29.5.15

Hyman Minsky và chủ nghĩa tư bản bị bào mòn bởi sự bất ổn tài chính



Hyman Minsky (1919-1996)

Hyman Minsky và chủ nghĩa tư bản bị bào mòn bởi sự bất ổn tài chính

Khi nghiên cứu sự tổng hợp độc đáo của Keynes và Schumpeter, Hyman Minsky đã phân tích vai trò của tiền tệ, ngân hàng và tài chính như là những nguồn bất ổn chính của chủ nghĩa tư bản.
Minsky quan tâm đến kinh tế học bắt nguồn từ những hoạt động chính trị và xã hội của ông.
Bố của Hyman Minsky là đảng viên một chi bộ của người Do Thái thuộc Đảng xã hội Mỹ ở Chicago. Sinh ra ở Nga, ông rời quê hương sau thất bại của cuộc cách mạng năm 1905. Mẹ ông, Dora Zakon, là một nhà hoạt động công đoàn. Họ gặp nhau trong một buổi liên hoan được tổ chức nhân kỷ niệm lần thứ một trăm ngày sinh của Marx. Cho đến cuối đời, Minsky giữ vững lập trường theo một định hướng chính trị thuộc cánh tả. Sự quan tâm của ông đối với kinh tế học bắt nguồn từ những hoạt động chính trị và xã hội của ông.
Là học sinh của trường trung học ở Chicago, ông là đoàn viên của một chi bộ thanh niên của Đảng xã hội Mỹ. Bị cuộc Đại khủng hoảng gây ấn tượng sâu đậm, ông sớm tin rằng chủ nghĩa tư bản là một hệ thống bất ổn sâu sắc, rằng những biến động mang tính chu kỳ, những cuộc khủng hoảng tài chính và tình trạng thất nghiệp không phải là những rủi ro không lường trước được, mà là những giai đoạn tất yếu của sự phát triển của chủ nghĩa tư bản. Vì vậy, ông tiếp nhận thông điệp của Keynes một cách hết sức bình thường, khi thông điệp này được truyền tải đến Đại học Harvard vào cuối những năm 1930. Nhưng ở Chicago, ông cũng bị ảnh hưởng bởi những lời truyền giảng của Oskar Lange, Henry Simon, Jacob Viner và Frank Knight. Từ ba vị giáo sư cuối trên, đôi khi được coi là những người sáng lập trường phái Chicago và là những bậc thầy tư tưởng của Milton Friedman, Minsky đã viết rằng họ ít cứng nhắc hơn, ít giáo điều hơn và ít gắn bó hơn về mặt ý thức hệ so với những người kế thừa họ gắn liền với chủ nghĩa trọng tiền và chủ nghĩa tân tự do: "Kinh tế học ở Chicago vào cuối những năm 1930 và đầu những năm 1940 mang tính cởi mở, nghiêm khắc và nghiêm túc. Mọi khoa nào chấp chứa một phổ từ Knight đến Lange đều phải cởi mở về mặt trí tuệ"[*].

