31.5.24

Khoa học luận của các khoa học xã hội

KHOA HỌC LUẬN CỦA CÁC KHOA HỌC XÃ HỘI

Các cuộc tranh luận lớn

Theo nghĩa hẹp khoa học luận là lí thuyết những điều kiện hợp thức của những phát biểu khoa học. Nó thể hiện qua cái nhìn phản tư của nhà nghiên cứu về chính bộ môn của mình hay qua phân tích đặc thù của các triết gia về khoa học.

Auguste Comte (1798-1857)
John Stuart Mill (1806-1873)

Một mối liên hệ, đặc biệt và phức tạp, nối kết khoa học luận và các khoa học và các khoa học xã hội. Trong thế kỉ XIX, hai lĩnh vực này được liên kết được gắn kết chặt chẽ. J. S. Mill và Auguste Comte liên kết suy nghĩ chung của bản thân với một tham vọng can thiệp vào các khoa học vào các khoa học xã hội. Đối với tác giả thứ hai, tham vọng này là dưới dạng một sự sáng lập thật sự: tác phẩm Cours de philosophie positive (1830-1842) tự xác định dự án phác hoạ một bức tranh có hệ thống về khoa học thực chứng được bổ sung bằng việc phát triển một bộ môn còn thiếu: vật lí học xã hội. Trong thế kỉ XX, diễn ra một sự chia tay. Chủ nghĩa thực chứng logic của Câu lạc bộ Wien (Soulet, 1985) nhanh chóng hình thành trào lưu thống trị của khoa học luận đương đại, ưu tiên nghiên cứu tổng quát ý nghĩa và những điều kiện hợp thức của các phát biểu trong việc mô tả các bộ môn khoa học. Trào lưu này định nghĩa những tiêu chí chấp nhận có tính nguyên tắc làm dấy lên một cuộc tranh luận lâu dài – đặc biệt giữa kiểm (tra) chứng luận và khả phủ chứng luận – và đặt vấn đề áp dụng các tiêu chí này cho các khoa học xã hội. Nếu sự phát triển của kinh tế học, củng cố thêm những ai, từ Pareto đến Popper, ủng hộ một khoa học thống nhất, thuộc về một mô hình chung về tính khoa học, thì một phần của xã hội học, ngay từ cuối thế kỉ XIX, đòi hỏi một tính đặc thù thông diễn học sẽ nỗ lực tự khẳng định trong suốt thế kỉ này.

Tình trạng trên, khi các khoa học xã hội dao động giữa sự qui giản và sự độc lập, trở nên phức tạp hơn trong ba mươi năm qua. Cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa thực chứng logic, sự nổi lên trong triết học khoa học các luận đề về những bất liên tục (Kuhn, 1965) hay tương đối (Feyerabend, 1975), sự xuất hiện của những hình thức yêu sách xã hội mới tạo điều kiện thuận lợi, ở bên lề của khoa học, cho một chuyển động hỗn hợp, hậu hiện đại, chịu nhiều ảnh hưởng và theo nhiều phương hướng. Trái lại, sự phát triển đương đại của các khoa học sự sống và khoa học nhận thức đã hình thành một đối chọn dứt khoát có tính tự nhiên mà các chương trình, qua trung gian của những bộ môn như tập tính học hay tâm lí học, lan toả rộng rãi sang các khoa học xã hội. Các khoa học này, kinh tế học, sử học, địa lí học, ngôn ngữ học, xã hội học, dân tộc học, v.v. ngày nay là nơi diễn ra một sự đa dạng hoá trong nội bộ ngày càng tăng mà những tác động gắn với sự hình thành của hai cực đối kháng mang tính thông diễn và tự nhiên được nhân bội.

Trong suốt thế kỉ các tình huống trên thể hiện qua cơ chế của những đối lập lớn cấu trúc nên không gian khoa học luận của các khoa học xã hội. Dưới đây, chúng tôi chỉ ghi nhận các đối lập quan trọng nhất.

Giải thích và thông hiểu

Sự đối lập thứ nhất, chủ đề tranh luận vào cuối thế kỉ XIX ở Đức nhân cuộc “tranh cãi về các phương pháp/Methodenstreit” liên quan đến cương vị của các khoa học xã hội trên hai phương diện: 1/ việc giải thích các hiện tượng – tức là đưa các hiện tượng vào một “cấu trúc của sự thông hiểu” (Berthelot, 1980), có thuộc về những qui trình logic cho bất kì khoa học nào không?; 2/ nếu không thì sự khác biệt được nhận diện có biện minh cho luận điểm về một chế độ riêng cho tính khoa học của các khoa học xã hội không?

Vilfredo Pareto (1848-1923)
Emile Durkheim (1858-1917)

Về cơ bản, bất luận điểm tựa chính của mỗi người – lịch sử, qui nạp, toán học, thực nghiệm – các nhà lí thuyết lớn của nửa sau và cuối thế kỉ XIX – theo thứ tự, Comte, Mill, Pareto và Durkheim – đều có quan điểm thống nhất. Các khoa học xã hội có thể thể hiện những đặc điểm phương pháp luận, nhưng không vì thế mà thuộc về một mô hình đặc thù có tính khoa học riêng. Chủ yếu các khoa học này có tính nhân quả. Các khoa học này xem các hiện tượng như những hiệu ứng cần phải xác định những nguyên nhân và quan hệ giữa chúng với nhau như những điều hợp thức đáng để được gọi là những qui luật (Durkheim, 1895). Thuật ngữ giải thích dẫn về hai thao tác trên, phù hợp một cách chặt chẽ với các thao tác được vận dụng trong các khoa học tự nhiên mà khoa học luận sau này sẽ cung cấp một phiên bản quy phạm với mô hình suy luận khoa học do Hampel (1966) thiết lập.

