Trang

Kinh tế gia cười

Kinh tế - Xã hội - Môi trường

19.2.16

Cạnh tranh



Cạnh tranh

Competition
® Giải Nobel: DEBREU, 1983 HAYEK, 1974
Chắc chắn là không thể hiểu được hoạt động của một hệ thống sản xuất bất kì mà không qui chiếu về khái niệm cạnh tranh. Chính vì thế điều đặc biệt quan trọng là phải có được một định nghĩa và một lí thuyết về cạnh tranh càng thoả đáng nhất có thể. Thế mà lí thuyết truyền thống về cạnh tranh, một lí thuyết tạo thành điểm qui chiếu thống trị, theo quan điểm của phân tích kinh tế cũng như trong những ứng dụng thực tiễn của phân tích này, là đáng bị phê phán vì nhiều lí do. Cần thay thế lí thuyết này bằng một cách tiếp cận khác, thuộc về một cách nhìn động.
Lí thuyết truyền thống: cạnh tranh thuần tuý và hoàn hảo
Trong việc tìm hiểu những cấu trúc thị trường, chuẩn được chấp nhận theo truyền thống được biết dưới tên cạnh tranh thuần tuý và hoàn hảo trong kinh văn. Mối quan tâm nằm sau lí thuyết này là tìm xem, trên một thị trường nhất định, có nhà sản xuất hay một nhóm nhỏ nhà sản xuất nào, một cách có ý thức, có khả năng tác động đến giá của sản phẩm ấy hay không. Nếu có thì trường hợp này được gọi là không có cạnh tranh. Ngược lại, một tình thế được xem là cạnh tranh khi một nhà sản xuất nhất định có một quy mô tương đối quá nhỏ so với những nhà sản xuất khác để có thể có bất kì tác động nào đến thị trường, đặc biệt là trên giá các sản phẩm.
Để có được cạnh tranh thuần tuý và hoàn hảo thì phải hội đủ một số điều kiện. Danh sách những điều kiện thay đổi tuỳ theo các tác giả, nhưng thường gồm những yếu tố sau: sự tồn tại của một số lớn người mua và người bán, mỗi tác nhân có một quy mô kinh tế tương đối yếu, một sản phẩm đồng nhất và chia nhỏ được, thông tin hoàn hảo. Tất nhiên điều kiện về quy mô tương đối của những tác nhân là cơ bản, những điều kiện khác coi như  là thứ yếu: thật thế, nếu một sản phẩm không phải là đồng nhất ví dụ do tầm quan trọng của một nhãn hiệu đối với người mua (vả lại chính vì lí do này mà những người bảo vệ lí thuyết truyền thống cảnh giác đối với quảng cáo, một yếu tố phân biệt hoá) thì mỗi nhà sản xuất sản xuất ra một sản phẩm không hoàn toàn thay thế được cho sản phẩm của những nhà sản xuất khác, khiến cho nhà sản xuất này là nhà sản xuất độc nhất của sản phẩm đặc biệt ấy. Tương tự như thế, nếu điều kiện chia nhỏ không được thoả mãn ví dụ, vì sản phẩm được xem xét là một nhà máy điện nguyên tử thì khó mà hình dung là có một số lớn những nhà sản xuất. Còn thông tin hoàn hảo cũng kéo theo là không thể có việc phân khúc thị trường của một sản phẩm thành từng thị trường nhỏ được định vị và có đặc thù. Do đó tất cả các điều kiện hội tụ về một mối quan tâm duy nhất: xác định những tình thế trong đó một nhà sản xuất không thể tự mình khác biệt hoá đối với vô số những nhà sản xuất khác.
