![]() |
Willem Buiter (1949-) |
Sự vô dụng đáng tiếc của phần lớn các công trình “mũi nhọn” hiện nay trong kinh tế học tiền tệ hàn lâm
Willem Buiter
Ủy Ban Chính Sách Tiền Tệ của Ngân Hàng Trung Ương Anh, nơi tôi được vinh
dự làm thành viên “sáng lập” không thuộc định chế này trong suốt những năm
1997-2000, là nơi hội tụ hùng hậu của các kinh tế gia hàn lâm và các kinh tế
gia chuyên nghiệp có nền tảng kiến thức và quá trình đạo tạo về mặt kỹ thuật
rất đáng gờm, như một thông lệ được lưu truyền của Ủy Ban này về các thành viên
bên ngoài và các thành viên điều hành định chế này. Điều này hóa ra là một bất
lợi nghiêm trọng khi ngân hàng trung ương đã phải sang số và chuyển hướng từ
một ngân hàng trung ương theo đuổi mục tiêu lạm phát trong các điều kiện về các
thị trường tài chính có trật tự sang một ngân hàng trung ương theo đuổi mục
tiêu ổn định tài chính trong các điều kiện về tính thiếu thanh khoản thị trường
và tính thiếu thanh khoản vốn đang lan rộng. Trong thực tế, chương trình đào
tạo điển hình về kinh tế học vĩ mô và kinh tế học tiền tệ bậc đại học được
giảng dạy tại các trường đại học Bắc Mỹ trong suốt khoảng 30 năm qua, có thể bị
tụt hậu hàng thập kỷ xét trên phương diện nghiên cứu hành vi kinh tế tổng thể
và tìm hiểu các chính sách kinh tế liên quan. Việc này đã làm hao tổn thời gian
và nguồn lực của cá nhân và của xã hội.
![]() |
Edward C. Prescott (1940-) |
![]() |
Thomas Sargent (1943-) |
Hầu hết các phát kiến về lý thuyết kinh tế học vĩ mô dòng chính kể từ
những năm 1970 (cuộc cách mạng về kỳ vọng duy lý Tân Cổ Điển gắn liền với những
cái tên như Robert E. Lucas Jr., Edward Prescott, Thomas Sargent, Robert Barro,
v.v., và lý thuyết Tân Keynesian của Michael Woodford và các học giả khác) hóa
ra chỉ là những trò tự tham chiếu, hướng nội làm người ta xao lãng và rối trí
không hơn không kém. Hoạt động nghiên cứu có vẻ là được khuyến khích bởi logic
bên trong, bởi vốn trí năng chìm và bởi những vấn đề nan giải hoa mỹ của các
chương trình nghiên cứu đã được định sẵn hơn là bởi khao khát mãnh liệt muốn
tìm hiểu mô thức vận hành của nền kinh tế – chứ chưa nói đến mô thức vận hành
của nền kinh tế trong giai đoạn căng thẳng và bất ổn về tài chính. Vì vậy,
chuyên ngành kinh tế học bị bắt quả tang chưa chuẩn bị sẵn sàng khi cuộc khủng
hoảng tấn công.
Các thị trường đầy đủ
![]() |
Robert Barro (1944-) |
![]() |
Michael Woodford (1960-) |
Hầu hết các lý thuyết gia có sức ảnh hưởng thuộc trường phái Tân Cổ Điển
và Tân Keynesian đều đã nghiên cứu trong khuôn khổ mà các kinh tế gia gọi là
“hệ chuẩn các thị trường đầy đủ”. Trong một thế giới tồn tại thị trường cho các
tài sản tài chính có giá trị phụ thuộc bao gồm tất cả các trạng thái của tự
nhiên có thể có (tất cả những ngẫu nhiên và kết cục khả dĩ), và trong các thị
trường đó ràng buộc về ngân sách liên thời gian luôn luôn được thỏa mãn theo
giả định, thì mặc nhiên hiện tượng phá sản và vỡ nợ là không thể xảy ra. Kết
quả là, tình trạng thanh khoản kém – của cả vốn lẫn của thị trường – cũng không
thể xảy ra, trừ khi lý thuyết gia kinh tế tội lỗi áp đặt một số ma sát gượng ép
(trong điều kiện cho trước cấu trúc các mô hình mà kinh tế gia đang nghiên cứu)
và tùy tiện gán cho thứ được gọi là “tiền” tính thanh khoản cao hơn bất cứ
phương tiện nào khác, mà không vì lý do hợp lý nào. Trong chuyên ngành kinh tế
học, người ta đã không còn chỉ trích việc mô hình hóa tính thanh khoản bằng
cách gán cho tiền là điều kiện ràng buộc của giao dịch.
