28.3.15

Học thuyết cận biên



Học thuyết cận biên

Marginalism
Học thuyết cận biên ra đời vào khoảng những năm 1870, gây nên một cuộc cách mạng khoa học thật sự trong lí thuyết kinh tế. Cuộc đảo lộn này đã diễn ra trong lí thuyết giá trị. Cuộc cách mạng này bộc lộ hết ý nghĩa của nó qua việc đoạn tuyệt với lí thuyết giá trị gắn bó với trường phái cổ điển, đặc biệt là trường phái cổ điển Anh. Sau khi nhận diện ý nghĩa của lí thuyết cổ điển về giá trị, ta được trang bị tốt hơn để hiểu bản chất của cuộc cách mạng cận biên.  

Điểm xuất phát: lí thuyết cổ điển về giá trị

Xin nhắc lại rằng thuật ngữ lí thuyết giá trị được hiểu như là bộ phân của lí thuyết kinh tế nhằm giải thích những quan hệ giữa giá cả của những hàng hoá và dịch vụ. Lí thuyết được xem là giải thích cho chúng ta hiểu, ví dụ, quan hệ giữa giá một chiếc xe và giá một cân bơ. Cho mỗi hàng hoá, có một giá được xác lập trên các thị trường; toàn bộ những quan hệ giữa những giá khác nhau này, được thể hiện bằng đơn vị tiền tệ, hợp thành điều được gọi là hệ thống những giá tương đối. Lí thuyết giá trị không gì khác hơn là lí thuyết những giá tương đối và giữ một vị trí trung tâm trong lí thuyết kinh tế. Không phải lúc nào tầm quan trọng của lí thuyết này cũng đuợc nhận thức rõ ràng: đó là vì giá cả là những tín hiệu hướng dẫn và phương tiện định hướng nhiều hơn là những công cụ đo đạc. Nếu không có giá cả thì các tác nhân kinh tế sẽ được trang bị giống như người đi biển không có la bàn: các tác nhân chỉ phải vật lộn với những sản phẩm và dịch vụ hỗn tạp nên không thể xác định một cách duy lí việc phân bổ các nguồn lực của mình. Thế mà đối với các tác nhân sự cần thiết phải lựa chọn là một tất yếu trong tất cả những tình thế của đời sống kinh tế: làm thế nào một nguời tiêu dùng phân bổ chi tiêu của mình giữa thịt và cà chua? bằng cách nào một doanh nghiệp lựa chọn ga hay điện làm nguồn năng lượng? Chính hệ thống giá cả sẽ cho phép tiến hành những lựa chọn này một cách duy lí, bằng cách chuyển đổi những đơn vị vật lí thành đơn vị giá trị và nhờ đó mỗi chủ thể có khả năng áp đặt một tính chặt chẽ thật sự cho những lựa chọn kinh tế của mình.
Từ rất sớm, ngay từ thế kỉ XVIII, các nhà kinh tế cổ điển đã hiểu tầm quan trọng của vấn đề. Họ đề cập vấn đề này bằng cách tập trung chú ý vào điều họ gọi là giá trị trao đổi, một thành ngữ của Adam Smith để chỉ khả năng của một số lượng nhất định của một sản phẩm có thể trao đổi với một số lượng này hay một số lượng khác của một sản phẩm khác. Ví dụ, nếu một con nai đổi lấy hai con hải li thì ta nói rằng giá trị trao đổi của một con nai là hai con hải li. Điều này không kết thúc vấn đề vì các nhà kinh tế cổ điển biết rõ là khái niệm giá trị đối với con người còn có một nghĩa khác: tầm quan trọng mà một người gán cho việc có được hàng hoá này hay hàng hoá khác là do hàng hoá ấy có khả năng thoả mãn một nhu cầu được cảm nhận, một điều còn được người ta nói rằng hàng hoá đó là có ích hay theo thuật ngữ của Adam Smith, hàng hoá đó có một giá trị trao đổi. Tiếc là định nghĩa của khái niệm này đã không cho phép các nhà cổ điển tiến xa hơn trong việc giải thích những quan hệ trao đổi giữa các hàng hoá, nói cách khác là việc xác định những giá tương đối. Thật thế, họ vấp phải một trở ngại được gán cho tên gọi là nghịch lí của giá trị: nước có lẽ là sản phẩm có ích nhất trong các sản phẩm vì là không thể thiếu cho cuộc sống hầu như không có giá trị thị trường nào cả, có nghĩa là giá trị sử dụng của nước gần như bằng không. Ngược lại, một viên kim cương chỉ được dùng để thoả mãn sự khoe khoang của chủ nhân hay chủ nhân tiềm tàng của nó lại có thể có một giá trên trời. Từ nghịch lí này các nhà kinh tế cổ điển rút ra kết luận là lợi ích không có bất kì vai trò gì trong việc giải thích những giá tương đối.  
Như vậy các nhà kinh tế cổ điển đã hướng đến một cách giải thích hoàn toàn khác, bằng những khái niệm chi phí sản xuất. Thật vậy, họ nhận xét là tất nhiên trong ngắn hạn giá cả được xác định trên các thị trường bởi sự tương tác của cung và cầu, nhưng những giá này chủ yếu là những giá dao động vì những khối lượng cung và cầu không ngừng thay đổi. Đối với họ điều này không mấy thoả đáng vì họ đi tìm một quan hệ ổn định hơn. Họ nghĩ là đã tìm ra quan hệ này khi quan sát được trong dài hạn là giá cả có xu hướng tiến đến những chi phí sản xuất của các hàng hoá do bị ràng buộc của áp lực cạnh tranh. Chính như thế mà lí thuyết cổ điển về giá trị đã trở thành một lí thuyết những giá trị trao đổi trong dài hạn, đặt cơ sở vững chắc trên những chi phí sản xuất.