Mặt khác, điều nổi bật là ta nhận thấy rằng có một điều kiện nữa được đưa thêm vào danh sách trên, tức là việc tự do gia nhập một thị trường. Nhưng trái với cách kiến giải của chúng tôi sẽ được trình bày dưới đây thì, trong khuôn khổ của lí thuyết truyền thống, bản thân điều kiện này chỉ nhằm cho phép việc thực hiện mục đích cuối cùng, tức là sự tồn tại của một số lớn những nhà sản xuất. Thật vậy, khả năng càng lớn là sự thể sẽ là như vậy khi sự tự do gia nhập thị trường càng lớn. Do đó không phải là sai khi tóm tắt lí thuyết truyền thống về cạnh tranh bằng cách xác định một đặc điểm duy nhất của lí thuyết này là sự tồn tại của một số lớn nhà sản xuất cho cùng một sản phẩm. Nếu quả thật như thế thì đối với người cung cũng như người cầu, giá là do thị trường cho trước và những người sản xuất không có khả năng tác động đến giá. Nói cách khác, cách tiếp cận truyền thống định nghĩa cạnh tranh từ kết quả hoạt động của các thị trường (theo khái niệm những cấu trúc sản xuất). Một cách tiếp cận khác được xem xét dưới đây nhằm xác định cạnh tranh từ quá trình thị trường, bất kể kết quả của diễn tiến cuộc cạnh tranh này là như thế nào đi nữa.
Những hệ quả của cạnh tranh thuần tuý và hoàn hảo
Nếu có một số lớn những nhà sản xuất của một sản phẩm nhất định thì giá của sản phẩm này là một dữ liệu đối với mỗi một nhà sản xuất. Bởi thế, nếu một nhà sản xuất tăng sản lượng của mình thêm một đơn vị thì doanh thu cận biên vẫn không đổi (hơn nữa điều này có nghĩa là doanh thu cận biên bằng với doanh thu trung bình). Thế thì chi phí cận biên phải gánh chịu để sản xuất thêm một đơn vị sản phẩm này là như thế nào? Theo truyền thống đường chi phí cận biên nghĩa là đường thể hiện quan hệ giữa chi phí cận biên và những số lượng sản xuất được xem là có hình chữ U, ít ra là trong ngắn hạn nghĩa là trong một khoảng thời gian mà ta không thể thay đổi những nhân tố sản xuất được. Bất kể những biện minh cho dạng đường này là như thế nào thì cũng chính đáng khi cho rằng nhà sản xuất tất yếu sẽ nằm trên phần đường mà chi phí cận biên là tăng dần: thật thế, nếu có một vùng mà trong đó chi phí cận biên giảm dần thì quyền lợi của nhà sản xuất là tăng sản lượng vì tiền lời cận biên là tăng dần (do được đo bằng hiệu giữa doanh thu cận biên không đổi và chi phí cận biên mà trong trường hợp này là giảm dần). Thế mà nếu ta có thể nghi ngờ ý tuởng theo đó có một đoạn của đường chi phí cận biên trên đấy chi phí này giảm dần, thì ta tất yếu phải thừa nhận là có một đoạn trên đấy chi phí này là tăng dần. Thật vậy đây là kết quả của giả thiết theo đó một nhà sản xuất là một người duy lí và trước tiên sử dụng những nhân tố sản xuất nào có khả năng nhất để sản xuất sản phẩm trước khi dùng đến những nhân tố ngày càng ít hiệu quả hơn. Do đó có một điểm tại đấy chi phí cn biên chi phí tăng dần gặp doanh thu cận biên doanh thu không đổi. Tại điểm này, lợi nhuận cận biên bằng không, nghĩa là quyền lợi của nhà sản xuất là không nên sản xuất thêm nữa (mỗi đơn vị sản xuất thêm cho ra một lợi nhuận cận biên âm).
Nhưng bây giờ ta thử phân tích điều gì xảy ra cho toàn thể các nhà sản xuất trong tình thế cạnh tranh thuần tuý và hoàn hảo trên thị trường một sản phẩm. Trước hết hãy hình dung là lúc ban đầu có một sự phân biệt hoá nhất định giữa các nhà sản xuất, một số doanh nghiệp có những chi phí cao hơn một số khác (nghĩa là, cho một qui mô sản xuất nhất định, chi phí trung bình và chi phí cận biên là cao hơn). Mỗi doanh nghiệp ứng xử để làm bằng nhau chi phí cận biên và doanh thu cận biên, điều này cho phép tối đa hoá lợi nhuận của doanh nghiệp, với những điều kiện kĩ thuật sản xuất hiện hành. 