Một cách đọc cấp tiến về Keynes

Ở Chicago, ông cũng gặp Thượng nghị sĩ tương lai Paul Douglas, một nhà kinh tế học tân cổ điển - người mà tên được đặt cho hàm sản xuất Cobb-Douglas nổi tiếng – một nhà hoạt động xã hội chủ nghĩa nhưng chống lại chủ nghĩa Lênin và chủ nghĩa Stalin. Ông cũng là bạn của Abba Lerner, người đến từ Mexico, nơi ông đã cố gắng thuyết phục Trotsky về sự cần thiết phải xét lại chủ nghĩa Mác dưới ánh sáng của học thuyết Keynes. Tại Harvard, Minsky chịu ảnh hưởng của Leontief và đặc biệt của Schumpeter, người hướng dẫn ông làm luận án tiến sĩ. Là đối thủ của Keynes, là người bảo thủ sâu sắc, nhà kinh tế học người Áo này đồng thời là người ngưỡng mộ Marx và cũng bị thuyết phục như ông ấy rằng các cuộc khủng hoảng là những khoảnh khắc cần thiết và không thể tránh khỏi của sự phát triển tư bản chủ nghĩa, một hệ thống rút cuộc về lâu về dài sẽ phải tiêu vong. Minsky sẽ xây dựng trong những năm tiếp theo, một tổng hợp độc đáo Keynes và Schumpeter, và cũng có vay mượn từ chủ nghĩa thể chế. Theo ông, các công cụ phân tích cần được xây dựng dưới ánh sáng của các thể chế mà thông qua đó chủ nghĩa tư bản phát triển.
Minsky bắt đầu tiếp cận tư tưởng của Keynes bằng cách đọc cuốn Luận thuyết về xác suất, được xuất bản năm 1921, vào thời điểm mà đại đa số các nhà kinh tế không biết đến hoặc bỏ qua nó. Trong tác phẩm triết học này, mà bản phác thảo đầu tiên được viết từ năm 1905, Keynes đặt câu hỏi về việc ra quyết định trong bối cảnh bất trắc. Từ quan điểm trên, có một mối liên kết chặt giữa cuốn Treatise (Luận thuyết) và cuốn Lý thuyết tổng quát về việc làm, lãi suất và tiền tệ, xuất bản mười lăm năm sau đó. Bản thân Keynes cũng nhắc lại vấn đề trên trong một bài báo được công bố vào năm 1937 trên tạp chí Quaterly Journal of Economics, để đáp trả những nhà phê bình tìm cách giảm thiểu khoảng cách giữa lý thuyết của ông với điều mà ông gọi là "lý thuyết cổ điển".
Sự bất trắc căn bản trước những hệ quả trong tương lai từ các quyết định của chúng ta, đặc biệt là những quyết định đầu tư, và sự thiếu hiểu biết của chúng ta làm cho lý thuyết cổ điển, đặc tính tĩnh tại của nó, giả định của nó về tính duy lí và thông tin hoàn hảo mất hết tín nhiệm. Gắn với sự bất trắc là vị trí và vai trò đặc biệt của tiền tệ trong lý thuyết của Keynes, phản ánh vị trí và vai trò của tiền tệ trong thực tế. Ngược với quan niệm truyền thống, đặt sự phân đôi giữa thế giới thực tế và thế giới tiền tệ thành tiên đề, tiền tệ không phải là một yếu tố trung lập. Chủ nghĩa tư bản là một nền kinh tế trong đó tiền tệ đóng một vai trò tích cực, can thiệp vào quyết định của các tác nhân, tạo thành một cầu nối giữa hiện tại và tương lai, tác động đến các giá tuyệt đối và giá tương đối, ảnh hưởng đến tốc độ đầu tư. Những trung gian tài chính đóng một vai trò trung tâm.
Lý thuyết của Keynes giải thích những biến động dựa vào đầu tư, kết hợp với một lý thuyết tài chính về đầu tư. Mức đầu tư phát sinh từ các điều kiện trên thị trường tài chính, đặc biệt những điều kiện xác định mối quan hệ giữa giá những tích sản và giá của sản xuất, trong một bối cảnh bất trắc.
Trong cuốn sách của ông về Keynes, được xuất bản năm 1975, và trong nhiều tác phẩm sau đó, Minsky nhấn mạnh đến những chiều kích trên của phân tích Keynesian và kiên trì phê phán tổng hợp tân cổ điển, dòng tư tưởng chủ đạo của kinh tế học thời hậu chiến, luôn tìm cách hòa giải kinh tế học vi mô tân cổ điển với kinh tế học vĩ mô Keynesian tách khỏi yếu tố thời gian, sự bất trắc, tính chu kỳ của sự phát triển tư bản chủ nghĩa, tiền tệ và các cơ chế tài chính. Khi làm như vậy, ông đã tự xác định ông là một trong những nhà lãnh đạo của dòng tư tưởng hậu Keynesian, người muốn trung thành với sự bùng nổ cách mạng của Lý thuyết tổng quát và với việc bác bỏ tất cả những gì liên quan đến lý thuyết cổ điển. Dòng tư tưởng hậu Keynesian, giống như tổng hợp tân cổ điển, là một tập hợp đa dạng, bao gồm những dòng nhỏ đôi khi mâu thuẫn với nhau. Trong trào lưu trên, Minsky là một trong những người nhấn mạnh đến vai trò của tiền tệ, ngân hàng, tín dụng, nợ và tài chính, các nguồn bất ổn chính của chủ nghĩa tư bản.

