15.6.16

Vì một thời đại mới của kinh tế học



Vì một thời đại mới của kinh tế học

Antoine Reverchon
Hơn một trăm nhà kinh tế quốc tế, chủ yếu là anglo-saxon, tham gia hội thảo hằng năm lần thứ sáu của Institute for New Economic Thinking (INET) tại Paris. Bất bình đẳng, các cuộc khủng hoảng Hy lạp và Âu châu, chính sách khắc khổ và giảm phát, biến đổi khí hậu, vai trò của các ngân hàng trung ương, điều tiết tài chính, tái cơ cấu nợ công, cách tân: những chủ đề được đề cập ở cuộc hội thảo này, diễn ra cho đến ngày 11 tháng 4 năm 2015 tại trụ sở của OECD, đều có tính thời sự. Tên của hai vị khách mời, Thomas Piketty và Yanis Varoufakis được công chúng biết đến, nhưng đó không phải là trường hợp của những nhà sáng lập và lãnh đạo INET – ngoại trừ Joseph Stiglitz, giải Nobel kinh tế (2001). Thế mà tham vọng của họ là “đào tạo thế hệ sắp tới những nhà lãnh đạo kinh tế thế giới, sáng tạo một tư tưởng kinh tế mới, và khuyến khích giới kinh tế học đáp ứng những thách thức của thế kỉ XXI”.
Thomas Piketty (1971-)
Yanis Varoufakis (1961-)
James Mirrlees (1936-)








James Heckman (1944-)
John M. Keynes (1883-1946)
Với một chương trình như thế, INET có thể che đậy một tổ chức hành động của những nhà kinh tế li khai đi tìm tiếng tăm. Nhưng đó không phải là trường hợp của INET. Hội đồng khoa học của INET, ngoài Joseph Stiglitz còn có năm giải Nobel kinh tế khác: James Mirrlees (1996), Amartya Sen (1998), James Heckman (2000), George Akerlof và Michael Spence (2001). Thành lập năm 2010, hội thảo hằng năm đầu tiên của INET được tổ chức tại King’s College, ở Cambridge, nơi Keynes (1883-1946) từng theo học và giảng dạy. INET tài trợ khoảng 4 triệu đôla mỗi năm học bổng nghiên cứu cho sinh viên khắp thế giới. INET đã thiết kế những chương trình nghiên cứu với các trường đại học Cambridge, Oxford, Harvard, Berkeley, Thanh Hoa (Bắc Kinh), Bangalore (Ấn Độ), Moscou, Saint-Pétersbourg, Toronto, Copenhague, Hong Kong … Tuy nhiên INET không phải là một đại học; đó là một quỹ được nhà tài chính George Soros tài trợ ban đầu 50 triệu đôla, và tiếp đó là Jim Balsillie, nguyên chủ nhân của Blackberry và William Janeway của quỹ đầu tư Warburg Pincus nối gót.
Amartya Sen (1933-)
Jim Balsillie (1961-)
 
Michael Spence (1943-)







