10.9.15

Hợp đồng



Hợp đồng

Contract
® Giải Nobel: COASE, 1991 MIRRLEES, 1996 SCHOLES, 1997.
Trên nhiều thị trường, ta đứng trước những quan hệ cá nhân hoá giữa những tác nhân chỉ định rõ những cam kết với nhau, tuỳ theo thông tin sẵn có và có thể chuyển nhượng cho nhau: đó là những hợp đồng. Khái niệm này cho phép xử lí, với cùng một công cụ phân tích, những quan hệ nội bộ của các tổ chức (đặc biệt là các doanh nghiệp) và những quan hệ bên ngoài trên thị trường. Do đó lí thuyết hợp đồng vừa là một lí thuyết những thị trường vừa là một lí thuyết những tổ chức.
Những khái niệm cơ bản
Có thể định nghĩa những khái niệm cơ bản của lí thuyết hợp đồng trong khuôn khổ của mô hình người uỷ quyền-người đại diện. Mô hình nay hình thức hoá những quan hệ giữa hai tác nhân: một trong hai tác nhân, được gọi là người uỷ quyền, đề nghị một hợp đồng mà đối tác của mình, được gọi là người đại diện, có thể chấp nhận hay không, trong một bối cảnh thông tin không đối xứng. Một hợp đồng thật ra là một thoả thuận chỉ định một số nghĩa vụ các bên phải tuân thủ (hoàn thành một số thành tựu, những số lượng trao đổi, những thanh toán phải chi trả, những điều kiện gia hạn phải đề nghị ) trong một khoảng thời gian nhất định, tuỳ theo những tín hiệu kiểm tra được và những thông điệp được phát ra. Một tín hiệu được gọi là kiểm tra được khi nó tương ứng với những thông tin mà người uỷ quyền và người đại diện, và cả một người thứ ba, quan sát được. Nói cách khác, thông tin là kiểm tra được khi nó được cảm nhận dưới một dạng đủ khách quan để có thể điều kiện hoá một số điều khoản của hợp đồng, bằng cách cầu viện đến một toà án trong trường hợp một trong các bên không tôn trọng các điều khoản này. Tuy nhiên đôi lúc người ta chỉ giữ lại đơn giản một giả thiết về tính quan sát được chứ không phải giả thiết kiểm tra được: thường đó là vì những lí do gắn với danh tiếng của các tác nhân (người uỷ quyền hay nguời đại diện) khiến họ phải tôn trọng thoả thuận trong lúc một toà án không thể bắt buộc họ. Trường hợp này được gọi là có hợp đồng ngầm.
Thông tin không đối xứng có mặt trong quan hệ người uỷ quyền-người đại diện có thể thuộc hai kiểu. Một cách tổng quát, đó là một tình thế trong đó người đại diện nắm một thông tin mà người uỷ quyền không biết được. Khi thông tin này là về một tham số ngoại sinh (ví dụ một đặc điểm của người đại diện hay của môi trường của người này) thì thông tin được gọi là thông tin bị che khuất và người ta gọi bằng lựa chọn nghịch những cơ chế kinh tế kết quả của của tính không đối xứng này. Trái lại, khi người dại diện có thể có những hành vi hay ra một số quyết định ảnh hưởng đến quan hệ người uỷ quyền-người đại diện nhưng người uỷ quyền lại không quan sát được những hành vi và quyết định này thì ta ở trong tình thế hành động bị che giấu và ta gọi bằng rủi ro đạo đức những tác động của tính không đối xứng này.   