Được giới hạn như trên, phải chăng giải thích là một qui trình thích đáng và đầy đủ trong các khoa học xã hội? Những ai ủng hộ chủ nghĩa thực chứng và chủ nghĩa tự nhiên đồng ý với khẳng định này, còn những ai ủng hộ sự thông hiểu thì không. Thuật ngữ thông hiểu nổi lên trong cuộc tranh cãi ở Đức về các khoa học xã hội và nhanh chóng có hai nghĩa khác nhau.

1/ một nghĩa thông diễn học, do Dilthey (1883), một trong những nhân vật chính của cuộc tranh cãi đề xuất. Không thể giải thích những hiện tượng xã hội theo cùng một cách như với các hiện tượng tự nhiên vì chúng thấm đượm ý nghĩa. Do đó chúng thuộc về một quy trình diễn giải, tương tự với qui trình được triển khai để tìm hiểu các sáng tác, văn bản, và để kết luận, mọi tập có tính biểu tượng.

2/ một nghĩa duy lí, đặc biệt được Weber (1904-1947; 1922) bảo vệ: nghĩa mà các khoa học xã hội đối mặt là nghĩa được các tác nhân một cách chủ quan gán cho hành động của họ. Với tư cách là những khoa học của hành động tập thể, xã hội học, kinh tế học, sử học không thể tự bằng lòng với việc làm rõ nguyên nhân của các hiện tượng; các khoa học này còn phải hiểu lí do hướng dẫn các tác nhân.

Max Weber (1864-1920)
Wilhelm Dilthey (1833-1911)

Hai nghĩa trên liên quan đến hai quan điểm khoa học luận mà sự phát triển sau này sẽ làm đậm nét những khác biệt: quan điểm nhất nguyên và quan điểm nhị nguyên. Quan điểm thứ hai là triệt để và ấn tượng nhất. Được Dilthey bảo vệ, nó thể hiện qua sự đối lập giữa các khoa học tự nhiên và các khoa học tinh thần, định nghĩa hai chế độ về tính khoa học hoàn toàn tách biệt, theo thứ tự là giải thích và thông hiểu. Weber, lấy cảm hứng từ quan điểm của các nhà triết học tân Kant thuộc trường phái của Bade, Windelbrand và Ricker, tinh tế hơn. Ông thích nói đến các khoa học về văn hoá và kết hợp giải thích với thông hiểu. Quan điểm này được Popper (1969) và R. Boudon (1979) lấy lại và làm thành chủ đề nghiên cứu theo một lăng kính nhất nguyên.

Như vậy, sự đối lập giữa giải thích và thông hiểu trải dài suốt thế kỉ (Appel, 1979). Ta gặp lại nó trong các cuộc tranh luận nổi tiếng, như các cuộc tranh luận giữa Schütz, môn đồ của Weber và Husserl, và Nagel và Hempel (Natanson, 1963), những người bảo vệ chủ nghĩa thực chứng logic và giữa Adorno và Popper (Adorno và Popper, 1969). Sự đối lập này không chỉ phân biệt những người bảo vệ việc qui nguyên nhân của hành động với những người tính đến ý định hành động, mà còn phân biệt trong số những người thuộc nhóm sau giữa những ai gắn bó với việc tái kiến tạo duy lí các lí do với những ai chỉ chấp nhận các hướng thông hiểu xã hội.

Mô hình hoá và tường thuật

Sự đối lập này thường bị nhầm lẫn với đối lập trên. Tuy nhiên so với sự đối lập đầu tiên, sự đối lập thứ hai này giữa mô hình hoá và tường thuật ít nổi bật về mặt khoa học luận hơn là về mặt phương pháp luận. Sự đối lập này không liên quan đến cương vị của các khoa học xã hội và sự giải thích mà đến các hình thức chính đáng của các lí thuyết và tổ chức dữ liệu. Đương nhiên, tất cả các vấn đề này đều gắn kết với nhau, nhưng không vì thế mà chồng lên nhau.

Truyền thống Kant thuộc trường phái của Bade nhắc đến ở trên phân biệt các bộ môn khoa học không bằng lĩnh vực của chúng nhưng bằng quan điểm của chúng: một đối tượng hay một tập những đối tượng có thể được xử lí theo một quan điểm khoa học luận (nomothétique) hay theo một quan điểm mô tả bằng biểu tượng (idiographique) (Rickert, 1924). Quan điểm thứ nhất phát hiện những qui luật và trình bày chúng trong một tập giới hạn những mệnh đề tổng quát từ đó suy ra những mệnh đề đặc biệt được thử thách bằng thử nghiệm. Về mặt cú pháp học, tức là trên quan điểm của những quy tắc về hiệu lực hình thức của một tập như vậy, cho dù đối tượng của lí thuyết là thế giới vật lí hay thế giới xã hội thì những điều tiên quyết đều giống nhau: đây là một mô hình trừu tượng, thường được hình thức hóa, có khả năng tính đến ở đầu nguồn lĩnh vực này hay lĩnh vực khác của thực tại và, ở cuối nguồn, được lồng vào một tiên đề tạo sinh. Trong các khoa học xã hội, mô hình hóa là lĩnh vực lựa chọn của kinh tế học.

Nhưng ngược lại, có thể định hướng sự chú ý vào những nhân tố có tính quyết định và khía cạnh cấu thành một hiện tượng cá biệt. Chỉ có thể tiếp cận hiện tượng này, không độc lập với những qui luật chi phối thế giới, bằng việc thay đổi quan điểm; một lí thuyết về phát triển đô thị không bao phủ hết những đặc thù của Paris, London hay Berlin cũng như một lí thuyết về nghi thức trưởng thành cũng không không bao phủ hết những cách thực hành của thổ dân Úc châu. Hình thức phục dựng dữ liệu thích hợp với quan điểm này không còn là mô hình hóa nữa mà là mô tả và tường thuật. Sử học và dân tộc học là những lĩnh vực được ưa thích của cách tiếp cận bằng biểu tượng, hay nói theo ngôn ngữ hiện đại, bằng mô tả và tường thuật (Allergan, 1997; Revel, 2001).

