11.4.21

Cổ điển (trường phái)

TRƯỜNG PHÁI CỔ ĐIỂN

Classical School

Adam Smith (1723-1790)

Trường phái cổ điển ra đời vào thế kỉ XVIII. Adam Smith (1723-1790) đã trình bày trạng thái đầy đủ nhất của kinh tế học chính trị của ông trong Của cải cuả các dân tộc vào năm 1776, nhưng một số lớn những mệnh đề cơ bản của ông trước đấy đã được xác lập ở Pháp. Tiếp đó lập luận của Smith đã được Thomas R. Malthus (1766-1834), David Ricardo (1772-1823) và John Stuart Mill (1806-1832) tại Anh và Jean-Baptiste Say (1767-1832) phát triển. Một phần lớn phân tích kinh tế của Karl Marx (1818-1883) cũng mang tính cổ điển.

Phân tích của trường phái cổ điển dựa trên bốn mệnh đề cơ bản: 1) Các nền kinh tế hoạt động hiệu quả nhất khi tất cả các thị trường có tính cạnh tranh và khi chính những chủ sở hữu xác định những quyết định đầu tư và sản xuất. Để cho những quyết định này có hiệu quả thì doanh nghiệp phải chắc chắn là họ có được một quyền hợp pháp sử dụng của cải họ tạo ra. 2) Một số hoạt động là có tính sản xuất và có khả năng sinh ra một thặng dư thuần. Một số khác, và đặc biệt là những hoạt động do Nhà nước tổ chức, và chỉ có thể được duy trì nhờ thặng dư của những hoạt động sản xuất. 3) Tăng trưởng của các nền kinh tế phụ thuộc vào việc đầu tư lại những thặng dư do hoạt động sản xuất sinh ra. Nếu những thặng dư này bị những hoạt động phi sản xuất hấp thụ hoặc hơn thế nữa thì sẽ không còn gì cho đầu tư nữa khiến cho sản phẩm quốc gia tất yếu đình đốn hay sụt giảm. 4) Dân số sẽ tăng vô tận để thích nghi với cầu nhân công ở một mức lương cho phép gia đình đảm bảo một mức sống sao cho một số con cái đủ sống sót.

Trường phái cổ điển đoàn kết nhau để ủng hộ tự do cạnh tranh, tôn trọng việc không giới hạn những quyền sở hữu tư bản chủ nghĩa, những đặc tính tốt của tinh thần tiết kiệm so với sự hoang phí và việc duy trì một mức thuế và mức chi tiêu công cộng thấp.

David Hume (1711-1776)

Sự hỗ trợ của trường phái cổ điển đối với tự do cạnh tranh trên tất cả các thị trường đã thay thế học thuyết trọng thương của kinh tế chỉ huy đã từng thống trị những nền kinh tế chính của châu Âu cho đến tận những năm 1750. Có được việc kêu gọi một sự cạnh tranh tự do và phổ cập sau khi David Hume (1711-1776) vào năm 1762 chỉ ra bằng cách nào nói chung các nước có thể có được sự cân đối của cán cân thanh toán mà không cần phải bảo hộ nền nông nghiệp, công nghiệp và thương mại của đất nước chống lại những nhà sản xuất nước ngoài hiệu quả hơn. Trước đó việc khuyến khích có hiệu quả công nghiệp và thương mại của đất nước được xem là tinh tuý của nghệ thuật của nhà chính khách. Hume chỉ ra là một nước có thể hoàn thành những tiềm năng kinh tế của mình mà không cần đến một sự can thiệp như thế vốn thường kéo theo việc thành lập những công ti độc quyền và sự tham nhũng chính trị. Do đó có thể chứng minh rằng doanh nghiệp trong chế độ cạnh tranh sẽ ra những quyết định đầu tư và sản xuất có hiệu quả hơn ngay cả những quyết định của những chính khách sáng suốt như Colbert hay Cromwell.

Rất nhiều chính khách đơn giản chỉ tìm cách làm giàu cho gia đình mình hơn là đảm bảo phúc lợi và sự thịnh vượng của vương quốc bị họ cai trị và họ không có cái hiểu biết tập thể thuộc về hàng triệu người tham gia vào thị trường, mỗi người trên đó cạnh tranh với những người khác và tự do khai thác tất cả những cơ hội đến với họ.

Những nguồn gốc của trường phái cổ điển tại Pháp

Richard Cantillon (1680-1734)

Kinh tế học mới về cạnh tranh bắt nguồn ở Paris trong câu lạc bộ do Jacques Vincent de Gournay, quan giám cận thương mại từ 1751 đến 1758, sáng lập. Ông ít công bố nhưng thường được coi là cha đẻ của ngạn ngữ: Cứ để cho làm, cứ để cho đi qua (laissez faire, laiser passer). Ông thành công trong việc cho công bố nhiều tác phẩm quan trọng, đặc biệt trong đó có Tiểu luận về bản chất của thương mại của Richard Cantillon, cũng như những bản dịch những bài viết kinh tế quan trọng bằng tiếng Anh, trong đó có những tiểu luận của Hume. Bốn tờ báo kinh tế được thành lập ở Pháp trong những năm 1750 và 1760 và sự quan tâm đối với kinh tế học lớn đến độ Voltaire có lời bình sau: Khoảng 1750, nước Pháp, đã chán chê những câu thơ, những bi kịch, hài kịch, những suy tuởng mơ mộng và những tranh cãi thần học, cuối cùng bắt đầu lí luận với lúa. Người ta viết nhiều điều có ích về nông nghiệp được mọi người đọc, ngoại trừ những người cày cấy.

Những nhà kinh tế mới này ở Pháp trước hết đồng ý với nhau trên một điểm: chính sách hạt, một chính sách nhằm thương mại hoá lúa, thực phẩm chính của dân chúng, thông qua những kênh nhà nước và theo những giá do những công chức xác định, cần phải được thay thế bằng những thị trường cạnh tranh tự do. Người trồng trọt phải được tự do bán lúa theo giá tốt nhất họ có thể tìm thấy được ở Pháp hay ở nước ngoài.

