26.7.16

Tiền tệ



Tiền tệ

Money
® Giải Nobel: FRIEDMAN, 1976 HICKS, 1972 TOBIN, 1981
Mặc dù hằng ngày ta trải nghiệm một nền kinh tế tiền tệ nhưng tiền tệ lại là một trong những khái niệm kinh tế khó nắm bắt nhất. Có lẽ là do những hình thái và chức năng tiền tệ là đa dạng, thứ bậc của những chức năng này đặt thành vấn đề, chính ngay tính duy lí của một nền kinh tế tiền tệ là không hiển nhiên như bề ngoài của nó; đó còn vì những đặc tính cân bằng và tối ưu của một nền kinh tế luôn bị tra vấn; cũng còn vì cuộc tranh luận về những phương thức điều tiết việc phát hành tiền tệ vẫn còn gay gắt; và nhất là vì sự đối lập rất lớn giữa những tác giả giữ lấy một quan niệm chức năng của tiền tệ và những tác giả nhìn tiền tệ, trong một cách nhìn thể chế, như chính ngay là cơ sở của xã hội. Những cuộc tranh luận xưa này mang một tính thời sự thực tiễn, thể chế lẫn lí thuyết vào thời điểm mà một đồng tiền mới ra đời, đồng euro, và nhân những cuộc đổi mới trong các công nghệ thông tin và truyền thông, suốt cả quá trình phi vật thể hoá những phương tiện thanh toán.
Chúng tôi sẽ tìm hiểu điều gì đặc trưng cho một nền kinh tế tiền tệ, từ đó ta có thể phân tích tiến trình lịch sử của những hình thái khác nhau của tiền tệ; cuối cùng việc xem xét những chức năng của tiền tệ sẽ cho phép ta đánh giá những lí thuyết đương đại về tiền tệ.
Thế nào là một nền kinh tế tiền tệ?
Việc mô tả một nền kinh tế dựa trên việc chuyên môn hoá và phân công lao động phải làm rõ bằng cách nào những trao đổi giữa các tác nhân được tiến hành ở một thời điểm nhất định và cách mà những tác nhân này thực hiện việc chuyển nhượng liên thời gian những của cải. Việc mô tả này dẫn đến việc đối lập trong những nét lớn ba loại nền kinh tế: nền kinh tế hiện vật (hàng đổi hàng), nền kinh tế tín dụng, nền kinh tế tiền tệ.
1) Đặc điểm của một nền kinh tế hiện vật là ở chỗ, trong nền kinh tế này, mỗi sản phẩm đều là sản phẩm thước đo; mọi sản phẩm mua được tất cả sản phẩm khác, không có sản phẩm nào có một cương vị vật ngang giá phổ biến khiến cho việc nắm giữ sản phẩm này bảo đảm là có thể trao đổi nó với bất kì sản phẩm nào khác. Do đó xã hội hiện vật dựa trên một nguyên lí song phương phổ biến; những giá nổi lên trong trao đổi, tạo nên yếu tố động viên và cũng là thước đo được dùng để đánh giá những thu hoạch của trao đổi và việc phân chia chúng là những giá tương đối. Những bất tiện của kiểu tổ chức trao đổi này đã được biết rõ, chúng thuộc ba loại.
Thực hiện trao đổi đòi hỏi phải có điều được gọi là sự trùng khớp nhu cầu: người nắm giữ sản phẩm i muốn có sản phẩm j phải tìm ra người nắm giữ sản phẩm j muốn có sản phẩm i; như thế quá trình tìm kiếm này là nguồn gốc của tính không hiệu quả và góp phần giới hạn số trao đổi tiềm năng có lợi. Sự cần thiết chuyển nhượng trong thời gian sức mua khiến cho quá trình tìm kiếm khó khăn hơn vì bây giờ phải tìm một đối tác nắm giữ một sản phẩm mà những đặc điểm vật thể khiến cho nó là một chỗ dựa tốt cho sự chuyển nhượng liên thời gian này. Cuối cùng, những chi phí giao dịch và thương thảo kiểu trao đổi này giới hạn cơ hội có những hợp đồng động viên.
2) Nền kinh tế tín dụng cho phép giải quyết một phần những khó khăn của nền kinh tế hiện vật; bây giờ người cung cấp sản phẩm i không còn nhận sản phẩm j trực tiếp đáp ứng được nhu cầu của mình mà là một trái quyền trên người cung cấp i; ta hiểu được là ràng buộc trùng khớp nhu cầu được nới lỏng hơn; tương tự như vậy, có thể nêu những đặc điểm của trái quyền một cách phù hợp để cho nó có thể làm chỗ dựa cho việc chuyển nhượng liên thời gian sức mua; cuối cùng những điều kiện thiết kế những hợp đồng động viên và kiểm tra việc tuân thủ những điều khoản của những hợp đồng này có lẽ dễ dàng được thoả mãn hơn là trong một nền kinh tế hiện vật. Tuy nhiên việc chuyển nhượng giá trị thuần tuý tư nhân này bị ràng buộc bởi tính kém lưu thông của trái quyền người bán sản phẩm nhận được; chúng tôi muốn nói là vấn đề trùng khớp nhu cầu chỉ được hoãn lại trong thời gian; thật thế, không gì đảm bảo là trái quyền sẽ được đối tác nắm giữ sản phẩm mong muốn i dễ dàng chấp nhận; một lần nữa ở đây vấn đề là kết quả của tính thuần tuý song phương của quan hệ ràng buộc người bán sản phẩm j và con nợ của người này; có lẽ người bán sản phẩm i đánh giá thấp rủi ro mất khả năng thanh toán của người bán sản phẩm j; nếu rủi ro này được những người trao đổi tiềm tàng đánh giá là cao thì sức mạnh giải phóng của trái quyền tất nhiên là giới hạn. Nói bằng ngôn ngữ của kinh tế học mạng thì tính lưu thông yếu của trái quyền tư nhân khiến nó là một công cụ có tính lưu thông kém, và do đó ít có khả năng sinh ra những ngoại ứng mạng mạnh.
