Joseph Stiglitz (1943-) |
Joseph Stiglitz, nhà phê phán toàn cầu hóa tân tự do
Là nhà phân tích và là người phê phán mạnh mẽ sự cuồng
tín của thị trường, Joseph Stiglitz đã tạo ra một sự nghiệp lý luận quan trọng.
Ông đã góp phần hình thành kinh tế học thông tin và kinh tế học keynesian mới.
Đối với Joseph Stiglitz, bản thân toàn cầu hóa
không có gì phải lên án, mà chính cách thức nó được triển khai mới đáng bị lên
án.
Ngày 02 tháng 7
năm 2002, Tom Dawson, người phát ngôn
của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), thông báo trong cuộc họp báo hàng tuần của ông
rằng Quỹ yêu cầu một lời xin lỗi từ Joseph Stiglitz về những công kích lặp đi
lặp lại của ông chống lại định chế này: "Rất nhiều những tuyên bố của ông đều gây tai tiếng và rất nhiều những
nhận xét của ông trong cuốn sách mới nhất của ông cũng gây tai tiếng, và chúng
tôi đang chờ một lời xin lỗi từ ông ấy". Cuốn sách được đề cập nói
trên là Globalization and Its Discontents (Toàn cầu hóa và những mặt trái), được
Stiglitz công bố ít lâu sau khi ông từ chức phó chủ tịch và kinh tế gia trưởng
của Ngân hàng Thế giới, một định chế chị em của IMF.
Là "người nổi loạn từ bên trong", Stiglitz bắt đầu phê phán các
chính sách của Ngân hàng Thế giới và IMF trước khi ông từ chức, một quyết định
do Bộ Tài chính Mỹ làm áp lực để bịt miệng ông ta. Cuốn sách trên, được dịch
sang 35 ngôn ngữ và bán được hơn một triệu bản, thực sự là một bản cáo trạng
khắc nghiệt chống lại các chính sách của các định chế này. Sau khi rời khỏi
Ngân hàng Thế giới, Stiglitz đã thành lập và điều hành tổ chức Initiative
for Policy Dialogue (Sáng kiến về Đối thoại Chính sách), một tổ chức được thành lập tại Đại học Columbia để
nghiên cứu có hệ thống các cách tiếp cận thay thế cho vấn đề toàn cầu hóa và
phát triển.
Đối với Stiglitz, những tổ chức được
thành lập theo các thỏa ước ở Bretton Woods đã phản bội lại sứ mệnh của chúng,
và Keynes, một trong những tác nhân của sáng kiến
trên, chắc hẳn sẽ phẫn nộ trong ngôi mộ của mình nếu thấy được những gì xảy ra
ngày nay. Dựa vào cái gọi là sự đồng thuận Washington, được hình thành trên cơ
sở của chủ nghĩa tân tự do và sự cuồng tín thị trường, các định chế này không
những không đóng góp vào sự ổn định tài chính quốc tế và xóa đói giảm nghèo, mà
còn làm trầm trọng thêm tình hình nguy hiểm mà thế giới đang chìm đắm ngày nay.
Và điều này xảy ra là do các quy định ở cấp độ quốc tế được thiết lập bởi các
quốc gia thống trị, các công ty đa quốc gia và các ngân hàng lớn vì lợi ích của
họ, tất nhiên với vị trí dẫn đầu là Hoa Kỳ. Là nước chủ trương tự do thương mại
cho phần còn lại của thế giới, còn Hoa Kỳ thì bảo vệ nền kinh tế của mình.
John M. Keynes (1883-1946) |
Stiglitz cho thấy bằng cách nào việc
xiết chặt ngân sách mà IMF áp đặt ở các nước châu Á và Argentina đã góp phần
vào sự suy thoái kinh tế ở các nước đó, làm gia tăng sự bất bình đẳng và
cắt giảm các nguồn lực dành cho giáo dục và các chương trình xã hội. Ông cũng
kịch liệt công kích liệu pháp sốc, với việc tăng tốc các chính sách tư nhân
hóa, được áp đặt ở các nước thuộc Liên Xô cũ. Tom Dawson đặc biệt bực tức bởi
một cuộc phỏng vấn, trong đó Joseph Stiglitz cáo buộc IMF khuyến khích khủng bố
bằng cách loại bỏ những kinh phí dành cho giáo dục ở Pakistan, buộc các trẻ em
nghèo phải đến học ở các trường giảng dạy kinh Koran.
