Trang

Kinh tế gia cười

Kinh tế - Xã hội - Môi trường

27.10.24

Giải Nobel kinh tế năm nay được trao cho đội ngũ khảo cứu về những gì khiến một số nước lại giàu, còn những nước khác lại nghèo

GIẢI NOBEL KINH TẾ NĂM NAY ĐƯỢC TRAO CHO ĐỘI NGŨ KHẢO CỨU VỀ NHỮNG GÌ KHIẾN MỘT SỐ NƯỚC LẠI GIÀU, CÒN NHỮNG NƯỚC KHÁC LẠI NGHÈO

Daron Acemoglu, Simon Johnson và James A. Robinson. Nobel Prize Outreach

Giải Nobel Kinh tế năm 2024 đã được trao cho 3 kinh tế gia người Mỹ, những người đã nghiên cứu những lợi thế của nền dân chủ và pháp quyền, cũng như lý do tại sao chúng có sức mạnh ở một số nước nhưng lại không có sức mạnh ở những nước khác.

Daron Acemoglu là kinh tế gia người Mỹ gốc Thổ Nhĩ Kỳ tại Học viện Công nghệ Massachusetts, Simon Johnson là kinh tế gia người Anh tại Học viện Công nghệ Massachusetts và James Robinson là kinh tế gia người Mỹ gốc Anh tại Đại học Chicago.

Giải thưởng được trao “vì các nghiên cứu về cách các thể chế hình thành và tác động lên sự thịnh vượng” (trích) khiến nó trở thành giải thưởng cho nghiên cứu về chính trị học và xã hội học cũng như kinh tế học.

Vào thời điểm nền dân chủ dường như đang mất đi sự ủng hộ, ủy ban Nobel đã trao giải cho những công trình chứng minh rằng, trung bình, các nước dân chủ được cai quản bằng pháp quyền có các cư dân giàu có hơn.

Johan Jarnestad/Nobel Prize Outreach

Ủy ban cho biết 20% nước giàu nhất thế giới hiện giàu hơn 20% nước nghèo nhất khoảng 30 lần. Hơn nữa, khoảng cách thu nhập vẫn dai dẳng; mặc dù các nước nghèo nhất đã trở nên giàu có hơn, nhưng vẫn chưa bắt kịp với các nước thịnh vượng nhất.

Acemoglu, Johnson và Robinson đã nối kết sự khác biệt này với những khác biệt về thể chế, và họ nhận thấy điều này bắt nguồn từ những khác biệt trong hành vi của những người thực dân châu Âu ở nhiều vùng đất khác nhau trên thế giới cách đây nhiều thế kỷ.

Dân số bản địa càng đông đúc bao nhiêu thì khả năng kháng cự càng lớn và càng ít người định cư châu Âu chuyển đến đó bấy nhiêu. Mặt khác, dân số bản địa đông đảo – một khi bị đánh bại – đã mang lại những cơ hội béo bở nhờ có được nguồn lao động giá rẻ.

Điều này có nghĩa là các thể chế tập trung vào việc mang lại lợi ích cho một giới tinh hoa nhỏ theo cách gây tổn hại cho đông đảo dân chúng nói chung. Không có những quyền bầu cử, và các quyền chính trị bị hạn chế.

Ở những nơi dân cư thưa thớt hơn và ít kháng cự hơn, nhiều người thực dân đã định cư và thiết lập các thể chế dung hợp |inclusive| khuyến khích mọi người dân làm việc chăm chỉ và dẫn đến những đòi hỏi về các quyền chính trị.

Ủy ban cho biết, một cách đầy nghịch lý, điều này có nghĩa là những vùng của thế giới bị thực dân hóa vốn thịnh vượng nhất vào khoảng 500 năm trước giờ đây lại tương đối nghèo. Sự thịnh vượng lớn hơn ở Mexico dưới thời người Aztec so với cùng thời điểm đó ở phần Bắc Mỹ hiện được gọi là Canada và Hoa Kỳ.

