24.3.21

Cuộc chạy đua tìm thuốc chủng ngừa: sở hữu trí tuệ, một sự “ăn cắp” kìm hãm đổi mới

CUỘC CHẠY ĐUA TÌM THUỐC CHỦNG NGỪA: SỞ HỮU TRÍ TUỆ, MỘT SỰ “ĂN CẮP” KÌM HÃM ĐỔI MỚI

Tác giả: Michel Ferrary

Giáo sư quản trị học tại Đại học Genève, chuyên viên nghiên cứu, SKEMA Business School

Các công ty khởi nghiệp BioNTech và Moderna đã thành công trong việc đánh bại những công ty khổng lồ của ngành công nghiệp dược trong lĩnh vực sáng chế thuốc chủng ngừa Covid-19. Shutterstock

Ta có thể ngạc nhiên vì các công ty khởi nghiệp đã tìm ra vắc xin ngừa Covid-19 nhanh hơn một số phòng thí nghiệm lớn về dược. Thật vậy, không phải Sanofi (đầu tư 6 tỷ euro cho nghiên cứu và triển khai (R&D) và có 100.409 nhân viên năm 2019[*]), không phải Roche (với 11,7 tỷ euro đầu tư cho R&D và có 97.735 nhân viên), cũng không phải Novartis (10,5 tỷ euro đầu tư cho R&D và có 103.914 nhân viên) đã tìm ra những vắc xin hiệu quả nhất mà lại là hai công ty nhỏ về kỹ thuật sinh học: BioNTech, một công ty Đức được thành lập năm 2008 (với doanh số 96,7 triệu euro, 201 triệu euro cho R&D và có 1.310 nhân viên năm 2019) và Moderna, một công ty Mỹ được thành lập năm 2010 (442 triệu euro cho R&D, doanh số 53 triệu euro và có 830 nhân viên năm 2019).

Các công ty khởi nghiệp này là khởi đầu cho các vắc xin dựa trên ARN Messenger (axit ribonucleic), một đổi mới triệt để trong sinh học mà các nhóm sản xuất lớn về dược phẩm không biết đến và vẫn chỉ tập trung vào công nghệ ADN (axit deoxyribonucleic).

Tại sao hai chàng tí hon David của công nghệ sinh học lại đánh bại được những gã khổng lồ Goliath của công nghiệp dược về việc sáng chế vắc xin ngừa Covid-19? Câu trả lời của chúng tôi là: chế độ pháp lý về quyền nắm giữ sở hữu trí tuệ kìm hãm sự đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp lớn.

Không khuyến khích lấy rủi ro

Về mặt lý thuyết, bằng sáng chế là một chứng nhận sở hữu công nghiệp trao cho người sở hữu nó độc quyền khai thác sáng chế trong nhiều năm. Độc quyền về tri thức được sáng tạo ra được cho là khuyến khích về mặt tài chính các nhà sáng chế tiềm năng dám lấy rủi ro đăng ký cấp bằng sáng chế và thương mại hóa sáng chế đổi mới của họ để đóng góp vào sự tiến bộ của xã hội.

Thực tế công nghiệp lại khác. Trong khuôn khổ của chế độ làm công ăn lương, sở hữu trí tuệ một sáng chế nào đó không thuc về người sáng chế mà thuộc về người chủ của họ. Người chủ hưởng quyền hợp pháp khai thác thương mại sáng chế của nhân viên. Trong các doanh nghiệp lớn, người sáng chế thường chỉ nhận được một thù lao rất nhỏ cho bằng sáng chế của mình.

Minh họa cho vấn đề này là trường hợp của Shuji Nakamura, kỹ sư của công ty Nhật Bản Nichia, sau này ông được giải Nobel vật lý năm 2014. Năm 1993, người kỹ sư này đệ trình một bằng sáng chế về công nghệ LED (Light Emitting Diode), và chủ của ông đã thưởng cho ông khoảng 180 đô la Mỹ. Nhờ bằng sáng chế này, công ty đã trở thành một trong những nhà sản xuất LED quan trọng nhất trên thế giới và đã thực hiện doanh thu nhiều trăm triệu đô la Mỹ.