Giả thuyết về sự bất ổn tài chính

Năm 1977, Minsky lần đầu tiên trình bày giả thuyết về sự bất ổn tài chính gắn liền với tên ông, và ông giới thiệu nó như là một lựa chọn thay thế cho tổng hợp tân cổ điển. Theo ông, một phân tích thực tế các nền kinh tế đương đại phải tính đến các định chế tài chính phức tạp, tinh vi và luôn thay đổi của chủ nghĩa tư bản. Sự bất ổn cố hữu này của chủ nghĩa tư bản, bắt nguồn từ cách thức tài trợ những vụ thâu tóm các tài sản và sự tích lũy tư bản. Trong thời kỳ thịnh vượng, thanh khoản trở nên dồi dào, sự thoải mái đầu cơ phát triển và các ngân hàng dễ dãi cho các doanh nghiệp sẵn sàng chịu nợ để đầu tư vay vốn. Mức tăng của chi phí nợ cuối cùng cũng làm cho các ngân hàng lo lắng, bị suy yếu bởi những khó khăn hoàn trả nợ ngày càng tăng của các khách hàng của họ. Các ngân hàng bắt đầu tăng lãi suất ngày càng cao hơn, đến mức cản trở đầu tư, làm giảm sụt công ăn việc làm, làm chậm lại tốc độ tăng trưởng và cuối cùng gây ra một cuộc suy thoái.
Các chính sách tiền tệ và tài khóa có thể làm giảm nhẹ quá trình này, nhưng chúng không thể ngăn những cuộc suy thoái xảy ra theo định kỳ. Sự xen kẽ của các giai đoạn tráng kiện và các giai đoạn bấp bênh của hệ thống tài chính là một đặc điểm cơ bản của chủ nghĩa tư bản.
Và như vậy, ở Hoa Kì vào đầu những năm 1930 là một thời kỳ suy sụp giá các tài sản và tình trạng mất khả năng thanh toán của các định chế tài chính, mà đỉnh điểm là vào năm 1933. Chương trình New Deal của tổng thống Roosevelt, được thiết kế lúc đó, được đánh dấu bởi việc triển khai các cấu trúc nhằm ngăn chặn những thời kỳ tương tự tiếp theo. Hai mươi năm sau chiến tranh đã được đặc trưng hóa bởi sự tăng trưởng tương đối mạnh, tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát thấp, và không có cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng nào. Nhưng bản chất của chủ nghĩa tư bản thì không thay đổi bao nhiêu, và sự bất ổn tài chính lại bắt đầu diễn ra từ giữa những năm 1960, với những biến động lặp đi lặp lại, ngày càng nghiêm trọng hơn, và bắt đầu bằng một sự siết chặt lại các khoản tín dụng vào năm 1966.
Tuy nhiên, hệ thống đã phản ứng lại bằng một sự đình trệ hơn là một sự giảm phát theo kiểu của giảm phát đầu những năm 1930. Sự phản ứng này bắt nguồn từ những thay đổi thể chế đi kèm với cuộc cách mạng keynesian. Sự gia tăng tỉ trọng của Nhà nước trong nền kinh tế và thâm hụt ngân sách, một mặt, và vai trò của ngân hàng trung ương là người cho vay cuối cùng, mặt khác, đã giúp tránh được một sự sụp đổ theo kiểu sự sụp đổ của năm 1933, bằng cách hoạt động như là những tác nhân bình ổn.
Do đó, sự bất ổn, không thể tránh khỏi, của các nền kinh tế tư bản chủ nghĩa không hẳn luôn dẫn đến tình trạng suy thoái. Nhưng theo Minsky, mối nguy vẫn còn đó, bị làm trầm trọng thêm bởi việc đặt lại vai trò của chính quyền, bởi những chính sách tiền tệ chống lạm phát và bởi việc bãi bỏ một số quy định tại các thị trường tài chính trên thế giới, duy chỉ có những cải cách cơ cấu sâu rộng, như việc xã hội hóa đầu tư được đề cập ở phần cuối của cuốn Lý thuyết tổng quát, mới có khả năng "bình ổn một nền kinh tế bất ổn" và bảo vệ người dân chống lại những hậu quả thảm khốc tiềm tàng của các cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng.