Một vài ví dụ sẽ giúp minh hoạ những khái niệm trên. Một hợp đồng lao động xác định thoả thuận nối kết người sử dụng lao động (người uỷ quyền) với người làm công ăn lương (người đại diện) và chỉ định những công việc phải làm và những điều kiện thực hiện hoạt động, cũng như lương phải trả và những lợi thế bằng hiện vật, nếu có, tuỳ theo hiệu năng của người làm công ăn lương hay theo những tín hiệu khác. Ví dụ, một hợp đồng với điều khoản chia sẻ lợi nhuận xác định một lương căn bản và một khoản tuỳ thuộc vào lợi nhuận của doanh nghiệp. Một hợp đồng có thưởng cộng thêm vào lương căn bản một số tiền thưởng phụ thuộc vào hiệu năng của người làm công ăn lương. Một hợp đồng thi đấu có thể trù liệu việc thăng chức cho người làm công ăn lương hữu hiệu nhất. Ta sẽ ở trong tình thế thông tin bị che khuất khi người sử dụng lao động không biết khả năng hay động cơ của một người làm công ăn lương vừa mới được tuyển dụng. Ngược lại, ta đứng trước những hành động bị che giấu khi hiệu năng của người đại diện tuỳ thuộc chủ yếu vào nỗ lực của người này (tính năng động, đúng giờ của người làm công ăn lương) và khi người sử dụng lao động không kiểm tra được nỗ lực này.
Hợp đồng vay xác định số tiền cho vay, những đảm bảo cần thiết, lịch trả nợ, những phương thức hoãn nợ hay trả trước kì hạn Một số những điều kiện này có thể tuỳ thuộc vào những thông tin sẽ dần dần có được, như trong trường hợp của những khoản vay theo lãi suất có thể được xem xét lại. Có những tín hiệu được người đi vay phát ra cho ngân hàng, khi người này chọn giữa nhiều phương thức cho vay do ngân hàng đề nghị hay khi người này yêu cầu hoãn kì hạn trả nợ. Mặt khác, ngân hàng có thể không có khả năng đánh giá một cách hoàn hảo rủi ro mất khả năng thanh toán của người đi vay: nếu rủi ro này tuỳ thuộc vào những đặc điểm nội tại của những dự án mà người đi vay biết được nhưng không thể tác động đến thì ta ở trong tình thế thông tin bị che khuất, nhưng khi cách quản lí ít nhiều chặt chẽ của người đi vay ảnh hưởng đến xác suất mất khả năng thanh toán của người này thì đó là một hành động bị che giấu.
Một hợp đồng bảo hiểm xác định mức phí và bảng tính những bồi thường tuỳ theo chi phí của tổn thất. Ví dụ, trong một hợp đồng bảo hiểm xe ôtô có mức miễn thường, người được bảo hiểm được một số tiền bồi thường bằng với hiệu giữa giá trị những tổn thất và giá trị của mức miễn thường nếu hiệu này là dương, trong trường hợp ngược lại thì người này không được bồi thường gì cả. Trong một hợp đồng bảo hiểm y tế với điều khoản miễn trả một phần chi phí điều trị, nhà bảo hiểm trả một tỉ lệ điều trị nhất định, phần còn lại người đóng bảo hiểm phải trả lấy. Hợp đồng bảo hiểm cũng chỉ định những điều kiện gia hạn hợp đồng, đôi lúc với những qui tắc tiến hoá của phí như trong trường hợp những điều khoản thưởng-phạt. Người mua bảo hiểm có thể có những thông tin bị che khuất về những rủi ro mình phải gánh chịu, ví dụ về giá trị chính xác của những tài sản được bảo hiểm mất trộm, về xác suất bị trộm cắp hay về tần suất sử dụng một phương tiện di chuyển được bảo hiểm (nếu tần suất này được ấn định). Những hành động là bị che giấu nếu sự thận trọng của người lái xe ảnh hưởng đến số tai nạn hay tầm quan trọng của những tổn thất có thể. Người được bảo hiểm phát ra tín hiệu ví dụ khi chọn giữa một bảo hiểm xe ôtô chống mọi rủi ro hay chỉ bảo hiểm những rủi ro mình gây ra cho người khác. Chính vì nhà bảo hiểm không có thông tin hoàn toàn về những đặc điểm của khách hàng mà người này mới đề nghị cho khách hàng những tuỳ chọn khác nhau (thực đơn hợp đồng) để khách hàng tự chọn và qua đó bộc lộ thông tin bị che khuất này. Tương tự như vậy, một tín hiệu được phát ra khi người được bảo hiểm bị thiệt hại làm đơn đòi bồi thường. Tính chân thật của thông điệp này có thể được kiểm định. Tờ khai báo thiệt hại và có thể là đánh giá của chuyên gia sẽ xác định số tiền bồi thường.
