20.3.16

LUCAS Robert E. Jr, sinh năm 1937



Robert Lucas (1937-)

LUCAS Robert E. Jr, sinh năm 1937

Robert E. Lucas sinh tại Yakima (bang Washington, Hoa K) năm 1937. Sau khi đỗ một văn bằng đầu tiên về lịch sử năm 1959, ông tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế học của đại học Chicago năm 1964. Giảng viên phụ tại đại học Carnegie Institute of Technology từ 1963 đến 1967, ông trở thành phó giáo sư của đại học Carnegie-Mellon từ 1967 đến 1970 và cuối cùng là giáo sư từ 1970 đến 1974. Kể từ 1974, ông là giáo sư đại học Chicago và cũng là đồng giám đốc tạp chí Journal of Political Economy. Năm 1995, ông được Viện hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển biểu dương.
L. Rapping (1934-1991)
Milton Friedman (1912-2006)
Robert Lucas là nhà lí thuyết được biết đến nhất trong số những lí thuyết gia của kinh tế học vĩ mô cổ điển mới. Chính nhờ một bài viết với sự cộng tác của L. Rapping (1969) mà ông đã đặt nền móng cho lí thuyết những dự kiến duy lí, một lí thuyết sẽ đổi mới và làm phong phú đáng kể cuộc tranh luận kinh tế vĩ mô. Lí thuyết mới này tự khẳng định như một hệ chuẩn chủ yếu của trào lưu chống keynesian. Cho dù đồng tác giả của bài viết này cuối cùng gia nhập trào lưu tân keynesian, Lucas vẫn giữ vững hướng đi bằng cách phát triển thêm những nghiên cứu của ông (1972 và 1975). Trong một khuôn khổ walrasian và trong dòng tiếp nối M. Friedman (Nobel 1976), ông ủng hộ việc trở về với cá nhân và với hoạt động tự nhiên của các thị trường. Ông là người đầu tiên hình thức hoá một cách chặt chẽ giả thiết của J. Muth (1961), trong việc nghiên cứu những dao động chu kì của hoạt động kinh tế. Công trình này góp phần làm rõ những chính sách kinh tế do Henry Simons, Milton Friedman và những tác giả phê phán những chính sách can thiệp đề nghị (Studies in Business Cycle Theory, 1981). Một sự can thiệp của chính quyền không làm giảm những dao động chu kì. Để cho một chính sách kinh tế có vài tác động đến nền kinh tế thực tế thì nó phải giới hạn ở việc thực hiện những qui tắc ổn định và dự báo trước được trong lĩnh vực chính sách tiền tệ cũng như chính sách tài chính (1980). Học thuyết Keynes thống trị vào nửa sau thế kỉ đã ngăn cản Simons (1948), Shaw (1950), Warburton (1952) rồi Friedman (1959) áp đặt những qui tắc cố định nhằm chi phối gia tăng của tiền tệ, do các giới chức tiền tệ không kềm giữ được giá cả. Đối với các tác giả này, sẽ là hiệu quả hơn khi định rõ những mục tiêu của chính sách tiền tệ hơn là những hành động của Ngân hàng trung ương (điều này không gì khác hơn là biểu hiện của sự tương đương Ricardo).
Henry Simons (1899-1946)
John M. Keynes (1883-1946)
Đối với Lucas, tư tưởng của Keynes về chính sách kinh tế tích cực bị làm suy yếu do không chắc chắn là có sự phù hợp giữa hành vi kinh tế của các tác nhân và độ dài của những thời hạn chính trị. Ông phát biểu phê phán nổi tiếng của ông đối với kinh trắc học (1976), làm rõ một mâu thuẫn nội tại trong chính ngay phương pháp ước lượng tác động của một chính sách kinh tế bằng một mô hình kinh trắc. Thật vậy, những tham số của các mô hình được kiểm định được giả định là bất biến, nghĩa là vừa phù hợp với hiện thực ex ante trước khi có sự thay đổi chính sách kinh tế vừa phù hợp với hiện thực ex post sau khi tiến hành một chính sách kinh tế. Thế mà sẽ là hợp lí khi chờ đợi rằng khu vực tư nhân dự kiến một thay đổi của chính sách kinh tế và những tác động của chính sách này trên nền kinh tế sẽ thay đổi hành vi của mình. Do đó, nếu các dự kiến là duy lí thì chúng tất yếu là nội sinh. Vì thế, khi chính sách kinh tế thay đổi thì những tham số của mô hình phải thay đổi để tính đến những thay đổi hành vi của khu vực tư nhân về cung lao động, cầu và cung sản phẩm, và do đó của tiêu dùng và tiết kiệm. Sẽ là thiếu nhất quán khi giả định, như tất cả những mô hình hiện có, rằng các tham số là không đổi.