Hyman Minsky qua vài năm tháng

1919: sinh ngày 23 tháng 9 tại Chicago.
1941: đổ tú tài về toán học tại Đại học Chicago.
1942: làm việc về mô hình phân tích liên ngành công nghiệp cùng với Wassily Leontief tại Đại học Harvard.
1943-1945: đi nghĩa vụ quân sự trong quân đội Mỹ ở New York, rồi ở Anh, Pháp và Đức.
1946: nhân viên dân sự của quân đội Mỹ ở Đức; trở về nghiên cứu tại Đại học Harvard vào tháng Chín.
1947: thạc sĩ về Quản trị hành chánh công tại Đại học Harvard.
1954: tiến sĩ kinh tế tại Đại học Harvard.
1949-1957: giáo sư tại Đại học Brown.
1957: “Monetary Systems and Accelerator Models (Các hệ thống tiền tệ và các mô hình gia tốc)". “Central Banking and Money Market Changes (Nghiệp vụ ngân hàng trung ương và những thay đổi của thị trường tiền tệ)".
1957-1965: giáo sư tại Đại học California, Berkeley.
1964: "Financial Crisis, Financial Systems and the Performance of the Economy (Khủng hoảng tài chính, các hệ thống tài chính và hiệu suất của nền kinh tế)"
1965-1990: giáo sư tại Đại học Washington, ở Saint Louis.
1969: "Private Sector Asset Management and the Effectiveness of Monetary Policy: Theory and Practice (Quản lý tài sản khu vực tư nhân và hiệu quả của chính sách tiền tệ: lý thuyết và thực hành)".
1975: John Maynard Keynes.
1977: The Financial Instability Hypothesis: An Interpretation of Keynes and an Alternative to “Standard” Theory (Giả thuyết về bất ổn tài chính: một diễn giải của Keynes và một giải pháp thay thế cho lý thuyết chuẩn)".
1980: "Money, Financial Markets and the Coherence of a Market Economy (Tiền tệ, thị trường tài chính và sự gắn kết của một nền kinh tế thị trường)".
1982: Inflation, Recession and Economic Policy; Can “It” Happen Again? Essays on Instability and Finance (Lạm phát, suy thoái và chính sách kinh tế; Liệu "nó" có tái diễn nữa không? Các tiểu luận về sự bất ổn và tài chính)".
1985: "La structure financière: endettement et crédit (Cơ cấu tài chính: nợ và tín dụng)".
1986: Stabilizing an Unstable Economy (Bình ổn một nền kinh tế bất ổn).
1989: làm chủ nhiệm tạp chí Post-Keynesian Monetary Economics (Kinh tế học tiền tệ hậu Keynes), cùng với Philip Arestis.
1990-1996: giáo sư danh dự của Đại học Washington và là nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế Jerome Levy Economics Institute thuộc trường Bard College, ở bang New York.
1996: nhận giải thưởng Veblen-Commons của Hiệp hội vì sự tiến hóa của kinh tế học. "Uncertainty and the Institutional structureof capitalist economies (Sự bất trắc và cơ cấu thể chế của các nền kinh tế tư bản chủ nghĩa)". Mất ngày 24 tháng 10 tại Rhinebeck, New York.

Để tìm hiểu thêm

Những tác phẩm của Minsky
Financial Crisis, Financial Systems and the Performance of the Economy, trong Private Capital Markets, Prentice-Hall, 1964.
John Maynard Keynes, Columbia University Press, 1975.
Money, Financial Markets and the Coherence of a Market Economy”, Journal of Post-Keynesian Economics, 1980.
Inflation, Recession and Economic Policy, Wheatsheaf Books, 1982.
Can “It” Happen Again? Essays on Instability and Finance”, M. E. Sharpe, 1982.
La structure financière: endettement và crédit”, trong Keynes d’aujourd’hui: théorie và politiques, Alain Barrère (chủ biên), Economica, 1985.
Stabilizing an Unstable Economy, Yale University Press, 1986.
Post-Keynesian Monetary Economics, dir. de publication, avec Philip Arestis, Edward Elgar, 1989.
Uncertainty and the Institutional structure of capitalist economies”, Journal of Economic Issues vol. 30 no 2, 1996.
Những tác phẩm viết về Minsky
New Perspectives in Monetary Macroeconomics: Explorations in the Tradition of Hyman P. Minsky, Gary Dimsky và Robert Pollin (chủ biên), University of Michigan Press, 1994.
Financial Conditions and Macroeconomics Performance: Essays in Honor of Hyman P. Minsky, Steven Fazzari và Dimitri Papadimitriou (chủ biên), M.E. Sharpe, 1992.
Minsky entre Keynes và Hayek: une autre lecture de la crise, của Jacques Léonard, Economies và sociétés, vol. 19 no 8, 1985.
Hyman P. Minsky (born 1919), dans A Biographical Dictionary of Dissenting Economists, Philip Arestis và Malcolm Sawyer (chủ biên), Edward Elgar, 1992.
Gilles Dostaler
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: “Hyman Minsky et le capitalisme rongé par l'instabilité financière” của G. Dostaler trong Alternatives économiques Poche no.057, tháng 10 năm 2012



[*] "Beginnings", trong Recollections of Eminent Economists, của Jan Kregel (chủ biên), University of Chicago Press, vol. 1, 1989, p. 170.

Print Friendly and PDF