12.9.15

Friedrich Hayek, nhà kinh tế học phi chính thống và tự do


Friedrich Hayek (1899-1992)

Friedrich Hayek, nhà kinh tế học phi chính thống và tự do

Friedrich Hayek tự khẳng định như là nhà lý thuyết chính của dòng tư tưởng mới về tự do dồn dập đổ về từ những năm 1970. Cận cảnh một người không tuân phục ở đất nước của những người tự do.
Friedrich Hayek không tin vào một kinh tế học tự chủ.
Nếu Keynes là nhà tư tưởng lớn nhất của chủ nghĩa can thiệp ở thế kỷ XX, thì Hayek chắc chắn là nhà lý thuyết vĩ đại nhất của chủ nghĩa tự do. Hai tác giả, là bạn của nhau, lại đối lập nhau dữ dội từ những năm 1920 đến những năm 1940. Sự qua đời của Keynes, năm 1946, đồng thời đánh dấu sự chiến thắng của chủ nghĩa can thiệp và chủ nghĩa Keynes. Hayek sau đó bắt đầu một hành trình dài và đơn độc qua sa mạc, nhưng không ngừng rao giảng những phẩm hạnh của chủ nghĩa tự do. Tuyên ngôn của ông năm 1944, The Road to Serlfdom (Đường về nô lệ), trong đó ông khẳng định rằng chủ nghĩa can thiệp tất yếu dẫn đến chủ nghĩa toàn trị, được so sánh như một con khủng long có thể đã sống sót qua sự chọn lọc của tự nhiên. Vừa là nhà tư tưởng vừa là người hành động, Hayek triệu tập ở Mont-Pèlerin, Thụy Sĩ, năm 1947, khoảng bốn mươi nhà trí thức lo lắng trước sự lớn mạnh của chủ nghĩa xã hội và tương lai của chủ nghĩa tự do. Hội Société du Mont-Pèlerin sau đó được thành lập, trở thành một vec-tơ chủ yếu của sự hồi sinh của chủ nghĩa tự do kể từ những năm 1970. Việc trao “giải thưởng để tưởng nhớ Nobel[*] cho Hayek năm 1974 đánh dấu sự thoát ra khỏi sa mạc đối với Hayek, ngay cả khi phải chia sẻ giải thưởng đó với Gunnar Myrdal, một người theo chủ nghĩa dân chủ xã hội. Được bà Margaret Thatcher, một người bạn của ông, ca ngợi tại Nghị viện Anh, người đã khuyến khích các đại biểu đọc tác phẩm của ông, ông tự đặt mình từ lúc đó như là nhà lý thuyết chính của chủ nghĩa tân tự do.
Tuy nhiên, Hayek, về nhiều mặt, là một nhà tư tưởng phi chính thống và thậm chí trái ngược với phần lớn các nhà kinh tế học tự do. Ông không tin vào một kinh tế học tự chủ, hình thức hóa và tự khép kín. Vả lại, điều này cũng dẫn đến việc ông phê phán sự tồn tại của giải thưởng để tưởng nhớ Nobel, mặc dù ông chấp nhận giải thưởng đó. Ông cho rằng một nhà kinh tế học mà chỉ là nhà kinh tế học sẽ là một mối nguy cho xã hội. Ông so sánh việc các đồng nghiệp của ông sử dụng toán học với một hình thức ma thuật nhằm gây ấn tượng đối với các chính trị gia. Chính dựa trên một lập luận độc đáo mà ông củng cố sự lên án của ông đối với chủ nghĩa xã hội, mà nền tảng thuộc phạm vi nhận thức. Kinh tế học chỉ là một phần trong một tư tưởng được triển khai trong nhiều bộ môn khác.