Là chủ đề từ đầu thế kỉ, sự đối lập đã trở thành, tùy theo bộ môn, sự được mất của nhiều cuộc xung đột. Sự đối lập này liên quan đến nhiều vấn đề: a) một lí thuyết có thể có một hình thức chấp nhận được khác hơn là một cấu trúc chặt chẽ những mệnh đề nối kết với nhau một cách logic không? Nếu không thì những phục dựng và mô tả bằng lời văn nên có cương vị nào?; b) một cấu trúc chặt chẽ những mệnh đề phòng chống sai lầm của những hình thức toán học và, nếu không thì các khoa học xã hội phải cần một lí thuyết độ đo nào để thỏa mãn những hình thức này?

Nằm ở hai cực đối lập nhau trong các tranh luận này, sử học và kinh tế học dường như ít bị tác động mạnh bằng xã hội học và dân tộc học: các cuộc tranh cãi về định tính-định lượng đối với chuyên ngành đầu, về sự khách quan và văn bản đối với chuyên ngành sau diễn ra dưới nhiều hình thức, xét cho cùng, dường như liên quan đến hai hệ ý trái ngược nhau trong các khoa học xã hội: một hệ ý bằng lời văn, quan niệm và có tính tương đối, và một hệ ý duy khoa học và duy logic (Gardin, 2001). Về phần ông, Paseron (1991) đã tìm cách chủ đề hóa một không gian trung gian cho lập luận xã hội học.

Phương pháp luận tổng thể và phương pháp luận cá thể

Nếu cấu trúc hình thức của diễn ngôn trong các khoa học xã hội liên quan đến sự đối lập trên đây thì phương pháp luận tổng thể và phương pháp luận cá thể lại thuộc về những cam kết bản thể học cần thiết cho sự giải thích: đâu là những thực thể tột cùng trong những đặc tính cho phép tính đến các hiện tượng xã hội? Không ai nghi ngờ sự tồn tại của mọi tập xã hội, cá nhân và thể chế nào; nhưng vấn đề quyết định là biết sự giải thích cuối cùng phải dựa trên thực thể nào trong số ấy.

Rất nhanh chóng, các khoa học xã hội đã cung cấp một giải pháp đối kháng cho vấn đề này: a) Lấy cảm hứng từ các khoa học tự nhiên, và đặc biệt từ sinh học, phương pháp luận tổng thể cho rằng cái toàn bộ vượt hẳn tổng của những bộ phận (Durkheim, 1895). Phương pháp này chuyển tải những đặc điểm cụ thể xác định hành vi của những thực thể cấu thành cái toàn bộ. Dưới góc độ hình thức, quan niệm này vượt ra ngoài mô hình sinh học của sinh vật và cũng có thể thấy nó trong ngôn ngữ học của Saussure về vị trí hàng đầu của tiếng nói trong việc xác định các ý nghĩa của một phát biểu. b) Có nguồn gốc từ kinh tế học, trái lại phương pháp luận cá thể (cá nhân luận này được gọi như thế để tránh lẫn lộn với các quan điểm chính trị và ý hệ vốn thường tự nhận là theo thuyết cá nhân) chỉ công nhận các cá nhân và lí do hướng dẫn hành động của họ như những thực thể tột cùng (Hayek, 1952; Popper, 1944-1945).

Có thể sự đối lập này dường như có tính kinh viện đối với ai ít quen thuộc với các khoa học xã hội. Tuy nhiên nó đặt ra những vấn đề cơ bản (Vallade, 2001), và xác định những phân chia đặc biệt rất mạnh: a) được hình dung như một tổng thể lịch sử – như trong truyền thống marxist (Adorno, 1969) – hay như hệ thống xã hội-văn hóa – như trong các truyền thống chức năng luận hay văn hóa luận – cái toàn thể xác định bản chất và vai trò của những định chế cũng như định hướng hành vi của các cá nhân. Những cá nhân này tuân thủ những chuẩn và sơ đồ tư duy được tiêm nhiễm, một cách có ý thức hay không, trong suốt quá trình xã hội hóa. Xã hội học, nhân học và tâm lí học xã hội thống trị từ nửa sau thế kỉ, phương pháp luận tổng thể đặt ra hai vấn đề cơ bản: nó dành một vai trò quyết định cho những áp lực mang tính chuẩn tắc của những thực thể tập thể mà phân tích đến cùng có thể xác định được (xã hội, văn hóa, v.v.); nó thu hẹp tính ý định của các tác nhân về việc không biết những nguyên nhân chi phối hành vi của họ và có nguy cơ của một lí thuyết tổng quát về sự nhận thức sai; b) trang bị cho các cá nhân những sở thíchlựa chọn duy lí định nghĩa một định hướng mà hiệu quả khoa học luận đã được thử thách trong kinh tế học. Định hướng này không chỉ thừa nhận ý định của hành động mà còn nêu lên những qui luật toán học như là kết quả của việc tổng gộp những hành vi cá nhân trong một bối cảnh nhất định. Tuy nhiên, việc mở rộng mô hình lựa chọn duy lí sang những lĩnh vực không thuộc về lĩnh vực kinh tế là một khó khăn mà phương pháp luận tổng thể phải đối mặt: liệu có thể dứt khoát bỏ qua khó khăn này không như suy nghĩ của một số nhà kinh tế? Nên chăng mở rộng duy thuyết duy lí sang những hình thức khác hơn là một hình thức duy lí công cụ (Boudon, 1972)? Điều này có thể tính đến tất cả những phương thức của hành động, và đặc biệt là của những hành động đa dạng có phối hợp chăng?

