METHODENSTREIT
![]() |
Carl Menger (1840-1921) |
![]() |
Gustav Schmoller (1838-1917) |
Methodenstreit, hay tranh cãi về phương pháp, là một cuộc tranh luận khoa học nổi tiếng trong những năm 1880, đối lập các nhà kinh tế thuộc trường phái lịch sử ở Đức với các nhà kinh tế thuộc trường phái cận biên ở Wien. Hai nhân vật chính của cuộc tranh luận này là B. von Schmoller, giáo sư đại học Berlin và C. Menger, giáo sư đại học Wien. Như thường xảy ra trong các tranh cãi này, các tác giả tham gia vào có xu hướng triệt để hóa quan điểm của họ đến độ có thể là đôi khi cuộc tranh luận diễn ra sau đó, trong một mức độ nhất định, có vẻ giả tạo. Tuy nhiên, những vấn đề tranh chấp đều là cơ bản. Thật vậy, nội dung cuộc tranh luận không gì khác hơn là vai trò của lí thuyết và của lịch sử trong việc hiểu biết các hiện tượng kinh tế; bởi thế dịp này vẫn sẽ là bổ ích để suy nghĩ về bản chất và hiệu lực của những đoạn tranh luận qua lại. Sau khi đề cập tình trạng của chính trị kinh tế học ở Đức và ở Áo vào thời nổ ra cuộc tranh luận này, chúng tôi sẽ mô tả các thời điểm chính và tự hỏi nên rút ra những bài học nào từ cuộc tranh luận lớn này.
Các trào lưu thống trị trong chính trị kinh tế học ở các nước sử dụng tiếng Đức trong những năm 1870
Trong thế kỉ XIX, ở Đức cũng như ở Áo, nghiên cứu kinh tế được giảng dạy trong các đại học luật. Bản thân học trình luật cũng chịu ảnh hưởng nặng của những mối quan tâm lịch sử, đặc biệt do ảnh hưởng trí thức của F. K. von Savigny, tể tướng của vương quốc Phổ, người được giao việc tu chỉnh việc pháp điển hóa. Là một chuyên gia về luật La Mã, Savigny cho rằng để hoàn thành nhiệm vụ này, quan điểm lịch sử phải thống trị vì ông nghĩ là các thể chế phát triển một cách hữu cơ và tự phát. Ngay từ năm 1814, ông phát triển một cách xuất sắc những ý tưởng, và có thể nói là trong số những sinh viên luật sau này quyết định chuyên nghiên cứu kinh tế đều chịu ảnh hưởng mạnh của các ý tưởng trên. Ở Đức, đặc biệt đó là trường hợp của W. Roscher, B. Hildebrand và K. Knies, được xem như những nhà sáng lập của điều thường được gọi là “Trường phái lịch sử Đức”. Đặc điểm của những công trình của các tác giả này là mối quan tâm tìm một hướng độc đáo trong việc nghiên cứu những vấn đề kinh tế đưa họ đến việc một sự bất đồng nhất định với những nhà kinh tế thuộc Trường phái cổ điển Anh mà các công trình bị họ đánh giá là chỉ mang dấu ấn độc nhất của một cách tiếp cận các vấn đề một cách diễn dịch và lí thuyết, trong lúc các sự kiện kinh tế diễn ra trong những thời kì và địa điểm chính xác, và do đó ta không thể về mặt pháp lí không tính đến tình thế của sự kiện trong không gian và thời gian. Vả lại, đừng quên rằng các bàn luận đầu tiên về phương pháp diễn ra trong một thời kì mà nước Đức tìm cách thực hiện một sự thống nhất chính trị dựa trên một suy nghĩ lịch sử sâu hơn những nơi khác ở châu Âu, điều mà bản thân triết học của Hegel là một minh chứng. Dù sao đi nữa, các nhà duy sử luận Đức đã không có thái độ hoàn toàn tiêu cực đối với các lí thuyết kinh tế cổ điển họ nhấn mạnh nhất đến sự cần thiết bổ sung các lí thuyết này bằng những suy tư về những điều kiện phát triển các nền kinh tế được nghiên cứu, một phương pháp tiếp cận được gọi là Stufenhenlelire, nghĩa là như một lí thuyết về những giai đoạn của sự diễn biến. Cũng phải nói rõ là diễn ngôn của các nhà duy sử luận không tham vọng bằng Marx và Engels, điều mà người ta thường liên kết. Thật vậy, các nhà duy sử luận nghiên cứu một nền kinh tế có tính đến những giai đoạn diễn tiến khác nhau, nhưng khác với các nhà marxist, họ không khẳng định phát hiện quy luật của sự nối tiếp nhau của các hệ thống hay phương thức sản xuất, một việc thuộc phạm vi lí thuyết của sử học. Trong thực tế, giảng dạy và nghiên cứu của họ thuộc về một truyền thống đặc trưng trong các nước sử dụng ngôn ngữ Đức truyền thống Kameralismus, nghĩa là nhấn mạnh những hệ quả thực tiễn của các nghiên cứu kinh tế đối với việc quản lí kinh tế và hành chính của các quốc gia này. Do đó nhà duy sử luận miệt mài làm những công trình vô cùng cụ thể và thường là một loạt những chuyên khảo có tính lịch sử hay địa phương. Tính chất thực tiễn này của những nghiên cứu kinh tế thêm đậm nét ở Đức với sự ra đời (năm 1872) của Verin für Sozialpolitik, phong trào cải cách xã hội do Schmoller sáng lập, lúc bấy giờ là giáo sư đại học Strasbourg trước khi chuyển sang đại học Berlin năm 1882.