Joseph Stiglitz (1943-)
Những chức năng của các hợp đồng
Chúng tôi phân biệt bốn chức năng chính: chia sẻ rủi ro, động viên nỗ lực, làm bộc lộ thông tin và tác động đến hành vi của một bên thứ ba.
Chia sẻ rủi ro. Chức năng chia sẻ rủi ro là hiển nhiên trong trường hợp một hợp đồng bảo hiểm nhưng, ngay cả khi đây không phải là chức năng hàng đầu của chúng thì các hợp đồng vẫn có thể có một hiệu ứng chia sẻ rủi ro. Ví dụ, điều khoản trách nhiệm giới hạn bảo vệ một doanh nghiệp khi kí một hợp đồng vay nợ có thể khiến cho doanh nghiệp ứng xử như là mình ưa thích rủi ro; xem Stiglitz và Weiss (1981). Tương tự như thế, trong một hợp đồng bao tiêu, những rủi ro của những dao động của cầu hoàn toàn do nhà phân phối gánh chịu; xem Tirole (1988).
Costas Azariadis (1943-)
Những quan hệ liên tiếp giữa các tác nhân kinh tế có thể khiến họ tôn trọng một số hình thức chia sẻ rủi ro, những hình thức này không phải là kết quả của việc áp dụng những điều khoản hợp đồng có thể đem ra đấu nhau trước toà án. Ngược lại đây là những hợp đồng ngầm. Như thế, trong lí thuyết những hợp đồng ngầm-đặc biệt Azariadis (1975); xem thêm Picard (1993) - những thoả thuận người sử dụng lao động-người làm công ăn lương được giả định là điều kiện hoá lương, bồi thường sa thải và quyết định tuyển dụng trên những ngẫu nhiên tác động đến khả năng sinh lời của doanh nghiệp. Như thế lương thực tế cứng nhắc hiện ra như là kết quả của một sự chia sẻ tối ưu những rủi ro giữa người sử dụng lao động-người làm công ăn lương. Cũng có thể có những thoả thuận hợp đồng ngầm trong những bối cảnh nhiều chiều. Như vậy Townsend (1984) đã nghiên cứu việc chia sẻ rủi ro được thực hiện trong những cộng đồng làng xã ở Ấn Độ. Đặc biệt ông cho thấy là những cú sốc khí tượng đi cùng với những cơn hạn hán có những tác động trái ngược nhau trên những gia đình khác nhau do có sự đa dạng hoá một phần việc trồng trọt nhưng cũng vì có một cơ chế tương tế những rủi ro, một sự pha tạp những chuẩn, phong tục và qui tắc ít nhiều ngầm ẩn tổ chức những chuyển nhượng giữa các gia đình và bảo vệ họ chống lại rủi ro.