Chính ở đây giả thiết thông tin hoàn hảo bộc lộ hết tầm quan trọng của nó. Thật vậy giả thiết này kéo theo là mọi người có thể biết và sử dụng những kĩ thuật sản xuất có hiệu quả nhất. Khả năng viện đến những kĩ thuật này do đó sẽ thu hút nhiều nhà sản xuất mới, và đương nhiên điều này kéo theo là họ có thể tự do gia nhập thị trường và những nhà sản xuất ít hiệu quả hơn buộc phải thích nghi hay biến mất. Các nhà sản xuất mới còn tiếp tục nhảy vào thị trường ngày nào còn có triển vọng có được lợi nhuận dương và cuối cùng dẫn đến một tình thế trong đó một số lớn nhà sản xuất sẽ sản xuất hoàn toàn giống nhau, nghĩa là sử dụng những kĩ thuật được coi là chỉ phải chịu những chi phí thấp nhất. Nhưng song song đó gia tăng liên tục của cung đương nhiên tạo nên một sụt giảm của giá thị trường của sản phẩm được xem xét, nghĩa là một sụt giảm của doanh thu cận biên (và của doanh thu trung bình, bằng với doanh thu cận biên). Hiển nhiên là sẽ không còn những nhà sản xuất mới gia nhập thị trường nữa khi doanh thu trung bình giảm đến mức tối thiểu của đường chi phí trung bình (ta có thể chứng minh rằng đường chi phí cận biên đi qua điểm cực tiểu của đường chi phí trung bình sao cho tại điểm này doanh thu cận biên, doanh thu trung bình, chi phí cận biên và chi phí trung bình đều bằng nhau). Thật thế, nếu doanh thu trung bình tiếp tục giảm, thì tất yếu những chi phí trung bình sẽ cao hơn doanh thu trung bình, nghĩa là tất cả các nhà sản xuất đều bị lỗ.
Bởi thế, trong khuôn khổ của lí thuyết truyền thống việc phân biệt hoá những nhà sản xuất chỉ có thể là tạm thời và ta đi đến một tình thế cân bằng cuối cùng trong đó tất cả các nhà sản xuất là hoàn toàn giống nhau, sử dụng cùng những kĩ thuật sản xuất giống nhau và có cùng một lợi nhuận bằng không. Kết luận cuối này có vẻ là nghịch lí và quả là nghịch lí thật: việc tất cả các doanh nghiệp tìm kiếm một cách riêng lẻ lợi nhuận cho bản thân đưa họ một cách tập thể đến một tình thế có lợi nhuận bằng không Nhưng nghịch lí này có thể được xem như dấu hiệu của tính mong manh của lí thuyết truyền thống. Kể từ lúc mà quá trình đồng nhất hoá các nhà sản xuất đã hoàn tất thì việc sản xuất được tiến hành một cách lặp lại, các doanh nghiệp sản xuất đến vô tận cùng một sản phẩm với cùng những kĩ thuật và không thu được lợi nhuận.
Mặc dù có khía cạnh nghịch lí của tình thế cân bằng, nhưng tình thế này thường được xem là chuẩn để từ đấy có thể đánh giá những cấu trúc thị trường: những tình thế trong đó không có cạnh tranh thuần tuý và hoàn hảo được xem là không tối ưu. Viện đến một cái nhìn chuẩn tắc về cạnh tranh thuần tuý và hoàn hảo ngầm dựa trên ý là, trong trường hợp này, không có nhà sản xuất nào có một quyền lực” trên thị trường, ngược lại với tình thế cạnh tranh. Nhưng việc sử dụng thuật ngữ quyền lực” là nhập nhằng vì bình thường nó kéo theo việc sử dụng cưỡng bức. Thế mà không nhất thiết phải có sự cưỡng bức khi không có những điều kiện của cạnh tranh thuần tuý và hoàn hảo.