Stiglitz, người đã trình bày các luận
điểm của ông tại Diễn đàn Xã hội Thế giới tại Mumbai năm 2004, cho rằng các
cuộc biểu tình vì một toàn cầu hóa khác đã có một hiệu ứng tích cực. Các cuộc
biểu tình này đã khiến nhiều nhà báo tìm đến các nước phải gánh chịu những hậu
quả tiêu cực của toàn cầu hóa, để thấy rằng những chỉ trích của người biểu tình
là có cơ sở. Toàn cầu hóa như được áp đặt hiện nay làm trầm trọng thêm sự bất
bình đẳng, tạo điều kiện thuận lợi cho những lợi ích lớn về tài chính và công
nghiệp, gây thiệt thòi cho lợi ích của công dân, xóa bỏ sự đa dạng văn hóa và
hủy hoại môi trường. Vả lại, Stiglitz đã dành nhiều bài viết về vấn đề sau cùng
trên. Nhưng không vì thế mà bản thân toàn cầu hóa bị lên án, theo ông, chính
cái cách mà nó được triển khai và các tổ chức triển khai nó mới chịu trách nhiệm.
Toàn cầu hóa phải được suy nghĩ lại hoàn toàn nhằm giúp đỡ các nước nghèo thoát
khỏi cảnh nghèo, chứ không phải là một kênh chuyển tải của cải của các nước
nghèo sang các nước giàu. Đó là điều mà Stiglitz phát triển trong cuốn sách sau
cùng của ông, Making Globalization Work
(Vận hành toàn cầu hóa).
Xem
xét lại vấn đề toàn cầu hóa
có nghĩa là xem xét lại các quan hệ giữa nhà nước và thị trường. Tiếp theo
Keynes, Stiglitz cho rằng cần phải gấp rút xác định điều mà ông gọi là "con đường thứ ba", giữa chủ nghĩa
tân tự do và sự tập thể hóa hoàn toàn nền kinh tế, vốn đã chứng tỏ sự thiếu
hiệu quả của nó. Không hề có bàn tay vô hình và sự can thiệp của Nhà nước có
thể mang lại những kết quả tốt hơn so với tự do thị trường. Tuy nhiên, hiện nay
chính những kẻ cuồng tín thị trường là những người phải chịu trách nhiệm. Hậu
quả của sự tự do hóa tài chính và đầu cơ là điều thảm khốc.
Song song với việc ông rút ra những
bài học từ kinh nghiệm làm việc của ông tại Ngân hàng Thế giới trong cuốn Globalization and Its Discontents (Toàn cầu hóa và những mặt trái),
Stiglitz, trong cuốn The
roaring nineties: a new history of the world's most prosperous decade (Những
năm chín mươi sôi động), trở lại những trải nghiệm lúc ông còn là thành
viên và là chủ tịch Hội đồng các cố vấn kinh tế của tổng thống Bill Clinton.
Đây cũng thế, nhận định là nghiêm khắc, bất chấp việc chính phủ Clinton, khác
với những người tiền nhiệm và người kế tục đã không hoàn toàn bị chủ nghĩa tân
tự do quyến rũ. Sự phi qui định hóa, được tăng cường dưới thời chính phủ Bush,
đã làm trầm trọng thêm các vấn đề tài chính và làm thổi bùng những vụ bê bối
rất lớn làm rung chuyển giới kinh doanh Hoa Kỳ, trong khi việc cắt giảm thuế
chủ yếu làm lợi cho người giàu, làm thiệt hại cho bảo hiểm xã hội đối với những
người ít được ưu đãi. Tình hình tài chính của Hoa Kỳ cũng bị ảnh hưởng trầm
trọng bởi cuộc chiến ở Iraq – một cuộc chiến chỉ có lợi cho ngành công nghiệp
quốc phòng và dầu khí – mà Stiglitz ước tính chi phí cao gấp nhiều lần so với
những gì được chính thức công bố.
Stiglitz cũng không nương tay đối với
Alan Greenspan, cựu giám đốc ngân hàng trung ương của Hoa Kỳ. Ông cho rằng
chính sách tiền tệ của ông ấy đã giúp dọn đường cho sự sụp đổ hiện tại của thị
trường bất động sản, trong đó, một lần nữa, người không giàu mấy là những nạn
nhân đầu tiên.