Bengt R. Holmström (1949-)
Động viên nỗ lực. Vấn đề động viên nỗ lực được đặt ra trong một bối cảnh rủi ro đạo đức khi hành vi của người đại diện (nỗ lực của người này) là không quan sát đuợc: như vậy hợp đồng điều kiện hoá sự chuyển nhượng từ người uỷ quyền cho người đại diện trên những tín hiệu phản ảnh một cách ít nhiều chính xác nỗ lực của người đại diện. Điều này hiện rõ trong trường hợp của một hợp đồng bảo hiểm thực hiện một đánh đổi giữa động viên nỗ lực thận trọng hay nỗ lực phòng chống với việc chia sẻ rủi ro; đánh đổi này có thể có dạng của một hợp đồng bao tiêu hay một điều khoản đồng bảo hiểm; xem Shavell (1979). Như Holmström (1979) và Grossman và Hart (1983) đã chứng minh, đánh đổi này thật ra có mặt trong mọi vấn đề người uỷ quyền-người đại diện trong đó người đại diện ngại rủi ro và như thế dẫn đến một mất mát phúc lợi so với tình thế thông tin hoàn hảo. Dưới một số giả thiết được Holmström và Milgrom (1987) làm rõ qui tắc chuyển nhượng tối ưu có một dạng tuyến tính đơn giản, như trong trường hợp thù lao của một nhân viên địa ốc hay hoa hồng của một đại diện thương mại được xác định bằng một tỉ lệ của doanh thu.
Mô hình người uỷ quyền-người đại diện với rủi ro đạo đức cho phép hiểu tốt hơn một số vấn đề lớn gắn với hoạt động của các tổ chức. Đặc biệt là những nhiệm vụ mà người đại diện phải đảm nhận là đa dạng (ví dụ, hoàn thành một doanh thu cao nhưng cũng phải cho được một hình ảnh tốt của doanh nghiệp) và điều này đưa đến thêm một khó khăn nữa trong chừng mực là hợp đồng động viên có thể làm méo mó những nỗ lực của người đại diện để hoàn thành những nhiệm vụ khác nhau; điều này có thể khiến người uỷ quyền giảm bớt cường độ của những biện pháp động viên. Một vấn đề quan trọng khác liên quan đến việc so sánh đánh giá tương đối và đánh giá tuyệt đối: nên chăng đánh giá hiệu năng của một người đại diện trên cơ sở của chính hiệu năng của bản thân người này hay so sánh hiệu năng đó với hiệu năng của một người đại diện khác ở trong cùng một tình thế so sánh được? Câu trả lời cho câu hỏi này phụ thuộc một cách mấu chốt vào tầm quan trọng tương đối của những ngẫu nhiên đặc thù và ngẫu nhiên chung tác động đến những người đại diện. Nếu hiệu năng của họ chủ yếu bị tác động đồng thời của cùng một ngẫu nhiên thì một đánh giá so sánh là có hiệu quả hơn vì nó loại bỏ những nhiễu loạn gắn với ngẫu nhiên chung này.
Làm bộc lộ thông tin. Trong một bối cảnh lựa chọn nghịch, hợp đồng được người uỷ quyền đề nghị cho người đại diện nhằm làm bộc lộ một thông tin bị che khuất. Việc bộc lộ này có thể được tiến hành bằng sự tự lựa chọn của người đại diện; điểm này đã được Stiglitz và Weiss (1981) và Weiss (1980) đặc biệt nghiên cứu cho, theo thứ tự, thị trường tín dụng và thị trường lao động. Người uỷ quyền cũng có thể đề nghị một tập những tuỳ chọn có thể và để cho người đại diện chọn lấy tuỳ chọn nào thích hợp nhất cho mình. Ví dụ, một công ti không biết sở thích của khách hàng có thể chào nhiều cặp giá-chất lượng khác nhau và khách hàng sẽ bộc lộ sở thích của mình tuỳ theo lựa chọn đã lấy. Như thế hợp đồng nối kết người ủy quyền với người đại diện được xác định bằng một bảng tính sẵn xác định giá tuỳ theo chất lượng được chọn. Tương tự như thế, một nhà bảo hiểm không có khả năng phân biệt khách hàng theo mức độ rủi ro có thể đề nghị những hợp đồng bảo hiểm với những miễn bồi quan trọng hay không.