François Quesnay (1694-1774)

Kinh tế học kích thích nhiều tác giả công bố trong lĩnh vực này. Trong số này trước hết phải kể ngự y riêng của Mme de Pompadour, François Quesnay (1694-1774), cũng đồng thời là ngự y thứ hai của vua và một trong những nhà bác học sáng giá của Pháp; đặc biệt ông là thành viên của Royal Society of London. Những nhà trách nhiệm biên tập bộ Bách khoa toàn thư, các triết gia Diderot và Jean-le-Rond dAlembert, mời ông viết về những chủ đề kinh tế.

Quesnay thiết kế một khuôn khổ logic chặt chẽ cho trường phái kinh tế học cạnh tranh mới của Gournay. Vào năm 1758-1760, ông sáng tạo ra Biểu kinh tế và công bố một số bài viết đa dạng được Samuel Du Pont tập hợp lại năm 1760 trong một hợp tuyển có tựa là Physiocratie nhằm trình bày một bức tranh đầy đủ và logic về kĩ thuật phân tích cũng như những hệ quả đối với chính sách của phân tích của ông.

Cốt lõi của lí thuyết kinh tế của Quesnay là khái niệm sản phẩm thuần, thặng dư thuần tuý đối với các chi phí, thu được từ việc khai thác tốt nông nghiệp. Thặng dư này cho phép trả điạ tô cho điền chủ, tô phần mười cho giáo hội và thuế cho Nhà nước. Quesnay trình bày thật chi tiết bằng cách nào nông nghiệp hiện đại sử dụng tư bản với cường độ cao (trồng trọt đại trà) tạo ra một thặng dư 100% so với chi phí khai thác (ứng trước hàng năm). Một kiểu trồng trọt ít hiệu quả hơn chỉ mang lại một thặng dư 35%, trong lúc người nông dân, có tư bản không đáng kể và chỉ cày đất để khó khăn sống sót, không sản xuất ra thặng dư nào cả. Để tài trợ một cách thích hợp chi tiêu của Nhà nước thì trồng trọt đại trà phải thống trị vì nó sinh ra một thặng dư lớn gấp ba lần thặng dư có được bằng một cách trồng trọt ít hiệu quả bằng.

Trong mô hình phức tạp được triển khai trong Biểu kinh tế của Quesnay, thặng dư của nền kinh tế được trả bằng tiền cho điền chủ, cho Giáo hội và cho Nhà nước, chi tiêu thặng dư này được ba tác nhân trên chi tiêu để hợp thành tổng cầu thực tế thông qua một quá trình số nhân của lưu thông. Tiền tệ lưu thông trong nền kinh tế như máu trong cơ thể con người.

Khác với nông nghiệp, công nghiệp và thương mại đại diện cho một nửa việc làm trong nền kinh tế không sinh ra bất kì thặng dư nào đánh thuế được và thị trường của hai ngành này phụ thuộc vào chi tiêu của thặng dư nông nghiệp. Nếu nông nghiệp cho ra được một sản phẩm thuần quan trọng thì công nghiệp và nông nghiệp, nơi chi tiêu của một nửa những thu nhập của đất đai, sẽ lớn mạnh và phồn vinh. Nếu nông nghiệp chỉ cho được một thặng dư yếu thì công nghiệp và nông nghiệp cũng phải chịu thiệt. Để nhấn mạnh ý nghĩa của sự khác biệt đầy ấn tượng này, Quesnay mô tả, một cách rất đáng bàn cãi, nông nghiệp là có tính sản xuất vì cho được một sản phẩm thuần, trong lúc công nghiệp và thương mại là những ngành vô sinh vì không cho ra được bất kì sản phẩm thuần nào và vì sự thịnh vượng của hai ngành này phụ thuộc vào thành công của nông nghiệp.

Quesnay và Victor Riquetti, hầu tước Mirabeau (1715-1789), người trở thành cộng tác viên chính của Quesnay, công bố nhiều loạt biểu để làm rõ trong những điều kiện nào nền kinh tế tăng trưởng hay sụt giảm. Gia tăng của đầu tư nông nghiệp là chìa khoá của tăng trưởng vì nó sinh ra một sản phẩm thuần tăng dần, một cầu thực tế tăng và một thị trường ngày càng thuận lợi hơn cho những sản phẩm của công nghiệp và của thương mại. Ngược lại, tất cả những gì làm giảm đầu tư nông nghiệp gây nên sự co thắt của tài chính Nhà nước và của tài chính của công nghiệp và thương mại.

Quesnay và Mirabeau sử dụng Biểu kinh tế để chỉ ra bằng cách nào nông nghiệp, và do đó nền kinh tế, ngày càng phồn vinh hơn nếu thuế được giảm nhằm làm tăng những quĩ dành cho đầu tư của người lĩnh canh, nếu năng suất nông nghiệp tăng lên, nếu cầu dịch chuyển về phía thực phẩm (ngành mà sản xuất tạo được một thặng dư kinh tế), và như thế không hướng đến việc sản xuất hàng xa xỉ (không tạo nên bất kì thặng dư nào cả), hay nếu giá thực phẩm tăng, cho phép địa tô tính bằng tiền tăng. Ngược lại, một gia tăng của gánh nặng thuế đánh vào người lĩnh canh (tương đương với sự cưỡng đoạt), một gia tăng của cầu hàng xa xỉ và một sụt giảm của giá lương thực dẫn đến suy tàn nền kinh tế.