Tính đơn nhất và tính đa nguyên trong các khoa học xã hội

Bằng cách bác bỏ mọi tiêu chí duy lí, khi đo lường mọi diễn ngôn so sánh với những tình huống và tác nhân tạo ra chúng, các trào lưu hậu hiện đại và tương đối luận đã tạo điều kiện cho chủ nghĩa duy lí phản ứng và đề xuất một quan niệm khiêm tốn nhưng vững chắc của hoạt động tìm hiểu trong các khoa học xã hội, như một sự thử thách những sự tái kiến tạo thực tại.

Tuy nhiên, có thể thấy quan niệm này vốn chỉ nhắc lại hai tiêu chí cổ điển về tính duy lí và tính thực nghiệm – thông qua nhiều lí thuyết, chương trình và hệ ý mà sự mô tả và phê phán logic có thể hợp thành nhiệm vụ của một khoa học luận mô tả hay phân tích (Boudon, 1971; Berthelot, 2001).

Các vấn đề hiện nay

Carl Hempel (1905-1997)
Karl Popper (1902-1994)

Sự hình thành của khoa học luận các khoa học xã hội được chứng thực đặc biệt bằng sự tồn tại của nhiều tạp chí khoa học chuyên ngành (ví dụ, Theory and Decision, Economics and Philosophy hay Philosophy of the Social Sciences). Nhiều nhà khoa học luận hay triết gia “tổng quát” của thế kỉ XX (đặc biệt là Karl Popper và C. Hempel) đã dành một phần những công trình của họ cho những vấn đề đặc thù của các khoa học xã hội. Cuối cùng lịch sử các khoa học xã hội đôi lúc cung cấp một trình bày tóm tắc khoa học luận của các khoa học này (xem Demeulanere. 1996; Karsenti, 1997).

Do những vấn đề không chắc chắn bao quanh bản chất của đối tượng của các chuyên ngành này, cũng như vì tính đặc thù của các phương pháp và quan hệ phức tạp của chúng với những nhánh khác của tri thức, nên các khoa học xã hội có một vị trí ưu tiên trong những bàn luận khoa học luận đương đại. Sự gia tăng hiện nay của các nghiên cứu trong lĩnh vực này đặc biệt được giải thích bằng tầm quan trọng, đôi lúc có tính quyết định, của những tùy chọn phương pháp luận trong các khoa học xã hội, và bằng sự can thiệp của vài đối tượng của các khoa học xã hội (xã hội, tính duy lí, trạng thái tâm lí …) trong những vấn đề vốn mặt khác làm nảy sinh những nghiên cứu sôi động trong trường triết học: những quan hệ thích đáng giữa cá nhân và xã hội, việc ra quyết định duy lí, bản chất của tâm lí … (Boudon, Bouvier và Chavel, 1997).

Việc kiến tạo sự kiện xã hội và lĩnh vực của các khoa học xã hội

Chủ nghĩa thực tế, các trạng thái tâm lí và các khoa học xã hội. – Đôi lúc các khoa học xã hội được tư duy như những khoa học về một đối tượng đặc biệt là “xã hội”. Về mặt lịch sử, cách tiếp cận này một phần gắn với việc làm hiện lên những qui luật trong hành vi của các nhóm chủ thể, bằng những phương pháp thống kê (Valade, 1996). Như vậy một sự kiện xã hội như sự tự tử với tư cách là đối tượng của khảo sát xã hội học của Durkheim trước hết là một sư kiện được kiến tạo từ những sự đều đặn quan sát được mà người ta nghĩ có thể liên kết chúng với nhau theo một cách có ý nghĩa và tin là có thể giải thích chúng bằng những quan hệ đặc biệt có liên quan đến sự kiện xã hội này.

Cách nhìn này đã cho phép làm nổi lên một trường nghiên cứu thật sự dành cho việc phân tích những sự kiện xã hội tổng gộp trong thực tế được chia thành nhiều chuyên ngành: xã hội học vĩ mô, kinh tế học vĩ mô, địa lí nhân văn, dân số học. Tuy nhiên ngày nay có thể xem là nghiên cứu những hiện tượng như vậy không tiền giả định một lựa chọn khoa học luận kiểu “thực tại” dẫn đến việc nghĩ rằng thật sự tồn tại độc lập của những “sự kiện xã hội” thuộc về một tầng lớp bản thể học đặc biệt. Một thái độ khoa học luận như thế không phải đã biến mất, nhưng nhiều nhà nghiên cứu tham gia vào những cuộc khảo sát liên quan đến các hiện tượng tổng gộp cố gắng đề xuất những giải thích các hiện tượng này với tiền giả định là có sự phân chia chúng thành những biến cố sơ đẳng, khiến cho sự kiện xã hội tổng gộp hiện ra như là kết quả của một kiến tạo có trước của đối tượng nghiên cứu, đặc biệt bao gồm việc vận dụng những quy ước (những định nghĩa, phương thức đo đạc và quan sát).