Lí thuyết truyền thống về cạnh tranh do đó tự nhiên dẫn đến, một cách tương phản, một lí thuyết về độc quyền. Độc quyền được định nghĩa như một tình thế trong đó chỉ có một nhà sản xuất duy nhất một sản phẩm nhất định. Như thế người ta chứng minh là nhà độc quyền có khả năng thu được một siêu lợi nhuận”, nghĩa là một lợi nhuận cao hơn lợi nhuận bình thường, lợi nhuận bình thường này là kết quả của một tình thế cạnh tranh. Thật vậy, ngược lại với nhiều nhà sản xuất của tình thế cạnh tranh mà đối với họ cầu là một dữ liệu cho trước và họ không thể thay đổi nó, nhà sản xuất trong thế độc quyền biết được phản ứng của người cầu sản phẩm với giá cả. Do đó nhà độc quyền có thể xác định một giá tối ưu cho mình: thật thế, bằng cách làm cho cung của mình trở thành khan hiếm nhà độc quyền có thể tăng giá bán và tối đa hoá lợi nhuận của mình.
Phê phán lí thuyết cạnh tranh thuần tuý và hoàn hảo
Murray Rothbard (1926-1995)
Mặc dù có vẻ hoàn toàn chặt chẽ do có thể chỉ vì vẻ toán học được khoác lên lí thuyết này nhưng lí thuyết truyền thống dẫn đến một nghịch lí không thể giải quyết được. Thật thế, trong thực tiễn gần như là không thể gặp những điều kiện nghiêm ngặt xác định một tình thế cạnh tranh thuần tuý và hoàn hảo. Do đó người ta buộc phải quyết định rằng một tình thế thực tế là đủ gần hay đủ xa với tình thế lí thuyết chuẩn để có thể chấp nhận là có cạnh tranh hay không. Nhưng như thế là nói rằng trong thực tiễn lí thuyết tinh vi này phải nhường chỗ cho những đánh giá cá nhân tất yếu là tuỳ tiện. Thế mà chính cách tiếp cận này gợi ý cho vô số những pháp chế về cạnh tranh. Những văn bản qui phạm này đưa đến hoặc là việc xác định những tiêu chuẩn võ đoán về cạnh tranh, ví dụ tầm quan trọng của thị phần của một nhà sản xuất hoặc là giao cho các quan toà quyền quyết định tuỳ nghi rằng trong chừng mực nào quả thật là có cạnh tranh. Thế mà xét, ví dụ, một thành tố chủ yếu của định nghĩa về cạnh tranh thuần tuý và hoàn hảo, tức là sự tồn tại của một số lớn nhà sản xuất của một sản phẩm nhất định, và điều này biện minh cho mối quan tâm vào thị phần của một nhà sản xuất để đánh giá sự cạnh tranh. Ta có thể, bằng một cách hoàn toàn võ đoán, định nghĩa một sản phẩm một cách rất chính xác hay rất rộng và tất nhiên kết quả sẽ là một đánh giá hoàn toàn khác về những thị phần và quyền lực trên th trường. Điều này càng quan trọng hơn khi những sản phẩm sẵn có tại những địa điểm và thời điểm khác nhau là không hoàn toàn thay thế lẫn nhau và do đó không phải là những sản phẩm đồng nhất.