Kinh văn về những mô hình người uỷ quyền-người đại diện với thông tin bị che khuất làm rõ thu hoạch mà người đại diện có thể rút ra từ những hợp đồng tuỳ chọn so với tình thế thông tin hoàn hảo. Thu hoạch này được gọi là tô thông tin và là một chi phí phụ trội đối với người uỷ quyền.
Tác động đến một bên thứ ba. Các hợp đồng có thể tác động đến hành vi của một bên thứ ba trong một bối cảnh những quan hệ chiến lược. Ví dụ, nếu một doanh nghiệp chơi một trò chơi cạnh tranh không hoàn hảo theo kiểu Cournot thì doanh nghiệp có một lợi thế chiến lược trên đối thủ của mình bằng cách điều kiện hoá thù lao của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp không chỉ với lợi nhuận mà còn cả với doanh thu. Hợp đồng giữa các cổ đông và những nhà lãnh đạo doanh nghiệp thật ra làm dịch chuyển hàm phản ứng của doanh nghiệp trong chiều hướng xích cân bằng Cournot gần đến vị thế đạt được nếu doanh nghiệp là một đầu trò Stackelberg, và điều này có thể tỏ ra là có lợi (Fershtman & Judd, 1987).
Mặt khác, những hợp đồng cũng có thể tác động như những tín hiệu. Ví dụ, những nhà lãnh đạo của một doanh nghiệp càng sẵn sàng chọn việc tăng nợ nần khi có những thông tin thuận lợi về triển vọng lợi nhuận và khi nguy cơ phải đối mặt lúc đến kì hạn trả nợ là thấp. Như thế hợp đồng vay có thể là một tín hiệu ảnh hưởng đến những quyết định của các nhà đầu tư, và đặc biệt là các cổ đông.
AZARIADIS C., Implicit Contracts and Underemployment Equilibria, Journal of Political Economy, 1975, 83, p. 1183-1202. FERSFTMAN C. & JUDD K., Equilibrium Incentives in Oligopoly, American Economic Review, 1987, 77, p. 927-940. GROSSMAN S. & HART O., An Analysis of the Principal-Agent Problem, Econometrica, 1983, 1, p. 7-45. HOLMSTRÖM B., Moral Hazard and Observability, The Bell Journal of Economics, 1979, 10, p. 74-92. HOMSTRÖM B., & MILGROM P., Agregation and Linearity in the Provision of Intertemporal Incentives, Econometrica, 1987, 55, p. 303-328. PICARD P., Wages and Unemployment. A Study in Non-Walrasian Macroeconomics, Cambridge, Cambridge University Press, 1993.    SHAVELL S., On Moral Hazard and Insurance, Quarterly Journal of Economics, 1979, 11, p. 541-562. STIGLITZ J. & WEISS A., Credit Rationing in Markets with imperfect Information, American Economic Review, 1981, 71, p. 393-410. TIROLE J., The Theory of Industrial Organization, Cambridge (Mass.), MIT Press, 1988, bản dịch tiếng Pháp Théorie de lorganisation industrielle, Paris, Économica, Économie et statistiques avancées, 2.t., 1995.  TOWNSEND R., Risk and Insurance in Village India, Econometrica, 1994, 62, p. 539-591. WEISS A., Job Queues and Layoffs in Labor Market with Flexible Wage, Journal of Political Economy, 1980, 88, p. 526-536.
Pierre PICARD
Giáo sư đại học Nanterre (Paris 10), cựu thành viên Viện đại học Pháp (Nanterre)
Nguyễn Đôn Phước dịch
® Cân bằng, Động viên; Lí thuyết trò chơi; Ngân hàng; Người uỷ quyền-người đại diện; Thị trường lao động; Thông tin không đối xứng, Thông tin và hiểu biết; Rủi ro.

Nguồn: Dictionnaire des sciences économiques, sous la direction de Claude Jessua, Christian Labrousse, Daniel Vitry, PUF, Paris, 2001
Print Friendly and PDF