William Janeway (1943-)
Robert Johnson
Một cách tiên nghiệm, những sự bảo trợ như thế dường như không phải là một điềm thuận lợi cho việc phát triển một tư tưởng phản kháng. Mặt khác, Robert Johnson, chủ tịch hiện nay của INET, đặt Viện trong một logic hoàn toàn khác: “Chúng tôi không thuộc cánh tả, cũng không thuộc cánh hữu, không phải là những nhà friedmanian lẫn những nhà keynesian. Mục đích của chúng tôi đơn giản là khuyến khích sự phê phán và tranh luận, như trong các bộ môn khoa học khác. Chúng tôi xuất phát từ các lí thuyết kinh tế hiện có, đối chiếu chúng qua thử thách trên thực địa, và như thế phát hiện những sai lầm phạm phải nhân danh lí thuyết”. Nếu tin vào INET thì có vô số những sai lầm như thế. Robert Johnson nói tiếp: “Từ những năm 1980, mô hình hóa toán học bắt đầu ngự trị trong các khoa kinh tế ở các đại học Mĩ. Nó phủ nhận là sự tồn tại, vai trò và ý chí của con người, sự tương tác giữa con người với nhau, ý thức về cái thiện và cái ác có thể có chỗ đứng trong việc giải thích các hiện tượng kinh tế: tất cả đều quy về những phương trình. Giảng dạy kinh tế học là giảng dạy các mô hình này chứ không phải là dạy quan sát các sự kiện trên thực địa”.
David Hendry (1944-)
Willem Buiter (1949-)
Trong những năm 1980 này, một nhóm các nhà kinh tế, trong đó có Willem Buiter, thuộc London School of Economics, David Hendry thuộc đại học Oxford và Anatole Kaletsky, cây bút viết xã luận của Financial Times phản bác việc toán học hóa quá đáng này. Năm 1988, nhà tài chính George Soros trong tác phẩm The Alchemy of Finance (Giả kim thuật tài chính) trình bày một cách nhìn vô cùng phê phán đối với chính nghề nghiệp của ông. Theo Robert Johnson, “trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 chúng tôi hiểu là chính ngay các hệ ý của lí thuyết kinh tế đã thất bại: các nhà kinh tế chịu trách nhiệm về những quyết định sai lầm vì lí thuyết của họ không tính đến thực tế.
Tiếp theo những cuộc bàn luận sôi nổi vào mùa xuân và mùa hè năm 2009, sau khi ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ, những “cây đa cây đề” của khoa học kinh tế Mĩ gặp nhau vào tháng chín cùng năm ở Bradford, gần New York. Robert Johnson kể lại: “Ở đó có mặt Joseph Stiglitz, George Akerlof, James Mirrlees, Jeffrey Sachs … và George Soros. Vào cuối buổi họp, George Soros nói với chúng tôi: “Phải thay đổi hoàn toàn nghề này”. Vào tháng tư năm 2010, INET được thành lập”.
William Phillips (1914-1975)
Ngay từ hội nghị thành lập năm 2010, ba trụ cột chính của lí thuyết kinh tế thống trị bị các diễn giả phê phán không thương tiếc. Giáo điều thứ nhất: các thị trường có thể tự điều chỉnh vì hành vi của các tác nhân kinh tế là duy lí. – tác nhân nhắm đến việc tối ưu hóa lợi ích của mình. Đó là những “dự kiến duy lí”. Giáo điều thứ hai: do các thị trường có hiệu quả nên các chính sách kinh tế phải để cho các thị trường đạt đến cân bằng tự nhiên tối ưu của chúng, được thể hiện bằng mức tương đối của giá cả và thất nghiệp – đó là điều được gọi bằng đường Phillips theo tên nhà sáng tạo đường này là Alban William Phillips (1914-1975). Giáo điều thứ ba: do các cân bằng trên thị trường thực hiện một cách tự phát sự phân bổ tốt nhất các nguồn lực nên sự vận hành tự do của thị trường cho phép làm gia tăng của cải của mọi người và của mỗi người.
Eugene Fama (1939-)
Robert Lucas (1937-)
Thể theo lí thuyết các dự kiến duy lí, được Robert Lucas (giải Nobel 1995) phát triển, và lí thuyết các thị trường hiệu quả, được Eugene Fama phát triển trong những năm 1960, sự tương tác của hành vi các tác nhân có động cơ là quyền lợi bản thân dẫn đến một cân bằng tối ưu được thể hiện bằng giá trao đổi trên các thị trường. Một khi được mô hình hóa, các hành vi này trở thành dự đoán được, điều này cho phép các nhà kinh tế tính đi tính lại việc “tối ưu hóa” các mô hình trong các tạp chí khoa học và cho phép nền công nghiệp tài chính thiết chế những sản phẩm ngày càng phức tạp bằng cách tính đến từng xu rủi ro gắn với hành vi các tác nhân.