Johan Jarnestad/Nobel Prize Outreach

Hơn hẳn những năm trước, những người nhận giải năm nay đã viết cho công chúng cũng như cho giới chuyên môn. Acemoglu và Robinson có lẽ được biết đến nhiều nhất với tác phẩm bán chạy nhất năm 2013 Tại sao các quốc gia thất bại: Những nguồn gốc về Quyền lực, Thịnh vượng, và Đói nghèo |Why Nations Fail: The Origins of Power, Prosperity and Poverty| (Tác phẩm có các hình ảnh, mà không có những phương trình).

Năm ngoái, Acemoglu và Johnson đã xuất bản cuốn Quyền lực và Tiến bộ: Cuộc đấu tranh ngàn năm của chúng ta về Công nghệ và Thịnh vượng |Power and Progress: Our Thousand-Year Struggle Over Technology and Prosperity|.

Vào tháng 5 năm nay [2024], Acemoglu đã viết về trí tuệ nhân tạo, đưa ra lập trường gây tranh cãi rằng tác động của nó lên năng suất sẽ là “không tầm thường nhưng khiêm tốn”, một cách khác để nói “nhỏ”. Tác động của nó lên sự yên vui |wellbeing| có thể còn nhỏ hơn nữa và không có khả năng làm suy giảm tình trạng bất bình đẳng.

Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển.

Giải thưởng năm nay khiến nhóm những người nhận giải Nobel ít bị Hoa Kỳ chi phối hơn một chút.

Mặc dù cả ba người hiện đang làm việc tại các trường đại học Hoa Kỳ, Acemoglu đến từ Thổ Nhĩ Kỳ và những người còn lại đến từ vương quốc Anh. Thậm chí còn có một mối liên hệ với Úc. Robinson đã giảng dạy kinh tế học tại Đại học Melbourne từ năm 1992 đến năm 1995.

Việc giành được giải thưởng này sẽ thay đổi cuộc sống vì nhiều lý do hơn là 11 triệu kroner Thụy Điển (khoảng 1,5 triệu đô la Úc) mà những người nhận giải được chia. Là những người nhận giải giải Nobel, họ sẽ có địa vị cao hơn. Ý kiến ​​của họ sẽ được hầu hết mọi người tôn trọng hơn nhưng không phải tất cả.

Mười sáu người nhận giải ở các năm trước gần đây đã đưa ra một tuyên bố được báo chí đưa tin rộng rãi rằng họ “rất lo ngại về những rủi ro của chính quyền Trump thứ hai đối với nền kinh tế Hoa Kỳ”. Thay vì giải quyết các luận cứ của họ, chiến dịch tranh cử của Trump gọi họ là “những người nhận giải Nobel vô giá trị và không theo kịp thời đại”.

Những người nhận giải mới có thể nhận được sự đối xử tương tự. Johnson đã chỉ trích đề xuất tăng thuế của Trump. Acemoglu đã gọi Trump là “mối đe dọa đối với nền dân chủ”.

Các từ khóa: Pháp quyền, Các thể chế dân chủ, Giải Nobel kinh tế, Chủ nghĩa thực dân

John Hawkins

THÔNG TIN VỀ TÁC GIẢ

John Hawkins

Giảng viên cao cấp, Trường Chính trị, Kinh tế và Xã hội Canberra, Đại học Canberra

Tuyên bố công khai

John Hawkins không làm việc, tư vấn, sở hữu cổ phần hoặc nhận tài trợ từ bất kỳ công ty hay tổ chức nào sẽ được hưởng lợi từ bài báo này, và không có sự trực thuộc nào ngoài giới chuyên môn của mình.

Nguyễn Việt Anh dịch

Nguồn: This year’s Nobel prize in economics awarded to team that examined what makes some countries rich and others poor, The Conversation, Oct 14, 2024.