Robert Clower (1926-2011)
3) Ta bước vào nền kinh tế tiền tệ một khi logic của chữ kí tư nhân nhường chỗ cho logic của dấu ấn; thật vậy, trái quyền đối phần của trao đổi có những đặc điểm khiến cho nó trở thành đối tượng của một sự chấp nhận tập thể; người cung cấp sản phẩm j sẵn sàng chấp nhận được trả bằng một trái quyền mà giá trị là dễ dàng ước lượng được (thước đo giá trị) và biết là trái quyền này sẽ được bất kì người trao đổi nào khác chấp nhận (phương tiện trao đổi) ở bất kì thời điểm nào (dự trữ giá trị). Theo cách đặc trưng hoá nổi tiếng của R. Clower, trong nền kinh tế tiền tệ, tiền mua được sản phẩm, sản phẩm mua được tiền, nhưng sản phẩm không mua được sản phẩm. Rõ ràng là logic mạng nằm ở trung tâm của nền kinh tế tiền tệ: tiền tệ càng dễ được chấp nhận để đổi lấy cung sản phẩm khi ta được thuyết phục là tiền tệ cho phép sau này tiến hành một trao đổi có lợi, điều này đòi hỏi là có sự tin tưởng của những bên trao đổi tiềm năng vào giá trị được các bên này gán cho tiền tệ, sự tin tưởng này càng lớn khi, một mặt, mạng chấp nhận vật ngang giá phổ biến là rộng lớn, và mặt khác khi giá trị tương lai của tin tệ được đảm bảo. Ta hiểu được là có những vấn đề thông tin, trích xuất tín hiệu, sinh ra từ bước chuyển sang nền kinh tế tiền tệ: bây giờ những những hợp đồng được thảo bằng giá danh nghĩa trong lúc thông tin xác đáng do cấu trúc của những giá tương đối bộc lộ; khó khăn trong việc trích xuất từ một loạt giá danh nghĩa cấu trúc xác đáng của những giá tương đối nằm ở trung tâm của những vấn đề đáng gờm nhất của lí thuyết kinh tế.
Bởi thế, theo chúng tôi, lí thuyết tiền tệ cần được tư duy trong khuôn khổ của lí thuyết hợp đồng; những lập luận chứng minh là như sau: trao đổi sinh ra những điều lợi cho nên có nhiều trao đổi vẫn tốt hơn là có ít trao đổi; việc thực hiện trao đổi và tối đa hoá những thu hoạch của trao đổi đòi hỏi việc thảo những hợp đồng động viên và khả năng kiểm tra việc tuân thủ những điều khoản của các hợp đồng này; việc tiền tệ hoá nền kinh tế là giải pháp tối ưu cho vấn đề này. Đối với chúng tôi, cách nhìn này về nền kinh tế tiền tệ dường như không thật sự đối lập với cách nhìn tổng thể luận; chúng tôi sẵn sàng nhìn nhận tiền tệ như một thể chế cho phép sự nổi lên và đào sâu của một kinh tế học về những hợp đồng hiệu quả.
Tiến hoá của những hình thức tiền tệ
Tiến hoá của những hình thức tiền tệ theo một logic có cùng một bản chất: tiết kiệm những chi phí giao dịch, tìm kiếm những chỗ dựa cho việc thảo những hợp đồng động viên, đảm bảo việc tuân thủ các hợp đồng. Những giai đoạn của tiến trình này đã được biết rõ; những đồng tiền hàng hoá dần dần nhường chỗ cho những đồng tiền tín dụng: phi vật thể hoá; những kí hiệu tiền tệ làm chỗ dựa cho những cuộc trao đổi tách biệt độc lập với những tài sản cấu thành của cải: việc biểu trưng hoá càng thêm sâu sắc khi sự tin tưởng vào vật ngang giá phổ biến khi tính không chuyển đổi càng đậm nét. Đâu là ý nghĩa của sự tiến hoá này? Tiến hoá này đáp ứng nhiều logic: tiết kiệm nguồn lực trong việc tìm kiếm những chỗ dựa ít tốn kém nhất, chuẩn hoá cho phép đảm bảo tính thương thảo được của đối phần tiền tệ trong trao đổi, tính linh hoạt của cung nhằm tránh những nguy cơ thiếu tiền tệ, nhưng ngược lại, điều tiết cung danh nghĩa do có vẻ là ít tối ưu nếu đặt thể chế tiền tệ trên một logic hợp đồng thuần tuý tư nhân.