Trước nhận định là có một chênh lệch giữa lí thuyết và thực tế, cách tiếp cận truyền thống thường dẫn đến việc cố gắng buộc hiện thực phải phù hợp với lí thuyết, nghĩa là buộc các nhà sản xuất ứng xử như thể là có cạnh tranh thuần tuý và hoàn hảo. Nhưng do cạnh tranh này không tồn tại nên chuẩn được dùng để so sánh với tình thế thực tế là một chuẩn hoàn toàn ảo. Thế mà chính bằng cách đó mà người ta biện minh cho, ví dụ, những chính sách qui định hoá giá cả, quốc hữu hoá doanh nghiệp ở thế độc quyền hay những lệnh của toà án chia thành nhiều thực thể một doanh nghiệp được coi là có một quyền lực quá đáng trên thị trường hay để cấm một số sáp nhập.
Israel Kirzner (1930-)
Nhưng để giải quyết những khó khăn sinh ra từ chênh lệch này giữa thực tế và lí thuyết, đương nhiên còn một phương pháp khác nhằm thay đổi lí thuyết cạnh tranh sao cho lí thuyết này là một công cụ giải thích hiện thực như nó thật sự tồn tại (phương pháp này chủ yếu do các tác giả Áo đề xướng: đặc biệt xem Hayek [1948], Rothbard [1962], Kirzner [1973], ODriscoll và Rizzo [1985]). Thế mà để hiểu rõ hiện thực này, thì phải có một cách nhìn động chứ không phải tĩnh. Thật thế, đặc điểm của đời sống kinh tế chính là khả năng của các tác nhân tưởng tượng ra tương lai và chấp nhận rủi ro bằng cách đổi mới. Trên quan điểm này, người ta đã sai lầm khi dùng cùng một thuật ngữ doanh nghiệp hay nhà sản xuất   để chỉ hai nhân vật hoàn toàn khác nhau: nhà sản xuất theo quán tính đặc điểm của cạnh tranh thuần tuý và hoàn hảo chỉ bằng lòng với việc bắt chước những nhà sản xuất khác và hội tụ về cùng những kĩ thuật sản xuất giống nhau; và nhà sản xuất đổi mới tìm cách tự cá biệt hoá so với những nhà sản xuất khác để làm tốt hơn họ và chiếm một thị phần lớn hơn, bằng cách sử dụng những kĩ thuật sản xuất hiệu quả hơn hay đề nghị những sản phẩm mới và rẻ hơn.  
Nói cách khác lí thuyết truyền thống đáng bị phê phán vì chấp nhận một cách nhìn công nghệ về hoạt động sản xuất. Để sản xuất một sản phẩm nhất định, có một kĩ thuật tối ưu, xuất hiện một cách ngoại sinh và trong tầm tay của tất cả các nhà sản xuất. Điều này tương ứng với giả thiết theo đó thông tin là hoàn hảo. Thế mà thật là phi lí khi giả định một thông tin hoàn hảo vì thông tin tất yếu là một sản phẩm hiếm và việc phát triển mọi hoạt động sản xuất chính là nhằm tạo ra những tri thức mới. Một lí thuyết giả định sự tồn tại của một quĩ tri thức sẵn có một cách phổ cập không thể giải thích thế giới thực tế, chủ yếu được đặc trưng bởi việc là tri thức không có sẵn nhưng phải được các nhà đổi mới tìm ra. Lí thuyết cạnh tranh thuần tuý và hoàn hảo là đúng về mặt hình thức, nhưng lại áp dụng cho một thế giới không tồn tại.
Như thế làm thế nào định nghĩa cạnh tranh? Đơn giản bằng những từ gần với lí lẽ thông thường. Có cạnh tranh khi có sự tự do gia nhập một thị trường. Nếu có tự do này thì những nhà đổi mới sẽ thử tranh đua với những nhà sản xuất hiện có, nghĩa là họ sẽ cố gắng tự phân biệt hoá để trở thành tốt hơn những nhà sản xuất hiện có mặt trên thị trường. Do đó cạnh tranh thật sự là trái ngược hẳn với cạnh tranh thuần tuý và hoàn hảo, một khái niệm giả định là có cạnh tranh khi các nhà sản xuất cố gắng trở thành gống nhau. Chính vì thế mà ta có thể nói rằng lí thuyết truyền thống mô tả hoạt động của một nền kinh tế kế hoạch hoá trong đó trung ương yêu cầu các đơn vị sản xuất sử dụng một công nghệ do trung ương chỉ định tốt hơn là một hoạt động của một nền kinh tế cạnh tranh.
