CHÚNG TA CÓ ĐƯỢC PHÉP KHÔNG ẤN TƯỢNG VỚI NHỮNG NGƯỜI ĐOẠT GIẢI NOBEL KHÔNG? HY VỌNG LÀ VẬY.
Giáo sư Duncan Green chia sẻ những ý nghĩ của mình về cuốn sách Tại sao các quốc gia thất bại |Why Nations Fail| của Daron Acemoglu và James A. Robinson, cựu sinh viên LSE, những người cùng nhận Giải Nobel Kinh tế năm 2024 cho sự đóng góp của họ trong các nghiên cứu so sánh về sự thịnh vượng giữa các quốc gia.
Khi nghe nói rằng giải Nobel Kinh tế của năm nay đã được trao cho Daron Acemoglu, James Robinson và Simon Johnson, tôi đã xem lại bài điểm sách năm 2012 của mình về cuốn sách đột phá của họ, Tại sao các quốc gia thất bại. Vào thời điểm đó, tôi thực sự có những cảm giác lẫn lộn về cuốn sách - thích cách nhấn mạnh vào những kết luận, nhưng phát hiện ra mức độ thiên kiến đặc biệt của phương Tây đối với các thể chế mà họ cho là hiệu quả. Trên hết, giống như nhiều nhà khoa học chính trị phương Tây khác, họ thực sự đấu tranh với sự trỗi dậy không ngừng của Trung Quốc. Tôi kết luận rằng ‘Nhìn chung, cuốn sách đã để lại cho tôi cảm giác kỳ vọng tăng cao, nhưng rồi lại thất vọng tràn trề.’ Francis Fukuyama cũng chỉ trích tương tự vào thời điểm đó. Khoảng thời gian 12 năm qua, nếu có, chỉ càng khẳng định những lo ngại của tôi.
Ảnh chụp
màn hình từ người X. Thông báo trao giải Nobel Khoa học Kinh tế năm 2024.
Sau đây là bài điểm sách:
‘Thỉnh thoảng, có một ‘Cuốn sách lớn về Phát triển’ xuất hiện gây ra một cơn bão tranh luận trong đầu tôi (đó là một trải nghiệm khá bối rối). Một trong số đó là cuốn Tại sao các quốc gia thất bại, của Daron Acemoglu (MIT) và James Robinson (Harvard). Xét theo sự gia tăng của các bài tổng quan và những cuộc tranh luận mà cuốn sách đã khơi mào, sự trải nghiệm của tôi được chia sẻ rộng rãi).
Đầu tiên, cuốn sách nói gì?
![]() |
‘Cuốn sách của chúng tôi tập trung vào việc giải thích sự bất bình đẳng trên thế giới’, về bản chất, đây là một hiện tượng của 200 năm trở lại đây (đặc biệt là ở mức độ cực đoan hiện nay) – thu nhập trung bình của một người chinh phục [Tây Ban Nha] chỉ gấp khoảng hai lần thu nhập trung bình của một công dân đế chế Inca.
Các thể chế dung hợp thật tuyệt vời: ‘Các quốc gia như Anh và Hoa Kỳ trở nên giàu có vì công dân của họ lật đổ giới tinh hoa nắm quyền lực và tạo ra một xã hội nơi các quyền chính trị được phân bổ rộng rãi hơn nhiều, nơi chính phủ có trách nhiệm giải trình và chịu trách nhiệm với các công dân, và nơi mà đại đa số quần chúng nhân dân có thể tận dụng các cơ hội kinh tế.’
Chính trị học lấn át kinh tế học: ‘Trong khi những thể chế kinh tế đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định liệu một nước là nghèo hay thịnh vượng, thì chính trị học và các thể chế chính trị mới quy định những thể chế kinh tế mà một nước có là gì.’
Thất bại là chuẩn mực: ‘Để hiểu được sự bất bình đẳng trên thế giới, chúng ta phải hiểu tại sao một số xã hội được tổ chức theo những cách rất kém hiệu quả và không được khát khao về mặt xã hội. Đôi khi các quốc gia có thể áp dụng các thể chế hiệu quả và đạt được sự thịnh vượng, nhưng than ôi, đây là những trường hợp hiếm hoi. Hầu hết các nhà kinh tế tập trung vào việc ‘chọn đúng’, trong khi điều thực sự cần thiết là một lời giải thích tại sao các quốc gia nghèo lại ‘chọn sai’.
