dựa trên các giá trị và lợi ích chung, sẽ tiếp tục đóng
vai trò là nền tảng cho sự ổn định trong khu vực,” tân Tổng thống Đài Loan
Lại Thanh Đức thận trọng trả lời trong một tweet hôm thứ Tư.
Nhưng đối với một số nhà phân tích, một ngày nào đó
Donald Trump có thể nhượng bộ trước áp lực từ Bắc Kinh và đánh giá rằng quan điểm
của Mỹ mà những người tiền nhiệm của ông đã tuân thủ về vấn đề Đài Loan đã lỗi
thời, tùy thuộc vào mức bù đắp mà Trung Quốc có thể đưa ra. Stephen Young, một nhà ngoại
giao Mỹ chuyên nghiệp và cựu giám đốc đại diện Mỹ tại Đài Bắc, được Politico
trích dẫn ngày 7 tháng 11, cho biết: “Ông ấy có thể đồng ý đàm phán để trả lại
[Đài Loan] cho Trung Quốc nếu [Trung Quốc] trao cho ông ấy thứ gì đó quan trọng
đối với ông ấy”. “Nếu Trump cho họ (Trung Quốc) một đặc ân (về
Đài Loan), ông ấy sẽ đòi hỏi họ điều gì đó quan trọng hơn,” thẩm phán Jason Hsu, một cựu quan chức dân
cử của Quốc Dân Đảng, đảng đối lập chính của Đài Loan, cũng được Politico dẫn lời.” Chúng tôi có đường hướng dẫn để đàm phán với
[Kamala] Harris nhưng chúng tôi không có hướng dẫn nào khi nói đến Trump.”
Một số quan chức
được bầu của đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo. Thất
bại trong chính sách mà Hoa Kỳ theo đuổi nhằm ngăn cản Trung Quốc lao vào một
hoạt động quân sự “sẽ là một sai lầm thảm khốc mà chúng ta không thể lặp lại
đối với Đài Loan”, Chủ tịch Ủy ban chịu trách nhiệm về Trung Quốc tại Hạ viện,
John Moolenaar tuyên bố.
Thời điểm tồi tệ cho Hàn Quốc và Nhật Bản
Những lo ngại
này cũng có ở Hàn Quốc, nơi mà dù không nói một cách công khai, chính phủ vẫn
lo ngại về việc cắt giảm hoặc thậm chí rút lực lượng Mỹ đồn trú trên đất Hàn Quốc
vào thời điểm nước láng giềng Triều Tiên đang náo động hơn bao giờ hết. Chun
In-bum, cựu chỉ huy lực lượng đặc biệt Hàn Quốc, được báo Nhật Bản Nikkei Asia
dẫn lời hôm thứ Tư, ngày 7 tháng 11, nhận định rằng: “Có vẻ như nỗi lo sợ về
việc [Mỹ] rút quân đang gia tăng”. Việc rút quân như vậy, nếu thành hiện thực,
chắc chắn sẽ khuyến khích Triều Tiên cố gắng xâm chiếm nước láng giềng phía
nam, Chin In-bum khẳng định: “Nếu quân Mỹ rút lui, chúng ta có thể thấy một
thế giới hoàn toàn mới.” Hoa Kỳ đồn trú khoảng 28.500 binh sĩ và duy trì sự
hiện diện quân sự rất đáng kể ở Hàn Quốc trong khuôn khổ của hiệp ước liên minh
giữa hai nước tồn tại kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc năm 1953.
Ở Seoul, không ai quên những cái bắt tay thân thiện giữa
Donald Trump và nhà độc tài Triều Tiên Kim Jong-un. Vào ngày 1 tháng 7 năm
2019, Trump thậm chí còn vượt qua ranh giới và đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên
để gặp người đối thoại, bá vai bá cổ người đối thoại, một cử chỉ vừa ngoạn mục
vừa không thích đáng vì nó nhấn mạnh sự thiếu hiểu biết của tổng thống Mỹ về
tình hình khu vực. Cheong Seong-Chang, giám đốc Trung tâm Chiến lược Bán đảo
Triều Tiên tại Viện Sejong, đã công khai nói với các phóng viên vào tháng 10 rằng
việc Trump trở lại Nhà Trắng cùng với các mối đe dọa quân sự ngày càng tăng do
Trung Quốc và Triều Tiên đặt ra, “vũ khí hạt nhân
đối với Hàn Quốc sẽ là một điều cần thiết, không phải là một sự lựa chọn.” Ông nói thêm rằng với việc Trump tái đắc cử,
Hàn Quốc không còn có thể tin tưởng vào Hoa Kỳ trong việc đảm bảo khả năng
phòng thủ của mình vì Donald Trump sẽ “chọn thành lập
một chính quyền ưu tiên lợi ích của Mỹ hơn là lợi ích của các đồng minh của
mình”.