Gerald O’Driscoll  (1947-)
Mario Rizzo (1948-)
Như Gerald ODriscoll và Mario Rizzo (1985) viết: Người ta lao vào những cuộc tranh đua thể thao chính là vì không biết và không thể biết trước biến cố thể thao ai là vận động viên hay đội tuyển giỏi nhất. Tất nhiên sẽ là không công bằng nếu thay đổi các kết quả sau khi cuộc chơi kết thúc viện cớ rằng những kết quả là không công bằng. Nhưng điều người ta không chấp nhận trong thể thao lại được đa số các nhà kinh tế chấp nhận trong hoạt động doanh nghiệp. Có được nghịch lí này bằng cách định nghĩa lại cạnh tranh sao cho thuật ngữ này hầu như chỉ điều ngược lại của cái thật sự là cạnh tranh. Nhưng sẽ là phong phú hơn khi định nghĩa cạnh tranh như một quá trình hơn là như một trạng thái của sự vật.
Khi có một thị trường có tự do gia nhập thì tất cả những nhà sản xuất tiềm tàng đều không tận dụng tự do này một cách giống nhau: một số nhà sản xuất có năng lực đổi mới hơn, một số khác sản xuất theo quán tính hơn. Nhưng những nhà đổi mới là những nhà sản xuất duy nhất đề nghị một kiểu sản phẩm hay dịch vụ. Bất kì nhà đổi mới nào lúc ban đầu đều có 100% thị phần vì đó là người duy nhất đề nghị sản phẩm ấy, vả lại người này đã hành động và chấp nhận rủi ro vì hi vọng đạt được vị thế này. Công lớn của cạnh tranh, theo nghĩa được chúng tôi hiểu, chính là do nó kích thích việc đổi mới, nghĩa là làm khác chứ không làm giống người khác. Cạnh tranh, theo thành ngữ được Friedrich Hayek sử dụng thường xuyên là một quá trình khám phá. Thậm chí ta còn có thể nói rằng cạnh tranh (hiểu theo nghĩa tự do gia nhập) động viên các nhà sản xuất giành lấy một vị thế độc quyền (hiểu theo nghĩa truyền thống). Nhưng nếu còn có tự do gia nhập thị trường thì vị thế độc quyền của nhà sản xuất-đổi mới có khả năng bị đe doạ bởi những người mới gia nhập vốn là những người bắt chước hơn là những người đổi mới. Do đó nếu muốn giữ vững thị phần và lợi nhuận thì nhà sản xuất đầu tiên phải liên tục đổi mới.
Friedrich Hayek (1899-1992)
Điều này giải thích vì sao cách nhìn tĩnh của cách tiếp cận truyền thống là đáng phản bác. Nếu ta nhận thấy là một nhà sản xuất chiếm một thị phần bằng 100% thì đó có thể là vì hai lí do trái ngược nhau: hoặc là vị thế này là kết quả của những năng khiếu đổi mới hoặc là kết quả của việc cấm cản người khác gia nhập thị trường. Chỉ nhìn thấy thị phần không cho phép hiểu được đâu là quá trình đang vận động.