Các lý thuyết vĩ mô về thị trường đầy đủ của cả trường phái Tân Cổ Điển và
trường phái Tân Keynesian đều không cho phép người ta thắc mắc về tình trạng vỡ
nợ và tính thanh khoản kém. Các lý thuyết này đã không cho phép người ta đặt ra
những vấn đề như vậy.
Rõ ràng là khi đang tìm kiếm một sự giản tiện hóa thích hợp để giải quyết
tình trạng hỗn mang nan giải của các nền kinh tế thị trường hiện đại, thì việc
chọn nền kinh tế “phi thị trường” làm xuất phát điểm, tức là tự cung tự cấp và
không có giao thương, là tốt hơn nhiều so với việc xuất phát từ “các thị trường
đầy đủ”. Hàng hóa và dịch vụ có tiềm năng được trao đổi mua bán phụ thuộc vào
thời gian, nơi chốn và trạng thái của tự nhiên hoặc trạng thái của thế giới.
Thời gian là một biến liên tục, nghĩa là khi xét các thị trường đầy đủ theo
thời gian, ắt hẳn tồn tại nhiều thị trường giao sau (vô số trong bất cứ khoảng
thời gian nào cho dù khoảng thời gian đó ngắn đến mức nào) mà bạn không thể chỉ
ra bằng hết được. Tương tự, nơi chốn cũng là một biến liên tục trong không gian
ba chiều. Và cũng tồn tại nhiều thị trường. Và khi bổ sung tính bất trắc (các
trạng thái của tự nhiên hoặc tình trạng xã hội), không tính đến thông tin riêng
tư hay thông tin bất cân xứng, thì tôi nghĩ ngay đến câu “tồn tại quá nhiều thị
trường tiềm năng”, xin thứ lỗi nếu tôi làm hỏng câu nói tuyệt vời được gán cho
Hoàng đế Joseph II trong tác phẩm điện ảnh Amadeus. Nếu một thị trường nào đó
cần sử dụng một nguồn lực nhất định để vận hành (dù cho nguồn lực đó nhỏ đến
mức nào), thì các thị trường đầy đủ sẽ làm cạn kiệt các nguồn lực của nhân
loại.
Ngoài vấn đề đơn giản về sự “bất khả của các thị trường đầy đủ” này ra,
giả thiết về thị trường đầy đủ trong hầu hết các mô hình kinh tế vĩ mô của
trường phái Tân Cổ Điển và trường phái Tân Keynesian luôn tránh né vấn đề thực
thi hợp đồng. Vấn đề này hết sức nhạy cảm trong hoạt động thương mại liên thời
gian, khi giá trị ròng có được từ việc thực thi các điều khoản trong hợp đồng
của mỗi bên tham gia hợp đồng có thể thay đổi từ dương sang âm và ngược lại.
Trong một thế giới có mặt các chủ thể vị kỷ, duy lý và cơ hội, cùng khả năng và
sự sẵn lòng gian dối và lừa gạt, thì chỉ một bộ phận rất nhỏ các giao dịch tự
nguyện sẽ được giám sát, so với toàn bộ các giao dịch tiềm năng khả dĩ.
Nhóm thứ nhất các giao dịch căn cứ vào trao đổi tự nguyện mà chúng ta có
thể gặp là các hợp đồng tự thực thi – dựa trên các mối quan hệ lâu năm, các
tương tác lặp lại và sự tín nhiệm. Có một số giao dịch như vậy nhưng không
nhiều. Nhóm thứ hai là những hợp đồng tự nguyện tham gia không trên cơ sở tự
thực thi (vì các bên tham gia hợp đồng không thường xuyên giao dịch với nhau và
các bên tham gia thị trường có một mức độ nặc danh nào đó khiến cho người ta
không thể sử dụng uy tín như một cơ chế tự thực thi) nhưng được giám sát thực
thi bởi bên thứ ba, thường là chính quyền, đôi khi là băng đảng tội phạm Mafia
(đôi lúc khó phân biệt được chính quyền với Mafia). Việc giám sát thực thi hợp
đồng của bên thứ ba lại thường rắc rối và tốn kém, đó cũng chính là lý do tại
sao người ta ít sử dụng bên thứ ba để giám sát thực thi hợp đồng. Cơ chế này
đòi hỏi bên thứ ba phải giám sát và kiểm tra được các điều khoản trong hợp đồng
và các ngẫu nhiên phát sinh. Một lần nữa, chỉ một số lượng hạn chế các giao
dịch được thực thi theo cơ chế này.