Daniel Kahneman (1934-)
Gary Becker (1930-2014)
Tuy nhiên, trong những năm 1980, các cuộc khủng hoảng tài chính cho thấy rằng, trong thực tế, ứng xử của các tác nhân kinh tế có thể là không duy lí – thậm chí đôi lúc đi ngược với chính quyền lợi của họ. Nhưng không vì thế mà các lí thuyết gia mất tự tin: những trường hợp trên về sự không tuân thủ lí thuyết mở đường cho kinh tế học “hành vi” do Gary Becker (1930-2014, giải Nobel 1992), Daniel Kahneman (giải Nobel 2002) và George Akerlof (giải Nobel 2001) cổ vũ, hay cho các khái niệm “thị trường không hoàn hảo” và “thông tin không đối xứng” của Joseph Stiglitz, khôi nguyên của giải Nobel 2001. Lí thuyết cũng hướng dẫn các chính sách công cộng về điều tiết, ngay cả ngày hôm nay: để cho các thị trường trở về thế cân bằng “tự nhiên” được lí thuyết dự báo, phải thiết lập một sự minh bạch tối đa để các chủ thể có thể hành động một cách duy lí và phù hợp với quyền lợi của họ. Việc các cuộc khủng hoảng trong những năm 1980 dường như được khắc phục có vẻ xác nhận giá trị của lí thuyết kinh tế thống trị: từ đó nhiều nhà kinh tế rút ra kết luận là không thể quy trách nhiệm các cuộc khủng hoảng trên cho bản thân lí thuyết này mà phải quy cho khoảng cách đối với tính thuần khiết của lí thuyết.
Tuy nhiên kể từ năm 2008, “khoảng cách” lớn đến độ là các mô hình lần lượt sụp đổ. Roman Frydman và Michael Goldberg, tác giả của Beyond Mechanical Markets - Asset Price Swings, Risk, and the Role of the State cho rằng quá trình ấn định giá trên thị trường về bản chất là không duy lí và hành vi các tác nhân có tính ngẫu nhiên: vả lại, theo họ, chính tính bất trắc kép này mở đường cho lợi nhuận, nghĩa là cho thu hoạch của người này gây thiệt cho người khác. Robert Johnson kết luận: “từ nay chúng ta biết rằng các thị trường là triệt để bất trắc. Mọi mô hình nhằm dự báo hay tìm kiếm một cân bằng ổn định tất yếu sẽ thất bại”.
George Soros (1930-)
Trụ cột thứ hai của giáo điều, “tự do kinh doanh” được dựng lên thành chính sách cũng sụp đổ. Kể từ những năm 1980, các chính sách kinh tế vĩ mô nhằm đạt đến cân bằng “tự nhiên” của đường Phillips, mà ta có thể tóm tắt như sau: khi tỉ suất thất nghiệp giảm thì lương tăng thể theo luật cung cầu; tiếp đó các doanh nghiệp tăng giá để phục hồi lợi nhuận. Trong trường hợp ngược lại, giá cả giảm khi thất nghiệp tăng. Do đó, mục tiêu của chính sách kinh tế là phải tôn trọng mức giá “tự nhiên” và mức thất nghiệp “tự nhiên”. Lạm phát, nghĩa là gia tăng của giá cả vượt mức tối ưu của thị trường là kẻ thù chính. Do chi tiêu công cộng là nhân tố đầu tiên làm méo mó giá cả nên phải giảm các chi tiêu này kể cả những chi tiêu mà khi tạo ra việc làm đưa thất nghiệp xuống dưới mức “tự nhiên” của nó. Tương tự, mọi gia tăng của thất nghiệp vượt qua mức “tự nhiên” của nó được xem như dấu hiệu của tính thiếu linh hoạt của thị trường lao động và một sự bảo vệ quá đáng người thất nghiệp khiến cho doanh nghiệp không thể tuyển dụng nhân công cần thiết với một chi phí tương thích với các giá cân bằng.
Anatole Kaletsky (1952-)
Điều phiền toái, như Anatole Kaletsky đã chứng minh ở buổi hội thảo khai mạc INET năm 2010, là kể từ đầu những năm 1980, đường Phillips không hoạt động nữa: diễn tiến của thất nghiệp và lạm phát độc lập với nhau vì có những nhân tố, khác với cung và cầu, trên thị trường việc làm, giải thích sự hình thành của giá cả, trong chiều tăng cũng như chiều giảm – toàn cầu hóa các chuỗi giá trị, tài chính hóa của nền kinh tế hay năng lực của các công ti đa quốc gia khổng lồ trong việc khuynh đảo nền kinh tế của một lãnh thổ bằng cách tự ý dịch chuyển những khối cực lớn những giá trị hay công nghệ. Do đó, từ nay, theo Stiglitz, mục tiêu “giá cân bằng tự nhiên” trở thành một giáo điều lỗi thời và nguy hiểm vì nó sinh ra chính sách khắc khổ và thất nghiệp.
Andrew Sheng (1946-)