Vì một kinh tế học keynesian mới
Bên cạnh những ấn phẩm có màu sắc bút
chiến và chính trị, Stiglitz đã sản sinh, từ những năm 1960, một sự nghiệp lý
luận quan trọng, giúp ông nhận được Huy chương John Bates Clark, của Hiệp hội
kinh tế Mỹ dành cho một nhà kinh tế học dưới 40 tuổi vì những đóng góp xuất sắc
của họ; ông cũng nhận được giải thưởng của Ngân hàng Thụy Điển để tưởng nhớ
Alfred Nobel. Các bài viết lý luận của ông hỗ trợ cho các quan điểm chính trị
của ông. Từ những ngày đầu khởi nghiệp, ông tin chắc rằng thị trường không vận
hành theo cách dự đoán của lý thuyết chính thống về cung cầu và cân bằng chung.
Đặc biệt hơn, ông cho rằng thông tin còn lâu mới miễn phí và lưu thông không bị
ràng buộc giữa các tác nhân. Thông tin gần như luôn luôn mang tính không đối
xứng, có một số tác nhân được thông tin tốt hơn những tác nhân khác.
Chính trong lãnh vực kinh tế học thông
tin, mà ông là một trong những người sáng lập, mà Stiglitz đã có nhiều đóng góp
quan trọng nhất. Ví dụ, ông đã cho thấy làm thế nào một tác nhân ít được thông
tin hơn lại có thể moi móc thông tin từ một tác nhân được thông tin tốt hơn –
điều mà ông gọi là sàng lọc (screening).
Những đặc tính chính của các nền kinh tế học đương đại, chẳng hạn như sự tồn
tại của tình trạng thất nghiệp không tự nguyện hay hạn mức tín dụng, không thể
giải thích được nếu không biến đổi đáng kể sự phân tích chính thống, bằng cách
tích hợp những sự không hoàn hảo của thị trường, sự cạnh tranh không hoàn hảo
và những bất đối xứng về thông tin.
Những công trình của ông về kinh tế
học thông tin và, tổng quát hơn, những dè dặt của ông trước tính hiệu quả của
thị trường, đã dẫn Stiglitz đến việc chống lại kinh tế học vĩ mô cổ điển mới
được phát triển từ những năm 1970 dựa trên ý tưởng của những dự kiến duy lý và
cân bằng liên tục của các thị trường. Cáo buộc trường phái tư tưởng trên tạo ra
kinh tế học vĩ mô trên cơ sở một kinh tế học vi mô walrasian phi thực tế, ông
đề nghị trái lại thích nghi lý thuyết vi mô với lý thuyết vĩ mô. Đó là chương
trình nghiên cứu của cái có tên là kinh tế học keynesian mới. Ông định nghĩa
kinh tế học ấy như sau: "Kinh tế học
keynesian mới bắt đầu với những trực giác cơ bản của Keynes. Nhưng nó thừa nhận sự cần thiết phải đi xa
hơn một cách triệt để khỏi khuôn khổ tân cổ điển và nghiên cứu sâu hơn hệ quả
của những sự không hoàn hảo của thị trường tư bản, những sự không hoàn hảo chỉ
có thể được giải thích bởi các chi phí thông tin" ("Keynesian,
New Keynesian and New Classical Economics - Kinh tế học keynesian, Kinh tế học keynesian mới và Kinh tế học cổ điển
mới", Oxford Economic Papers, vol. 37, 1987, trang 123).
Joseph Schumpeter (1883-1950) |
Stiglitz can dự vào nhiều lĩnh vực
khác của tư tưởng kinh tế. Ông tập trung vào sự tăng trưởng kinh tế và mối quan
hệ của nó với tiến bộ kỹ thuật và phân phối thu nhập. Lấy cảm hứng từ Schumpeter,
ông là một trong những người tiên phong trong sự trỗi dậy của các lý thuyết
tăng trưởng nội sinh. Ông có nhiều công trình đóng góp cho kinh tế học phát
triển, tổ chức công nghiệp, kinh tế học lao động và kinh tế học tài chính. Ông
là tác giả của nhiều sách giáo khoa, trong đó ông đã đưa vào các luận điểm của
mình.
Joseph Stiglitz qua vài năm tháng
1943: sinh ra ở Gary, Indiana.
1964: tốt nghiệp cử nhân vật lý tại trường
Amherst College.
1965-1966: học tại Đại học Cambridge, Anh.
1966-1967: giáo sư trợ giảng tại Viện Công nghệ
Massachusetts (MIT).
1967: nhận bằng tiến sĩ kinh tế tại MIT.
1967-1974: được phong giáo sư năm 1970, tại Đại
học Yale.
1974-1976: giáo sư tại Đại học Stanford.
1976: đồng tác giả với Michael Rothschild,
Equilibrium in
Competitive Insurance Markets. An Essay on the Economics of Imperfect Competition
(Cân bằng trong thị trường cạnh tranh bảo
hiểm. Một tiểu luận về kinh tế học cạnh tranh không hoàn hảo).