Shuji Nakamura đã thắng kiện chủ công ty cũ, tố cáo mức thù lao không thỏa đáng. Kazuhiro Nogi/AFP

Năm 2001, Shuji Nakamura đã khởi kiện khẳng định rằng chủ công ty của ông đã không trả thù lao cho ông một cách công bằng. Năm 2004, các tòa án đã cho ông thắng kiện và buộc công ty Nichia trả cho ông gần 200 triệu đô là Mỹ; thừa nhận rằng công ty chủ đã chiếm đoạt giá trị được tạo ra nhờ sáng chế của nhân viên nghiên cứu của công ty.

Trong các doanh nghiệp lớn, khung pháp lý tước quyền khai thác sáng chế của nhân viên nghiên cứu, và từ đó, không còn khuyến khích nhân viên lấy rủi ro để đổi mới sáng tạo. Các chuyên viên nghiên cứu của Sanofi, Roche hay Novartis không kém năng lực hơn các chuyên viên của BioNtech nhưng họ không hề được thực sự khuyến khích chịu cực nhọc để tìm ra vắc xin và lấy rủi ro để nghiên cứu những đổi mới sáng tạo triệt để.

Hơn nữa, vì kiến thức ngầm lúc ban đầu của nhân viên nghiên cứu không thể được mã hóa hoàn toàn và ghi rõ trên bằng sáng chế, nên doanh nghiệp không thực sự thủ đắc toàn bộ kiến thức cần thiết để khai thác sáng chế. Kiến thức ngầm vẫn do người sáng chế nắm giữ.

Chính thực trạng giữa nhân viên nghiên cứu của doanh nghiệp lớn không được khuyến khích tìm tòi những đổi mới sáng tạo triệt để và chủ doanh nghiệp không thể chiếm hữu được toàn bộ kiến thức liên quan đến sáng chế là lời giải thích năng lực sáng tạo yếu kém của các phòng thí nghiệm lớn về dược.

Sự trưng dụng

Ngược lại, liên quan đến hai chàng David của chúng ta, tất nhiên là các bằng sáng chế do nhân viên đăng ký thuộc về doanh nghiệp, nhưng các lãnh đạo và nhiều nhân viên là cổ đông và như vậy gián tiếp là chủ sở hữu các bằng sáng chế.

Stéphane Bancel (1972-)

Ugur Sahin (1965-)

Ugur Sahin, chủ tịch kiêm tổng giám đốc điều hành và là người đồng sáng lập BioNTech, là đồng tác giả của 39 trong tổng số 46 bằng sáng chế cấp cho công ty của ông. Ông nắm giữ 18% vốn của công ty và nhiều nhân viên cũng là cổ đông. Vào tháng ba năm 2021, tạp chí Forbes ước lượng giá trị phần tham gia của ông vào BioNTech lên đến 4,6 tỷ đô la Mỹ. Việc ông lấy rủi ro để nghiên cứu đổi mới sáng tạo triệt để về ARN Messenger đã được trả thù lao vì ông là cổ đông.

Tương tự, Stéphane Bancel, chủ tịch kiêm tổng giám đốc điều hành của Moderna, nắm giữa 9% vốn của công ty và nhân viên nắm giữ 40,8%. Stéphane Bancel là đồng tác giả của 15 trong số 40 bằng sáng chế do công ty nắm giữ. Vào tháng ba năm 2021, tạp chí Forbes ước tính giá trị phần tham gia của ông vào vốn của Moderna lên đến hơn 5 tỷ đô la Mỹ.

Trong trường hợp của BioNTech và Moderna, các lãnh đạo và nhiều nhân viên nghiên cứu, do cương vị cổ đông của họ, nắm giữ một cách gián tiếp một phần quan trọng quyền sở hữu trí tuệ của công ty mà họ đã góp phần thành lập. Hơn nữa, họ là người nắm giữ với tư cách cá nhân những kiến thức ngầm cần thiết cho quá trình công nghiệp hóa sáng chế của họ. Ngay cả những nhân viên đã góp phần vào sáng chế mà tên của họ không xuất hiện trên bằng sáng chế cũng nắm giữ một phần sở hữu trí tuệ nếu họ là cổ đông của chương trình khởi nghiệp được cấp bằng sáng chế.

James Simons (1938-)

Như vậy, việc tìm kiếm vắc xin ngừa Covid-19 cho ta biết rằng cương vị nhân viên-cổ đông của chương trình khởi nghiệp start-up cho phép người sáng chế giữ được sở hữu trí tuệ của sáng chế của mình và tạo nên một hợp đồng khuyến khích lấy rủi ro và đổi mới sáng tạo, như chúng tôi đã nêu ra trong một bài báo nghiên cứu được công bố năm 2008. Vả lại, điều đó còn làm cho một số nhân viên nghiên cứu rời bỏ các doanh nghiệp lớn để thành lập các công ty khởi nghiệp của chính họ.