Những quan hệ này được trình bày trong Biểu kinh tế với một độ phức tạp kĩ thuật mà ít người có khả năng hiểu được ngoại trừ câu lạc bộ những nhà kinh tế, tên gọi được đặt cho những môn đồ của Quesnay. Quesnay là một nhà biện chứng xuất sắc và giải trình chi tiết lập luận cho cử toạ của ông nhân cuộc họp hàng tuần ở phòng khách nhà ông. Tham dự xêmina này năm 1765-1766 có một giáo sư người Scotland, Adam Smith, lúc bấy giờ đang viếng thăm Paris trong dịp du hành châu Âu ở cương vị gia sư cho một công tước trẻ. Smith tiếp thu khoa học kinh tế Pháp mới này, và, trong Của cải của các dân tộc, ông mô tả hệ thống của Quesnay như cách xấp xỉ sát nhất chân lí cho tới nay được kinh tế chính trị học công bố ([1776], 1976, trang 667).

Jacques Turgot (1727-1781)

Về mặt chính sách kinh tế, cách tiếp cận kĩ thuật của Quesnay về phái trọng nông và những kết luận tổng quát hơn của nhóm Gournay trùng khớp nhau. Cả hai đều kêu gọi giải phóng nông nghiệp khỏi chính sách hạt với những qui định gò bó giá trả cho người lĩnh canh ở mức thấp. Vua Louis XV giữ vai trò của một quân vương sáng suốt thích hợp cho việc triển khai chính sách trọng nông, và năm 1763 ông bổ nhiệm những bộ trưởng tiến hành tự do hoá các thị trường thực phẩm, nhưng sau đó những đợt gia tăng giá cả làm mất lòng dân, nhất là ở Paris, và năm 1768 những qui định cứng nhắc của chính sách hạt được tái lập. Năm 1774, nhà vua mới, Louis XVI, bổ nhiệm làm bộ trưởng tài chính nhà kinh tế nổi tiếng Anne Robert Jacques Turgot (1717-1781), người từng có một vai trò quan trọng trong những cải cách năm 1763, nhằm một lần nữa tự do hoá các thị trường thực phẩm nhưng điều này vẫn dẫn đến gia tăng giá cả và những cuộc nổi loạn. Do đó những nỗ lực sử dụng khoa học kinh tế mới để giải quyết những khó khăn tài chính của chế độ cũ đã thất bại.

Về mặt tri thức, một cách tiếp cận mới kinh tế học đã được xác lập. Các nhà trọng nông được mời làm cố vấn cho các quân vương ở Đức và ở Nga. Việc sáng tạo ra khái niệm tư bản được gán cho Quesnay và Karl Marx mô tả Biểu kinh tế như một quan niệm cực kì xuất sắc, không thể chối cãi được là một quan niệm xuất sắc nhất mà ta có được cho tới nay từ kinh tế chính trị học (1969-1971, I, trang 344). Quesnay là người đầu tiên xác lập rằng thặng dư sẵn có của nền kinh tế là chìa khoá của tăng trưởng hay của suy thoái kinh tế, và điều này trở thành điểm trung tâm của kinh tế học cổ điển.

Khoa học kinh tế mới của Pháp cũng nhấn mạnh những lợi thế của các thị trường cạnh tranh. Không nên để cho giá thực phẩm bị đẩy lên những mức giả tạo quá cao. Việc hình thành những thị trường tự do cho thực phẩm sẽ làm tăng giá người lĩnh canh thu được đến một mức tương ứng với sự phồn vinh của nước Pháp. Hai đoạn trích dẫn sau làm nổi bật tính chất cổ điển của phân tích của Quesnay, một phân tích báo trước phân tích kinh tế của Adam Smith về những thị trường tự do. Năm 1768, Quesnay viết trong Physiocratie: Bạn sẽ quay về với sự cần thiết phải thừa nhận sự tự do lớn nhất có thể cho mọi hình thức thương mại để giảm thiểu nhiều nhất có thể những chi phí tốn kém. Một khi bạn đã đánh giá những tác động của sự tự do chung này, một tự do được quyền tự do tự nhiên thừa nhận theo đó mỗi người một cách hợp pháp phải có quyền mưu cầu một số phận tốt nhất có thể cho bản thân, mà không chiếm đoạt quyền người khác, thì bạn sẽ thấy rằng sự tự do này tất nhiên là một điều kiện thiết yếu cho việc nhân bội những của cải công cộng và đặc biệt ([1768], 1958, trang 911-912).

Năm 1776, Smith trong Của cải của các dân tộc nêu một mệnh đề gần giống như thế: Vì tất cả các hệ thống nhằm hạn chế hoặc ưu tiên cho một ngành sản xuất nào đó đều bị gạt bỏ, cho nên hệ thống tự do phát triển tự nhiên được thiết lập một cách tự phát. Mỗi người, chừng nào mà người đó không vi phạm pháp luật, đều được hoàn toàn tự do mưu cầu lợi ích riêng của mình theo cách của mình, và đem ngành nghề và vốn liếng của mình cạnh tranh với một người khác hoặc nhóm người khác ([1776], 1997[*], quyển IV chương IX, I, trang 911).

Một trong những trực giác nổi tiếng nhất của Smith là có một bàn tay vô hình dẫn dắt các cá thể, mà mỗi người chỉ theo đuổi lợi ích riêng của bản thân, làm việc chung để phát triển những lợi ích của xã hội (như trên). Mệnh đề tương đương của Quesnay và Mirabeau được phát biểu như sau: Tất cả sự thần diệu của Xã hội có trật tự là tất cả mọi người làm việc vì người khác mà vẫn tin là làm việc cho bản thân ([1764] 1972, I, trang 138).

Adam Smith biến đổi kinh tế học cổ điển

Cách hiểu của Smith về nhu cầu phải có những quyền sở hữu được xác lập vững chắc, về tầm quan trọng của cạnh tranh, về những thu hoạch tiềm tàng của tự do thương mại, tất cả những điều ấy đã được hình thành trước chuyến viếng thăm Paris của ông. Ta có thể tìm thấy tất cả những ý tưởng này trong những bài ông giảng dạy với tư cách giáo sư tại Glasgow năm 1762-1763. Tuy nhiên trong những giáo trình này của Smith còn thiếu việc giải thích sự hình thành một thặng dư kinh tế và ý nghĩa của thặng dư này để có thể biết được là của cải của các dân tộc sẽ tăng hay giảm. Vấn đề này sẽ là cốt lõi của quyển II của Của cải của các dân tộc và hiển nhiên là chính tại Paris mà Smith tìm ra vấn đề, nhưng đồng thời ông cũng đã biến đổi và cải tiến đáng kể lập luận nguyên thuỷ.

