5.5.24

GUERNICA Chiến tranh và Hoà bình

GUERNICA

CHIẾN TRANH VÀ HOÀ BÌNH

hay bài học chúng ta không bao giờ thuộc?

Phạm Thị Điệp Giang

Cả thế giới mến chuộng nghệ thuật tới Madrid chỉ vì hai tác phẩm: Khu vườn của những lạc thú trần gian của Bosch (thế kỷ 15) tại Bảo tàng Prado – bức tranh được coi là “mở mắt” cho thế giới phương Tây về những tự vấn đạo đức mà bất kỳ ai có học đều cần biết; và Guernica (còn gọi là Chiến tranh và Hoà bình) của Picasso (1937) tại Bảo tàng Reina Sofia.

Không có một thời điểm nào tốt hơn để ngắm Guernica vào thời điểm này – những ngày giữa tháng 4 và tháng 5 – ở thời điểm 87 năm trước về biến cố chính trị và cuộc nội chiến tại Tây Ban Nha mà đỉnh điểm là cuộc ném bom của Phát xít Đức và Ý (theo đề nghị của nhóm theo chủ nghĩa dân tộc Tây Ban Nha) vào ngôi làng Guernica – nơi được coi là trung tâm văn hoá của xứ Basque vào ngày 26/4/1937 – và cũng là thời điểm kết thúc cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam vào 30/4/1975 mà sự liên quan tới bức tranh tôi sẽ chia sẻ phía dưới.

Bức tranh màu xám, đen và trắng, trên canvas cao 3,49 mét (11 ft 5 in) và ngang 7,76 mét (25 ft 6 in), khắc họa nỗi đau khổ do bạo lực và hỗn loạn gây ra. Nổi bật trong bố cục là một con ngựa bị húc, một con bò đực, những người phụ nữ đang la hét, một đứa bé chết, một người lính bị chặt chân tay và những ngọn lửa. Vào tháng 1/1937, khi Pablo Picasso đang sống ở Paris trên đường Rue des Grands Augustins, ông được chính phủ Cộng hòa Tây Ban Nha ủy nhiệm tạo ra một bức tranh tường lớn cho gian hàng Tây Ban Nha tại Hội chợ Thế giới Paris năm 1937. Từ tháng 1 đến cuối tháng 4 Picasso làm trên những bản phác thảo ban đầu của dự án, mô tả chủ đề lâu năm của ông về xưởng vẽ của một nghệ sĩ. Sau đó, ngay khi nghe về vụ đánh bom Guernica ngày 26/4/1937, nhà thơ Juan Larrea đã đến thăm nhà Picasso để thúc giục ông coi vụ đánh bom là chủ đề của mình. Vài ngày sau, vào ngày 1/5, Picasso đọc lời kể của nhân chứng George Steer về vụ tấn công, vốn đã được đăng trên cả The TimesThe New York Times vào ngày 28/4, và từ bỏ ý tưởng ban đầu của mình. Thực hiện theo gợi ý của Larrea, Picasso bắt đầu phác thảo một loạt bản vẽ sơ bộ cho Guernica. Picasso làm việc với bức tranh này trong 35 ngày và hoàn thành vào ngày 4/6/1937. Cho dù có rất nhiều phân tích và lý giải về các biểu tượng trong bức tranh, nhưng Picasso chỉ nói rằng “... con bò đực này là một con bò đực và con ngựa này là một con ngựa... Nếu bạn gán một ý nghĩa cho những điều nhất định trong tranh của tôi thì điều đó có thể rất đúng, nhưng tôi không có ý tưởng đưa ra ý nghĩa này. Tôi cũng đã thu được những ý tưởng và kết luận nào, nhưng theo bản năng, một cách vô thức. Tôi vẽ tranh cho bức tranh. Tôi vẽ các đồ vật đúng như bản chất của chúng.” Picasso sống ở Paris trong thời kỳ Đức chiếm đóng trong Thế chiến thứ hai. Một câu chuyện được kể lại rộng rãi là một sĩ quan Đức nhìn thấy bức ảnh của Guernica trong căn hộ của Picasso và hỏi: “Vậy là anh đã vẽ bức tranh này?”, và Picasso trả lời: “Không, anh đã làm vậy.”