Tóm lại, theo các bạn, có phải giao dịch tự nguyện là một ngoại lệ thay vì
là một nguyên tắc và có phải các thị trường vốn tuyệt nhiên và tuyệt vọng thay vì là không đầy đủ. Chúng ta chấp nhận và xuất phát từ thực tế
đó. Điểm tham chiếu là phi mậu dịch – thời kỳ tự cung tự cấp tiền Friday
Robinson Crusoe. Đối với mỗi hàng hóa, dịch vụ hay công cụ tài chính có chức
năng trong “mô hình về thế giới” của bạn, bạn nên giải thích lý do tại sao tồn
tại thị trường trao đổi hàng hóa, dịch vụ, công cụ đó – tại sao chúng được trao
đổi mua bán hết. Có lẽ lần này chúng ta sẽ tìm ra điều gì đó.
Người xướng giá lúc tàn cuộc
![]() |
James Tobin (1918-2002) |
![]() |
Robert Shiller (1946-) |
Phương pháp tiếp cận lý thuyết tiền tệ của cả trường phái Tân Cổ Điển và
trường phái Tân Keynesian (và lý thuyết kinh tế vĩ mô tổng gộp nói chung), đều
sử dụng phiên bản mạnh nhất của giả thuyết thị trường hiệu quả (EMH). Giả
thuyết này cho rằng giá tài sản phản ánh đầy đủ tất cả những thông tin cơ bản
có liên quan và do đó phát ra tín hiệu đúng đắn cho việc phân bổ nguồn lực.
Ngay cả trong những năm 1970, 1980, 1990 và 2000 cho đến trước 2007, sự thất
bại hiển nhiên của EMH trong nhiều thị trường tài sản trọng yếu hầu như rất rõ
ràng đối với những ai mà khả năng nhận thức không bị nhào nặn bởi chương trình
đào tạo PhD hiện đại ở Bắc Mỹ. Tuy nhiên, hầu hết các học giả trong chuyên
ngành đã tiếp tục chấp nhận EMH vô điều kiện, mặc dù có những nhân vật có tầm
ảnh hưởng luôn ủng hộ hoàn toàn tính duy lý như James Tobin, Robert Shiller,
George Akerlof, Hyman Minsky, Joseph Stiglitz
và các nhà nghiên cứu tài chính theo cách tiếp cận hành vi. Tuy nhiên, ảnh
hưởng của các phương pháp tiếp cận phi chính thống trong kinh tế học vĩ mô và
trong các lĩnh vực khác của kinh tế học lên kinh tế học vĩ mô dòng chính – các
phương pháp tiếp cận của trường phái Tân Cổ Điển và trường phái Tân Keynesian –
cũng rất hạn chế.
![]() |
Joseph Stiglitz (1943-) |
![]() |
George Akerlof (1940-) |
Trong các thị trường tài chính và các thị trường tài sản, kể cả tài sản
thực lẫn tài sản tài chính, nhìn chung, giá tài sản hôm nay phụ thuộc vào cách
mà những người tham gia thị trường nhìn nhận về những thay đổi có thể xảy ra đối
với giá tài sản trong tương lai. Nếu giá tài sản hôm nay phụ thuộc vào những dự
đoán của hôm nay về mức giá ngày mai, và mức giá ngày mai cũng phụ thuộc vào kỳ
vọng về mức giá của ngày kia, và cứ lặp lại như thế đến phát ngán, rõ ràng là
giá tài sản hôm này phụ thuộc một phần vào dự đoán của hôm nay về giá tài sản
trong tương lai xa một cách tùy tiện. Bởi vì không có ngày tận thế cụ thể (một
số nhà kinh tế vĩ mô nghiên cứu về vũ trụ học trong thời gian rảnh rỗi của họ),
hầu hết các mô hình kinh tế sử dụng giả định định giá tài sản hợp lý hàm ý rằng
giá hôm nay phụ thuộc một phần vào dự đoán của hôm nay về giá tài sản trong
tương lai xa bất tận.