Quesnay và các nhà trọng nông qui hoàn toàn thặng dư kinh tế về sản phẩm thuần của hoạt động nông nghiệp, một giới hạn bị Voltaire chế giễu năm 1768 trong Lhomme aux quarante écus [Người có 40 đồng ecu]. Một nông dân với một thu nhập thuần 40 ecu (120 bảng) đi cùng chuyến với một thương nhân giàu có trên cỗ xe sáu người của thương nhân này. Người nông dân bực tức và ngạc nhiên khi biết rằng thương nhân được miễn thuế thu nhập mà thu nhập lên đến 400.000 bảng vì lợi nhuận không thuộc về thặng dư thuần của nền kinh tế, trong lúc nông dân phải trả thuế bằng 50% thu nhập 120 bảng của mình. Chỉ riêng năm 1768, tác phẩm này được tái bản mười lần, hơn nhiều lần bất kì quyển sách nào của các nhà trọng nông.

Adam Smith chỉnh sửa sai lầm này trong Của cải của các dân tộc, trong đó ta thấy, không chỉ nông dân mà cả những nhà chế tạo cũng tạo ra thặng dư: Có một loại lao động làm tăng thêm giá trị của đồ vật nó tác động đến, nhưng có một loại lao động khác lại chẳng có tác động như vậy. Loại lao động thứ nhất, do nó sản sinh ra giá trị, cho nên gọi là lao động sản xuất; loại thứ hai gọi là lao động phi sản xuất. Vậy lao động của một người sản xuất chế tạo thường làm tăng thêm giá trị cho các nguyên vật liệu mà họ sử dụng để gia công chế biến, lao động đó nuôi sống họ và mang lại lợi nhuận cho người chủ thuê mướn họ. Trái lại, lao động của người đầy tớ không mang lại giá trị nào cả []. Một người làm giàu bằng việc thuê muớn rất nhiều người sản xuất, chế tạo; ông ta sẽ trở nên nghèo nếu thuê mướn quá nhiều đầy tớ (quyển II, chương III, trang 476).

Đối với Smith, bất kì ai sản xuất những sản phẩm và dịch vụ để được bán ra nhằm tài trợ cho việc duy trì cuộc sống người đó trong tương lai cũng là một người sản xuất, và thương mại cho được một thặng dư. Người lao động phi sản xuất là những ai, như vua quan, binh lính, quan toà và những người đầy tớ đủ kiểu, phụ thuộc vào thu nhập của người khác để tiếp tục có việc làm. Năm 1867, khi Marx công bố Das Kapital thì tiền lời công nghiệp và thương mại chiếm 30% thu nhập quốc gia của Anh, trong lúc phần của địa tô chỉ là 12%; như thế bất luận tầm quan trọng tương đối của lợi nhuận và điạ tô vào thế kỉ XVIII là như thế nào thì việc đồng nhất thặng dư của nền kinh tế với sản phẩm thuần của nông nghiệp trở thành vừa là một quan niệm sai lầm, và nhìn vào số liệu thống kê, vừa là một sự không hiểu biết ngày càng tăng về những nguồn tiềm tàng của nguồn thu thuế.

Maurice Allais (1911-2010)

Năm 1776 các nhà kinh tế Pháp cũng đã có thể đạt được cùng tiến bộ trên vì tu sĩ Condillac công bố Le Commerce et le gouvernement considérés relativement lun à lautre [Mối tương quan giữa thương mại và chính phủ] cùng một năm Adam Smith công bố Của cải của các dân tộc. Trong tác phẩm này (trang 40), ta đọc thấy ngành nghề của những nghệ nhân và của những thương nhân là một quĩ của cải cũng như ngành nghề của những tá điền. Và ông nói thêm là điều này bị một số tác giả làm cho rối mù. Trong thế kỉ XX, người Pháp được giải Nobel, Maurice Allais, mô tả tác phẩm của Condillac, người báo trước cuộc cách mạng cận biên, là hơn hẳn tác phẩm của Adam Smith, và năm 1776, Louise dÉpinay viết cho tu sĩ Galiani rằng Condillac làm cho biệt ngữ kinh tế trở thành trong sáng như nước suối; tuy nhiên ông được các nhà trọng nông đón nhận một cách lạnh lùng khiến cho ông ít có ảnh hưởng đến sự phát triển của kinh tế học ở Pháp: tại Pháp người ta tiếp tục bảo vệ sự đồng nhất hoá duy nhất của các nhà trọng nông về thặng dư kinh tế với nông nghiệp. Trong lúc đó, Smith đơn giản hoá và phổ quát hoá phân tích của trường phái cổ điển ở Anh.

Smith lấy lại phân tích Pháp theo đó nền kinh tế tăng trong chừng mực mà thặng dư của những người lao động sản xuất vượt quá tiêu dùng của những người phi sản xuất, và trong phân tích của ông số người này chủ yếu làm việc cho chính phủ.Các nước lớn không bao giờ bị các tư nhân làm cho bần cùng, mặc dù đôi khi các nước đó lại lâm vào con đường nghèo khổ do sự hoang phí tiền của công và việc quản lý yếu kém của những người có chức có quyền trong nhà nước.