1976-1979: giáo sư tại Đại học Oxford.
1979: nhận huy chương John Bates Clark của
Hiệp hội kinh tế Mỹ.
Anthony B. Atkinson (1944-) |
1979-1988: giáo sư tại Đại học Princeton.
1980: đồng tác giả với Anthony B.
Atkinson, Lectures on Public Economics
(Các bài giảng về kinh tế học công).
1981: đồng tác giả với David MG Newbery, The Theory on Commodity Price Stabilization.
A Study in the Economics of Risk (Lý
thuyết về bình ổn giá cả hàng hóa. Một nghiên cứu về kinh tế học rủi ro).
1984: đồng tác giả với C. Shapiro, Equilibrium Unemployment as a Worker
Discipline Device (Cân bằng thất
nghiệp như một công cụ kỷ luật của người lao động).
1986: Economics
of the Public Sector (Kinh
tế học công cộng).
1988-2001: giáo sư tại Đại học Stanford.
1989: The
Economic Role of the State (Vai trò
kinh tế của Nhà nước).
1993: Economics
(Kinh tế học).
1994: Whither
Socialism? (Chủ nghĩa xã hội đi về
đâu?)
1992-1997: thành viên và, từ năm 1995, là Chủ
tịch Hội đồng các nhà cố vấn kinh tế (Council of Economic Advisers) của Tổng
thống Clinton; thành viên của Hội đồng thuộc Văn phòng Tổng thống.
1997-2000: Phó chủ tịch và kinh tế gia trưởng
của Ngân hàng Thế giới.
2001: giáo sư tại Đại học Columbia. Nhận
giải thưởng của Ngân hàng Thụy Điển để tưởng nhớ Alfred Nobel, cùng với George
Akerlof và Michael Spence.
2002: Globalization
and Its Discontents (Toàn cầu hóa và
và những mặt trái của nó).
2003: The
Roaring Nineties (Những năm chín mươi
sôi động), W. W. Norton. Đồng tác giả với Bruce Greenwald, Toward a New Paradigm in Monetary Economics
(Hướng tới một hệ thuyết mới trong kinh
tế học tiền tệ).
2005: đồng tác giả với Andrew Charlton, Fair Trade for All (Cân bằng thương mại cho tất cả).
2006: Making
Globalization Work (Vận hành toàn cầu
hoá).
Để
tìm hiểu thêm
Những tác phẩm của
Stiglitz
• Equilibrium in
Competitive Insurance Markets. An Essay on the Economics of Imperfect
Competition,
đồng tác giả với Michael Rothschild, Quaterly
Journal of Economics vol. 90, 1976.
• Lectures
on Public Economics,
đồng tác giả với Anthonie B. Atkinson, McGraw-Hill, 1980.
• The
Theory on Commodity Price Stabilization. A Study in the Economics of Risk, đồng tác giả với David M. G.
Newbery, Oxford University Press, 1981.
• Equilibrium
Unemployment as a Worker Discipline Device, đồng tác giả với C. Shapiro, American Economic Review, vol. 74, no
3, 1984.
• Economics
of the Public Sector,
W. W. Norton, 1986.
• The
Economic Role of the State,
Basil Balckwell, 1989.
• Whither
Socialism?, MIT
Press, 1994.
• Economics, Norton & Company, 2000.
• Globalization
and Its Discontents,
Norton & Company, 2002.
• Quand le capitalisme perd la tête, Fayard,
2003.
• Economie monétaire: un nouveau paradigme, đồng
tác giả với Bruce Greenwald, Economica, 2003.
• Pour un commerce mondial plus juste, đồng tác
giả với Andrew Charlton, Fayard, 2005.
• Making
Globalization Work (Vận hành toàn cầu hóa), Norton & Company, 2006.
• Le triomphe de la cupidité, Les liens qui
libèrent, 2010.
Những tác phẩm viết về Stiglitz
• Joseph
Stiglitz and the World Bank. The Rebel Within, của Ha-Joon Chang (chủ biên), Anthem Press.
• Economics
for an Imperfect World. Essays in Honor of Joseph E. Stiglitz, của Richard Arnott, Bruce Greenwald,
Ravi Kanbue et Barry Nalebuff (chủ biên),
MIT Press, 2003.
Stiglitz trên mạng
Gilles Dostaler
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: “Joseph
Stiglitz, critique de la mondialisation néolibérale” của G.
Dostaler trong Alternatives Economiques
Poche no.57, tháng 10 năm 2012