![]() |
Hyman Minsky (1919-1996) |
Chúng ta có thể nói gì về hành vi tới hạn của các kỳ vọng về giá tài sản?
Các công cụ và kỹ thuật toán học tối ưu hóa động hàm ý rằng khi một lập trình
viên toán học tính toán một chương trình tối ưu để giải quyết một vấn đề tối ưu
hóa động trong điều kiện có ràng buộc mà họ đang cố gắng giải quyết, yêu cầu
của sự tối ưu là tương lai xa bất tận không có tác động gì đến hàm tiêu chuẩn
hiện tại của lập trình viên đó.
Và rồi một phép màu nhỏ xuất hiện. Một tiêu chuẩn tối ưu từ phương pháp
toán học tối ưu hóa động được cấy ghép toàn bộ vào hành vi về những kỳ vọng giá
cả trong dài hạn trong nền kinh tế thị trường phi tập trung. Trong thao tác về qui
hoạch toán học, người ta biết rõ điều kiện tới hạn cuối cùng đến từ đâu. Điều
kiện tới hạn cuối cùng, tương lai xa vô tận không có ảnh hưởng lên giá tài sản
hôm nay, là “điều kiện hoành” vốn là một phần của các điều kiện cần và đủ của
một tình trạng tối ưu. Nhưng trong một nền kinh tế thị trường phi tập trung,
không có một lập trình viên toán học nào áp đặt các điều kiện tới hạn cuối cùng
để đảm bảo rằng mọi việc diễn ra thuận lợi.
Việc người ta thường giải quyết mô hình cân bằng tổng thể động trong nền
kinh tế thị trường (thường là cạnh canh) bằng cách giải quyết bài toán quy
hoạch có liên quan, tức là bài toán tối ưu hóa, là bằng chứng cho sự nhầm lẫn
chết người của hầu hết giới kinh tế học giữa giá ẩn và giá thị trường, giữa các
điều kiện hoành vốn là một phần không thể thiếu của phép giải bài toán tối ưu
và các kỳ vọng dài hạn đặc trưng cho sự vận hành của các thị trường tài sản phi
tập trung. Giả thuyết thị trường hiệu quả giả định rằng sẽ xuất hiện một người xướng
giá thân thiện như một ông Bụt lúc tàn cuộc để ngăn chặn những điều không thuận
lợi xảy ra đối với các kỳ vọng trong dài hạn về mức giá hoặc đối với giá trị
hiện tại hóa của chứng khoán tài sản hay tài sản tài chính cuối cùng (trong mô
hình thị trường đầy đủ).
Không lạ lẫm gì khi điều này chứng tỏ rằng các mô hình về nền kinh tế có
lồng ghép giả thuyết EMH – giả thuyết này bao gồm cả điểm cốt lõi của lý thuyết
kinh tế học vĩ mô về các thị trường đầy đủ của trường phái Tân Cổ Điển và
trường phái Tân Keynesian – không phải là mô hình mô phỏng các nền kinh tế thị
trường phi tập trung, mà lại là mô hình về nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung.
![]() |
Robert Lucas (1937-) |
Người xướng giá thân thiện xuất hiện lúc tàn cuộc, người đảm bảo các điều
kiện đúng đắn về giới hạn cuối cùng được thực thi như cơ chế phòng ngừa những
hiện tượng như bong bóng đầu cơ duy lý, không ai khác chính là nhà hoạch định
chính sách tập trung toàn trí, toàn năng và giàu từ tâm. Không có gì lạ khi
kinh tế học vĩ mô hiện đại lại có diện mạo khó coi như vậy. Giả thuyết EMH rõ
ràng là nguyên nhân trầm trọng mang tính thực nghiệm đáng chú ý nhất của cuộc
khủng hoảng tài chính. Điều này ngụ ý rằng, lý thuyết kinh tế học vĩ mô về thị
trường đầy đủ của Lucas, Woodford và các cộng sự là một sai lầm về mặt lý
thuyết tai hại nhất. Tương lai chắc chắn sẽ phụ thuộc vào các phương pháp tiếp
cận hành vi dựa trên các nghiên cứu thực nghiệm về cách thức mà các bên tham
gia thị trường tiếp nhận thông tin, hình thành quan điểm về tương lai và sự
thay đổi của các quan điểm đó nhằm thích ứng với những thay đổi về môi trường
quanh họ cũng như là những tác động của nhóm tác nhân đồng đẳng v.v.. Việc nhầm lẫn trạng thái cân bằng của nền kinh tế thị trường
phi tập trung, hay nền kinh tế cạnh tranh, với kết quả của một quy hoạch toán học
không còn được chấp nhận nữa.