Tại Nhật Bản,
chính quyền Nhật Bản đã chuẩn bị từ nhiều tháng nay cho một chiến thắng của Donald
Trump. Trong các hành lang quyền lực, thuật ngữ “moshi-tora” (“nếu Trump trở
thành tổng thống”) đã được sử dụng từ năm ngoái. Trong những tuần gần đây,
thuật ngữ này đã được thay thế bằng “hobo-tora” (“có thể là Tổng thống Trump”). Ở đây, mối lo ngại chủ yếu liên quan đến bản chất khó lường của nhà tỷ
phú New York và thói quen sử dụng các phương thức giao dịch kiểu thương mại,
yêu cầu phản hồi ngay lập tức thay vì hành động trong khuôn khổ quan hệ song
phương trên cơ sở các hiệp ước đặc biệt hiện có có khả năng đáp ứng các thách
thức địa chiến lược hiện nay.
Hơn nữa, chiến
thắng của Donald Trump diễn ra trong bối cảnh bất ổn chính trị lớn ở Nhật Bản,
với việc liên minh cầm quyền của tân Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba đã mất
đa số trong cuộc bầu cử lập pháp vừa qua vào tháng trước. Do đó, rủi ro
là rủi ro kép: một tổng thống mới của Mỹ dành ưu tiên cho các đòi hỏi thương mại
của mình gây bất lợi cho chính trị, quân sự và các liên minh, và một chính phủ
Nhật Bản buộc phải ưu tiên các vấn đề trong nước để đáp ứng nhu cầu của dư luận
và thiết lập lại sự ủng hộ của dân chúng đã bị đánh mất.
“Chào Modi?”
Đối với Ấn Độ, một quốc gia có truyền thống rất coi trọng
nền độc lập của mình và thù nghịch với bất kỳ liên minh nào, viễn cảnh về nhiệm
kỳ thứ hai của Donald Trump vừa đơn giản vừa phức tạp. Đơn giản vì Thủ tướng
Narendra Modi đã duy trì mối quan hệ thân thiện công khai với ông cựu trùm bất
động sản, người mà ông còn gọi là “người bạn của
tôi” khi gửi lời
chúc mừng đến ông này. Mới đây, người sẽ trở lại Phòng Bầu dục đã tuyên bố rằng
người đứng đầu chính phủ Ấn Độ là “con người đẹp
nhất”.
Hai người đã
nhân rộng những cử chỉ thiện chí lẫn nhau biến các chuyến thăm chính thức của họ
thành những sự kiện lớn: vào tháng 9 năm 2019, Donald Trump đã sử dụng cụm từ “Howdy
Modi?” (“Bạn có khỏe không Modi?”) ở Houston trước mặt người khách và
50.000 người Mỹ gốc Ấn đầy nhiệt tình. Sự kiện thật sự nóng này trên truyền
thông ở Hoa Kỳ được tiếp nối bởi “Namaste Trump” (“Chào
mừng Ông Trump”) vào tháng 2 năm 2020 trong chuyến thăm của tổng thống Mỹ tới bang
Gujarat, nơi ông này đã hứa sẽ tăng cường quan hệ giữa hai nước.
Trong những năm
gần đây, Ấn Độ đã dựa vào Mỹ để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc
ở Châu Á. Nhưng trong cuộc gặp sau cùng vào ngày 24 tháng 10 tại Kazan, Nga,
trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh BRICS, Narendra Modi và Tập Cận Bình, trước
sự ngạc nhiên của mọi người, đều tuyên bố mong muốn giải quyết tranh chấp biên
giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Cử chỉ này, đương nhiên được cả hai bên chuẩn bị
kỹ lưỡng, đã được các chính phủ Phương Tây ghi nhận: nó có thể phản ánh sự khởi
đầu của sự ấm áp thực sự giữa hai nước láng giềng đối thủ, đồng thời, đối với
New Delhi, sẽ làm giảm tầm quan trọng của khía cạnh này trong quan hệ giữa Ấn Độ
và Hoa Kỳ.
Ajay Bisaria,
nhà cựu ngoại giao Ấn Độ được Deutsche Welle trích dẫn, nhận định rằng: “Trump
nên tăng cường hợp tác địa chính trị với Ấn Độ và QUAD, đồng thời tăng cường sự
chống đối Trung Quốc”. Đó là một sự lạc quan không được Raja Mohan, một
chuyên gia quan hệ quốc tế Ấn Độ, chia sẻ khi ông này cho rằng học thuyết “Nước
Mỹ trên hết” của Donald Trump có thể dẫn đến việc tăng thuế quan đối
với các hàng xuất khẩu của Ấn Độ, điều sẽ ảnh hưởng đến các lĩnh vực dệt may,
công nghệ cao và dược phẩm.