![]() |
Một trong những vấn đề cốt lõi của hầu hết các thiết kế xây dựng thể chế là những người nắm quyền có “nỗi sợ về sự phá hủy mang tính sáng tạo” - rằng tác động thay đổi triệt để của sự đổi mới và chủ nghĩa tư bản sẽ làm suy yếu cơ sở quyền lực của họ. Những người phản đối trong dinh tổng thống hoặc phòng thương mại gây ra nhiều thiệt hại hơn những người biểu tình trên đường phố. Do đó, họ hành động để kìm hãm nó - lợi ích của giới tinh hoa trái ngược với lợi ích phát triển lâu dài của đất nước họ. Một “quy luật của chế độ quyền lực tập trung” nghĩa là ngay cả khi các nhà đầu sỏ bị lật đổ, những người cách mạng, giống như những con lợn trong tác phẩm Trại súc vật, thường trở nên giống họ. “Những nhà lãnh đạo mới lật đổ những nhà lãnh đạo cũ bằng những lời hứa về sự thay đổi triệt để rồi không mang lại gì ngoài việc vẫn như vậy”. Hiểu được lý do tại sao sự thay đổi không xảy ra cũng quan trọng như hiểu tại sao nó lại xảy ra.
Ngược lại, khi sự kết hợp giữa sự cố lịch sử và sự lãnh đạo dẫn đến một giới tinh hoa có lý do để chấp nhận sự phá hủy mang tính sáng tạo (như các tác giả lập luận, là trường hợp ở Hoa Kỳ), thì sự cất cánh có thể diễn ra, đòi hỏi sự kết hợp hiếm hoi giữa sự tập trung hóa chính trị và khả năng bao dung sự thay đổi triệt để.
Phong cách này rất hấp dẫn – được điểm xuyết bằng những mô tả lịch sử tuyệt vời, những giai thoại thú vị và sâu sắc (ở vương quốc Kongo của châu Phi vào thế kỷ 16, “thuế là tùy ý: thậm chí một loại thuế được thu mỗi lần mũ nồi của nhà vua rơi ra”). Sử dụng tuyệt vời các phép tương phản và “những cuộc thực nghiệm tự nhiên” – Mexico so với Hoa Kỳ tại biên giới; Bill Gates so với Carlos Slim; Bắc Triều Tiên so với Nam Triều Tiên. Nhịp độ rất nhanh, nhảy cóc điên cuồng giữa các nước và những thế kỷ, từ sự trỗi dậy và sụp đổ của Đế chế La Mã đến sự biến mất của người Maya cho tới sự trỗi dậy của Nhật Bản, lấy ví dụ để minh họa cho luận điểm này.
Phần có sức nặng lớn nhất của cuốn sách đối với tôi là sự tập trung của cuốn sách vào những động thái |dynamics| của sự thay đổi. Nó gần giống như vật lý học - sự phụ thuộc vào lộ trình đã qua là chìa khóa; những khác biệt nhỏ của ‘cánh bướm’ trong các điều kiện ban đầu do ‘sự trôi dạt thể chế’ |institutional drift| nhẹ nhàng tạo ra sự khác biệt lớn khi một nước chạm đến ‘thời điểm mấu chốt’ |critical juncture| (ví dụ như cuộc Cách mạng Pháp hoặc đại dịch Cái chết đen ở Châu Âu thế kỷ 14 đã xóa sổ một phần lớn lực lượng lao động và do đó làm chuyển đổi các nền kinh tế), và có thể đặt nước đó vào những con đường hoàn toàn khác nhau. ‘Các khuôn mẫu phát triển kinh tế khác biệt cực kỳ đa dạng trên khắp thế giới phụ thuộc vào sự tương tác của những thời điểm mấu chốt và sự trôi dạt thể chế. Các thể chế chính trị và kinh tế hiện có - đôi khi được hình thành bởi một quá trình trôi dạt thể chế lâu dài, và đôi khi là kết quả của những phản ứng khác biệt đối với những thời điểm mấu chốt trước đó - tạo ra cái đe mà trên đó sự thay đổi trong tương lai sẽ được hình thành.’