Mặt khác, một số nhà nghiên cứu nghiên cứu dựa trên việc mô hình hóa chỉ những sự kiện tổng gộp, ở cấp độ cả một nhóm, không thể thật sự là thỏa đáng. Cho dù khả năng dự đoán và lợi ích có lớn đến mấy đi nữa như là điểm quy chiếu cho thực tiễn thì kiểu giải thích này cũng không hiển lộ những cội nguồn của các hiện tượng trong những hành vi của con người. Thế mà ta có thể tìm kiếm lời giải thích cho các hiện tượng xã hội bằng cách tái hiện lại chúng trên cơ sở những hành vi cá thể. Trong chiều ngược lại, diễn tiến của các phương pháp thống kê dẫn đến việc gợi ra những quan hệ “nhân quả” giữa các biến, trong những trường hợp mà người ta không quy tính “nhân quả” này về một mô hình rõ ràng về những hành vi nằm sau mô hình ấy (xem cuộc tranh luận trong kinh trắc học, Sims, 1972; Cooley và Leroy, 1985; Granger, 1988), điều này thúc đẩy lại cuộc tranh luận triết học về cách tiếp cận thống kê tính nhân quả (Catwright, 1989).

Cuối cùng đối tượng xã hội là sự được mất của những yêu sách chéo nhau giữa các chuyên ngành (xem Swedberg, 1990). Nếu hiện tượng toàn diện ở cấp độ tổng gộp có một sự tồn tại độc lập là điều không hiển nhiên thì có thể quan niệm việc phân tích những quy luật liên quan đến nó như là mục tiêu chính đáng của những nghiên cứu lấy làm đối tượng đầu tiên là những hiện tượng không tổng gộp. Thế mà những nghiên cứu như vậy không nhất thiết thuộc lĩnh vực các khoa học xã hội theo nghĩa hẹp: đó có thể là những nghiên cứu tâm lí học (hay của các khoa học thần kinh) hay nghiên cứu sinh học. Nói cách khác, cách tiếp cận cái xã hội có thể chọn một phương pháp mô hình hóa và dự báo không nằm trong nỗ lực tái tạo một logic đặc biệt có tính xã hội (từ những sự kiện xã hội, hành động con người trong một bối cảnh xã hội hay cả trong bối cảnh tương tác xã hội).

Giáp mặt thách thức này, nhà nghiên cứu một lần nữa có thể chọn một giải pháp “thực tế” hay ngược lại từ chối hướng đi này. Một sự đối phó “thực tế” có thể là nêu bật giá trị của việc thực sự tồn tại những điều như hành động trong một bối cảnh xã hội, sự tương tác xã hội hay sự kiện xã hội. Khó khăn của một quan điểm như vậy là do trong một số trường hợp, để có thể gọi những đối tượng được các chuyên gia khoa học xã hội nghiên cứu là những đối tượng “xã hội” thì các thực thể này vẫn là đối tượng điều tra của những chuyên ngành không thuộc về tập hợp các “khoa học xã hội” cổ điển. Một sự đối phó khác có thể đến từ nhận xét rằng có một sự khác biệt về năng lực giải thích giữa những cách tiếp cận khác nhau (tâm lí, sinh học và xã hội), điều này đưa đến việc xem xét những lợi thế và bất lợi của một cách tiếp cận thuộc về các khoa học xã hội truyền thống.

Phương pháp tiến hành mô hình hóa và cương vị của các giả thuyết. – Như là những khoa học lí thuyết, các khoa học xã hội huy động những giả thuyết tổng quát vào cương vị những nguyên lí lí thuyết. Ví dụ, ta có thể nghĩ đến giả thuyết hành vi tối ưu hóa trong kinh tế học vi mô mà diễn tiến của chuyên ngành này cho thấy là giả thuyết này thường được xem là thoát khỏi mọi kiểm định thực nghiệm. Hơn nữa một số thực thể được các khoa học xã hội đề cập không có tương quan trực tiếp với sự quan sát (ví dụ, “lợi ích” của các nhà kinh tế tân cổ điển, “hệ tư tưởng” của lí thuyết marxist, mức độ hội nhập xã hội của trong xã hội học của Durkheim). Điều này đặt thành vấn đề tính chính đáng của việc quy chiếu về những thực thể hay nguyên lí trừu tượng trong những lĩnh vực khoa học có khuynh hướng dựa vào kinh nghiệm.

Trong xã hội học và nhân học, cầu viện đến sự trừu tượng hóa thường đưa đến những phê phán nhắm vào việc có thể lẫn lộn giữa hoạt động khoa học với việc thay thế thế giới như nó vốn là bằng một quan niệm võ đoán về thế giới (những ràng buộc của giải thích khoa học chỉ là cái cớ). Nhưng trái lại, rõ ràng là việc giải thích có nguy cơ là thuần túy ad hoc, và dự đoán có nguy cơ là không có cơ sở khi cả hai việc này đều không dựa trên bất kì nguyên lí tổng quát nào. Trong kinh tế học, chuyên ngành mà việc viện đến những nguyên lí và giải thích tổng quát thường dẫn đến việc xây dựng những mô hình trừu tượng, nhiều nhà nghiên cứu đã muốn bảo vệ tính chính đáng của phương pháp tiến hành lí thuyết trong đó các giả thuyết sâu sắc nhất thoát khỏi mọi kiểm định: đó luận điểm về tính “phi thực tế” của các thuyết được M. Friedman (1953) bảo vệ trong một tiểu luận cổ điển về phương pháp luận của kinh tế học thực chứng. Như vậy, trong trường hợp này các dự đoán của các lí thuyết mới phải được kiểm định một cách thực nghiệm. Trong một số lĩnh vực của kinh tế học lí thuyết, ta gặp một triết học về khoa học theo đó những mô hình là trừu tượng, xa cách với thực tại nếu chúng có tính giải thích, do khoảng cách của các mô hình với thực tại cũng là điều cho phép chúng cung cấp những câu trả lời nhất định cho các câu hỏi mà ta đặt ra cho chúng. Những nguy cơ gắn với một thái độ như vậy đã được biết rõ và ta có thể tóm tắt các nguy cơ này khi nói mô hình mẫu được nhà khoa học xây dựng như vậy có nguy cơ thay thế thực tại. Nhưng phải thừa nhận rằng tùy chọn phương pháp luận này nhắc nhở ta tính gián tiếp của quan hệ với thực tại trong các khoa học xã hội, một quan hệ không thể dựa trên sự kiểm định trực tiếp của mỗi thành phần các lí thuyết.