Tương tự như thế, từ bỏ cách nhìn tĩnh về cạnh tranh và chấp nhận cách nhìn động cho phép giải thích lợi nhuận. Trong khuôn khổ của lí thuyết truyền thống, với thông tin hoàn hảo và khi có một kĩ thuật tối ưu (trong kinh tế không thể xác định tính tối ưu từ những dữ liệu kĩ thuật”, nhưng phải từ những mục tiêu cá thể), tất cả các nhà sản xuất đều hội tụ về cùng một vị thế tại đấy lợi nhuận là bằng không. Điều này xảy ra vì trong thực tế điều được gọi là lợi nhuận trong lí thuyết truyền thống không phải là một lợi nhuận thật sự. Thật thế, lợi nhuận được định nghĩa như một thù lao dư thừa, nghĩa là cái còn lại trong thu nhập của doanh nghiệp sau khi đã thanh toán những chi phí chắc chắn (lương, tiền lãi). Trong thế giới chắc chắn của lí thuyết truyền thống, lợi nhuận thật ra qui về một thù lao chắc chắn mà doanh nghiệp nhận được đổi lấy lao động của mình. Do đó nó giống với tiền lương.
Trong thế giới thực tế, thế giới của lí thuyết động về cạnh tranh, lợi nhuận là một thù lao không chắc chắn, đối phần của việc chấp nhận rủi ro cố hữu của mọi đổi mới, vả lại lợi nhuận chỉ có thể được quan niệm trong cách nhìn này thôi. Chính vì muốn thu lợi nhuận mà doanh nghiệp hành động và chấp nhận rủi ro. Khi lợi nhuận là dương tức là những dự kiến của doanh nghiệp tỏ ra đúng. Nhưng khái niệm siêu lợi nhuận nêu ở trên, như thế mất đi ý nghĩa. Thật thế chỉ có thể nói đến siêu lợi nhuận so với một chuẩn, tức là so với lợi nhuận bình thường. Thế mà nếu một người đổi mới mà theo định nghĩa là người duy nhất trên thị trường ban đầu của mình thu được lợi nhuận thì làm sao có thể xác định một lợi nhuận bình thường để có thể so sánh khi không có tình thế chuẩn? Thật vậy, nếu nhà đổi mới không nhảy vào sản xuất thì sản phẩm người này làm ra đã không tồn tại và không thể xác định tỉ suất lợi nhuận gắn với hoạt động này.
Khi lí thuyết truyền thống chứng minh rằng một tình thế độc quyền dẫn đến sự tồn tại của một siêu lợi nhuận thì lí thuyết này đúng về mặt hình thức, theo nghĩa lập luận là nhất quán trên cơ sở những giả thiết được chọn làm chỗ tựa cho lập luận này. Nhưng lí thuyết lại định nghĩa một khái niệm không tồn tại siêu lợi nhuận vì lí thuyết xuất phát từ những giả thiết không dính dáng gì đến thực tế. Chính xác hơn, cần phân biệt hai nghĩa đối lập nhau của thuật ngữ độc quyền, một cách song song với hai nghĩa của từ cạnh tranh. Thật thế, đối với lí thuyết truyền thống có độc quyền khi chỉ có một nhà sản xuất trên thị trường, bất kể lí do của độc quyền là như thế nào. Nhưng nếu ta theo một cách nhìn động về cạnh tranh thì ta thấy là sự tồn tại của một nhà sản xuất trên một thị trường có thể là kết quả hoặc của tính chất đổi mới của nhà sản xuất này hoặc của việc cấm các nhà sản xuất khác nhảy vào thị trường. Trong trường hợp đầu có một lợi nhuận (bình thường) của việc đổi mới, trong trường hợp sau có một siêu lợi nhuận, kết quả của một đặc quyền được độc quyền. Nói cách khác, thật sự là có siêu lợi nhuận với điều kiện nói rõ là nó chỉ xuất hiện khi một nhà sản xuất được bảo vệ chống lại mọi sự cạnh tranh bằng một hành động cưỡng bức hợp pháp, và điều này cho phép nhà sản xuất giữ lại một lợi nhuận lớn hơn lợi nhuận thu được trong trường hợp có sự tự do gia nhập thị trường. Quả thật là độc quyền vẫn tồn tại, nhưng với điều kiện là làm rõ rằng một độc quyền thật sự bao giờ cũng là kết quả của việc cấm đoán một cách hợp pháp sự cạnh tranh. Theo quan điểm này, ta có thể phê phán tất cả các văn bản pháp qui tự cho là bảo vệ cạnh tranh vì dựa trên lí thuyết truyền thống và điều này có thể dẫn đến việc lên án những độc quyền đổi mới chứ không phải là những độc quyền đặc quyền. Thật ra chính sách cạnh tranh thật sự duy nhất là tháo bỏ tất cả những cản trở cho việc tự do gia nhập các thị trường.