Toàn bộ hay hầu như toàn bộ số tiền thu nhập của công ở phần lớn các nước được sử dụng vào việc trả lương cho những người phi sản xuất []. Những loại người nói trên tự họ chẳng sản xuất ra được gì mà lại sinh sống bằng sản phẩm do sức lao động của người khác làm ra. Khi số người phi sản xuất nói trên tăng lên quá nhiều, họ có thể tiêu dùng sản phẩm này nhiều đến mức không để lại đủ phần sản phẩm cần thiết để nuôi sống những người lao động sản xuất, những người sẽ tái sản xuất các vật phẩm cần thiết cho đời sống vào năm sau. Do đó sản phẩm làm ra năm sau tất yếu sẽ ít hơn so với năm trước đó. Nếu như tình trạng như thế cứ tiếp diễn, chắc hẳn sản phẩm năm tiếp theo sau nữa sẽ lại ít hơn sản phẩm năm trước đó (như trên, quyển II, chương III, trang 494).

Ông cũng tán đồng phân tích của các nhà trọng thương theo đó, với một lương thích hợp, dân số sẽ tăng vô tận: Thị trường lao động khi thì có quá nhiều nhân công, khi thì không có đủ nhân công để thoả mãn nhu cầu sử dụng, do đó giá công lao động được quyết định bởi quy luật cung cầu mặt hàng này. Chính theo cách này mà nhu cầu về nhân công, cũng như nhu cầu về bất kỳ thứ hàng hoá nào khác, nhất thiết phải điều chỉnh số người sinh ra (như trên, quyển I, chương VIII, trang 152). Cũng giống như các nhà trọng nông, ông xác định mức lương mà dân số có thể sinh tồn bằng một lượng lúa nhất định. Quesnay đã xác định lương cân bằng này tương ứng với bảy giạ lúa; đối với Smith, giá của lao động tính bằng tiền bao giờ cũng ở một mức sao cho giá này cho phép người lao động mua một lượng luá đủ để duy trì bản thân và gia đình trong một trạng thái sung túc, trung bình hay thiếu thốn, tuỳ theo lương người sử dụng lao động phải trả phụ thuộc vào tình hình chung của xã hội (quyển III, chương IV).

Lương đo bằng lúa sẽ hào phóng nếu tư bản được tích luỹ, bởi thế Smith dành một tầm quan trọng thiết yếu cho những đặc tính của tinh thần tiết kiệm, với những phát biểu đầy ấn tượng như công thức sau: mỗi người hoang phí vẫn là một kẻ thù của dân chúng và mỗi người căn cơ, tiết kiệm vẫn là một ân nhân của họ (quyển II, chương III, trang 492). Miễn là tinh thần tiết kiệm lấn át tính hoang phí thì tư bản sẽ tăng, lương sẽ vượt hơn mức sinh tồn, dân số sẽ tăng và ta sẽ thụ hưởng một lợi thế lớn hơn. Trước khi viếng Paris, Smith đã khám phá những lợi thế của sự phân công lao động đối với những hoạt động chế biến; thật thế ta có thể chờ đợi là sự phân công lao động tạo nên một gia tăng liên tục của hiệu quả và ta chỉ có thể tận hưởng những lợi thế này nếu tư bản được tích luỹ. Phân công lao động tiếp tục làm cho sản phẩm chế biến rẻ hơn và đưa đến tầm tay của người lao động không những thực phẩm cần thiết để nuôi sống họ mà còn cả áo quần bằng len, áo vải sợi, giày dép, dao nĩa và những dụng cụ làm bếp khác, đĩa sành và kính cho cửa sổ, với kết quả là mức sống của họ sẽ cao hơn nhiều mức sống của một ông vua châu Phi.

Sự biện hộ này của Smith cho cạnh tranh, cho hiệu lực của tiết kiệm và lời giải thích của ông về cách mà nông nghiệp, công nghiệp, và thương mại đóng góp vào của cải của các dân tộc biến tác phẩm của ông thành kết quả tột cùng của trường phái cổ điển. Tác phẩm này nhanh chóng được dịch ra tiếng Pháp và sau đó trở thành điểm xuất phát của phân tích kinh tế ở hai bên bờ biển Manche.

Những đóng góp của Malthus, Say và Ricardo

Thomas Malthus (1766-1834)

Giải thích của Smith về sự phát triển của nông nghiệp không có bất kì phát biểu nào về một qui luật lợi tức giảm dần khi dân số tăng dẫn đến việc khai thác một đất ít phì nhiêu hơn. Malthus và Ricardo, hai tác giả có nhiều phát triển quan trọng cho phân tích của Smith trong thời kì những cuộc chiến tranh của Napoléon, đưa yếu tố này vào trong lập luận của họ. Lập luận vững mạnh của Malthus trong sáu lần xuất bản Luận văn về dân số được ông công bố từ 1798 đến 1826 là như sau: những khó khăn cố hữu của việc gia tăng sản xuất lương thực bao giờ cũng giới hạn tăng trưởng dân số một nước có thể đạt được. Nếu việc sản xuất thực phẩm không bị giới hạn thì mỗi nửa thế kỉ dân số sẽ nhân đôi, như ở Bắc Mĩ. ở châu Âu, châu Á và châu Phi sản xuất lương thực không thể tăng theo tỉ suất này, cho nên áp lực tiềm tàng của dân số trên các nguồn lực bao giờ cũng đẩy mức sống xuống thấp. Malthus mô tả những cách khác nhau theo đó chiến tranh, nạn đói, bệnh tật, và ngay cả diễn tiến của các thể chế buộc con người lập gia đình muộn và kìm hãm tăng trưởng dân số. Trên toàn thế giới, thường những gia đình nông thôn phải chờ có một căn trại mới cưới hỏi. Khi không có những thể chế buộc đẩy lùi tuổi kết hôn, điều được Malthus mô tả như những phanh thắng có tính phòng chống sự tăng trưởng của dân số, còn có những cái thắng có tính tích cực của chiến tranh, nạn đói, và bệnh tật để giới hạn dân số. Độ màu mỡ hạn chế của đất đai chất lượng thấp trong một nền kinh tế châu Âu ở giai đoạn chín muồi hạn mức số dân mà đất đai có thể nuôi được, và điều được gọi là qui luật sắt của tiền công giới hạn mức sống của hầu hết mọi người. Qui luật sắt này chống lại việc tạo ra những ảo tưởng hào phóng, nơi gởi gắm hi vọng của những triết gia tốt bụng ở hai bên bờ biển Manche. Chiến tranh, nạn đói, bệnh tật hay cả áp lực của lương thấp để giảm kích cỡ của gia đình là số phận không thể tránh được của đa số. Malthus, tu sĩ của giáo hội Anh, còn gợi ý rằng Chúa đã tạo ra qui luật sắt, một qui luật gây nên biết bao chết chóc vì đói và bệnh tật nhằm tạo ra bằng đau khổ những linh hồn xứng đáng để sống với Người ở thiên đàng.