Vấn đề là, phần lớn những điều này chỉ thực sự đúng khi nhìn lại – theo định nghĩa, luôn có rất nhiều điểm khác biệt nhỏ tồn tại, và không thể biết trước được điều nào sẽ cung cấp cánh bướm xác định rằng (ví dụ) cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra ở vương quốc Anh chứ không phải ở Tây Ban Nha.
Tuy nhiên, thực chất còn nhiều hơn thế nữa – các cuộc cách mạng dựa trên liên minh rộng rãi (ví dụ như ‘Cách mạng Vinh quang’ của vương quốc Anh vào thế kỷ 17) có xu hướng dẫn đến các yêu cầu về các thể chế chính trị dung hợp hơn và ít có khả năng thoái hóa thành bản sao của chính chế độ chuyên quyền mà các cuộc cách mạng đã lật đổ.
Vấn đề với những lý thuyết lớn này là khi chúng trùng với những định kiến của riêng bạn, chúng giống như một cuộc dạo chơi hoàn hảo qua lịch sử. Nhưng nếu không thoải mái với vô số giả định, rõ ràng và ẩn tàng, thì bạn sẽ có cảm giác nghi ngờ và hoa mắt - cảm giác như bạn đang bị lừa (và việc hoàn toàn không có những cước chú khiến việc kiểm tra nguồn gốc của một số tuyên bố bao quát trở nên khó khăn hơn). Người đọc đang được yêu cầu phải tin tưởng rất nhiều ở đây. Và tôi liên tục nghe thấy một cụm từ của Thandika Mkandawire lởn vởn trong đầu mình: ‘một lý thuyết mà giải thích mọi thứ sẽ chẳng giải thích được điều gì cả’.
Vấn đề lớn nhất của cuốn sách là tình yêu của các tác giả với Giấc mơ Mỹ (mặc dù không phải là Thực tại Mỹ). Trong kiến giải của họ, các thể chế thành công có nét tương đồng đáng kể với hiến pháp Mỹ, sự phân chia quyền lực, v.v.. Điều đó có nghĩa là câu hỏi về Trung Quốc vẫn lơ lửng trong cả cuốn sách, và nỗ lực khá hời hợt của họ để trả lời câu hỏi này là vô cùng không thuyết phục. Trung Quốc được miêu tả là ở phía sai lầm của lịch sử, theo đuổi ‘tăng trưởng dưới chế độ độc đoán’, trong khi cố gắng thách thức một sự thôi thúc không thể tránh khỏi hướng tới việc kết hợp sự dung hợp kinh tế với sự dung hợp về chính trị.
Nhưng cuốn sách này có thực sự có thể lập luận rằng quá trình chuyển đổi kinh tế của Trung Quốc mong manh hơn nhiều so với, chẳng hạn như, Brazil hay không? Rõ ràng là có. ‘Tăng trưởng theo các thể chế chính trị khai thác, như ở Trung Quốc, sẽ không mang lại tăng trưởng bền vững và có khả năng cạn kiệt’ là một câu nói tùy tiện, đặc biệt là khi bạn không nói liệu điều đó có thể xảy ra trong 1 năm hay 100 năm. Hai tác giả cũng không tin vào kiến giải lạc quan của phái tự do cho rằng tăng trưởng của Trung Quốc sẽ tạo ra áp lực cho cải cách chính trị - A&R nghĩ rằng nó sẽ đạt đến ngưỡng tăng trưởng trước khi cải cách đó diễn ra, với những hệ quả không thể lường trước nhưng hỗn loạn.