Pascal Salin (1939-)
Rốt cuộc, tìm hiểu cạnh tranh kích thích ta quan tâm đến một trong những vấn đề chủ yếu của mọi tổ chức kinh tế, tức là việc xác định mức độ tối ưu của sự phân biệt hoá và đồng nhất hoá những hoạt động của con người. Như đã thấy, một cách tiếp cận thực tế về cạnh tranh cho phép kiến giải hiện tượng này như một lực phân biệt hoá, phù hợp với những nguyện vọng sâu sắc và thông thường của con người. Nhưng cũng có những trường hợp mà sự phân biệt hoá cực kì các sản phẩm là không nên và không được mong muốn, đặc biệt là đối với những hoạt động mạng (viễn thông, tiền tệ, v.v.). Nhưng nếu có sự tự do gia nhập thị trường thì các tác nhân người sản xuất và người mua sẽ luôn tìm mức độ phân biệt hoá được họ xem là nên có tuỳ theo cảm nhận có biến đổi về những nhu cầu của họ và về những tri thức họ sẽ tạo ra. Như thế ta cũng có thể đi đến, trong nhiều chuyện khác nữa, việc chấp nhận một cách tiếp cận khác về các cartel (xem Salin, 1996). Trong cách nhìn truyền thống một cartel là một nỗ lực của nhiều nhà sản xuất để giới hạn cạnh tranh, nhằm tạo nên một độc quyền và bóc lột người mua bằng cách áp đặt cho họ một siêu lợi nhuận. Nhưng một cartel cũng có thể là một phương tiện để các nhà sản xuất này đáp ứng tốt hơn một nhu cầu phân biệt hoá sản phẩm của người mua mà vẫn giữ nguyên sức mạnh đổi mới hàm chứa trong cạnh tranh. Ví dụ, đó là trường hợp khi nhiều nhà sản xuất tiền tệ thay vì sản xuất những đồng tiền với những đặc điểm khác nhau, phát hành những đơn vị tiền tệ hoàn toàn thay thế lẫn nhau được nhằm gia tăng tính thanh khoản của những đồng tiền này và do đó đáp ứng tốt hơn một nhu cầu của người sử dụng đồng tiền. Nói cách khác, khi có tự do gia nhập thị trường thì cạnh tranh kích thích các nhà sản xuất không chỉ tưởng tượng những sản phẩm tốt hơn mà cũng còn kích thích họ tưởng tượng những hệ thống tổ chức tốt hơn.
HAYEK F. A., Individualism and the Economic Order, Chicago, Chicago University Press, 1948. KIRZNER I. M., Competition and Entrepreneurship, Chicago, Chicago University Press, 1973. ODRISCOLL G. P. & RIZZO M. J., The Economics of Time and Ignorance, Oxford, Basil Blackwell, 1985. ROTHBARD M. N., Man, Economy and State, Auburn, Ludwig von Mises Institute, 1993 (in lần đầu 1962). SALIN P., Cartels as productive structures, The Review of Austrian Economics, 1996, IX, n0 2, p. 79-82.
Pascal SALIN
Giáo sư đại học Paris-Dauphine (Paris 9)
Nguyễn Đôn Phước dịch
® Bàn tay vô hình; Chủ nghĩa tự do; Giá cả và cấu trúc thị trường; Kinh tế thị trường; Luật cạnh tranh; Tự do kinh doanh.
Nguồn: Dictionnaire des sciences économiques, Claude Jessua, Christian Labrousse, Daniel Vitry (đồng chủ biên), Paris, 2001, PUF.