Sự bi quan ban đầu của Malthus về khả năng nâng cao mức sống hoàn toàn không làm thay đổi phân tích cổ điển của ông trước đó về những lợi thế của việc tích luỹ tư bản. Trước năm 1820, ông cho rằng tăng trưởng của kho tư bản do kết quả của tinh thần tiết kiệm và của tích luỹ làm tăng tỉ lệ trẻ con có thể sống sót đến tuổi trưởng thành; trong những điều kiện này, mc sống gia đình bao giờ cũng cao hơn trong một nền kinh tế mà tư bản tăng. Như vậy Malthus ủng hộ những thể chế, như quyền sở hữu tư bản, tạo điều kiện thuận lợi cho tích luỹ.

Jean-Baptiste Say (1767−1832)

John M. Keynes (1883-1946)

Năm 1820, trong Những nguyên lí kinh tế chính trị học thuần tuý ông cho rằng nếu một nền kinh tế ở trạng thái chín muồi như nền kinh tế Anh tích luỹ tư bản theo một tỉ suất vượt quá tiềm năng tăng trưởng của nó trong dài hạn, thì nền kinh tế này sẽ phải chịu đựng những hậu quả của một cầu không phù hợp. Qua đó ông phản bác qui luật tiêu trường mà Jean-Baptiste Say đã đề xuất trong Chuyên luận kinh tế chính trị học năm 1803. Say nhấn mạnh đến việc là doanh nghiệp bao giờ cũng sản xuất và bán nhằm có được những hàng hoá khác: Không phải sự dồi dào tiền bạc mà chính sự dồi dào của những sản phẩm khác làm cho thị trường tiêu thụ được dễ dàng. Đây là một trong những chân lí quan trọng nhất của kinh tế học chính trị (1803, trang 153). Sau này, mệnh đề theo đó cung tạo ra chính cầu của nó trở thành yếu tố thiết yếu của kinh tế học cổ điển mà Keynes lên án trong Lí thuyết việc làm, tiền lãi và tiền tệ, trong lúc ông lại tán dương Malthus được ông xem là nhà kinh tế đầu tiên của Cambridge.

Cuốn sách của Say quan trọng đến độ Napoléon ngăn cấm lần xuất bản thứ hai cho đến 1814. Sau sự sụp đổ bề ngoài của hoàng đế Napoléon, Say đề tặng lần xuất bản này cho Đức vua Alexandre đệ nhất, hoàng đế của tất cả những nước Nga. Sự chống đối của Napoléon nhằm vào luận điểm cổ điển của Say, một luận điểm ca tụng những lợi thế của tự do thương mại, và rõ ràng điều này vấp phải hệ thống lục địa mà hoàng đế tìm cách thiết lập. Say chấp nhận những giả thiết của trường phái cổ điển: một trong những đóng góp đáng kể của ông là chỉ ra rằng những nhà sáng tạo là đặc biệt có lợi cho nhân loại. Ông còn sẵn sàng ủng hộ một quĩ nghiên cứu và triển khai của Nhà nước, vì những lợi thế của những khám phá mới do là những lợi thế chung, nên không đối lập với sự công bằng mà những hi sinh phải trả để có được chúng phải do mọi người cùng gánh chịu (như trên, trang 146). Cũng giống như Smith, Say sẵn sàng chấp nhận việc tài trợ cho những đầu tư công cộng để tạo ra những lợi thế bên ngoài mà những lực của thị trường không tính hết đến, như những chi tiêu để phát triển hạ tầng cơ sở.

David Ricardo (1772-1823)

David Ricardo tán thành hoàn toàn qui luật tiêu trường của Say và đề nghị bầu Say vào Câu lạc bộ kinh tế chính trị học London do ông và Malthus đồng sáng lập năm 1827. Năm 1817, ông công bố Những nguyên lí kinh tế chính trị học, tác phẩm trong đó ông phát biểu lí thuyết phong phú của ông về sự phân phối thu nhập.

Trong một nền kinh tế, tổng sản xuất thực phẩm và những sản phẩm chế biến hợp thành thặng dư tiềm tàng, thặng dư này có thể được gán hoặc cho lợi nhuận hoặc cho địa tô. Ricardo (cũng giống như Malthus) nhận xét rằng đất ít phì nhiêu nhất được đưa vào khai thác không phải trả địa tô, do đó thặng dư của đất này hoàn toàn là lợi nhuận. Do đó lợi nhuận thu được từ việc sử dụng một người cày cận biên bằng đúng với chênh lệch của sản phẩm của người cày này với lương của người đó. Khi sản xuất ngày càng tăng, người ta càng phải khai thác một đất xấu hơn mà năng suất sẽ là thấp hơn. Sụt giảm của năng suất này không làm giảm lương, lương vẫn ở gần mức lương tự nhiên. Do đó toàn bộ tác động tiêu cực của năng suất nông nghiệp rơi vào lợi nhuận. Bởi thế, cùng với tăng trưởng kinh tế tỉ suất lợi nhuận thu được từ việc khai thác đất xấu sẽ giảm, và cạnh tranh cũng làm cho điều này sẽ xảy ra trên những đất khác khiến cho mức lợi nhuận nông nghiệp chung phải giảm. Thặng dư ngày càng tăng của đất đai không còn được thu dưới dạng lợi nhuận của người lĩnh canh nữa, và thay vào đó thặng dư này sẽ được trả dưới dạng điạ tô cho chủ đất. Khi lợi nhuận càng giảm trong nông nghiệp thì sự cạnh tranh giữa những doanh nghiệp nào có thể lựa chọn giữa việc sản xuất trong nông nghiệp hay sản xuất trong công nghiệp sẽ làm sao cho lợi nhuận cũng giảm trong nông nghiệp và trong thương mại.