Vấn đề này lại nổi lên trở lại với việc các khoa học xã hội (đặc biệt là kinh tế học và chính trị học) ngày càng gia tăng cầu viện đến phương pháp thực nghiệm. Các khoa học xã hội nghiên cứu những tình thế tương tác giữa những chủ thể là con người. Trong lĩnh vực này, ràng buộc của những kiểm định về những dự đoán xuất phát từ các lí thuyết song hành với việc thử thách trực tiếp những tiên đề trước đây được chấp nhận không bàn luận (như nguyên lí hành vi tối ưu hóa hay giả thuyết lợi ích kì vọng trong kinh tế học từ khi làm rõ “nghịch lí Allais” nổi tiếng) và một phương pháp quy nạp cho phép nhận diện những qui luật hành vi. Việc ngày càng gia tăng cầu viện đến cách tiếp cận thực nghiệm đặt ra một vấn đề phương pháp luận quan trọng: nên chăng, trong việc giải thích, ưu tiên cho những qui luật được chứng thực ngay cả khi không thể nối kết chúng với những nguyên lí về sự lụa chọn duy lí của các cá thể, hay phải luôn luôn dành vai trò ưu tiên cho những nguyên lí hành vi có vẻ tự bản thân các nguyên lí này là thông hiểu được và thể hiện những lí do thật sự sẵn có trong các bối cảnh được xem xét?

Hiểu biết thực chứng những đánh giá chuẩn tắc và ý tưởng về một khoa học xã hội có tính quy phạm. – Phù hợp với mô hình của Weber về sự “trung lập đối với thuyết giá trị”, có thể nghiên cứu những hiện tượng xã hội mà không nghiên cứu những quan hệ kép của những tiêu chí cho phép đánh giá các trạng thái xã hội mà những hiện tượng này dẫn đến hay những hành động cá nhân hay tập thể cấu thành các trạng thái này. Đó là đối tượng của các khoa học xã hội thực chứng. Mặt khác, ta cũng có thể nghiên cứu những quan hệ giữa các tiêu chí khác nhau: quan hệ tương thích hay không, nhưng cũng là việc phân chia đồng thời những thực thể từ đó hiện lên như “giải pháp” cho vấn đề thỏa mãn đồng thời những đòi hỏi không đồng nhất. Đó là đối tượng đồng thời của những nghiên cứu của các khoa học xã hội có tính quy phạm và của triết học đạo đức và của triết học chính trị. Điều này cũng mở ra một lĩnh vực độc đáo của nghiên cứu toán học như sự phát triển đồng thời của lí thuyết lựa chọn tập thểlí thuyết trò chơi hợp tác.

John Rawls (1921-2002)

Ta cũng có thể nghiên cứu kết quả của việc áp dụng các tiêu chí đánh giá vào những cấu hình xã hội nhất định (ví dụ, tình hình của một quốc gia vào một thời điểm nhất định) hay được lí thuyết dự báo (ví dụ, cân bằng kinh tế trong một mô hình sản xuất và trao đổi). Kiểu công trình này thuộc riêng các khoa học xã hội có tính quy phạm. Bàn luận phê phán việc chọn lựa các tiêu chí về các qui tắc và hành động tùy theo tính xác đáng đạo đức hay theo ý nghĩa về mặt hiệu quả của các tiêu chí này (trong chừng mực mà ta có thể phân biệt hai mặt này) liên quan đến các khoa học xã hội có tính quy phạm (Boudon, 1995) lẫn triết học đạo đức hay triết học chính trị (như trong Theory of Justice của R. Rawls). Còn việc đánh giá đúng đắn cách thích hợp huy động những tiêu chí đánh giá khác nhau có thể hình dung được, có tính đến những ưu tiên cho phép sắp xếp và tầm quan trọng tương đối các tiêu chí này, vẫn là đối tượng được ưu đãi của những nghiên cứu triết học về đạo đức và chính trị.

Hành động của con người và sự tương tác xã hội

Thomas Kuhn (1922-1996)

Các mô hình về con người và sự tương tác: có chăng những “hệ chuẩn” trong các khoa học xã hội?Trong một thời gian dài, các khoa học xã hội trưng ra hình ảnh không những của một tập những chuyên ngành có những quan hệ phức tạp với nhau nhưng cũng còn là hình ảnh của một loạt những “hệ chuẩn” (để dùng một thuật ngữ của Th. Kuhn trong tác phẩm Structure des révolutions scientifiques của ông), đôi lúc có tính xuyên ngành, các hệ này chuyển tải những quan niệm nhất định về thế giới xã hội. Như vậy chủ nghĩa cấu trúc, chủ nghĩa chức năng và chủ nghĩa Marx có thể hiện ra như là bấy nhiêu mô hình tổng quát cho việc xây dựng những lí thuyết liên quan đến đời sống xã hội; cả sự nổi lên lẫn thoái trào của các cách tiếp cận này gắn kết lỏng lẻo với những kiểm định thực nghiệm có thể làm ta bối rối. Tương tự như vậy, tính chất thay hình đổi dạng của những áp dụng của lí thuyết lựa chọn duy lí có thể làm ta suy ngẫm.