Thomas Gresham (1519-1579)
Lập luận về việc chuẩn hoá là thiết yếu để hiểu sự nổi lên của những đồng tiền kim loại: ngày nay đó là logic thắng thế trong việc thiết kế những hợp đồng trên các thị trường tài chính có tổ chức: việc tối thiểu hoá những rủi ro thanh khoản đòi hỏi một sự tập trung những giao dịch trên một số ít những chỗ dựa với những đặc điểm dễ dàng được những người cùng trao đổi nhận diện được; cũng trong tinh thần này, ta hiểu dược khi tính đến những khả năng gia công kim loại, là sẽ dễ dàng đánh giá hơn những đặc điểm của một đồng tiền vàng, bạc hay đồng, hơn là đo đạc những đặc tính của một đồng tiền bằng sò ốc. Hơn nữa một đồng tiền kim khí tạo điều kiện dễ dàng cho việc thực hiện những đơn vị chia nhỏ thuận lợi cho sự nhân bội những trao đổi. Điều cốt yếu cần nhấn mạnh là một nền kinh tế với tiền tệ kim loại có thể hoạt động hoàn toàn một cách tư nhân khi mà những đồng tiền được trao đổi có giá trị hiện thực; điều này có nghĩa là giá trị danh nghĩa của chúng bằng với giá trị nội tại của chúng, những giá trị nội tại này do những chi phí sản xuất của kim loại và cầu kim loại vì những sử dụng phi tiền tệ xác định. Việc không có một thứ bậc thật sự giữa những đồng tiền khác nhau là một trong những nét đáng kể nhất của những nền kinh tế tiền tệ với giá trị thực tế: qui luật Gresham, theo đó tiền tốt đuổi tiền xấu là một trong những biểu hiện của tính đa dạng này. Thứ bậc xuất hiện khi quân vương nắm lấy vấn đề tiền tệ; các nhà sử học cho ta biết, ngay từ nguồn gốc ở vùng biển Đen, tính chất thiêng liêng, đế vương của tiền tệ, phương tiện chuyển tải cơ bản của quyền lực và sự chinh phục. Tuy nhiên, dường như một bước tiến chủ yếu là khi quyền lực vương triều áp đặt một mệnh giá cao hơn giá trị nội tại của những đồng tiền. Chênh lệch này là thuế đúc tiền. Những cơ hội biến đổi, thay đổi cơ sở càng làm cách biệt thêm kim loại với cái ngày càng trở thành một dấu hiệu tiền tệ; những thao tác này nhằm định kì đúc lại những đồng tiền cũ và tạo ra nhiều đồng tiền mới, nhẹ hơn nhưng có mệnh giá cao hơn. Logic của việc tiết kiệm những chi phí sản xuất và của việc quản lí cơ chế thanh toán cho phép dễ dàng hiểu được bước chuyển sang tiền tín dụng (theo nghĩa fiat money của người anglo-saxon); thay vì để kim loại lưu thông thì sẽ ít tốn kém hơn khi sử dụng một biểu trưng của đồng tiền kim loại, miễn là sự tin tưởng vào dấu hiệu tiền tệ được đảm bảo; và điều này được đảm bảo trong một hệ thống tín dụng có tính chuyển đổi hoàn toàn: mỗi dấu hiệu tiền tệ trong lưu thông chỉ là một biểu trưng của đồng tiền kim loại mà người ta tránh để cho lưu thông: tất nhiên có sự phi vật thể hoá nhưng lại là một biểu trưng hoá giới hạn. Cũng nhằm tuân thủ một trong những ràng buộc của những hệ thống tiền kim loại; trong những hệ thống này, số lượng những phương tiện thanh toán trước hết do những điều kiện tự nhiên của việc sản xuất kim loại ấn định; do đó không gì đảm bảo là trong những điều kiện này không có những thời kì khan hiếm tiền tệ, kho có hạn của những phương tiện thanh toán giới hạn hoạt động thực tế. Quá trình biểu trưng hoá càng tăng tốc khi, từ một sự chuyển đổi 100% ta bước sang một sự chuyển đổi từng phần: kho tiền kim loại như vậy chỉ đảm bảo cho một khối lượng tín dụng bội; dự trữ kim loại là điểm neo đảm bảo giá trị của tiền tín dụng; thật thế, việc tách tiền tín dụng rời khỏi cơ sở kim loại của nó là một sự khuyến khích sâu sắc việc phát hành quá đáng những dấu hiệu tiền tệ mà chi phí sản xuất gần bằng không, với nguy cơ là không thể đảm bảo giá trị tương lai của chúng nữa. Tính duy lí của tính chuyển đổi được hiểu rõ trong khuôn khổ của lí thuyết kinh tế gần đây về những bong bóng đầu cơ; để tránh những bùng nổ giá cả của một tài sản, chỉ cần làm cho nó trở thành hoàn toàn thay thế được bằng một tài sản khác mà giá là cố định tại một thời điểm nhất định trong tương lai; chính đó là chức năng mà cơ sở kim loại đảm nhận trong một hệ thống tiền tín dụng không có tính chuyển đổi hoàn hảo.