Chuyên gia này,
hiện là giáo sư tại Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á ở Singapore, giải thích: “Trump
từng gọi Ấn Độ là 'vua thuế quan' và tuyên bố ý định thực hiện hệ thống ăn miếng
trả miếng/có qua có lại nếu ông tái đắc cử, điều có thể làm phức tạp thêm sự
năng động giữa hai quốc gia”. Raja Mohan cho biết thêm: “Nhiệm kỳ tổng
thống thứ hai của Trump nêu bật sự cân bằng phức tạp đối với Ấn Độ, được đánh dấu
bằng những rủi ro đáng kể khi nói đến thương mại và nhập cư”.
Chắc chắn, mong
muốn được Donald Trump công bố trong chiến dịch tranh cử là tăng đồng đều thuế
hải quan lên 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, nếu được quyết định, sẽ
giáng một đòn mới, rất mạnh vào nền kinh tế Trung Quốc vốn đang gặp khó khăn lớn.
Theo một số nhà phân tích, chúng thậm chí có thể khiến Trung Quốc mất đi 1 đến
2% GDP. Nhưng cái cốt yếu không nằm ở đó. Bởi vì, trên thực tế, nếu Donald
Trump, ngày nay được đa số ủng hộ trong Quốc hội, một lần nữa dấn thân vào một
logic thương mại thuần túy gây bất lợi cho địa chính trị như ông đã làm trong
nhiệm kỳ đầu tiên của mình, thì kết quả một lần nữa có thể là một chính sách
mang tính biệt lập chủ nghĩa với sự suy giảm ảnh hưởng toàn diện của Hoa Kỳ
trên thế giới.
Tuy nhiên, sự
suy thoái này của nước Mỹ, trước đây là “sen đầm của thế giới”, xảy ra vào thời
điểm mà sự cân bằng toàn cầu đang bị đe dọa mạnh mẽ, một mặt là sự mất lòng tin
ngày càng tăng đối với các nền dân chủ tự do và mặt khác là chiến tranh do Nga
tiến hành ở Ukraine kể từ tháng 2 năm 2022 cũng như cuộc chiến của Israel chống
lại Hamas ở Gaza và Hezbollah ở Lebanon. Tuy nhiên, sự trượt dốc này của một nước
Mỹ rút lui hoặc thậm chí đang bị hỏng máy, đã được nhận thấy từ hơn một thập kỷ,
sẽ rất thuận lợi cho sự nổi lên liên tục về chính trị-quân sự của Trung Quốc ở
Châu Á và trên trường thế giới.
Cuối cùng, nó cũng có thể chứng minh rằng Tập Cận Bình có
lý, như ông thường nhắc lại với “người bạn thân
nhất” Vladimir
Putin: “Thế giới đang trải qua những thay đổi chưa
từng có từ một thế kỷ nay.”
Ngụ ý khẩu hiệu kia mà ông đề cập đến mà không hề nói ra: “Phương Đông
[Trung Quốc] đang trỗi dậy và Phương Tây [Mỹ] đang suy tàn.”
Phạm
Như Hồ dịch
Chú thích
![]() |
Pierre-Antoine Donnet |
[*] Pierre-Antoine Donnet, cựu nhà báo của AFP, là tác giả khoảng mười lăm cuốn sách viết về Trung uốc, Nhật Bản, Tây Tạng, Ấn Độ và những thách thức lớn của châu Á. Năm 2020, người cựu phóng viên tại Bắc Kinh này đã xuất bản cuốn “Le leadership mondial en question, L’affrontement entre la Chine et les États-Unis [Đặt lại vấn đề lãnh đạo thế giới, Cuộc đụng độ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ]”, nhà xuất bản Editions de l’Aube. Ông cũng là tác giả cuốn “Tibet mort ou vif [Tây Tạng chết hay sống]”, nhà xuất bản Gallimard vào năm 1990 và tái bản vào năm 2019 trong một ấn bản được cập nhật và bổ sung. Sau cuốn “Chine, le grand prédateur [Trung Quốc, nước săn mồi vĩ đại]”, nhà xuất bản Éditions de l’Aube vào năm 2021, thì vào cuối năm năm 2022, ông đã chủ biên một công trình tập thể có tựa là “Le Dossier chinois [Hồ sơ Trung Quốc]” (nhà xuất bản Cherche Midi), và tiếp đó vào đầu năm 2023 cuốn “Confucius aujourd’hui, un héritage universaliste [Khổng Tử ngày nay, một di sản phổ quát]” (nhà xuất bản L’Aube). Cuốn sách mới nhất của ông, “Chine, l'empire des illusions [Trung Quốc, đế chế của ảo tưởng]”, được xuất bản vào tháng 1 năm 2024 (Saint-Simon).
[**] Quad là một diễn đàn
đối thoại bốn bên không chính thức về các vấn đề quân sự và an ninh quy tụ Hoa
Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia.
Nguồn: “La victoire de Donald Trump: une nonnr nouvelle pour
la Chine?”, Asialyst, 9.11.2024.