Với bức Guernica, ông được chính phủ cộng hoà Tây Ban Nha trả cho 150 ngàn Franc, là một trong số ít những bức tranh lớn mà Picasso không bán trực tiếp cho nhà buôn tranh và người bạn theo hợp đồng độc quyền của ông, Paul Rosenberg.

Được trưng bày tại triển lãm Tây Ban Nha tại Triển lãm Quốc tế Paris năm 1937 và sau đó tại các địa điểm khác trên khắp thế giới. Cuộc triển lãm du lịch được sử dụng để gây quỹ cứu trợ chiến tranh Tây Ban Nha. Bức tranh nhanh chóng trở nên nổi tiếng và được hoan nghênh rộng rãi, giúp thu hút sự chú ý của toàn thế giới về Nội chiến Tây Ban Nha diễn ra từ năm 1936 đến năm 1939. Tuy nhiên, Picasso trở về Tây Ban Nha lần cuối vào năm 1934 và không bao giờ quay trở lại. Picasso giải thích: “Cuộc đấu tranh của Tây Ban Nha là cuộc đấu tranh phản động chống lại nhân dân, chống lại tự do. Cả cuộc đời nghệ sĩ của tôi không gì khác hơn là một cuộc đấu tranh liên tục chống lại sự phản động và cái chết của nghệ thuật. Làm sao có ai có thể nghĩ được rằng tôi có thể đồng ý với phản động và cái chết không?... Trong nhóm mà tôi đang làm việc, mà tôi sẽ gọi là Guernica, và trong tất cả các tác phẩm nghệ thuật gần đây của tôi, tôi bày tỏ rõ ràng sự ghê tởm của mình đối với giai cấp quân sự đã nhấn chìm Tây Ban Nha, một đại dương đau đớn và chết chóc.

Theo yêu cầu của Picasso, việc bảo quản Guernica sau đó được giao cho Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại MoMA (Hoa Kỳ), và ông bày tỏ mong muốn rằng bức tranh sẽ không được chuyển đến Tây Ban Nha cho đến khi tự do và dân chủ được thiết lập ở nước này. Bức tranh đã chu du suốt từ 1939 tới 1981, các quốc gia Âu châu nhưng phần lớn thời gian ở Hoa Kỳ ở nhiều bảo tàng như ở Chicago, Philadelphia, bảo tàng Fogg ở ĐH Harvard nhưng chủ yếu ở MoMA New York.

Trong Chiến tranh Việt Nam, căn phòng nơi treo bức tranh thỉnh thoảng trở thành nơi tổ chức các buổi cầu nguyện phản chiến. Những điều này thường diễn ra trong hòa bình và yên bình, nhưng vào ngày 28/2/1974, Tony Shafrazi với lý do phản đối lời thỉnh cầu của Thiếu úy William Calley về habeas corpus (lệnh đình quyền giam giữ) sau bản cáo trạng và tuyên án về tội giết 109 thường dân Việt Nam trong vụ thảm sát Mỹ Lai – đã làm bẩn mặt bức tranh bằng bình xịt sơn màu đỏ dòng chữ “KILL LIES ALL” (Giết chóc dối trá hết). Lớp sơn sau đó được loại bỏ. (Vào ngày 16/3/1968 tại khu vực thôn Mỹ Lai (xã Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi), các đơn vị lính Lục quân Hoa Kỳ đã thảm sát hàng loạt từ 347 cho đến 504[5] thường dân không có vũ khí, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Trước khi bị sát hại, nhiều người trong số các nạn nhân còn bị cưỡng bức, quấy rối, tra tấn, đánh đập hoặc cắt xẻo các bộ phận trên cơ thể. Vụ thảm sát đã bị che giấu, trong báo cáo của quân đội Mỹ ghi rằng họ đã “tiêu diệt 128 binh lính kẻ thù mà không chịu bất cứ thương vong nào”. Cho tới cuối năm 1969, vụ việc mới bị phát hiện. Tuy nhiên, tòa án Mỹ đã không kết tội bất cứ sĩ quan hay binh lính Hoa Kỳ nào sau vụ thảm sát này, ngoại trừ một chỉ huy cấp trung đội là William Calley bị tuyên án chung thân, nhưng chỉ 1 ngày sau, Tổng thống Mỹ ra lệnh ân xá và Calley chỉ phải chịu quản thúc tại gia 3 năm rưỡi.)