Milton Friedman (1912-2006)
Có thể có hai loại cơ chế của tính chuyển đổi tuỳ theo là cơ chế thuộc chế độ một bản vị (bản vị vàng, bản vị bạc, bản vị đồng, ) hay nhiều bản vị (hai bản vị vàng-bạc ). Ngày nay người ta đã quên cường độ của những cuộc tranh luận cực kì gay gắt liên quan đến chế độ hai bản vị cho đến đầu thế kỉ XX. Tại châu Âu, kể từ thời thượng Trung cổ, bạc là thước đo tiền tệ của những khoản nợ và giá cả; vào thế kỉ XVIII, vàng được sử dụng phổ biến ở Byzance và thế giới Hồi giáo xuất hiện ở phương Tây. Sự đa dạng của những chế độ tiền tệ sẽ trở thành qui tắc phổ biến vào thế kỉ XVIII: chế độ bản vị vàng tại Anh kể từ 1717, chế độ bản vị bạc trong châu Âu nói tiếng Đức, tiếng Bắc Âu và tiếng slavơ, nhưng cả ở ấn Độ và Trung quốc, chế độ hai bản vị vàng và bạc tại Pháp, Tây Ban Nha, Italia và Hoa Kì vào năm 1792. Sự phân phối này của những chế độ tiền tệ bị nhiễu loạn lớn vào giữa thế kỉ XIX với việc khám phá ra những mỏ vàng mới ở California, ở Úc và ở Nam Phi; cú sốc là đủ mạnh để dẫn đến điều được Milton Friedman gọi là trọng tội năm 1873, thời điểm mà Pháp và Hoa Kì bãi bỏ chế độ hai bản vị và sự thắng thế của chế độ bản vị vàng. Trên phương diện phân tích, chế độ hai bản vị có một lợi thế đáng kể; ta đã nói rằng một chế độ tiền kim loại hay một chế độ tín dụng chuyển đổi được thành một kim loại chuẩn chịu phải ràng buộc của cung kim loại; những ngẫu nhiên tác động đến cung này khiến cho hệ thống có một tính mất ổn định tiềm tàng, những thời kì suy thoái do thiếu tiền tệ nối tiếp những thời kì giá cả tăng; và đây chính là lợi thế của một bản vị kép: những hậu quả của việc thiếu một kim loại có thể được giới hạn nhờ cầu viện đến kim loại cạnh tranh. Do đó chế độ hai bản vị có tính linh hoạt mà chế độ một bản vị không có được. Tuy nhiên, dễ dàng thừa nhận là tính chuyển đổi kép đòi hỏi việc xác định một tỉ giá hợp pháp cố định giữa hai kim loại, tỉ giá này được xác định ở mức 15,5 trong nước Pháp dưới chế độ hai bản vị. Nhưng từ đó, ta dễ dàng hiểu được tính bất ổn định tiềm ẩn của chế độ hai bản vị: cơ chế nào có thể đảm bảo là những lực của thị trường sẽ dẫn đến một giá tương đối của hai kim loại bằng với tỉ giá hợp pháp? Như thế, những người chống đối chế độ này nhấn mạnh là khi khám phá được những mỏ bạc mới thì giá tương đối của vàng đối với bạc tăng cao hơn tỉ giá hợp pháp (vàng sinh lời), tạo nên những cơ hội chênh lệch có lợi: ở đây cũng thế qui luật Gresham phát huy tác dụng: đồng tiền xấu (quá dồi dào) đuổi đồng tiền tốt (đồng tiền sinh lời). Bởi thế, theo quan điểm này, chế độ hai bản vị về cơ bản là không ổn định. Đáp trả phê phán này, nhiều lập luận đã được nêu lên. Một số tác giả cho rằng ngay việc xác định một tỉ giá hợp pháp góp phần ổn định giá cả thị trường ở mức tỉ giá hợp pháp này; một số khác, như Irving Fisher, không phủ nhận sự cần thiết điều chỉnh có định kì giá hợp pháp với giá thị trường, nhưng khẳng định là những điều chỉnh này là hiếm khi xảy ra vì những chi phí giao dịch là cao đến độ chúng hạn chế rất nhiều những thu lợi tiềm ẩn của chênh lệch; trong một ngôn ngữ hiện đại chúng góp phần tạo ra chung quanh tỉ giá hợp pháp một băng trung tính (những điểm vàng) đảm bảo tính ổn định của chế độ. Vượt lên trên những cuộc tranh luận này, vẫn còn một sự kiện là chế độ bản vị vàng thắng thế khắp nơi; cuộc tranh luận vẫn còn bỏ ngỏ giữa những người ban đầu chỉ thấy ở đây chỉ là một tai nạn của lịch sử và những người khác, ngược lại thấy ở đây vừa là kết quả của những đổi mới công nghệ có tính quyết định trong việc sản xuất những đồng tiền vàng vừa là kết quả của sự tiến công thương mại của đất nước thống trị hoàn toàn ủng hộ kim loại vàng.