Vào năm 1871, C. Menger, nhà kinh tế trẻ thành Wien, công bố cuốn Grundsätze der Volkwirtschaftslehre, tác phẩm sẽ cách mạng hóa lí thuyết kinh tế ([1871], 1950). Đây là một tác phẩm lí thuyết thuần túy đặt cơ sở trên một quan niệm hoàn toàn mới về lí thuyết giá trị. Hầu hết các nhà kinh tế cổ điển, (kể cả Marx), cho rằng giá tương đối của hàng hóa, nói cách khác là tỉ số giữa những giá khác nhau, được xác định bởi tỉ số của các chi phí sản xuất các hàng hóa này. Sau một lập luận thuần túy lí thuyết, không viện đến những ví dụ lịch sử hay quan sát, Menger giải thích rằng chính đánh giá cá nhân của người sử dụng sản phẩm và dịch vụ, nói cách khác là người tiêu dùng, mới xác định giá cả. Ông dựa trên giả định là các nhu cầu có thể được thỏa mãn và trên sự giảm dần của lợi ích cận biên của các sản phẩm. Với những điều kiện này, ông chứng minh là bản thân việc đánh giá các thành phẩm xác định giá trị của những sản phẩm trung gian và của các nhân tố sản xuất, do đó xác định mức các chi phí sản xuất. Ở đây ta thật sự gặp một cuộc cách mạng kiểu Copernic: quả vậy Menger chứng minh là người tiêu dùng làm chủ cuộc chơi và chính từ những đánh giá cá nhân của họ về những lựa chọn duy lí cho trường hợp của bất kì tác nhân kinh tế nào, bất luận vai trò của tác nhân này trong hệ thống kinh tế mà một lí thuyết đầy đủ được xây dựng. Cuộc cách mạng khoa học này là cơ sở của lí thuyết gọi là “tân cổ điển” từ nay chiếm ưu thế trong kinh tế học vi mô. Cuộc cách mạng này được những kết luận tương tự mà W. S. Jevons, người Anh ở Manchester và L. Walras, người Pháp ở Lausanne, một cách độc lập với nhau và cùng thời gian, củng cố. Nhìn chung, dù Grundsätze được đón nhận một cách thuận lợi và nhờ đó Menger được chức giáo sư đại học Wien, tuy nhiên tính chất hoàn toàn mới mẻ của phương pháp lập luận của ông không được sự nhất trí ở thành Wien và Menger có cảm giác là do chủ yếu Trường phái lịch sử có những dè dặt nhất.
Diễn tiến của cuộc tranh cãi
Dù cuộc tranh luận đã dẫn hai phe đến những quan điểm ngày càng cứng rắn và triệt để, song lúc khởi đầu sự thù địch còn xa mới có. Do đó sẽ là có ích khi loại bỏ vài định kiến. Thứ nhất, chính Menger đã đề tặng cuốn sách năm 1871 của ông “với lòng tôn kính” cho W. Roscher, nhà sáng lập trường phái lịch sử và giáo sư ở Leipzig, người ủng hộ đơn ứng tuyển của Menger vào chức giáo sư đại học Wein. Mặt khác, ta ghi nhận là, và điều này không làm giảm tính độc đáo của Grundsätze, Menger chủ yếu được các vị thầy người Đức đào tạo, ông đã theo học và sử dụng các giáo trình của các vị này, trong số đó đặc biệt có K. H. Rau, F. Hermann, W. Roschervaf P. Míchler. Hầu hết các nhà kinh tế này đã có xu hướng phê phán các lí thuyết cổ điển về giá trị thịnh hành ở Anh. Đặc biệt các lí thuyết giá trị lao động hoàn toàn xa lạ đối với họ và họ ưa thích những lí thuyết chủ quan về giá trị. Một số tác giả, như Hermann (ngay từ năm 1832), hay như Mischler, còn lập luận ở giới hạn và thừa nhận là giá trị của những dịch vụ do những nhân tố sản xuất cung cấp phân tích đến cùng phụ thuộc vào giá trị được người tiêu dùng gán cho các thành phẩm.