Bức tranh trở về Tây Ban Nha vào tháng 9/1981, đầu tiên được trưng bày đằng sau những tấm kính chống bom và chống đạn tại Casón del Buen Retiro ở Madrid đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Picasso (25/10/1881 - 25/10/1981). Triển lãm đã thu hút gần một triệu người đến tham quan trong năm đầu tiên.

Năm 1992, bức tranh được chuyển từ Museo del Prado (Bảo tàng quốc gia lớn nhất của TBN) đến Bảo tàng Reina Sofia – nơi được coi là “bảo tàng chị em” của Prado chuyên về mảng nghệ thuật hiện đại thế kỷ 20 trong nhiều tranh cãi. Những người theo chủ nghĩa dân tộc xứ Basque đã ủng hộ việc đưa bức tranh đến Xứ Basque, đặc biệt là sau khi xây dựng Bảo tàng Guggenheim Bilbao nhưng các chuyên gia của Reina Sofia cho rằng bức tranh quá “mong manh” để di chuyển đi bất kỳ đâu.

Gia đình triệu phú Rockerfeller đã đề nghị mua lại bức tranh gốc nhưng Picasso từ chối, sau đó, Nelson Rockerfeller đã cho làm tấm thảm Guernica với sự cho phép của Picasso và được trưng bày lần đầu tiên từ năm 1985 và cho Liên Hợp Quốc mượn. Sau nhiều biến đổi, tới tháng 2/2022, nó được đưa trở lại bức tường bên ngoài Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ở New York và “đôi khi” bị che đi khi quan chức Mỹ phát biểu trước cơ quan này về các cuộc chiến như Iraq, ...

Ngày nay, bức tranh có thể nói, vẫn là bức tranh được chiêm ngắm nhiều nhất tại Bảo tàng Reina Sofia. Mỗi ngày, có hàng ngàn người xếp hàng nhiều tiếng đồng hồ để tới ngắm bức tranh này – mà đôi khi – không phải vì những gì họ có thể “phân tích” được từ nó – mà vì câu chuyện của nó chứa đầy những biến cố lịch sử và là những lời nhắc nhở con người về sự có thể biến mất của những gì tốt đẹp: Tình mẫu tử, tuổi thanh xuân, đời sống thanh bình, giá trị văn hoá,... khi cuộc chiến xảy đến. Và đằng sau đó, còn là câu hỏi về tư cách, quan điểm và trách nhiệm của nghệ sĩ, của tác phẩm,... trước những biến động của đời sống. Từ sau Thế chiến 1, những cuộc thế chiến giữa các quốc gia và những cuộc nội chiến vẫn tiếp tục trong 87 năm qua từ khi tác phẩm ra đời, cũng có thể trả lời cho sự “lãng mạn” hay “ngây thơ” của người nghệ sĩ về kỳ vọng thể hiện quan điểm qua tác phẩm; nhưng nghệ thuật có bao giờ mà không “ngây thơ” và “lãng mạn”? Và chẳng phải mọi phát minh trên thế giới này như chiếc máy bay đưa ta đi xa, chiếc phi thuyền đưa ta tới mặt trăng, những chiếc điện thoại kết nối con người giữa bao nhiêu châu lục,... và cả những nền văn hoá của con người... đều xuất phát từ sự “ngây thơ” và “lãng mạn” hay sao?

Madrid 4.24

Phạm Thị Điệp Giang

Hình: Tác phẩm Guernica người sưu tập chụp tại Bảo tàng Reina Sofia (Madrid) tháng 4/24; các phần “Tái bút” (P/S) sau khi tác phẩm Hai hình nhỏ: (trái) “Đầu người phụ nữ và chiếc khăn tay” Picasso vẽ thêm cho Guernica vào tháng 6/1937; (phải) một chi tiết của bức Guernica.

TÁC GIẢ: Phạm Thị Điệp Giang là một nhà sưu tập hội họa và mỹ thuật đam mê và quảng bác. Tác phẩm vừa xuất bản: Ghi chép của một nhà sưu tập, 232 tr., Nhà xuất bản Mỹ Thuật, 2023.

NGUỒN: Tác giả gửi từ Madrid cho Diễn Đàn ngày 29.4.2024

Nguồn PTKT đăng lại: GUERNICA Chiến tranh và Hoà bình, DienDan.Org, 30.4.2024

Print Friendly and PDF