Irving Fisher (1867-1947)
Những đòi hỏi của việc tài trợ hoạt động thực tế, đặc biệt là trong những thời kì ngoại lệ như chiến tranh, thường khiến cho điều khoản chuyển đổi trở nên quá ràng buộc. Như thế ta chuyển sang một đồng tiền tín dụng không chuyển đổi. Quá trình biểu trưng đương nhiên được tăng tốc. Tuy nhiên vấn đề cơ bản là phải biết liệu hành vi của những nhà phát hành, được giải phóng khỏi ràng buộc kim loại, có cho phép đảm bảo giá trị tương lai của đồng tiền hay, ngược lại tự do phát hành này, nếu không được kiểm soát, tất yếu dẫn đến việc tạo sinh tiền tệ quá đáng và cuối cùng đưa đến việc mất tin tưởng vào công cụ tín dụng. Chính đó là nội dung của cuộc tranh luận nổi tiếng giữ những người bảo vệ trường phái ngân hàng (banking school) và những người bảo vệ trường phái tiền tệ (currency school) khi nước Anh phải tạm treo tính chuyển đổi đồng tiền của mình ra vàng để đảm bảo việc tài trợ cho những cuộc chiến tranh với Pháp. Những người ủng hộ trường phái trọng ngân hàng không quan ngại đến những hậu quả của việc tạm ngưng chuyển đổi này, do đặt cơ sở trên ý cho rằng việc tạo sinh tiền tệ chỉ là câu trả lời cho những nhu cầu của thương mại và tiền tệ gần như là nội sinh với hoạt động thực tế, bởi thế không mấy chính đáng khi hình dung là sẽ có một tạo sinh quá đáng. Đối với trường phái tiền tệ ngược lại phải kiểm soát việc phát hành bằng những qui tắc chính xác nếu muốn tránh là đồng tiền bị mất giá. Một lần nữa, những lựa chọn của Anh và Pháp là trái ngược nhau; trong lúc Anh, nhờ đạo luật Peel, chọn currency principle, thì Pháp lại theo những giáo huấn của banking school: ngân hành trung ương Pháp được thành lập năm 1800, trước hết là một ngân hàng chiết khấu những hối phiếu, hoàn toàn không bị ràng buộc trong việc phát hành tiền tệ. Tuy nhiên ta biết là một hệ thống những đồng tiền tín dụng không thể hoạt động nếu không có một điểm neo danh nghĩa; khi một cơ sở kim loại không thực hiện chức năng này thì còn có pháp luật; năm 1848, ngân hàng trung ương Pháp được độc quyền phát hành: đồng tiền của nó có tính pháp định (ta không thể từ chối nó trong thanh toán) và có tính bắt buộc (không thể đòi hỏi chuyển đổi nó thành một đồng tiền khác). Như vậy ta thấy ngày càng được củng cố một thứ bậc tiền tệ giữa những nhà phát hành và chính bản thân các đồng tiền: một mặt là những đồng tiền hạng hai không có tính pháp định và bắt buộc của những nhà phát hành tư nhân; mặt khác, một đồng tiền trung ương có tính pháp định; một mặt là những ngân hàng hạng hai, mặt khác một ngân hàng trung ương nắm quyền tối thượng phát hành điểm neo danh nghĩa và những quyền qui định các ngân hàng hạng hai. Trong cách nhìn này, ngân hàng hạng nhất nổi lên để đảm bảo sự ổn định của hệ thống những ngân hàng tư nhân tự chúng không có khả năng tìm ra một thế cân bằng, bằng cách đảm bảo tính đáng tin của việc phát hành tiền tệ và cung cấp một tiềm năng can thiệp cuối cùng, như Walter Bagehot đã nói vào cuối thế kỉ XIX. Cách đọc này về tiến trình lịch sử nhìn thấy ở việc qui định sự phát hành điều kiện cho tính bền vững của một đồng tiền tín dụng bị những lí thuyết giá của những ràng buộc pháp lí và những lí thuyết gia của New Monetary Economy (kinh tế học tiền tệ mới) phê phán. Thật thế, đối với những lí thuyết gia sau, không phải tính đặc thù của tiền tệ đòi hỏi là, để đảm bảo tính đáng tin của tiền tệ và do đó tránh cho giá trị của tiền tệ đi qua những con đường bùng nổ, phải có những qui định mà ngược lại, chính việc qui định hoá góp phần làm cho tiền tệ là một sản phẩm đặc thù; hơn nữa, nếu không có những giới hạn pháp lí thì tiền tệ sẽ không tồn tại. Theo quan điểm này, trong một nền kinh tế có tự do kinh doanh hoàn toàn, không có bất kì ràng buộc qui định nào thì tiền tệ không tồn tại, hay chính xác hơn cái được ta gọi là đồng tiền hạng nhất không tồn tại. Như thế là giả định tính ổn định của một nền kinh tế có những đồng tiền tư nhân cạnh tranh lẫn nhau, một tính ổn định mà việc phân tích một vài thử nghiệm về free banking (ngân hàng tự do) cho thấy là không có. Do đó sự có mặt của một người cho vay cuối cùng, và do đó của một thứ bậc tiền tệ, dường như là cần thiết cho sự bền vững của bất kì hệ thống tiền tệ tín dụng không chuyển đổi nào; một khẳng định hoàn toàn bỏ ngỏ những vấn đề cương vị của ngân hàng hạng nhất này, mức độ tự chủ của ngân hàng này đối với quân vương và bản chất của những động viên chi phối hành động của lãnh đạo của ngân hàng này.