Từ đó, Robert Johnson rút ra kết luận là “phải xem xét lại toàn bộ những quy tắc điều hành kinh tế”. Như vậy, INET chủ trương “xây dựng lại cơ sở của kinh tế học chính trị”: ngày nay, theo INET, duy chỉ có việc kéo kinh tế và chính trị lại gần nhau, điều mà lí thuyết từng muốn tách biệt, mới cho phép thiết kế những giải pháp trước các thách thức của thời đại, đặc biệt là sự nóng lên của khí hậu. Như vậy, tại hội thảo Berlin năm 2012, Andrew Sheng, thành viên của hội đồng INET và của các định chế tài chính cao nhất ở Trung Quốc khẳng định: “Chúng ta phải tìm ra những đòn bẫy tác động cho phép hợp tác chung quanh những sản phẩm chung (common goods) là khí hậu, đa dạng sinh học, tài nguyên thiên nhiên”.
Ngày nay, các định chế của “đồng thuận Washington” – Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB) và Tổ chức thương mại thế giới (WTO) – vẫn bảo vệ trụ cột thứ ba của giáo điều, việc thị trường phân bổ tối ưu các nguồn lực. Đối với các định chế này, sự năng động của những nền kinh tế mới nổi ở Đông Á minh chứng cho giá trị của lí thuyết về tính hiệu quả của thị trường. Thật vậy, kể từ những năm 1980, tỉ số người sống dưới ngưỡng nghèo trên thế giới đã bắt đầu giảm, và càng giảm mạnh trong những năm 1990. Cả triệu người ở châu Á, ở Ấn Độ, Trung quốc và châu Mĩ la tinh đã đạt đến mức sống gần với mức của người tây phương.
Branko Milanovic (1953-)
Tuy nhiên lí thuyết này bị quan trắc thực nghiệm quét bay. Thomas Piketty, nhà kinh tế Pháp, đã cho thấy là, từ ba mươi năm nay, những bất bình đẳng ngày càng tăng trong nội bộ các nước phát triển. Branko Milanovic, cựu kinh tế gia của Ngân hàng thế giới và thành viên của hội đồng INET, cũng tiến hành những tính toán đáng chú ý: trong vòng ba mươi năm qua, chênh lệch của cải, tính bằng GDP trung bình trên đầu người, giữa các nước giàu và các nước nghèo giảm dần; nhưng nếu phân bổ toàn thể dân số thế giới trên thang thu nhập thì thu nhập của 1% những người giàu nhất hành tinh tương đương với thu nhập của 61% những người nghèo nhất, và chênh lệch này không ngừng tăng.
Dirk Bezemer
Dirk Bezemer, nhà kinh tế ở đại học Groningen, Hà Lan cũng đã tấn công vào trụ cột giáo điều thứ ba ở hội thảo INET năm 2012 tại Berlin khi hỏi rằng việc phân bổ các nguồn lực có thật sự “tối ưu” không, như lí thuyết khẳng định, trong một thế giới bị sự tài chính hóa nền kinh tế toàn cầu thống trị. Ông tính là, trong vòng ba mươi năm qua, khối lượng tín dụng cho khu vực sản xuất vào khoảng 100% GDP thế giới. Nhưng kể từ những năm 1980, khối lượng tín dụng cho khu vực tài chính và di sản đã bùng nổ: từ 200% GDP thế giới kể từ cuối những năm 1990 lên đến 400% vào năm 2007…
James Galbraith (1952-)
Trước cả Thomas Piketty, nhà kinh tế Mĩ James K. Galbraith năm 2010 tuyên bố tại hội thảo khai mạc INET: “Những bất bình đẳng không phải là hệ quả của những mất cân bằng kinh tế vi mô của thị trường: chúng là nguyên nhân kinh tế vĩ mô của các mất cân bằng này”. Chính vì thế mà ngày nay các nhà kinh tế của INET khẳng định rằng vấn đề thuế khóa phân phối lại và những chuyển nhượng xã hội phải được đặt trở lại ở trung tâm của các các chính sách kinh tế công cộng. Việc còn lại là thuyết phục ngay chính … các nhà kinh tế. Trên chuyện này, nhà tài chính George Soros không mấy ảo tưởng: “Những nhà bảo căn (fundamentaliste) thị trường sẽ là những kẻ cuối cùng thay đổi ý kiến, giống như các nhà marxist hàn lâm ở Liên Xô đã bảo vệ quan điểm của họ đến tận ngày họ chết, khi thế giới của họ đã sụp đổ”.
Bốn kiện tướng của INET
George Soros, sinh năm 1930 tại Budapest. Ông chạy trốn khỏi nước Hung cộng sản năm 1946 và định cư tại Hoa Kì năm 1956, nơi ông thành lập Soros Fund, một trong những quỹ đầu cơ (hedge fund) đầu tiên. Ông thành người cực giàu năm 1992 khi đầu cơ chống đồng bảng Anh. Năm 1993, George Soros sáng lập Open Society Institute, hợp nhất thành mạng những quỹ được thành lập kể từ năm 1984 trong các nước cộng sản đang chuyển đổi; sau đó tổ chức này được nhân bội ở châu Phi và châu Mĩ latinh để khuyến khích nền kinh tế thị trường và đào tạo các nhà lãnh đạo.
Joseph Stiglitz (1943-)