Bản chất của cuộc cách mạng cận biên

William Stanley Jevons (1835-1882)
Cuộc cách mạng khoa học này diễn ra từ 1871 đến 1874. Cuộc cách mạng này gắn dứt khoát với tên của ba nhà kinh tế trong đại học, thuộc ba nước khác nhau, hoàn toàn không quen biết nhau và bằng những con đường độc lập với nhau đã đi đến những kết quả giống nhau. 
Đó là William Stanley Jevons (1835-1882), giáo sư tại Manchester, người công bố tác phẩm Theory of Political Economy năm 1871. Cùng năm đó, Carl Menger (1840-1921), sau này là giáo sư đại học Wien, cho xuất bản tác phẩm Grundsätze der Volkswirtschaftslehre, nghĩa là Những nguyên lí cơ bản của kinh tế chính trị học. Cuối cùng năm 1874, Léon Walras (1844-1910), giáo sư người Pháp tại đại học Lausanne (Thuỵ Sĩ), cho xuất bản lần đầu tác phẩm Élémént déconomie politique pure của ông. Ba tác phẩm này được xem là điểm xuất phát của cuộc cách mạng cận biên.
Carl Menger (1840-1921)
Thật thế, cả ba tác giả này đã chọn cùng một giả thiết làm việc: họ đều thừa nhận là mọi nhu cầu có thể bị bão hoà. Bởi thế khi số đơn vị sẵn có cho một chủ thể ngày càng tăng thì sự thoả mãn mà đơn vị thêm vào hay đơn vị cận biên mang lại cho chủ thể đó giảm dần, điều này được gọi là qui luật lợi ích cận biên giảm dần. Jevons và Walras, vốn là những nhà toán học, trình bày qui luật này bằng một hàm lợi ích mô tả những biến thiên của lợi ích của một sản phẩm tuỳ theo những số lượng có được, một hàm mà đạo hàm của nó là lợi ích cận biên. Về phần Menger, ông phát biểu bằng lời văn nhưng đi tới cùng một kết quả bằng cách xác định việc phân bổ một sản phẩm một cách duy lí tuỳ theo những cường độ nhu cầu khác nhau: ông chỉ ra là những liều lượng cận biên của sản phẩm này phải được phân bổ cho những nhu cầu có cường độ giảm dần. Chuyển sang bước thứ hai của lập luận, các tác giả này cho rằng mình có khả năng xây dựng một hàm cầu, tượng trưng cho biến thiên của những số lượng được yêu cầu của một sản phẩm tuỳ theo giá của sản phẩm này. Thể theo qui luật lợi ích cận biên giảm dần, họ chứng minh rằng cầu của một sản phẩm tất yếu là một hàm giảm với giá của sản phẩm đó, hay là giá tối đa mà người ta chịu trả cho sản phẩm ấy là một hàm giảm với số lượng sản phẩm được đề nghị. Như vậy, họ có thể chứng minh là tỉ số giá của các hàng hoá bao giờ cũng phản ảnh tỉ số của những lợi ích cận biên của chúng, và qui lại điều này trả lời cho câu hỏi mà lí thuyết giá trị đặt ra: những giá tương đối được xác định vừa bởi lợi ích vừa bởi sự khan hiếm của các sản phẩm. Cần nói rõ là, vì vào lúc bấy giờ đây là một đổi mới, khái niệm giá trị được vận dụng trong những lập luận trên là thuần tuý chủ quan. Tóm lại lợi ích là khả năng của một sản phẩm thoả mãn được một nhu cầu mà một chủ thể cảm nhận, bất kể nhu cầu đó là nhu cầu gì. Nhà kinh tế chỉ ghi nhận quan hệ này mà không bình luận gì thêm. Do đó lợi ích có thể liên quan đến một nhu cầu mê tín hay một nhu cầu truỵ lạc. Trên cương vị của mình, nhà kinh tế không cần quan tâm đến việc này.
Léon Walras (1844-1910)
Bước cuối cùng của lập luận trong lĩnh vực này nhằm suy ra từ những phân tích trên một qui tắc phân bổ duy lí những nguồn lực cho mọi tác nhân kinh tế, dù cho đó là người sản xuất hay người tiêu dùng, phải phân bổ chi tiêu của mình giữa nhiều sản phẩm: mỗi tác nhân phải sắp xếp các nguồn lực của mình sao cho mỗi đơn vị tiền tệ phải mang lại cho bản thân cùng một mức thoả mãn cho mỗi mua sắm trong giới hạn của ngân sách của mình. Đó là qui luật được gọi là qui luật bằng nhau của những lợi ích cận biên gia quyền (lợi ích cận biên gia quyền của một sản phẩm là lợi ích cận biên của sản phẩm này nhân cho giá của nó). Mặt khác, đây cũng là qui luật bằng nhau của những lợi ích cận biên đơn vì qui luật này có nghĩa là chừng nào chưa đạt được sự bằng nhau giữa những thoả mãn cận biên thì quyền lợi của tác nhân là nên sắp xếp lại việc sử dụng các nguồn lực của mình.