Nói một cách tổng quan hơn về vai trò của nhà nước, cuốn sách dường như chấp nhận lập luận đã mất uy tín của trường phái ‘Phép màu Đông Á’ rằng ‘Nam Triều Tiên là một nền kinh tế thị trường, được xây dựng trên cơ sở tư hữu’. (Dani Rodrik và Ha-Joon Chang không đồng tình với quan điểm này.) Các tác giả đã hạ thấp vai trò của chính sách công nghiệp và nhà nước nhúng tay trong quá trình đột phá của mình một cách có hệ thống. ‘[Quá trình] đổi mới được thực hiện thông qua các thể chế kinh tế khuyến khích tư hữu, duy trì các hợp đồng, tạo ra sân chơi bình đẳng cũng như khuyến khích và cho phép các doanh nghiệp mới tham gia…. Do đó, chẳng có gì ngạc nhiên khi Nam Triều Tiên, chứ không phải Bắc Triều Tiên, ngày nay sản sinh ra các công ty đổi mới về công nghệ như Samsung và Hyundai.’ Không có nỗ lực thực sự nào nhằm khám phá khái niệm ‘nhà nước kiến tạo phát triển’, một thuật ngữ ban đầu được đặt ra để mô tả sự đột phá của Nhật Bản, nhưng là thuật ngữ ngày càng được nhiều nước đang phát triển quan tâm khi họ thấy các nền kinh tế tư bản tự do hơn đang nhanh chóng bị ‘nhà nước tư bản’ như Trung Quốc và Brazil vượt qua. Nhưng đối với A&R, con số tăng trưởng cao của các nước như Nam Triều Tiên luôn là “bất chấp” sự nhúng tay của nhà nước, chứ không phải “nhờ có”.
Tất cả điều này khiến tôi nhớ lại cuộc trao đổi khó hiểu với Guy de Jonquieres của FT, khi chúng tôi nhìn ra bãi biển tại hội nghị thượng đỉnh WTO ở Cancun (đôi khi việc vận động của các tổ chức phi chính phủ là một công việc khó khăn). Tôi nói: ‘làm sao bạn có thể nói rằng sự can thiệp của nhà nước hủy diệt nền kinh tế, khi chính sách công nghiệp của Nam Triều Tiên đã thành công đến vậy’. Guy nói: ‘Nhưng hãy nghĩ xem Nam Triều Tiên sẽ làm tốt hơn bao nhiêu nếu nhà nước không động vào’. Ừm, đúng.
Nhìn chung, cuốn sách này khiến tôi có cảm giác kỳ vọng tăng cao, rồi thất vọng tràn trề. Điều đó được tóm tắt trong phần kết kỳ lạ của cuốn sách. Sau một cuộc vui quá khích qua hàng thiên niên kỷ, cuộc khảo sát được cho là về những gì vận hành hiệu quả này cuối cùng lại đặt hy vọng vào – hãy chờ xem – phương tiện truyền thông, các mạng xã hội Facebook và Twitter. Ôi trời. Tất cả câu chuyện trên kết thúc không phải bằng một tiếng nổ mà là bằng một dòng tweet.’
Những góc nhìn thể hiện trong bài đăng này là của tác giả và không phản ánh quan điểm của blog Phát triển quốc tế LSE hoặc Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London.
Bài viết này ban đầu được đăng trên trang From Poverty to Power.
Nguồn ảnh chân dung: Giáo sư Duncan Green.
THÔNG TIN VỀ TÁC GIẢ
![]() |
Duncan Green |
![]() |
Tiến sĩ Duncan Green là Cố vấn Chiến lược Cấp cao tại Oxfam GB, Giáo sư Thực hành về Phát triển Quốc tế tại Trường Kinh tế London, Giáo sư danh dự về Phát triển Quốc tế tại Đại học Cardiff và là Nghiên cứu viên thỉnh giảng tại Viện Nghiên cứu Phát triển. Ông là tác giả của cuốn How Change Happens [Cách sự thay đổi diễn ra] (OUP, tháng 10 năm 2016) và From Poverty to Power: How Active Citizens and Effective States can Change the World [Từ Nghèo đói đến Quyền lực: Các cư dân năng động và những Nhà nước hiệu quả có thể thay đổi thế giới ra sao] (Oxfam International, 2008, ấn bản lần hai vào năm 2012). Blog về sự phát triển hàng ngày của ông có thể được tìm thấy tại trang www.oxfamblogs.org/fp2p/.
Nguyễn Thị Linh Giang dịch
Nguyễn Việt Anh góp ý
Nguồn: Are we allowed to be unimpressed by Nobel prize winners? Hope so., The London School of Economics and Political Science, 18/10/2024.