Vì vậy, không có Oikomenia, không có hủ vàng ở cuối cầu vồng, và không có
ông Bụt xuất hiện lúc tàn cuộc.
Tuyến tính hóa và tầm thường hóa
Nếu ai đó có ý định bịt mũi mình và chấp thuận sử dụng các công cụ của hệ
thống thị trường đầy đủ do trường phái Tân Cổ Điển và trường phái Tân Keynesian
cung cấp, người đó sẽ nhanh chóng nhận ra rằng mô hình có khả năng có liên quan
đến chính sách thường là phi tuyến, sự tương tác giữa các đặc tính phi tuyến đó
với sự bất trắc là nguyên nhân của những vấn đề trầm trọng về mặt khái niệm và
kỹ thuật. Các nhà kinh tế vĩ mô là những người can đảm nhưng không thực sự như
vậy. Cho nên họ đã đưa các mô hình cân bằng tổng thể động ngẫu nhiên phi tuyến
xuống tầng hầm và nện chúng bằng một cái ống cao su cho đến khi nào chúng chịu
nghe lời mới thôi. Họ làm được điều này bằng cách tước đi hoàn toàn đặc điểm
phi tuyến của mô hình và hóa thể các tính chập phức tạp của các biến ngẫu nhiên
và các ánh xạ phi tuyến thành những nhiễu trắng ngẫu nhiên khả tổng dễ chịu.
Những ai trong chúng ta đã từng lấy làm lạ trước các vòng lặp hồi tiếp
giữa giá tài sản trong thị trường có tính thanh khoản yếu và tình trạng thanh
khoản vốn yếu của các thể chế tài chính chịu tác động của giá tài sản thông qua
cách hạch toán theo giá thị trường (Mark To Market - MTM), số tiền ký quỹ yêu
cầu, yêu cầu thế chấp bổ sung, v.v. sẽ đánh giá cao những yếu tố bị lược bỏ
trong các mô hình kinh tế vĩ mô. Tác động ngưỡng, khối lượng tới hạn, điểm tới
hạn, sự gia tốc phi tuyến đều bị các mô hình đó bỏ qua. Những ai trong chúng ta
quan ngại về tính bất trắc nội sinh xuất hiện từ tương tác giữa các bên tham
gia thị trường có đặc tính duy lý hạn chế không thể làm gì khác ngoài việc vò
đầu bứt tóc khi các mô hình dòng chính cứ khăng khăng cho rằng tất cả các yếu
tố bất trắc đều có tính ngoại sinh và khả tổng.
Về mặt kỹ thuật, các mô hình động ngẫu nhiên phi tuyến được tuyến tính hóa
(thường ở dạng log) ở một trạng thái dừng tất định (phi ngẫu nhiên). Chẳng
những thế, việc phân tích còn bị giới hạn khi chỉ xét đến các dạng thức của
tính ngẫu nhiên vốn sẽ trở nên không quan trọng ở lân cận của trạng thái dừng.
Chúng ta hầu như có thể đối phó với các mô hình tuyến tính có các cú sốc khả
tổng!
Tuy nhiên, ngay cả khả năng này cũng không đủ khiến chúng ta tiến xa hơn.
Như đã đề cập ở phần trước, các mô hình có sử dụng các kỳ vọng (duy lý) về giá
tài sản trong tương lai sẽ không chỉ bị chi phối bởi các quá trình động truyền
thống mang tính kỹ thuật, theo đó quá khứ dẫn dắt hiện tại và tương lai, mà còn
bị tác động một phần bởi những dự báo trong quá khứ và hiện tại về tương lai.