Tính không tương thích giữa những quan niệm như thế (ít ra đối với những gì liên quan đến một số lớp hiện tượng) là một trong những chủ đề thường được phát triển của sự phê phán chính ngay ý tưởng cho rằng các khoa học xã hội có được một hình thức tự chủ, thậm chí là quy chiếu được về các “khoa học” trong lĩnh vực này. Đôi lúc ảnh hưởng chậm trễ của những lí thuyết cũ được cảm nhận như một điều thiệt thòi (Wallerstein, 1995). Người ta có thể ngạc nhiên trước sự sống chung lâu dài của những lí thuyết cạnh tranh nhau và, trong thực tế, trong lĩnh vực xã hội những kiểm định thực nghiệm có vẻ là không đủ để loại bỏ dần các lí thuyết. Tuy nhiên, vấn đề này được giải quyết một phần bằng sự phát triển của những phương pháp thống kê và thực nghiệm, cũng như bằng những tiến bộ trong việc phân tích những tình thế điển hình cho phép phân biệt thực sự giữa các lí thuyết. Hơn nữa, lí thuyết hành động và lí thuyết chủ thể đảm bảo, trong một chừng mực nhất định, và mặc dù hai lí thuyết này có nhiều biến thể, tính thống nhất của các khoa học xã hội (Andréani và Rosen, 1997; Damien và Tosel, 1998).

Giả thuyết tính duy lí và phương pháp luận cá thể. – Theo truyền thống, việc giải thích hành động nối kết hành động với các động cơ của tác nhân hay, để nói chính xác hơn, với những mong muốn và niềm tin của tác nhân. Lập luận của tác nhân về những phương tiện để đạt được những gì họ muốn là chìa khóa của một dự báo dựa trên quan niệm mang tính công cụ của tính duy lí. Như vậy, những đòi hỏi của việc thông hiểu bên trong các động cơ và giải thích được thỏa mãn (tính đối xứng của dự đoán). Đặc biệt được phát triển trong kinh kinh tế học và khoa học chính trị, phân tích dựa trên những giả thuyết về tính duy lí được triệt để áp dụng vào những lĩnh vực mà, theo truyền thống, có sự can dự của những nhận định những thái độ, nội tâm hóa những chuẩn xã hội hay của một tất định luận mờ ảo (xem Riker, 1980).

Lí thuyết lựa chọn duy lí dẫn đến việc tính đến không chỉ những lợi ích có thực và khách quan mà các tác nhân xã hội theo đuổi nhưng còn đến cả, theo một quan điểm về tính “duy lí chủ quan”, các hệ thống chủ quan về niềm tin của họ, điều này đặt ra vấn đề phân bổ tính chủ quan cho các tác nhân (Hollis, 1977). Người ta cũng có thể cố gắng tính đến, vì mục đích giải thích và dự báo, suy nghĩ bình thường của các tác nhân về động cơ của bản thân họ, đặc biệt bằng cách thăm dò tính duy lí về các giá trị (Boudon, 1995, 1999; Deleunemaere, 1997; Gravel và Picavet, 2000). Trong lĩnh vực này, những bàn luận khoa học luận cơ bản nhất nhắm vào bản chất của các chuẩn xã hội và sự chấp nhận của các nhân các chuẩn này, vào những quan hệ giữa các chuẩn xã hội và chuẩn đạo đức, và vào các tiêu chí duy lí đối lập với các chuẩn.

Thách thức tự nhiên luận và thông hiểu các động cơ. – Được quan niệm như những khoa học thực chứng chấp nhận thách thức về việc thông hiểu thực tại, các khoa học xã hội phải đối mặt với vấn đề về tính có thể dự đoán được của hành vi con người. Thế mà một số nhà nghiên cứu có thể đánh giá rằng thông hiểu là không đầy đủ hay bị cắt xén nếu không truy đến tận nguồn gốc sinh học, điều này khiến phải cần thiết viện đến những phương pháp của khoa học di truyền, của những nền tảng sinh học của hành vi xã hội và của thần kinh học. Người ta có thể nhận xét là, theo quan điểm này, một phần đáng kể của những nghiên cứu trong các khoa học xã hội sẽ liên quan đến tập tính học nhân văn, sẽ được nghiên cứu trong môi trường tự nhiên của con người. Khi cách tiếp cận tự nhiên luận về xã hội ưu tiên cho những nhân tố di truyền, thì cách tiếp cận này sẵn sàng đặt phân tích ở một cấp độ bên dưới cá nhân, đối lập rõ ràng với phương pháp luận cá thể.

Mặc dù những cuộc tranh luận chung quanh tính “tự nhiên” triết học, vốn nhằm đặt một cách tiếp cận sinh học về xã hội mà không rơi vào việc lạm dụng những đơn giản hóa của các nghiên cứu về nền tảng sinh học của các hành vi xã hội là lí thú, trong thực tế những đề xuất giải thích cho đến nay có tầm quan trọng khác nhau, và thường là yếu kém. Trong những lĩnh vực như việc nghiên cứu các cuộc xung đột và săn mồi, có một sự liên thông thật sự giữa những cách tiếp cận của các khoa học xã hội và của sinh học. Nhận xét này cũng có giá trị đối với các vai trò trong việc theo đuổi những mục đích chung. Tuy nhiên, những hành vi có sự can dự của những nguyên tắc trao đổi hay cam kết lẫn nhau, những giá trị có tính biểu tượng hay hay mối quan tâm đến sự phù hợp với những chuẩn ít thích hợp hơn nhiều với một cách tiếp cận kiểu tự nhiên luận. Khi có sự hiện diện của những chiều kích như thế, cần phải tính đến sự hình thành và xét lại các động cơ, ngôn ngữ và những biểu hiện có tính biểu tượng của sự tương tác xã hội của chính bản thân các tác nhân.