Walter Bagehot (1826-1877)
Phải nhấn mạnh là tính chất tin tưởng của tiền tệ (theo nghĩa của tiền pháp định), một khi đã được xác lập rõ, cực kì độc lập với những chỗ dựa vật thể, những biểu tượng nhờ đấy tiền tệ lưu thông; điều quan trọng duy nhất là việc ghi một tài sản vào tài khoản, điều ít quan trọng bằng là tài sản này được sử dụng dưới dạng tiền lẻ, tiền giấy, tiền điện tử, bút tệ; một lần nữa, tính duy lí của sự tiến hoá của những chỗ dựa này dường như là tính duy lí của việc tiết kiệm những chi phí giao dịch, việc giảm chi phí tồn kho tiền tệ giữa hai giao dịch, việc giới hạn những rủi ro làm tiền giả, việc tối ưu hoá một chức năng thiết yếu của tiền tệ: kí ức của những giao dịch trong quá khứ.
Những chức năng của tiền tệ
Gán cho tiền tệ ba chức năng: chức năng thước đo, đơn vị tính toán, chức năng phương tiện thanh toán, chức năng tài sản, dự trữ giá trị là một điều thông thường. Trong một thời gian dài chức năng đầu đã bị các nhà kinh tế coi là thứ yếu, xem đó như là kết quả của một lựa chọn võ đoán đơn vị tính toán, không mấy quan trọng, khi tính đến giả thiết là các tác nhân kinh tế không bị ảo giác tiền tệ; ngày nay quan điểm này hoàn toàn bị từ bỏ; cùng với Keynes, ngày nay người ta xem đơn vị tính toán chung như là khái niệm đầu tiên của lí thuyết tiền tệ. Những ví dụ về những đơn vị tính toán hoàn toàn trừu tượng là tương đối nhiều: ví dụ đồng guinê Anh, đồng bảng Tours. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, việc chọn đơn vị tính toán, nghĩa là gán một giá danh nghĩa bằng một cho một sản phẩm góp phần gán cho sản phẩm này một cương vị cao làm điểm neo của hệ thống những quan hệ xã hội giữa các tác nhân. Dễ dàng hiểu được rằng thuộc tính tương đương tổng quát là một điều kiện tiên quyết cho việc chấp nhận rộng rãi sản phẩm tiền tệ như một phương tiện trao đổi, và là nguồn gốc của quá trình tạo ra những ngoại ứng mạng then chốt cho sự phát triển của một chế độ tiền tệ. Chức năng dự trữ giá trị đặt ra nhiều vấn đề hơn vì đương nhiên đây không phải là thuộc tính độc quyền của những sản phẩm thước đo và của những phương tiện thanh toán; mọi sản phẩm tồn kho được, chuyển nhượng được trong thời gian, có thể đảm nhận chức năng tài sản này; dưới khiá cạnh này, tính đặc thù của tiền tệ là mức độ thanh khoản tuyệt đối của nó, quyền lực giải phóng không giới hạn và tức thì khỏi một món nợ, cương vị tài sản không có rủi ro danh nghĩa. Một cách nhìn dưới lăng kính tài chính cho phép hiểu rõ sự nối khớp những chức năng khác nhau này; cuối cùng tiền tệ là tài sản mà rủi ro dự kiến bằng không; điều này đòi hỏi là những người sử dụng tiềm năng tin tưởng tuyệt đối vào người phát hành khiến cho rủi ro không được thanh toán bị loại trừ; điều này cũng đòi hỏi là họ cũng tin tưởng vào năng lực của người phát hành trong việc duy trì giá trị danh nghĩa của công cụ thanh toán; cuối cùng điều này đòi hỏi là họ có thể được đảm bảo về giá trị thực tế tương lai của tài sản. Từ đó dễ hiểu được trực giác theo đó nếu những sản phẩm được dùng làm phương tiện thanh toán bắt buộc phải có chức năng của một tài sản thì điều ngược lại không phải là tất yếu.
Tính đa dạng này của những chức năng được gán cho tiền tệ cho phép hiểu được khó khăn gặp phải khi ta muốn đo số lượng tiền tệ: gán một vai trò hàng đầu cho những chức năng giao dịch của tiền tệ dẫn đến việc chọn một ước tính hẹp về cung tiền trong lúc nếu ta nhấn mạnh hơn đến khiá cạnh tài sản thì ta sẽ có xu hướng chấp nhận những định nghĩa rộng hơn về số lượng tiền tệ. Cách nhìn thứ nhất đưa đến việc giữ lấy trong một đại lượng gộp gọi là M1 chỉ những phương tiện thanh toán theo nghĩa hẹp, nghĩa là những tài sản mà tính thanh khoản được đánh giá là hoàn hảo: tiền lẻ do Kho bạc phát hành, tiền tín dụng do ngân hàng trung ương phát hành, bút tệ do những trung gian ngân hàng phát hành. Cách nhìn thứ hai cộng thêm vào M1 những yếu tố mà mức độ thanh khoản là thấp hơn và ngày càng yếu dần và tính theo ý muốn bao nhiêu cung tiền cũng được. Từ đó việc chọn đại lượng gộp này hay đại lượng gộp khác chủ yếu là một vấn đề thực tiễn và tuỳ thuộc vào cách mà ngân hàng trung ương tính sử dụng đại lượng đó trong việc tiến hành chính sách tiền tệ.