Khi bạn tuyến tính hóa một mô hình, và kích thích chúng bằng các nhiễu trắng
ngẫu nhiên khả tổng, thì tác dụng phụ không mong đợi chính là mô hình được
tuyến tính hóa sẽ hoạt động theo một khuôn khổ vô cùng ổn định hoặc theo cách
thức bùng nổ ngoài tầm kiểm soát. Không hề tồn tại “sự bất ổn có giới hạn”
trong các mô hình như vậy. Nhóm học giả theo đuổi sự cân bằng tổng thể động
ngẫu nhiên (DSGE) đã nhận ra rằng trong quá khứ nền kinh tế đã không nổ tung mà
không có sự ràng buộc, và từ đó kết luận rằng trong các mô hình tuyến tính hóa,
việc loại bỏ các quỹ đạo bùng nổ là có lý do. Điều còn sót lại trong các mô
hình, ngoài các nhiễu trắng ngẫu nhiên ngoại sinh, là thứ mà có thể quay trở về
trạng thái dừng tất định một cách hết sức khôn ngoan. Không hề có kịch bản suy
thoái có dạng chữ L. Không hề có các quá trình tích tụ nguyên nhân và ràng buộc
mà chỉ có sự thu hẹp hay mở rộng liên tục. Chỉ có kịch bản suy thoái dạng chữ V
xinh xắn.
Thực ra là có các phương pháp tiếp cận kinh tế học chú trọng đến vấn đề
phi tuyến một cách nghiêm túc. Đa phần các nghiên cứu thuộc nhóm này ở dạng số
– hiếm có các kết quả phân tích mà về bản chất có liên quan đến chính sách -
nhưng ít ra cũng cố gắng giải quyết vấn đề đúng như bản chất của các vấn đề,
thay vì theo cái cách mà chúng ta mong muốn để bản thân chúng ta khỏi phải mạo
hiểm vượt ra ngoài các vấn đề mà chúng ta có thể giải quyết được bằng những
công cụ hiện hữu.
Thực hành loại trừ tất cả các đặc điểm phi tuyến và hầu hết các khía cạnh
thú vị của tính bất trắc ra khỏi các mô hình để rồi sau đó bị lạc hướng trong
các phân tích định lượng chính sách thực tế, thực sự là một bước lùi đáng kể.
Tôi tin rằng điều này hiện đã được vứt vào sọt rác lịch sử trong các ngân hàng
trung ương có tầm cỡ.
Kết luận
![]() |
Charles Goodhart (1936-) |
![]() |
Robert Merton (1910-2003) |
Charles Goodhart, người có đủ may mắn để không phải chạm trán kinh tế học
vĩ mô về các thị trường đầy đủ và kinh tế học tiền tệ trong suốt những năm đầu
sự nghiệp ấn tượng của ông ta, nhưng chỉ sau khi ông có được sự miễn nhiễm trí
tuệ, ông đã một lần phát biểu về cách tiếp cận Cân Bằng Tổng Thể Động Ngẫu
Nhiên vốn đã từng là điểm trọng yếu trong mô hình nội bộ của các ngân hàng
trung ương: “Nó loại trừ mọi thứ mà tôi quan tâm”. Ông ta đã nói đúng. Nó loại
trừ mọi thứ xác đáng cho việc theo đuổi tính bền vững tài chính.
Trong năm 2007, Ngân Hàng Trung Ương Anh đã đối mặt với sự tấn công của
cuộc khủng hoảng tín dụng với quá nhiều mô hình của Robert Lucas, Michael
Woodford và Robert Merton được xếp trên tủ. Một quá trình tái đào tạo quyết
liệt nhưng hỗn độn đã diễn ra và đang tiếp tục.
Tôi tin rằng Ngân Hàng Trung Ương Anh nay đã vứt bỏ những tin tưởng phổ
biến của chương trình đào tạo kinh tế học vĩ mô tiêu biểu của vài thập kỷ
trước. Thay vào đó, nay là nồi lẩu thập cẩm các sự thật áp đặt, các lý thuyết
cục bộ, các quy tắc thực nghiệm thiếu cơ sở lý thuyết vững chắc, linh cảm, trực
giác và hiểu biết nửa vời. Không cường điệu hóa nhưng chúng ta biết rằng vô tri
chính là khởi điểm của sự khôn ngoan.
Trần Thị Minh Ngọc dịch
Nguồn: “The
unfortunate uselessness of most ‘state of the art’ academic monetary economics”, blogs.ft.com, March 3, 2009.