Dù sao đi nữa thì Menger cũng ý thức là quan điểm trong cuốn Grundsätze của ông rất khác với các quan điểm đặc trưng cho những giáo trình và chuyên luận Đức. Nhìn chung các tác phẩm này nhắm đến việc cung cấp cho người đọc một cách tiếp cận cụ thể hơn về thế giới kinh tế quan sát được và chúng xem lịch sử như một công cụ làm việc cho nhà kinh tế và như một lĩnh vực tham chiếu để hiểu thế giới xã hội. Đối với Menger một lựa chọn phương pháp như thế là không thể chấp nhận và là sự phủ nhận tất cả những gì ông nỗ lực làm. Thật vậy ông có niềm tin rằng Grundsätze là một cuốn sách tiên phong và từ nay, nhờ nó kiến thức kinh tế được tích hợp trong một thiết kế kinh tế tổng quát. Những chuyên luận mà các nhà “duy sử luận” Đức chuyên tâm vào khiến ông ghê tởm, hơn nữa các công trình của họ, dưới sự điều khiển của Schmoller, được lồng vào một chiến lược chinh phục hàn lâm mà theo ông có vẻ dứt khoát ngăn chặn việc phổ biến các ý tưởng của ông.
Chính vì thế Menger công bố một tác phẩm về phương pháp của các khoa học xã hội và đặc biệt là phương pháp của chính trị kinh tế học ([1883] 1963) trong đó Menger bảo vệ tính ưu việt của lí thuyết kinh tế nếu muốn làm cho kinh tế học thành một khoa học chặt chẽ ngang với các khoa học tự nhiên. Schmoller viết một bài điểm sách phê phán rất nặng cuốn này, và năm 1884 Menger đáp trả bằng một bài luận chiến “Về những sai lầm của duy sử luận trong chính trị kinh tế học Đức”. Cuộc tranh cãi nổ bùng lên như vậy và đôi bên đều có những lập luận đầy đam mê. Theo Menger, sử học đối với kinh tế học bao giờ cũng chỉ là một bộ môn thứ yếu (Hilfswissenchaft): nó phải hướng đến việc ưu tiên làm rõ những quan hệ và nguyên lí nhân quả tổng quát, có thể áp dụng vào những tình thế đa dạng nhất của thế giới thực tế. Ông trách các nhà duy sử luận là hẹp hòi không nhân nhượng và tính đơn phương của các phương pháp của họ.
Còn các nhà duy sử luận trách cứ tính chất trừu tượng và chủ yếu là suy diễn trong các công trình của Menger. Họ cũng trách cứ giả thuyết tính duy lí của các hành vi làm cơ sở cho toàn bộ thiết kế của Menger, một giả thiết quy lại giả định tính không sai lầm và hiểu biết mọi điều của con người, một điều hoàn toàn không có trong thực tế. Tuy nhiên với thời gian, các mối oán giận dịu bớt và, khi Roscher qua đời năm 1894, Menger viết một tóm tắt rất đẹp tiểu sử người quá cố để tỏ lòng trân trọng và quý mến.
Còn lại gì sau cuộc tranh luận?
Theo Schumpeter (1954, 814), lịch sử tranh cãi về các phương pháp là một lịch sử những tinh lực bị lãng phí, các tinh lực này có thể được sử dụng tốt hơn. Thật vậy, một phần lớn những luận chứng và chê trách được trao đi đối lại dựa trên những hiểu lầm và không khoan nhượng lẫn nhau. Ví dụ, một phần những trách cứ của Menger đối với các nhà duy sử luận là không có cơ sở vì những chuyên luận, giáo trình và bài giảng của các thành viên “Trường phái lịch sử” chưa bao giờ loại trừ suy tư lí thuyết và không có tham vọng làm điều này. Còn Menger, nhanh chóng được sự ủng hộ của những người đồng hương và môn đồ là F. von Weiser và E. von Bőhm-Bawerk không hề có ý tưởng phủ nhận tầm quan trọng của sử học, không chỉ trong việc đào tạo các nhà kinh tế mà còn nhất là trong việc làm và suy nghĩ của những chuyên gia kinh tế. Vả lại, bản thân các trách cứ của những đối thủ với Menger về tính phi thực tế của giả thuyết của ông về tính duy lí của các tác nhân cũng dựa trên một sự hiểu lầm vì chưa bao các nhà kinh tế Áo lại cho rằng con người là duy lí trong mọi trường hợp. Họ chỉ cần giả định là con người có năng lực lập luận. Trong những trường hợp này, phải tính đến những động cơ kinh tế trong toàn bộ những nhân tố xác định ứng xử của con người. Xét cho cùng, không thể có bất kì mô hình lí thuyết nào về những hành vi kinh tế, và do đó bất kì dự đoán nào, nếu không thừa nhận tính duy lí của các tác nhân.