Jean-Michel BERTHELOT (Các cuộc tranh luận lớn)

Đại học Panthéon-Sorbonne Paris (IV)

Emmanuel PICAVET (Các vấn đề hiện nay)

Đại học Panthéon-Sorbonne (Paris I)

 ADORNO T., POPPER K. (1969), De Vienne à Francfort. La querelle allemande des sciences sociales, Bruxelles, Ed. Complexe; “Sociologie et recherche empirique”, in T. ADORNO, K. POPPER, op. cit., 59-74 – AFFERGAN F., La pluralité des mondes, Paris, Albin Michel, 1997 – ANDREANI T., ROSEN M., Structure, système et théorie du sujet, Paris, L’harmattan, 1997 – BERTHELOT J. M., L’intelligence du social, Paris, PUF, 1990 – BERTHELOT J. M. (éd.), Épistémologie des sciences sociales, Paris, PUF, 2001 – BOUDON R., La crise de la sociologie, Genève, 1971; “Action” in Traité de sociologie, Paris, PUF, 1992, 491-531; Le juste et le vrai, Paris, Fayard, 1995; Le sens des valeurs, Paris, PUF, 1990 – BOUDON R., BOUVIER A., CHAZEL F., Cognition et sciences sociales, Paris, PUF, 1997 – BOUDON R., DEMELENAERE P. VIALE R., L’explication des normes sociales, Paris, PUF, 2001 – BOURDIEU P., CHAMBOREDON J. C., PASSERON J. C., Le métier de sociologue, Paris, Mouton, 1968 – CATWRIGHT N., Nature’s Capacities and their Measurement, Oxford, Clarendon Press, 1989 – COLEMAN J. S., Foundations of Social Theory, Cambridge (MA), Belknap Press of Harvard Univ. Press, 1990 – COOLEY Th. F., LEROY S. F., “A theoretical macroeconometrics: a critique”, Journal of Macroeconomics, 1985, 16, 283-308 – DAMIEN R., TOSEY A., “L’action collective. Coordination, conseil, planification”, Annales Littéraires de l’Université de Franche-Comté, 1998, 653 – DEMELEUNAERE P., Homo economicus, Paris, PUF, 1996; “La légitimation et la dénonciation de la recherche du profit dans la modernité”, Archives de la philosophie du droit, 1997, 42, 135-151 – DILTHEY W. (1883), Introduction à l’étude des sciences humaines, Paris, Aubier, 1942 – DURKHEIM E. (1895), Les règles de la méthode sociologique, Paris, PUF, 1972 – FEYERABEND P. (1975), Contre la méthode, Paris, Le Seuil, 1979 – FRIEDMAN M., “The methodology of positive octoproctes”, in id., Essays in positive economics, Chicago, Chicago Univ. Press, 1953 – GARDIN J.-C., “Modèles et récits”, in J. M. BERTHELOT, (éd.), Épistémologie des sciences sociales, op. cit., 407-454 – GRANGER C., “Some recent developments in a concept of causality”, Journal of Econometrics, 1988, 39 – GRAVEL L., PICAVET E., “Une théorie cognitiviste de la rationalité axiologique”, L’Année sociologique, 2000, 85-118 – HAYEK F. von, Scientisme et sciences sociales, Paris, Plon, 1953 – HEMPEL C. (1966), Éléments d’épisémologie, Paris, Colin, 1972 – HOLLIS M., Models of Man. Philosophical Thoughts on Social Action, Cambride, Cambride Univ. Press, 1977 – KARSENTY B., L’homme total. Sociologie, anthropologie et philosophie chez Marcel Mauss, Paris, PUF, 1997 – KUHN T. (1962), La structure des révolutions scientifiques, Paris, Champs-Flammarion, 1983 – NATASON M. (ed.), Philosophy of the Social Sciences, New York, Random House, 1963 – PASSERON J.-C., Le raisonnement logique, Paris, Nathan, 1991 – POPPER K., “La logique des sciences sociales” in T. ADORNO, K. POPPER, De Vienne à Francfort, op.cit., 75-90; (1940-1945), Misère de l’historisisme, Paris, Press Pocket, 1988 – REVEL J., “Les sciences historiques” in J. M. BERTHELOT (éd.), Épistémologie des sciences sociales, op.cit., 21-77 – RIKER W. H., “Political trust as rational choice” in L. LEWIN, E. WEDDING (ed.), Politics as Rational Action, Dordrecht, C. Reidel, 1980 – RICKERT H. (1924), Les problèmes de la philosophie de l’histoire, Toulouse, Presses de l’Université du Mirail, 1998 – SIMS Ch., “Money, income and causality” in American Economic Review, 1972, 62, 540-552 – SOULEZ A. (éd.), Manifeste du Cercle de Vienne et autres écrits, Paris, PUF, 1985 – SWEDBERG R. (ed.), Economics and Sociology, Princeton, Princeton Univ. Press, 1990 – VALADE B., “De l’explication dans les sciences sociales: holisme et individualisme” in J. M. BERTHELOT (éd.), Épistémologie des sciences sociales, op.cit., 357-406; Introduction aux sciences sociales, Paris, PUF, 1996 – WALLERSTEIN I., Impenser les sciences sociales. Pour sortir du XIXè siècle, Paris, PUF, 1995 – WEBER M. (1904-1917), Essais sur la theorie de la science, Paris, Plon, 1965; Économie et société, Paris, Press Pocket, 1995.

è Giải thích và và thông hiểu; Methodenstreit; Phương pháp luận cá thể/tổng thể; Popper; Triết học và xã hội học

Nguyễn Đôn Phước dịch

Nguồn: Dictionnaire de la pensée sociologique, Massimo Borlandi, Raymond Boudon, Mohamed Cherkaoui và Bernard Valade (chủ biên), 2005, Paris, PUF.

----

Bài có liên quan:

Print Friendly and PDF