Bàn tay vô hình
Invisible Hand
® Giải Nobel: BECKER, 1992 – SAMUELSON, 1970 – SCHULTZ, 1979 – STIGLER, 1982 – VICKREY, 1996
Vấn đề trung tâm của khoa học kinh tế là vấn đề phối hợp: bằng cách nào
hành động của vô số con người tự chủ lại tương hợp với nhau được? Một câu trả
lời là kế hoạch, và một câu trả lời khác là thị trường. Thể theo lí thuyết “bàn tay vô hình”, sự vận động của
những lợi ích diễn ra trên một thị trường đủ để làm cho đời sống kinh tế hài
hoà. Do đó thị trường là một quá trình phối hợp không cần đến sự can thiệp lẫn
điều tiết: bàn tay vô hình biện minh cho “tự do kinh doanh”.
Bernard Mandeville (1670-1733) |
![]() |
David Hume (1711-1776) |
![]() |
Adam Ferguson (1723-1816) |
Cách trình bày này qui về hai ý. Ý thứ nhất là ý về sự hội tụ của những lợi ích cá thể với lợi ích chung. Được gán cho Mandeville, ý này cũng có mặt ở những tác giả ảnh hưởng đến Adam Smith như Hume, Ferguson và Hutchinson. Nhưng trong lúc đối với Mandeville, chính tính ích kỉ và thói hư tật xấu đẩy cá nhân đến việc ứng xử có lợi cho người khác (và như thế tạo ra những ngoại ứng tích cực, đặc biệt là thông qua chi tiêu – điều này khiến cho Mandeville nhận sự ca ngợi tốt đẹp của Keynes) thì các nhà triết học Scotland lại cho rằng chính lợi ích cá nhân khiến cho cá thể tự đặt mình vào vị trí những người khác để tìm ra những cơ sở cho một cuộc trao đổi có lợi cho mọi người. Ý thứ hai cho rằng kết quả thu được thông qua thị trường là kết quả tốt nhất có thể. Đó không phải là một kết quả mà một cá nhân hoàn toàn duy lí có thể tìm ra hay xác định được. Trong nghĩa này, sự kiên trì của các nhà cổ điển và tân cổ điển trong việc qui chiếu về cân bằng của thị trường đối nghịch với lí thuyết bàn tay vô hình. Bàn tay này giả định những điều chỉnh thường trực, mỗi cá nhân thích nghi hành vi ứng xử của mình tuỳ theo những thông tin được giá cả và lợi nhuận tương đối chuyển tải, giá cả và lợi nhuận tương đối này cũng biến đổi dần cùng với diễn tiến của những giao dịch. Do đó, thị trường là một quá trình khám phá thường xuyên, với những kết quả bất ngờ và không dự báo được: thậm chí những nhà kinh viện còn tìm thấy ở đấy sự sáng tạo của thượng đế. Do đó, không thể “mô phỏng thị trường” (như cách nói của O. Lange, N. Kaldor và như mong muốn ngày nay của các nhà bảo vệ “chủ nghĩa xã hội thị trường”).
![]() |
Oskar Lange (1904-1965) |
![]() |
Nicholas Kaldor (1908-1986) |
Ở đây ta thấy là bàn tay vô hình thuộc về một triết học xã hội kéo chúng
ta trở về với những nhà triết học Scotland ở thế kỉ XVIII, và cả về những nhà
kinh tế Áo đương đại. Triết học xã hội này khẳng định rằng trật tự xã hội là
kết quả không mong muốn của những hành động tự nguyện của các cá thể. Một trật
tự “tự phát” do đó không thể được “kiến tạo” từ một dự án cá
nhân, cho dù đó là dự án duy lí nhất. Giải thích điều này là đơn giản: cuộc
sống xã hội hợp thành từ những tương tác cá thể, mỗi một người trong chúng ta
nắm giữ một phần hiểu biết, song chỉ một phần thôi. Hayek
nhấn mạnh đến hiện tượng phân tán của hiểu biết, đặc trưng cho một “xã hội lớn”. Đây là một sự
vượt qua đáng kể (nhưng logic) của ý tưởng phân công lao động mà Adam Smith đã
dừng lại ở đó. Đối với Hayek, trật tự tự phát sinh ra từ một truyền thống xã
hội, và chắc chắn là không sinh ra từ một quyết tâm được một người hay một
thiểu số khẳng định ở một thời điểm nhất định nào đó. Ông tố cáo “chủ nghĩa kiến
tạo”, nguồn gốc của những chủ nghĩa toàn trị trong thế kỉ XX. Phác hoạ (và áp
đặt) những kế hoạch của một xã hội hoàn hảo không nằm trong tầm với của lí tính
con người, lí tính này không thể nào làm tốt hơn việc chỉ giúp ta rút ra bài
học của những sai lầm phạm phải (lí tính phê phán).
![]() |
Carl Menger (1840-1921) |
![]() |
Amartya Sen (1933-) |
Như thế người ta nhận thức được đến mức độ nào bàn tay vô hình nằm ở trung
tâm của cuộc tranh luận cơ bản về tự do cá nhân và sự hài hoà xã hội.
▶ BARRY N., The Invisible Hand in Economics and Politics,
Hobart Paper 111, London, Institute of Economic Affairs, 1988. – KOPPL R., “Invisible
Hand Explanations”, The Elgar Companion to Austrian Economics, London,
Elgar, 1993, p. 192-196. – NOZICK R., “Invisible Hand Explanations”, AER, Papers
and Proceedings, May 1994, vol. 84, n0 2, p. 394-398. – ULLMANN-MARGALIT
E., “Invisible
Hand Explanations”, Synthese, 1978, vol. 39-42, p. 263-291. – VAUGHN K., “Invisible Hand” in EATWELL J.,
MILGATE M. & NEWMAN P., ed., The New Palgrave. The Invisible Hand,
1987, p. 168-172.
Jacques GARELLO
Giáo sư Đại học luật, kinh tế và khoa học (Aix Marseille 3)
Nguyễn
Đôn Phước dịch
® Áo (trường phái); Cạnh tranh; Cân bằng chung;
Kinh tế thị
trường; Smith; Tối ưu; Tự do kinh doanh.
Nguồn: Dictionnaire des sciences
économiques, Claude Jessua, Christian Labrousse và Daniel Vitry (đồng chủ
biên), PUF, Paris, 2001.