Một khi đã xây dựng lí thuyết này, Ricardo chuyển toàn bộ cơ nghiệp của mình từ khu City ở London về mua mười bốn lâu đài nhỏ cùng với đất đai trực thuộc; một trong những lâu đài nhỏ này trở thành một chỗ ở của hoàng gia Anh vào thế kỉ XX.

Trong mọi nền kinh tế châu Âu có một dân số đang tăng trưởng, xu thế lịch sử là đưa vào trồng trọt những đất ít phì nhiêu. Điều này hoàn toàn không đưa lương xuống dưới mức lương tự nhiên, nhưng sự cần thiết phải khai thác những đất xấu sẽ có xu hướng làm giảm liên tục lợi nhuận nông nghiệp so với lương, và do đó làm giảm lợi nhuận trong toàn nền kinh tế. Trong chừng mực mà tỉ suất lợi nhuận chung sẽ giảm thì cuối cùng tỉ suất này sẽ không đủ để khuyến khích tích luỹ, khiến cho nền kinh tế đạt đến một trạng thái dừng trong đó không còn tăng trưởng và đầu tư nữa.

Có thể đẩy lùi đến vô tận trạng thái dừng này nếu châu Âu có thể tự do nhập khẩu lúa từ Mĩ, một nước có một lượng vô hạn đất đai cực kì phì nhiêu. Với lúa Mĩ nhập khẩu, người ta sẽ không cần cầu viện đến những đất châu Âu kém hơn, và do đó sẽ không còn ghi nhận xu hướng sụt giảm của năng suất nông nghiệp. Do lợi nhuận sẽ không tất yếu sụt giảm trong nông nghiệp, và do đó trong công nghiệp và thương mại, nên tăng trưởng có thể tiếp tục đến vô tận.

Ricardo đã mua một ghế ở quốc hội Anh (với số tiền là 4.000 ₤ cho mỗi lần bầu cử) và năm 1822 ông tuyên bố ở nghị viện là với việc tự do thương mại những sản phẩm nông nghiệp thì nước Anh sẽ là nước có giá sinh hoạt thấp nhất; Anh sẽ đạt đến mức phồn vinh, về mặt dân chúng và của cải, mà sức tưởng tượng của quí thành viên có lẽ không thể nào hình dung nổi (1951-1973, vol. V., trang 188).

Quan niệm này của Ricardo trở thành thực chất của học thuyết kinh tế chính thống và được những nhà trách nhiệm chính trị tiếp thu hoàn toàn. Năm 1846 nước Anh trở thành nước châu Âu duy nhất đưa tự do kinh doanh vào thương mại thực phẩm. Kết quả là, như Ricardo đã tiên đoán, một sự phát triển rộng lớn của lợi nhuận mà những ngành được hưởng lợi nhất là công nghiệp và thương mại. Với việc nhập khẩu không giới hạn thực phẩm, địa tô được duy trì ở một mức rất thấp, và những lợi thế của lợi nhuận được hoàn toàn dành cho việc tích luỹ tư bản nhằm tài trợ cho sự phát triển sau này của Anh.

Những phát triển cuối cùng của lí thuyết cổ điển do Marx và Mill

Có một khiá cạnh đen tối hơn của lí thuyết Ricardo. Năm 1821 ông chỉ ra là việc đưa vào những máy móc, làm tăng đáng kể lượng tư bản cần thiết cho trang thiết bị của một người lao động, sẽ làm giảm cầu nhân công. Ông tuyên bố ở nghị viện rằng việc sử dụng máy móc thường làm hại cho các giai cấp cần lao. Đó là cách đổ ra thị trường một cung lao động phụ trội, và điều này thường làm giảm cầu nhân công (Ricardo, như trên, trang 303).

John Stuart Mill (1806-1873)
Karl Marx (1818-1883)

Karl Marx và John Stuart Mill, đều nối bước Ricardo, nêu lên những kết luận hoàn toàn khác cho lí thuyết cổ điển. Marx mở rộng phát hiện của Ricardo về việc là máy móc có thể làm giảm cầu nhân công; ông tiên đoán rằng việc cơ khí hoá mạnh mẽ hơn thu hút một phần lớn hơn của tiết kiệm có lợi cho đầu tư, một đầu tư thay thế cho lao động. Người lao động liên tục bị đẩy ra thị trường lao động, khiến cho lương sẽ không bao giờ vượt quá mức tối thiểu cần thiết cho việc tái sản sinh giai cấp công nhân. Những thặng dư khổng lồ sinh ra từ năng suất tăng dần so với lương sinh tồn này sẽ được liên tục tái đầu tư, như trong những lí thuyết của Quesnay, Smith, Malthus và của Ricardo, và sản xuất liên tục phát triển. Giải thích tột cùng của Marx cho phần ngày càng tăng của lợi nhuận nằm ở quyền lực của các nhà tư bản trong việc bóc lột nhân công bằng cách chỉ trả một lương sinh tồn trong lúc người lao động sản xuất được nhiều hơn. Sức mạnh thương thảo của người lao động bao giờ cũng bị giới hạn do xu hướng của máy móc tạo ra thất nghiệp.