John R. Hicks (1904-1989)
Những năm gần đây, ngoài ba chức năng theo truyền thống được gán cho tiền tệ, người ta còn gán thêm một chức năng thứ tư: tiền tệ là một kí ức tập thể của những giao dịch trong quá khứ, một cơ sở dữ liệu khổng lồ liên quan đến những giao dịch trong quá khứ, với những điều kiện trong đó những giao dịch này đã diễn ra; thật vậy, nắm giữ những thông tin này là một điều thiết yếu để hiểu việc tổ chức những trao đổi hiện tại. Trong cách nhìn này, tiền tệ hiện ra như một đổi mới công nghệ thiết yếu trong lĩnh vực ghi chép kí ức tập thể về những giao dịch của quá khứ. Từ đấy tiến trình lịch sử của những chỗ dựa tiền tệ phải được đọc theo thước đo của việc tìm kiếm những chỗ dựa ghi chép hiệu quả nhất: tiền tệ hàng hoá, tiền kim loại, tiền giấy, bút tệ, tiền điện tử, tiền điều khiển. Việc qui chiếu về chức năng kí ức tập thể cho phép hiểu lí do sâu sắc vì sao tiền tệ không có mặt trong mô hình cân bằng chung walrasian: trong mô hình này, chức năng thông tin này do người rao giá trung ương đảm nhận mà từ lâu người ta đã chỉ ra là tác nhân này khiến cho việc sử dụng tiền tệ là vô ích trong một nền kinh tế về cơ bản là tập trung. Một trong những vấn đề thiết yếu của lí thuyết tiền tệ hiện đại là hiểu điều được gọi là vấn đề của Hicks: vì sao lại nắm giữ một sản phẩm về thực chất là không có giá trị? Đặc biệt đâu là tính duy lí của việc nắm giữ sản phẩm này khi có những tài sản ít nhiều thay thế được mà lợi tức bằng tiền là dương?
Điểm xuất phát của việc mô hình hoá một nền kinh tế tiền tệ, nghĩa là một nền kinh tế duy lí hoá việc sử dụng tiền tệ, là mô hình cân bằng chung, một mô hình mà ta vừa nhắc lại là nó không có khả năng hiểu được việc sử dụng này. Một mặt, mô hình này được đặc trưng bằng một mô tả bối cảnh của nền kinh tế (những nguồn lực, những công nghệ và những sở thích) và mặt khác, bằng một khái niệm cân bằng, nghĩa là những qui tắc tổ chức những tương tác giữa các tác nhân kinh tế. Như vậy, những mô hình tiền tệ khác nhau có thể được phân thành ba loại tuỳ theo là chúng từ bỏ việc mô tả nền kinh tế, khái niệm cân bằng hay từ bỏ cả hai đặc điểm này.  
James Tobin (1918-2002)
Paul Samuelson (1915-2009)
Loại mô hình thứ nhất tách khỏi mô hình cân bằng chung phi tiền tệ, bằng cách thay đổi những giả thiết liên quan đến những sở thích của các tác nhân kinh tế, đến những công nghệ hay đến những nguồn lực sẵn có. Như thế một truyền thống lâu đời những mô hình xuất hiện trong những năm 1960 giả định là việc nắm giữ tiền mặt mang lại một lợi ích trực tiếp cho người tiêu dùng; điều này qui lại là gán cho tiền tệ, ở đây được giới hạn ở đơn giản chức năng là một tài sản, một lợi tức phi tiền tệ; trong tình thế tối ưu lợi tức này bằng với lãi suất thực tế không rủi ro. Ngoài phê phán của P. A. Samuelson nhấn mạnh quả là không mấy hợp lí khi đưa những lượng danh nghĩa tiền giấy vào trong những hàm lợi ích mà lại không đưa vào đấy chính ngay giá cả, ta còn hiểu được tính ad hoc của một cách giải quyết như thế vấn đề của Hicks: người tiêu dùng sử dụng tiền tệ vì tiền tệ mang lại cho họ một lợi ích trực tiếp! Những mô hình xem tiền tệ như một nhân tố sản xuất cần đưa vào, bên cạnh lao động, tư bản và tiến bộ kĩ thuật, những hàm sản xuất cũng gợi lên cùng một số dè dặt như trên; ở đây, tiền tệ được gán, một cách vô cùng võ đoán, một năng suất được xem là giải thích cho việc sử dụng nó mà không làm rõ nguồn gốc của năng suất này. Một truyền thống khác do W. Baumol và J. Tobin khởi xướng tính đến những chi phí giao dịch trong trao đổi và biện minh cho việc sử dụng tiền tệ bằng một logic quản lí tối ưu tồn kho. Những mô hình tiền tệ nhiều triển vọng nhất thuộc về cách đặt vấn đề của những sơ đồ thế hệ đan chéo; mỗi cá thể sống hai thời kì: một thời kì hoạt động và một thời kì về hưu; do đó trong mỗi thời kì có hai thế hệ sống chung, một thế hệ những người trẻ hoạt động và một thế hệ những người lớn tuổi về hưu. Một trong những vấn đề đặt ra là đảm bảo những nguồn lực đủ cho thế hệ thứ hai; vấn đề này là phức tạp vì người trẻ nào muốn tiết kiệm để chuẩn bị hưu trí không