Để phỏng theo Pierre-Joseph Proudhon, cha đẻ của chủ nghĩa vô chính phủ, trong một xã hội tri thức, sở hữu trí tuệ là “ăn cắp”. Thật vậy, nó tước đi kiến thức của các nhân viên nghiên cứu để làm lợi cho những cổ đông của các tập đoàn lớn. Sự truất hữu này làm hại cho đổi mới sáng tạo vì những người nắm giữ kiến thc thực sự, nghĩa là những nhân viên nghiên cứu của các doanh nghiệp lớn không còn động cơ thúc đẩy họ đổi mới sáng tạo và chủ doanh nghiệp là những người nắm giữ hợp pháp các bằng sáng chế lại không có được toàn bộ các kiến thức ngầm cần thiết cho viêc khai thác sáng chế.

Hủy bỏ sở hữu trí tuệ?

James Simons (1938-)

Thế nhưng nhiều lĩnh vực không được bảo vệ bởi các bằng sáng chế lại tỏ ra đặc biệt sáng tạo. Ví dụ năm 2004 chúng tôi đã nghiên cứu cộng đồng Linux và phần mềm miễn phí của họ. Đổi mới sáng tạo của họ đã làm đảo lộn ngành công nghiệp tin học đang bị thống trị bởi những tập đoàn lớn như Microsoft, IBM hay Oracle nhưng họ không thể chiếm hữu hợp pháp các đổi mới.

Cũng như vậy, các ngân hàng lớn không đăng ký hay đăng ký rất ít bằng sáng chế. Thế mà họ sử dụng hàng ngàn kỹ sư và tiến sĩ đồng thời chứng tỏ một năng lực đổi mới sáng tạo to lớn.

Renaissance Technologies, một trong những quỹ phòng hộ hiệu năng cao nhất và sáng tạo nhất, do James Simons, giáo sư toán học tại Đại học New York thành lập, đã không đăng ký một bằng sáng chế nào từ khi thành lập năm 1982. Ngược lại, tất cả các sáng lập viên và nhân viên đều là cổ đông của quỹ Medallion là quỹ có hiệu năng cao nhất của công ty.

Về phần mình, năm 2014, Ekon Musk đã quyết định cho tiếp cận miễn phí tất cả bằng sáng chế của Tesla Motors. Sự từ bỏ sở hữu trí tuệ này đã không gây hại cho năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp.

Nhìn xa hơn lĩnh vực doanh nghiệp, có thể tính đến hai hướng để khuyến khích đổi mới sáng tạo. Hướng thứ nhất là cấp sở hữu trí tuệ của một sáng chế cho tác giả chứ không phải cho doanh nghiệp, yêu cầu doanh nghiệp khuyến khích nhân viên đó tham gia khai thác sáng chế của mình bằng cách phân phối tốt hơn giá trị được sáng chế tạo ra.

Các doanh nghiệp như Google đã thiết lập các cơ chế trong nội bộ các đơn vị của doanh nghiệp, chia sẻ sở hữu trí tuệ với nhân viên bằng cách hỗ trợ các công ty spin-off (Spin-off hay còn được gọi là “spin-out”, là một pháp nhân độc lập được thành lập bởi một tổ chức mẹ (Parent Organization - PO) để khai thác tài sản trí tuệ - ND chú thích -) và đề nghị một hợp đồng khuyến khích nhân viên đổi mới sáng tạo. Đó là điều chúng tôi đã quan sát được trong một nghiên cứu trường hợp điển hình đã được công bố năm 2013.

Hướng thứ hai, triệt để hơn, xuất phát từ nguyên tắc cho rằng mọi kiến thức được sản sinh ra bởi một cá nhân thực ra đều là kết quả của rất nhiều tác nhân của xã hội. Do đó, kiến thức này trở thành một tài sản chung thuộc về tất cả mọi người. Vậy thì nên hủy bỏ sở hữu trí tuệ cấp cho một cá nhân hay một tổ chức.

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:Course au vaccin: la propriété intellectuelle, c’est le “vol” qui freine l’innovation“, The Conversation, 11.3.2021.




Chú thích:

[*] Các số liệu (doanh số, R&D, số nhân viên) được trích từ các báo cáo thường niên của các công ty được nêu.

Print Friendly and PDF