Phải chăng như vậy cuộc tranh luận là hoàn toàn vô ích và tất yếu không mang lại bất kì kết quả tích cực nào? Sẽ không công bằng nếu khẳng định như thế. Thứ nhất, cuộc tranh luận đã buộc các nhà kinh tế Áo suy nghĩ sâu hơn về chính những nền tảng của các phương pháp phân tích của họ. Từ các suy nghĩ sâu trên nảy sinh điều sau này được gọi là “phương pháp luận cá thể”, một phương pháp luận được cho là tuyệt đối thiết yếu như là điểm xuất phát. Nói cách khác, không thể có bất kì suy tư lí thuyết có tính cơ bản nào nếu không tích hợp những hành vi cá thể trong thiết kế lí thuyết, sự thông hiểu các hành vi này được đặt thành yếu tố không thể thiếu cho sự nhận thức các hiện tượng kinh tế.
Như vậy cuộc tranh luận đã dẫn đến việc đề xuất những nguyên lí phân loại các khoa học được các giới hàn lâm sử dụng tiếng Đức chấp nhận trong một thời gian dài dưới ảnh hưởng khoa học luận đôi khi được gọi là “tân Kant”. Chủ yếu đó là các tác giả như W. Dilthey, H. Rickert và nhất là W. Windelband, người ở cội nguồn của sự phân biệt giữa các bộ môn idiographique (những bộ môn, như sử học, mô tả những tình thế hay biến cố đặc biệt) và các bộ môn nomothétique mà tham vọng, như đó là trường hợp của các khoa học tự nhiên là xác lập những quy luật phổ quát. Họ đã có một ảnh hưởng lớn, ví dụ trên M. Weber, trong cách đặt vấn đề những mối quan hệ giữa giải thích và thông hiểu. Kể từ đó đến nay Schumpeter đã nhận xét đúng đắn là sự phân biệt thật ra có vẻ hơi sách vở này và chính trong kinh tế học hai cách tiếp cận nên được kết hợp với nhau, điều vừa tạo nên sức quyến rũ nhưng đồng thời cả sự khó khăn của bộ môn này. Suốt sự nghiệp của ông, Schumpeter đã kết hợp lí thuyết kinh tế với việc nghiên cứu lịch sử, và bản thân lịch sử cũng được củng cố bằng số liệu thống kê.
Tóm lại, những phân biệt và ranh giới được minh họa một cách khiêu khích suốt cuộc Methodenstreit ngày nay chỉ tồn tại ở cương vị kí ức. Chỉ còn lại những phân biệt cần thiết giữa các loại công trình (kinh tế thuần túy hay kinh tế ứng dụng) và, tất nhiên giữa những nhóm tinh thần tiến hành các công trình.
Claude JESSUA
Đại học Panthéon-Assas (Paris II)
▶ ALTER M., Carl Menger and the Origins of Austrian Economics, Boulder, Col. Westview, 1990. – GIDE Ch., RIST Ch. (1909), Histoire des doctrines economiques depuis les physiocrates jusqu’à nos jours, Paris, Sirey, 1944, 2 vol. – HICKS J. R., WEBER W. (eds.), Karl Menger and the Austrian School of Economics, Oxford, Clarendon, 1973. – HUTCHINSON T. W., A Review of Economic Doctrins 1870-1929, Oxford, Clarendon, 1953; The Politics and Philosophy of Economics: Marxians, Keynesians and Austrians, Oxford, Clarendon, 1981. – MENGER C. (1871), Principles of Economics, New York, New York Univ. Press, 1950 (1883), Problems of Economics and Sociology, Urbana, Univ. of Illinois Press 1963. – SCHUMPETER J. A. (1954), Histoire de l’analyse économique, Paris Gallimard, 1983, 3.vol.
◻ Khoa học luận của các khoa học xã hội, Menger, Schmoller, Trường phái Áo, Verin für Sozialpolitik.
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: Dictionnaire de la pensée sociologique, Massimo Borlandi, Raymond Boudon, Mohamed Cherkaoui và Bernard Valade (chủ biên), 2005, Paris, PUF.
----
Bài có liên quan: Khoa học luận của các khoa học xã hội