tìm được đối tác nào để bán cho họ những tài sản tài chính mong muốn, vì những người hưu trí hiện nay sẽ chết lúc đến kì hạn những hợp đồng có thể được kí hôm nay; những tài sản như thế cho phép chuyển nhượng trong thời gian tiết kiệm hiện nay rõ ràng có một khiếm khuyết chắc chắn và do đó không thể xuất hiện được: rõ ràng thị trường là không đầy đủ. Hiển nhiên là thị trường tài chính tư nhân không có khả năng chuyển nhượng tiết kiệm giữa hai thế hệ nối tiếp nhau. Việc đưa tiền tệ vào cho phép tạm chữa khuyết tật này của thị trường tài chính; sự có mặt của tiền tệ cho phép người trẻ bán thặng dư sản xuất của mình đổi lấy tiền tệ sẽ được họ dùng để mua sản phẩm khi về già; khó khăn ở đây là tính phi hợp đồng của tiền tệ: không gì đảm bảo cho người trẻ hiện nay là khi họ về già những người trẻ tương lai sẽ chấp nhận đồng tiền này làm phương tiện thanh toán. Tiền tệ chỉ được chấp nhận ngày nay với điều kiện là giá trị thực tế của đồng tiền trong tương lai được đảm bảo; như đã thấy, điều này có thể thực hiện được bằng sự can thiệp của một Nhà nước áp đặt giá trị của đồng tiền. Trái lại, cách nhìn của những mô hình với thế hệ đan chéo là làm rõ những điều kiện của việc tự nguyện chấp nhận đồng tiền này; ta hiểu là việc chấp nhận này dựa trên một mắt xích những tin tưởng về việc những thế hệ tương lai sẽ chấp nhận đồng tiền. Một lần nữa tính tự trở thành có hiệu lực của mắt xích này đáng để nhấn mạnh: quyền lợi của thế hệ hiện nay là chấp nhận đồng tiền nếu tin chắc là thế hệ tương lai cũng sẽ chấp nhận nó.
Martin Shubik (1926-)
William Baumol (1922-)
Loại mô hình tiền tệ thứ hai tách khỏi cách nhìn walrasian bằng cách thay đổi khái niệm cân bằng. Mô hình trò chơi thị trường của Shubik đặc biệt tiêu biểu cho phương pháp này; thật vậy mô hình hoá trao đổi như một trò chơi không hợp tác cho phép hiểu được sự nổi lên của một đồ vật có tất cả những thuộc tính của một phương tiện trao đổi. Những mô hình tiền mặt ban đầu cũng vận dụng cùng một logic thay đổi khái niệm cân bằng này; sự tồn tại của ràng buộc này là kết quả của việc là tiền tệ mua sản phẩm, sản phẩm mua tiền tệ nhưng sản phẩm không mua được sản phẩm.
Loại mô hình tiền tệ thứ ba từ bỏ việc mô tả nền kinh tế lẫn khái niệm cân bằng của những mô hình chuẩn của cân bằng chung. Một số mô hình này tiếp tục truyền thống lâu đời dựa trên trực giác theo đó lí thuyết tiền tệ phải quan tâm đến những bối cảnh trong đó thiếu sự trùng khớp nhu cầu: trong một nền kinh tế phi tập trung, một cá thể, một cách tiên nghiệm, không biết địa điểm, thời khắc lẫn danh tính của đối tác của mình trong cuộc trao đổi tương lai. Tính bất trắc này sinh ra những chi phí thăm dò của những người trao đổi, và tiền tệ cho phép giảm thiểu những chi phí này. Mô hình thăm dò của Ostroy dường như là mô hình đầu tiên đề xuất một mô hình hoá đầy đủ của một môi trường như thế cho phép duy lí hoá sự nổi lên của một phương tiện thanh toán, phương tiện này cho phép tối ưu hoá quá trình ngẫu nhiên của những cuộc gặp gỡ giữa các tác nhân; trao đổi, một lần nữa được xem như là kết quả của một trò chơi chiến lược. Phiên bản hoàn chỉnh nhất của những mô hình thăm dò này nội sinh hoá quá trình trao đổi bằng cách giả định rằng lịch sử của những giao dịch trong quá khứ cấu thành một thông tin riêng.
Từ những cách tiếp cận mới này nổi lên ý cơ bản cho rằng nguồn gốc của tiền tệ là ở một số thất bại của thị trường, rằng tiền tệ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của hệ thống những người cùng trao đổi, rằng chỉ có thể hiểu việc chấp nhận và mở rộng tiền tệ vì tiền tệ mang trong bản thân nó điều được gọi một cách qui ước là những ngoại ứng mạng.
Jean Pierre GOURLAQUEN
Giáo sư đại học Nantes
Nguyễn Đôn Phước dịch
® Cân bằng chung; Đại lượng tiền tệ tổng gộp; Euro; Hợp đồng; Kinh tế toán học; Kinh tế học tiền tệ vĩ mô; Kinh tế thị trường; Ngân hàng trung ương; Thị trường tiền tệ; Tín dụng.
Nguồn: Dictionnaire des sciences économiques do Claude Jessua, Christian Labrousse và Daniel Vitry chủ biên, Paris, Presses Universitaires de France, 2001.
Print Friendly and PDF