Các giới hạn của nhận ​​thức

Đầu những năm 1920, Hayek lưỡng lự giữa kinh tế học và tâm lý học. Tuy chọn kinh tế học, ông vẫn viết một tiểu luận dài về những nền tảng của tri giác và nhận thức, mà khi hiệu chỉnh xong, trở thành tác phẩm The Sensory Order (Trật tự giác quan), được xuất bản năm 1952, cùng năm với tác phẩm Scientism and the Study of Society (Chủ nghĩa duy khoa học và khoa học xã hội). Hai tác phẩm trên bổ sung cho nhau và thật sự là chìa khóa của tư tưởng của Hayek. Nhận thức bằng giác quan được phân tích như một quá trình phân loại, bởi não bộ, các cảm giác nhận được từ thế giới bên ngoài. Quá trình trên đặc trưng cho tất cả các hành vi tâm trí, kể cả những suy nghĩ trừu tượng nhất. Thế mà một cái máy không thể phân loại một cái gì đó phức tạp hơn nó. Điều này có nghĩa là bộ não con người không thể hiểu được hết mọi việc, ví dụ như xã hội loài người hay thậm chí không thể hiểu hết bản thân mình. Đó là những giới hạn của lý trí con người, lý giải tại sao vấn đề kế hoạch hóa xã hội chủ nghĩa là điều bất khả.
Thực vậy, xã hội được đặc trưng bởi sự tồn tại của vô số kiến ​​thức, những kiến ​​thức lý thuyết, cũng như những kiến thức thực tế, được chia sẻ bởi hàng triệu người. Adam Smith đã khám phá ra tầm quan trọng của sự phân công lao động. Hayek, người tự coi là môn đồ của Smith, đã khám phá ra tầm quan trọng của sự phân chia kiến ​​thức. Vấn đề cơ bản là làm sao biết được cách thức một xã hội có thể vận hành trong những trường hợp nói trên.
Hayek gọi “chủ nghĩa duy khoa học” là sự bắt chước mù quáng, trong khoa học nhân văn, các phương pháp của khoa học tự nhiên. Chủ nghĩa duy khoa học, chính xác mà nói, dựa trên ảo tưởng cho rằng lý trí con người là toàn năng, rằng người ta hoàn toàn có thể hiểu được sự vận hành của một nền kinh tế và của một xã hội, và từ đó có thể tổ chức lại và định hình chúng theo ý chí con người. Chủ nghĩa duy khoa học, dựa vào, trong số các chủ nghĩa khác, chủ nghĩa duy lý theo kiểu Descartes và để lại dấu ấn sâu đậm trong tư tưởng xã hội ở Pháp. Nó là nền tảng khoa học luận của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa toàn trị.

Thị trường và khủng hoảng

Thị trường là giải pháp cho vấn đề phân chia kiến ​​thức trong nền kinh tế. Nhưng khái niệm thị trường này không liên quan gì đến thị trường trừu tượng và phi thời gian của thuyết cân bằng chung của Walras, mà đến nay vẫn nằm ở trung tâm của kinh tế học chính thống. Đối với Hayek, thị trường là một phương tiện, trong thực tế, là duy nhất để làm cho thông tin lưu thông trong một nền kinh tế. Thị trường sẽ thông tin cho các cá nhân biết họ có chọn đúng hay không. Giá cả là tín hiệu, những tín hiệu khách quan phi nhân cách, làm nên vẻ đẹp của chúng. Ngoại trừ trong các bộ lạc sơ khai, mỗi người đều biết rất ít về những gì người khác muốn và làm, nhưng thị trường đặt tất cả mọi người tiếp xúc với toàn bộ thế giới. Trong cuốn sách cuối cùng của ông, The Fatal Conceit (Sự tự phụ chết người), mà tiểu tựa là The errors of Socialism (Những sai lầm của chủ nghĩa xã hội), Hayek cáo buộc những nhà xã hội chủ nghĩa muốn tổ chức sự thoái hóa trở về xã hội bộ lạc, khi mà mọi người đều biết nhau và những người mạnh nhất sẽ thống trị.
Trong số các loại giá, có một loại giá chỉ rõ cho các doanh nhân biết nên đầu tư nhiều hơn hay ít hơn. Đó là lãi suất. Keynes lý giải cuộc khủng hoảng năm 1929 là do một sự sụp đổ đầu tư. Ngược lại, Hayek lý giải là do một sự đầu tư thái quá từ một chính sách tiền tệ dễ dãi và một lãi suất quá thấp. Một tín hiệu sai đã được gửi đi cho các doanh nhân, những người tạo ra quá nhiều phương tiện sản xuất so với sản phẩm tiêu dùng. Cuộc khủng hoảng và suy thoái đi theo sau là cách duy nhất để khôi phục lại sự cân bằng. Điều quan trọng là không nên kích thích sự phục hồi một cách nhân tạo, theo như đề nghị của Keynes và những người theo ông.
Trong lời nói đầu của bản dịch tiếng Pháp cuốn Prices and Production (Giá cả và sản xuất), năm 1975, Hayek khẳng định rằng lý thuyết trên, mà ông đối lập với lý thuyết của Keynes năm 1931 từ nay đã chứng minh tính ưu việt của nó. Sai lầm duy nhất mà ông thừa nhận là đã đánh giá thấp thời gian mà liều thuốc keynesian có thể gây hưng phấn trước khi hủy hoại sức khỏe. Từ nay phải để cho cơn bệnh tiếp diễn và tránh bất cứ sự can thiệp nào vào nền kinh tế.