Joseph Stiglitz, sinh năm 1943. Ông là giáo sư kinh tế ở đại học Columbia, New York. Từng là cố vấn kinh tế cho tổng thống Clinton từ năm 1992 đến năm 1997, kinh tế gia trưởng của Ngân hàng thế giới từ năm 1997 đến năm 2000 và nhận giải Nobel kinh tế năm 2001 (cùng với George Akerlof và Michael Spence) cho những công trình về thông tin không đối xứng trong các thị trường không hoàn hảo. Cuốn sách của ông Globalization and Its Discontents (Toàn cầu hóa và những mặt trái, NXB Trẻ, TP HCM, 2008) phê phán “đồng thuận Washington” và chính sách của các định chế tài chính quốc tế trong các nước chậm phát triển.
George Akerlof (1940-)

George Akerlof, sinh năm 1940. Vị giáo sư kinh tế học ở đại học California, Berkeley, giải Nobel kinh tế năm 2001 cùng với Joseph Stiglitz và Michael Spence, được biết đến vì những công trình về hành vi không duy lí của các tác nhân trên các thị trường từ một bài viết công bố năm 1970 về thị trường xe ôtô đã qua sử dụng ở Hoa Kì. Cuốn sách của ông Animal Spirits (Tinh thần động vật, NXB Thời Đại, TP HCM, 2011) viết cùng Robert Shiller lật đổ lí thuyết những “dự kiến duy lí” của các tác nhân.

Roman Frydman (1948-)
Roman Frydman, sinh năm 1945 ở Ba Lan. Ông tị nạn tại Hoa Kì năm 1968 tiếp sau chiến dịch bài Do thái do nhà cầm quyền cộng sản tiến hành. Tại New York, ông học và dạy kinh tế học ở đại học và gặp George Soros. Trong những năm 1990, ông làm tư vấn kinh tế và giảng dạy các nước trong quá trình quá độ hậu cộng sản. Hai tác phẩm của ông, viết cùng Michael Goldberg do Princeton University Press xuất bản năm 2007, Imperfect Knowledge EconomyBeyond Mechanical Markets bác bỏ khả năng có cân bằng giá cả và thị trường ổn định.
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: “Pour un nouvel âge de l’économie”, Le Monde, 11 avril 2015.
Print Friendly and PDF