Chủ nghĩa tư bản tiến hoá đến độ ta sẽ ghi nhận được một khác biệt ngày càng lớn giữa sự giàu sang ngày càng tăng của kẻ có của, và do đó chủ sở hữu của những tư liệu sản xuất, và những điều kiện sống tồi tệ của giai cấp cần lao, những điều kiện do qui luật sắt của tiền công áp đặt. Những bất bình đẳng ngày càng tăng này cuối cùng sẽ gây nên sự sụp đổ chính trị của chủ nghĩa tư bản.

Tiên đoán của Mill ít bi thảm hơn. Cơ khí hoá và sự sáng tạo đẩy lùi những giới hạn bên ngoài của sản xuất tư bản chủ nghĩa, và nền kinh tế cuối cùng đạt đến trạng thái dừng của Ricardo ở một mức rất cao của sản xuất trên đầu người. Lương do thị trường quyết định tiếp tục ở mức thấp do áp lực của qui luật sắt của tiền công, nhưng cuộc cải cách xã hội lấy cảm hứng dân chủ có thể phân phối lại một phần thu nhập mà những lực của thị trường phân bổ cho các nhà tư bản, và điều này có lợi cho toàn bộ xã hội.

Như thế, Marx và Mill đồng ý với nhau trên điểm là ta sẽ đạt đến một mức năng suất cao. Do đó kết luận này của lí thuyết cổ điển dẫn đến hoặc là một cơ hội phải nắm lấy, đối với nhà cách mạng, hoặc là ảo tưởng, đối với một nhà xã hội chủ nghĩa.

Cuộc cách mạng cận biên

Stanley Jevons (1835-1882)

Carl Menger (1840-1921)

Trong những năm 1870, Stanley Jevons, Carl Menger và Léon Walras biến đổi khoa học kinh tế. Qui luật sắt của tiền công được thay thế bằng lí thuyết theo đó lương phụ thuộc vào năng suất cận biên của lao động. Chủ nghĩa tư bản càng phát triển và công nghệ càng tiến hoá thì năng suất cận biên của lao động càng nâng cao. Do đó mức sống của người lao động tăng theo sự tích luỹ tư bản. Trong nửa sau thế kỉ XIX, người ta không nhận thấy được là đầu tư tống khứ người lao động: đầu tư không làm tăng tư bản cố định theo một nhịp độ lớn hơn nhịp độ tăng trưởng của sản xuất. Cầu nhân công tăng cùng với đầu tư, và mức sống của người lao động tăng nhanh nhất chính ngay trong những nước như Mĩ có tích luỹ mạnh nhất về tư bản.

Khi mức sống của người lao động ngày càng được nâng cao thì tiết kiệm được tích luỹ cho việc hưu trí chiếm một phần đáng kể của tổng tiết kiệm của nền kinh tế. Trong những điều kiện này, giả thiết cổ điển theo đó tiết kiệm chủ yếu bắt nguồn từ lợi nhuận chỉ còn có hiệu lực trong những nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung vốn làm nản lòng việc hình thành những di sản tư nhân. Trong những nền kinh tế thị trường, tiết kiệm của người lao động, và chung hơn của người làm công ăn lương, trở thành một phần quan trọng của thặng dư và đầu tư và tăng trưởng phụ thuộc vào thặng dư này.

Yếu tố của lí thuyết cổ điển còn sống động nhất là niềm tin vào những lợi ích tích cực của cạnh tranh và tự do kinh doanh. Đối với hầu hết mọi người, quan niệm này tiếp tục được gán cho kinh tế học cổ điển của Adam Smith nhưng quan niệm này cũng xứng đáng được gán cho những tác giả Pháp đi trước Smith mà ông đã từng học hỏi được nhiều.

  Tác phẩm cổ điển: CANTILLON R., Essai sur la nature du commerce en général (1755), Paris, INED/PUF, 1952. QUESNAY F., François Quesnay et la physiocratie, Paris, INED/PUF, 1958. RICARDO D., Des principes de léconomie politique et de limpôt (1821), éd. F. R. Mahieu et al., Paris, Flammarion GF, 1992; The Works and Correspondence of David Ricardo, Cambridge University Press, 11 vol., 1951-1973. SMITH A., Recherches sur la nature et les causes de la richesse des nations (1776), éd. D. Diatkine, Paris, Flammarion GF, 2 vol., 1991 (cũng xem 2 tập của ấn bản Glasgow, Oxford University Press, 1976).

Tác phẩm hiện đại: BÉRAUD A. & FACCARELLO G., éd., Nouvelle histoire de la pensée économique, t. I: Des scolastiques aux classiques, Paris, La Découverte, 1992. BLAUGH M., Economic Theory in Retrospect, Cambridge University Press, 3rd ed., 1978. ELTIS W., The Classical Theory of Economic Growth, London, Macmillan, 1984. HUTCHISON T. W., Before Adam Smith: the Emergence of Political Economy 1662-1776, Oxford, Basil Blackwell, 1988. JESSUA C., Histoire de la théorie économique, Paris, PUF, 1991. OBRIEN D. P., The Classical Economist, Oxford, Oxford University Press, 1975. STEINER P., La science nouvelle de léconomie politique, Paris, PUF, 1998.

Walter ELTIS

Giáo sư ưu tú đại học Oxford Exeter College (Anh)

(Bản dịch của Claude Jessua, Giáo sư ưu tú đại học Panthéon-Assas (Paris 2))

Nguyễn Đôn Phước dịch

Bàn tay vô hình; Cạnh tranh; Của cải; Chủ nghĩa tự do; Kinh tế thị trường; Malthus; Marx; Ricardo; Smith; Quy luật tiêu trường; Tự do kinh doanh.

Nguồn: Dictionnaire des sciences économiques, Claude Jessua, Christian Labrousse và Daniel Vitry (đồng chủ biên), PUF, Paris, 2001.




Chú thích:

[*] Của cải của các dân tộc bản dịch tiếng Việt của The Weath of Nations, nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, 1997. Những trích dẫn dưới đây qui chiếu về số trang của bản dịch này (ND).

Print Friendly and PDF