Xã hội như một khu vườn kiểu Anh

Đôi khi người ta đối lập khu vườn kiểu Pháp, theo hình học, được cắt tỉa ngay ngắn và được tạc thành ô vuông, với khu vườn kiểu Anh, nơi mà cây cối mọc lên một cách tự do. Các nhà tư tưởng Hy Lạp, về phần họ, có thói quen phân biệt một trật tự tự nhiên, được gọi là taxis, so với một trật tự nhân tạo, được gọi là nomos. Nomos chỉ tất cả những gì được xây dựng bởi con người, trong khi taxis chỉ tất cả những gì được xây dựng bởi thánh thần hay thiên nhiên. Lúc bấy giờ người ta đã không phát hiện một loại trật tự thứ ba, được một số nhà triết học xã hội lớn người Scotland đưa ra ánh sáng, như Ferguson và Smith. Thực tế có những trật tự đúng là kết quả từ hành động của con người, nhưng không được xây dựng một cách có ý thức, có kế hoạch, không phải là kết quả từ một ý đồ của con người. Hayek đề xuất gọi đó là những “trật tự tự phát”.
Charles Darwin (1809 - 1882)
Người ta thấy rằng các thể chế chính của con người chính là những trật tự tự phát. Ví dụ như thị trường, không hề có ai lập kế hoạch để tạo ra nó, nhưng đã phát triển một cách tự phát trong hàng ngàn năm, trước khi có được hình thức mở rộng như ngày nay. Một ví dụ khác là tiền tệ, không hề được phát minh tại một thời điểm cụ thể trong lịch sử nhân loại, bởi một ủy ban các chuyên gia bất kỳ nào. Khái niệm trật tự tự phát vượt xa khỏi khung kinh tế. Ngôn ngữ cũng là một trật tự tự phát, cũng giống như đạo đức hay pháp luật. Và cuối cùng, bản thân xã hội là một trật tự tự phát, nhưng đối với trường hợp của chính quyền thì rõ ràng là không phải. Để giải thích diễn tiến của một trật tự tự phát, Hayek viện dẫn đến một cơ chế lấy cảm hứng từ lý thuyết chọn lọc của Darwin.
Người ta đoán rằng không thể thao tác một trật tự tự phát, khi tìm cách biến đổi nó. Nếu cố gắng thì có nguy cơ, trong trường hợp tốt nhất, đi đến một hệ thống toàn trị và không hiệu quả. Trong nhiều bài viết, Hayek thiên về những gì có thể là một hình mẫu lý tưởng về một chính quyền tôn trọng trật tự tự phát. Trước hết chính quyền này phải tôn trọng các nguyên tắc của pháp luật. Con người phải được cai trị bằng pháp luật, kết quả của một trật tự tự phát được diễn giải bởi các thẩm phán, chứ không phải bởi con người. Hayek cảnh giác với một chính thể dân chủ thường tự biến thành một chính thể chuyên chế của một đa số đối với một thiểu số. Giữa, một mặt, một chính quyền dân chủ với một nền kinh tế chỉ huy, và, mặt khác, một chính quyền chuyên chế với một nền kinh tế tự do, thì ông thích sự kết hợp thứ hai hơn. Điều này không phải là không mâu thuẫn đối với một người bảo vệ chủ nghĩa tự do.