Edmund Phelps (1933-)
Friedrich von Hayek (1899-1992)
Đối với R. Lucas (Rational Expectations 1981), lí thuyết tỉ suất thất nghiệp tự nhiên được FriedmanPhelps trình bày đánh dấu một thay đổi cơ bản về cách nhìn so với cách nhìn của tổng hợp tân cổ điển dựa trên Lí thuyết tổng quát (1936) của Keynes. Thay đổi này khẳng định là có một mức việc làm cân bằng trong nền kinh tế mà không có bất kì chính sách kinh tế nào có thể làm thay đổi nó trong dài hạn. Do đó không có sự đánh đổi lạm phát/thất nghiệp như đường Phillips (1958) dự báo. Chương trình nghiên cứu Lucas tự hoạch định cho ông để tính đến tình thế này là sự tiếp nối trực tiếp của chương trình nghiên cứu của Hayek: hợp nhất những chu kì kinh tế trong cân bằng chung walrasian để cung cấp cho lí thuyết kinh tế vĩ mô những cơ sở kinh tế vi mô thật sự. Lợi thế của lí thuyết tân cổ điển là cho phép thực hiện một chương trình như thế. Những cơ sở của lí thuyết chu kì của Lucas dựa trên thông tin các tác nhân kinh tế có được và việc sử dụng những thông tin này trong việc hình thành các dự kiến. Như thế ông tìm cách chứng minh rằng tính bất ổn định của những nền kinh tế hiện nay không gắn với những thất bại của thị trường, mà đúng hơn là gắn với những thất bại của một sự can thiệp thất thường của chính phủ. Chỉ có những chính sách bất ngờ, nghĩa là không được dự kiến, mới có thể có những tác động thực tế trên nền kinh tế. Nhưng trong dài hạn, những chính sách kích cầu là không hiệu quả. Những lực của thị trường bình thường phải đủ để giữ vững một tăng trưởng kinh tế ổn định, trong đó thất nghiệp được duy trì ở mức tự nhiên. Năm 1995, ông nhận giải khoa học kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel vì những công trình tiên phong trong việc phát triển lí thuyết những dự kiến duy lí.
· FISCHER S., chủ biên, Rational Expectations and Economic Policy [Những dự kiến duy lí và chính sách kinh tế], Studies in Business-Cycle Theory [Những nghiên cứu về lí thuyết chu kì kinh doanh], Cambridge (Mass.), MIT Press, 1981. Expectations and the Neutrality of Money [Những dự kiến và tính trung lập của tiền tệ], Journal of Economic Theory, 1972, vol. 4, p. 103-124. An Equilibrium Model of Business Cycle [Một mô hình cân bằng của chu kì kinh doanh], Journal of Political Economy, 1975, vol. 83, p. 1113-1144. Econometric Policy Evaluation: a Critique [Đánh giá kinh trắc chính sách: một phê phán], Journal of Monetary Economy, 1976, vol. 1, p. 19-46 (suppl.).   LUCAS R. & SARGENT T, chủ biên, Rational Expectations and Econometric: A Book of Readings, Minneapolis, University of Minnesota Press, 1981, vol. 2, p. 199-210. LUCAS R. & RAPPING L., Price Expectations and the Phillips Curve [Những dự kiến giá cả và đường Phillips], American Economic Review, 1969, vol. 59, p. 342-350.
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: Những giải khoa học kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel của Damien Gaumont trong Dictionnaire des sciences économiques do Claude Jessua, Christian Labrousse và Daniel Vitry chủ biên, Paris, Presses Universitaires de France, 2001, trang 1040-1041.
Print Friendly and PDF