Ở đây có thể nêu lên ba nhận xét. Trước hết Jevons và Walras, trong thời gian này có trao đổi thư từ với nhau, một ít lâu sau nhận ra rằng có một tác giả Đức hoàn toàn vô danh đã đi trước họ. Đó là Hermann Henrich Gossen (1810-1858), một người tự học mà tác phẩm, xuất bản năm 1854, bị chìm trong quên lãng và gần như không còn tìm ra được nữa. Thật vậy, Gossen đã nêu lên qui luật tính bão hoà của nhu cầu cũng như qui luật bằng nhau của những lợi ích cận biên.
Nhận xét thứ hai là nghịch lí nổi tiếng về giá trị, một nghịch lí đã từng thử thách tính nhạy bén của các nhà kinh tế cổ điển, từ nay được giải quyết. Thật vậy, khi các nhà kinh tế cổ điển tuyên bố rằng giá trị sử dụng của nước cao hơn rất nhiều giá trị sử dụng của kim cương thì hình như họ ghi nhận một chân lí hiển nhiên. Thế mà sự thật lại không phải là thế: công lao của các nhà cận biên chính là đã chứng minh rằng mệnh đề này chỉ áp dụng đuợc một cách chặt chẽ nếu ta xét đến tổng lợi ích của sản phẩm. Thế mà giá tối đa ta sẵn sàng trả cho một đơn vị của một sản phẩm bất kì phụ thuộc vào lượng sẵn có của đơn vị này: số lượng sẵn có của sản phẩm này càng cao thì thì lợi ích cận biên của nó càng thấp và do đó giá đơn vị mà ta sẵn sàng trả cho sản phẩm này lại càng thấp. Trong tất cả những tình huống thông thường của đời sống kinh tế, nước là cực kì dồi dào hơn kim cương; do đó lợi ích cận biên của kim cương cao hơn rất nhiều lợi ích cận biên của nước. Thế mà chính lợi ích cận biên của sản phẩm, chứ không phải tổng lợi ích của sản phẩm này mới quyết định giá mà ta sẵn sàng cung cấp nó. Như vậy nghịch lí nước được giải quyết: ta hiểu rằng lợi ích giữ một vai trò quan trọng trong đánh giá của các tác nhân kinh tế về các sản phẩm. Đồng thời ta hiểu vì sao giá đơn vị của kim cương lại cao hơn giá đơn vị của nước đến thế. 
Nhận xét thứ ba là quả thật trong trường hợp này ta gặp phải một cuộc cách mạng. Ta chứng kiến một đảo lộn thật sự của cách nhìn vấn đề. Thật vậy, các nhà kinh tế cổ điển nhìn thấy trong chi phí sản xuất, nói cách khác trong một yếu tố của cung, nguyên lí giải thích của giá, và nguyên lí này được áp đặt lên tất cả các tác nhân, đặc biệt là cho người tiêu dùng. Ngược lại, các nhà kinh tế cận biên chỉ rõ là tất cả dựa trên cầu. Chính đánh giá của người sử dụng cuối cùng về những sản phẩm và dịch vụ mới xác định giá cả của những sản phẩm và dịch vụ này, và qua đó đồng thời xác định giá cả của tất cả những sản phẩm và dịch vụ khác đã góp phần vào việc sản xuất ra những sản phẩm và dịch vụ này. Tóm lại, thay vì đánh giá đi từ thượng nguồn xuống hạ nguồn thì nay đánh giá bắt đầu từ hạ nguồn đi lên thượng nguồn. Người tiêu dùng đã trở thành người chủ của cuộc chơi, điều đôi lúc được gọi là quyền tối thượng của người tiêu dùng. Do đó Gossen đã không sai lầm khi nhìn thấy trong phát hiện của ông điểm xuất phát của một cuộc cách mạng copernician.
HUTCHISON T. W., A Review of Economic Doctrines (1870-1929), Oxford, Basil Blackwell, 1985. JESSUSA C., Histoire de la théorie économique, Paris, PUF, 1991. 
Claude JESSUA
Giáo sư ưu tú đại học Panthéon-Assas (Paris 2)
Nguyễn Đôn Phước dịch

® Chi phí; Cung và cầu (qui luật); Giá trị; Kinh tế toán học; Lợi ích; Lợi nhuận; Walras.

Print Friendly and PDF