Hayek qua vài năm tháng

1899: sinh ra ở Vienna, Áo.
1917-1918: sĩ quan trên mặt trận Italia.
1918: học tại Đại học Vienna.
1921: tiến sĩ luật.
1923: tiến sĩ về khoa học chính trị.
1923-1924: sống mười lăm tháng tại Hoa Kỳ.
1927: giám đốc Viện Nghiên cứu của Áo về các chu kỳ, mà ông thành lập cùng với Ludwig von Mises.
1929: Geldtheorie und Konjukturtheorie (Théorie monétaire et théorie des cycles) - (Lý thuyết tiền tệ và lý thuyết các chu kỳ).
1931: sống tại Anh, nơi ông giảng dạy tại Trường London School of Economics. Prices and Production (Giá cả và sản xuất).
1939: Profits, Interest and Investment (Lợi nhuận, lãi suất và Đầu tư).
1941: The Pure Theory of Capital (Lý thuyết thuần túy về tư bản).
1944: The Road to Serfdom (Đường về nô lệ).
1947: thành lập hội Société du Mont-Pèlerin.
1948: Individualism and Economic Order (Chủ nghĩa cá nhân và trật tự kinh tế).
1950: sống tại Hoa Kỳ, nơi ông giảng dạy tại Đại học Chicago.
1952: The Counter-Revolution of science (Cuộc phản cách mạng của khoa học) và The Sensory Order (Trật tự giác quan).
1960: The Constitution of Liberty (Hiến pháp về tự do).
1962: sống tại Đức, nơi ông giảng dạy tại Đại học Freiburg im Breisgau.
Gunnar Myrdal (1898 - 1987)
1967: Studies in Philosophy, Politics and Economics (Các nghiên cứu về triết học, chính trị học và kinh tế học).
1969: trở lại Áo, nơi ông được phong là giáo sư danh dự tại Đại học Salzburg.
1974: cùng với Gunnar Myrdal, được trao giải thưởng về kinh tế học của Ngân hàng Thụy Điển để tưởng nhớ Alfred Nobel.
1973: Law, Legislation and Liberty, vol. 1 (Luật, luật pháp và tự do, vol. 1).
1976: Law, Legislation and Liberty, vol. 2 (Luật, luật pháp và tự do, vol. 2).
1977: trở lại Freiburg.
1987: New Studies in Philosophy, Politics and Economics and the History of Ideas (Các nghiên cứu mới về triết học, chính trị học và kinh tế học và lịch sử các ý tưởng).
1979: Law, Legislation and Liberty, vol. 3 (Luật, luật pháp và tự do, vol. 3).
1988: The Fatal Conceit (Sự tự phụ chết người).
1992: mất ngày 23 tháng 5 tại Fribourg.

Để tìm hiểu thêm

Những tác phẩm của Hayek
The Collected Works of F. A. Hayek, Routledge, 15 tập từ năm 1989.
Prix et production, Presses Pocket, 1985.
La route de la servitude, PUF, 1985.
Scientisme et sciences sociales, Plon, 1986.
L’ordre sensoriel, CNRS, 2001.
La constitution de la liberté, PUF, 3 vol., 1980, 1981 và 1983.
La présomption fatale, PUF, 1993.
Những tác phẩm viết về Hayek
Hayek’s Challenge, của Bruce J. Caldwell, University of Chicago Press, 2003.
The Economics of F. A. Hayek, của Marina Colonna, Harald Hagemann và Omar F. Hamouda (chủ biên), Edward Elgar, 1994.
Friedrich Hayek: philosophie, économie et politique, của Gilles Dostaler và Diane Ethier, Economica, 1989.
Le libéralisme de Hayek, của Gilles Dostaler, La Découverte, 2001.
Friedrich Hayek: A Biography, của Alan Ebenstein, Palgrave, 2001.
Friedrich A. Hayek: les éléments d’un libéralisme radical, của Jérôme Ferry, Presses Universitaires de Nancy, 1990.
Friedrich Hayek et la philosophie économique, của Alain Leroux và Robert Nadeau (chủ biên), Revue de philosophie économique no 2, 2000.
Hayek et l’école autrichienne, của Stéphane Longuet, Nathan, 1998.
La société de droit selon F. A. Hayek, của Philippe Nemo, PUF, 1988.
Perspectives hayekiennes sur l’analyse économique, Christian Schmidt (chủ biên), Revue de philosophie économique no 6, vol. 109, nov.-déc. 1999.
Gilles Dostaler
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: "Friedrich Hayek, hétérodoxe et libéral” của G. Dostaler trong Alternatives Economiques Poche no.057, tháng 10 năm 2012




[*] Gọi “Giải Nobel” là một cách nói lạm dụng khi trong thực tế nó là “giải thưởng kinh tế học của Ngân hàng Thụy Điển để tưởng nhớ Alfred Nobel.” (Xem “Giải Nobel kinh tế”: một sự huyễn hoặc khéo léo - ND).

Print Friendly and PDF